Sống không phản kháng – Krishnamurti

Tôi thực sự không biết tại sao tôi ngồi trên bục này. Tôi cảm thấy tôi nên ngồi trên mặt đất cùng với tất cả những người còn lại, nhưng tôi đã ở đây rồi. Đó không phải là vị trí thẩm quyền. Tôi nghĩ rằng điều này cần phải được làm rõ ngay từ đầu. Tôi không ngồi đây với tư cách là Hội đồng Delphi, đặt ra giới luật hoặc cố gắng thuyết phục bạn nên có bất kỳ thái độ, hành động hoặc suy nghĩ nào. Nhưng vì tất cả chúng ta đều ở đây, và chúng ta đều khá nghiêm túc về vấn đề này, vì bạn đã gặp phải tất cả những rắc rối để dẫn đến bước này , và tất cả những gì sau đó, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có thể, hãy tìm hiểu tại sao con người lại sống chính xác trong một thế giới bị cô lập, chia rẽ bởi niềm tin, thú vui, lo toan, lý tưởng, thuộc về các giáo phái và cộng đồng khác nhau – cộng sản, xã hội chủ nghĩa, Đảng Lao động, Kitô hữu chia thành vô số giáo phái, như người Ấn giáo, Phật tử cũng vậy – tại sao chúng ta sống trong sự chia rẽ, nhị nguyên, đi ngược lại mọi dạng tồn tại, chống đối lẫn nhau, để rồi xung đột và chiến tranh. Đây là hình mẫu của loài người trên khắp thế giới – nghệ sĩ, quân nhân, nhạc sĩ, khoa học gia, những con người được gọi là tôn giáo, doanh nhân…, những quốc tịch, định kiến chủng tộc, chúng ta sống theo cách này dường như từ thuở sơ khai. Và người ta liệu có tự hỏi rằng có phải luôn như thế này, bởi vì điều này không thể mang đến hòa bình, đây là cách con người tạo ra chiến tranh dù cho họ nói về tình yêu hay hòa bình trên trái đất hay gì đó khác.

Vì vậy, liệu có cơ hội cho những con người hoàn toàn nghiêm túc tìm kiếm lối sống bất nhị, không hệ tư tưởng hay lý thuyết, nhưng thực sự là một trạng thái bên ngoài ngôn ngữ dù trong hình thức hay bản chất, liệu bạn và tôi có thể sống một cuộc sống trong đó sự biện biệt tuyệt đối chấm dứt, không chỉ ở cấp độ lời nói mà còn ở các tầng sâu, trầm lắng trong tâm tưởng của chính mình. Vì lẽ tôi thấy nếu giữa chúng ta không thể tồn tại điều này thì chúng ta ắt phải gây chiến với nhau. Bạn cùng ý kiến, niềm tin và tín điều và nhận định của mình, còn tôi thì cũng có của tôi. Và thế là không có sự giao tiếp thực sự, không bao giờ có sự liên hệ với nhau. Đây chính xác là điều đang diễn ra trên khắp thế giới. Đạo sư cùng các đệ tử chân truyền của mình, các tông phái, cộng đồng, giáo phái với các giáo điều của mình, và tất thảy. Rồi chúng ta ở đây, đối mặt với những điều này, không phải chỉ ở mặt ý thức hệ, mà thực sự bởi vì đó là… một trong những vấn đề chính trị quan trọng, là sự thống nhất giữa người và người, của nhân loại – cho dù điều ấy có xảy đến hay không. Và liệu con người, các cá nhân, bạn và tôi, có thể sống một cuộc sống không đối lập hay không, khi các ý kiến khác nhau không chia rẽ con người, dù là niềm tin, nhận định hay sự phản kháng. Tôi không biết đã bao giờ bạn đặt câu hỏi đó cho mình chưa, và nếu có, nếu có, tôi tự hỏi người ta sẽ nói gì, trong thẳm sâu, không phải nằm ở ý nghĩa của lời nói hay trí tuệ, mà bằng trái tim với toàn bộ bản thân mình để trả lời câu hỏi như vậy.

Liệu sáng nay chúng ta có thể đi sâu hơn vào vấn đề này? Liệu chúng ta có thể tự do thăm hỏi nhau? Bởi vì giao tiếp và mối quan hệ luôn đi cùng nhau. Nếu không có giao tiếp thì không có mối quan hệ, không chỉ giữa bạn và người đang nói mà còn với mỗi người. Nếu chúng ta chỉ duy trì ở mức độ lời nói, ở cấp độ xã giao, sự giao tiếp sẽ rất hời hợt, không thể đi xa hơn được. Nhưng để liên đới ở cấp độ phi ngôn ngữ đòi hỏi phải chấm dứt sự tồn tại nhị nguyên – giữa “tôi” và “bạn”, “chúng ta” và “họ”, người Công giáo và người Tin Lành, vân vân và vân vân.

Sau khi đặt câu hỏi, chúng ta có thể đi sâu vào và chứng kiến những gì phi ngôn ngữ và truyền đạt ra ngoài về việc có hay không một cuộc sống không chia rẽ và phân tách. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải nhận thức về bản thân bởi vì chúng ta là những gì thế giới biểu hiện. Thế giới không tách rời khỏi chúng ta, cộng đồng hay tập thể không tách rời khỏi mỗi chúng ta – chúng ta là tập thể, chúng ta là cộng đồng, chúng ta là thế giới. Một lần nữa, hãy ở cấp độ vô ngôn. Chúng ta có thể tuyên bố “Chúng ta là thế giới”, nhưng để cảm được điều này, chúng ta phải thực sự cảm thấy rằng chúng ta hoàn toàn là một phần của toàn bộ. Để giải quyết câu hỏi này, chắc chắn người ta phải nhận thức được toàn bộ cấu trúc và bản chất của chính mình, không chỉ nội tại mà cả bên ngoài – ẩn bên trong mọi hình thức, mọi ngôn từ, và biết rằng ngôn từ có thể gây chia rẽ. (Âm thanh từ đâu vọng đến làm gián đoạn bài nói chuyện) Đây là lần đầu tiên chúng ta có máy bay chốn này. (Tạm ngừng)

Như chúng ta đã nói, thế giới phân chia: người Anh, người Pháp. Tư tưởng phân chia. Nhận định trong mọi hình thức đều mang đến chia rẽ, cô lập. Hiển nhiên là cả các đức tin và sự phân chia tôn giáo như Công giáo hay Tin Lành, hay những thứ khác. Bên ngoài là hình thức, ngôn từ, việc tôi ngồi cao thế này tạo ra phân chia. Và bên trong, dưới lớp da này, cũng có những dạng phân chia và chia tách khác nhau, mà bản chất là “tôi”, cái tôi, bản ngã, bị suy nghĩ đặt cạnh nhau. Qúa trình này, khi người ta phải nhận thức cả bên trong cũng như bên ngoài, liệu có thể được hiểu và giải trừ? Tôi nghĩ rằng đó là một trong những vấn đề chính yêu trên thế giới, không phải chỉ là vấn đề kinh tế, nếu bạn ở trên đất nước này, với an sinh xã hội, nhà nước phúc lợi và đủ thứ, con người vẫn bị phân chia theo các cách khác nhau qua các vấn đề cá nhân, sự cô lập, thú vui, sự độc quyền… Và để trở nên nhận biết về bản thân, cả ở bên ngoài hay bên trong, quá trình cô lập này, sự kháng cự này có thể thực sự được hóa giải. Bởi vì điều này rất phức tạp, bởi vì suy nghĩ là chia rẽ. Bản chất của suy nghĩ là biện biệt, là mang đến sự phân mảnh khi quan sát – khoảng cách được tạo ra bởi người quan sát và đối tượng. Có sự phân chia.. Và sự phân chia do suy nghĩ mang tới. Chúng ta không bàn điều này một cách giáo điều nhưng ai đó có thể quan sát nó, trải nghiệm nó, kiểm tra nó.

Và như chúng ta đã nói, không thể có sự giao tiếp chừng nào còn tồn tại phân chia. Và những gì chúng ta coi là tình yêu, nếu đó là sản phẩm của suy nghĩ hoặc bị bủa vây bởi suy nghĩ, thì tình yêu đó bị chia rẽ. Và khi ai đó nhận thức được tất cả những điều này, họ phải làm gì, làm thế nào để hành động? Phải có sự rèn luyện về tư duy, một cách logic, tổng thể, lành mạnh, toàn bộ, và chính suy nghĩ đó phải… hiển nhiên là không tạo ra phân chia.

Thế nên đó là một vấn đề. Và nếu có sự nhạy cảm, chính là một phần của tình yêu, thế rồi suy nghĩ không có nơi để tồn tại, biết rằng suy nghĩ mang tới vụn vỡ, chia tách , phân chia. Vậy nên một ai đó có thể sống trong một thế giới bị chia rẽ hoàn toàn và có được vinh quang trong sự chia rẽ ấy? Bằng cách nào một người có thể sống hoàn toàn trong sự hài hòa cả bên trong và bên ngoài? Khoảnh khắc chúng ta có một công thức, một hệ thống, thì chính thứ công thức và hệ thống ấy mang lại chia rẽ – kể cả của bạn hay của tôi. Thế thì câu hỏi là “bằng cách nào” không giải quyết được vấn đề của chúng ta. Nếu tôi nói với bản thân rằng, bằng cách nào tôi sống với sự nhạy cảm vĩ đại, mà bản chất trong đó có vẻ là tình yêu, và làm cách nào tôi hành động, làm điều gì đó mà không mang lại sự chia rẽ? – khi tôi hỏi bản thân tôi rằng tôi làm thế nào để thực hiện điều đó, thì “làm thế nào” ẩn chứa một phương pháp, đúng không, một hệ thống – bằng cách này bạn sẽ thực hiện được điều đó, bạn sẽ nhận thấy sự hòa hợp này, trạng thái bất nhị này. Nhưng đó là ngôn từ, “bằng cách nào” gây ra phân tách. Đó là, có một ý tưởng, một hệ tư tưởng, một công thức mà suy nghĩ đã trở nên hài hòa: sống không phân tách – đó là thành tựu cuối cùng, và có sự phân chia giữa điều ấy và trạng thái thực tế của tôi. Và “bằng cách nào” là trung gian. Do đó “bằng cách nào” ngay lập tức sinh ra phân tách, chia rẽ giữa “nên là gì” và “ là gì”. Do đó, nếu ai đó có thể loại bỏ hoàn toàn “bằng cách nào”, tức là phương pháp, hệ thống, thực hành, thì sẽ không có hệ tư tưởng nào nữa cả, tức là “nên là gì”. Vậy thì sẽ chỉ còn “là gì” và không gì khác. “Là gì” là cách chúng ta sống, cảm nhận, suy nghĩ, hành động, yêu đương, là cách thức phân tách và chia rẽ. Đó là thực tế. Bây giờ bằng cách nào mà thực tế bị chuyển đổi thành điều gì đó bất nhị?

Tôi xin lỗi có quá nhiều ruồi. Tôi mừng rằng các bạn cũng thấy phiền toái về điều này.

Liệu tôi có thể quan sát cuộc đời nhị nguyên, chia rẽ và biệt lập của tôi? Dù tôi có thể nói nhiều đến thế nào với vợ tôi rồi “Tôi yêu em”,… thế thì tôi vẫn đang trong sự phân tách, bởi vì tôi ham muốn, tham lam, ghen tuông, đầy mâu thuẫn, thù ghét và những gì sôi sục trong tôi. Và đó là thực tế. Liệu tôi có thể chứng kiến… liệu tâm trí có thể chứng kiến thực tế bất nhị này? – tôi như người quan sát cứ thế chứng kiến dù cho có gì đó đã chia tách khỏi tôi. Liệu tôi có thể chứng kiến mà không phân tách? Liệu tôi có thể chứng kiến… liệu tâm thức có thể chứng kiến, không phải như người quan sát, không phải như một thực thể mong muốn thay đổi và biến chuyển những gì nó quan sát, mà chứng kiến không cần người quan sát. Liệu tôi có thể… mở rộng cái nhìn của mình – tâm trí, thứ muốn được gọi là tâm trí của tôi ấy – liệu có thể chứng kiến mà không kết luận ngoại trừ việc quan sát. Chỉ quan sát thực tế, không phải những gì suy nghĩ nói về thực tế – những tư tưởng, nhận định, định kiến, phán xét, như thích và không thích, cảm giác thất vọng, tuyệt vọng khi bạn chứng kiến thực tế – chỉ quan sát mà không suy nghĩ phản ứng lại những gì đã thấy. Tôi nghĩ rằng đó là nhận thức thực sự: quan sát với sự nhạy cảm trong toàn bộ não trạng, vốn bị ảnh hưởng và quá tải bởi những nhận định, ý tưởng, vui thú, hi vọng và vô vàn thứ khác của chính nó, để quan sát với bộ não hoàn toàn yên tĩnh và vẫn sống động với những gì đang quan sát. Tôi nói mọi người có thấy hiểu rõ hơn không hay mọi thứ quá phức tạp?

Hãy xem này, các ngài: chúng ta quan sát những gì diễn ra trên thế giới, bên ngoài – chia rẽ, phân tách, phân chia tôn giáo, chính trị, cuộc chiến này tiếp diễn suốt dòng thời gian, không chỉ giữa hai cá nhân, mà còn khắp thế giới. Và một người muốn sống hoàn toàn bình an vì họ nhận ra rằng mâu thuẫn dù ở bất cứ hình thức nào đều không mang tính sáng tạo và không phải là nền tảng mà điều thiện nở hoa. Và thế giới này là một phần của tôi. Tôi là thế giới, không phải chỉ là bằng lời nói mà trên thực tế là nội tại. Tôi đã tạo ra thế giới này, thế giới này tạo nên tôi. Tôi là một phần của xã hội này và xã hội này do tôi định đoạt. Và liệu có thể sống một cuộc sống với hành động, suy nghĩ, cảm nhận không chỉ bên ngoài mà còn sâu thẳm bên trong mà không có sự biệt lập nào? Bởi vì duy chỉ có thế mới sống bình yên. Không phải thực vật, mà còn cao hơn thế, sống động, tỉnh táo, nhạy cảm.

Theo cách hành động nào thì sẽ không có chia rẽ? Đối xử, trò chuyện, sử dụng ngôn từ không tạo ra sự chia rẽ giữa bạn và tôi, và trong bản thân mình. Chắc chắn rằng chỉ khi nhận thức toàn triệt, hoàn toàn nhạy cảm, không chỉ những gì diễn ra nội tại mà cả bên ngoài, cách phát ngôn, ngôn từ, cử chỉ, hành động. Nhận thức đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Và liệu có ai có năng lượng đó?

Điều này có nghĩa là, bằng cách nào điều này có thể – lại “bằng cách nào”, tôi xin lỗi, tôi rút lại từ đó. Ai đó nhận ra rằng một lượng lớn năng lượng là cần thiết để cảnh tỉnh, nhận thức, nhạy cảm để hiểu sự phân chia này, đời sống nhị nguyên đầy phản kháng này. Để cảnh tỉnh cần quan sát rất nhiều, và điều đó có nghĩa là năng lượng, cả nặng lượng thể chất và suy nghĩ, nặng lượng của sự nhạy cảm lớn. Bằng cách nào mà toàn bộ năng lượng này có được, biết rằng chúng ta hoang phí năng lượng trong những cuộc chuyện trò vô dụng, hưởng thụ nhiều loại ảo ảnh, tình dục và nhiều thứ khác, năng lượng này bị tiêu xài vào ham muốn, đấu tranh, nhiều dạng nhị nguyên khác. Và xã hội xây đắp con đường của đấu tranh và ham muốn.

Liệu tâm trí, trí não của chúng ta cũng thế, liệu có phải toàn bộ cấu trúc này, thứ được gọi là “tôi” nhận thức được những điều này, từng chút từng chút một, bị vỡ thành từng mảnh? Bạn biết đấy, đó là thiền định đích thực – tôi hơi ngại giới thiệu từ này. Do đó tâm trí nhận thức bản thân và không tạo nên người quan sát, thứ ở bên ngoài chứng kiến bên trong. Điều này chỉ có thể khi không có hệ tư tưởng, không mong muốn kết quả. Đó là không có cảm nhận gì về thời gian. Chỉ có thời gian cũng giống như tiến hóa khi cảm nhận được sự khác biệt giữa “là gì” và “nên là gì”. Và toàn bộ sự nỗ lực, sự căng thẳng và đấu tranh dùng để đạt được “nên là gì”, thật là sự lãng phí năng lượng. Để nhận thức được điều này, để nhận thức được sự thật này, một sự thật mà chính suy nghĩ, khi không biết nó nên làm gì với “là gì”, một thứ xấu, đẹp hay thế nào đi chăng nữa, một thứ “là gì” bên trong chính mình, suy nghĩ không thể vượt qua nó, thế nên nó đã vẽ ra ý tưởng “nên là gì” với hi vọng bằng cách đó có thể vượt qua “là gì”. Và để vượt qua “là gì” bạn phải có thời gian, dần dần, chậm rãi, ngày qua ngày.

Cho nên đây là con đường suy nghĩ mang đến sự phân chia, chia tách. Ngay lúc này, hãy quan sát điều đó, nhận thức về nó, không phải những gì bạn nên làm, không phải bằng cách nào để vượt qua, mà chỉ bởi nhận thức hoàn toàn với độ nhạy cảm cao. Tôi nghĩ rằng đó là tất cả những gì… tâm trí có thể làm, để thực sự nhận thức về quá trình nhị nguyên diễn ra trong dòng thời gian, và nhận thức về tình trạng nhị nguyên và phân chia đã đi vào tồn tại, rồi quan sát, rồi cảnh tỉnh, nhạy cảm chỉ với “là gì” và không gì khác. Nếu có ghét bỏ, giận dữ, tham lam, cứ nhận thức, đừng cố chuyển hóa. Bởi vì khi bạn cố thay đổi ghét bỏ, lo lắng, sợ hãi thế thì trong đó đã có “tôi” người đang thay đổi nó. Nhưng nếu ai đó có thể quan sát ghét bỏ hay lo lắng, sợ hãi, mà không có người quan sát, chỉ quan sát thôi, thì toàn bộ cảm giác chia rẽ về thời gian, nỗ lực, thành quả, đều dẫn đến một kết cục, và vì vậy họ có thể sống trong thế giới nội tại và bên ngoài trong trạng thái bất nhị… trong một trạng thái bất nhị không phản kháng. Vậy là tôi đã nói xong rồi. Giờ chúng ta hãy tiếp tục.

Liệu chúng ta có thể trao đổi thêm về điều này, dù sẽ có buổi trao đổi vào thứ 3 và thứ 5 – liệu chúng ta có thể đi sâu hơn bằng cách đặt ra các câu hỏi? Không phải tôi đang cho phép, mặc dù tôi đang ngồi ở đây, thật không may chút nào.

Người hỏi: Một trong những phức tạp trong dòng suy nghĩ mà ông đã theo đuổi, với tôi đó là nếu ông chứng kiến thế giới như nó tồn tại hôm nay, và ông muốn sống trong bình yên nội tại, và ông cảm thấy mình là một phần của xã hội mà ông chịu trách nhiệm vì những gì đang diễn ra trên thế giới, bằng cách nào ông có thể sống yên bình hay một mức độ hạnh phúc nào đó, mà vẫn biết về những điều khủng khiếp và đau lòng đang diễn ra trên thế giới ngày nay?

Krishnamurti: Tôi hi vọng rằng các bạn đã lắng nghe được câu hỏi. Nếu tôi chịu trách nhiệm cho toàn bộ mớ lộn xộn này, và tôi là – cuộc chiến tranh Việt Nam, Trung Đông, bạo loạn chủng tộc, định kiến – Tôi chịu trách nhiệm vì điều đó, bởi vì tôi là một phần của tất thảy, tôi góp phần vào đó, tôi tạo ra điều đó bởi chủ nghĩa quốc quyền nơi tôi – và cả những thứ khác nữa. Và câu hỏi là, bằng cách nào tôi có thể sống bình yên khi tôi mang tới toàn bộ mớ lộn xộn này, những sai lầm quan tôi, vì những gì tôi phải chịu trách nhiệm. Đó có phải câu hỏi mà bạn muốn hỏi không?

Người hỏi: Vâng, đúng vậy.

Krishnamurti: Tôi phải thay đổi bản thân mình, có vậy thôi. Tôi phải thay đổi bản thân mình toàn bộ và triệt để. Liệu có thể không? Khi tôi coi bản thân mình là người Anh, người Hindu hay gì đó khác, hay thuộc về một nhóm người nào đó, một giáo phái, đức tin, nhận thức hay hệ tư tưởng, tôi còn góp phần vào sự hỗn loạn này, vào tất cả những gì điên rồ quanh tôi. Và liệu tôi có thể vứt bỏ tất cả những nhận định, định kiến, niềm tin, tín điều hoàn toàn khỏi mình? Vứt bỏ mà không cần nỗ lực, bởi vì tôi tạo ra nỗi lực tức là tôi lại bước vào thế giới nhị nguyên. Thế thì liệu tôi có thể hoàn toàn thôi là một người Hindu, không chỉ ở hình thức mà bản chất? Bên ngoài cũng như bên trong cuối cùng đều chấm dứt mọi ý thức về đấu tranh, sự phân chia thứ bậc trong cuộc sống, so sánh tôi với người khác, những người thông minh hơn, giàu có hơn, tài giỏi hơn tôi. Một lần nữa xin nhắc lại không được phép có nỗ lực. Nếu điều này không được thực hiện, tôi là một phần của hỗn độn. Và điều này thay đổi không chỉ là vấn đề thời gian, nó phải diễn ra ngay lúc này, ngay lập tức. Nếu tôi nói “Tôi sẽ dần thay đổi”, thế thì tôi sẽ lại rơi vào bẫy phân chia.

Liệu tôi có thể, liệu tâm trí, là tâm trí có thể quan sát thực tế rằng tôi đang tranh đấu, muốn được lấp đầy bằng bực dọc, sợ hãi, lo lắng, hối hận và tuyệt vọng và gì đó nữa, quan sát nó, nhìn nó, như một mối nguy? Và khi một người nhìn thấy gì đó nguy hiểm, họ phản ứng tức thì. Người đó không hề nói khi tiến đến ranh giới: “Ồ, tôi sẽ đi từ tốn. Tôi sẽ nghĩ về điều đó” – bạn chỉ rời khỏi đó. Thế là có phải chúng ta đã thấy sự nguy hiểm phi ngôn ngữ, nhưng trên thực thế lại là sự nguy hiểm của phân chia? Bạn thuộc về điều gì đó và tôi lại thuộc về thứ khác, với niềm tin của bạn, với sự vui thú, đau buồn, lo toan riêng biệt của bạn và tôi cũng có của tôi. Khi những điều này còn tồn tại, chúng ta vẫn chỉ sống trong hỗn độn.

Vậy câu hỏi là, sống trong một thế giới điên rồ, đáng buồn và đáng thất vọng, cùng với sự nở bừng của phúc lạc và vẻ đẹp của một đám mây hay một bông hoa, điều này liệu có thể… liệu có thể có sự thay đổi hoàn toàn?

Người hỏi: Thưa ngài, yêu cầu chúng tôi nhận thức về “là gì” dường như là quá nhiều. Nỗi đau của “là gì” có vẻ như còn nhiều hơn những gì chúng tôi có thể chịu đựng suốt toàn bộ thời gian mà không cố thoát khỏi nó. Dường như quá nhiều thứ phải xử lý.

Krishnamurti: Để nhận diện “là gì” đúng là quá nhiều, mà không cần phải cố thoát khỏi nó. Chúng ta không thể chịu đựng điều này. Chúng ta có thể bóng gió về “là gì” và thế đã là quá nhiều. Cho nên chúng ta cần bỏ qua sự chú ý vào thời gian mà thỉnh thoảng chẳng cần để ý quá, đúng không. Nếu tôi không thể chịu đựng được điều gì thì tôi phải bỏ nó lại một thời gian. Cứ để nó lại đó, nghỉ ngơi, nhưng trong suốt thời gian còn lại hãy chú ý vào sự lãng tâm của bạn. Bạn hiểu những gì tôi muốn nói chứ? Tôi – chứng kiến: tôi đang ghen tị. Chúng ta sẽ thấy điều đó rất phổ biến. Tôi dành tất cả sự chú ý của mình cho nó, xem những gì liên quan đến nó – ghét, sợ hãi, chiếm hữu, thống trị, cô lập, cô đơn, thiếu bạn đồng hành, tất cả những điều đó – ghen tị – và tôi quan sát điều này trong bất nhị. Nếu tôi dành toàn bộ sự chú ý vào đó, tôi đã hiểu nó hoàn toàn, do đó không cần phải nghỉ ngơi. Tôi đã hoàn toàn hiểu sự nguy hiểm ấy, do đó tôi đã rời xa nó. Chỉ đến khi tôi không tập trung toàn bộ mà chỉ chú ý chút ít thì tôi mới cảm thấy mệt mỏi. Sau rồi, tôi nói “Chúa tể của tôi, tôi phải nghỉ ngơi một chút để thoát khỏi công việc chết tiệt này”. Và vì vậy tôi trốn khỏi nó. Vì vậy, biết rằng ta đã trốn khỏi nó, chúng ta đang gợi ý rằng biết về cách bạn chạy trốn, biết về chạy trốn có sự lãng tâm, nhận thức về sự lãng tâm. Hãy bỏ sự ghen tị của bạn lại nhưng nhận thức về sự lãng tâm trong khi bạn bỏ chạy. Để rồi sự lãng tâm trở thành chú tâm. Điều này sẽ mài sắc tâm trí của bạn.

Hà Thủy Nguyên dịch

Nguồn bài: https://jkrishnamurti.org/content/living-without-resistance

Tôi (thứ gọi là tâm trí của tôi) chọn cách dịch thoát ý bài nói chuyện này của Krishnamurti (có thể chỉ là tâm trí của ông ấy chứ không phải ông ấy), bởi vì đó là một bài nói chuyện, nên có nhiều chỗ bị sai ngữ pháp và diễn đạt không đầy đủ vì ảnh hưởng của văn phong nói. Rất mong các bạn ( thực ra là tâm trí của các bạn) góp ý để tránh trường hợp (tâm trí) tôi hiểu sai điều (tâm trí) Krishnamurti muốn nói, ông ấy không thích điều đó.