Tôi không muốn phần Giới Thiệu về bản thân trên website như một bản profile cứng nhắc với những dòng liệt kê thành tích.
Tôi muốn đó thực sự là những dòng chia sẻ về các hoạt động và dự án mà tôi đã thực hiện.
Có lẽ, như vậy sẽ hữu ích hơn với bạn đọc chăng, vì biết đâu bạn có thể tìm thấy đâu đó những vấn đề quen thuộc mình gặp phải trong cuộc sống cũng như trên con đường viết lách.
Những trang tiểu thuyết đầu tiên...
Năm 14 tuổi, tôi chỉ là một đứa trẻ mới lớn, mơ mộng mình sau này có thể sở hữu một tờ báo hoặc một nhà xuất bản. Nhưng tôi không đợi được đến khi tốt nghiệp đại học, đi làm phóng viên hay biên tập cho một cơ quan nào đó, tôi muốn mình phải thực hiện được ngay lập tức. Và tôi bắt tay vào thực hiện luôn.
Tôi và vài người bạn trong lớp cùng nhau làm một tờ báo, có tên là News Game, bán trong trường cấp 2 lúc bấy giờ. Lúc ấy, tôi cũng đang mê mẩn Kim Dung và đọc mọi chi tiết về cuộc đời ông. Tôi biết rằng ông đã viết tiểu thuyết chương hồi để kích thích người đọc mua tạp chí, tôi quyết định ứng dụng “thủ thuật” này của ông với News Game.
Thực ra từ năm lớp 7 tôi đã tập tành viết hai truyện fantasy nhưng đều dở dang. Tôi cân nhắc lựa chọn đi tiếp một trong hai truyện ấy và đã chọn cuốn “Long Điểu tranh hùng” vì yếu tố kiếm hiệp kết hợp fantasy của nó. Truyện được đăng từng chương trên tờ tạp chí của lớp và tờ tạp chí nhanh chóng có được lượng mua đáng kể, có thể nói là cạnh tranh được với Hoa Học Trò, Mực Tím, Áo Trắng trong thị trường hẹp là học sinh trong trường tôi. Mọi lợi nhuận của tờ báo đều quay lại sung vào quỹ lớp. Cùng lúc ấy, tôi triển khai viết một tiểu thuyết khác nối tiếp theo “Long Điểu tranh hùng”, dù chưa hoàn thành cuốn tiểu thuyết hoành tráng ấy.
Năm lớp 9, tờ báo không được hoạt động nữa vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là vì mục đích thi lên cấp 3. Lúc ấy, tôi ghét chuyện thi cử kinh khủng, vì thi cử đã dập tắt cơn hào hứng của tôi. Báo bị “đình bản”, nhưng tôi đâm ra lại mê tiểu thuyết. Tôi vẫn cứ viết song song hai quyển, sau mấy tháng, tôi buộc phải rút lui khỏi “Long Điểu tranh hùng” bởi vì sáng tác này đòi hỏi một lượng kiến thức quá lớn so với trình độ của tôi lúc ấy. Thế rồi, cuốn sách đầu tiên mà tôi hoàn thành lại là một cuốn viết hoàn toàn ngẫu hứng, chen ngang và động lực chẳng phải vì tiền bạc hay thành công của dự án nào đó: “Điệu nhạc trần gian”.
Tết là những ngày tuyệt vời để viết, tôi viết từ khi được nghỉ Tết cho đến khi đi học, chẳng thèm xuống nhà lấy tiền mừng tuổi. Năm chương đầu tiên của “Điệu nhạc trần gian” được viết trong Tết, dầy độ 50 trang A4. Tôi in ra và nhờ bố tôi đọc, bố tôi hứng khởi lắm. Ông khuyến khích tôi viết tiếp và mang cuốn sách của tôi tới gặp các nhà xuất bản, các nhà văn mà ông chưa quen bao giờ. Lúc ấy, ông có một niềm tin chắc chắn rằng một tác phẩm dã sử nghiêm túc được viết bởi một đứa trẻ, chắc chắn sẽ khiến các nhà xuất bản và nhà văn giúp đỡ vì tiềm năng của nó. Thế nhưng, tất cả những gì ông và tôi nhận được là những cái lắc đầu và bao lời khẳng định thiếu căn cứ, như: “Cuốn này không thể do trẻ con viết, đừng gian lận.” hay “Là người Việt thì đừng viết về triều đình xa lạ như thế này, cứ viết về củ khoai củ sắn thôi.”… Những lời ấy tôi không bao giờ quên, vì chúng như những hòn đá chất chồng nên bức tường của sự thất vọng dành cho những trí thức Việt Nam đạo mạo, mà đến nay tôi vẫn chưa thể đập bỏ hết được.
Vừa thất vọng, vừa tiếp tục viết tiếp là một trải nghiệm tệ hại. Lúc ấy, hàng ngàn vạn lần mà tôi không thể đếm hết được những câu tranh cãi: Viết tiếp hay không viết tiếp? Viết tiếp để làm gì? Ai sẽ đọc? Ai sẽ thích thú? Ai sẽ xuất bản? Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng cuộc sống thiếu đi sự sáng tác là chuỗi ngày trì trệ và nhàm chán. Nhu cầu được ai đó đọc và hiểu lòng mình hóa ra không lớn bằng nhu cầu tự tôi đọc cõi lòng tôi, hiểu cõi lòng tôi. Nếu tôi không trải cõi lòng mình lên những câu văn, qua những nhân vật, thì cõi lòng của tôi hoàn toàn chỉ chìm trong bóng tối. Vậy là tôi cứ viết mà không cần biết tương lai của tác phẩm.
Nhưng tương lai của tác phẩm tình cờ lại đến. Một người họ hàng của tôi làm xuất bản đã đem một phần bản thảo của tôi cho hai nhà phê bình tầm cỡ lúc bấy giờ là nhà phê bình Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Người họ hàng ấy cần sự đảm bảo của các nhà phê bình để chắc chắn rằng tác phẩm có thể bán được trên thị trường. Và thú vị là cả hai nhà phê bình thể hiện sự hứng thú với tác phẩm. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã viết lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi với tựa đề “Ngạc nhiên Điệu nhạc trần gian”. Ông đã sớm tiên tri con đường văn học giả tưởng của tôi.
Thế nhưng, một điều đáng tiếc trong quá trình xuất bản, đó là lúc ấy tôi còn quá nhỏ để lời nói có trọng lượng. Tôi đề xuất in thành nhiều tập và phát hành qua các sạp báo giống như “Harry Potter” hay “Năm Sài Gòn” với mức giá rẻ, vì lúc ấy học sinh đang rất ưa chuộng cách ấy. Bên xuất bản nói: In tập to cho sang, và in thành quyển dầy cả ngàn trang để làm truyền thông trên báo như thể tôi là một thần đồng. Tôi thực sự không thích cách truyền thông này, vì nó khiến tôi vừa giả dối, vừa xa lạ. Thêm nữa, truyền thông ròng rã suốt 2 năm, sách mới có mặt trên thị trường, đã gây ra cú hẫng lớn trong quá trình phát hành. Lúc ấy dù tôi còn nhỏ, nhưng đã cảm nhận rất rõ. Sau nữa, điều khiến tôi thất vọng hơn cả là nhận ra rằng khoản nhuận bút tôi nhận được không tương xứng với số lượng sách phát hành trên thị trường, vì có sự chênh lệch giữa số lượng sách nộp lưu chiểu và số ấn bản thực. Những sự không hài lòng ngày ấy đã gieo mầm những ý tưởng làm xuất bản cho tôi sau này.
Năm 2005, tôi lần đầu rơi vào cơn khủng hoảng lớn: tôi nhân ra những gì mình viết trong “Điệu nhạc trần gian” thật nhảm nhí. Những danh tiếng mà báo chí mang lại hóa ra chỉ là hư danh khi mà tự mình nhân ra rằng điều mình viết nên là vô giá trị. Và thế là tôi đã cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè để đóng cửa ở nhà để viết một tiểu thuyết ngắn: “Cầm thư quán”. Tôi viết nó mà không có gì chuẩn bị trước, không cốt truyện, không định hình nhân vật, cứ viết dựa trên những ám ảnh. Ám ảnh dẫn mình đến đâu thì mình sẽ đi đến đấy, ám ảnh dẫn đến sự chết của cái đẹp và nỗi đau tuyệt vọng, thì tôi cũng cứ thế bước theo. Cuốn sách viết ngắn ngủi trong vòng 1 tháng, nhưng nó đã ám ảnh tôi đến tân bây giờ. Tôi vẫn cứ ở mãi trong sự tuyệt vọng ấy chưa thể thoát khỏi.
Tiểu thuyết “Cầm Thư quán”
Sáng tác năm 2005, xuất bản 2008 (NXB Phụ Nữ) và bị tịch thu.
Tái bản 2018 bởi Book Hunter.
Đến năm 2009, tôi đã cố thoát khỏi “Cầm thư quán” bằng cách viết “Thiên Mã”, một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Nhưng càng viết, tôi càng nhân ra rằng sự hào hứng với “Thiên Mã” chỉ là chút gượng vui, nên tôi đã kết thúc nó sớm như Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn mà không cần kéo dài thêm thời hạn. Âu thế cũng hết một chặng đường ngắn ngủi của hư danh.
“Thiên Mã’ được nhiều báo viết và nhiều bạn yêu thích, còn “Cầm Thư quán” bị Cục xuất bản thu hồi giấy phép và chẳng mấy ai quan tâm. Thời ấy, tôi đã nghĩ, hóa ra cõi lòng mình đem rao bán lại chẳng ai quan tâm, nên tôi bỗng hiểu tại sao có nhiều nghệ sĩ chọn lặng lẽ như một triết lý sáng tạo.
Nghề viết kịch bản, tưởng vui mà rất chán...
Khi “Điệu nhạc trần gian” được phát hành rộng rãi, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã tìm đến tôi, tuyển dụng tôi vào đội viết kịch bản. Lúc ấy, ông đang lên ý tưởng bộ phim “Coi chừng lũ sói con” (sau này đổi tên là “Đi về phía mặt trời”). Ông hướng dẫn tôi viết kịch bản bằng cách: Hãy đọc kịch bản mẫu này đi. Thế là tôi tự học viết kịch bản.
Bản kịch bản mẫu không giúp ích tôi nhiều lắm, vì nó mang tính văn học nhiều quá, không thực sự hữu dụng trong mô tả hành động. Tôi lên mạng tìm kịch bản của các bộ phim nước ngoài, so sánh kịch bản với sự hiển thị hình ảnh, và bắt đầu nhận viết cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Học theo format trình bày của các bạn trong nhóm xuất thân từ trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi vận dụng những thứ tôi tự học về viết kịch bản và trí tưởng tượng của mình để làm lần lượt những tập đầu tiên. Tôi cố gắng tính toán để mình viết ít thời gian nhất và giữ được mạch truyện, bởi vì phim truyền hình dài tập đòi hỏi độ bền bỉ, tốc độ và tính hệ thống.
Đến năm 2006, tôi nảy ra ý định viết bộ phim đầu tiên của mình chứ không phải viết thuê cho một đạo diễn nổi tiếng nào đó. Tôi quyết định viết về giới văn chương báo chí mà tôi tiếp xúc. Và thế là “Vòng nguyệt quế” ra đời. Tôi thăm dò trong giới làm phim, biết được rằng nhà văn Thùy Linh, Phó giám đốc của Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) là một nhà văn công tâm, sẵn sàng giúp đỡ các cây viết trẻ, tôi bèn mang ý tưởng đến gặp cô. Cùng lúc ấy, tôi gửi ý tưởng đến đạo diễn Mai Hồng Phong, cũng là đạo diễn nổi tiếng là táo bạo và thẳng thắn (tôi nghe kể đủ giai thoại về sự “anh hùng” của anh qua những người bạn ở trường Sân Khấu Điện Ảnh). May mắn, cả đạo diễn Mai Hồng Phong và nhà văn Thùy Linh đều rất thích thú với kịch bản của tôi. Cô Thùy Linh gọi tôi đến gặp, rất cảm động, còn nói rằng cô thấy hình bóng của cô qua ý tưởng kịch bản của tôi.
Và thế là tôi bắt đầu viết. Lúc này, tôi đang mang thai, tài chính khó khăn, nhưng tôi cũng chẳng hề suy nghĩ gì đến tiền bạc. Tôi viết bởi vì tôi biết kịch bản sẽ thay lời tôi thể hiện được tất cả những bức xúc, những ước vọng trong nghề văn của tôi, thứ mà tôi chẳng thể chia sẻ với ai. Trong 1 tháng, tôi hoàn thành 30 tập kịch bản, nhanh gọn. Cô Thùy Linh và đạo diễn Mai Hồng Phong không yêu cầu tôi sửa chữa gì thêm. Kịch bản được đưa vào kế hoạch sản xuất ngay lúc ấy.
Ca khúc chủ đề trong phim "Vòng nguyệt quế"
Khi “Vòng nguyệt quế” được trình chiếu năm 2008 vào khung giờ Vàng trên VTV1, một cơn phẫn nộ trên báo chí đã đổ dồn về tôi và cô Thùy Linh. Họ buộc tội bộ phim là “bôi nhọ giới trí thức” và “xúi giục giới trẻ sống cuộc sống sa đọa”, là “phản giáo dục”…
Không chỉ một vài tờ báo mà rất nhiều tờ báo lớn như Quân Đội Nhân Dân, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh… Song song bên cạnh đó là sự phản đòn của các báo Vietnamnet, An ninh thế giới… Có nhiều nhà văn lớn, già, đạo mạo cau có tấn công cô Thùy Linh và tôi. Nhưng cũng có nhiều nhà văn khác ủng hộ tôi, yêu quý tôi. Có những bức thư nặc danh gửi đến Đài truyền hình yêu cầu VTV1 ngưng chiếu. Còn cô Thùy Linh thì đứng ra đảm bảo với các lãnh đạo của nhà đài về độ nghiêm túc của kịch bản.
Sau này tôi mới biết, tất cả là một cuộc đấu đá tranh cướp địa vị, và kịch bản của tôi vô tình là cái cớ để cho các thế lực muốn hạ bệ cô Thùy Linh tận dụng. Tát nước theo mưa, nhiều kẻ ghen ghét đố kị với tôi suốt từ thời cái tên “Hà Thủy Nguyên” xuất hiện trên báo chí cũng hùa theo để “ném đá giấu tay”, xúi giục ông nọ bà kia lên tiếng.
Quả là theo cách nhìn nhận “truyền thống” thì con người và công việc của nhà văn luôn mang tính nhân văn cao cả. Không ít người cho rằng họ là những người có tâm hồn cao thượng, lối sống mẫu mực... Vì vậy, khi xem cảnh nhà văn trẻ Đông Bích cùng nhóm bạn nói về các nhà văn già (đại ý: Các bố ấy nghe đến tình dục là run như cầy sấy thì còn viết lách gì được nữa) rồi cùng nhau phá lên cười ở quán cà phê, một số khán giả cảm thấy khó chịu. Thái độ của những nhà văn, nhà thơ trẻ với quan niệm, lối suy nghĩ phóng khoáng, thẳng thắn... như trong phim rất dễ “đụng chạm” đến những người viết tự nhận hay được người khác đánh giá là “nghiêm túc”.
... Ngay sau khi “Vòng nguyệt quế” công chiếu, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của khán giả. Chính những người không phải là nhà văn lại có cái nhìn rất khách quan về tư tưởng của bộ phim. Còn những nhà văn, chưa thấy họ “nói” gì cả. Im lặng, hoặc là đồng ý, hoặc là không quan tâm. Với những người cầm bút thì nhận được sự phản hồi của dư luận là điều rất đáng quí, dù nó là tốt hay dở.
Bộ phim được đề cử cho phim truyền hình hay nhất năm 2008, nhưng có lẽ vì sự tranh cãi lớn, và có thể do tôi không đủ “tiềm năng”, nên bộ phim đã không được các nhà chuyên môn bình chọn. Những phim truyền hình sau, nhiệt huyết của tôi đã giảm, nên hứng thú cũng có phần trồi sụt, thành ra buộc phải viết chung với team, ví dụ như phim “Blog nàng dâu” (2009, VTV3, Đạo diễn Mai Hồng Phong), “Nếp nhà” (2010,2011, VTV1, Đạo diễn Vũ Trường Khoa, Dự án phim Nghìn năm Thăng Long).
Có ba bộ phim gây cho tôi nhiều nuối tiếc nhất, đó là “Rubik tình yêu” (2009, HTV9, Đạo diễn Nguyễn Quang) và sitcom “5S Online” (2013, VTV6, Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng).
“Rubik tình yêu” là kịch bản mà tôi rất tâm huyết, tôi muốn dành một câu chuyện thật đẹp, buồn cho Hà Nội với góc quán cà phê nho nhỏ, cô chủ quán duyên dáng, tiếng chuông nhà thờ, và mơ mộng vào đời của tuổi trẻ. Nhưng rồi, kịch bản ấy rơi vào tay một nhà sản xuất không chuyên nghiệp để rồi lãng phí công sức của cả đoàn làm phim, và cho ra một sản phẩm không thích ứng được với thị trường dù đội ngũ diễn viên diễn xuất rất tốt.
Còn “5S Online”, dù tôi không tham gia vào giai đoạn lên ý tưởng kịch bản, nhưng tôi viết khá nhiều ở giai đoạn đầu và cũng tạo ra không ít mô tuýp gây hài cho bộ sitcom này. Điều đáng thất vọng là sau tất cả công sức gây cười đó, “5S Online” không hề mang đến một thông điệp tích cực. Thái độ làm việc lầy lội và bật sếp vốn dĩ đã có sẵn trong xã hội, nhờ bộ sitcom này mà ngày càng trở nên “bình thường”. Tôi đi làm ở đâu cũng gặp vài ba gương mặt nhân sự như phòng 5S ấy. Dẫu rằng “5S Online” phản ánh một phần thực trạng xã hội, nhưng rồi nó không khiến người xem thấy xấu hổ với thực trạng ấy mà chỉ khiến thực trạng ấy được công nhận hiển nhiên. Sau “5S Online”, tôi nghĩ tôi hẳn sẽ bỏ nghề làm phim. Vì sau không biết bao nhiêu chục tập cày kịch bản, tôi chẳng bao giờ còn thấy buồn cười với bất kì câu chuyện hài hay trò đùa nào nữa. Có lẽ, nó đã thành một tổn thương tâm lý của tôi. Bất chấp “5S Online” là một thành công lớn mà bất cứ biên kịch trẻ nào có thể cũng sẽ tự hào nếu đã từng tham gia, thì với tôi đó là một cơn dằn vặt.
Ấy thế mà đến năm 2014, đạo diễn Đỗ Đức Thành “dụ” tôi về DigiSun của anh ấy để thực hiện một bộ phim hoạt hình phiêu lưu có tên “Chíp Bông, Bi Nhông”, tôi liền nhân lời. Do nhận tiền của nhà tài trợ, nên trong phim phải có một nhân vật thần kỳ có hình hạt đậu nành. Tôi lúc ấy vẫn hứng thú với phim hoạt hình lắm, nên liều mình xông vào nhận ngay. Anh Thành và tôi đều rất say mê cùng nhau trao đổi ý tưởng, rồi cùng tâm đắc rằng phim hoạt hình có thể là cơ hội để người sáng tạo thỏa sức. Hóa ra không phải như vậy. Thứ nhất, chúng tôi phải đấu tranh với bên kiểm duyệt và nhà đầu tư để được phép có những nhân vật phản diện, vì họ không thích nhân vật phản diện. Thứ hai, tiêu chuẩn sản xuất của họa sĩ đó là kịch bản ít hành động bởi vì họa sĩ không có thời gian vẽ động tác của nhân vật. Thứ ba, vì tiến độ gấp rút và phim phải được chiếu mỗi ngày một tập nên chúng tôi phải cày số lượng kinh khủng, làm gì có thời gian cho sáng tạo. Mặc dù team có 5 người viết kịch bản nhưng các bạn còn lại khá non, chỉ viết được các giao đãi thông thường mang tính câu giờ, thiếu sáng tạo và cấu trúc, nên công việc biên tập của tôi cũng vất vả. May quá, phim mới chiếu chưa được 100 tập thì nhà đầu tư rút tiền để đầu tư vào sản phẩm khác có lãi hơn! Chứ nếu phim cứ thế diễn ra, và làm tiếp Season 2 tức là năm sau nữa, thì có lẽ tôi sẽ bị trầm cảm. Lại cũng như “5S Online”, sau bộ phim, tôi không muốn xem phim hoạt hình nữa. Thế nên, tôi thực sự được giải thoát khi dự án đứt gánh giữa đàng, chỉ khổ thân cho anh Đỗ Đức Thành thôi.
Cũng có đôi lần cơ hội viết kịch bản cho phim điện ảnh đến với tôi, nhưng đều không thành. Có lẽ chưa đủ duyên. Lần đầu là lời “rủ rê” của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Chú Sơn muốn tôi cùng chú viết kịch bản “Hồn trinh nữ”. Đây là ý tưởng phim kết hợp giữa tâm linh và hành động, kết hợp giữa giải trí và các thông điệp chính trị khẳng định quyền sở hữu Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Tôi còn nhớ đó là những ngày mùa thu năm 2011, tôi thường đến nhà chú – một căn nhà cổ ở phố Hàng Bông. Hai chú cháu ngồi lên ý tưởng, thảo luận, viết, thả cửa sáng tạo đầy nhiệt huyết. Chú Sơn tìm kiếm nhà đầu tư, còn tôi chỉ việt sáng tạo. Trải nghiệm học viết kịch bản với chú Sơn là một trải nghiệm tuyệt vời bởi chú dậy cho tôi về tư duy hình ảnh và nhịp độ, cả những tính toán trong sản xuất. Đến giờ, tôi vẫn thật sự ngưỡng mộ những ý tưởng sáng tạo của chú Sơn. Tôi ăn cơm trưa cùng vợ chồng chú, nói nhiều chuyện về quan điểm nghệ thuật và cuộc đời. Tôi thấy cuộc sống của vợ chồng chú rất đáng ngưỡng mộ, nhàn hạ mà vẫn đam mê. Lúc ấy, tôi đã suy nghĩ lại về cuộc đời mình, rằng những năm tháng qua mình đã làm được gì với đời mình? Không may, dự án phim tuy đã tìm được nhà tài trợ mà rồi nhà tài trợ đổi ý. Về sau có vài phương án nhà tài trợ khác cũng đều không xuôi. Kịch bản đến giờ vẫn chỉ nằm trong email của hai chú cháu.
Lại một lần khác nữa là vào đầu năm 2019, khi đạo diễn Nguyễn Lê – một đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản về Sản xuất phim của trường đại học Columbia, Hoa Kỳ đã mời tôi viết kịch bản điện ảnh được chuyển từ bộ phim tài liệu của anh ấy được giải thưởng của Đức, có tên “Tôi chở vợ tôi đi bán dâm”. Bộ phim kể về thân phận của người chồng lái xe ôm hàng ngày đưa cô vợ hành nghề mại dâm và đợi để chở vợ mình về. Đó là một hoàn cảnh rất hay, rất nhiều mâu thuẫn nội tâm có thể khai thác. Hai anh em ngồi tâm đắc bàn ý tưởng với nhau, dù lúc ấy trong tay chẳng có xu nào cả. Nhưng rồi, cũng dở dang, không biết bao giờ có thể thực hiện được.
Có lẽ, với điện ảnh tôi chưa đủ duyên mà với phim truyện và truyền hình tôi cũng đã hết duyên. Giờ đây cứ mỗi lần nhớ lại những ngày tháng lăn lộn với kịch bản, tôi vẫn có một cảm giác xa xôi, như thể đó là một kiếp khác của tôi và khi ấy tôi là ai đó hoàn toàn khác. Nếu có điểm tính cách nào xuyên suốt giữa con người tôi những lúc ấy và tôi bây giờ có lẽ chỉ là sự thiếu kiên nhẫn với những tình trạng công việc trì trệ. Tôi sẽ chọn rút lui ngay lập tức khỏi sự trì trệ ấy bất chấp việc tôi đã bỏ rất nhiều cơ hội để thăng tiến.
Tôi nghĩ rằng nghề viết kịch bản ở Việt Nam hiện nay cần những con người rất kiên định, giàu nghị lực, chăm chỉ và rất giỏi cắt bỏ những thứ được gọi là sáng tạo hay cá tính hay tri thức đi. Tức là, hoặc bạn phải là một người chứng ngộ hoặc là một người cực kỳ nhạt nhẽo hay nhảm nhí mới có thể sinh tồn được. Mà người chứng ngộ chắc chẳng ai rảnh đi viết kịch bản, vậy nên chỉ có thể là phương án còn lại. Tôi nói điều này có lẽ nhiều biên kịch và nhà làm phim sẽ ghét tôi, nhưng làm sao một người sáng tạo, cá tính hay tri thức có thể thỏa mãn đủ loại điều kiện:
Nào thì nội dung đơn giản thôi vì quần chúng xem không hiểu đâu.
Nào thì bối cảnh bình thường thôi để nhà làm phim còn tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nào thì đừng động chạm đến những vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hóa, lịch sử nhạy cảm, nếu không thì…”chết cả lũ”.
Nào thì chèn vào chi tiết này quảng cáo, nào thì chèn vào chi tiết kia quảng cáo…
Ôi thôi đủ thứ!
Tôi kém bản lĩnh, tôi chịu! Nhường lại sân chơi này cho những ai tâm huyết với thế giới quan đơn điệu của thứ được gọi là nền phim ảnh Việt Nam.
Từ tu tập đến Book Hunter
Những ngày tháng làm phim đã bào mòn tôi, khi dần dần rút chân khỏi giới làm phim, tôi mới hụt hẫng nhận ra rằng trong mình là một khoảng trống rỗng.
Năm 2010, khi người người say sưa với đợt truyền thông Nghìn năm Thăng Long cùng các bộ phim và các cuốn tiểu thuyết thì tôi đóng cửa phòng một mình và chìm sâu trong chuỗi tâm trạng tồi tệ. Bộ phim “Nếp nhà” được chiếu, nhiều người khen, nhưng tôi tuyệt không xem một tập nào. Tôi bắt đầu đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi, nhưng chung quy lại thì chỉ tóm vào một ý: “Tôi đang làm gì với cuộc đời mình thế này?” Kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm gì khác nữa nhỉ, kiếm danh, kiếm một đời sống hoang phí, kiếm thứ hạnh phúc giả dối và khoe mẽ. Đây vốn dĩ không phải là những gì tôi mong muốn
Tôi nhìn những bạn đồng lứa của tôi khoe ảnh gia đình hạnh phúc của họ trên facebook cùng lúc với việc tôi phải bí mật nghe họ than thở, chê bai chồng hay vợ họ, thậm chí nghe tâm sự về những cuộc ngoại tình của họ. Họ khoe khoang rất nhiều về đời sống dư dả và sự thành công trong sự nghiệp cùng lúc với những tặc lưỡi tiếc nuối về tuổi trẻ không được chọn nghề theo sở thích của mình. Tôi chẳng giúp được gì cho họ, nhưng nghe những tâm sự của họ, tôi lại giúp được cho mình. Tôi chợt nhân ra rằng từ nhỏ tới lúc bấy giờ tôi chưa từng được sống đúng là mình.
Những ngày đóng cửa một mình và suy ngẫm, nhớ về bản thân, nhớ về những câu chuyện của bạn bè, đó là những lúc tôi gần tôi nhất. Tất cả cứ trôi qua như chuỗi phim dài dằng dặc và các vai diễn của tôi trông thật lố bịch. Tôi chợt nhớ mấy câu của William Shakespeare:
Đời này có gì ngoài một bóng ma lang thang, một diễn viên nghèo nàn,
Khuệnh khoạng và u sầu trên sân khấu
Để rồi đi đến vô thanh. Đó là câu chuyện
Được kể bởi gã ngốc, ồn ào và điên loạn,
Phô bày điều vô nghĩa.
Hà Thủy Nguyên dịch
Tôi muốn chọn điều gì đó khác cho cuộc đời mình. Tôi nhớ lại những trải nghiệm tinh thần đẹp đẽ nhất mình từng có trong quá khứ.
Đó là hồi xưa xưa, khi tôi cùng bố mẹ đến chùa Quán Sứ. Nhang khói đốt nước mắt chảy cay xè, nhưng tôi vẫn thích đến đó. Thời thơ bé ngây ngô ấy, đứng trước những bức tượng Phật, tôi chỉ nhớ mang máng rằng mình ước sao có thể dùng văn chương của mình để giúp thế giới tốt hơn, rồi còn ước mình sẽ có năng lực siêu việt để giúp mọi người Việt Nam được sống hạnh phúc hơn. Nghĩ lại nực cười, nhưng cái cảm giác khi đứng trước tượng Phật và ước nguyện những điều như thế thật tuyệt vời và tràn đầy, khác hẳn với cuộc vật lộn với tiền tài và danh tiếng. Tôi nhớ đến bố dẫn tôi đi một vòng quanh một căn phòng giống giáo đường trong chùa Quán Sứ, thuyết minh cho tôi về cuộc đời Đức Phật từ những bức tranh tường màu sắc tươi sáng. Bây giờ chùa Quán Sứ không còn những bức tranh ấy nữa, tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc. Cảm xúc xúc động luôn dâng trào trong tôi mỗi khi nghĩ về ký ức ấy, một phần vì bố tôi đã qua đời, một phần vì câu chuyện từ bỏ của Đức Phật lúc nào cũng khiến tôi lâng lâng khó tả.
Tôi lại nhớ những buổi trưa chiều tôi đạp xe từ Khương Đình lên làng Nghi Tàm, vào chùa Kim Liên, chỉ đề ngồi đọc sách. Trước mỗi lúc đọc sách, tôi dạo một vòng quanh chùa để nhìn những cột gỗ cổ xưa được điêu khắc tỉ mỉ, đang phải chống đỡ bằng trụ. Tôi ngẩn ngơ một lúc ngắm vườn lan thanh nhã trước nhà thờ Tổ trong chùa, hồn nhập vào cánh bướm vàng mà quên mất thời gian đang trôi qua. Rồi tôi vào nhà thờ Tổ, tức thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Tôi thích pho tượng Trần Nhân Tông trong chùa, đó là một bức tượng thanh tao thoát tục hiếm có. Mỗi khi cúi mình trước pho tượng, tôi lại nhẩm đọc mấy câu “Cư trần lạc đạo”. Rồi tôi mới đi ra sân trước của chùa, ngồi nhìn về phía những tòa tháp cất giữ xá lị của các bậc cao tăng và đọc sách. Tôi tựa lưng vào gốc cây đọc sách, mỏi mắt thì nhìn lơ đãng về phía hồ Tây với ao sen chen lẫn tháp, hoặc về phía vườn rau cải xanh mướt dưới gốc cau. Sau năm 2010, chùa Kim Liên “bị trùng tu”, những gì tôi yêu thích của chùa không còn nữa. Bức tượng Trần Nhân Tông khác xưa, nhiều cột bị dỡ đi, vườn lan tàn héo, khu tháp bây giờ rất gần WC, vườn rau bị thay bằng vườn hoa… Nhưng thôi, đó không phải là điểm chính tôi muốn kể với các bạn… Tôi muốn nói rằng tôi tìm thấy mình trong các ký ức ấy.
Thế là tôi quyết định buông dần cuộc sống viết kịch bản phim kiếm sống. Tôi tiêu đến đồng tiền cuối cùng và quyết không chạy theo đơn đặt hàng để kiếm thêm. Chọn cho mình một mức sống tối thiểu với cơm ăn hai bữa, không thời trang, không hưởng thụ, thậm chí là không mua sách, mà chỉ đăng ký thẻ thư viện để tiết kiệm tối đa. Ở trong đời sống như vậy trong suốt thời gian từ 2010 đến 2014, tôi nhân ra rằng ngày càng có ít những thứ cần thiết phải có trong đời.
Ban đầu, hồi 2011, tôi xin vào làm công việc truyền thông ở một trung tâm Thiền và Yoga để được tập “miễn phí’ và có không gian để tiếp xúc với những cộng đồng tu tập. Tôi thấy thế giới của những cộng đồng tu tập, dù họ theo bất cứ tôn giáo nào, cũng thật đa sắc màu, chẳng khác nào một cái vũ trường ồn ào lập lòe, gây ấn tượng vô cùng nhưng toàn hư ảo. Trong suốt những năm từ 2011 và 2012, tôi gặp khá nhiều nhóm tu tập với đủ loại giáo phái, họ đều mắc kẹt trong một thứ chấp: chấp rằng mình là người tu, và rơi vào ảo giác của thứ cảnh giới tách biệt với phàm trần. Đây là một thứ khủng hoảng mà họ chưa kịp nhận ra thì đã bị dẫn dắt vào các tầng ảo giác khác sâu hơn. Những ảo giác ấy được nuôi dưỡng bởi cộng đồng của họ, khi họ nói theo cùng kiểu diễn ngôn, kể chung những trải nghiệm, và đua nhau khẳng định mình là người tốt hơn hết thảy. Tôi không muốn mình trở thành một phần của thế giới tu tập đó. Cùng vài người bạn tôi tình cờ quen biết nhưng sớm có chung nhân định, họ và tôi đã lập nên Book Hunter.
Book Hunter đánh dấu bước ngoặt mới của tôi. Câu chuyện về Book Hunter, các bạn có thể đọc thêm ở bài giới thiệu đăng trên web thebookhunter.org, còn ở đây, tôi chỉ muốn chia sẻ về những gì chuyển biến ở bản thân từ khi mình trở thành phần quan trọng của Book Hunter và để Book Hunter trở thành phần quan trọng của mình.
Với Book Hunter, tôi thấy mình không cô đơn một cách tuyệt vọng như trước. Ở nhóm, mọi người không giả dối với nhau, cùng chia sẻ và tranh cãi, tranh cãi tới mức nhiều người đã ra đi vì cảm thấy cái tôi bị tổn thương. Nhìn những người bạn đến, rồi đi, rồi trở lại, rồi lại ra đi, đó là một trải nghiệm khó tả không thể nói trong đôi ba câu mà có lẽ cần phải viết cả một cuốn tiểu thuyết dài. Chỉ biết rằng trong vòng tương tác dữ dội của những cá tính va đập nhau ấy, tôi đã sáng tác nhiều hơn, sâu hơn, đa dạng hơn hết thảy những gì đã viết trước kia. Những truyện ngắn quái đản, những bài thơ điên rồ, những tản văn mộng ảo, những tiểu luận tâm linh, những bản dịch ngẫu hứng… Tôi được thỏa sức hơn bao giờ hết… LÀ MÌNH.
Nhưng LÀ MÌNH không phải tất cả, đến một ngưỡng rồi thì cái MÌNH ấy cũng phải có sự tiến lên. MÌNH đôi khi cũng là một sự định danh, sự trói buộc. Tôi bỏ bê dần công việc của Book Hunter quay về viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên “Thiên địa phong trần”, kể về Nguyễn Gia Thiều. Động lực khiến tôi viết về ông không phải qua “Cung oán ngâm khúc” mà qua một bài thơ nhỏ kì dị của ông:
Lởm chởm vài hàng tỏi
Lơ thơ mấy khóm khương
Vẻ chi tèo tẻo cảnh
Thế mà cũng tang thương
Tôi bắt đầu viết “Thiên địa phong trần” sau 10 năm tạm rời xa tiểu thuyết lịch sử để thử nghiệm với nhiều thể loại khác, và cũng để trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức khác về triết học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, chính trị…, cùng một điều quan trọng khác: vốn sống. Những gì tôi trải qua đã dạy cho tôi thấy một điều rằng, một sự việc cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ.
Hà Thủy Nguyên trả lời phỏng vấn Báo Pháp Luật
Tâm trạng tang thương ấy hóa ra đã theo tôi từ xa lơ xa lắc, có lẽ từ trước khi đặt bút viết truyện, hoặc có khi là từ miên viễn kiếp xa xăm. Tôi dồn sức cho cuốn sách vào năm 2018, sau một lần chồng tôi và tôi đi tàu từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Chúng tôi đã cùng nhau bàn về thời Lê Mạt, rồi anh ấy khuyến khích tôi phải tập tức gác lại những việc khác để viết. Từ khi bắt đầu viết, tôi cảm thấy có gì đó thay đổi rất lớn đang đến với mình và cả với Book Hunter. Cuộc viết ấy đã đưa cả tôi, chồng tôi và cả Book Hunter vào một cuộc chuyển biến dữ dội, dù bên ngoài mọi sự vẫn cứ bình yên như thế…
Và sẽ còn những câu chuyện của tôi, mà hôm nào đó rảnh rỗi, tôi sẽ kể bạn nghe…
Hà Thủy Nguyên