Con đường viết của tôi (3): Sự “hay” muôn vẻ, chi bằng cứ đúng lòng mình

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

“Hay” là một khái niệm rất chung chung. Đọc một áng văn tuyệt mỹ, anh bảo hay, tôi bảo dở, âu cũng là lẽ thường tình. Hay dở cũng như xấu đẹp, tùy vào trình độ cao thấp, và thói quen tư duy của người tiếp nhận. Bàn về lẽ hay dở, tôi đặc biệt tâm đắc với lời than của Hàn Phi Tử hơn hai ngàn năm về trước: “…lời nói thuận xuôi, trơn bóng, đẹp đẽ, văn vẻ thì bị xem là hoa mỹ mà không thật; lời nói thuần hậu, cung kính, cương trực, thận trọng thì bị xem  là vụng về mà không thứ tự; lời nói nhiều dẫn chứng, nhiều  tỉ dụ thì bị xem là trống rỗng mà vô dụng; lời nói tóm lược các điểm nhỏ và trình bày đại cương nên vắn tắt mà không tô điểm thì bị xem là giản tỉnh và không minh biện; lời nói thân mật và trúng tình người thì bị xem là tiếm mà không khiêm nhường; lời nói rộng rãi lớn lao, xa vời không lường thì bị xem là ngoa mà vô dụng; lời nói vụn vặt về chuyện trong nhà trong cửa, kể từ con số thì bị xem là thô lậu; lời nói gần đời mà giọng không bạo nghịch hì bị xem là tham sống mà siểm nịnh bề trên; lời nói xa thói tục, khác người thường thì bị xem là quái đản; lời nói mẫn tiệp, hùng biện có nhiều văn vẻ thì bị xem là không thật; lời nói không văn hoa chỉ trình việc thật thì bị xem là quê mùa, lời nói thường kể kinh Thi, kể phép tắc người xưa thì bị xem là lời kẻ tụng sách… Bởi vậy cho nên dụng cụ đo lường tuy trúng, cũng chưa chắc được theo, nghĩa lý tuy hoàn mỹ cũng chưa chắc được dùng…”. Viết hay đến mấy mà không tìm được người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với mình cũng kể như là tự mình thấy sướng cho bản thân mình mà thôi. Thế thì làm sao để viết “hay”, và lấy tiêu chuẩn gì làm thang đo cho cái sự “hay”?

Hay, có thể là do bài viết chạm tới vấn đề mà số đông quan tâm, dùng biện luận hoặc lối nói hài hước để thuyết phục. Hay, cũng có thể là chạm tới thẳm sâu trong tâm hồn người đọc. Hay, biết đâu lại nằm trong việc tạo ra sự mới lạ độc đáo mà người khác không thể bắt chước được. Hay với đại đa số đám đông chỉ là những trò múa máy câu chữ để thôi miên độc giả. Hay muôn vẻ lắm, nhưng trước khi đạt được đến sự hay, tối thiểu hãy viết một cách đúng đắn. Bản thân sự đúng đắn có cái hay của nó.

Viết đúng đắn có thực sự khó khăn tới vậy không? Không! Viết đúng đắn rất đơn giản, nhưng những kẻ bất lương trong nghề viết lại luôn cảm thấy viết đúng đắn là điều vô cùng khó khăn. Yếu tố căn bản để viết đúng đắn đó là “Nói có sách, mách có chứng”. Tức là, khi bạn đưa ra bất cứ một nhận định gì về tình trạng xã hội, bạn cần phải có bằng chứng và cơ sở rõ ràng, không thể bạ đâu phang đấy. Một bài viết vu vơ của bạn trên mạng có thể gây hại cho tâm trí của người khác, giống như một quân domino khi đổ có thể tạo ra hiệu ứng phá hủy hơn mức bạn nghĩ. Một thông tin bạn đưa ra khi chưa có kiểm chứng hoặc chưa chắc chắn đúng có thể tạo ra một niềm tin sai lầm cho cả đám đông và người  Một yếu tố quan trọng không kém đó là thật với lòng mình. Lòng mình không hẳn do mình quyết định mà do đủ các yếu tố bên ngoài tác động vào: từ truyền thống đến truyền thông, từ ám ảnh quá khứ đến những kỳ vọng tương lai. Nên thật với lòng mình không phải chỉ là “yêu ai cứ bảo là yêu/ ghét ai cứ bảo là ghét”, mà còn phải biết được cái lẽ yêu ghét của mình do cái gì chi phối.  Vậy nên, phải có bản lĩnh, phải có trí tuệ mới có thể “thật với lòng mình”. Đảm bảo được “viết đúng”, rồi bạn hẵng bàn đến “viết hay”.

Cái hay tuy không thể định nghĩa rõ ràng, nhưng có thể xem xét được tại sao một bài viết ta có thể đánh giá là hay. Khi đọc một bài viết “hay”, ta có hai trạng thái, hoặc là cái “hay” đấy phù hợp với não trạng của chúng ta, hoặc là cái “hay” là cái đột phá mà ta chưa từng nghĩ tới. Việc lựa chọn cái hay nào cũng tùy thời điểm, tùy độ tuổi, không thể lường trước. Ngay lập tức chọn kiểu “hay” này mà phủ nhận kiểu “hay” khác thì e rằng chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để mở mang tâm trí. Tuy nhiên, dù kiểu “hay” nào đi chăng nữa thì văn bản viết cũng cần phải phù hợp với học thức của người đọc. Một đứa trẻ mới học cấp 1 thì không thể thấy kịch Faust là hay, bởi nó không đủ kiến thức để hiểu các từ ngữ, không đủ trải nghiệm cuộc sống để hiểu các dằn vặt tâm lý, không đủ nhận thức xã hội để giải mã các ẩn ngữ bên trong… Và đương nhiên, một người đọc đủ các sách kinh điển với vốn kiến thức và hiểu biết rộng lớn, tự nhiên sẽ thấy những cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh đang bán đắt khách hàng đầu kia là nhạt nhẽo. Nếu không có độ tương thích về vốn kiến thức và hiểu biết, người ta khó có thể thấy một văn bản là hay. Ấy chính là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” vậy.

Để đạt được cái “hay”, khó có thể hướng dẫn nhau. Hướng dẫn ai đó viết văn hay thực ra chỉ là hướng dẫn người ta cách lừa gạt thiên hạ. Điều quan trọng, suy cho cùng, tôi vẫn cho rằng, viết cho đúng mới thực là điều quan trọng. Một văn bản viết cho đúng đắn cũng đủ để không thẹn với người, không thẹn với mình. Lời đúng đắn thì chẳng nhất thiết phải suy tính trước sau mệt thân mệt não đắn đo như Hàn Phi Tử. Thời đó, Hàn Phi Tử còn sợ Tần Thủy Hoàng phật ý mà chém đầu chứ thời nay có ai chém đầu chúng ta đâu.

Với những người chưa có nhiều kinh nghiệm viết, chưa có kiến thức phong phú thì nên lấy sự đúng đắn là điều tâm niệm. Khi đặt viết điều đúng đắn làm trọng thì viết không còn là sự giãi bày nữa mà tự nhiên trở thành một phương thức để luyện tâm luyện trí, vừa mở rộng hiểu biết lại vừa nhận thức bản thân rõ hơn. Viết điều đúng đắn dần dần sẽ khiến chúng ta thấy chán ngán những sự bay bướm vô nghĩa hay những thủ thuật truyền thông khéo léo, dần dần chúng ta cũng nhận ra được những gì là chân giá trị trong cuộc đời, những gì chỉ là phù phiếm thoảng qua. Các cụ xưa nói, “văn chính là người”, vậy thì hãy làm người đúng đắn viết điều đúng đắn.

Hà Thủy Nguyên