Home Sáng tác mới Dòng sông máu

Dòng sông máu

Con sông cuộn đỏ máu ra biển Đông. Trong dòng chảy dữ dội để thanh tẩy máu của đất khỏi cơ thể, con sông không còn đủ thời gian cũng như tĩnh lặng để soi chiếu vẻ đẹp của mây trời, của hai bên thành phố, hay của những cây cầu bắc ngang trơ trơ sắt thép đã trở thành lich sử. Những xoáy nước được tạo ra như những cái bẫy lớn, sẵn sàng hút vào đó biết bao số phận. Các số phận ấy sẽ bị nghiền nát thành máu, thành một phần của màu đỏ đau đớn mà con sông phải hứng chịu.

Tôi thường đứng trên cây cầu bằng thép đã hoen gỉ, nhìn về phía hai bên bờ thành phố, cố để nghĩ ra điều gì đó, nhưng không thể. Dưới chân cầu này là những xoáy nước hung dữ còn tôi không mong muốn máu của mình trở thành một phần của trùng trùng số phận. Nhưng nếu chẳng may, đoàn tàu đi qua cầu xình xịch, tạo nên một tần số dao động kỳ diệu nào đó phù hợp với nhịp điệu của thần Chết, cây cầu sẽ gẫy, tôi sẽ rơi xuống xoáy nước. Sợ hãi hình ảnh ấy, tôi không còn có thể nghĩ gì thêm được nữa.

Nhìn về phía tả ngạn, một dãy nhà lụp sụp chen với khóm cây lùm xùm không cao không thấp, vừa bị phủ bởi lớp bụi thành phố, vừa nhớp nháp khí bùn của dòng sông. Sống trong dãy nhà ấy là những con người hàng ngày sẽ tô thêm sắc đỏ cho sông, nhưng chẳng ai nhớ đến họ cả. Họ là dân tứ chiếng từ đâu trôi dạt đến, hoặc buôn gian bán lậu, hoặc phân phối ma túy, hoặc trốn án. Nếu may mắn, họ sẽ được vào thành phố với một cuộc đời khác, khi chết đi họ được ở cùng tổ tiên. Nếu không may mắn, họ sẽ mất tích trong các xoáy nước, không ai nhớ đến, không ai biết tên. Họ là những con người không căn cước, không biết từ đâu đến cũng không rõ sẽ về đâu. Bởi thế, đời sống với họ là một sự tiếp diễn như một chuỗi các sự kiện mà không cần biết đến ngày, đến tháng.

Thành phố này ẩn chứa nhiều cái chết. Nếu muốn nghiên cứu về cái chết, tôi chỉ cần đi loanh quanh trong thành phố. Một góc phố, một cái hồ, một ngôi nhà đổ nát, một căn chung cư… chỗ nào cũng có thể ẩn chứa những linh hồn oan khuất. Đó là lý do nó được đặt cạnh một dòng sông có màu của máu được pha loãng. Tôi không phải là một người điều tra án mạng, không phải nhà báo, tôi là kẻ bị kích thích bởi những tiếng thì thầm của oan hồn. Tôi dạo bước vào khu tả ngạn con sông cũng bởi trong một ngày lang thang tránh cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè đi ngang qua đây tôi nghe thấy những tiếng thì thầm: “Hãy đi đi… đi đi… đừng vào đây… đừng vào đây…”

Tôi sẽ vào! Đó là quyết định của con người được cho là cá tính của tôi. Hoặc cũng có thể đó là quyết định của một con quỷ nào đó ẩn nấp trong tôi, muốn dẫn dắt tôi vào những nơi ma quái. Nếu ai đó bị thu hút bởi ma quỷ, dù là để tuân thủ hay chống lại, có phải bởi vì trong họ cũng ẩn chứa một con quỷ khác? Mặt trời chiếu xuống ức tỉ tia nắng như muốn xuyên kim vào da thịt, dù gì cũng không phải là một phương án tốt nếu cứ lang thang ngoài đường.

Những tiếng thì thầm vẫn rên rỉ bên tai tôi:

  • Đừng vào… đi đi… đi đi… đừng vào…

Gió xào xạc thổi qua, rít từng hồi nóng hổi vào tán cây rồi luồn qua tóc tôi. Tôi cảm nhận thấy mái tóc đen của tôi đang dần khô đi như những chiếc lá đang nâu dần từng mép. Chân tôi thả trên con đường xi măng lồi lõm, khô rang, trắng xóa. Đi được vài bước, tôi thấy một cái miếu nhỏ hương vẫn thắp nghi ngút. Chính giữa miếu là bức ảnh của một anh chàng người Việt lai Tây, có gương mặt gầy nhỏ. Anh chàng trong bức di ảnh chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi, nét Việt nhiều hơn Tây, đầu tóc bờm xờm và trông không có vẻ gì là giàu có. Có lẽ, anh ta mới chết, nhưng vì “chết giờ thiêng”, đại loại thế, nên được dân tứ chiếng ở đây thờ chăng? Dân thành phố tôi vẫn có thói quen dựng miếu thờ những ai “chết giờ thiêng” và nuôi dưỡng linh hồn ấy bằng nỗi sợ của mình.

Gió ngừng thổi. Tôi bước qua miếu để đi tiếp. Sẽ rất tốt nếu bây giờ có thể tìm được một quán nước có máy lạnh. Xa xỉ quá rồi! Một quán nước mía cũng được. Tôi sẽ bỏ qua ý nghĩ rằng người ta sẽ lấy nước của dòng sông để làm đá và điều ấy chẳng khác nào uống nước mía với những cục tiết đông lạnh. Có thể uống một cốc nước mía ấy sẽ giúp tôi quên đi tiếng thì thầm bên tai và trấn áp con quỷ đang trỗi dậy trong tôi.

Và kia, một quán ăn ven đường có thể xem là lịch sự. Quán ăn không ngồi lê la ở vỉa hè mà nằm trong một căn nhà hai tầng. Khách lưa thưa vài người, cắm mặt ngồi ăn. Quán không có điều hòa nhưng quạt máy chạy hết năng suất. Trời nóng quá, không ai muốn nói với ai câu nào. Tôi chọn một góc ngồi nhìn ra con sông. Tầm nhìn rộng lớn của con sông bị cản bởi tàu lá chuối rách tả tơi ở bụi chuối gần đó. Thấy tôi bước vào quán, những người khách ngẩng mặt lên nhìn rồi lại cắm mặt vào ăn, không tiếng động.

Tôi gọi một bát cháo và một cốc trà đá, nhâm nhi nhìn ra bên ngoài. Tiếng thì thầm có lẽ không còn đeo đuổi tôi nữa. Có thể đó chỉ là ảo giác được nhào nặn lên từ tiếng gió và cảm giác mệt mỏi vì nắng nóng. Tôi chợt phát hiện ra, từ góc tôi ngồi có thể nhìn thấy cái miếu thờ anh chàng người Việt lai Tây. Những tàn hương đang cháy lụi dần, lụi dần. Liệu hết hương có ai thắp, hay họ sẽ để trơ trọi không ai quan tâm?

Hương chỉ còn một chấm lửa đỏ là sẽ tàn. Tôi nhún vai, ăn một thìa cháo, uống một miếng nước. Cái miếu không đáng để tôi quan tâm đến mức thế. Ở đây chẳng có gì đáng để chú ý. Tôi sẽ rời khỏi đây sớm. Một khu dân cứ như thế này, ma quỷ không đáng sợ bằng tội phạm.

Dòng sông vẫn cuộn đỏ, sóng đánh vào bờ tì tọp. Một con chó hoang nằm dưới bụi chuối bỗng nhổm dậy. Nó hếch cái mũi đánh hơi, rồi chúi mũi xuống đất hít hít. Nó đi gần ra bờ sông, rúc cái mõm xuống nước, chân trước với với cái gì đó. Một lúc sau, nó tha thứ ấy lên bờ, thè lưỡi liếm liếm. Nó nhai ngấu nghiến, trong họng gừ gừ tỏ vẻ ngon lành. Chắc mẩm nó bắt được một con chuột nước và đang được tận hưởng một bữa ăn thuần tự nhiên tuyệt hảo, dù hơi ghê rợn. Tôi lập tức thấy mất ngon và muốn chuyển chỗ, nhưng những chỗ khác ngồi gần khách hoặc gần bếp quá, tôi đều không ưa.

Một nhân viên của quán đi ra miếu, thắp hương. Thì ra quán thường xuyên hương khói, chăm lo cho miếu. Sau đó, người nhân viên xách xô nước bẩn đi ra gần bụi chuối để đổ.

  • Á…. Á… Con chó… – Người nhân viên hét lên – … cánh tay… chết người…

Người nhân viên vứt xô nước lênh láng đổ, chạy tọt vào nhà. Tất cả mọi người trong quán đều chạy nhao ra. Không có xác chết nào cả. Chỉ có một cánh tay người trắng ởn, mạch máu thâm sì, đeo chiếc nhẫn vàng rởm đã bị xé toạc. Kiến bu đầy, không sao cả, con chó ăn luôn cả kiến. Thấy đám đông người vây lại, con chó đè hai chân trước lên cánh tay, sủa gâu gâu hung dữ. Màu răng của nó cũng cùng màu với miếng xương cẳng tay đang trơ lên khi bị ăn hết thịt.

Bát hương bên miếu đột nhiên bùng cháy rực rỡ. Chủ quán, một người đàn bà trung niên, tóc búi chạy vội lại, quỳ xuống vái lấy vái để. Đám nhân viên cũng ngơ ngác chạy theo quỳ xuống.

  • Cậu, cậu sống khôn chết thiêng, bảo vệ chúng con khỏi thằng tâm thần… Xin cậu… – Bà chủ quán vái lấy vái để rồi đổi giọng quát đám nhân viên – Mau, mang cúng cho cậu bát cháo, không tối nay đi làm về thì liệu hồn.

Một bát cháo được đặt trên ban thờ. Chỗ hương hóa đã cháy hết. Một que hương mới được cắm vào. Mọi người lại quay lại bàn ăn, tiếp tục cắm mặt vào không nói gì. Con chó lại tiếp tục nhai rau ráu cái tay người. Bà chủ quán và đám nhân viên phủi bụi đứng dậy rồi lại quay lại những công việc đang dang dở của mình.

Tôi mon men đến gần bà chủ, hỏi:

  • Chị ơi, miếu thờ ai đấy chị?

Bà chủ nhìn tôi từ trên xuống dưới như nhìn sinh vật là rồi cười hềnh hệch:

  • Miếu thờ cậu. Cậu phù hộ cho dân vùng này không bị thằng tâm thần giết. Nhà nào quên thắp hương cho cậu là nhà đó sẽ có người bị thằng tâm thần giết. Cẳng tay kia chắc của đứa nào quên thắp hương cho cậu ấy mà.

Tôi định hỏi là “Sao không báo công an”, nhưng chợt nhớ ra đây là khu tội phạm. Dân ở đây không ưa công an. Thỉnh thoảng, công an cũng vào đây thị sát, nhưng vào để thu tiền rồi đi ngay, không muốn lưu lại lâu. Tôi hỏi tiếp:

  • Thằng tâm thần là thằng nào ạ?

Bà chủ nhún vai:

  • Tôi mà biết nó là thằng nào thì tôi cũng banh xác. Cậu hồi trước cũng là nạn nhân của thằng tâm thần, nhưng cậu thoát được, chạy về đến chỗ cái miếu ban nãy thì chết. Sau khi cậu chết, cứ đến tối là cậu hiện về chỉ đường cho mọi người đi để tránh mặt thằng tâm thần. Ai không cúng cho cậu, cậu không chỉ đường, kiểu gì cũng rơi vào tay nó. Nó sẽ băm nát người rồi vứt xuống sông.

Vừa nói, bà ta vừa hất hàm về phía cái cẳng tay con chó đang ăn. Làm sao bà ta dám chắc rằng cái cẳng tay ấy là của nạn nhân xấu số nào đó do tên tâm thần băm nát? Nó có thể là cẳng tay của bất cứ ai. Kẻ tâm thần có thể là không ai cả.

Tôi đi về và mặc kệ khu dân cư ghê rợn ấy. Nhưng hình ảnh con chó nhai rau ráu cánh tay người đã được ngâm tẩm trong dòng sông máu… sự tưởng tượng về việc bát cháo tôi ăn được nấu bởi thứ nước ấy… những tiếng thì thào trong gió… tất cả đều ám ảnh tôi. Một bát hương bốc cháy và bức di ảnh của cậu thanh niên cứ bám riết lấy sợi dây thần kinh của tôi. Tôi cảm nhận thấy hơi nóng của từng que hương bị đốt len lỏi trong mạch máu của tôi.

Nằm trên giường, dạ dày của tôi cuộn lên luồng khí với cái mùi cháo. Mỗi lần mùi cháo cuộn lên là một tập hợp những hình ảnh ấy lại tái diễn cùng với tiếng thì thào. Tôi cố nhắm mắt ngủ cho quên đi cái nóng hầm hập phả ra từ những khối bê tông bị nung suốt một ngày.

Nhập nhoạng gương mặt của cậu thanh niên Việt lai tây. Cậu ta khoác trên vai cái ba lô đã sờn rách. Trong túi chỉ còn vài chục nghìn lẻ. Số tiền của cậu đã bị lột sạch trong những chuyến du lịch bụi ngu xuẩn. Không còn tiền để ở trong phố, không còn hạn thị thực, cậu lang thang tìm một chỗ không nhà cầm quyền nào có thể lùng bắt được cậu. Ăn bờ ngủ bụi cùng những con nghiện lang thang phê thuốc cũng giúp cậu qua ngày. Ở với chúng, cậu lại còn tiết kiệm được tiền mua kim tiêm. Một tình trạng hoàn hảo cho tình thế hiện nay của cậu.

Hôm ấy, trời lâm thâm mưa, cậu lê bước trong cơn đói. Cậu không đói thuốc, cậu chỉ đói cảm giác phê. Mạch máu của cậu đói cảm giác thư thái. Công an vừa bắt một ổ ma túy, cậu không tìm được chỗ lấy hàng mới. Cậu phải sục sạo khắp các con hẻm. Đâu là nơi có những kẻ mắt xớn xác nhìn ngược nhìn xuôi? Đâu là nơi một kẻ nào đó phi xe máy ngang qua cánh cửa, thò tay vào đưa tiền rồi lướt đi? Đâu là nơi có những kẻ đi đi lại lại tưởng chừng như vô mục đích? Cơn đói không cho phép cậu dừng chân, dù đã rất mệt mỏi.

Cậu ngửi thấy đâu đó mùi cần sa. Mùi cần thơm thơm trong vòm mũi cậu… Trong cơn đói này, có cần cũng đủ sướng. Cậu như con chó hoang, hít hít lần theo mùi cần. Mùi cần dẫn đến một căn nhà cấp bốn dột nát. Nhìn qua khe cửa sổ, cậu thấy một bóng người cạo trọc đầu rít hơi cần từ một ống thủy tinh. Hắn lắc lắc người theo tiếng nhạc Tây Tạng với các âm “Om” vang lên tựa hồ vọng từ chốn âm ti. Hắn vùng đứng dậy, nhảy múa như kẻ điên. Bước chân của hắn không hỗn loạn mà được sắp đặt thành một vòng tròng quanh nhà. Nhảy được đúng hai mươi mốt vòng, hắn quỳ rạp xuống rồi lại đứng lên, cứ thế đếm được chín lần.

  • Hỡi thần sông… – Hắn hét lên – Ta sẽ cho ngươi máu, ngươi hãy cho ta sức mạnh để ta nhập vào toàn thể…

Thế rồi, hắn ngồi xuống, tụng “Om” hòa vào tiếng “Om” ma quái từ cái đầu đĩa. Tiếng “Om” phát ra từ cổ họng hắn rung rung giống tiếng gừ gừ phát ra từ cổ họng của một con chó gặm xương. Càng “Om” nhiều, hắn càng phát ra thứ âm thanh như con chó hóc xương… Rồi lịm dần, lịm dần… Có lẽ hắn đã nhập vào một cảnh giới nào đó.

Nhưng cậu thì không biết thế. Cậu thấy hắn gục, và cửa nhà hắn không khóa. Cậu khe khẽ đẩy cửa vào. Thật là đã đời. Có đủ cần cho cậu tạm thời đỡ cơn đói, giống như người đi đường khát nước cần lắm một ly mía đá. Cơn phê không đủ nhưng xoa dịu cho cậu, giúp cậu quên đi những ngày chật vật tìm thuốc, quên đi những mảnh ký ức rời rạc về quê hương nào đó mà cậu đã từng có. Với cậu lúc này, nơi nào mang đến cho cậu những cơn phê, nơi ấy chính là quê hương đích thực, là nơi cậu thuộc về.

Trong cơn phê, cậu đã không kịp nhận ra rằng, cái đầu của cậu đã lăn lông lốc trên sàn nhà. Máu chảy lênh láng, nhưng âm “Om” hoàn hảo đã cấu trúc lại nhịp chảy của máu. Máu chảy một vòng rồi cuộn lại thành một bãi tóe ra những tia gọn gàng, đều đặn. Cơ thể đói thuốc của cậu dù bị chặt đứt đầu nhưng vẫn lảo đảo bước ra khỏi nhà. Ngay trước hiên nhà, cái thân khuỵu hẳn xuống, phát ra tiếng “bịch”. Kẻ giết người lầm bầm một đoạn kinh Phật bằng thứ tiếng Tây Tạng khó hiểu.

Hắn định bước ra lôi cái xác vào, nhưng con chó từ đâu xồ tới. Nó nhe răng trắng nhởn, nghiến răng kèn kẹt. Dưới ánh trăng, hai mắt nó vàng ệch lằn lên vệt máu. Hắn lùi lại, chui tọt vào phòng, đóng cửa lại. Có tiếng cạch của khóa. Con chó lôi xềnh xệch cái xác ra bờ sông. Nó chưa từng được chiến lợi phẩm lớn như thế. Nó đã nẫng tay trên của kẻ tâm thần muốn hiến tế cậu cho dòng sông đỏ máu. Nhờ thế, oan hồn của cậu vẫn lẩn khuất trong khu dân cư. Cũng nhờ thế, người dân nơi đây mới tìm ra xác cậu và bức ảnh của cậu. Nhờ thế mà cậu được thờ cúng.

Con chó ăn ngấu nghiến máu thịt của cậu. Bởi thế một phần của cậu đã ở trong nó. Cậu hiển linh thông qua nó. Con chó ở đâu, kẻ tâm thần sẽ tránh mặt. Hắn cảm thấy mối tử thù của cậu và hắn không muốn gây thù chuốc oán với một linh hồn chết oan. Một kẻ hướng tới toàn thể như hắn, cần phải tránh xa những năng lượng thù hận. Hắn đã hóa giải năng lượng thù hận bằng việc hiến tế cho dòng sông. Nhưng hắn không hiến tế được cậu, bởi thế hắn sợ cậu.

Nhiều đêm, cậu muốn xông thẳng vào nhà hắn trong thân xác con chó. Cậu muốn xé xác hắn giống như cách hắn vẫn làm. Thế nhưng, khi trong thân thể của con chó hoang với cơn đói thức ăn cồn cào, cậu mới nhận ra rằng một phần xác chết hắn hiến tế cho thần sông sẽ trôi dạt lên bờ, và cậu có thể có bữa ăn ngon. Lũ người sống ngu xuẩn hàng ngày cúng thức ăn trong miếu của cậu mà cậu không được hưởng một miếng. Thấy con chó hoang lại gần, chúng xua đuổi. Chúng còn ảo tưởng rằng cậu sẽ chỉ đường dẫn lối cho lũ ngu xuẩn ấy thoát khỏi kẻ tâm thần. Chúng quá ngu để hiểu rằng, còn kẻ tâm thần giết người, cậu còn được sống. Lũ người ấy, khi cậu sống, chúng khinh miệt thằng nghiện như cậu. Khi cậu chết, chúng lại thờ cúng nhờ bảo vệ. Nên cậu không cần chúng. Cậu muốn chúng rơi vào tay kẻ tâm thần. Cậu chỉ cần một khúc xương thừa thần sông vĩ đại vứt lại sau khi tận hưởng hết đồ hiến tế, cậu đã thấy mình phúc phận lắm rồi.

Một cơn giông nổi lên, miết bên ngoài cửa sổ nhà tôi. Tôi vùng tỉnh dậy. Tôi đã lạc vào giấc mơ không rõ từ khi nào. Tôi không dám chắc rằng mình ở trong cơn ác mộng từ lần đầu đặt chân vào khu dân cư hay từ lúc chứng kiến cái chết của cậu thanh niên nghiện ngập kia. Không còn tiếng thì thào. Lần này đích thị là tiếng gió. Cơn giông cuốn theo mảnh báo vụn từ đâu bay lại. Mảnh báo bị gió ép vào cửa sổ nhà tôi. Tôi đọc được dòng tựa đề: “Triển khai giải tỏa khu dân cư ven sông…”. Rồi gió lại cuốn mảnh báo đi mất cùng với rác rến trong thành phố…

Hà Thủy Nguyên

Tiếng nhạc trong rừng trúc

Khu rừng trúc sau cơn mưa sót lại cuối thu len lên khí lạnh mơ hồ. Màn sương ngưng đọng quẩn quanh giữa khoảng không. Thân trúc tuy rỗng mà sương vẫn chẳng thể lọt vào. Giữa bốn bề tịch mịch bỗng vang lên một khúc nhạc u ẩn. Từng cung bậc đập vào thân trúc, lay động lá trúc và đẩy cho sương di chuyển. Một hơi thở nhẹ của đất, không còn sự cô đặc của sương. Đã hóa thành khói tự lúc

Lời nguyền của bầy sói

Rừng già phủ một lớp sương dày đặc… Hơi ẩm lạnh của đất thấm xuyên qua gan bàn chân khiến ta không thể điều khiển nối chân mình. Vút! Ta phi thân qua một miệng vực. Vút! Một vũng nước in bóng ta đã bị bỏ lại đằng sau… Thong thả lại đi… Có tiếng động gì đó xa xa lẫn với mùi của máu thịt! Còn cả một thứ mùi đói khát thỉnh thoảng cứ dâng lên theo từng nhịp móng vuốt cào trên

Dấu vết

Lộp độp, mưa vỗ trống trên mái nhà gỗ.  Thỉnh thoảng những cơn gió lại dội lên đu đưa rừng trúc như một mảng bè trầm xa vắng. Nàng choàng tỉnh khỏi cơn xuất thần mê đắm, trong cơn xuất thần nàng đã chạm tới những vì sao xa xăm ngoài vũ trụ. Nhưng cho dù các vì sao khác nhau như thế nào thì chúng vẫn giống nhau một cách nhàm chán. Và giờ đây nàng lại thấy những thanh âm của trần gian

Gallery và bóng

Những cơn mưa rải rác lăn trên mặt phố. Phố ồn ào xe cộ mà lại rất im ắng. Chúng im ắng bởi chúng vô nghĩa. Mọi tiếng ồn đều rơi tõm giữa hư không của thời gian, không gì đọng lại. Nhìn quanh đây, có gì đáng đọng lại cùng thời gian không? Không! Chẳng gì cả! Những kiếp người hối hả! Những mảnh quảng cáo lòe loẹt như vạch sâu vào tâm trí người qua đường từng vết hằn. Những ngôi nhà kệch

Hoàn hảo

Vào đầu thế kỷ 21, nhà khoa học Karl Pibram đã đưa ra kết luận rằng: “trí nhớ không được lưu trữ tại một nơi nào cả trong não bộ mà bằng một cách nào đó lan truyền và phân bố trong toàn não bộ”. (1) Từ đó nhân loại đã đổi thay: Thế giới trở nên trật tự hơn và yên bình hơn… …   Tôi sinh ra vào cuối thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình và đại đồng, thế kỷ mà mọi