Tôi vs Kim Dung hay những kỷ niệm về một thời “luyện chưởng”

Năm lớp 3, lần đầu tôi được biết đến tiểu thuyết chương hồi qua “Thủy hử”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”… Thế giới kỳ vĩ của tiểu thuyết chương hồi đã đánh bật tất cả những cái đau nhè nhẹ của tiểu thuyết Pháp mà tôi mới đọc hồi ấy như “Không gia đình”, “Trà hoa nữ”, “Bá tước Monte Cristo”… Tôi say sưa nhiều năm trong thế giới ấy, đọc đi đọc lại cho tới khi đọc… Kim Dung.

Tôi còn nhớ đó là năm lớp 7, khi tôi bị tai nạn gẫy chân, lúc nào cũng ngồi một chỗ trong lớp. Mấy cậu bạn trai dấm dúi chia nhau tiền để thuê “Tiếu ngạo giang hồ” đọc, rồi chém gió có vẻ đắc chí lắm, tôi bèn đọc ké… và bị Kim Dung ám từ hồi ấy. Khỏi chân rồi, tôi lê la ra hàng thuê truyện cũ để đọc hết quyển này quyển khác của Kim Dung: “Thiên long bát bộ”, “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu hiệp lữ”, “Ỷ thiên đồ long ký”, “Tuyết Sơn phi hồ”… và cuối cùng là “Lộc Đỉnh ký”. Thế là đi tong năm lớp 7 và lớp 8, chuyện học hành là phụ, Kim Dung là chính: những buổi trưa bán trú trùm chăn giả vờ ngủ trốn cô giáo chủ nhiệm để đọc, những buổi đêm trốn lên gác xép để không bị mẹ nghi ngờ là thức khuya “luyện chưởng”, những lúc trốn học thêm để ngồi lê la ngoài hàng thuê truyện tiết kiệm tiền đặt cọc… Bài giảng của cô giáo cố hiểu hết trên lớp, bài tập về nhà cố làm hết trong giờ ra chơi với giờ ăn trưa, để còn rảnh rang… đọc tiểu thuyết kiếm hiệp.

Đọc nhanh quá, miệt mài quá, ấy thế là đọc hết mất rồi… bèn tập làm Kim Dung. Lúc ấy, tôi dụ mấy đứa bạn cùng lớp cũng làm báo, cũng viết truyện kiếm hiệp. Báo của chúng tôi viết về tình hình của lớp, đăng bài viết và tranh vẽ của các bạn, và đương nhiên là có… tiểu thuyết kiếm hiệp do tôi viết. Hồi đó, tôi bắt đầu viết “Long Điểu tranh hùng” và đăng từng chương trên báo. Ấy thế mà báo cũng bán chạy. Nhưng viết “Long Điểu tranh hùng” rất khó, hồi đó tôi chưa biết nhiều về chính trị và quân sự, nên đành gác lại đó đến tận… bây giờ. Sau đó, tôi viết “Bát long nghĩa hiệp” (tên sách sau này được đổi thành “Điệu nhạc trần gian” để xuất bản cho dễ).

“Điệu nhạc trần gian” được viết theo thể loại tiểu thuyết chương hồi, cũng có tinh thần nghĩa hiệp và bảo vệ chính nghĩa, nhưng lấy bối cảnh lịch sử là thời nhà Lý ở nước ta. Tôi đã học ở Kim Dung cách thức xây dựng các nhân vật nam chính như Tiêu Phong, Đoàn Dự, Dương Qúa… chỉ riêng Lệnh Hồ Xung là chịu, không sao mà học được. Tôi còn học ở ông cách vận dụng các yếu tố lịch sử và văn hóa Á Đông để tạo không gian cho truyện. Chính nhờ nỗ lực ấy mà tôi tìm đọc đến tư tưởng Lão  – Trang, lục lọi lịch sử Việt Nam, văn hóa tôn giáo và tâm linh của người Việt… ở trong thư viện Hà Nội. Tôi đã di dời từ cửa hàng thuê truyện ở lề đường vào thư viện như thế đó! Bố tôi cũng không tiếc tiền, tiếc công cho tôi mua một mớ sách và đưa tôi đi rất nhiều địa điểm lịch sử ở miền Bắc. Ông còn khuyến khích bảo tôi rằng nếu muốn viết truyện thì viết cho đến nơi đến chốn, chỉ cần vẫn… học sinh giỏi là được. Bố tôi còn bảo, ông sợ đọc Kim Dung lắm, vì đọc vào rồi thì không dứt ra được, chẳng làm được việc gì… thế nên khuyên tôi là… cứ viết đi. Bây giờ bố mất rồi, Kim Dung cũng mất rồi, và những kỷ niệm ngày đó lại trỗi dậy theo cách lạ lùng lắm. Tôi viết được 10 chương đầu tiên của “Điệu nhạc trần gian”, dầy khoảng 100 trang A4, bố đèo tôi đi khắp các nhà xuất bản ở Hà Nội, nhưng chẳng bên nào chịu nhận bản thảo. Họ đều khăng khăng bảo rằng sách không phải do tôi viết mà do bố tôi viết. Lúc ấy, tôi đã chán lắm rồi, nhưng vẫn tiếp tục viết bất chấp có được in hay không.

Thuở đó, tôi đã ý thức được rằng mình là người Việt… nên phải cố làm sao cho … khác Kim Dung. Đó thực sự là một cuộc vật lộn cho đến trang cuối cùng. Đến trang cuối của quyển sách, là vào năm tôi học lớp 10 thì tôi mới thở phào và nhận ra rằng ít nhiều mình cũng… khác Kim Dung một cách tự nhiên. Truyện của tôi, do hạn chế của tôi trong hiểu biết về võ thuật, nên các nhân vật đã được chế thành thần tiên, ma quỷ với phép thần thông. Và đương nhiên, giọng văn của một đứa trẻ mới lớn thì có cái non nớt ngây thơ, khác hẳn so với một nhà báo chính trị như Kim Dung. Đó, người ta bảo truyện tiên hiệp chỉ bắt đầu có từ “Tru tiên” (năm 2003), nhưng mà tôi đã viết tiên hiệp một cách vô ý từ năm 2000 rồi, chỉ là đến 2004 mới được xuất bản mà thôi.

Một cách kỳ diệu đưa đẩy, bản thảo đến tay nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Hai ông rất hứng thú với trường hợp của tôi và khuyến khích tôi … xuất bản. Khi cuốn sách được xuất bản thì cũng có thể nói là gây… hiện tượng bấy giờ. Các báo đều viết về tôi, có người còn gọi tôi là “Kim Dung Việt Nam”. Với cách gọi ấy, tôi thực sự chẳng biết nên vui hay nên buồn. Sau cùng thì hóa ra tôi vẫn thua Kim Dung rồi.

Từ ấy tôi không đọc kiếm hiệp nữa, và cũng tự xóa não mình cho quên phứt những cuốn tiểu thuyết chương hồi kinh điển. Tôi thực hiện một cuộc… “thoát Kim Dung”. Cũng không dễ! Ban đầu rất dễ bị lôi Kim Dung ra để so sánh với tiểu thuyết viết theo lối phương Tây, lôi triết lý phương Đông ra để … tranh luận với triết học châu Âu. Sau cùng thì quyết định là vứt tất! Xếp sách vở vào tủ sách, để lao vào đời, để “lăn lộn giang hồ”. Ấy thế mà lại thoát. Tôi bắt đầu khỏi được cái bệnh lôi tiêu chuẩn Á Đông ra để so sánh với giá trị này, giá trị kia, và đặc biệt là tôi đã có giọng văn khác hẳn cái thời “Điệu nhạc trần gian”. Chính lúc “thoát Kim Dung” ấy lại khiến tôi đọc lại Kim Dung với một con mắt khác. Tôi bắt đầu nhìn thấy tầm cỡ thật sự của ông, thấy được thế giới võ hiệp ông tạo nên như một thực tại siêu thực vẫn đang áp lên thực tại hiện đại. Thực tại ấy là nơi thỉnh thoảng khi tôi mệt mỏi với cuộc chiến giang hồ, có thể quay về tấu một khúc “Tiếu ngạo giang hồ”, có thể uống rượu sảng khoái cùng Tiêu Phong, có thể chọc phá thiên hạ cùng Châu Bá Thông, có thể đánh chén một bữa ngon lành cùng Hồng Thất Công… Sự thống khoái ấy, phi Kim Dung, chẳng nhà văn nào trên thế giới có thể đáp ứng cho tôi được. Nỗ lực “thoát Kim Dung” đó… thú vị thay, lại đưa tôi đến gần với Kim Dung hơn.

Tối qua nghe tin Kim Dung mất, tôi không tiếc thương ông lắm, vì từ năm 1972 đến giờ ông cũng chẳng viết thêm được cuốn sách nào… thậm chí còn sửa sang các cuốn tiểu thuyết của mình khiến sách… bớt hay đi. Với tôi, ông ấy chết từ lâu rồi. Nên ông mất, tôi mừng cho ông. Nhưng cái chết của Kim Dung nhắc lại cho tôi những kỷ niệm về ngày đầu viết lách của tôi, và nhắc tôi nhớ về bố tôi – người đã rất sợ đọc Kim Dung nhưng lại rất đắc chí khi thấy tôi yêu thích Kim Dung đến thế. Và tôi nhận ra, giờ đây, với tôi, tiểu thuyết Kim Dung còn là thực tại của ký ức về những gì đã qua đi nhưng dấu vết lại chẳng thể phai mờ.

Hà Thủy Nguyên

Mời các bạn đọc thêm bài viết ngắn về Tiểu thuyết Kim Dung của Hà Thủy Nguyên trên Tin Tức Việt Nam:

Tiểu thuyết Kim Dung – Những hồi ức về tinh thần nghĩa hiệp, lòng bao dung và tiêu diêu thoát tục

 

Ca khúc “Hữu sở tư” trong “Tiếu ngạo giang hồ” (2001)