Home Bình Luận LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (2): TĨNH VƯƠNG TIÊU CẢNH DIỄM

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (2): TĨNH VƯƠNG TIÊU CẢNH DIỄM

Tĩnh Vương – hình mẫu chính trị gia hoàn hảo

Nếu Mai Trường Tô là đại diện cho những quân sư áo vải ốm yếu ngồi trong màn trướng mà định thiên hạ thì Tĩnh Vương  là nguyên mẫu điển hình cho bậc quân vương chí nghĩa chí tình. Điều đặc biệt trong việc khắc họa nhân vật Tĩnh Vương đó là tác giả tiểu thuyết cũng như các nhà làm phim vượt ra khỏi khuôn mẫu quân vương thông thường của chính trị cổ điển Trung Quốc. Nếu bạn để ý kĩ từng hành  động của Tĩnh Vương, các bạn sẽ thấy Tĩnh Vương thoáng cái dáng dấp của các chính trị gia có xu hướng pháp quyền, lấy mọi giá trị chuẩn mực làm điều tin tưởng.

Tĩnh Vương không phải người con được yêu quý nhất của Lương Đế, mẫu thân của chàng ta cũng không được sủng ái, lại không có nhu cầu đua tranh. Tĩnh Vương lớn lên trong phủ Kỳ Vương (người con đã từng được Lương Đế yêu quý nhất nhưng vẫn bị xử tử vì bị cho là phản nghịch), thân thiết thiếu soái Lâm Thù (tức Mai Trường Tô) của quân Xích Diệm. Khi toàn quân Xích Diệm bị tiêu diệt, Kỳ Vương phải uống thuốc độc tự tử, Tĩnh Vương còn đang chinh chiến ngoài biên ải, mặc dù có công nhưng không được trọng dụng. Hơn ai hết, chàng là người không thể chấp nhận rằng quân Xích Diệm, Kỳ Vương và người bạn Lâm Thù của chàng lại là những kẻ “loạn thần tặc tử”.

Tình bạn của Lâm Thù và Tĩnh Vương làm ta nhớ đến vở tuồng “Sơn hậu” với tình bạn của Khương Linh Tá và Đổng Kim Lân. Đó là những người bạn mà có thể sống chết vì nghĩa, vì tình. Từ ngày xảy ra sự việc quân Xích Diệm bị tận diệt, Tĩnh Vương không còn chút tham vọng hay nhiệt huyết nào. Chàng chỉ làm điều cần làm theo bổn phận và để bảo vệ người mẹ của chàng. Bao nhiêu năm, chàng cũng không động tâm với bất cứ một bóng hồng nào. Cũng từ đó, chàng chán ghét triều chính, chán ghét tranh quyền đoạt vị, khinh bỉ những kẻ mưu sâu kế hiểm có thể bất chấp thủ đoạn để đạt được quyền lực. Chàng chấp nhận để những kẻ đó đè đầu cưỡi cổ, nhưng trong lòng chàng có một sự khinh mạn với trò tranh giành của Thái tử và Dự vương, trò cân bằng quyền lực lố bịch của Lương Đế…v…v… Không phải Tĩnh Vương hèn hạ, mà bản thân chàng đã mất hết toàn bộ động lực.

Khi xây dựng nhân vật Tĩnh Vương, có lẽ tác giả và các nhà làm phim cũng phần nào ẩn dụ cho tình hình chính trị của Trung Quốc. Tĩnh Vương là một mẫu quân tử, chỉ làm điều đúng đắn, hoàn thành bổn phận, giữ khoảng cách với xung quanh và không đua tranh với đời. Một Tĩnh Vương như vậy, làm sao có thể dành được quyền lực? Điều này hoàn toàn trái với các hình mẫu vua như Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương…v…v… vốn gian hùng, biết cách lèo lái thế cục. Còn Tĩnh Vương, bản thân chàng luôn cho rằng đó là một thế cục màn chàng không muốn trở thành quân cờ, cũng không muốn đụng vào nó.

Ấy vậy mà Mai Trường Tô, vị Kỳ Lân tài tử nổi tiếng với tin đồn “Ai có được Kỳ Lân tài tử sẽ có cả thiên hạ” không chọn Dự Vương hay Thái Tử mà lại chọn Tĩnh Vương. Tĩnh Vương không hề biết rằng Mai Trường Tô chính là Lâm Thù năm xưa, đương nhiên không khỏi kinh ngạc mà bật cười ha hả. Mai Trường Tô chọn Tĩnh Vương vì nhiều lẽ. Không phải chỉ vì tình nghĩa năm xưa, mà chính thái độ khinh mạn và khí chất quân tử của Tĩnh Vương là thứ mà chàng nhận ra rằng nó cần thiết để định thiên hạ. Thái tử và Dự vương đều dùng những trò âm độc để hại người, vậy thì muốn dẹp yên âm độc cần phải chí dương. Thái độ của Tĩnh Vương, hành động của Tĩnh Vương, con người của Tĩnh Vương chính là chí dương. Chỉ có Tĩnh Vương mới dám đi đến tận cùng của sự thay đổi để lật tẩy tất cả những sự thật bị quyền mưu che đậy. Chỉ có Tĩnh Vương mới dám bất chấp sự nguy hiểm của mình để đòi lại công bằng cho gia tộc họ Lâm và quân Xích Diễm. Trong tiền định, có lẽ, Mai Trường Tô và Tĩnh Vương – Lâm Thù và Cảnh Diễm, đã là một đội, vốn dĩ không thể tách rời.

Bi kịch lớn nhất của tình bạn này chính là Tĩnh Vương không biết Mai Trường Tô chính là Lâm Thù, người bạn thân thiết của mình. Sau khi quân Xích Diệm bị tiêu diệt, Lâm Thù trúng độc hỏa hàn, phải thay đổi dung mạo và giọng nói, hóa thân thành Mai Trường Tô. Mai Trường Tô trở về, với người thân thiết nhất là Tĩnh Vương, chàng lại giữ bí mật. Tĩnh Vương mặc dù chấp nhận thỏa thuận với Mai Trường Tô rằng sẽ tham gia vào tranh quyền đoạt vị những mong lật lại vụ án xưa, nhưng luôn tỏ thái độ khinh bỉ Mai Trường Tô bởi “bình sinh” chàng ghét nhất là kẻ dùng mưu kế (Có lẽ bị tổn thương vì những người thân yêu nhất của chàng đều chết vì âm mưu hiểm độc). Việc này đã đẩy Mai Trường Tô vào những cơn dày vò tâm lý, chấp nhận mọi sỉ nhục của Tĩnh Vương.

Với sự ngây thơ ấy, Tĩnh Vương giữ sự chính trực của mình, chiếm lấy niềm tin của những vị quan tài giỏi nhưng không có ưu thế trong triều. Thái tử và Dự Vương bị rơi vào thế cục bàn cờ do Mai Trường Tô sắp đặt, đấu đá tận diệt nhau đến chết. Tất cả các phe cánh của họ đều bị tỉa dần dần. Lương Đế dần mất lòng tin vào hai phe cánh này. Cùng lúc ấy, Tĩnh Phi (mẫu thân của Tĩnh Vương) bắt đầu được sủng ái dần trong cung do ông ta cũng chán ghét hoàng hậu và Việt quý phi vì con mình mà đấu đá, không chăm lo cho ông ta. Nhờ thế, Tĩnh Vương bướng bỉnh và không quan tâm đến chính sự lại trở thành một người thực sự cần thiết đối với kẻ đa nghi như Lương Đế. Rõ ràng, giữa một nền chính trị bẩn thỉu, chỉ những người chính trực và trong sáng mới có thể đại diện cho hi vọng. Do đó, sự lựa chọn của Mai Trường Tô quả nhiên không hề đơn giản. Phải là người có tâm thế bên ngoài thế cục mới dám đi nước cờ liều mạng như vậy.

Nhưng nhìn lại thì, Tĩnh Vương có thật sự ngây thơ hay không? Không! Chàng ta không hề ngây thơ. Mọi trò diễn trong triều đình, chàng ta thấu rõ không kém gì Mai Trường Tô. Vấn đề của Tĩnh Vương là quá bướng bỉnh, quá định kiến, quá thẳng thắn. Để giữ được sự chính trực ấy, chàng lao đầu vào những trận chiến ngoài biên ải để không phải về triều vào luồn ra cúi. Mai Trường Tô, từng bước từng bước gỡ bỏ những định kiến của Tĩnh Vương. Còn lại định kiến cuối cùng, đó là sự đề phòng của Tĩnh Vương với những kẻ mưu sâu kế hiểm mà Mai Trường Tô đang diễn vai, cũng bị chàng gỡ bỏ nốt. Để gỡ bỏ định kiến ấy, sự thật phải hiển lộ. Giây phút biết Lâm Thù là Mai Trường Tô, Tĩnh Vương có thể nói dối không chớp mắt trước Lương đế. Thậm chí, khi Lương đế ép Mai Trường Tô uống thuốc độc, Tĩnh Vương dám giật lấy chén thuốc. Hẳn rằng cả Lương đế và Mai Trường Tô cũng giống như chúng ta lo lắng rằng Tĩnh Vương sẽ uống chén thuốc độc ấy thay Mai Trường Tô. Nhưng không, đúng như đã nói ở trên, Tĩnh Vương là một mẫu hình tượng chính trị gia hoàn toàn khác, chàng hất chén rượu đi với một thái độ gườm gườm rồi đường đường chính chính cùng Mai Trường Tô bước ra khỏi hoàng cung. Hành động hắt chén rượu ấy là một câu trả lời ngầm ẩn với Lương đế rằng: “ Tất cả thế cuộc ta đã nắm trong tay, không phải ai thích làm gì thì làm!” Đó chính là biểu hiện trưởng thành của Tĩnh Vương.

Tĩnh Vương tìm lại được bạn cũ, nhưng chàng không có cơ hội để bù đắp lại 13 năm không gặp. Khi công thành danh toại thì Mai Trường Tô cũng đã qua đời. Tĩnh Vương chỉ còn lại cô độc. Nhìn những cảnh cuối bộ phim khi Tĩnh Vương lên ngôi hoàng đế, không có Mai Trường Tô bên cạnh mới thấm thía hai chữ “quả nhân”.

Chặng đường chính trị mai sau của Tĩnh Vương không được ghi vào trong truyện. Tĩnh Vương sẽ là một bậc minh quân hay lại đa nghi, vị kỷ giống như Lương đế, không ai có thể biết. Lương Đế cũng đã cảnh báo Mai Trường Tô rằng việc ngồi lên chiếc ghế hoàng đế sẽ làm Tĩnh Vương biến chất. Nhưng Mai Trường Tô không bận tâm, chàng chỉ thấy đáng thương cho Lương Đế mà thôi. Chàng vốn dĩ hiểu rằng không còn một phương án nào khác để tin tưởng, ngoài Tĩnh Vương. Tạo ra một hình mẫu chính trị gia như Tĩnh Vương, phải chăng những nhà làm phim cũng đang gửi gắm điều gì đó?

Còn tiếp…

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (3): NỮ NHÂN TRƯỚC THỜI CUỘC

“Lang Gia Bảng” không chỉ đưa ra  sự va chạm giữa các hình mẫu nam nhân một tay dàn xếp đại sự, mà còn tạo ra một không gian mà trong đó các hình mẫu nữ nhân khi đứng trước thời cuộc lại có những phản ứng khác nhau. Nữ nhân trong “Lang Gia Bảng” tuyệt nhiên không sến súa, không hành hạ các nam nhân đến mức thổ huyết như các bộ truyện ngôn tình thường thấy của Trung Quốc. Nữ nhân của phim

Lang Gia Bảng – Quyền mưu và hai nửa chính tà (1): Mai Trường Tô

“Lang Gia Bảng”, không còn gì phải bàn cãi, chính là bộ phim truyền hình cổ trang đỉnh cao nhất của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Bộ phim có thể sánh ngang với những tác phẩm truyền hình kinh điển như “Thủy Hử” (1996), “Tiếu ngạo giang hồ” (2001), “Anh hùng xạ điêu” và “Thiên long bát bộ” (2003). “Lang Gia Bảng” tạo nên một không khí hoàn toàn khác hẳn với những bộ phim truyền hình trước đó: Một câu chuyện tranh quyền đoạt vị được