Home Đọc Sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan?

“Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan?

Tôi muốn mượn cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” (Armand & Michèle Mattelart – dịch giả Hồ Thị Hòa, Trần Hữu Quang hiệu đính) để trò chuyện đôi chút về vấn đề truyền thông (communication). Truyền thông trong suốt thế kỷ 20 đã đóng vai trò quan trọng ngang ngửa với năng lượng hạt nhân trong sự tác động đến thế giới và sức mạnh cũng như sức hủy diệt của nó vẫn chưa thực sự lường tính được.  Sự phát triển của các phương tiện truyền thông (media) một mặt vừa giúp con người giao lưu thuận tiện hơn, một mặt lại khiến nhân thức con người lạc lối trong bãi rác thông tin khổng lồ. Từ sự hỗn loạn này, các chuyên gia đã thi nhau “lập thuyết” để định hướng truyền thông xã hội vào một trật tự và vô tình lại gây ra những hỗn loạn khác.

Cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” (Armand & Michèle Mattelart – dịch giả Hồ Thị Hòa, Trần Hữu Quang hiệu đính)

Từ giả định xã hội là một cơ thể

Thế kỷ 19, thế giới bắt đầu bước vào cuộc chạy đua truyền thông của báo chí, truyền thanh, nhiếp ảnh, điện thoại… đặt nền móng đầu tiên cho sự leo thang quyền lực ở thế kỷ 20 và sự bùng nổ của thế kỷ 21. Đây cũng là giai đoạn các học thuyết truyền thông được xây dựng. Theo sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” thì những học thuyết truyền thông đều được xây dựng dựa trên giả định rằng “xã hội như một cơ thể, như một tập hợp các bộ phận đảm nhiệm những chức năng nhất định.” (trang 15).

Trong tiếng Pháp, “communication” không chỉ có nghĩa là giao tiếp như nghĩa phổ thông trong tiếng Anh mà hiện nay chúng ta vẫn quen thuộc, mà bao hàm cả nghĩa “giao thông”, “liên lạc” và “truyền thông”. Do đó, khi hai tác giả người Pháp bàn về các học thuyết truyền thông thì cũng xem xét đến vấn đề phương thức giao thông và liên lạc. Đương nhiên, truyền thông không tách rời yếu tố giao thông và liên lạc, hay nói một cách khác giao thông và liên lạc là thành tố nền tảng thúc đẩy sự phát triển của truyền thông.

Thế kỷ 19 là tiền đề cho truyền thông đại chúng.

Hai tác giả mở đầu thống kê những diễn ngôn liên quan đến truyền thông bằng nhận định của Adam Smith (1720 -1790) về vai trò của giao thông/liên lạc trong  tổ chức lao động tập thể ở các phân xưởng và cấu trúc không gian kinh tế. Theo Adam Smiths, trong xã hội thương mại tự do, sự phân công lao động và các phương tiện giao thông chính là nhân tố chủ chốt mang lại sự thịnh vượng và tăng trưởng. Tại nước Anh, một cuộc “cách mạng lưu thông” đã diễn ra trong lòng cuộc cách mạng công nghiệp. (trang 16)

Khác với Anh, Pháp là một quốc gia “trọng nông” và “duy ý chí” đang “loay hoay” tối ưu hóa không gian thương mại nội địa, họ đã lựa chọn lý thuyết hóa các vấn đề giao thông/liên lạc dựa hoàn toàn trên giả định về “thể thống nhất” của xã hội. Francois Quesney (1694 -1774) đã mô hình hóa sự vận động của thế giới kinh tế như “hệ tuần hoàn máu hai chiều trong cơ thể người”. Từ đó, John Stuart Mill (1806 – 1873) của Anh đã đưa ra dự đoán về “một mô hình điều khiển học về các lưu chuyển vật chất với các dòng lưu chuyển phản hồi (feedback) của tiền tệ xét như là thông tin”. Những khái niệm này đã kích thích  Charles Babbage (1792 – 1871) phác thảo những dự án cơ khí hóa hoạt động phân tích mà chúng ta biết đến ngày nay như tiền thân của những chiếc máy tính. (trang 17)

Một khái niệm khác được phát triển bởi Claude Henri de Saint Simon (1760 – 1825) là “xã hội mạng lưới” (trang 19). Với nhãn quan nhìn thế giới như những mạng lưới, các tín đồ của Saint Simon đã đua nhau tạo ra những mạng lưới vật chất và tinh thần: đường sát, nhà băng, công ty, hàng hải, thiết chế hòa bình… Nhãn quan “mạng lưới’’ này là đại diện cho tinh thần kinh doanh của nửa cuối thế kỷ 19. Kết hợp nhãn quan “lưu chuyển” của Quesney và “mạng lưới” của Saint Simon, Herbert Spencer (1820-1903)  đã đề xuất những tư tưởng về giao thông/liên lạc”  như một “hệ thống hữu cơ”.  Ông hình dung về một xã hội – cơ thể ngày càng cố liên kết chặt chẽ và hợp nhất, “các bộ phân ngày càng phụ thuộc lẫn nhau”, và do đó sự giao thông/liên lạc là thành tố căn bản của “bộ máy phân phối” (kết nối trung tâm tới ngoại vi) và “bộ máy điều hành” ( truyền bá ảnh hưởng của trung tâm). (trang 20)

Xã hội đại chúng & truyền thông đại chúng

Sự gia tăng đông đúc dân cư tại các đô thị và các khu vực công xưởng đã tạo ra tầng lớp thị dân mới và được định danh bằng cái tên “đại chúng” (mass), đi kèm với nó là những phương tiện truyền thông đại chúng. Đại chúng hay đám đông luôn bị xem như “mối đe dọa thực sư hay tiềm ẩn đối với toàn bộ xã hội”, và đây là cái cớ để chính quyền thiết lập cơ chế kiểm soát bằng tư pháp và đo lường. Trong đó, khoa học về sự đo lường xã hội đóng vai trò quan trọng trong tính toán xác suất và quá trình duy lý hóa truyền thông đại chúng. Thuyết “con người trung bình” được đưa ra bởi nhà toán học người Bỉ Adolphe Quételet (1796-1874) đã được ứng dụng rộng rãi để đo lường trong mọi lĩnh vực. (trang 27-28)

Bên cạnh đó, tâm lý đám đông, qua lý thuyết của các chuyên gia như nhà xã hội học người Ý Scipio Sighele và bác sĩ tâm thần học người Pháp Gustave Lebon được đồng nhất với “các bạo lực tập thể của tiện dân”. Có thể nói, họ đã thay thế sự nghiên cứu tâm lý cá nhân bằng sự “ngoại suy” về tập thể với những giả định rằng đám đông hay đại chúng dễ bị lây nhiễm, bị dẫn dắt bởi các ảo tưởng giống như những “người mộng du”. (trang 30-31)

Ngược lại với cách nhìn nhận này Gabriel Tarde (1843 – 1904), một vị pháp quan, cho rằng một cá nhân không phải chỉ thuộc về một đám đông mà cùng lúc thuộc về nhiều đám đông, hay còn gọi là các nhóm công chúng. Như vậy, thay vì kêu ca về sự hung bạo của đám đông, các cá nhân cần được xem xét cùng một lúc trong quan hệ của những nhóm công chúng khác nhau.

Đặc biệt, phân tâm học của Sigmund Freud (1856 – 1939) với những nghiên cứu về chứng nhiễu tâm khi một người cố hòa hợp với đám đông thực sự đã làm thay đổi cái nhìn về đám đông. Đám đông – đại chúng không còn là một khối điên loạn và hung bạo, mà là các tập hợp nhiều cá nhân cố tìm cách tương tác với những người xung quanh mình. (trang 32-33)

Tới đây, tôi nghĩ rằng dường như tính đám đông hay tính đại chúng mà không ít người vẫn tỏ ra miệt thị tại Việt Nam cần phải được xem xét nghiêm túc. Có hay không một đám đông thống nhất? Con người cá nhân vùng vẫy như thế nào trong cộng đồng nơi họ phải tương tác? Để vừa lòng đám đông quanh mình, con người có thể mắc những chứng bệnh tâm thần nào? … Một loạt những câu hỏi ấy có thể gợi cho chúng ta những nghi vấn lớn về vai trò thực sự của truyền thông đại chúng. Liệu truyền thông đại chúng sẽ coi người dân như một tập thể ngu dốt cần được dẫn dắt bằng loại ảo giác nào đó, hay truyền thông đại chúng sẽ đảm bảo tính đa dạng của các nhóm cá nhân với nhiều đặc tính khác nhau? Và “con người trung bình” liệu có phải trở thành một mô hình tiêu chuẩn với các chỉ số áp đặt lên đám đông đồng thời gạt bỏ tính cá biệt của cá nhân nằm trong đám đông ấy?

Thế kỷ 20, với các phương tiện đại chúng, truyền thông đại chúng thực sự nở rộ.

Tại Mỹ, đất nước non trẻ nhưng lại có ngành công nghiệp vững chắc và lượng dân đông đúc tập trung ở các đô thị, vấn đề nghiên cứu và vận dụng truyền thông đại chúng trở nên thiết yếu hơn so với Châu Âu. Trường phái Chicago, mà đại diện quan trọng nhất là Robert Ezra Park (1864 – 1944), với phương pháp sinh thái học nhân văn có nền tảng từ giả định thành phố như “phòng thí nghiệm xã hội” và như một “trạng thái tinh thần” (theo quan niệm của Georg Simmel) đã khảo sát sự tương tác của dân nhập cư và các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa tại Mỹ để đặt ra các câu hỏi về chức năng đồng hóa của báo chí nói riêng và các phương tiện tuyên truyền xã hội và quảng cáo cộng đồng. Theo trường phái Chicago, truyền thông đóng vai trò như một phần quan trọng cấu tạo nên cấu trúc văn hóa của cộng đồng, bởi vì truyền thông vừa mang tính điều tiết các quan hệ xã hội lại vừa tạo ra sự kết nối cá nhân với xã hội. (trang 36-37).

Hai cuộc Thế chiến lần I và lần II mà trong đó truyền thông đóng vai trò như chất dẫn thiết yếu của chiến tranh. “Các phương tiện truyền bá thông tin là công cụ không thể thiếu cho việc chính phủ quản lý các luồng dư luận, dư luận của nhân dân các nước đồng minh cũng như của người dân các nước đối địch…“(trang 45) Do đó, thế kỷ 20 chứng kiến một cuộc chạy đua phương tiện truyền thông chóng mặt bởi vì truyền thông là chiến lược dễ thu phục đám đông và “tiết kiệm hơn so với bạo lực hay tham nhũng”. Những cuộc chiến dư luận trong chiến tranh làm sống lại nỗi ám ảnh về đám đông ngu dốt và hung bạo mà LeBon nhắc đến. Từ đó, nghiên cứu về ngành truyền thông đại chúng trở thành một phong trào tại Mỹ, đánh dấu bằng sự ra đời của Tạp chí The Public Opinion Quartely – tạp chí đại học đầu tiên về truyền thông đại chúng (trang 49).

Cuộc chiến truyền thông song song với cuộc chạy đua vũ khí chính là là đối tượng của Harold Lasswell. Trong tác phẩm “ World Politics and Personal” – (Các nền chính trị thế giới và sự mất an toàn cá nhân), ông đã gợi ý các chỉ mục để nhận diện các “xu hướng” trong khảo sát The World Attention thuộc tạp chí The Public Opinion Quartely, nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách.  (trang 48-49). Lasswell còn đưa ra công thức: Ai nói gì? Bằng cách nào? Cho ai? Hiệu quả ra sao? “Công thức này đã khiến Lasswell trở nên nổi tiếng và là một công thức có vẻ như không còn có gì mơ hồ nữa, và qua đó, vào năm 1948, Lasswell đã trang bị một bộ khung khái niệm cho môn xã hội học chức năng luận về các phương tiện truyền thông đại chúng, một bộ môn mà cho đến lúc đó, chỉ có một loạt các cuộc khảo sát mang tính chất chuyên khảo” với “phân tích sự kiểm soát”, “phân tích nội dung”, “phân tích các phương tiện truyền thông và thiết bị”, “phân tích khán thính giả”, “phân tích hiệu quả”(trang 50). Trong đó, phân tích hiệu quả và phân tích nội dung  được ưu tiên bởi chúng “mang lại cho nhà nghiên cứu các yếu tố có khả năng định hướng sự tiếp cân đối với công chúng”. Xu hướng này ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại bởi nhu cầu lượng hóa hiệu quả của một chiến dịch tuyên truyền hay quảng cáo là tối quan trọng đối với chính phủ và doanh nghiệp. Theo Lasswell, truyền thông đảm nhiệm 3 chức năng chủ yếu trong xã hội học bao gồm:

  • Thứ nhất: “giám sát môi trường xung quanh bằng cách phơi bày tất cả  những gì có thể đe dọa hay làm ảnh hưởng đến hệ thống giá trị của một cộng đồng hay các thành phần tạo nên cộng đồng đó”.
  • Thứ hai: “kết nối các thành tố xã hội nhằm tạo ra sự phản ứng đối với môi trường xung quanh.”
  • Thứ ba: “lưu truyền di sản của xã hội”

(trang 52)

Một chức năng mới đã được bổ sung bởi hai nhà xã hội học Paul F. Lazarsfeld (1901 – 1976) và Robert K.Merton là “giải trí”. Với chức năng này, khung chức năng của truyền thông trở nên phức tạp hơn khi họ nhận diện ra sự hình thành của các “phản chức năng” hay có thể hiểu là nảy sinh khả năng gây rối loạn chức năng. Chẳng hạn như hiệu ứng “ru ngủ” của phương tiện truyền thông đại chúng làm “nảy sinh sự thờ ơ vô cảm về mặt chính trị của các khối dân chúng rộng lớn”. (trang 52-53) Phương pháp “điều tra lập lại trên cùng một mẫu để khảo sát các giai đoạn kế tiếp nhau của quá trình ra quyết định” (trang 64) của Lazarsfeld và các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong phân tích tác động của truyền thông đến ứng xử của người tiêu dùng trong các lĩnh vực thời trang, giải trí và phim ảnh. Những nghiên cứu kiểu này cho thấy “truyền thông như một tiến trình bao gồm hai giai đoạn mà vai trò của những người lãnh đạo dư luận nổi lên một cách quyết định” :

  • Cấp độ 1: tiếp xúc thông tin trực tiếp ở các kênh truyền thông nên tiếp nhận tin tương đối tốt.
  • Cấp độ 2: tiếp xúc với thông tin qua nguồn trung gian do không tiếp xúc trực tiếp với kênh truyền thông tin.

(trang 61)

Sự khám phá ra các nhóm sơ cấp trung gian đã giúp Kurt Lewin (1890 – 1947) khảo sát về “quyết định của nhóm” và “hiện tượng của người lãnh đạo” cũng như các “phản ứng của mỗi thành viên trong nội bộ trước một thông điệp được truyền thông theo những con đường khác nhau”. Nhóm ở đây có thể hiểu như tập hợp các cá nhân quần tụ ví dụ như gia đình, lớp học, câu lạc bộ, nhân sự lao động, quân đội… và nhóm chịu sự tác động chính của cá nhân lãnh đạo chính thống hoặc phi chính thống, được ông gọi là “người gác cổng”. Những khảo sát của Lewin nhằm mục đích xây dựng các quy tắc về thuyết phục và vận động quần chúng trong đó có đề cập đến cách làm thay đổi vân hành tâm lý của cá nhân rồi dẫn dắt cá nhân hành động theo mục đích của người phát ra thông điệp. (trang 69-70).

Ngoài ra, sự xuất hiện của lý thuyết hệ thống vào năm 1933 nhờ vào công trình “Modern Theories of Development” (Những lý thuyết hiện đại về sự phát triển’ của nhà sinh học Ludwig von Bertalanffy đã củng cố thêm cho nhãn quan nhìn truyền thông như công cụ để tác động đến đại chúng. Lý thuyết hệ thống tham vọng hiểu được “tính tổng thể và những mối tương tác giữa các yếu tố” và “tính phức tạp của các hệ thống xét như là những tổng thể năng động có các mối liên hệ đa dạng và luôn thay đổi.” (trang 82). Ngành khoa học chính trị là ngành đầu tiên ứng dụng lý thuyết hệ thống vào nghiên cứu các vấn đề của truyền thông đại chúng để lý giải “hệ thống ứng xử” của các cá nhân đối nỗ lực đối phó và điều chỉnh hệ thống cũng như hệ thống tìm cách chế ngự. Dần dần hình thành trường phái nghiên cứu truyền thông theo lý thuyết hệ thống.

Giữa cuộc chạy đua các “phép thuật truyền thông” nhằm biến các cá nhân thành cỗ máy hoàn thành các chức năng, một tiếng nói mang tính ly khai đã được cất lên bởi C.Wright Mills (1916 – 1962). Tiếng nói của ông đánh dấu cuộc nổi dậy của diễn ngôn khác về truyền thông tại các trường đại học, trong đó Mills vạch trần “tam giác độc quyền” (bao gồm Nhà nước, quân đội và doanh nghiệp độc quyền) sử dụng truyền thông như công cụ kiểm soát xã hội.

Vào những năm 80s, nhà canh tân Everett Rogers đã đưa ra định nghĩa về truyền thông “như một sự “hội tụ”, “một tiến trình trong đó người tham gia sáng tạo và chia sẻ thông tin nhằm đạt đến một sự thông hiểu lẫn nhau”. Ông đề xuất thay thế mô hình truyền bá luận kiểu cũ bằng sự phân tích mạng lưới truyền thông bao gồm “các cá nhân nối kết vưới nhau thông qua dòng truyền thông được cấu trúc.” Mô hình này đòi hỏi sự xác định:

  • Nhóm tương tự nhau, hay còn được gọi là bè nhóm
  • Các cá nhân – cầu nối kết nối giữa các bè nhóm với nhau
  • Các cá nhân – kết nối không thuộc bất cứ nhóm nào.

(trang 211)

Nhưng, trên thực tế, mô hình mạng lưới của Rogers chỉ là sự làm mờ đi những chia rẽ sâu sắc trong xã hội và sự hi vọng vào một cách nhìn hài hòa về xã hội.

Phát triển tiếp ý tưởng của Rogers, Bruno Latour và Michel Callon thuộc Trung tâm xã hội học về sự canh tân tại Trường mỏ ở Paris đã “phác thảo một lối đặt vấn đề mạng lưới” bằng cách đề xuất mô hình “dịch thuật”, tức là “đặt những yếu tố dị biệt vào trong mạng lưới, thông qua việc dịch thuật, các yếu tố dị biệt được nắm bắt và được đưa vào một hệ thống tương thuộc.” Ông đề xuất các nhà canh tân phải liên kết với nhau về phát ngôn để tạo ra chuỗi liên minh mới mà bất cứ ai bước vào đó đều cảm thấy khả tín. (trang 214)

Xu hướng “hậu hiện đại” cũng được hai tác giả đề cập đến một cách ngần ngại đúng như tính chất phức tạp của xu hướng này. Mặc dù yếu tố “hậu hiện đại” xuất hiện nhiều trong nghệ thuật và văn hóa nhưng sự hình thành “xã hội hậu hiện đại” vẫn đang ở trong sự tranh cãi không phân định và mù mờ. Các nhà lý thuyết hậu hiện đại thường bám vào sự phát triển của công nghệ thông tin để lý giải cho sự đổ vỡ của các đại tự sự, khủng hoảng của các lý thuyết lớn, khủng hoảng của các diễn ngôn về chân lý, trò chơi ngôn từ và trí tuệ tập thể…

Khi thông tin có thể đo đạc

Với sự bùng nổ không thể kiểm soát của các phương tiện truyền thông, vấn đề nghiên cứu về bản chất của thông tin và cách thông tin được truyền đi cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà toán học và tín hiệu học. Lý thuyết thông tin đã đưa ra những nhận thức mới về truyền thông và tách truyền thông khỏi các chức năng chính trị để khảo sát một cách độc lập bản chất sự lan truyền của thông tin.

 Claude Elwood Shannon, vào năm 1948 đã công bố chuyên khảo có tựa đề “The Mathematical Theory of Communication” (Lý thuyết toán học về truyền thông), trong đó đề xuất “hệ thống truyền thông tổng quát”. Theo ông truyền thông là “tái hiện lại ở một điểm nào đó, một cách chính xác hoặc gần chính xác, một thông điệp đã được lựa chọn ở một điểm khác”. Qúa trình thông tin được truyền đi là một chuỗi bao gồm các thành tố:

  • Nguồn (thông tin) sản sinh ra thông điệp
  • Thiết bị mã hóa hay phát tin giúp truyền thông điệp
  • Thiết bị giải mã hay nhận tin, giúp tái dựng lại thông điệp từ các tín hiệu
  • Đích là người hay vật mà thông điệp được chuyển tới

(trang 76,77)

Trong quá trình truyền tin có sự xuất hiện của Ồn hay còn gọi là nhiễu, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhân thông tin chính xác. Từ lý thuyết của Shannon, các nhà xã hội học đã vay mượn các khái niệm của ông như “thông tin”, “truyền tin”, “mã hóa”, “giải mã”, “tái mã hóa”, “tiếng ồn gây nhiễu”, “tự do lựa chọn”. Và cũng từ lý thuyết thông tin của Shannon, ý thức về tính trung tính của nguồn phát tin và đích nhân tin mới được quan tâm.

Cũng vào năm 1948, người thầy của Shannon, Norbert Wiener, đã xuất bản cuốn “Cybernetics or Control and Communication and Machine” (Điểu khiển học hay sự kiểm soát và truyền thông ở động vật và máy móc. Trong tác phẩm của mình, Wiener đã tiên đoán về xã hội thông tin mà thông tin chính là nguyên liệu mới. Ông cũng cảnh báo về rủi ro của sự lệch lạc của xã hội này bằng khái niệm entrôpi – “xu hướng tự nhiên có khuynh hướng phá hủy trật tự và thúc đẩy sự thoái hóa sinh học và tình trạng mất trật tự của xã hội”. Ông viết như sau: “Khối lượng thông tin trong một hệ thống là thước đo mức độ của tổ chức, còn entropy là thước đo mức độ tan rã tổ chức, cái này là mặt trái của cái kia”. Xã hội thông tin theo như Wiener, không tương thích trong tình trạng bị phong tỏa thông tin hay bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Ông không ngại tố cáo: “cái hệ thống vốn cần phải góp phần vào sự cân bằng nội môi xã hội hơn bất cứ hệ thống nào khác thì nay đã rơi vào tay những kẻ chỉ bận tâm đến quyền lực và tiền bạc”. (trang 87-88)

Kết hợp lý thuyết của Norbert Wiener và lý thuyết thông tin của Shannon, Abraham Moles (1920 – 1992), kỹ sư và nhà toán học đã đưa ra một định nghĩa truyền thông là “hành động đưa một tổ chức hay một hệ thống ở một điểm R tham giao vào các trải nghiệm (Errfahrungen) và các kích thích (stimuli) của môi trường của cá nhân khác hay một hệ thống vốn đang ở trong không gian khác và một thời gian khác, bằng sử dụng những yếu tố tri thức mà cả hai phía cùng có chung”. Định nghĩa này là nền tảng của ngành sinh thái học truyền thông, ngành khoa học về sự tương tác giữa các “loài truyền thông” khác trong bên trong một lĩnh vực. Hệ sinh thái có hai nhánh:

  • Nhánh 1: Coi cá thể như một đơn vị, quan tâm tới tương tác của cá thể trong phạm vi thơi gian và không gian.
  • Nhánh 2: Liên quan tới tổ chức các hệ thống giao dịch giữa các cá thể và quá trình lưu trữ các giao dịch này trong kho lưu trữ và thư viện.

(trang 85-86)

Từ mô hình phản hồi vòng tròn của Wierner, trường phái Palo Alto hay còn gọi là trường phái vô hình đã phát biểu rằng “cần phải trả lại lý thuyết toán học cho các kỹ sư viễn thông vốn là những người đã khám phá ra chúng, và truyền thông cần phải được nghiên cứu bởi các ngành khoa học nhân văn bằng cách xây dựng mô hình riêng cho nó.” Cụ thể, trường phái Palo Alto hình dung trong các tình huống giao tiếp đơn giản cũng phải đặt trong bối cảnh đa dạng, trong đó bên nhân tin cũng quan trọng như bên phát tin. Họ cố gắng giải thích một “tình huống tương giao toàn cầu” chứ không phải các biến số được trích xuất riêng lẻ. Trường phái vô hình dựa trên 3 giả thuyết:

Giả thuyết 1: “Bản chất của truyền thông nằm trong các quá trình liên hệ và tương giao”

Giả thuyết 2: “Mọi hành xử của con người đều có một giá trị truyền thông”

Giả thuyết 3: “Sự rối loạn tâm bệnh đều là dấu hiệu của những rối loạn truyền thông giữa cá nhân mang triệu chứng đó với những người xung quanh”

Như vậy theo trường phái này, truyền thông không chỉ là “một sự kiện biệt lập và một hành vi ngôn từ có ý thức và tự nguyện” mà còn là “một tiến trình xã hội đang tiếp dẫn, bao hàm nhiều phương thức ứng xử như lời nói, cử chỉ, nét mặt, không gian liên cá nhân”. Từ đó, họ quan tâm nhiều đến cử chỉ và không gian liên cá nhân, chứng minh rằng “những trục trặc trong cách cư xử của con người chính là những dấu hiệu phản ánh môi trường”.

Trong khi ấy, Stuart Hall nhà xã hội học da màu trong bài báo “Encoding/Decoding” (Mã hóa/Giải mã) được viết năm 1973 đã chia quá trình truyền thông thành 4 giai đoạn khác nhau bao gồm: Sản xuất -> Lưu thông -> Phân phối/Tiêu thụ -> Tái sản xuất. Trong đó, công chúng và là đối tượng tiếp nhân thông điệp lại đồng thời là nguồn phát, bởi vì, nguồn sản xuất cũng phải đáp ứng khả năng giải mã của công chúng trong quá trình truyền tin. Ông chia ra 3 loại hình giải mã:

  • Thống trị: Hiển nhiên có do trật tự xã hội.
  • Đối đầu: Xuất hiện khi gặp thế giới quan đối nghịch
  • Thương thảo: Pha trộn giữa yếu tố đối lập và thích nghi

(trang 146, 147)

Sự ra đời và phát triển của ngành khoa học tri nhận (cognition science, thường được dịch là khoa học nhận thức) có nền tảng từ sự kết hợp của toán học trong vân hành của thần kinh và lập luân, các lý thuyết truyền thông. Khoa học nhận thức coi trí thông minh giống như chiếc máy tính phân tích tất cả các hệ thống biểu trưng mà nó tiếp nhận, còn bộ não giống như thiết bị xử lý thông tin “phản ứng có chọn lọc đối với môi trường, đối với thông tin đến từ ngoại giới”. Khoa học nhận thức là nền tảng cho sự xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) với đầu vào (inputs) tiếp nhân thông tin từ môi trường và tương tác với bên ngoài (outputs). (trang 216-217) Hai tác giả của cuốn sách tỏ ra lo ngại với nhãn quan của ngành khoa học nhận thức khi “đơn giản hóa” não bộ của con người thành một loại cơ giới, dần dần dẫn đến sự sinh học hóa xã hội tức là lại coi xã hội như một cơ thể, và lẽ tất yếu dẫn đến xu hướng ủng hộ thuyết tân tự do với mục đích tối đa hóa lợi nhuận. (trang 220)

Tương tác giữa văn hóa và truyền thông

“Khi đối diện với yêu cầu phải đo lường văn hóa, tôi đã thấy rằng văn hóa lẽ ra phải là điều kiện loại bỏ một lối tư duy có khả năng đo lường nó”

Đây là phát ngôn trong năm 1969 của nhà nghiên cứu âm nhạc đồng thời là triết gia Theodore Adorno (1903 – 1969). Ông phê phán truyền thông đại chúng đã biến văn hóa trở thành một phần của truyền thông đại chúng. Cụ thể, ông chỉ trích địa vị của nghệ thuật trong xã hội mà truyền thông đại chúng chi phối, trong đó nghệ thuật đóng vai trò tạo ra “thứ hạnh phúc ngụy tạo”. Nền công nghiệp văn hóa đã dẫn tới “sự thất bại của văn hóa và biến nó thành hàng hóa”. Nhận định này đến từ nhãn quan gắn nghệ thuật với sứ mệnh thiêng liêng nào đó của Adorno và những người theo xu hướng của ông.

Nhãn quan đã trở nên lỗi thời khi so sánh với nhân định của Walter Benjamin (1892 – 1940) thuộc trường phái Frankfurt. Trước những phát ngôn đổ lỗi cho nền công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng làm suy đồi văn hóa, Benjamin đã chỉ ra rằng quá trình sản xuất công nghiệp hóa với phương thức tái sản xuất có vai trò trọng trong các ngành nghệ thuật mới như điện ảnh. Và thứ thực sự làm tổn thương đến nền văn hóa không phải là việc vận dụng phương thức tái sản xuất của công nghiệp mà là “mục tiêu sinh lợi về mặt kinh tế và kiểm soát xã hội.” (trang 103)

Thế giới được kỹ thuật hóa trong suốt thế kỷ 19 và 20 đã hình thành nên thứ “lý tính kỹ thuật” và “lý tính công cụ” gây ra những khuôn khổ áp đặt lên con người, “quy giản diễn ngôn và tư duy vào một chiều kích duy nhất, khiến cho sự vật trùng khớp với chức năng của nó, hiện thực trùng khớp với vẻ bề mặt nó của , bản chất trùng khớp với sự tồn tại”. Tác phẩm “L’Homme unidimensional” (Con người một chiều) của nhà triết học Herbert Marcuse (1898 – 1979) đã làm rõ vấn đề này. (trang 105) Từ tác phẩm của Adorno cho đến Marcuse, ta thấy dấy lên mối lo ngại về vấn đề công cụ hóa các cá nhân.

Trong bầu không khí lo ngại này, trường phái Frankfurt  đã đề cập đến “không gian công” như một không gian để trao đổi quan điểm giữa các cá nhân với nhau. Tác giả đề cập đến vấn đề này là Jurgen Habermas, một triết gia người Đức. Ông quan tâm đến “tính công khai” và làm thế nào để “công luân có thể biết những yếu tố thông tin mà mọi người đều quan tâm.” Habermas cũng như Marcuse và Adornor đều tỏ ra quan ngại trước tình trạng “chế tạo ý kiến” phục vụ mục đích thương mại hoặc chính trị, khi các cá nhân bị biến thành người tiêu dùng, bị định hướng theo các tiêu chuẩn xã hội và bị lái hướng theo các chiến dịch tung hô một cách cảm tính. Họ coi đó là sự “tái phong kiến hóa xã hội”. (trang 107,108)

Chỉ đến khi Daniel Bell với những phê phán trong tác phẩm “The end of ideology: On the Exhaustion of the Political Ideas in Fifties” (Kết thúc của ý thức hệ: Về sự kiệt quệ của các Ý tưởng Chính trị trong thập niên 50s) chỉ ra nghịch lý của những người phê phán xã hội công nghiệp nhưng vẫn là nhân tố của nền công nghiệp văn hóa và tác động tạo ra xã hội ấy. Từ đó, Bell đưa ra khái niệm “xã hội hậu công nghiệp” – một xã hội được xây dựng dựa trên công nghệ tri thức và công nghệ thông tin, vốn được xem là “nguyên liệu của tương lai.” (trang 112)

Sự phân tầng văn hóa cũng được đặt ra trong bối cảnh truyền thông đại chúng ngày càng có vị thế cao. Từ thế kỷ 19, học giả người Anh Matthew Arnold (1822 -1888) ra sự phân cấp văn hóa bao gồm thanh nhã – tầm thường – dung tục. Sự lên ngôi của văn hóa tầm thường và văn hóa dung tục nhằm phục vụ mục đích thương mại ở thế kỷ 20 đã khiến cho các nền văn hóa truyền thống (bao gồm cả văn hóa dân chúng và văn hóa tinh hoa) bị đe dọa. Trào lưu chống lại sự ảnh hưởng của tính thương mại trong truyền thông đại chúng này được gọi bằng cái tên Nghiên cứu văn hóa (Cultural Studies).  Trào lưu này phát triển dựa trên những công trình phê bình văn học của Frank Raymond Leavis (1895 – 1978) với mục đích chủ chốt là giúp các cá nhân nhận diện xã hội máy móc với những “tiểu thuyết xà phòng, “lao động tha hóa”, “quảng cáo ngu xuẩn” đã làm “u mê” con người như thế nào. Cùng với Leavis, một loạt các học giả khác cũng lên tiếng cảnh báo về sự hủy hoại của truyền thông đại chúng khi được sử dụng cho mục đích thương mại. (trang 136 – 137) Trường phái Birmingham đã kết hợp lý thuyết của trường phái Chicago và trường phái Frankfurt cùng các lập luân của Leavis để xây dựng nên hệ thống nghiên cứu truyền thông liên ngành và nối kết các công trình nghiên cứu của mình với phong trào xã hội, đặc biệt là phong trào nữ quyền. (trang 144)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, truyền thông đại chúng được nhân rộng và gây nên tình trạng  trao đổi văn hóa bất bình đẳng và gia tăng sự phụ thuộc văn hóa. Mạng lưới truyền thông thực sự đã là một phần của mạng lưới thương mại toàn cầu và phơi bày tính “hướng tâm” của thế giới đã được sắp xếp theo trật tự thứ bậc dựa trên tiến bộ của phương tiện sản xuất. Một lĩnh vực mới được hình thành – truyền thông quốc tế đã hình thành nhằm nghiên cứu sự bất bình đẳng trong giao lưu văn hóa. Tác phẩm “Mass Communication and American Empire”(Truyền thông đại chúng và đế quốc Mỹ) của Herbert Schiller đã mở đầu cho chuỗi công trình nghiên cứu mối liên hệ của tổ hợp công nghiệp – quân sự với truyền thông đại chúng. Schiller tố cáo:

“Toàn bộ các quá trình thông qua đó một xã hội được đưa vào trong hệ thống thế giới hiện đại, và cách thức mà tầng lớp lãnh đạo của xã hội đó, do bị quyến rũ, bị áp lực, bị cưỡng ép hay bị mua chuộc, đã đi đến chỗ rập khuôn các định chế xã hội nhằm làm cho chúng thích ứng hoặc cổ xúy các giá trị và các cấu trúc của trung tâm thống trị của hệ thống đó.” (trang 154)

Nối tiếp Schiller, rất nhiều các nghiên cứu về điện ảnh, công cụ quảng cáo, dòng chảy tin tức… của nhiều nhà nghiên cứu truyền thông đã chỉ ra rằng tồn tại sự lệ thuộc văn hóa của nhiều quốc gia vào Mỹ do những chiến dịch thâm nhập thị trường bằng truyền thông đại chúng. Ở Mỹ Latin, để cưỡng lại sự áp bức văn hóa từ văn hóa Mỹ, các học giả đã đề xuất xu hướng truyền thông dân gian thông qua sự coi trọng hoàn cảnh của người học và mối liên hệ với các tổ chức dân gian. (trang 157,158). Tiếp đó, UNESCO đã trở thành  nơi thể hiện chủ yếu cuộc tranh luân về “sự mất cân bằng giữa các luồng thông tin và những sự trao đổi thông tin”.

Đối ngược với xu hướng của Schiller, xu hướng gắn truyền thông với mục đích kinh tế chính trị coi văn hóa như một loại hàng hóa và hàng hóa cũng chính là văn hóa. Việc sử dụng máy móc truyền thông đã trở thành tập quán và “mệnh lệnh kỹ thuật đã làm thay đổi xã hội”. Những diễn ngôn này được đưa ra bởi Marsshall McLuhan. Khái niệm “toàn cầu” như một tổng thể đã hình thành và được đồng nhất trong hình dung về thế giới, thay thế hoàn toàn cho khái niệm “đế quốc” vốn được dùng để chỉ mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới. (trang 166,167,168).

Xem xét qua góc nhìn ngôn ngữ

Thông điệp là yếu tố then chốt trong truyền thông, nên chắc chắn sự tham gia của các nhà ngôn ngữ trong nghiên cứu về truyền thông là tất yếu. Ferdinand de Saussure (1857 -1913), từ đầu thế kỷ 20 đã coi ngôn ngữ là một “định chế xã hội” và lời nói là một “hành vi cá nhân”.  Do đó, nghiên cứu  ngôn ngữ học là nghiên cứu các quy tắc ký hiệu ngôn ngữ và cách chúng sản sinh ra nghĩa trong đời sống xã hội. Đảm nhiệm những hình dung về ngôn ngữ học mà Saussure đưa ra, Roland Barthes (1915-1980) đã đưa ra 4 đề mục để sắp xếp tất cả các yếu tố của ngôn ngữ từ lời nói, cử chỉ, âm thanh, đồ vật được dùng theo nghi thức, nghi lễ…, bao gồm:

  • Ngôn ngữ và lời nói
  • Cái biểu đạt và cái được biểu đạt
  • Hệ thống và ngữ đoạn
  • Nghĩa trực chỉ và nghĩa biểu đạt

Trong đó hai đề mục quan trọng nhất là “cái biểu đạt và cái được biểu đạt” cùng với “nghĩa trực chỉ và nghĩa biểu đạt”. Bởi những yếu tố vượt ra ngoài ngôn ngữ và lời nói có tác động lớn đến nhân thức của đại chúng hơn rất nhiều. Trong tác phẩm “Những huyền thoại” của Barthes, thế giới quảng cáo được mô tả như thế giới của các “huyền thoại” khi các chiến dịch quảng cáo tạo ra các biểu tượng mới nhằm thu hút đám đông. Tác phẩm này đã mở đường cho phương pháp ký kiệu học mà các nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng như Edgar Morin, George Friedman… hay các nhà công nghiệp quảng cáo đều ứng dụng.

Với vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong truyền thông, nhà nước sớm ý thức được tính thiết yếu của sự kiểm soát. Trong một bài báo đăng trên tạp chí La Panseé (Tư tưởng) có tên “Ý thức hệ và các bộ máy ý thức hệ của nhà nước”, Louis Althusser (1918 – 1990) đã phân tích sự đối lập của “các công cụ trấn áp của nhà nước (cảnh sát, quân đội), những công cụ thực hiện hiện chức năng cưỡng chế trực tiếp, với các bộ máy thực hiện các chức năng ý thức hệ. Trong đó, các bộ máy thực hiện chức năng ý thức hệ bao gồm trường học, giáo hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, và có thể là cả gia đình… đóng vai trò “trấn an, đảm bảo sự kéo dài độc quyền của bạo lực biểu tượng, thứ bạo lực diễn ra trên bình diện tinh thần, bằng cách che giấu sự võ đoán của thứ bạo lực ấy dưới tấm màn che của một tính chính đáng”. (trang 124) Cùng lúc ấy, Pierre Bourdieu cũng phân tích các “tập quán văn hóa” – thứ “góp phần vào quá trình tái sản xuất ra một trật tự xã hội đã được thiết lập với những sự bất bình đăng của nó”. Khi phân tích cách sử dụng máy ảnh trong xã hội, ông đã chứng minh rằng “tập quán giải trí tưởng như không liên quan đến mã tư tưởng thống trị có vẻ như mang lại một cơ hội cho sự thể hiện tự do cá nhân, thực ra lại chứng tỏ sự thống trị của những mã xã hội và những quy ước xã hội.” (trang 125)

Michel Foucault (1926 -1984) đã đi xa hơn trong phương thức thực thi quyền lực trong tác phẩm “Surveiller et Punir” (Kiểm soát và Trừng phạt) xuất bản năm 1975. Ông phân loại 2 hình thức giám sát xã hội:

Một là “kỷ luật – phong tỏa”, tức những cấm đoán, hàng rào, tôn ti thứ bậc, phân cách, đứt đoạn truyền thông…

Hai là “kỷ luật – cơ chế”, tức là những kỹ thuật kiểm soát phức tạp và chồng chéo một cách mềm dẻo bằng cách quá trình nội tâm hóa của cá nhân khi bị giám sát thường xuyên.

(trang 128)

Một điều đáng tiếc của cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông”, đó là những vấn đề của ngôn ngữ và cấu trúc trong truyền thông không được giới thiệu một cách kỹ lưỡng. Một phần có lẽ vì ngôn ngữ và thuyết cấu trúc đều trừu tượng và phức tạp. Một phần, hai tác giả không xâu chuỗi và lý giải được sự phát triển của ngôn ngữ học và thuyết cấu trúc trong truyền thông và giải thích mối liên quan mật thiết của chúng với chính trị. Hạn chế này của cuốn sách khiến cuốn sách trở thành một tập hợp thông tin mang tính liệt kê thay vì giúp độc giả hiểu rõ vấn đề.

Phương pháp luận thường nhân

Sự hạn chế trong các phương pháp luận nghiên cứu về truyền thông, đó là sự tách biệt và nằm ngoài đối tượng, do đó Harold Garfinkel (1917 – 1987) đã đưa ra phương pháp luận thường nhân (ethnomethodology) và phát biểu như sau:

“Lối nghiên cứu phương pháp luận thường nhân phân tích các hoạt động hằng ngày xét như là các phương pháp của các thành viên nhằm làm cho các hoạt động ấy trở nên duy – lý -hiển – nhiên – và-có-thể-giải-thích-được-bằng-những-mục-đích-thực-tiễn, nghĩa là có thể quan sát được và giải thích được xuets như những cách tổ chức các sinh hoạt hàng ngày. Tính phản tư của hiện tượng này là một sinh hoạt đặc thù của các hoạt động thực tế của hoàn cảnh thực tế, các tri thức thông thường, các cấu trúc xã hội và của lối lập luận xã hội học thực hành. Chính sự phản tư này cho phép chúng ta phát hiện và xem xét tình huống xuất hiện của chúng: với tư cách đó, nó tạo ra khả năng phân tích chúng”.

Do đó, “mối quan hệ giữa hành động và bối cảnh được nhìn nhân lại sâu sắc”: không chỉ có bối cảnh ảnh hưởng đến nội dung của hành động, mà “hành động cũng góp phần vào ý nghĩa dần dần được hình thành của bối cảnh, của bản thân tình huống”. Khi một sự kiện xã hội diễn ra thì không phải sự kiện có sẵn mà “làm kết quả của sinh hoạt của các tác nhân nhằm mang lại ý nghĩa cho những thực hành thường nhật của họ”. Đời sống thường nhật, nơi các tư duy và quan niệm thông thường chiếm ưu thế, nay trở thành đối tượng nghiên cứu và người nghiên cứu cần thâm nhập vào đó.

Nếu ngôn ngữ học cấu trúc coi nhẹ mối quan hệ giữa người nói và người nhận thì  ngôn ngữ học thường nhân đã “khôi phục lại chủ thể như là tác nhân của diễn ngôn”. Triết gia người Anh John L. Austin (1912 – 1960) trong tác phẩm “How to Do Things with Words” (Làm việc bằng các từ như thế nào, 1962) đã chỉ ra rằng ngôn ngữ thường hướng đến “hiện thực hóa điều gì đó”: “thông qua hành vi nói, người ta có thể tác động đến người khác, khiến họ hành động hoặc chính mình hành động.”(trang 185) Cùng với đó, người nhân thông tin cùng với khả năng tiếp nhận của mình cũng được xem xét đến bởi trường phái Constance của Đức. Những khía cạnh khác như nữ quyền, và sự hài lòng của người sử dụng… cũng dần được đào sâu.

Kết luận

Hai tác giả Armand & Michèle Mattelart đã đưa ra một nhận xét thế này: “Xã hội được định nghĩa bằng khái niệm truyền thông.” (trang 209) Nhân định đó có lẽ không cần phải chứng minh, một cảm thức mơ hồ cũng có thể cho ta thấy rằng truyền thông chi phối trọn vẹn đến đời sống của chúng ta, kể cả thức lẫn khi đi ngủ. Việc tìm hiểu về truyền thông ảnh hưởng đến đời sống không chỉ giúp cho các nhà chính trị, các tập đoàn, nhà canh tân, nhà vân động chính sách… mà còn đặc biệt quan trọng cho các cá nhân trong lẽ sinh tồn tinh thần giữa một thế giới được lấp đầy bởi các ảo giác truyền thông.

Hà Thủy Nguyên

Tết và giả dối, phù phiếm, rác rưởi

Mỗi năm một lần Tết âm lịch lại đến như một cái gông đè nặng lên cổ từng người. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta tổ chức một kỳ lễ Tết mà chẳng hiểu ý nghĩa của nó, chúng ta tiêu tốn một lượng lớn thời gian – công sức – tiền bạc để hoàn thành những nghi lễ vô giá trị được dán nhãn “truyền thống”, chúng ta cười cười nói nói với những người mà chúng ta chẳng hiểu

Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Văn hóa Tết Nguyên Đán được định vị bằng một loạt những hình ảnh: bánh chưng, sum vầy, mâm cúng, lì xì, lời chúc, quà Tết, màu đỏ, cầu may, chơi hoa. Hết năm nay qua năm khác, người dân lặp đi lặp lại những thói quen và tự gọi đó là “truyền thống cha ông để lại”, dần dần trở thành một văn hóa Tết ăn sâu vào tâm thức xã hội, thành một định chế áp đặt lên toàn bộ người dân. Định

Cái bi và cảm hứng sử thi trong phim ảnh đại chúng đương đại

Thế kỷ 19 và 20, nhân loại liên tiếp ở trong những cuộc chuyển dịch về tâm thức. Bước ra khỏi thời kỳ Trung cổ, được truyền cảm hứng nhân bản từ các nhà Khai Sáng, con người hướng tới các giá trị bình đẳng. Từ đó, thân phận của những người cùng khổ, những tầng lớp thấp, các bi kịch cá nhân trong đời sống bình thường bắt đầu trở thành đề tài của các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn

Phim Kiều năm 2021: Nhà báo vẫn như “chim ăn xác thối” và ngành giải trí Việt chẳng khác gì lầu xanh

Ngay từ khi tung ra teaser và trailer, phim Kiều đã nhận không ít gạch đá từ dư luận vì sự lên hình kệch cỡm, cho đến khi phim công chiếu thì những lời “chỉ trích” phim đã nâng cấp lên thành tổng sỉ vả, một trận ném đá tập thể từ các nhà báo. Khi báo chí đồng lòng chê một tác phẩm, tuyệt đối đừng tin Vâng, đó là nhân định của tôi khi nghĩ về nền báo chí “ném đá tập thể”

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh