Home Bình Luận Tổn thương do bị xâm hại – Tác hại của một xã hội thiếu nền tảng hiểu biết về dục

Tổn thương do bị xâm hại – Tác hại của một xã hội thiếu nền tảng hiểu biết về dục

Sự việc nữ thi sĩ tố cáo ông nhà văn quan chức, dù đúng hay sai, cũng chỉ cho thấy một điều rằng cả đàn ông và phụ nữ Việt Nam thiếu nhận thức trong vấn đề tình dục. Năm 2011, khi lần đầu tôi cùng một người bạn làm website giáo dục về dục (chứ không chỉ là giới) có tên là Nghệ Thuật Yêu, tôi thường xuyên gặp phải cái nhìn miệt thị của không ít chị em, và gặp không ít lời trêu trọc khiếm nhã của những người đàn ông ẩn danh, đương nhiên cũng có người hiểu và thích thú. Ngày ấy, tôi nhìn vấn đề tình dục như một mối quan hệ tương tác giữa người và người, và nó cũng mang tính giao tiếp. Tôi không phán xét đạo đức hay xem mình như nạn nhân của những thói quen ấy, tôi chỉ thấy họ như lũ trẻ nhỏ thiếu giáo dục, và họ mới là nạn nhân của một hệ thống giáo dục khiếm khuyết và một nền tảng văn hóa xã hội cổ hủ. Nếu người ta có thể “học ăn, học nói, học gói, học mở” thì tại sao người ta không học cách quan hệ dục cho văn minh, lịch lãm, để đến nỗi gây ra những tổn hại về thể chất và tinh thần cho nhau. Tiếc rằng, website này không duy trì được lâu một phần vì lý do tài chính, nhưng thôi, đó là chuyện đã qua, quay lại với câu chuyện tố cưỡng bức đang tạo sóng trên cộng đồng mạng gần đây, tôi cho rằng cả nạn nhân và bị cáo đều là biểu hiện cho một xã hội thiếu nhận thức về đời sống tình dục.

Trước hết, cần phải làm rõ một vài điều: Thứ nhất, vấn đề giới tính và dục tuy có nhiều điểm chung nhưng không hề là một. Nếu chủ đề giới tính bao hàm các vấn đề liên quan đến ý thức về giới, kiến thức khoa học về tâm sinh lý của mỗi giới và bình đẳng giới… thì dục đề cập đến mối quan hệ của các cá nhân với nhau bị chi phối bởi ham muốn giao hợp mà trong đó các vấn đề về giới có sự chi phối. Thứ hai, sự tương tác dục không chỉ là khi có sự giao phối đồng thuận, mà còn có nhiều vấn đề khác xoay quanh, như: sự khiêu gợi, dấu hiệu gợi d.ục, đụng chạm xác thịt, các loại quan hệ giao cấu (hiếp dâm, bạo dâm, khổ dâm, quấy rối, cuồng dâm, lãnh cảm, hận tình…).

Nếu trong quan hệ giao tiếp đời thường, chúng ta liên tục đối mặt với các tình huống khác nhau: người này áp chế người kia, yêu thương người khác, ghét bỏ ai đó, sẵn sàng xông vào giết, có khi lịch sự, lúc mất kiểm soát và thô lỗ, thì trong quan hệ dục cũng vậy. Đôi khi một người cảm thấy thèm muốn giao cấu nhưng tiết chế được, đôi khi thì không và bột phát bằng ve vãn như một cách ra tín hiệu (có thể bằng ánh mắt, tình cờ động chạm, bằng lời nói, sex joke…), thô lỗ thiếu hiểu biết thì vội vàng sàm sỡ, lịch lãm hơn thì biết cách tạo hoàn cảnh lãng mạn để dần dần chinh phục. Cho đến khi đôi lứa rủ nhau lên giường rồi, người ta vẫn có thể làm mất lòng nhau chỉ vì kẻ mạnh người yếu, kẻ lâu người nhanh, kẻ thích dịu dàng người mong cuồng nhiệt. Tệ hơn cả, đàn ông ít người biết kéo dài thời gian còn phụ nữ thì không biết đâu là Cực khoái. Sau đó còn là xử lý hậu quả của các mối quan hệ và phòng ngừa các rủi ro ngoài ý muốn như tổn thương tâm lý, có thai không chủ ý, bệnh qua đường quan hệ… Ôi thôi đủ thứ phức tạp mà chẳng ai dạy ai ngoài những khóa học thiếu bài bản về giữ ấm lửa tình yêu hay những kênh bán thuốc kích thích ham muốn hoặc gia tăng năng lực. Chúng ta có thể dạy những đứa trẻ cách tự bảo vệ mình khỏi xâm hại, chẳng khác nào như trong quan hệ trên facebook chúng ta cứ block những nick gây cho ta khó chịu, hay ngoài đời chúng ta né gặp những người gây đe dọa đến ta. Như vậy, chúng ta luôn yếm thế vì lo sợ rủi ro và thấy ai cũng có thể là tội phạm xâm hại tiềm năng. Cuộc sống như vậy thật mệt mỏi.

Từ khi mới dậy thì cho đến năm 2018, giống như nhiều người phụ nữ khác, tôi nhiều lần bị sàm sỡ cũng như bị ve vãn, trêu đùa, thậm chí gạ gẫm quan hệ. Đó đều là những thứ tôi phản ánh trên bộ phim “Vòng nguyệt quế” năm 2008 (VTV1), và cuốn tiểu thuyết “Cầm Thư quán” (2008, NXB Phụ Nữ, bị thu hồi cùng năm/tái bản 2018, NXB Hội Nhà Văn  & Book Hunter). Nhưng ngay cả trong phim, và từ bé đến tận bây giờ, tôi thấy những người đàn ông từng có hành vi xâm phạm mức độ nhẹ ấy là đáng thương hại, vì hệ thần kinh của họ quá yếu không thể kiểm soát được bản thân, chính những người ấy lại là những người có xu hướng bất lực trong quan hệ. Những người đàn ông như thế trong giới trí thức văn nghệ sĩ lại càng đáng tội nghiệp hơn, vì họ tự huyễn hoặc mình bằng khao khát yêu và được yêu. Đương nhiên, trong thang bậc lựa chọn người bạn tình cho mình, họ luôn “rớt đài”. Thói quen tiết chế, tôn trọng và lịch sự luôn cho thấy một người có khả năng kiểm soát cơ thể tốt hơn và một tình trạng não mạnh khỏe hơn, dễ dàng dẫn tới một mối quan hệ hứa hẹn hơn. Tương tự như vậy với phụ nữ, một cô nàng thiếu kiềm chế các ham muốn và cảm xúc thì khó biết cách phối hợp với bạn t.ình trao gi.ao ph.ối để dẫn tới thỏa mãn cho cả hai. Điều đó không có nghĩa rằng tôi ủng hộ những hành động sàm sỡ hay cưỡng bức, nó vẫn cần phải bị loại bỏ (có thể bằng cách trừng phạt hay trị liệu thì tùy vào cấp độ văn minh của xã hội). Còn về phần tôi, tôi chọn phản ứng từ chối thẳng thừng trước những hành vi đó, nhưng không phán xét họ, nếu họ đủ dũng cảm và vượt qua cơn ham muốn nhất thời để tiếp tục làm bạn. Rất nhiều người đến nay vẫn là bạn của tôi, chúng tôi vẫn hỏi thăm nhau và ủng hộ các quan điểm của nhau nếu cảm thấy tương đồng. Phần nào đó, ít ra là với tôi, tôi đã có thể “dạy” họ cách tương tác lịch sự với tôi.

Dù nhiều người phụ nữ bị tổn thương sau khi bị xâm phạm, và họ thực sự là nạn nhân, nhưng tôi cũng luôn mong muốn họ vượt qua sự định vị bản thân mình như nạn nhân. Họ cần nhận thức rằng họ rơi vào tình huống tồi tệ ấy là bởi vì sự thiếu hiểu biết trong cách tương tác với người có giới tính khác và các tín hiệu có thể dẫn đến t.ình d.ục mà người đàn ông gợi ý. Ví dụ, những người đàn ông thiếu trưởng thành sẽ rất dễ ngộ nhận rằng một cô gái sẵn sàng lắng nghe tâm sự của họ, hay gặp riêng họ, hay thường xuyên giúp đỡ họ, dễ tươi cười với họ… là có tình cảm với họ. Mà đa phần đàn ông thì thiếu trưởng thành. Khi họ đã xác định rằng họ có cơ hội thì họ tiến nhanh đến gạ gẫm, sàm sỡ hay cưỡng bức là tùy vào năng lực nhận thức của họ. Chừng nào phụ nữ, từ trong tâm trí đã cho mình là nạn nhân hay nạn nhân tiềm năng, thì họ càng thiếu đi năng lực đối phó với các tình huống trớ trêu. Nạn nhân thì luôn mắc kẹt, chỉ người chủ động với nhận thức và làm chủ bản thân mình mới phản ứng rõ ràng và né trước các nguy cơ.

Những chi tiết nhỏ nhạy cảm trong giao tiếp liên quan đến giới và dục ít được văn nghệ sĩ quan tâm. Anh em văn nghệ sĩ phóng khoáng lắm, nhất là ảnh hưởng nửa vời của xu hướng lãng mạn của Pháp, những tuyên ngôn giải phóng dục trong nghệ thật đương đại, trộn lẫn với những lễ giáo xô lệch còn sót lại thời phong kiến… tất cả hình thành nên một môi trường văn đàn vừa nửa vời đoan chính vừa phóng túng chẳng tận cùng. Có một thời, khi tôi mới chập chững bước chân vào văn đàn, các “tiền bối” còn khuyên tôi là phải tự do biểu hiện xu hướng dục của mình mới ngầu. Chắc ai trong giới cũng biết rằng có một lứa văn nghệ sĩ như thế, vì họ đâu có che dấu bản thân trên dư luận. Họ cũng là những người đáng thương, những người loay hoay biểu lộ sự khát dục của mình như một vật trang trí cho thương hiệu cách tân, mà không biết rằng tất cả chỉ khiến họ trở nên yếu đuối hơn trong quan hệ dục vì suy cho cùng họ chẳng khác nào những người xâm phạm dục bằng lời nói, thay vì xâm phạm cá nhân thì họ xâm phạm tập thể. Những suy nghĩ này đã nảy lên trong đầu tôi từ ngày ấy, và nó khiến tôi tránh xa văn đàn, chọn cho mình một thế giới riêng đóng kín trong công việc, tương tác với những người biết làm chủ mình, biết đặt vấn đề lịch sự khi có hứng thú quan hệ, biết cảm nhận tình yêu khi nảy nở.

Có thể sau khi đọc bài này, nhiều người sẽ unfriend, block, hoặc tránh mắng tôi, vì tôi đã không đứng về phía nạn nhân, thậm chí còn không tỏ ý cảm thương. Với những ai từng điều trị tâm lý sẽ biết, khi bệnh nhân nghĩ mình là nạn nhân, họ càng khó vượt qua và lún sâu hơn, nên nói lời cảm thương lúc này, với tôi, thấy rằng thật lố bịch, vì về bản chất chẳng khác gì sự đáng thương hại. Họ cũng có thể trách tôi vì tôi không đấu tranh chống lại cường quyền, xin thưa, tôi đã làm việc ấy rất lâu, từ khi học cấp 3 cho đến nay, chưa hề ngừng nghỉ. Và khi ai đó còn là thành viên của hội nọ hội kia trong chính quyền, thì tôi đã li khai khỏi trường đại học vì thấy sự vô nghĩa của chương trình, chưa từng nộp đơn vào Hội nhà văn. Tôi cũng chẳng quan tâm đến việc mình bị báo này báo kia đưa vào blacklist và đã chọn cho mình con đường đứng về phía những người bình thường không “high profile”. Trong khi người ta coi nhà văn, trí thức như những người đức cao vọng trọng thì tôi đã phản ánh hiện tượng xâm hại tình dục trong một bộ phim chiếu ở giờ vàng VTV1 từ năm 2008. Có lẽ tôi chẳng có gì phải thấy xấu hổ với vị thế của mình hôm nay và những hoạt động tôi đã từng làm.

Tôi chỉ muốn chỉ ra một vấn đề quan trọng: THAY VÌ PHẪN NỘ VÀ TRỪNG PHẠT, HÃY TÌM CÁCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. Sự xâm hại tình dục không đơn thuần là bệnh lý hay phạm pháp, nó đến từ sự thiếu giáo dục và thiếu tự chủ. Thay vì nhìn thẳng vào gốc rễ, đó là hệ thống giáo dục lạc hậu, không thực sự quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với con người, mà chỉ chăm chú vào đua chen nhau bằng cấp, thì ta lại trừng phạt nặng những người thiếu giáo dục dẫn đến xâm hại và tôn vinh nạn nhân, thật trớ trêu! Đương nhiên, yếu đuối là quyền lựa chọn của ai đó, và kẻ gây tổn thương cho người khác thì vẫn cần phải đền tội bằng cách này hay cách khác, sự việc vẫn cần được phơi bày ra ánh sáng, nhưng những người phẫn nộ và cảm thương ạ, hãy nhìn cho rõ nguyên nhân đằng sau tất cả những đau thương này. Tại sao Toán và Văn là môn bắt buộc, mà các nguyên tắc ứng xử trong quan hệ về giới tính và tình dục lại không được đưa vào diện bắt buộc?

Sau 2 lần nỗ lực xây dựng trang web giáo dục về tình dục, và đều đổ bể với những người cộng tác chỉ vì bài toán tài chính, một lần nữa tôi đang tìm cách xây dựng lại, và lần này là dự án của riêng mình, không cần nhờ nhà đầu tư nào đó dễ dàng chùn tay. Một số bài dịch ngắn liên quan đã đăng rời rạc trên website FoxStudy và Book Hunter, các bạn có thể đọc các bài đã dịch ở cuối bài này.

Nếu bạn hứng thú và nhiệt tình với chủ đề này, mong muốn làm gì đó thực sự giải quyết vấn đề, có thể liên hệ với mình và chúng ta cùng nhau bàn xem có thể làm những gì. Trước mắt, chúng tôi vẫn chỉ đang tạm dừng ở dịch thuật trong điều kiện cho phép của mình.

Hà Thủy Nguyên

>> Link bài về giới và dục từ FoxStudy:

Để dạy con cách phòng tránh bị lạm dụng tình dục – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Nam, nữ giới và quấy rối tình dục – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Sự đáng nguyền rủa của văn hóa – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Khi giới tính và giới không còn ăn khớp – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Hãy ủng hộ con của bạn khi con muốn khám phá bản dạng giới – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Đàn ông có hay nổi giận hơn phụ nữ không? – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Đàn ông có hay nổi giận hơn phụ nữ không? – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

>> Linh bài về văn hóa tình dục từ Book Hunter:

“Sex, time and power” của Leonard Shlain: Đặc tính cơ thể của phụ nữ đã thúc đẩy văn minh nhân loại như thế nào – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunterclub.com)

Idea Hunting: Tại sao tình dục lại nguy hiểm? (bookhunterclub.com)

Tâm thức bạo dâm: Một lịch sử của chiến tranh, nô dịch và giải phóng

Lưu ý: Bài có nhiều yếu tố bạo lực và tình dục. Thế kỷ 18, tại nước Pháp, một quý ông lịch lãm được đào tạo bài bản trong trường học Công giáo thuộc Dòng Tên, nhà văn – triết gia hầu tước Donatien Alphonse François de Sade, đã bị cáo buộc vì những hành vi bạo lực trong đời sống dâm dục của mình. Hầu tước Sade không hề phủ nhận những cáo buộc này. Sade nổi tiếng với những tác phẩm kết hợp