Ghi chép trong mưa

Nhiều thế kỷ trước, Phạm Đình Hổ viết “Vũ trung tùy bút”, như một sự nuối tiếc dằng dặc. Có thể là do mát trời mà viết, cũng có thể do cái không khí ấm ức trong những ngày nắng tàn đã cô đặc thành từng giọt… Những giọt cô đặc ấy lăn thành vệt dài trên mái rồi nhỏ xuống hè phố… Đã nhiều ngày nay, tôi như kẻ điên rồ với vai diễn mà quên mất rằng mình là kẻ sáng tạo.

Tôi vẫn làm công việc của Thượng Đế (có thể là Thượng Đế giả mạo). Tôi tự cho mình cái đặc quyền tạo ra số phận cho những hình bóng mờ nhạt trong tâm trí. Không rõ Thượng Đế có từng quên tôi và những hình bóng của người, giống như tôi đã lãng quên những hình bóng của mình. Chỉ khi những giọt mưa rơi xuống, những số phận bế tắc ấy xuất hiện và kêu gào. Đời sống của tôi trôi đi nhạt nhẽo đến mức phải mượn vào những giọt mưa để đi tìm cảm hứng.

Những hình bóng đứng lặng nhìn tôi chằm chằm. Những kẻ bị tôi lãng quên! Không oán thán, không đau buồn nhưng làm tôi rợn tóc gáy. Cái rùng rợn như một kẻ điên cuồng thắp nến đứng trước gương để kêu gọi hồn ma từ thế giới khác. Mưa rả rích trong sự đối xứng khó chịu của gió và mây. Thà rằng chúng lao đến tôi, nuốt gọn linh hồn tôi còn hơn là đứng đó, yên lặng không vô cảm, trơ trơ không khiêu khích. Lúc này tôi mới nhận ra rằng hình như mình không phải kẻ tạo ra số phận cho chúng. Một sự nghi ngờ khác: có thật là số phận của tôi đã được sắp sẵn hay không. Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn việc đứng im và nhìn trừng trừng như thế vào Thượng Đế để khiến ngài bối rối. Nhưng chắc tôi sẽ không thể câm lặng lâu như chúng, cái bản tính trẻ con của tôi nhất định sẽ xông vào hỏi Thượng Đế đủ thứ chuyện bá láp. Giống như lúc này đây, đáng ra tôi phải nhìn chằm chằm vào chúng thì tôi lại tưởng tượng ra Thượng Đế và cái ngày tôi được gặp người. Không biết hên hay xui, chỉ vì lòng hoài nghi của tôi với Thượng Đế quá lớn đến mức tôi không thể tưởng tượng, nếu không thì Thượng Đế đã trở thành một trong những hình bóng mờ nhạt mà tôi tạo ra.

Tôi tiến lại gần những chiếc bóng (hoặc chúng đang tiến lại gần tôi).

– Tại sao lại nhìn ta như vậy?

Một hình bóng bước lên, với dáng hình của một cô gái thời cổ xưa, nhưng phảng phất không rõ mặt, chẳng khác nào bóng ma trong câu chuyện kinh dị lúc đêm khuya.

– Chẳng phải vì cô vẫn nhìn chúng tôi như vậy sao?

Tôi nhìn sâu vào gương mặt ấy… không còn thấy gương mặt, chỉ thấy bóng mặt trăng chết đuối nơi đáy nước. Một sự điên rồ bệnh hoạn! Tôi không thể nhìn thấy mọi vật như nó vẫn là. Ảo ảnh hiện lên trong nhận thức lại là một ảo ảnh hoàn toàn khác chứ không phải chính ảo ảnh đó. Biết dùng ngôn ngữ thế nào với ảo ảnh, biết sắp đặt số mệnh cho ảo ảnh như thế nào đây? Không thể nói với những hình bóng về sự thật này. Phần nào đó tôi e sợ cái cảnh chúng nhận ra rằng chúng không có thật. Giá như tôi chỉ còn một chút nho nhỏ của niềm tin thôi, có thể chúng đã có số phận của riêng mình, chúng có thể không còn là ảo ảnh.

Không lẽ tôi và các hình bóng cứ đứng như vậy nhìn nhau cho hết cơn mưa. Trời âm u thấy bảo sẽ kéo dài nhiều ngày lắm. Nếu tôi không nghĩ ra trò nào đó để chơi đùa với chúng, tôi sẽ phải đối mặt với việc so găng cùng sự buồn chán.

Cái tiếng tí tách chết tiệt! Cái giai điệu u buồn chết tiệt! Hãy nổi gió lên! Bão ào ào đổ! Gốc cổ thụ bị quật ngã trơ bộ rễ cổ quái! Hãy như thác đổ! Trở thành cuồng phong! Thác lũ lớn lên đi! Đại hồng thủy đi! Sấm rung chớp giật! Các bóng hình cuộn lại, xoáy tròn thành những vòi rồng. Chúng thổi bay thành phố ngột ngạt và chật hẹp. Cơn bão lớn sẽ khiến đám đông mê muội đang đuổi bắt nhau trên đường bê tông kia không kịp thở. Đám đông chỉ còn hai lựa chọn di chuyển : hoặc tiếp tục đi thẳng, hoặc bị cuốn theo lốc xoáy của vòi rồng. Hamvas Béla đã từng viết: “mọi thứ đều cong, ngoại trừ sự bất lương”.

Sự bất lương chất chứa đầy ngay lúc này đây! Không có cơn bão nào cả! Ngoài kia dòng người vẫn cắm đầu cắm cổ chạy thẳng tưng. Đến những giọt mưa cũng nặng nề rơi xuống theo phương thẳng đứng. Tôi và những hình bóng cũng đang nhìn thẳng vào nhau. Và nếu tôi nói thẳng với chúng rằng: “Các ngươi không có thật đâu” thì đó hoàn toàn là sự bất lương.

Để trở thành một kẻ bất lương, người ta cần sự dũng cảm phi thường. Sự thật không giải phóng con người, sự thật phá hủy mọi thứ thuộc về con người. À không, có thể nói một cách khác, sự thật giải phóng con người khỏi chính mình rồi sau đó giải phóng họ khỏi chính sự thật. Tôi phải lựa chọn: Hoặc là cố tạo cho chúng những khuôn mặt hoàn chỉnh, hoặc chấm dứt toàn bộ sự tồn tại của chúng bằng sự thật. Lựa chọn thứ nhất tôi có nhiều thứ: số phận của chúng sẽ cho tôi những câu chuyện, những cuốn tiểu thuyết, cho tôi sự nổi tiếng. Lựa chọn thứ hai tôi sẽ không có gì cả ngoài cảm giác của một trận cuồng phong, của cơn đại hồng thủy, của sự tận diệt. Chẳng thể hủy diệt thế giới bên ngoài, còn cách nào khác ngoài từng ngày gặm nhấm bản thân và tự hủy diệt chính mình.

– Các ngươi không có thật đâu!

– Há há há há há… – Lũ hình bóng cười ầm lên.

– Ta tạo ra các ngươi dùng để viết truyện thôi…

– Há há há há há… – Lần này chúng cười dài hơn

Nếu thêm một lần nữa chúng cười như vậy, tôi chắc là sẽ nghi hoặc chính bản thân mình. Sự hoài nghi đã khiến tôi không thể cho chúng một hình hài nguyên vẹn, cũng giống như không thể tưởng tượng ra Thượng Đế. Nhưng điệu cười mỉa mai của chúng lại khiến tôi nghi ngờ chính sự hoài nghi ấy.

– Các người có thể ngừng cười và nghe ta nói được không vậy! – Tôi bực bội sẵng giọng.

– Há há há … – Một hình bóng có vẻ lười nhác, tóc tai bờm xờm nói xen giữa tràng cười – Để chúng ta cười nốt cho đã đời rồi sẽ tiếp chuyện.

Tôi nhìn chúng cười cứ như thể chúng không thể dứt. Chúng đang bỡn cợt tôi à? Nhịp điệu cười của chúng hoàn toàn trùng khít với nhịp mưa.

– Nếu các ngươi ngừng cười, ta có thể viết các ngươi thành sách, các ngươi sẽ có số phận!

Cô gái giống mặt trăng chết đuối lướt đến gần tôi, ghé sát vào mặt tôi hà hơi lạnh buốt. Tiếng chuông gió ngoài kia leng keng, leng keng:

– Đừng tưởng chúng ta thích lên trang sách… Chúng ta lựa chọn không xuất hiện, lựa chọn ở lại trong tâm trí của ngươi…

– Phải – Kẻ đầu tóc bờm xờm lăng xăng nhảy múa vờn quanh tôi – Nhìn xem, nhìn xem… thật tự do thoải mái… Không số phận, không tên tuổi, không khuôn mặt… Nhưng thấy không, chỉ chúng ta có thể gặm nhấm tinh thần ngươi… Cái đám háo danh nhanh chóng chạy theo cảm hứng của ngươi và ào ra trang sách, chẳng phải ngươi đã quên tiệt chúng rồi sao…

Tôi trợn tròn mắt. Làm sao để giết chết chúng? Chúng chỉ là những ý niệm, và người ta không thể giết những ý niệm. Tiếng mưa vẫn tí tách. Sự bất lương trở nên vô nghĩa lúc này! Sự nhân tính lại càng nhảm nhí nữa! Khi người ta cố giết những điều không thể giết thì người ta đã mất luôn cả tính thiện và tính ác của chính mình.

Lúc này đây, tôi bỗng dưng hoàn toàn tin vào Thượng Đế. Điều kỳ diệu của Thượng Đế nằm ở chỗ: chỉ cần tin vào ngài là ngài xuất hiện.

– Ta biết con đang cần đến ta!

– Vâng, thưa Thượng Đế, con cần người tiêu diệt những hình bóng kia! Chúng đang ám ảnh con! Con chỉ cần tận hưởng cơn mưa thuần túy là một cơn mưa. Nhưng sự xuất hiện của chúng biến cơn mưa không còn là cơn mưa nữa.

– Không cần phải xua đuổi chúng – Thượng Đế mỉm cười hiền từ – Ta có thể hòa tan chúng vào trong ta…

Cô gái giống mặt trăng chết đuối hét lên:

– Đừng tin hắn! Hắn không phải Thượng Đế đâu…

– Tại sao? – Tôi quắc mắt hỏi

– Đừng bao giờ hỏi tại sao? Con hãy nghe theo lời trái tim con… Ta ở trong trái tim của chính con và con chỉ có thể cảm nhận ta bằng trái tim – Thượng Đế vẫn ôn tồn.

Tên tóc tai bờm xờm nhào lộn vòng quanh tôi, vòng quanh Thượng Đế:

– Hắn chỉ cần ngươi tin, tin rồi hắn sẽ như virus được cấy vào trong chúng ta, hắn sẽ biến chúng ta thành chính hắn cũng như biến chính hắn thành chúng ta. Ngươi sẽ bị gặm nhấm theo một cách khác thôi.

Thượng Đế vẫn tiếp tục tỏa ánh hào quang:

– Không có gì cao cả hơn sự hi sinh chính mình cho tình yêu và chân lý.

Tôi nhíu mày hết nhìn Thượng Đế rồi nhìn đám hình bóng tội nghiệp. Ngoài kia trời đã gần tạnh mưa. Chỉ còn lắc rắc vài hạt nhè nhẹ. Nhưng trời vẫn âm u, có thể sẽ còn một cơn mưa khác. Điện vụt tắt! Mất điện rồi. Không nhìn thấy gì hữu hình nữa, nhưng tôi vẫn thấy Thượng Đế và những hình bóng. Những lúc thế này mới thấy là khái niệm ánh sáng và bóng tối thật là tương đối.

Không nói không rằng tôi đi đến bên tấm gương to đặt ở góc tường, xòe lửa, thắp nến. Gương phản chiếu ánh sáng lung linh khắp phòng. Tôi đưa mắt nhìn lên gương để thưởng thức hình bóng của lửa. Lạ thật! Thượng Đế và đám hình bóng vẫn đúng đó, đều nhìn theo tôi. Trong gương, tôi lại nhìn rõ từng gương mặt. Gương mặt Thượng Đế: Tôi. Gương mặt cô gái giống mặt trăng: Tôi. Gương mặt kẻ bờm xờm: Tôi. Gương mặt của tất cả: chính Tôi.

Giụi mắt nhìn lại mình lần nữa. Tôi nâng cao cây nến lên sát mặt. Gương mặt tôi bị cắt vụn thành nhiều mảnh, xếp chồng chéo lên nhau như tranh lập thể. Thế rồi chúng nhòa dần, nhòa dần, biến mất. Tôi không còn nhìn thấy rõ đường nét và màu sắc trên gương mặt mình nữa. Tôi chỉ thấy ngọn lửa đang ăn mòn ngọn nến thành từng giọt trào xuống. Dòng nến chảy dài đông đặc lại, chất chồng lên nhau. Và bởi vì là ngọn lửa nên không còn cách nào khác ngoài việc thiêu hủy tất cả cho đến khi nó tận diệt.

Ngoài trời, một cơn mưa khác lại bắt đầu nhỏ giọt! Thôi thì không thể trở thành cuồng phong, hãy trở thành ngọn lửa.

Hà Thủy Nguyên

24/6/2014

Tiểu thuyết “Cầm thư quán”

Tiểu thuyết “Cầm thư quán”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2005

Số trang:  88 trang

Xuất bản lần đầu năm 2008, NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức ấn hành; tái bản có chỉnh sửa năm 2018, NXB Hội Nhà Văn & Book Hunter ấn hành; hiện đã chuyển nhượng bản thảo cho NXB Phụ Nữ Việt Nam và hiện đang chờ xuất bản.

 

Tổng quan nội dung:

“Cầm thư quán”  là một cuốn tiểu thuyết cổ trang có màu sắc tượng trưng, man mác buồn, đặt ra nhiều vấn đề mang tính triết học như sự tự do và cái đẹp. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống ung dung nhàn hạ của hai chị em Ngọc Cầm và Ngọc Thư bên hồ Dâm Đàm (Tức hồ Tây, Hà Nội). Họ sống giữa thời đại của Lê Thánh Tôn, là thời đại được cho rằng thịnh trị bậc nhất trong lịch sử, thời đại đỉnh cao của các Nho sinh. Thế nhưng, họ lại có cái nhìn khinh bạc đối với các Nho sinh này, cười nhạo những vị đại thần vào luồn ra cúi, không chấp nhận trói mình trong các phận vị thông thường của người phụ nữ. Họ mong muốn tìm kiếm tự do đích thực và tìm được cái đẹp tuyệt đối, còn lại tất cả vinh hoa phú quý đều chỉ là phù phiếm. Vua Lê Thánh Tôn đeo đuổi cô em gái Ngọc Cầm. Ngọc Cầm chấp thuận sự đeo đuổi bởi nàng thương cảm với ông vua cô độc, nhưng Lê Thánh Tôn vẫn không sở hữu được nàng. Cuối cùng, Ngọc Cầm và Ngọc Thư vẫn cứ tiếp tục vươn đến sự tuyệt đích.

Cuốn tiểu thuyết đã bị tịch thu ngay sau khi phát hành 1 tháng. Sau đó, cuốn sách không còn trên thị trường mà được nhiều trang mạng chia sẻ. “Cầm thư quán” là một cuốn sách vừa dễ đọc lại vừa khó đọc. Người đọc có thể tiếp cận cuốn sách như một tiểu thuyết tình cảm, lại vừa có thể tiếp cận cuốn sách như một tiểu thuyết với các mã tượng trưng và ước lệ để hiểu hơn những ẩn ngữ đằng sau. Vượt trên hai khía cạnh ấy, cuốn sách có thể đưa bạn đọc đến với các chiêm nghiệm về những điều cao cả hơn đời sống bình thường.

Trích dẫn truyện:

“Ai đếm nổi bao cánh đào rơi buổi xuân tàn? Ai thấu hết thanh hương từ bầu rượu sen đang lênh láng trên mặt bàn… Gót hài kia đang đi về đâu thế? Đất trời rộng bao la làm vậy mà sao chẳng nơi nào có thể là nơi ta tung cánh tự do? Thế gian chua ngoa, độc ác đâu có chỗ cho những cánh hoa đào mỏng mảnh sống qua được mùa xuân…

– Tại sao ta còn cố đi tìm một bức tranh chân thiện, chân mỹ? Gót hài của nàng… gót hài của nàng… Không kẻ nào có thể chiếm đoạt, cưỡng bức…”

Chàng thư sinh gạt tay! Bầu rượu vỡ tan tành trên sàn gỗ. Những giọt rượu lăn dài qua kẽ hở giữa hai tấm ván, trườn nhẹ trong thinh không rồi chìm dần trong đáy nước xôn xao của Dâm Đàm. Mười đầu ngón tay như những bước chân của loài dã tràng trên cát chạy dài lên sợi tơ đàn bật ra dải âm thanh day dứt khôn nguôi. Cứ mỗi một phím tơ rung lên là một bông hoa đào rụng xuống trước hiên.

– Ta biết là ngươi sẽ xuất hiện! Ta biết… ta biết…

Chàng giật mình nhìn về phía cánh cửa gỗ dẫn ra thuỷ đình. Thánh thượng đã lặng lẽ đứng đó từ khi nào.

– Ta biết vì ngươi mà nàng lánh xa ta… ta biết ngươi sẽ quay lại Cầm Thư quán để tìm nàng… Ta không biết ngươi là ai, nhưng mỗi lần nhìn thấy bức tranh kia, ruột ta như đứt đoạn… Ngươi còn về đây để làm gì?

Một phút im lặng kéo dài! Im lặng tới còn nghe thấy cả những bông hoa đào chạm vào nền gỗ ướt mưa. Bất chợt, chàng thư sinh ngửa cổ dốc ngược bầu rượu sen. Lần đầu tiên trong cuộc đời chàng thấy rượu đang thiêu đốt cổ họng tan thành tro bụi. Chàng cười lớn, cười thật lớn để thổi cao ngọn lửa đang bừng bừng.

– Ngươi đam mê nàng ư? Không! Ngươi chỉ muốn chiếm giữ cả thân xác, cả tâm hồn, cả khúc “Hải du” của nàng thôi… Kẻ làm vua… Kẻ làm vua bao giờ chẳng coi những điều chân thiện, chân mĩ như vàng bạc, châu báu trong kho… Ngươi hãy ra khỏi đây đi… Cầm Thư quán không phải chỗ cho kẻ dơ bẩn như ngươi. Hãy về với cung vàng điện ngọc của nhà ngươi, hãy ôm ánh hào quang của ngươi vào lăng mộ để muôn vàn bóng ma nhảy múa ngợi ca, đừng bắt nàng hay ta phải khuất phục trước ngươi…

Lại một khoảng im lặng. Có cơn gió luồn qua vai thánh thượng, khẽ lay bức tranh Ngọc Cầm, làm rung rung gót hài. Thánh thượng giật mình. Bước chân Ngọc Cầm mang theo cơ man nào là đào hoa đang đi xa dần ngài… ngài sẽ không bao giờ với tới. Bất giác, ngài thở dài… quay đi…”

 

Tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”

Tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2000 đến 2002

Số trang: 939 trang

Xuất bản năm 2004, NXB Phụ Nữ và Nhà sách Đông Đô ấn hành

Tình trạng bản thảo: Không còn ấn bản trên thị trường. Đang trong quá trình sửa lại bản thảo và chuẩn bị xuất bản trên Amazon.

Tổng quan về tác phẩm:

Từ thuở xa xưa, khi thần tiên và các tộc như rồng, yêu long, ma quỷ…v…v… vẫn đang hiển hiện song song với đời sống của con người, có một nhóm tên là Bát Long. Bát Long được sinh ra với sự kết hợp dòng máu của thần tiên, con người, ma quỷ  và rồng, và được các tiên nhân nuôi dạy. Bát Long gồm 8 người, đã cùng nhau mưu phản những mong lật đổ thiên đình. Thế nhưng, kế hoạch của họ thất bại. Bát Long bị trừng phạt, phải đầu thai xuống kiếp người, quên hết mọi quá khứ và pháp lực. Thế nhưng, khi xuống làm người, số phận vẫn đưa đẩy họ gặp nhau tại kinh thành Thăng Long dưới thời vua Lý Nhân Tôn. Họ đã giúp triều đình nhà Lý chống lại quân Tống xâm lược, tiêu diệt các thế lực ma quỷ hỗ trợ quên Tống. Khi cuộc chiến chống quân Tống của vua quan nhà Lý đã kết thúc, cuộc chiến của Bát Long vẫn tiếp diễn, bởi các thế lực ma quỷ vẫn còn lộng hành. Trong suốt cuộc chiến, họ trải qua đủ các thang bậc hỉ lạc sầu bi chốn trần gian và nhận ra rằng đời sống chốn nhân gian đáng sống hơn nhiều so với việc trở thành thần tiên bất tử.

Sau khi được xuất bản, cuốn sách đã tạo ra một tiếng vang lớn trong báo chí. Đây là cuốn tiểu thuyết kết hợp giữa dã sử, kiếm hiệp, thần tiên đầu tiên ở Việt Nam, và đặc biệt là nó được viết bởi một cô bé mới 14 tuổi (được hoàn thành năm 16 tuổi). Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét như sau về cuốn sách:

“Một cuốn tiểu thuyết viết theo lối chương hồi phóng túng (có câu thơ đầu ở hầu hết các chương tuy không nhất thiết phải đối nhau nghiêm ngặt; có đoạn thơ kết thúc từng chương). Một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn tưởng tượng, nghĩa là đọc nó người đọc được bước vào một thế giới thần tiên ma quỷ, không phải thế giới hiện thực của con người trần gian, nhưng tình cảm, cảm xúc của các nhân vật tiên quỷ trong đó lại là của con người. Một cuốn tiểu thuyết cuốn hút người đọc theo những bước chân phiêu lãng, theo những cuộc tình trong sáng đắm say của những chàng trai cô gái vốn hóa thân xuống đất làm việc thiện việc nghĩa, không ngại chấp nhận thử thách đến từ phía cái ác cái xấu. Một cuốn tiểu thuyết mà đọc nó ngỡ như quen thuộc từ nhân vật đến giọng văn nhưng lại thấy lạ lùng khi nghĩ đó là do một cô bé học sinh viết ra.”

Trích dẫn truyện:

…“Phụng Nhi cũng không lên triều. Không hiểu nàng đã đi đâu trong suốt ngày hôm qua và cũng không biết hiện giờ nàng đang ở đâu nữa? Hai ngày sau, nàng đã trở về, nàng vẫn lên triều nhưng trông nàng xanh xao và tiều tụy hơn, đối mắt sắc sảo của nàng trở nên buồn đến não người. Nàng càng buồn, mà không hiểu sao những vị quan tài tử trong triều bỗng trở nên tâm thần rối loạn. Từ một cô gái chuyên đề ra những phương châm đúng đắn về việc nước, Phụng Nhi bỗng trở nên trầm tư và thờ ơ trước mọi chuyện chính sự. Nàng vẫn đứng trong điện mà không hiểu tâm trí của nàng đang ở nơi đâu? Trước đây, cứ sau một buổi chầu là nàng lại tranh luận với tất cả văn võ bá quan, vậy mà bây giờ cứ tan triệu, nàng lùi lũi bước đi không nói một lời. Hình như đối với nàng, lên triều là cả một cực hình vậy. Sức mạnh của nỗi buồn quả là to lớn. Nó làm cho người cứng rất nhất cũng trở nên mềm yếu.”…

…“Chàng đã để tất cả quãng thời gian đó để khám phá một thế giới mới mà theo chàng đó là một thế giới thú vị vô cùng. Đó là thế giới của núi đá rêu phong, của thác đổ ào ào, của vạn vật muôn lời. Chàng thấy thật sảng khoái khi được gối đầu lên tảng đá, lưng đặt xuống đất ẩm, màn đêm là bức màn kỳ diệu che cho chàng. Thỉnh thoảng, chàng lại lấy tiêu thổi một khúc nhạc tình yêu. Chàng đã ngộ ra được nhiều điều trước khung cảnh thiên nhiên này.”Nhiều khi, những đếm trăng sáng, chàng cũng không khỏi xúc động. Ánh trăng sáng hòa với ánh bạc lấp lánh của suối tạo nên một tấm lụa tuyệt đẹp. Từng sợi tơ ánh vàng xen kẽ với những sợi bạc… và tựa như cả trăng và suối đã làm một chiếc khung cửi vĩ đại nhất trần đời.”…

…“Chàng không muốn nhìn thấy ai phải đau khổ, mà muốn tiêu diệt cái gì thì phải truy tìm nguồn gốc của cái đó. Song, thật là trớ trêu, chàng không sao tìm được nguồn gốc của đau khổ. Và đâu chỉ mình chàng không tìm được. người ta không hiểu được nguồn gốc của đau khổ cũng như không hiểu tại sao loài người lại có mặt trong trời đất vậy. Mưa xuân vương trên tóc và áo, chàng nhìn căn phòng đầy bụi bặm và mạng nhện, nhưng bức họa vẫn còn rõ nét. Dáng người ấy, vẻ mặt ấy, nụ cười ấy khiến tim chàng nhó lên từng đợt như ai đang cầm cây kim chọc vào. Bức tranh nhòa dần đi trong nước mắt, chàng bước đến gần, phủi nhẹ lớp bụi trên bức tranh, chìm đắm vào đau thương.”…

…“Đào hoa rụng xuống bên thềm

Lòng ta chỉ một giữa đêm mưa buồn

Những ngày gió xéo mưa tuôn

Lấy ai sưởi ấm chút hồn cô đơn

Đôi lời thệ hải minh sơn

Một cơn mưa xuống trút hờn ngàn năm”…

Con đường viết của tôi (5): Sáng tác văn chương như hành trình khám phá thế giới tâm trí

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuông nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là những người mơ hồ nhận thức được rằng, tất cả những gì đang diễn ra ở ngoài kia đều sẽ có một hình chiếu trong tâm trí hoặc ngược lại, vạn sự diễn ra đều là phóng chiếu ở tâm. Như vậy thì, thành công ở đời sống bên ngoài có lẽ không lý thú bằng con đường khám phá và chinh phục thế giới tâm trí bên trong.

Nghe qua thì việc sáng tác văn chương có phần nào giống những người thiền định hay những bậc tu hành nhỉ! Điều này không sai. Nếu người thiền định hay bậc tu hành thông qua các phương pháp tĩnh lặng để đạt được tri kiến, thì người sáng tác văn chương thông qua hành vi chiêm nghiệm và viết, cũng để đạt được tri kiến. Có nhà văn chiêm nghiệm rồi viết, cũng có nhà văn vừa viết vừa chiêm nghiệm, nhưng dù thế nào, trong quá trình sáng tác, những tri kiến mới mẻ sẽ xuất hiện bên ngoài cái biết thông thường của chúng ta. Nếu sau khi viết xong một bài thơ, một truyện ngắn, một tản văn, một cuốn tiểu thuyết…v…v… mà ta không thấy mình trưởng thành hơn, tức là ta chưa thực sự sáng tác mà chỉ thông qua viết để mô phỏng lại những gì đã biết như một cái máy.

Viết thơ, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết… như một cái máy là thói quen thường thấy của những nhà văn chuyên nghiệp hoặc ở cấp độ thấp hơn, là các cây viết thị trường. Các nhà văn chuyên nghiệp khi đã định hình phong cách, định hình tư tưởng, định hình lối tư duy rõ rệt, thì tâm trí của họ đã trở thành một phần mềm thông minh luôn vận hành tự động. Mọi dữ liệu đời sống tự động nạp vào tâm trí của họ, tự bố cục theo những gì tâm trí họ định sẵn. Nếu bạn thấy một nhà văn, nhà thơ nào có phong cách lặp đi lặp lại nhưng vẫn hấp dẫn thì đó là bởi họ đã bị mắc kẹt trong chính cái phần mềm thông minh mà họ tạo ra trong các tác phẩm thành công ban đầu. Đương nhiên, một tác giả chân chính sẽ nhận thức được điều này. Họ sẽ vùng vẫy để thoát khỏi sự “chuyên nghiệp” ấy. Họ sẵn sàng thử nghiệm những thứ mới hơn, đi vào các ngóc ngách khác lạ trong tâm trí mình, thậm chí sẽ dẫn đến các biểu hiện điên rồ trong lối viết cũng như trong đời sống. Các thử nghiệm này chưa chắc được số đông độc giả đón nhận, nhưng với tác giả đó là bước đi cần thiết để thoát khỏi cái bóng của chính mình. Các cây viết thị trường thì vừa giống lại vừa khác. Họ cũng chạy trên phần mềm, nhưng là phần mềm cải tiến lắp ghép từ rất nhiều người khác. Họ đủ hiểu độc giả muốn gì, các Nhà xuất bản yêu cầu gì, và từ những yêu cầu đó họ cải tiến thành một phần mềm. Thường trong các tác phẩm thị trường, tính cá nhân của nhà văn không cao, mà chỉ tuân thủ theo các xu hướng có sẵn của xã hội. Người đọc đọc tác phẩm của họ để ve vuốt cái tôi cá nhân của bản thân với những thói quen suy nghĩ đã sẵn có của họ.

Vậy thì vấn đề quan trọng nhất của sáng tác có phải là thoát khỏi những phần mềm tâm trí có sẵn hay không? Không hoàn toàn như vậy! Nếu người viết nhận ra rằng mình bị rơi vào phần mềm tâm trí, càng cố vùng vẫy thì càng khó thoát. Thực ra nếu chúng ta nhớ lại cái cảm giác run rẩy ban đầu khi bước vào con đường sáng tác, còn ngơ ngác trước mọi thủ thuật viết lách, còn non nớt trong diễn đạt, bạn sẽ thấy rằng quá trình sáng tác văn chương có chiều sâu hơn một cuộc vùng vẫy rất nhiều.

Còn nhớ những ngày đầu tôi viết cuốn tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”. Lúc ấy, tôi chưa biết gì về các lý thuyết văn học, chưa giỏi các thủ thuật, còn nghĩ cuộc đời là màu hồng với những lý tưởng cao vời về tình yêu và chính nghĩa. Tôi tự hóa thân mình vào nữ nhân vật chính, tôi tưởng tượng ra kinh thành Thăng Long thời Lý, vùng núi phía Nam Trung Quốc, và cả mảnh đất  kỹ lưỡng từng chi tiết (thậm chí còn chả quan tâm đến sử liệu). Tôi tạo cho mình những người bạn, những kẻ thù; tạo cho mình một thời cuộc để sống; tạo ra những va đập và phản ứng của đời thường. Một cuộc đời giả lập đã được tạo ra, để trong đó tôi cho phép cá tính của mình thoải mái bộc lộ và xem xét những phản ứng. Tôi cũng để những nhân vật khác trong truyện có cá tính riêng dựa trên nguyên mẫu người tôi đã gặp và đưa vào đó những dự đoán của tôi về phản ứng phù hợp với cá tính nhân vật.  Tất cả những nhân vật va đập với nhau để tạo ra một thế cuộc của cuốn sách, rồi chính thế cuộc ấy lại tác động góp phần nổi bật nhân vật chính đại diện cho tôi. Nghe tưởng chừng như tôi kiểm soát toàn bộ cuộc chơi sáng tác và thế giới trong truyện do một tay tôi dàn xếp tất cả. Nhưng không phải vậy. Các nhân vật đều có đời sống riêng của nó, kể cả nhân vật đại diện cho tôi. Chúng luôn có những phản ứng bên ngoài sự sắp đặt. Tại sao lại vậy? Bởi lúc viết, tôi chưa hoàn toàn hiểu hết con người sâu thẳm bên trong minh và cũng chưa từng hệ thống hóa những gì tiếp thu được từ thế giới bên ngoài. Trong quá trình sáng tác, những nhận thức từ thế giới bên ngoài được lắp ráp lại với nhau để tạo thành một thế giới trong tưởng tượng. Nhân vật đại diện cho tôi, mà thực ra là chính tôi, đã đi vào thế giới tưởng tượng ấy, sống hoàn toàn trong đó, trải nghiệm từng thang bậc hỉ nộ ái ố trong đó, để rồi rút ra những tri kiến riêng cho mình. Suốt 2 năm viết tiểu thuyết, tôi sống song song hai cuộc đời: một cuộc đời trong truyện và một cuộc đời vật vờ ngoài đời thật. Có thể xem, việc sáng tác một cuốn tiểu thuyết giống như là một lần “lịch kiếp” vậy. Trải qua kiếp người giả lập ấy, nếu chúng ta không học được bài học gì cho bản thân, chúng ta sẽ lặp đi lặp lại kiếp ấy ở những cuốn tiểu thuyết khác. Chính bài học chúng ta không học được qua trải nghiệm sáng tác sẽ đẩy chúng ta vào phần mềm thông minh của chính mình.

Vậy thì sáng tạo văn chương thực sự là một cuộc dấn thân toàn bộ bản thân mình vào thế giới tâm trí bên trong. Càng dấn thân, càng liều chết xông lên mà không màng tới những gì đã bỏ lại ở thế giới bên ngoài, thì ta càng đạt được các nấc thang cao hơn của sự sáng tạo. Đôi khi, sự dấn thân này sẽ gặp bế tắc, bởi thế giới tâm trí dường như bị rơi vào tình trạng thiếu thông tin. Ta lại làm một cuộc hành trình ngược lại, đó là dấn thân toàn bộ vào một cuộc chơi bên ngoài. Thế nhưng, cuộc chơi bên ngoài này chỉ là một hướng đi đột phá. Bởi ta chơi trò chơi bên ngoài với cái nhìn nội tâm. Sau cuộc du ngoạn ngắn ngày ấy, ta lại quay vào thế giới nội tâm với các dữ kiện mới thu thập được, để có thể kiến tạo cho mình một thế giới mới hơn. Nhưng nếu với cuộc chơi bên ngoài, bạn không thể quăng quật bản thân mình vì sợ tổn thương, sợ đau đớn, thì bạn cũng không thể thu lượm được tri kiến nào mới mẻ. Và đến khi quay lại với việc sáng tác văn chương, bạn vẫn sẽ lặp lại cái phần mềm của mình với các dữ liệu góp nhặt khác.

Thế nên, con đường sáng tạo văn chương hay sâu xa hơn là hành trình khám phá nội tâm của mỗi cá nhân cần sự dũng cảm phi thường. Trên con đường này, người viết không sợ hãi sự cô độc, không hoảng hốt trước các ý nghĩ điên rồ, không ngại các cơn tra tấn tinh thần, không e dè trong việc đạp đổ các ý tưởng của chính mình. Thậm chí, con đường này có phần gai góc hơn tu hành, bởi vì không cái phao niềm tin nào để bấu víu. Người viết loay hoay giữa vô cùng, và chỉ những người dũng cảm phi thường mới có thể thích thú với vô cùng.

Hà Thủy Nguyên