Home Bình Luận Cuộc xung đột diễn ngôn của cộng đồng mạng Việt Nam xoay quanh cuộc chiến Ukraine vs Nga nói lên điều gì trong tâm thức của chúng ta?

Cuộc xung đột diễn ngôn của cộng đồng mạng Việt Nam xoay quanh cuộc chiến Ukraine vs Nga nói lên điều gì trong tâm thức của chúng ta?

Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tạm lắng nhờ vào công cuộc thúc ép tiêm vaccine trên toàn thế giới tạm thời đạt chỉ tiêu, một khủng hoảng khác lại bùng lên: Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga (đương nhiên, định danh này cho cuộc chiến chỉ mang tính chất ghi nhớ, vì cho tới nay, cuộc chiến này đã vượt ra khỏi phạm vi của hai quốc gia). Mối liên hệ giữa thế giới hậu COVID-19 và động thái chiến tranh từ Nga tính đến thời điểm này, vẫn chưa tìm được lý giải hợp lý, và có lẽ cần một thời gian nữa khi các sử liệu thoát khỏi cơn cuồng nộ cảm xúc và bão “fake news” để phản ánh chân thực tình hình. Lúc này đây, những luồng diễn ngôn trái chiều nhau, đan xem phức tạp nhiều quan ngại và định kiến khác nhau, dường như đang tạo ra một sự chia rẽ tất yếu và thường thấy trong dư luận.

Trong suốt giai đoạn COVID-19, chúng ta đã thấy một tiến trình xung đột gia tăng theo cấp độ tỉ lệ thuận với tầm cỡ của sự kiện. Bắt đầu từ mẫu thuẫn liên quan chất lượng của khu cách ly trong COVID-19, khi một bên quen với lối sống cá nhân chủ nghĩa mà cụ thể là đòi hỏi khu cách ly phải cung cấp đầy đủ tiện nghi; và một bên thì quen với những đòi hỏi trách nhiệm từ cộng đồng mà ở đây cụ thể là những người bênh vực cho tình trạng thiếu thốn với lý do “nước mình còn nghèo”. Rồi đến những tranh cãi xung quanh bà Phương Hằng về lựa chọn “thô nhưng thật” hay “trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội”. Cuộc tranh cãi khác đạt đến ngưỡng nực cười trong cuộc bầu cử Mỹ xoay quanh việc Trump và Biden ai xứng đáng hơn, và thú vị là bỗng chốc người Việt cứ như thể một bang khác của Mỹ (có lẽ vì người Việt không bao giờ, đúng hơn là chưa bao giờ được trải nghiệm lựa chọn và bàn luận sôi nổi về các ứng cử viên đứng đầu quốc gia như thế). Cuộc tranh cãi này chính thức khởi đầu những rạn nứt trong cộng đồng khi các tranh luận trái chiều nhau gây ra những hành vi “block” nhau của những người vẫn coi nhau là bạn, là “đồng chí” trong cùng tổ chức. Thế rồi, tình trạng tranh cãi leo thang đến mức cực đoan với chính sách tiêm phủ vaccine. Chính sách tiêm phủ vaccine trên toàn thế giới không chỉ gây chia rẽ dư luận trong nước mà còn cả thế giới, bởi chính sách này mang đến một sự phân cực vì nỗi lo dịch bệnh. Kém hiểu biết về virus, cơ chế vaccine và bị lo lắng che mắt, cùng truyền thông một chiều đầy tính cưỡng chế của các kênh truyền thông phương Tây… đã đưa toàn thế giới vào sự phân cực: tiêm là công dân tốt, không tiêm thì sẽ bị tẩy chay. Sự phân cực này đến nay đã bị xóa nhòa khi thực tế đang chứng minh rằng vaccine không giúp chúng ta phòng dịch bệnh tốt hơn, cũng không bảo vệ chúng ta khỏi chết hay các di chứng hậu Covid-19, và hóa ra người không tiêm chủng không phải “kẻ thù của công chúng” đến mức phải tẩy chay như người ta đã từng làm. Thế rồi, xung đột Nga và Ukraine đột ngột diễn ra và dư luận lại một lần nữa phân cực, với xung đột gay gắt hơn, mức độ chỉ trích nặng nề hơn, đến từ nhiều phía.

Để chúng ta dễ hình dung, tôi sẽ đặt bản thân mình vào các vai diễn giả định đại diện cho các diễn ngôn, rồi sau đó, tôi sẽ tách mình ra khỏi vai diễn ấy để làm một người ngoài cuộc và đưa ra phân tích của mình.

Tôi cho rằng Nga tiến đánh Ukraine là một sự trừng phạt cho sự phản bội của Ukraine, để bảo vệ những người gốc Nga tại đây, và để dằn mặt Mỹ & NATO. Tôi và nhiều bạn bè của tôi chịu ơn nước Nga và tôi sẽ không cổ vũ những người đã phản bội khối đoàn kết các nước Đông Âu để đi theo phương Tây như Ukraine. Ngày xưa, khi Liên Xô chưa sụp đổ, Ukraine đã từng được Liên Xô chu cấp và giúp đỡ. Nếu không có những ngày ấy, làm gì có Ukraine ngày nay.

Và thế là tôi sẽ gặp phải một luồng dư luận đầy phẫn nộ tấn công bằng một loạt các cụm từ như “bò đỏ”, “lạc hậu”, “Việt Cộng”… Những luồng dư luận này sẽ đặt ra một giả định: Thế nếu Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược thì sao. Nga xâm lược Ukraine cũng giống như Trung Quốc xâm lược Việt Nam vậy. Đương nhiên tôi cũng thấy có lý. Và thực ra thì Liên Xô đã sụp đổ rồi, bản thân tôi cũng không muốn quay lại thời bao cấp nghèo nàn. Thế nhưng, tôi vẫn không ưa Mỹ & NATO, tôi luôn cảm thấy rằng Mỹ & NATO mới là kẻ thù đích thực vì họ luôn muốn thống trị thế giới và khát khao chiến thắng. Tôi không có đủ hiểu biết về Mỹ và NATO nhưng đích thị họ là kẻ xấu, và Nga và nhân dân Ukraine đã bị kích động để lao vào cuộc chiến. Tôi cũng vẫn mong Nga dành thắng lợi, vì nhân dân Ukraine ngu muội bị Mỹ & NATO kích động không xứng đáng để chiến thắng. Tôi tin rằng Putin đã chuẩn bị hết cho các kịch bản này, và ông ta biết mình đang làm gì. Putin nhất định sẽ thắng.

Vâng, đây là phản ứng tất yếu của dư luận chính thống. Thực sự, chỉ khi chiến tranh Nga vs Ukraine diễn ra, tôi mới nhận ra rằng nước Nga vẫn giữ vị thế quan trọng đến vậy trong hệ thống chính trị Việt Nam. Tâm lý này có thể đến từ hai lối suy nghĩ điển hình: Một là, người Việt đối với phương Tây vừa sợ sệt nhưng vừa ngưỡng mộ và luôn tìm một cửa ra để Tây hóa cho kịp “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trong số các nước phương Tây, nếu Pháp đô hộ và bóc lột dân ta, còn Mỹ thì ném bom giết bao nhiêu người Việt, thì Nga lại luôn tương trợ cấp cho vũ khí, cho thực phẩm, cho công nghệ, còn tài trợ cho bao nhiêu dự án khoa học và du học để nâng tầm người Việt. Nên với Nga, rất nhiều người Việt vẫn có cảm giác biết ơn, dù đôi khi họ coi rằng Nga khá “ngố” khi cứ cho mà chẳng có âm mưu nào đằng sau như Tàu và cũng không siết nợ như tư bản phương Tây. Nếu đặt lên bàn cân, một bên là anh Nga ngố đại lượng và một bên là lũ tư bản suốt ngày lẩm bẩm tính tiền thì những người dân vừa ngóc đầu dậy khỏi đói nghèo, chiến tranh và mù chữ như người Việt Nam, chắc chắn sẽ chọn Nga. Hai là, Việt Nam luôn nằm ở vị thế bị Trung Quốc đe dọa chủ quyền, nhưng lại đặc biệt mê những tính toán mưu kế binh gia của người Trung Quốc. Một trong những kế sách phổ biến mà người Trung Quốc xưa đề xuất, đó là “Viễn giao cận công”, tức là thiết lập bang giao với nước ở xa để đánh hoặc hạn chế nước láng giềng. Ở vị thế của Việt Nam, Việt Nam có hai lựa chọn đển “viễn giao” đó là Nga và Mỹ. Nhưng Mỹ thì cách quá xa, và kinh nghiệm từ Việt Nam Cộng Hòa cho thấy Mỹ không đáng tin, trong khi đó Nga thì có tiền lệ bang giao với Việt Nam, vả lại, vị trí còn ngay trên đầu Trung Quốc. Nga đương nhiên là lựa chọn “tốt đủ đường” để Việt Nam duy trì quan hệ bang giao.

Tôi sẽ không phán xét lối suy nghĩ này là đúng hay sai, nhưng nó có nhiều kẽ hở trong lập luận. Kẽ hở đầu tiên đến từ tiền đề: Nga là một quốc gia tốt thuần túy và đại lượng với Việt Nam. Tiền đề này dựa trên một cảm thức rất chung chung của những người nông dân liên tục gặp cảnh khốn khó bỗng chốc được nhận sự hỗ trợ từ thiện từ một anh nhà giàu chẳng ngại vung tiền. Sự yêu thích dành cho Nga cũng giống như sự ngưỡng mộ với những người thành đạt đem tiền về quê tặng bà con lối xóm và góp phần xây dựng quê hương. Đương nhiên, họ không nhìn thấy được những động cơ hay những ám ảnh ẩn đằng sau cư xử được đánh giá là “biết cư xử” và “tốt” đó, mà chỉ thấy ích lợi ngay trước mắt. Họ đương nhiên sẽ bỏ qua những trang sử đen tối thời Xô Viết, khi những quý tộc, tư sản và trí thức tại Đông Âu và Nga thời phong kiến bị tiêu diệt, hành hạ. Họ cũng chẳng quan tâm đến sự cấm đoán và kiểm duyệt tư tưởng, vì tư tưởng có ăn được đâu. Họ càng không quan tâm đến tri thức và nghệ thuật có được tự do phát triển hay không, vì với họ thì những thứ đó họ không hiểu được nên cấm hay không cấm thì cũng vậy cả thôi. Nỗi lo lắng duy nhất của họ chỉ là thời bao cấp, nhưng quá khứ đó chắc chắn sẽ không lặp lại, vì giao thương thế giới đã khác xưa, và Putin không đến mức cực đoan như Stalin. Đương nhiên, những người này có cái lý của mình nhưng họ cũng sẽ phải chấp nhận rằng một bộ phận theo cá nhân chủ nghĩa, họ sẽ không dễ dàng gì chấp nhận những cấm đoán ấy. Những người cá nhân chủ nghĩa là những người sẽ chẳng thể chấp nhận sự cưỡng chế bắt nhốt người dân vào các khu cách ly kém tiện nghi trong đợt dịch hay lệnh bắt buộc tiêm phủ vaccine vì một tương lai không COVID-19, và hẳn nhiên sẽ không chấp nhận một quốc gia kìm kẹp tư tưởng và các quyền tự do khác. Điều đó có nghĩa là, chừng nào lối tư duy “kiểu Liên Xô” vẫn còn thống trị hệ tư tưởng trong chính quyền Việt Nam, những người theo cá nhân chủ nghĩa sẽ luôn cảm thấy đe dọa và bằng mọi giá loại bỏ nó. Từ đó, xung đột nảy sinh, cũng giống như thái độ của Châu Âu với Liên Xô, là một nỗi sợ hãi bị kìm kẹp bởi chính quyền chuyên chế, và bằng mọi giá phải hạ bệ mọi thứ thuộc Nga. Kẽ hở tiếp theo đến từ tiền đề vốn rất chông chênh: Nga và Trung phải gườm nhau và sẵn sàng triệt hạ nhau. Nhưng trong bối cảnh Mỹ và NATO hợp tác, liên tục chĩa mũi nhọn về phía các nước ngoài liên minh, thì Nga và Trung có rất ít khả năng mẫu thuẫn, và một quốc gia Việt Nam bé xíu chẳng có nhiều ý nghĩa lắm tới mối quan hệ giao tình thắm thiết của hai anh lớn này, vì hai anh ấy cần hợp tác để đấu lại với kẻ thù lớn hơn.

Đến đây, tôi có thể chuyển vai sang một người “Stand with Ukraine” và nghiêng về phía Mỹ & NATO.

Tôi cực kỳ căm ghét nước lớn xâm lược nước nhỏ, bởi vì Việt Nam cũng như Ukraine, là một quốc gia nhỏ luôn phải đương đầu với đe dọa từ Trung Quốc. Hơn nữa, tôi cũng chẳng ưa thích gì các quốc gia Cộng Sản, bởi vì Chủ nghĩa Cộng Sản luôn dùng danh nghĩa Quốc tế Cộng sản để xóa bỏ tính dân tộc của các quốc gia, mà Nga và Trung thì có khác gì nhau. Tôi đặc biệt không muốn Việt Nam đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, vì nó hạn chế các quyền cá nhân của tôi, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Chỉ có học theo Ukraine và các nước Đông Âu, thực hiện chuyển đổi dân chủ, nghiêng hẳn về phương Tây, như thế tương lai tự do của tôi mới được đảm bảo. Và nếu chẳng may Trung Quốc có đe dọa, thì Mỹ và NATO sẽ nhảy vào can thiệp giống như cách họ đang làm trong trận chiến Ukraine vs Nga hiện nay. Sẽ thật sự là tai họa cho tương lai dân chủ của Việt Nam, nếu như Ukraine thất bại, Mỹ và NATO thất bại. Nên tôi phải cổ vũ, tôi phải bày tỏ quan điểm, phải chỉ cho người dân Việt Nam và chính quyền Việt Nam thấy rằng chỉ có ngả hẳn sang phương Tây thì Việt Nam mới có cửa sống.

Tôi hẳn nhiên sẽ gặp phải một loạt những công kích từ phe thân Nga. Nếu tôi gọi họ là “bò đỏ” thì họ cũng gọi tôi là “lũ rận chủ đớp phải bả của phương Tây”. Kệ họ, họ hẳn đã bị Cộng Sản tẩy não và chả biết gì cả. Còn tôi, tôi là đại diện cho tinh thần tự do, nhân văn, cho xu hướng tương lai, tinh thần khai phóng. Tôi có thể bị họ khinh miệt, đàn áp, nhưng không sao cả, đó là lý do tôi ở đây và viết những lời này, tôi sẽ đấu tranh hết mình, tôi sẽ kêu gọi ủng hộ Ukraine, tôi sẽ treo cờ Ukraine, tôi sẽ đồng hành cùng họ. Trông kìa, tổng thống Ukraine thật vĩ đại (thế mà lũ bò đỏ lại gọi ông ý là gã hề làm tổng thống), ông ấy và vợ thật đẹp khi dũng cảm đứng dậy đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông ấy thật nhân từ, thật gần dân, thật thuyết phục, thật sáng suốt khi đã chọn phương Tây thay vì Nga. Ông ấy không hèn như thứ ngoại giao cây tre của Việt Nam, không sợ hãi trước nước lớn và biết cách vận động thế giới đồng hành cùng chính phủ Ukraine. Ukraine nhất định sẽ chiến thắng, chính nghĩa bao giờ cũng thắng cường quyền, Mỹ & NATO ắt sẽ chiến thắng, dân chủ sẽ có hi vọng. Nếu một ngày Trung Quốc đe dọa Việt Nam, tôi cũng sẽ giữ tinh thần như vậy, giống như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chống giặc Nguyên Mông, như khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh, như Quang Trung đánh bại quân Thanh (vâng, tôi sẽ bỏ qua chiến thắng của Cộng Sản trước Pháp và Mỹ xâm lược, vì đó là cuộc chiến phi nghĩa, nướng chết bao nhiêu sinh mạng của nhân dân).

Như đã bàn khi soi xét lại phần nhập vai của mình vào một người thiên về Nga, lựa chọn phương Tây là một lựa chọn an toàn của những người cá nhân chủ nghĩa. Giữa một bên là kìm kẹp, một bên là cho phép tự do đua tranh, hiển nhiên phương Tây sẽ là lựa chọn tốt nhất. Hơn nữa, sự phát triển của phương Tây từ sau Khai Sáng đến nay là một minh chứng hoàn hảo cho tinh thần tự do và khai phóng ắt sẽ mang lại giàu mạnh. Thế nên, nước Việt muốn giàu mạnh thì phải tự do và khai phóng như phương Tây. Chứ như hiện nay, quyền lực chỉ tập trung trong tay một nhóm Cộng Sản và thân Cộng Sản, thì xã hội chỉ có tụt hậu và xuống dốc. Chỉ có thông qua dân chủ, người tài mới có thể có cơ hội nắm chính quyền. Lối suy nghĩ này bị mắc phải một ngụy biện nghiêm trọng: Chúng ta nhìn thấy phương Tây ca ngợi chủ nghĩa tự do. Chúng ta nhìn thấy phương Tây văn minh và giàu mạnh. Và thế là chúng ta đánh đồng chủ nghĩa tự do là nguyên nhân dẫn đến sự giàu mạnh của phương Tây. Ngụy biện này càng được củng cố khi những người theo chủ nghĩa cá nhân hơn ai hết cần được tự do phát triển và sẽ cảm thấy bị đe dọa khi tự do ấy bị kìm kẹp, mà một khi đã ở trong quốc gia kìm kẹp như Việt Nam thì mơ tưởng đến tự do ở bên ngoài càng lớn.

Vậy là, họ bỏ qua mọi sự thật đen tối đang diễn ra ở thế giới Mỹ & NATO. Họ quên rằng những quốc gia này cũng độc tài ra sao, cũng tham vọng thế nào. Mà kể có nhớ đến, thì họ vẫn tặc lưỡi cho rằng “vẫn tốt hơn Cộng Sản”, cả thế giới nên ngả hết về phía phương Tây thôi. Đơn cực, mà còn là cực đúng đắn thì càng tốt, còn hơn đa cực mà Nga và Trung lại đắc thế. Họ thấy rằng người dân các nước Mỹ & NATO được tự do biểu tình, tự do bày tỏ ý kiến, tự do bầu cử và ứng cử… mà bỏ qua những trang sử đấu tranh không ngừng nghỉ của người dân và các trí thức phương Tây. Chính quyền Mỹ hay bất cứ nước nào thuộc khối NATO sẽ không dễ dàng cho người dân quyền tự do nếu như người dân không bằng mọi giá đấu tranh để vận động. Trong bài viết giới thiệu về cuốn NƯỚC MỸ CHUYỆN CHƯA KỂ, tôi đã trích một vài dữ kiện liên quan tới luận điểm này, các bạn có thể xem qua. Như vậy, tự do đó không phải là thứ tự nhiên mà có và được chính quyền ban ơn, mà là thành quả đấu tranh của người dân trong nhiều thế hệ. Nếu chúng ta cho rằng chỉ cần nghiêng về phía Mỹ & NATO là có thể có tự do thì chúng ta đã lầm, chính quyền vẫn có thể độc tài mà không cần phải theo chủ nghĩa cộng sản và vẫn bắt tay với Mỹ & NATO. Muốn có tự do, thì phải đấu tranh để nới rộng phạm vi quyền của mình từng ngày từng giờ, chứ không phải mượn ngoại lực. Người dân Ukraine có thể bầu lên một tổng thống truyền cảm hứng như Zelensky và từng bước xây dựng một quốc gia độc lập khỏi Nga, tất cả nhờ vào sự đấu tranh tự thân của người dân. Không phải vì Ukraine theo Mỹ & NATO mà đạt được tự do, mà vì họ đã đấu tranh vì tự do, nên Mỹ & NATO tranh thủ họ để làm suy yếu kẻ thù đáng gờm là Nga.

Niềm tin đặt vào quyền lực của Mỹ & NATO đến từ hai cơ sở: Thứ nhất, đó là họ tin rằng Mỹ & NATO là những lực lượng sẽ kìm hãm Trung Quốc. Sự thắng lợi của Nga trước Ukraine sẽ tạo tiền lệ cho Trung Quốc tiếp tục càn quấy ở biển Đông và đe dọa tới Việt Nam, nếu Nga thua thì Trung Quốc chắc chắn sẽ chùn tay. Lập luận này thật thuyết phục nhưng dường như không lường trước được các rủi ro khác có thể xảy ra. Nếu Trump khiến Trung Quốc lao đao vì các lệnh cấm vận và đặt Trung Quốc lên vị trí đối thủ hàng đầu, đáng ngại hơn cả Nga, thì từ khi Biden nằm quyền, Trung Quốc dần thoát khỏi tình trạng căng thẳng. Khi Nga trở thành tâm điểm của Mỹ & NATO, Trung Quốc bỗng chốc thành ngư ông đắc lợi. Ở tình huống hiện nay, cả Mỹ & NATO cũng như Nga đều không muốn làm mếch lòng thị trường đông dân nhất thế giới này. Trung Quốc đương nhiên nhận thức rõ địa vị quan trọng của mình, nên cứ đủng đỉnh bỏ phiếu trắng, và tổ chức cuộc dạo chơi trên biển Đông như thể thách thức. Vậy thì Nga thắng hay bại, Trung Quốc vẫn cứ có lợi. Mỹ sau cuộc cấm vận chẳng đi đến đâu trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, giờ lại tiếp tục cấm vận Nga, chắc chắn sẽ không thể tiếp tục leo thang cấm vận Trung Quốc. Thế giới giờ đây đã không còn là thế giới thời Chiến Tranh Lạnh, Mỹ & NATO lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Trung Quốc đương nhiên cũng lệ thuộc vào phương Tây. Nếu như Chiến Tranh Lạnh một lần nữa diễn ra, cần một đội ngũ chuyên gia liên quốc gia mới có thể ước tính được thiệt hại bên nào hơn bên nào. Như thế, kỳ vọng rằng Nga bại không làm giảm nguy cơ đe đọa từ Trung Quốc đến Việt Nam. Cơ sở thứ hai đó là tính chính nghĩa của tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia và đấu tranh chống ngoại xâm. Với một quốc gia có lịch sử đấu tranh lâu dài như Việt Nam, chính nghĩa ấy cần phải được tôn vinh và duy trì, sẵn sàng đánh đổi mọi giá để bảo toàn. Tôi bỗng nghe văng vẳng đâu đây câu nói của Hồ chủ tịch  (nhân vật mà những người theo dân chủ rất căm ghét): “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”. Một điểm tương đồng dễ thấy giữa cuộc chiến chống Pháp & Mỹ của Việt Nam và cuộc chiến chống Nga của nhân dân Ukraine hiện nay, đó là chiến tranh nhân dân. Những người dân thường cầm súng, cùng sát cánh với quân đội, để đánh đuổi ngoại xâm. Thật là một hình ảnh đẹp và oai hùng, với khung cảnh đổ nát tang thương làm nền. Chiến tranh nhân dân là biện pháp quân sự được ưa chuộng tại các nước có quân số thấp và lực lượng quân sự yếu kém, như Việt Nam và Ukraine. Nhưng để thực hiện được chiến tranh nhân dân, việc đầu tiên là phải thuyết phục được người dân ủng hộ chính quyền, sẵn sàng tham gia chiến tranh, và vai trò truyền cảm hứng của người đứng đầu quốc gia và hệ thống tuyên truyền là tối quan trọng. Phát ngôn đầy quyết tâm của người lãnh đạo, cùng phong cách gần dân, gương mặt ưa nhìn, là những điểm cộng của Zelensky, cũng giống như Hồ Chí Minh xưa kia vậy. Đó là một bầu không khí yêu nước lãng mạn, đẹp đẽ, một dấu son trong lịch sử, và đừng quên rằng nó cũng lem máu nữa. Nhưng không sao cả, máu càng tô điểm cho bức tranh anh hùng, vì máu kích thích thêm lòng căm thù của người dân Việt Nam ngày ấy và người dân Ukraine ngày nay.

Những vết máu lem này là điểm chuyển vai thật thích hợp, vai của một người yêu hòa bình.

Dù bên nào thắng thì người dân Ukraine và Nga đều bại. Chiến tranh chỉ mang tới đau khổ, và đáng ra mọi thứ có thể đã khác.

Tôi luôn nghĩ rằng yêu hòa bình, ghét chiến tranh là điều hiển nhiên sau chiến tranh thế chiến II. Thế kỷ 20 đã chứng kiến quá nhiều cuộc chiến thảm khốc, và thế giới mới chỉ hòa bình được vài thập kỷ (dẫu rằng đâu đó tiếng súng và các trận ném bom vẫn diễn ra), nhân loại đáng lẽ phải tẩy chay và ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá. Nhưng  không, khi tôi bày tỏ điều này, tôi gặp một cuộc ném đá tới tấp từ một bộ phận thuộc nhóm người Stand with Ukraine. Họ buộc tội tôi là đứng về phía cái ác khi không lên án Nga, không bày tỏ ủng hộ Ukraine. Họ nói tôi ngụy biện nhân danh hòa bình. Nếu tôi lỡ hoài nghi về tính chính danh của cuộc chiến chống lại Nga của Ukraine, tôi lập tức sẽ bị dội một trận công kích. Thật lạ, tôi cũng đâu có ưa Nga, nhưng tôi cũng không ưa cách Mỹ & NATO đứng ngoài kích động Ukraine. Chiến tranh không thể đến từ một phía, chiến tranh luôn đến từ hai phía, thậm chí đến từ nhiều phía khác liên quan. Tôi cũng chả thấy đẹp đẽ và hào hùng gì khi đem nhân dân làm bia đỡ đạn, nhân dân hơn ai hết phải được sống hòa bình. Sau cùng, tôi mong muốn Ukraine và Nga ngồi vào bàn đàm phán và ngừng chiến càng sớm càng tốt.

Ước mơ hòa bình này đến từ một mặc định, rằng hòa bình luôn là trạng thái tốt nhất của thế giới, và bằng mọi giá phải gìn giữ nền hòa bình. Thực tế là, để Ukraine và Nga chung sống hòa bình, nhiều thứ sẽ phải đánh đổi. Trước hết, Ukraine không được phép thân phương Tây và Ukraine phải chịu sự chi phối nhất định về mặt chính trị từ Nga, giống như trường hợp Việt Nam và Trung Quốc. Mối bang giao này không bình thường, mà là bang giao mang tính kiểm soát, trong đó nước nhỏ hơn luôn chịu thiệt hơn. Nếu một bên là bang giao với Nga đầy áp chế, và một bên là với các nước Tây Âu dù giàu mạnh nhưng cũng lỡ cỡ và an phận như Ukraine, thì chắc chắn, Ukraine sẽ chọn Tây Âu. Giá như Tây Âu không hùa theo Mỹ để ghét Nga thì Ukraine đã có thể yên ổn làm ăn với cả hai bên, nhưng sự thể không đơn giản như thế, vì người Tây Âu vẫn không quên cơn ác mộng Stalin thời Liên Xô, và lịch sử xa xưa ghi nhận liên tục các mối xung đột giữa một bên là đế quốc Nga và một bên là các quốc gia Tây Âu. Một khi đã chọn phe Tây Âu, tất nhiên Nga sẽ không buông tha và liên tục uy hiếp, Nga sẽ dùng chiến tranh, không phải chỉ để tàn phá Ukraine mà còn để dằn mặt Tây Âu cũng như các nước Đông Âu khác. Nhất cử lưỡng tiện, sau khi Nga ngồi vào bàn đàm phán thành công, thì các bên đều lưỡng bại câu thương vì chiến tranh quân sự cũng như chiến tranh kinh tế.

Hiện nay, chúng ta đang được thụ hưởng một nền hòa bình tại Việt Nam, nhưng nền hòa bình này không dễ có. Ẩn dưới lớp vỏ bình yên là rất nhiều giả dối và đau thương mà chúng ta chưa nhận thức được hết. Hãy thử tưởng tượng về một nước Việt Nam có thể vượt ra khỏi cái bóng của Trung Quốc? Chúng ta liệu có phải hứng chịu tình trạng cạn dòng tại các con sông có thượng nguồn từ Trung Quốc? Chúng ta liệu có phải hứng chịu những trận bụi mịn theo gió mùa Đông Bắc hành hạ sức khỏe của người dân? Chúng ta phải giương mắt nhìn cảnh quan đô thị và nông thôn bị phá nát, kéo theo ô nhiễm môi trường, do các dự án với chủ đầu tư Trung Quốc kém chất lượng? Chúng ta có phải chấp nhận một nền giáo dục thành tích, kém chất lượng và độc đoán, đến mức làm suy yếu năng lực của người dân? Chúng ta có phải chịu đựng những quan chức kém cỏi và tham ác? Hòa bình theo kiểu ấy cũng tàn phá đâu kém chiến tranh, thậm chí di họa còn khó có thể lường được. Đó là lý do mà đôi khi, một quốc gia như Ukraine sẽ chọn cách chấp nhận đánh đổi một thế hệ để mở ra một tương lai khác cho thế hệ sau.

Và đây là vai của tôi… Tôi cảm thấy thật tệ hại khi không thể khiến người dân thế giới và người dân Việt Nam nhận ra rằng, tự do hay hòa bình hay sự no đủ là thứ mà mỗi chúng ta phải nỗ lực đạt được, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Và khi những khủng hoảng xảy ra, dẫu là chiến tranh hay dịch bệnh, thì mỗi người cần tư duy phương án đối phó dựa trên được và mất. Không có lựa chọn nào của chúng ta không phải đánh đổi một điều gì đó, ta sẵn sàng cho sự đánh đổi ấy tới đâu? Sự trưởng thành của một quốc gia không đến từ việc chúng ta nghiêng theo một chính nghĩa nào đó chung chung, mà đến từ sự tính toán và chấp nhận đánh đổi, vì một tương lai tốt đẹp hơn, sẽ tuyệt vời hơn cả, nếu cái giá cần đánh đổi là thấp nhất có thể.

Đương nhiên, suy nghĩ này của tôi thật ngây thơ và chẳng hữu ích gì cho thời điểm này. Người dân Ukraine cần được hỗ trợ, người dân thế giới cần chấm dứt hòa bình, nhiều người dân Nga cần lật đổ Putin, Việt Nam thì cần dẹp bỏ được mối lo về Trung Quốc, và rất nhiều các nhà đầu cơ khác cần những cuộc khủng hoảng để trục lợi nhiều nhất có thể. Suy nghĩ của tôi cũng chẳng làm giảm lạm phát và nối lại thông thương giữa các quốc gia. Nhưng biết sao được, đó là suy nghĩ duy nhất mà tôi cảm thấy sẽ không rơi vào các luồng dư luận làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay. Và tôi cũng hi vọng rằng có những người cùng suy nghĩ với tôi. Có vậy, nếu tương lai Trung Quốc hay một cường quốc nào đó đe dọa đến Việt Nam, hay một trận khủng hoảng lớn ập đến, thì họ có thể cùng nhau và ngồi vào bàn tính toán các đánh đổi để lựa chọn phương án ít thiệt hại nhất cho một viễn cảnh lâu dài, thay vì hô hào lãng mạn rằng sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo vệ chính nghĩa.

Hà Thủy Nguyên