Home Sáng tác mới Bí mật Long Thành – Chương 1: Đứa trẻ cô độc

Bí mật Long Thành – Chương 1: Đứa trẻ cô độc

Tôi sinh ra trong một gia đình quái gở. Về căn bản, tôi thích sự quái gở ấy, nhưng thỉnh thoảng tôi cứ thắc mắc tại sao gia đình tôi không như gia đình người ta.

Mẹ tôi chẳng ngồi bên tôi kèm cặp, dậy tôi học như mẹ người ta. Mẹ mặc tôi thích học thì học, không học thì nghỉ. Tôi cũng kệ thôi, không bắt học là sướng rồi. Thỉnh thoảng, khi bị bà ngoại tôi ép buộc, mẹ mới ngồi hướng dẫn tôi học. Cầm đến quyển sách Tiếng Việt, mẹ liền tức điên người rồi phàn nàn một thôi một hồi về các lỗi trong sách giáo khoa. Đến môn Sử thì khỏi nói luôn, mẹ chỉ kết luận một câu ngắn gọn: “Lừa đảo!”. Mẹ chỉ hứng thú nhất khi đưa tôi đi ăn nhà hàng và kể cho tôi nghe những câu chuyện kỳ quái. Bà tôi kể là mẹ tôi ngày trước học giỏi lắm, đủ cả cầm kỳ thi họa, văn võ song toàn, có khi còn vừa hồng vừa chuyên. Ấy thế mà, không giống như mẹ người ta hàng ngày đi làm kiếm tiền, rồi đi shopping quần áo, lên mạng xã hội selfie; mẹ tôi ngủ đến gần trưa mới dậy rồi lại ôm riệt cái máy tính cả ngày, và cứ đêm đến lại đi mất tăm khỏi nhà.

Bố tôi cũng vậy. Tôi không gọi ông là “bố”, toàn gọi bằng tên. Không sao cả! Bố cũng không nề hà. Với tôi, bố như một người bạn, không, chính xác là một chiến hữu. Chúng tôi thường cùng nhau chinh chiến trên chiếc xe máy thị sát khắp thành phố Hà Nội, bất kể mùa đông giá rét hay mùa hè nóng nực. Bố không lạnh nhạt và phũ phàng như mẹ. Nhiều khi tôi nghĩ chắc bố cũng bị mẹ hành ghê lắm. Bởi vì mẹ hầu như lúc nào cũng đăm chiêu. Ngay cả khi đùa vui, bên ngoài nói cười thế thôi, chứ bên trong đầu của mẹ tôi đang tính toán cái gì thì đến trời cũng khó mà biết được. Bố tôi và tôi đầu óc đơn giản, thôi thì cứ kệ cho mẹ tôi suy tính, biết kết quả là được rồi, mà kết quả không làm phật ý tôi thì càng tốt.

Hầu hết thời gian tôi ở cùng bà ngoại. Ông ngoại qua đời, toàn bộ sự chú ý của bà dành cho tôi. Nhưng bà tuyệt đối không dậy tôi học. Mặc dù cũng muốn tôi học giỏi và chăm chỉ như con nhà người ta, nhưng cứ khi bà nghe mẹ tôi phân tích là chương trình sách giáo khoa dạy sai thế này thế kia, thì thấy cũng có lý, dần dần xuôi xuôi rồi mặc kệ tôi thích làm gì thì làm. Bà mặc kệ tôi thích làm gì thì làm, nhưng tôi không muốn mặc kệ mẹ thích làm gì thì làm. Tôi luôn cảm giác mẹ đang làm cái gì đó rất bí mật, rất quan trọng mà không muốn cho tôi biết. Người duy nhất biết bí mật là bố tôi, và có vẻ ông còn là trợ thủ đắc lực.

Mỗi khi tôi lên phòng bố mẹ, điều tôi chú ý nhất là những tấm bản đồ, chi chít các vết đánh dấu bằng các ký tự khó hiểu. Tấm bảng trắng liệt kê những cái tên cả Tây cả Ta, những cái tên chỉ có trong thần thoại, hoặc là đã bị gạch đi, hoặc là đánh dấu đỏ đậm nét.

Đấy, học hành như thế, bố mẹ như thế thì làm sao có điểm số cao được. Được cái, tôi cũng không cần điểm cao. Điểm cao mà làm gì? Tôi thấy có bà giáo viên dậy giỏi ở một trường điểm của thành phố, hôm được mời đến một hội thảo lớn, còn nói ngọng “l” – “n” “noạn cả nên”, vẫn là giáo viên hàng đầu. Tôi còn có bà bác chẳng đi học đại học ngày nào cũng có bằng luật sư, một chữ tiếng Anh không biết nhưng vẫn đầu tư kiếm tiền tỉ ở bên Úc. Tôi cũng thấy bố mẹ tôi kiến thức hơn người, nhưng tiền chẳng có mấy, cũng chẳng đi xe hơi như người ta, lại ít kết giao bè bạn. Có hôm tôi phàn nàn:

– Mẹ không chịu dậy con học, sau này con chỉ đi quét rác thôi!

Mẹ tôi đáp gọn lỏn:

– Đi quét rác cũng tốt chứ sao! Thế giới đầy rác, quét bớt đi cho sạch!

Tôi khó chịu với kiểu nói nửa đùa nửa thật ấy:

– Sao mẹ không đi quét rác đi?

Mẹ tôi phá lên cười:

– Thì vẫn đang quét đây!

Rốt cuộc cái ý quét rác mà mẹ tôi nói đến là gì? Mẹ tôi bình thường sợ bẩn chết đi được. Nhìn thấy rác rưởi là nôn ọe, chẳng bao giờ dám động tay động chân đến rửa bát quét nhà, làm gì có chuyện đủ dũng khí đi làm nghề quét rác. Tôi chỉ biết bĩu môi một cái dài thượt rồi thôi. Mà tôi nghĩ rồi, tôi sẽ phải tìm ra bằng được xem mẹ tôi thực sự làm gì.

Như mọi hôm, tôi giả vờ vô dụng mò lên phòng bố mẹ tôi. Lúc ấy, bố đang ngồi xem tấm bản đồ Hà Nội, dùng bút đỏ đánh dấu một loạt các đền dọc bờ sông Tô Lịch. Còn mẹ tôi thì đang gõ gõ một cái gì đó dài dằng dặc. Hà Nội là thành phố nơi tôi sống, một thành phố có lớp lịch sử dày đặc. Mẹ tôi vẫn nói đùa rằng: “Giả Bình Ao nói một con ruồi ở Tây An cũng mang trong mình dấu vết lịch sử thì ở Hà Nội, một cái thở hắt ra cũng ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử”. Tôi không hiểu hết ý nghĩa trong câu nói của mẹ, chỉ đoán lờ mờ rằng Hà Nội là thủ đô của một quốc gia nên mới có ảnh hưởng như vậy.

Nhà tôi nằm ngay ven sông Tô Lịch, gần một lúc mấy cái chợ và siêu thị, có thể nói là một nơi tấp nập buôn bán, đèn điện lúc nào cũng sáng choang. Ông tôi là người chọn chuyển nhà ra đây. Tôi nhìn thấy trên bản đồ, địa điểm nhà của tôi được đánh dấu bằng chữ H (chắc là viết tắt của “Home”. Từ địa điểm ấy, một đường thẳng được nối lên Văn Miếu Quốc Tử Giám. Văn Miếu Quốc Tử Giám là một điểm thiêng trong thành phố Hà Nội. Văn Miếu được xây vào năm Thần Vũ thứ hai, đời vua Lý Thánh Tông, thờ các vị thánh hiền trong Nho giáo bao gồm Chu Công, Khổng Tử cùng với các danh nho khác. Vị thái tử, con trai của Lý Thánh Tông, Lý Càn Đức (miếu hiệu Lý Nhân Tông) là người đầu tiên học trong Văn Miếu này. Đến đời Trần Thái Tông tức Trần Cảnh, nơi này xây thành Quốc Tử Giám và cho phép con nhà thường dân có tài năng đến đây theo học. Xưa kia, Văn Miếu Quốc Tử Giám thuộc huyện Thọ Xương. Bây giờ không ai gọi khu vực đó là huyện Thọ Xương nữa mà chỉ biết đến những tên đường gần đó. Nhưng bố mẹ tôi vẫn nói theo lối cũ, vẫn gọi khu vực phía Nam kinh thành Thăng Long, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám với cái tên này.

Đừng hỏi tại sao tôi học ở trên lớp thì kém cỏi mà những thứ này tôi lại biết rõ thế. Nó là một trong các câu chuyện “nhảm” mà bố mẹ vẫn thường tán hươu tán vượn với tôi khi rảnh rỗi. Tôi vẫn thấy lý thú hơn nhiều so với giờ lịch sử ở trên lớp. Lên đúng lúc bố mẹ tôi đang đăm chiêu thế kia, ắt hẳn là có thông tin. Tôi nghe bố tôi nói:

– Tưởng giáo dục đổi mới thế nào, hóa ra vẫn y hệt như cách đây cả nghìn năm!

Mẹ tôi cười khẩy:

– Y hệt là y hệt thế nào? Thua xa ấy chứ! Em thấy giống giáo dục thời Lê- Trịnh, khi người ta cứ học như vẹt là thế nào cũng đỗ cao. Còn chưa kể mấy trò ghen tài!… Ừm, đáng chú ý đây, từ thời Trần Thái Tông đã đổi từ Quốc Tử Giám sang Quốc Học Viện nhưng đến thời Lê Hiển Tông thì lại đổi lại thành Quốc Tử Giám và biến nơi này thành một trung tâm giáo dục cao cấp của triều đình, như trường đào tạo cán bộ vậy á!

Bố tôi là người thông thạo nhiều ngôn ngữ, liền nói:

– Chữ Giám trong Quốc Tử Giám có nghĩa gốc là “xem”, “soi”, còn có nghĩa ám chỉ nhà tù. Hay thật! Ở đây chữ “giám” chắc muốn nói đến công sở nhưng mà liên hệ với nhà tù thì thật là liên quan một cách sâu sắc.

Tôi nghe đến đó, mơ hồ nhớ đến câu vè mà tôi được nghe: “Đi học là đi tu/ Ngồi học là ngồi tù/ Sách vở là vũ khí/ Cô giáo là kẻ thù/Ngồi cạnh đứa xấu mù/ Càng học càng thấy ngu”. Nghe mẹ tôi nói, câu này mẹ tôi biết từ hồi học cấp 1. Xem ra cái ý tưởng “ngồi học là ngồi tù” có từ thời Quốc Tử Giám được xây cũng nên.

Nghe bố tôi nói thế, mẹ tôi quay ra nhìn tôi một cách ái ngại rồi kết luận một câu:

– Mẹ nghĩ Hà nên nghỉ ở nhà hẳn một tuần đi! Đến lớp thế nào cũng gặp chuyện!

Tôi cau mày:

– Con không nghỉ đâu! Nghỉ nhiều quá không lên lớp được!

Mẹ tôi cười khẩy:

– Yên tâm đi, con cứ ở lại lớp vài năm thì thế nào nhà trường cũng mời con lên lớp, lại còn tạo mọi điều kiện để con tốt nghiệp nữa chứ!

Tôi “hứ” một tiếng, lắc đầu nguầy nguậy. Mẹ nói tiếp:

– Mấy hôm nữa đi học mà gặp chuyện khó chịu thì đừng có về khóc với mẹ đấy!

Nãy giờ quên nói, tôi tên là Hà, chữ Hà có nghĩa là con sông chứ không phải hoa sen hay ráng chiều. Cái tên “Hà” khá phổ biến, nhưng tên do bố mẹ tôi đặt thì ắt là phải có lý do. Tôi cũng không tò mò làm gì, khi nào đủ 18 tuổi, tôi được quyền tự đổi tên, nhất định sẽ chất vấn sau. Mẹ tôi tên là Phụng, chữ Phụng trong con phượng hoàng. Bố tôi có tên Sơn, lại một cái tên thông dụng nhưng khi đi với tên mẹ tôi liền gợi cho tôi đến sự bí ẩn, nhưng tại sao bí ẩn thì tôi không biết rõ.

Sáng nào cũng vậy, 6 giờ sáng tôi bước chân ra khỏi nhà. Một động lực bí ẩn nào đó đã thôi thúc tôi phải dậy sớm và đi học sớm. Tôi đạp xe qua ngõ nhỏ nối từ nhà đến trường. Trường tôi nằm ngay cạnh đình làng. Trước đình làng có một cái ao rộng thênh thang. Tôi đạp xe vài vòng quanh ao trong vô thức, cứ mỗi lần hết một vòng lại thấy mình tỉnh táo hơn một chút, khung cảnh xung quanh đỡ mờ nhạt hơn. Tôi nghe người ta đồn ở ao này cứ mười hai giờ đêm có một nữ quỷ mặc áo trắng bỏ tóc xõa ngồi hát. Tôi kể với bố mẹ, bố mẹ cười lăn cười bò. Mẹ tôi giải thích rằng nữ quỷ ấy chính là mẹ tôi. Mẹ tôi có cái váy trắng rất sexy, cứ đến hôm trăng sáng lại lôi ra mặc rồi để tóc xõa ra cho thoải mái. Nghe mẹ tôi giải thích, tôi lập tức nhớ đến cái váy trắng, thấy cũng có lý. Nhưng mà nửa đêm chạy ra bờ ao ngồi vắt vẻo rồi hát thì kỳ quái quá rồi.

6h sáng mùa đông, trời vẫn còn nhá nhem chưa sáng hẳn, sương dày đặc. Trường lúc này còn chưa có ai tới ngoài ông bảo vệ. Tôi đi bộ lững thững trong sân trường, cảm thấy rờn rợn, như có ai bám theo. Gió thổi những cánh cửa ken két càng thêm phần ma quái. Trường tôi cách bờ ao không xa, nếu như nữ quỷ ấy không phải mẹ tôi thì liệu nó có ám ngôi trường của tôi không? Nghĩ đến đó, tôi rùng mình, ba chân bốn cẳng chạy thẳng lên lớp, ngồi úp mặt xuống bàn run cầm cập chẳng rõ vì lạnh hay vì sợ nữa.

Khi tôi nhắm mắt lại, những tiếng động mơ hồ vẫn vang vang trong tai tôi. Tiếng xích sắt kéo ì ạch trườn đi vào vô định, chẳng biết từ đâu vọng tới. Tiếng hú mơ hồ lúc xa lúc gần không rõ là gió rít ngoài cửa sổ hay những oan hồn đang kêu gào. Tiếng cạch cạch như một bàn tay đang cào cào cửa sổ. Tôi hé mắt ra, chỉ là một cành cây khô đang đập vào cánh cửa. Nhắm mắt lại xem ra còn đáng sợ hơn cả mở mắt chứng kiến khung cảnh u ám trước mắt. Ít ra thì trời cũng còn sáng dần lên. Nhắm mắt vào chỉ rặt là bóng tối với các ảo giác kinh dị.

Bạn học của tôi bắt đầu vào lớp. Nhìn chúng nó xem, nhếch nhác và bầy đàn. Chúng nó đang nói xấu các thày cô giáo. Tôi vẫn không hiểu tại sao chúng nó có thể một mặt vẫn vâng dạ nịnh bợ thày cô, còn một mặt khác chúng nói gọi thày cô là “ông này bà kia” rồi chê bai, chửi rủa. Tôi nhìn thấy chúng nó chép bài nhoay nhoáy trong giờ kiểm tra, dù trong đầu không hiểu gì. Tôi không làm được thế! Đừng hỏi tại sao điểm của tôi kém, tôi còn bận quan sát từng đứa một trong giờ kiểm tra, xem chúng nó làm gì và sắc mặt biến đổi ra sao. Như mẹ tôi nói, bài kiểm tra không thể kiểm tra được khí chất của tôi.

Lũ bạn học hôm nay nhìn tôi với ánh quái dị. Tôi chưa nhìn thấy ánh mắt như vậy bao giờ. Đó là những cái nhìn chòng chọc, soi xét, hằn lên sự thù hận khó hiểu. Những ánh mắt ấy đều hướng về tôi. Tôi linh cảm thấy có gì đó chẳng lành. Ở lớp, tôi bị xếp một mình một bàn ở cuối phòng học, do tôi cao to hơn hẳn lũ bạn học, và có lẽ là do cô giáo cũng không muốn nhìn mặt tôi. Một đứa học sinh lúc nào cũng nộp giấy trắng tất cả các môn không có lợi gì cho bảng thành tích của cô giáo.

Bốn tiết học buổi sáng trôi qua chậm rãi, tiết cuối cùng là sinh hoạt lớp. Suốt bốn tiết, đầu tôi mơ mơ màng màng, chắc là trôi dạt phiêu du khắp Hà Nội rồi. Mà có khi ngược sông Hồng lên tận dãy Côn Luân rồi cùng nên. Lúc cô giáo chủ nhiệm vào lớp, hồn tôi mới men dần theo cơn gió bay từ đầu nguồn của con sông, xuôi theo dòng, về đến Hà Nội, còn chưa kịp tới cổng trường. Tôi chỉ thấy cô giáo và bạn học nói cái gì đó đến tên tôi.

Lớp trưởng đứng lên gay gắt:

– Thưa cô, bạn Hà tuần này không làm bài tập về nhà, không chơi với các bạn trong lớp. Bọn em góp ý chẳng bao giờ chịu nghe.

Cả lớp cũng nhao nhao lên:

– Đúng rồi, làm tụt điểm thành tích của lớp.

Tổ trưởng tổ tôi cũng đứng lên nói:

– Thưa cô, bạn ấy học đã dốt còn không thèm đi học thêm các buổi chiều. Như thế là không tôn trọng cô, không coi cả lớp ra gì!

Cả lớp vẫn nhốn nháo:

– Cô phải phạt bạn ấy đi ạ!

Tôi vẫn ngơ ngơ ngác ngác, hồn chỉ mới về đến xác, còn chưa rõ chuyện gì xảy ra. Cũng chẳng hiểu tại sao cả lớp lại quay sang đấu tố mình. Nước mắt tôi chực trào ra uất ức. Nghĩ lại thì cũng chẳng rõ tôi uất ức cái gì. Phần lớn thời gian hồn tôi còn đang bay lượn dọc sông Hồng, chỉ có xác của tôi vẫn ngồi nghiêm chỉnh trong lớp học. Hồn vừa về đến xác, thấy xung quanh nhốn nháo buộc tội tôi, là liền chực khóc. Chắc hồn tôi “mong manh dễ vỡ”, không chịu nổi cái cảnh mấy chục cái mồm cùng chĩa vào buộc tội.

Cô giáo thấy tôi rơm rớm nước mắt, liền tá hỏa, mắng át cả lớp:

– Cả lớp trật tự! Bạn Hà tuần sau cần cố gắng hơn!

Nhưng cô càng nói thế, tôi càng uất ức. Tôi khóc òa lên như sông Hồng vỡ đê. Thấy tôi khóc, cả lớp ngồi rúm ró cả lại im thin thít, không dám nói gì. Trong lúc khóc, hình bóng mẹ tôi mặc áo trắng, để tóc xõa, ngồi trên thành bờ ao, hát dưới đêm trăng sáng hiện ra trong đầu tôi. Tôi tự nhủ: “Có lẽ mẹ tôi nói thật!”. Bên ngoài khóc cứ khóc, bên trong, tôi chợt nhận ra tôi hoàn toàn khác với những người xung quanh, và bố mẹ tôi cũng thế, hoàn toàn khác. Và tôi cần phải tìm xem, sự khác biệt ấy đến từ đâu. Tôi không muốn làm một đứa trẻ hoàn toàn cô độc một cách không rõ ràng như thế. Tôi mơ hồ cảm thấy giữa Văn Miếu Quốc Tử Giám, lời dụ dỗ nghỉ học một tuần của mẹ tôi và việc cả lớp xúm vào đấu tố tôi có một sự liên quan nào đó mà tôi cần phải tìm ra. 

 

Hà Thủy Nguyên

Long Điểu truyện – Chương 7: Phượng hoàng lửa

Thiên Hoàng và Minh Hoàng im lặng như hai pho núi trước giờ phun trào nham thạch. Một suy nghĩ thoáng qua đầu Thiên Hoàng: “Như vậy Minh Hoàng không phải kẻ bắt cóc Thiên Phụng… Không lẽ là hắn! Kẻ giả mạo bấy lâu nay… Nhưng bắt cóc con bé thì cũng không có lợi gì cho hắn! Trừ phi hắn biết…” Minh Hoàng nhún vai đứng dậy, bước chậm rãi trong phòng, rồi đứng gần cửa sổ, mắt lơ đãng nhìn vào màn

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 14: BỨC TƯỜNG ĐỒNG

Thành Trấn Tây quả là khu thành trấn thủ phía Tây của Điểu tộc. Đúng như tên gọi của nó, thành men theo sườn núi phía Tây Bắc của dãy Đại Sơn, tường cao dựng đứng ngang với những gốc thông cổ thụ. Vào ngày mờ sương, đứng dưới chân thành không thể nào nhìn thấy bờ tường thành. Tường thành không được làm bằng đá mà bằng một lớp thanh đồng dày. Cửa thành luôn luôn đóng, bất kể có chiến sự hay không.

Long Điểu truyện – Chương 13: Ổ bướm

Tế Thiên lững thững đi vào một khu phố đèn hoa chăng rực rỡ. Nơi đây là điểm sáng sặc sỡ nhất của thành Trấn Tây xa xôi ngoài biên ải. Tiếng cười đùa chen tiếng nhạc, xiêm y phất phơ hường phấn. Tế Thiên không mấy xa lạ với chốn này. Chàng thành danh được cũng nhờ thuở trước hay qua lại khu ổ điếm. Những bệnh nhân thường xuyên với khoản trả hậu hĩnh cho chàng chính là những cô gái điếm ở

Long Điểu truyện – Chương 6: Thưởng rượu trong sương

Ở Điểu Kinh có một hồ nước trong vắt như pha lê, có tên là Vọng Tiên. Nước hồ xanh thăm thẳm, có thể nhìn thấy đáy với những thân cây phủ rong rêu cổ đại. Vào mùa đông, một lớp băng mỏng dát bạc trên mặt hồ khiến đáy hồ như một bức tranh tự nhiên hoàn mỹ, chỉ đơn thuần là đẹp thôi, không ẩn ý bất cứ điều gì. Lúc này trời đã cuối thu, cũng khá lạnh. Một lớp băng mỏng

Long Điểu truyện – Chương 19: Phượng Hoàng Ca

Khúc đồng ca vang vọng, vọng sâu tới cõi lòng Dã Vương. Cõi lòng hắn cuộn lên trăm muôn ký ức của Chúc Thịnh Lai. Hắn vừa né đòn của Thiên Phụng vừa bay về phía tường thành. Thiên Phụng lập tức đuổi theo, nhưng do bị thương nên bị bỏ lại một đoạn. Dã Vương từ hai lòng bàn tay toé ra tia lửa đen. Hắn ném hai cuộn lửa về phía Vương Minh. Dưới chân thành chỉ vang lên tiếng hét: - Cha!