Vị thần không tên

Chúng ta chẳng bao giờ hiểu được tại sao đôi khi chúng ta lại có những trạng thái điên rồ được gọi tên bằng “cảm xúc”, bởi vì đó là một điều huyền bí… mà những điều huyền bí thì có bao giờ hiển hiện một cách rạch ròi để ta có thể chạm vào đâu. Và cũng một cách huyền bí, lời lý giải cho những trạng thái ấy đã được kể lại. Tuy nhiên, chẳng ai tin câu trả lời ấy cả và khi người ta càng không tin thì nó lại càng huyền bí. Mỉa mai vậy đấy!

Câu trả lời đơn giản thế này thôi, đơn giản nên người đời không tin thì cũng dễ hiểu: Những vị thần đã xúi bẩy chúng ta đấy. Câu trả lời này đã cũ mèm, chúng ta đã nghe về nó quá nhiều… Họ – kẻ thì làm chúng ta phấn khích; kẻ thì đẩy ta vào nỗi đau đớn, dằn vặt; kẻ thì đem đến cơn cuồng nộ không thể kiểm soát… tất cả… tham lam, say đắm, thù hận…  đâu thuộc về chúng ta. Chúng ta chỉ là những con rối cho họ giật dây và họ có vẻ thích thú lắm với công việc dã man này. Nhưng sự mê hoặc của họ cũng thật kinh khủng bởi chúng ta lại quá quen thuộc với loại ma thuật này tới mức không thể nào sống mà thiếu chúng.

Trong thế giới của các vị thần cảm xúc ấy, một ngày bỗng ra đời một nữ thần. Nàng không thể khóc, không biết cười, cũng chẳng biết tức tối. Trên khuôn mặt của nàng chỉ có một vẻ bình thản đến kì lạ trước mọi sự. Và với khuôn mặt ấy, nàng có thể làm chủ trạng thái cảm xúc nào của thế giới loài người? Nàng không biết và tất cả các vị thần cũng không thể giúp gì hơn. Nàng bay lượn cùng họ trong không trung và chứng kiến họ tung hứng tinh thần của con người như một quả bóng. Nàng chẳng thấy thích thú gì với trò chơi này và bắt đầu nàng thấy rõ một điều rằng hình như nàng không thuộc về nơi này. Sự ra đời của nàng có lẽ là một sai số của tạo hóa. Nhưng nếu như sự ra đời phải có một ý nghĩa nào đó thì có thể ý nghĩa của nàng không nằm ở đây…

Đôi khi, nàng thấy những con người kêu lên bởi không thể chịu đựng được những trò đùa này, nàng định lên tiếng để giúp họ xoa dịu nỗi đau, nhưng những vị thần khác ngăn nàng lại. Vị thần của Lo Lắng nghiêm trọng khuyên bảo:

  • Này em, đừng bao giờ đáp lại lời của người trần thế?
  • Tại sao ạ? – Nàng nhìn vị thần thắc mắc.
  • Khi em đáp lại lời của họ, em sẽ mất đi sự thần thánh của mình… Em sẽ trở thành người trong số họ…
  • Nhưng bi kịch hơn… – Vị thần Buồn Rầu lên tiếng – Đó là chúng ta không thể chết sau đó. Chúng ta bất tử mà…
  • Thì sao chứ? – Nàng vẫn không hiểu tại sao điều ấy lại quan trọng đến thế…
  • Vì nếu em không chịu nổi cảnh làm người, em chỉ có thể cầu xin đấng Tạo Hóa để em ở dưới Địa Ngục.

Họ lại cho nàng một bài thuyết giảng về Địa Ngục mà khổ lắm, đã có ai xuống đến Địa Ngục đâu kia chứ. Nàng thấy làm thần hay làm người thì có gì khác biệt nhau? Những kẻ cả đời làm con rối và những kẻ cả đời làm mỗi một việc là điều khiển lũ rối mà chẳng hiểu tại sao mình phải làm điều đó. Nhưng vì nghe quá nhiều, dần dần nàng cũng quên mất sự tò mò, nàng cũng mặc định tin rằng nàng thực sự thuộc về thế giới các vị thần.

Một hôm, nàng nghe các vị thần kháo nhau chuyện lạ lắm. Ở một thành phố của những cơn mưa có một chàng trai dường như trái tim của chàng vô cảm. Mọi lời thì thầm xúi bẩy của các vị thần vô dụng với chàng. Điều này khiến nàng động tâm. Có một kẻ không chịu làm con rối sao? Nàng vội vã theo sau các vị thần để đến xem thử xem chàng có thật sự kỳ diệu như vậy hay chăng?

Lúc ấy, chàng đang nằm trên một căn gác xép nhỏ. Trời mưa bão ầm ầm bên ngoài ô cửa sổ. Các vị thần Lo Lắng, Sợ Hãi xung phong tấn công chàng dồn dập, vô ích! Chàng vẫn nằm im một cách lười biếng, đôi mắt dõi xa xăm nhìn ra màn kính ràn rụa nước mưa. Lúc ấy một bản nhạc với tiếng violon buồn réo rắt làm lay động không gian. Đó là lúc cho vị thần Buồn Rầu khiêu vũ… Ma thuật của Buồn Rầu đáng sợ lắm, thần đã khiến biết bao nhiêu người chìm đắm không thể nghe thấy bất cứ tiếng thì thầm nào khác, thậm chí đến mức họ không thể chịu đựng thêm nữa, chỉ có thể tìm đến với cái chết để trốn chạy. Thật buồn cười, thế mà nhiều kẻ ngốc vẫn nghĩ rằng con người không được lựa chọn lúc họ sinh ra vậy thì họ sẽ tự lựa chọn cái chết như một sự khẳng định. Họ biết đâu họ bị xô đẩy bởi một thế lực vô hình. Lần này thì… vị thần Buồn Rầu trông lại càng buồn rầu hơn bởi chàng vẫn đủ tỉnh táo để thốt lên:

  • Kỹ thuật của tay violon này thật là điêu luyện. Nhưng nghe chỉ thấy độc một nỗi buồn, thật là nhàm chán…

Vị thần Tức Giận cắt ngang, xông vào một cách vô duyên. Vô ích thôi, Tức Giận phải có duyên cớ. Chàng giận cái gì đây khi chẳng có một cảm xúc nào có thể động được đến chàng. Các vị thần Phấn Khích, Vui Vẻ cũng đua nhau kích động chàng nhưng chàng chẳng buồn nhếch mép bởi có lẽ tâm hồn chàng đang tan lẫn giữa tiếng mưa rơi miên man, bất tận.

Vị nữ thần không tên nãy giờ đứng quan sát tất cả và nàng thấy một điều gì đó lạ lắm đang chuyển biến bên trong nàng. Sự lay động trong hơi thở của chàng khiến nàng bị rung lắc nhẹ nhàng tựa một bản nhạc êm đềm. Hơi thở nàng như một thỏi nam châm hút nàng lại gần. Khác hẳn với mọi lần nàng chỉ đứng xa và giương to đôi mắt ra nhìn thì giờ đây nàng chẳng nhìn thấy bất cứ điều gì nữa. Và lúc này, các vị thần khác lại trở thành những kẻ ngoài cuộc vô dụng.

Trời tạnh mưa dần, chàng nhổm người dậy đứng ra cửa sổ. Bên ngoài con người bắt đầu nhào ra ngoài đường như một lũ điên cuồng, chàng lắc đầu ngồi phịch xuống giường. Và cơn độc thoại bắt đầu:

  • Ôi loài người… loài người… Họ thật dễ bị lôi kéo bởi mọi thứ của thế giới này. Sao ta chẳng thể giống họ? Sao họ chẳng thể giống ta? Khi ta vội vã thì họ lờ đờ như những con sên chậm chạp, khi ta bình lặng thì họ lại như bị thú dữ đuổi sát sau lưng. Đôi khi ta tự hỏi không biết mình có thực sự thuộc về thế giới này hay không nữa?…

Đoạn độc thoại khiến nữ thần tựa như chẳng thể kìm giữ được lời nói của mình nữa. Nhưng lời nhắc nhở của các anh chị em khiến nàng ngưng lại. Nếu lên tiếng, nàng sẽ không còn là một vị thần nữa, nàng sẽ chỉ là con người trần thế… Ôi mà nào có sao… Đằng nào nàng cũng có thuộc về thế giới của các vị thần đâu. Ở đó nàng là một kẻ vô dụng, một kẻ lạc loài.

  • Việc chàng thuộc về loài người hay không quan trọng đến thế sao?

Nàng đột ngột đáp trả! Tất cả các vị thần không kịp ngăn lại, chỉ có thể thốt lên những tiếng kêu vô vọng.

 

Chàng trai giật mình quay lại đằng sau bởi giọng nữ thánh thót hoàn toàn xa lạ. Ôi chao, chàng ngây ngất bởi đôi mắt mơ hồ của nàng. Đôi mắt ấy dường như đang dõi đến một chân trời nào đó rất xa, nhưng tiếc thay làm gì có một đường chân trời đích thực, chỉ hoàn toàn là ảo giác. Từng bước, từng bước chàng tiến lại gần và đôi mắt vẫn không rời đôi mắt. Chàng nghe thấy tiếng thở phập phồng luân chuyển trong từng mạch máu của nàng.

Và trong giây phút ấy, nàng bắt đầu nhận ra trái tim của mình đang đập. Một sự si mê tràn ngập cơ thể nàng, một cảm giác ấm áp bao vây lấy không gian xung quanh nàng và một giai điệu  thần diệu đang tràn ngập tâm trí nàng. Nàng biết rằng giờ đây nàng chỉ là một con rối, nhưng nàng chấp nhận để bị giật dây bởi cảm giác này thật tuyệt vời biết bao nhiêu…

Bên ngoài căn phòng, thế giới vẫn xoay vần… Trong căn phòng, hai kẻ cô đơn trong thế giới của mình bỗng nhiên gặp được nhau. Chàng trai trẻ bỗng nhiên có một sự phấn khích và hăng hái lạ kì bởi nàng là người duy nhất có thể mỉm cười với những ý tưởng điên rồ của chàng.

  • Chàng sinh ra đã là một kẻ khác biệt đến vậy, thế thì cứ tiếp tục làm những gì khác biệt hơn nữa đi! Điên rồ thì đã sao! Vô ích thì đã sao! Chàng thích là được mà…

Nàng đương nhiên sẽ khuyên chàng như vậy rồi! Bởi nàng đã làm một việc điên rồ là rời bỏ thế giới thần kỳ và huyền bí của mình để được ở bên chàng. Vậy thì có điều điên rồ nào nàng không thể chấp nhận được nữa đây.

Nhưng nàng đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Bởi khi cơn phấn khích đã được kích hoạt, bỗng nhiên chàng say sưa thế giới này một cách lạ kỳ. Chàng bắt đầu đi ra ngoài và thấy mọi thứ bỗng nhiên thật đẹp đẽ: Một cơn mưa, một tia nắng, một cuộc tranh đua của sinh tồn, một lần say sưa trong mộng ảo… thậm chí vàng, bạc, châu báu, những phát minh của con người cũng kích động chàng.

Những lời khích lệ của nàng không còn cần thiết nữa! Chàng đã đủ điên rồ rồi! Điên rồ tới mức những kẻ ngày xưa xa lánh chàng giờ đây quay sang ngưỡng mộ chàng như thần tượng. Nỗi cô đơn trở thành một thứ thừa thãi. Chàng sợ cả cái cảm giác vắng lặng trong căn gác xép nhỏ năm nào, chàng đưa nàng về một lâu đài với biết bao gia nhân phục vụ và bao khách khứa sẵn sàng góp vui để nhìn thấy nụ cười của nàng. Nụ cười của nàng dễ khiến người ta cảm giác thấy sự đồng cảm. Nhưng đó là điều xa xỉ bởi càng ngày nàng càng ít cười hơn. Có lẽ thế giới này cũng đủ sự điên rồ rồi. Còn có gì đáng để mỉm cười nữa đâu?

Nàng ít cười hơn, khách khứa cũng dần xa lánh, và chàng thì lại cần có họ biết bao. Những người khách và chàng liên tục cần các cuộc phiêu lưu để thấy rằng mình có một ý nghĩa nào đó trong thế giới này. Và lúc này vị thần Buồn Rầu tìm đến khuấy đảo nàng. Trái tim yếu đuối của nàng làm sao có thể chịu đựng nổi nỗi buồn nhức nhối và xoáy sâu như vết kim đâm. Hình ảnh của những người tìm đến cái chết bỗng xuất hiện trong ký ức nàng. Phải rồi! Phải rồi! Chỉ có cái chết mới cứu nàng thoát ra khỏi nỗi buồn. Nàng lao mình khỏi ô cửa sổ của tòa lâu đài cao ngất giữa đêm mưa.

Mặt đất đây rồi và trên kia bầu trời cứ xa dần, khung cửa sổ cứ mờ dần… Mỉa mai thay, nàng vốn dĩ là một vị thần bất tử thì làm sao có thể chết. Ôi nỗi buồn quỷ quái tan theo mây gió. Và giờ đây trong lòng nàng tràn ngập một nỗi mênh mang. Nàng cũng không hề thuộc về thế giới của chàng. Nàng là ai? Nàng thuộc về đâu? Đến bây giờ nàng cũng không hề có nổi một cái tên… Bất tử trong trạng thái này thật là một điều đau khổ. Ôi giờ thì nàng trở thành con rối trong tay vị thần Đau Khổ. Những khuôn mặt thích thú của anh chị em nàng khiến nàng rùng mình sợ hãi. Đúng là nàng không hề thuộc về thế giới của họ rồi, bởi nếu có thì họ đã thương cảm mà không chơi đùa với số phận của nàng như vậy!

  • Con xin đấng Tạo Hóa hãy cho con được xuống Địa Ngục… Có lẽ Địa Ngục là chỗ duy nhất còn lại mà con thuộc về.

Đất trời rung chuyển, nàng rơi tõm vào hư vô. Đấng Tạo Hóa đã nghe thấy lời nguyện cầu của nàng. Khi mở mắt tỉnh dậy, ôi chao, một không gian vô định hình toàn màu đen. Nàng cất tiếng gọi… nàng còn chẳng nghe thấy tiếng nàng. Có vẻ như ở đây chẳng có ai cả vì thế mà giọng nói của nàng trở nên không cần thiết. Nhưng nếu tất cả đều là màu đen thì đôi mắt của nàng còn có ý nghĩa gì? Nàng ngẩng đầu lên để tìm chút ánh sáng (có lẽ vậy mà đôi mắt vẫn tồn tại). Trên kia có người, ra thế. Nàng nhìn thấy những bước chân của con người đang đi lại giữa mênh mông. Từ bên dưới, nàng có thể nhận ra đôi chân của người đang chán nản, đôi chân của người đang vui đời. Nàng cố rướn người với lên thật cao nhưng cõi người ấy cứ xa mãi… Nàng lại gồng hết sức hét thật to nhưng ai là người có thể nghe thấy tiếng vọng từ một nới sâu thẳm như Địa Ngục cơ chứ?

Nàng chợt sững người lại. Bước chân của chàng, không thể lẫn vào đâu được. Chàng đang leo lên một núi đá. Và kìa chàng đã tới đỉnh. Từ dưới này nàng có thể nhìn thấy nụ cười nở trên môi chàng khi chàng cúi xuống nhìn thế giới không hạn định ở phía dưới. Trông chàng thật yêu đời biết bao. Nàng ngồi nhẹ xuống, ôm chặt lấy hai gối và mắt vẫn ngước nhìn lên. “Chỉ cần chàng yêu đời là được và chàng hãy quên ta đi… Thế giới con người nên quên ta đi… Ta là thứ con người sợ hãi nhất và vì thế ta không có lý do gì đáng để tồn tại. Ta có thể đồng cảm với sự cô đơn của họ, nhưng khi họ không còn cô đơn nữa thì họ sẽ trốn chạy ta. Trốn chạy cũng phải thôi, chính ta còn sợ bản thân mình cơ mà… Ôi, đến giờ ta mới biết mình có tên là Cô Đơn…”

(8/2012)

Hà Thủy Nguyên

Trích từ tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”

“Dead Poets Society” – Thi ca, tự do và niềm đam mê

Tôi xem “Dead Poets Society” (Tên Việt: “Cộng đồng những nhà thơ chết”, “Hội thi nhân quá cố”, “Cộng đồng thi sĩ quá cố”) cách đây 5 năm. Lúc ấy, tôi đã chán nản với văn chương, bởi nghĩ thầm “Thời nay ai mà đọc văn chương” nữa và nghĩ rằng có lẽ mình nên chấm dứt con đường ấy của mình. Thế nhưng,  tình cờ, bật TV lên trong một ngày  nhạt nhẽo, tôi đã gặp bộ phim này với gương mặt của người diễn viên tôi yêu thích – Robins William. Bộ phim tạo ra một không gian văn chương mà ở đó nhân vật chính là thầy dậy văn chương Anh John Keating và những cậu học trò trẻ tuổi. Bằng một tình yêu văn chương say đắm của mình, thầy Keating đã đánh thức khả năng cảm nhận văn chương, sự say mê cuộc đời và tinh thần tự do ở những chàng trai trẻ.

Ấn tượng đầu tiên khi nhìn những chàng trai trẻ trong phim đó là vẻ ngoài ngây thơ, ngơ ngác mà ẩn chứa một lòng khao khát, tò mò đến mức hồi hộp. Trong đầu tôi lập tức bật lên mấy câu thơ của Huy Cận:

“Chân non dại ngập ngừng từng bước nhe

Tim run run trăm tình cảm rụt rè

Tuổi mười lăm gấp sách lại, lắng nghe

Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp”

(“Tựu trường”)

Những gương mặt ấy, mở đầu phim, phải tỏ ra nghiêm túc để nghe về những điều luật của trường học, phải ngoan ngoãn một cách chán nản để theo học tiếng Latin, Toán học, Hóa học… Những chàng trai trẻ ấy khi vì ký túc xá dù vui vẻ với nhau những cũng thu lại mỗi người một góc riêng, kìm hãm giấc mơ của mình để vừa lòng bố mẹ. Giữa những chuỗi ngày ấy, thầy Keating đã xuất hiện với một chân dung khác hẳn. Keating khiến cho tất cả những người học trò ấy đều cảm thấy kỳ quặc vì thầy vừa đi vừa huýt sáo, thầy bắt học trò gọi mình là “O Captain! My Captain” (Tên một bài thơ của Walt Whitman). Hơn thế nữa, Keating ngay từ buổi đầu tiên đã truyền cảm hứng cho những học trò của mình một thông điệp: “Carpe, carpe diem, seize the day boys, make your lives extraordinary.” (“Carpe, Carpe diem, nắm bắt từng ngày hỡi các chàng trai, hãy biến cuộc đời của các em trở nên phi thường)

Đỉnh điểm của sự kỳ quặc, đó là khi Keating gọi đống lý thuyết văn chương sử dụng để đo đạc “độ hay của tác phẩm” được viết trong sách giáo khoa là “bullshit” giữa lớp và bắt học sinh phải xé tan nát chúng. Tất cả các học sinh đều vô cùng ngỡ ngàng, sợ hãi xen lẫn thích thú. Xem chừng, cái cảm giác muốn đập tan mọi khuôn khổ của trường học đều nằm sâu bên trong các chàng trai trẻ. Không chỉ có vậy, thầy Keating thúc đẩy tính cá nhân và sự tự do của những cậu trai trẻ bằng việc cho họ tập đi tự do. Đi tự do theo cách của mình, kể cả đó là cách ngớ ngẩn, chính là một trong những phương pháp để đập phá khuôn khổ vốn dĩ đã được cài đặt vào não trạng của học sinh bằng thói quen xếp hàng. Đến đây, tôi lại nhớ đến video clip “Another brick in the wall” của Pink Floyd. Trong clip ấy, những em bé học sinh phải đi theo hàng, bước đều bước trên một cỗ máy. Keating còn khuyến khích học trò của mình trèo lên bàn để nhắc nhở học trò rằng cần phải nhìn thế giới theo nhiều cách khác nhau. Đó chính là khởi nguồn của sự bất tuân. Phải chăng, chỉ những con người bất tuân mới có thể cảm nhận được văn chương và thi ca.

Trong không khí kỳ quặc đến phi thường ấy, khi những cậu học sinh đã được trải nghiệm cảm giác thoải mái, tự do, đó là lúc Keating nói về thi ca. Ông không đọc văn chương bằng thứ giọng chán ngắt mà biến tấu giọng dựa trên nhịp điệu cảm xúc của tác phẩm. Ông để những đứa trẻ vừa đá bóng, vừa nghe giao hưởng, vừa đọc thơ. Ông ngấm ngầm chuyển cho học trò cuốn sách ghi chép lại những vần thơ hay của William Shakespeares, Henry David Thoreau, Walt Whitman, Paoblo Neruda… Vậy là những chàng trai trẻ cứ đêm đêm đến một hang động, đọc thơ và thổi saxophone cho nhau nghe bên ngọn lửa. Có lẽ, đây là những giây phút vui vẻ nhất, say đắm nhất, tự do nhất của những chàng trai. Và lẽ đương, một khi đã quen với say đắm, với tự do, làm sao có thể chấp nhận được những khuôn khổ ngớ ngẩn và chán ngắt.

Những chàng trai “tim non dại” ấy đã nổi loạn. Không phải biểu tình đập phá. Sự nổi loạn đơn giản chỉ là sống hết mình. Khi một chàng trai dám đi theo giấc mơ diễn kịch của mình chứ không muốn làm kỹ sư, bác sĩ, đó là nổi loạn. Khi một chàng trai dám vượt qua mọi khó khăn cản trở để đến với người mình yêu, đó là nổi loạn. Khi một chàng trai dám cất lên tiếng dữ dội từ sâu thẳm bên trong mình, đó chính là nổi loạn. Đúng như lời giảng của thầy Keating: “Các chàng trai, các em phải cố gắng tìm kiếm tiếng nói riêng của mình. Bởi vì còn chờ gì nữa mà không bắt đầu, không thể chắc chắn rằng sau này các em còn có thể tìm thấy. Như Thoreau nói: “Hầu hết những người đàn ông đều sống trong sự yên tĩnh đến tuyệt vọng” Đừng chần chừ nữa! Hãy phá tung!”

Qua bộ phim, chúng ta có thể tìm thấy cho mình câu trả lời về mục đích thật sự của văn chương, mà thi ca là một phần trong đó. “Chúng ta không đọc thơ viết thơ vì nó dễ thương. Chúng ta đọc thơ và viết thơ bởi vì chúng ta là thành viên của loài người. Và loài người được lấp đầy bởi đam mê. Và Y học, Pháp luật, Kinh doanh, Kỹ thuật đều là những đeo đuổi cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, tình yêu, đó là những gì xứng đáng để  ta sống vì chúng. Một trích dẫn từ Whitman: “Ồ tôi, ồ cuộc sống!… trong những câu hỏi lặp đi lặp lại, của đoàn tàu vô tận không có niềm tin… của những thành phố đầy những kẻ ngốc, có gì tốt đẹp ở đây. Ồ tôi, ồ cuộc sống?” Đó chính là câu trả lời. Giờ thì các em đang ở đây, cuộc sống luôn tồn tại và có bản sắc riêng, hãy mạnh mẽ lên và các em sẽ góp vào đó câu thơ của mình. Thế đó, mạnh mẽ lên và góp vào câu thơ của mình. Câu thơ đó sẽ là gì?” Mục đích cao nhất của văn chương, theo những gì thầy Keating dậy, không phải sự cứu rỗi, mà là thúc đẩy. Không phải ve vuốt sự nhân văn giả dối mà mở rộng các phạm vi của nhân tính, chắp thêm đôi cánh cho con người để bay tới tự do. Và bởi thế, các thế lực muốn kiểm soát xã hội không bao giờ muốn văn chương được cất lên tiếng nói của mình. Giáo hội Công giáo đã từng coi văn chương và nhiều ngành nghệ thuật khác là quỷ dữ cần bị bài trừ. Cách mạng văn hóa Trung Quốc đã tiêu diệt văn chương bằng bần cùng hóa và tra tấn tinh thần. Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm và Xét lại ở Việt Nam đã đẩy văn chương đích thực vào tù ngục, bị cô lập và tẩy chay. Đến nay, văn chương tưởng như đã an toàn. Không, truyền thông đã đẩy văn chương vào một xó, rẻ rúng nó, làm nó biến chất thành một thứ quái vật. Nhưng không, văn chương vẫn cứ là văn chương. Và truyền thông lại ca ngợi những thứ mạo nhận văn chương.

Tác giả kịch bản của bộ phim “Dead Poets Society” hẳn phải thấm thía thân phận của văn chương một cách sâu sắc. Sau tất cả những giây phút đam mê nhất, đẹp đẽ nhất, là cái chết của một chàng trai trẻ đã dám nổi loạn đi theo tiếng gọi của nghệ thuật. Cậu chết bởi cảm thấy rằng cuộc đời này sẽ không cho phép cậu được cất lên tiếng nói bay bổng của riêng mình. Rằng cuộc đời này sẽ trói buộc cậu trong trật tự xã hội. Và một con người, nếu không thể là chính mình thì còn sống làm gì nữa!

Còn Keating, người thầy say mê với văn chương ấy bị đuổi khỏi trường học. Lần gặp mặt cuối cùng của Keating với những người học trò của mình, ông bước đi trong buồn bã. Nhưng rồi, tiếng gọi “O captain my captain” vang lên. Những người học trò của ông đã đứng lên bàn, như một lời chào từ biệt, như một lời hứa hẹn rằng: Chúng em sẽ không quên những điều này! Chúng em sẽ nhìn thế giới theo nhiều cách khác nhau! Chúng em sẽ không cúi đầu! Chúng em sẽ có một cuộc sống phi thường!

Hà Thủy Nguyên