Home Sáng tác mới Sao Hỏa – Ẩn ức – Hành động

Sao Hỏa – Ẩn ức – Hành động

Những kẻ tà ma luôn tìm cách tận dụng sao Hỏa để kích thích ác tính trong con người. Mỗi khi chúng chiếm sao Hỏa, kéo theo đó là những cuộc khủng bố, những vụ giết người hàng loạt, những hành động biến thái, đám đông tàn độc muốn chôn sống mọi cá nhân dám dũng cảm tách mình để vươn lên. Sao Hỏa ẩn chứa trong nó một xung lực có thể kích động mọi sức mạnh tiềm tàng bên trong con người. Trong hệ Mặt Trời, các nhà khoa học khẳng định rằng, Sao Hỏa là hành tinh duy nhất có dấu vết của sự sống giống với Trái Đất. Điều ấy khiến sao Hỏa ảnh hưởng tới Trái Đất một cách trực tiếp mà không cần thông qua sự chi phối của Mặt Trời.

Trong chiêm tinh học cổ, sao Hỏa chi phối hành vi của con người, thúc đẩy xu hướng hành động. Con người chúng ta hành động theo những cách khác nhau, nhanh chậm khác nhau, hòa chiến khác nhau… đều là do chi phối của Sao Hỏa. Nhưng để hiểu được sự chi phối này, trước hết ta phải hiểu thế nào là “hành động” cũng như hiểu thế nào là “Sao Hỏa”.

Hành động, bỏ qua tất cả các chiết tự lằng nhằng, thì có thể hiểu đó là quá trình biểu hiện và tác động của con người đến môi trường xung quanh. Vạn vật có thể không tư duy nhưng vạn vật không thể không hành động. Dù có trôi chảy như nước hay hừng hực như lửa, dù lan tràn như khí hay im lìm như đất. Tất thảy đều là hành động. Thậm chí “tư duy” cũng là một hành động không hiện hữu. Hành động là một chuỗi tương tác không ngừng, sinh và diệt và bảo tồn để duy trì sự sống trường tồn. Kể cả khi con người không tồn tại thì hành động vẫn hiện hữu bởi vạn vật vẫn cứ thể biểu hiện và tác động.

Nhiều kẻ chối bỏ hành động. Đó là những kẻ nông cạn, chỉ hiểu được bề ngoài của hành động. Ngồi im cũng là một hành động. Tan biến vào hư không ư? Tan biến cũng là hành động. Thế giới có thể không có ta nhưng không thể không có hành động. Kẻ càng chối bỏ hành động, càng cố vươn tới Cõi Không đều chỉ là những kẻ ôm ấp cái tôi ảo tưởng về sự siêu vượt mà thôi. Thần thánh đã từng rất vĩ đại, Thượng Đế cũng đã từng rất vĩ đại, nhưng trở thành thần thánh hay Thượng Đế thì chẳng có gì là mới mẻ cả, và họ tự xưng mình là các bậc chứng ngộ, tự cho rằng mình đã đứng ngoài mớ vòng quay hành động miên viễn và hỗn độn… Nhưng nhìn họ xem, họ vẫn hành động, hành động bằng cách đứng ngoài. Họ chỉ lồng ghép vào mớ vòng quay loằng ngoằng đó thêm một vòng quay nữa mà thôi.

Nhưng hành động có nhiều cấp độ của nó và cấp độ nào cũng ngớ ngẩn. Cấp độ này phụ thuộc vào mục đích của hành động

Cấp độ đầu tiên là thứ hành động để sinh tồn. Sao Hỏa thúc đẩy bản năng sinh tồn của vạn vật. Để sinh tồn, vạn vật triệt tiêu nhau, cộng sinh với nhau. Không có gì là dã man cũng không có gì là cao quý trong thứ hành động này. Nhưng hành động đẻ sinh tồn nó ngớ ngẩn ở chỗ bản thân hành động đã là sinh tồn rồi, nên việc cố gắng để sinh tồn giống như việc ta phải cố hít vào thật nhiều khí Oxi trong khi khí Oxi luôn ở quanh ta và trong ta vậy. Cấp độ này kích động tính Tham.

Cấp độ thứ hai là thứ hành động vì ẩn ức. Có những con người bị xã hội vùi dập và ghẻ lạnh, bị đẩy ra bên rìa cuộc sống, bị nỗi đau dày vò hằng đêm. Nỗi đau chất chồng nỗi đau. Nỗi đau bám vào trái tim như một thứ ký sinh trùng, nó hút cạn kiệt lực sống của vật chủ. Và loài ký sinh này nếu nhận được năng lượng từ Sao Hỏa, chúng sẽ thúc đẩy ác tính. Bị nhiễm ký sinh trùng nỗi đau, vật chủ dễ dàng bị lôi vào các đám đông giận dữ và tàn độc. Nguy hiểm hơn vật chủ có thể điên loạn cầm dao cuồng sát mà không hiểu vì sao. Với ký sinh trùng trong tim, vật chủ có thể điên cuồng ôm bom tự sát chỉ vì một thứ lý tưởng ngớ ngẩn xa vời nhân danh cái thiện, công lý, tự do và lòng yêu nước. Thứ hành động này thường được các triết gia, các nhà chính trị xếp vào hạng cao quý vì đã vượt qua được sự vị kỷ. Nhưng trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nếu nhìn lại, ta chỉ thấy các hành động này bệnh hoạn và ngu xuẩn. Thế giới con người đã biến thành một bệnh viện tâm thần lớn. Sao Hỏa lúc này không còn thuần khiết nữa, nó đã bị nhiễm bệnh bởi lòng Sân Hận của con người. Người ta có thể gọi nó là hành động vì niềm tin cao cả, nhưng ẩn sau nó chẳng có gì khác ngoài ẩn ức và sân hận.

Cấp độ thứ ba là thứ hành động kiếm tìm. Rất ít người thực hiện hành động này. Kiếm tìm điều gì? Chính là kiếm tìm bản chất của mọi thứ: vũ trụ, con người, thực tại, vạn vật… Nhưng cái gì là bản chất thì không ai biết, bởi họ sẽ tiếp cận đến câu hỏi lớn: “Bản chất của bản chất là gì?”. Nhưng hạnh phúc của người tìm kiếm không nằm ở câu hỏi mà nằm ở hành trình tìm kiếm. Những kẻ mong chờ câu trả lời thì thường sẽ lừa dối bản thân mình và thế giới, hoặc nếu không cũng sẽ tự tử trong vực thẳm của hư vô. Thông thường chúng không đủ dũng cảm để tự tử, chúng sẽ lừa dối và tự vỗ ngực mình là các triết gia. Đó chẳng phải là thứ hành động trong cõi vô minh tối tăm mà Thích Ca vẫn gọi là Si đó sao? Sao Hỏa thúc đẩy những kẻ kiếm tìm một sự dũng cảm lớn lao dấn sâu hơn vào bóng tối của thực tại. Nhưng khi Sao Hỏa bị ô uế, những kẻ ấy bắt đầu buông lời dối trá về một thứ ánh sáng giả tạm.

Có một cấp độ nằm bên ngoài tất cả các cấp độ hành động trên, cấp độ của Cái Đẹp.

Bởi vì không thể không sinh tồn, hãy tham lam một cách đẹp đẽ, hãy trở thành một dạng sống đẹp đẽ.

Bởi vì không thể không giận dữ, hãy lấy đó làm động lực để tẩy rửa bệnh hoạn ra khỏi tinh thần. Đừng tức giận với người khác, hãy tức giận với thứ ký sinh đang bám trong trái tim các người. Hãy thanh tẩy sự giận dữ để sức mạnh được nhân lên ngàn vạn lần, để không loài ký sinh nào có thể bám víu trái tim trong sạch thì Cái Đẹp sẽ được biểu hiện. Tất cả những loài ký sinh đều phủ nhận Cái Đẹp, chúng sợ Cái Đẹp bởi trong Cái Đẹp người ta có thể dễ dàng phát hiện ra chúng.

Bởi vì không thể không tìm kiếm trong vô minh, hãy vẽ lên giữa bóng tối mặt trăng và các vì sao lung linh. Hãy kiến tạo giữa đêm tối những vẻ đẹp thần thánh. Hãy tạo nên âm nhạc, thơ ca, hội họa… hãy tỏa hương thơ như một đóa dạ lan… hãy phủ kín đêm đen bằng hương rượu vang nồng say… Hãy đặt lên môi tình nhân mật ngọt của sự sống…

Nếu Mặt Trời cho con người sự sống thì Sao Hỏa cho con người động lực để sống. Tà ma và những thứ ký sinh do chúng tạo ra đã làm ô uế Sao Hỏa và khiến con người trở nên xấu xa, nhưng con người có thể đảo ngược quá trình, con người, bằng thứ hành động tạo tác Cái Đẹp có thể làm trong sạch sao Hỏa, và không chỉ có sao Hỏa mà còn rất nhiều hành tình khác trong dải Ngân Hà.

Lúc này đây, Ares, vị thần Chiến Tranh bảo hộ sao Hỏa đang nghĩ gì? Thần thoại Hy Lạp viết về Ares như một kẻ hiếu chiến và ngu độn. Ta nhìn thấy ở Ares một nỗi đau của sự tan vỡ: tình yêu tan vỡ, gia đình tan vỡ, Olympus tan vỡ. Một trái tim rạn nứt chính là nguyên nhân khiến các loài ký sinh dễ dàng bám vào trái tim của thần, dễ dàng chi phối sao Hỏa. Nhưng Ares hãy nhớ, thần Chiến Tranh không chỉ chiến đấu với thế giới bên ngoài, cuộc chiến quan trọng hơn, đó là chiến đấu với thế giới bên trong. Bằng hành động tạo tác Cái Đẹp, trái tim thần sẽ được hàn gắn, loài ký sinh sẽ trở thành phân bón nuôi dưỡng những bông hoa loa kèn tinh khiết thổi vang khúc khải hoàn ca.

Biểu tượng của sao Hỏa là Khiên và Cung Tên của thần Ares, nhưng hãy để biểu tượng đó trở thành giá vẽ và ngòi bút của thần. Ngài hãy biểu hiện thần tính mạnh mẽ và dũng cảm của ngài và bằng ngòi bút ngài hãy tác động để biến thế giới đen tối này thành một khu vườn kỳ ảo lấp lánh dưới trăng khuya.

Hà Thủy Nguyên

Mặt trăng – Thợ săn – Những ký ức trong rừng thẳm

“Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc” (“Người gái thiên nhiên” – Đinh Hùng) 1. Sâu hun hút giữa đêm trăng, cái mênh mông của ký ức hoang dã trỗi dậy, như một kẻ tâm thần muốn ăn thịt cả nhân loại, nhưng vì không thể, nên chỉ có thể ăn thịt chính mình. Mọi thành phố đều chật hẹp, mọi thành phố đều được cấu trúc bởi những bức tường và những cái lỗ con con chúng ta vẫn gọi là cửa sổ.

Tự khúc cái chết

(Tôi viết cho bố ngày bố qua đời) Ngày lại ngày… ta thấy cái chết ở mọi ngóc ngách của cuộc sống… Một bản nhạc hay đi đến phần kết… Một tấn kịch hay đã khép hồi… Một vần thơ đi đến kiệt cùng cảm xúc… Cái đẹp của bông hoa bỗng úa tàn… Cái chết luôn hiện diện. Những kẻ không thể cảm nhận được sự bi thương trong từng khoảnh khắc của sự sống thì không thể hiểu được cái chết. Người ta

“Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của Con Người cá nhân

Hamvas Béla (1897-1968) là nhà văn, nhà triết học tâm linh lớn nhất của Hungary thế kỷ 20. Hamvas Béla cùng Kerény Káoroly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần tiếp nối truyền thống Hy Lạp cổ và thu hút được nhiều tên tuổi lớn của Hungary lúc bấy giờ. Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936), nhóm Đảo tan rã. Trong thế chiến thứ II, ông hoàn thành tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình” (1943) khi còn đang ở ngoài

Hãy cười vang cho kỷ nguyên bất định

“Có những thứ quá nghiêm túc đến mức chúng ta phải phì cười vì chúng” (Neil Bohr – Nhà vật lý lượng tử thế kỷ 20) “Why so serious?” (Joker – Tên sát nhân điên rồ trong “The dark knight) Chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn bất định, và dù hàng nghìn năm nay các chính trị gia, các lãnh tụ tôn giáo, các nhà khoa học, triết học … có cố biến thế giới thành đối tượng có thể xác

“Lửa Thiêng” của Huy Cận – “Mang mang thiên cổ sầu”

“Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu Những nàng tiên dần chết Mơ mộng thuở xưa đâu” (Trích “Ê chề” – Huy Cận) “Mang mang thiên cổ sầu” là cảm hứng xuyên suốt trong tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận. Không dục tính, không điên rồ đập phá, chỉ một cảm giác mênh mang không thể diễn tả. Một nỗi buồn phảng phất từ ngàn xưa trong tiền kiếp xa xôi. Mặc dù Đinh Hùng nhắc đến tiền kiếp rất nhiều,