Home 2019 Tháng Một

GLASS vs Tâm lý trị liệu

Xem “Glass”, hẳn người ta sẽ hoang mang, không phải vì bị ám ảnh, mà bởi không biết bộ phim này thuộc dòng tâm lý bệnh hoạn hay là siêu anh hùng. Sau “Split”, bộ phim có thể nói là thú vị nhất trong số các phim về đề tài rối loạn đa nhân cách, người xem hẳn nhiên sẽ kỳ vọng tiếp tục được tăng cấp độ về sự điên loạn của hội đồng các nhân cách. Nhưng không, sự kết hợp với bộ đôi nhân vật quái dị trong “Unbreakable” đã biến “Glass” từ một phim tâm lý bệnh hoạn sang phim siêu anh hùng kinh dị. Sự chuyển đổi này khiến nhiều người cảm thấy… miệt thị, nhưng tôi cho rằng đó là một ám ảnh tâm trí thú vị của những nhà làm phim “Glass”.

Tại sao lại thú vị? Bởi dường như có một thái độ phản ứng của các nhà làm phim siêu anh hùng với các rao giảng về nhân văn, về hòa bình đang được sử dụng như một liệu pháp trị liệu tâm lý xã hội. Điều này, ta có thể thấy xuyên suốt trong các thông điệp của “X-men” (biểu hiện qua cuộc chiến giữa loài người và loài dị biệt), của “Avengers” (qua áp lực giải tán lực lượng siêu anh hùng từ Liên hiệp quốc và các chính phủ), của “Assassin’s creed” (qua nỗ lực loại bỏ năng lực ám sát của các sát thủ),  của “Batman vs Superman” (qua đoạn con người cố buộc tội Superman)… “Glass” là một sự tiếp nối mạnh mẽ hơn trong loạt thông điệp ấy.

Rất dễ dàng, chúng ta có thể thấy một tổ chức nào đó trong những bộ phim này, ẩn mặt hoặc công khai, có thể đưa ra một loạt các rao giảng về sự nhân văn và hòa bình, và quy kết tất cả các biểu hiện dị biệt vào cái ác hay cái hoang dại. Họ sẵn sàng áp dụng các phương pháp trò chuyện và thấu hiểu của tâm lý trị liệu, nhưng không phải để thông cảm và chấp nhận mà là dần dần dẫn dắt tâm trí người khác đến sự hoài nghi năng lực của bản thân. Tổ chức chuyên triệt tiêu các năng lực dị thường trong phim “Glass” cũng được xây dựng theo mô thức ấy.

“Glass” bày ra mâu thuẫn gay gắt đến mức đối nghịch giữa 2 thái cực dị biệt và bình thường hơn so với các phim siêu anh hùng khác, bởi siêu anh hùng ở đây lại là những bệnh nhân tâm thần có được các kỹ năng siêu việt nhờ vào ám ảnh và tổn thương trong quá khứ, còn nhân vật phản diện lại là nữ bác sĩ trị liệu tâm lý tin tưởng rằng bằng tình yêu thương có thể thuyết phục họ rằng “siêu anh hùng” chỉ là một ảo tưởng do truyện tranh tạo dựng nên trong tâm trí và được vun đắp bởi các tổn thương.  Glass, kẻ giết người hàng loạt trong “Unbreakable” vốn bị giữ trong bệnh viện tâm thần, đã thầm lặng đạo diễn một cuộc giao chiến giữa Beast và David – cuộc chiến giữa sự hoang dại và mong muốn bảo vệ, giữa ác và thiện, để thông qua đó mọi siêu năng lực của cả hai được biểu lộ với chính họ và với công chúng.

Khi mọi siêu năng lực xuất hiện, những “bệnh nhân tâm thần” kia trở nên chấp nhận mình hơn, và hơn bao giờ hết họ tỉnh táo đối diện với cái chết không hề sợ hãi. Những người yêu quý họ, là những người thực sự chấp nhận họ, không mong muốn thay đổi bản chất của họ, chứng kiến tất cả, để rồi mỉm cười thấu rõ mọi hiện thực bày ra trước mắt. Không có kẻ điên và những nhà trị liệu chỉ có những kẻ bất lực trong biểu hiện bản thân với thế giới và những kẻ không thể chấp nhận được sự khác biệt. Không có cơn hoang tưởng về điều phi thường, chỉ là những góc nhìn đối nghịch nhau về hiện thực. Không có sự “bình thường”, “bình thường” chỉ là một cơn hoang tưởng khác của những kẻ muốn tước bỏ quyền được lập dị, được yếu đuối hay được mạnh mẽ.

Các nhà trị liệu xã hội hiện nay, dường như đang đi ngược lại những mấu chốt của lý thuyết tâm lý trị liệu. Thay vì thấu hiểu, họ mong muốn “chữa lành”, mà “chữa lành” ở đây chính là tước bỏ tất cả những gì bất thường để trói buộc xã hội vào ảo tưởng “bình thường” trong quan niệm của đám đông. Điều này tạo nên một truyền thống trói buộc các cá nhân vào cộng đồng, cưỡng ép cá nhân gọt rũa bản thân sao cho phù hợp với cộng đồng. Sự khác biệt hay tách biệt khỏi cộng đồng sẽ dễ dàng bị coi là một biểu hiện bệnh hoạn mà trên thực tế, chính bởi sự miệt thị ấy đã dẫn sự dị biệt đến gần với cái ác.

Theo tôi, thông điệp này của các nhà làm phim siêu anh hùng là một sự phản ứng với cái thiện lành vờ vịt đang bao trùm trong xã hội bởi cơn cuồng hòa bình và sự khao khát được “chữa lành” . Cái thiện vờ vịt, ẩn chứa trong nó là ác quỷ thực sự, thứ ác quỷ có hệ thống, nhân danh đủ thứ tốt đẹp để duy trì sự thống trị của mình trên thế giới.

Khi xem “Glass”, tôi không còn quan tâm đến phim hay hay là dở nữa. Tôi quan tâm đến dòng suy nghĩ được gợi lên trong tôi, thứ đã luôn vơ vẩn xuất hiện khi xem các bộ phim siêu anh hùng khác. Có thể bởi tôi cũng là một kẻ tâm thần chưa bị nhốt chăng?

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Một

Ánh sáng trong lễ hội hóa trang

Chiều chủ nhật trễ nải trôi qua…

Màn sương mờ giăng phố…

Tôi ngồi nơi quán café trên con phố quen thuộc. Ai cũng đeo đuổi điều gì đó riêng biệt. Người với người không thực sự nói chuyện, họ chỉ phô diễn những chiếc mặt nạ của bản thân.  Hãy tưởng tượng, những chiếc mặt nạ đang nói chuyên với nhau. Không phải đêm hội hóa trang.

Thôi không diễn xuất, như thể mình không tồn tại, chỉ nhận thức là tồn tại. Ta sẽ nghe thấy tiếng xì xào của lẽ đời. Lẽ đời còn có thể là gì khác ngoài một lễ hội hóa trang vô tận.

Họ mải diễn những nhân cách không phải họ. Như thể, ai cũng đang lên đồng, nói những điều mình không suy nghĩ, suy nghĩ những điều mình không hề hiểu, và hiểu mù mờ rất nhiều điều hư ảo. Cuộc đời của họ bị điều khiển không phải chỉ bởi những người xung quanh họ, mà còn bởi chồng chồng lớp lớp các thế giới – thứ chẳng ai nhận thức được. Họ đã diễn quá sâu và quá lâu đến mức đồng nhất mình với mặt nạ.

Chủ Nhật là ngày để không ai phải đeo mặt nạ, nhưng họ vẫn tiếp tục đeo mặt nạ. Họ không cần nghỉ ngơi. Bởi nếu nghỉ ngơi thực sự, tức là uể oải như tôi đây, thì họ còn cái gì nữa? Chỉ là mảnh vụn lăn qua lăn lại ức vạn kiếp thế gian. Linh hồn của họ đã bẻ vụn theo thời gian để vừa với đủ loại mặt nạ. Họ sợ hãi sự uể oải bởi bên trong họ chỉ còn hố đen thăm thẳm. Họ cần gặp nhau theo cách này hay cách khác để tiếp tục hi vọng, tiếp tục bám níu lấy cuộc sống.

Rao giảng về đơn độc thần thánh, về thức tỉnh, về ánh sáng, về vượt qua những gì thuộc về con người… tất thảy đều đưa con người đến hủy diệt. Hẳn nhiên! Làm sao sự sống tồn tại nếu thiếu đi sự đa dạng của mặt nạ? Và nếu linh hồn không cần mặt nạ nữa, thì đâu còn những cộng đồng, những xã hội… Vâng, chúng ta cần thẳng thắn với nhau, sẽ không có thức tỉnh khi còn cố níu bám lấy cộng đồng bằng những thứ như tình yêu, từ bi, lòng vị tha…Thứ đức hạnh tốt đẹp ấy là sự yếu đuối của các bậc giác giả, khi họ chẳng thể một mình cô đơn trong cơn hủy diệt. Và nhờ thế, sự sống còn tồn tại trên đời.

Sự hủy diệt đến với rất ít người, những người chấp nhận rằng buông bỏ mặt nạ đồng nghĩa với tuyệt vọng. Ánh sáng không thuộc về sự sống, mà là bóng tối. Sự sống luôn dung túng trong nội tại của nó đủ thứ thiện ác nhập nhằng. Ánh sáng ở bên ngoài cả thiện và ác, nó đại diện cho sự thức tỉnh. Ánh sáng không nên tồn tại trong đêm hội hóa trang. Trong đêm hội hóa trang, người ta chỉ có thể thắp sáng cho nhau bởi những ánh sáng nhân tạo, vờ vịt, thứ ánh sáng phản chiếu.

Ly cà phê đã cạn. Đêm hội hóa trang không kết thúc. Ánh sáng nơi tôi bị che lấp dần bởi ham muốn được sống mãnh liệt. Và bởi thế, tôi lại tự buộc mình vào bóng tối. Như bao kẻ khác, tôi cười nói rồi sân hận rồi u buồn, diễn các vai tôi do định mệnh nào đó sắp đặt. Sự mệt mỏi đằng đẵng kéo dài khi tôi vẫn chưa thể nhập tâm hoàn toàn vào vai diễn, khó chịu với chiếc mặt nạ của số phận, cố vùng vẫy để thoát khỏi và tiến gần tới hủy diệt. Bi kịch cho những diễn viên tồi tệ như tôi: không thể hoàn thành vở diễn của mình rồi cúi chào trong tiếng tung hô. Vinh quang không đến với những kẻ như tôi, và tôi xin nhường vinh quang ấy cho người nào còn cuồng si trong bóng tối vô minh. Vinh quang ấy, chẳng phải cũng như nguồn sáng giả tạo trong đêm hội vũ trang sao?

Kìa tôi đấy ư?

Tôi thấy mình trong gương với chiếc mặt nạ thay hình đổi dạng, đang miễn cưỡng mỉm cười, ôm ấp lấy thế gian.

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2019 Tháng Một

Giấc bình yên

Những mùa thao thức

Tôi ghé qua tim người

Tìm một chút bình yên

À ơi dịu lại cơn điên

Những thiên đường sụp đổ

Chỉ lòng người gào thú dữ

Lãng quên đời

Cơn say máu cuồng phong

Và chỉ còn đôi ta

Người và tôi

Nay đã ngủ rồi

Trong tình yêu không định nghĩa

 

Mùa lại mùa đã mấy mùa nhân loại

Xác phàm thay chẳng giải thoát hình hài

Ta và người mắc kẹt nơi đây

Nơi tình yêu vĩnh cửu

Nơi ta là mộng ảnh trong thi hứng nhân gian

Nơi bao kẻ phàm nhân huyễn hoặc chẳng bao giờ chạm tới

Lải nhải, lải nhải, lại lải nhải

Lời, lời, và lời

Đạo đức,

Này thì đạo đức

Còn đạo đức nào cao hơn tình yêu?

 

Chúng run rẩy quỳ mọp gối

Vẫn gượng ngẩng đầu cười nhạo

Tình yêu ngớ ngẩn ư?

Vĩnh cửu ngớ ngẩn ư?

Ta đã lạc đường ư? Giữa thế gian lạc lối?

Mọi Thượng Đế đều hư ảo

Chỉ như tấm gương phản chiếu

Hình dục vọng thế gian

 

Những sợi dây trần trói buộc

Nhất niệm tan hoang

Tôi và người lưu dấu gông xiềng

Nằm nghe thiên đường sập

Và nghe ánh sáng chuyển mình

Màu dối trá

Cũng như bóng tối u mê

 

Tôi đã đi qua những thế kỷ lê thê

Không ngoái đầu nhìn lại

Để được ngủ say nơi trái tim người

Bình yên tình yêu

Bình yên đôi ta

Là mơ hay chưa?

 

Thượng Đế nào thực hơn khoảnh khắc này

Tự ngàn xưa?

 

Hà Thủy  Nguyên

Home 2019 Tháng Một

Tôi yêu cái chết

Tôi đến bên mùa xuân

Nơi những cánh cửa mở tung chờ khép

Những khát thèm cuộn cháy

Kìa hoa

Kìa hoa rực cháy

Lửa tinh túy và tuyệt diệu

Xuân tàn như định mệnh

Cái chết tinh túy và tuyệt diệu

Nơi tôi

 

Ép mùa xuân trong trang sách nhỏ

Để mà chi?

Ép tuổi trẻ câu thơ nhàn rỗi

Để mà chi?

Lửa thời gian đều rụi cả

Chỉ mỉm cười

Cười cũng để mà chi?

 

Có bông hoa đợi chết bên thềm

Ánh lên màu đẹp đẽ

Hoa nào đợi người thương

Mai này ta chết nào đợi người chôn (*)

Ta nào đợi giam mình nơi ký ức

Người đời ơi

Đừng bẻ vụn hồn ta

Thành những mảnh vong hồn trong tưởng nhớ

Như bông hoa hấp hối góc tranh xưa

Chẳng thể chết

Vẫn mỉm cười đợi chết

 

Từ bao giờ tôi đã yêu sự sống

Và yêu cái chết từng giây

Như tôi yêu chính tôi

 

Hà Thủy Nguyên

(*) Câu thơ lấy ý từ “Táng hoa từ”, trích “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần