Thuở ban đầu, loài người tạo ra Chúa để lý giải Nguồn gốc ban đầu của vạn vật và Người cai trị thiên đường cũng như mặt đất. Ngài được biểu hiện bởi những hình ảnh và không có đền thờ hay thầy tu phục vụ cho ngài. Ngài cũng được tụng ca trong nghi lễ của loài người. Dần dần, ngài phai nhạt đi trong tâm trí của con người. Ngài trở nên xa cách đến mức họ quyết định rằng họ không muốn ngài nữa. Thậm chí, nhiều người cho rằng ngài đã biến mất.
Đó là một giả thuyết khá phổ biến được lưu truyền bởi Đức cha Wilhelm Schmidt trong cuốn sách “Nguồn gốc ý tưởng về Chúa”, lần đầu được xuất bản vào năm 1912. Cha Schmidt có nhắc đến một tôn giáo nhất thần nguyên thủy xuất hiện trước khi con người bắt đầu thờ phụng các vị thần. Đầu tiên, họ công nhận chỉ một Đấng Tối Cao duy nhất, người đã tạo ra thế giới và cai trị con người từ rất xa. Niềm tin vào Đấng Tối Cao (đôi khi được gọi là Chúa Trời, đấng ngự trị trên các cõi trời) vẫn là một đặc tính của đời sống tín ngưỡng tại nhiều bộ lạc Châu Phi bản địa. Họ khao khát cầu nguyện Chúa, tin rằng ngài đang dõi theo họ từ xa và sẽ trừng phạt những hành vi sai trái của họ. Ấy thế mà ngài lại xa lánh con người trong đời sống hàng ngày: ngài không có nghi lễ thờ cúng đặc biệt và không bao giờ được mô tả với hình dạng cụ thể. Những thổ dân nói rằng ngài không thể biểu hiện và không thể bị dơ bẩn bởi thế giới con người. Một số thì nói rằng ngài đã “đi xa”. Những nhà nhân chủng học cho rằng vị Chúa này đã trở nên xa cách và được tán tụng cáo quá đến mức ngài bị thay thế bởi những linh hồn thấp kém hơn hoặc các vị thần dễ tiếp cận hơn. Qủa nhiên, học thuyết của Schmidt cũng nói vậy, ở thời cổ sơ, Chúa Tối Cao đã bị thay thế bởi những vị thần hấp dẫn hơn trong đền thờ Pagan. Do đó, ban đầu chỉ có vị Chúa Duy Nhất. Nếu vậy thì tôn giáo nhất thần là một trong những ý tưởng sớm nhất của loài người để giải thích những bí ẩn và bi kịch của cuộc sống. Nó cũng chỉ ra vài vấn đề mà thần linh phải đối mặt.
Rất khó để chứng minh điều này theo cách này hay cách khác. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của tôn giáo. Tuy nhiên, dường như việc tạo ra các vị thần là điều mà con người luôn thực hiện. Khi một ý tưởng tôn giáo cáo chung, tức thì chúng sẽ bị thay thế. Những ý tưởng này biến mất một cách âm thầm như Chúa Trời không kèn không trống. Ngày nay, nhiều người nói rằng Chúa được thờ phụng hàng thế kỷ trước bởi Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo và dần trở nên xa cách với vai trò là Đức Chúa Trời. Một vài người thì cho rằng ngài đã chết. Tất nhiên, có vẻ như ngài không xuất hiện trong đời sống mà dân cư ngày càng trở nên đông đảo của loài người, đặc biệt là Tây Âu. Họ nói về Chúa – tại – tâm (“God-shaped hole) trong tâm thức họ, nơi mà ngài đã từng ở đó, bởi vì, do không thích hợp nên ngài có lẽ ngài đã ở một chỗ nào đó hác, ngài đóng vai trò cốt yếu trong lịch sử và là một trong những ý tưởng vĩ đại nhất của loài người trong mọi thời đại. Để hiểu được những gì mà chúng ta đang đánh mất – liệu, ngài có thật sự biết mất – chúng ta cần xem xét những gì con người đã thực hiện khi họ bắt đầu thờ phụng Chúa, những gì ngài tượng trưng và được nhận thức. Để làm vậy, chúng ta cần quay lại thời cổ đại ở Trung Đông, nơi ý tưởng về Chúa đã khởi sinh vào khoảng 14.000 năm trước đây.
Một trong những nguyên nhân tại sao tôn giáo có vẻ như không thích hợp ngày nay đó là nhiều người trong số chúng ta không còn có cảm giác về những thứ vô hình tồn tại xung quanh chúng ta. Nền văn hóa của khoa học đã giáo dục chúng ta tập trung chú ý vào thế giới vật lý và hiện hữu ngay trước mắt. Biện pháp quan sát thế giới đã đạt được những thành tựu lớn. Một trong những hậu quả của nó, đó là chúng ta đã loại bỏ những cảm giác về “tinh thần” (spirit) hay “tính thiêng” (holy) vốn đã ăn sâu vào đời sống con người trong các xã hội cổ xưa với nhiều cấp độ và đã từng là một trong những cột trụ thiết yếu của đời sống con người. Ở những hòn đảo ở Polynesia (Nguyên văn là “South Sea Islands” – một cách gọi khác của Polynesia), người ta gọi các năng lượng huyện bí là “mana”, một số nơi khác người ta trỉa nghiệm nó như một thực thể hay một tinh thần, thỉnh thoảng nó được cảm nhận thấy như một dạng nhân điện, tương tự với sóng điện từ hoặc luồng điện. Người ta tin rằng chúng có ở trong thủ lĩnh của bộ lạc, trong cây cối, đá và động vật. Những người Latin trải nghiệm “numina” (tinh thần) trong các khu rừng bí mật; người Ả Rập cảm thấy các “jinn” đều cư trú trên mặt đất. Đương nhiên con người muốn có sự tiếp xúc với dạng thực tại này và muốn điều khiển chúng, nhưng họ đồng thời cũng khao khát nó. Khi họ nhân cách hóa những thế lực vô hình và biến chúng thành các vị thần, liên quan đến gió, mặt trời, biển cả, các vì sao cũng như sở hữu những tính cách con người, họ biểu hiện cảm giác về sự thân thuộc của các lực lượng vô hình và thế giới của họ.
Rudolf Otto, sử gia tôn giáo người Đức, người đã xuất bản cuốn sách quan trọng có tên là “Ý tưởng về Đấng thiêng liêng” (“The Idea of Holy”) vào năm 1917, đã tin rằng cảm thức về “sự thiêng liêng” (numinous) là căn bản của tôn giáo. Nó bắt đầu bất cứ ham muốn giải thích nguồn gốc thế giới hay tìm kiếm một căn cứ cho thái độ đạo đức. Sức mạnh thiêng liêng có thể được con người cảm nhận theo nhiều cách khác nhau – thỉnh thoảng nó kích thích sự thích thú hoang dại và huyên náo; thỉnh thoảng sâu lắng, thỉnh thoảng người ta cảm thấy kinh hoảng, ghê sợ và khuất phục trước sự hiện diện của các thế thực huyền bí vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi con người bắt đầu tạo ra các thần thoại và nghi lễ thờ cúng các vị thần, họ không còn tìm kiếm một lời giải thích trực tiếp cho các hiện tượng tự nhiên nữa. Các câu chuyện mang tính biểu tượng, những bức tranh và chạm khắc trong hang động là một cố gắng để biểu thị sự phi thường và liên hệ các bí ẩn với đời sống của họ, trên thực tế, nhà thơ, nghệ sĩ và nhạc sĩ thường bị thôi thức bởi những khát vọng kiểu này cho tới tận ngày nay. Ví dụ như ở thời Palaeolithic, khi nông nghiệp phát triển, tục thờ cúng Nữ thần Mẹ biểu thị một cảm giác rằng sự sinh sản giúp con người chuyển hóa là một điều thiêng liêng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bức tượng được các nghệ sĩ trạm trổ bà ta dưới hình dạng một người đàn bà khỏa thân và mang thai ở khắp Châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ. Nữ thần Mẹ vĩ đại vẫn còn là biểu tượng quan trọng trong hàng thế kỷ. Giống như Chúa Trời cổ xưa, bà được đưa vào các đền thờ muộn hơn và gia nhập hàng ngũ cùng với các vị thần cổ xưa hơn. Bà ta thường là một trong số những vị thần quyền lực nhất, thậm chí còn quyền lực hơn Chúa Trời, người vẫn chỉ như một hư ảnh. Bà ta được gọi là Inana tại Sumeria cổ đại, là Ishtar ở Babylon, Anat ở Canaan, Isis ở Ai Cập và Aphrodite ở Hy Lạp, nhiều câu chuyện đáng chú ý đã được tạo ra trong nhiều nền văn hóa để biểu thị vai trò của bà trong đời sống tâm linh của con người. Các thần thoại này không kể theo nghĩa đen mà thường ẩn dụ để mô tả một thực tại quá phức tạp và khó nắm bắt. Những câu truyện bi kịch và gợi cảm về các nữ thần và nam thần đã giúp con người nhận thức được các cảm nhận về những thế lực mạnh mẽ và vô hình xung quanh họ.
(Còn tiếp)
Người dịch: Hà Thủy Nguyên
Tác giả: Karen Amstrong
(Trích “A History of God – The 4000 year quest of Judaism, Christianity and Islam)
Bạn có thể đặt sách tiếng Anh tại đây: https://www.hangcao.info/san-pham/1-history-god-4000-year-quest-judaism-christianity-islam-karen-amstrong/