Home Bình Luận Năm đầu tiên homeschool của mẹ trẻ

Năm đầu tiên homeschool của mẹ trẻ

Mình cho mẹ trẻ nghỉ hè phải gần 1 tháng rồi, nhưng hôm nay mới bắt đầu thảnh thơi viết lại những gì mẹ trẻ đã học trong 1 năm đầu homeschool. Thỉnh thoảng mình có “nhá hàng” vài hoạt động kèm theo vài quan điểm của mình một cách vụn vặt, đây là bài tổng kết lại quãng thời gian vừa qua.

Trước tiên, phải nói trước là, mình không hoàn toàn định hướng cho mẹ trẻ ra nước ngoài học, giống nhiều gia đình khác. Mình là một người từ bỏ đại học và ngay từ năm thứ nhất mình đã thấy rằng việc mình cố gắng đi du học thật là ngớ ngẩn. Bởi vì sao? Vì mình nhận thức một cách rất rõ ràng rằng mình muốn trở thành một nhà văn, vậy thì đi du học có giúp mình viết văn hay hơn không hay là chỉ tạo cho mình những cơ hội để dễ nổi tiếng hơn? Mình cho rằng ở lại Việt Nam, tự tìm đọc các tư liệu cả trong và ngoài nước, cho mình nhiều thời gian rảnh nhất có thể, những trải nghiệm lăn lộn với các số phận và con người khác nhau… hữu ích để mang đến cho mình những trưởng thành văn chương, chậm rãi nhưng chắc chắn, hơn là chạy sang tiếp thu một cách sống sượng mớ lý thuyết về nghệ thuật và văn học (những thứ mình có thể tự đọc sách theo từng giai đoạn phù hợp với mức độ thấu hiểu của mình). Còn danh tiếng ư, không phải là thứ nên cưỡng cầu. Năm thứ 2 đại học, mình bỏ tiết rất nhiều,  vì mình cảm thấy mệt mỏi với việc kiểm tra và thi thố với những đề thi ngớ ngẩn và lối học thi học thuộc lòng như một thứ cấp 4. Mình muốn dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, tham gia các dự án làm phim (thứ mà mình tưởng rằng đó là con đường đầy thú vị), và tiếp tục sáng tác. Thế rồi mình có con. Nhưng mình vẫn đến trường đi thi, vẫn nhiều thầy quý mình và tạo các điều kiện để mình học tiếp. Có điều, trong thời điểm sinh mẹ trẻ, mình chợt thấy rằng mình đang tự giam mình ở một môi trường học thuật không thích hợp. Đến năm thứ 3 thì mình bỏ đại học, để thực sự bắt đầu cuộc sống tự do của mình. Và cũng chỉ sau đó 1 năm, mình ly hôn người chồng đầu tiên.

Qúa dài dòng để kể về một quá khứ như vậy, để phần nào lý giải cái nhìn của mình về sự vô nghĩa mà các bậc phụ huynh đang đeo đuổi: Một giấc mơ giả tạm về gia đình hạnh phúc và những đứa con thành đạt. Đương nhiên, việc đeo đuổi những điều này không có gì xấu, chỉ là, tôi không muốn giam mình vào giấc mơ ấy để rồi tôi và mẹ trẻ của tôi mất đi cơ hội được  tự do là chính mình. Tôi đã phải nghe quá nhiều người lao vào giấc mơ giả tạm ấy, nhưng họ lại tâm sự với tôi rằng sâu kín trong họ, họ thèm muốn được là chính mình, rằng họ cảm thấy trống rỗng và phải tiếp tục trốn sự trống rỗng ấy bằng cách lao vào các thú vui xa xỉ và những khoảnh khắc sống ảo trên facebook. Họ không cảm thấy tình yêu hay niềm vui bao giờ, mà chỉ duy trì sự tồn tại của mình bằng niềm tự hào về một giấc mơ lung linh.

Và tất cả chuỗi ký ức trên chính là nền tảng cho quyết định khuyến khích mẹ trẻ homeschool thay vì đến trường, không phải vì lý do muốn cho mẹ trẻ đi du học, mà vì để mẹ trẻ được thực sự là mình hơn, dù gian nan và phải đối mặt với đủ thứ thiên kiến xã hội. Hiện giờ, tôi không tính toán cho tương lai của mẹ trẻ, đó là việc của mẹ trẻ, tôi chỉ có thể giúp mẹ trẻ xử lý các tổn thương tâm lý mà thời đi học đã gây ra và tạo các nền tảng kiến thức để mẹ trẻ tự học. Còn tương lai của mẹ trẻ, mẹ trẻ nên tự mình đưa ra quyết định và làm tận cùng, thành công cũng được mà thất bại cũng được, vì thành công hay thất bại chỉ là một cái nhìn tương đối dựa trên các thang đo về phân cấp xã hội mà thôi. Mẹ trẻ có thể chọn đi du học, tôi sẵn sàng tìm hiểu đầy đủ thông tin. Nếu mẹ trẻ muốn học đại học trong nước, tôi có thể dùng hết sức mình để tổ chức vận động chính sách buộc chính quyền chấp nhận trẻ học homeschool. Nếu mẹ trẻ muốn “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” như các thành viên của Book Hunter thì Book Hunter vẫn luôn có sẵn đấy để hỗ trợ. Không có cái đích nào mà không có con đường dẫn đến nó, miễn là mình thực sự nhất quán về đích đến.

Thế nên, năm đầu tiên, mình chọn cách cho mẹ trẻ “xõa là chính”, và học với khoảng thời gian 1 tiếng/ngày.  Và dưới đây sẽ là những gì mẹ trẻ làm trong 1 năm vừa qua.

  1. Giải tỏa những căng thẳng

Thời gian đi học ở trường của mẹ trẻ là những chuỗi ngày căng thẳng. Mẹ trẻ ngứa mắt khi nhận ra rằng một số cô giáo đối xử thiếu công bằng giữa các bạn học mà gia đình “tặng quà” thường xuyên cho cô và những gia đình không làm như vậy. Bạn cùng lớp thường ghen tị với mẹ trẻ vì mấy lý do sau: mẹ trẻ xinh và nhiều bạn trai thích (khổ quá, xinh đẹp là một cái tội), ăn mặc đẹp và sử dụng các đồ dùng học tập đẹp, được mẹ thơm mỗi khi đến trường, đòi gì là nhà mình mua cho thứ ấy. Các bạn cùng lớp cũng đặc biệt không ưa mẹ trẻ vì cảm xúc của mẹ trẻ tuôn trào quá dễ dàng: bật khóc ngay lập tức khi bị đối xử bất công, buồn bã nhiều ngày khi trong nhà có người ốm… Trong những lần làm bài kiểm tra, cô cho phép lớp mở sách ra chép và cho phép các bạn trong lớp chép bài nhau, nhưng riêng mẹ trẻ không chép, cũng không làm bài triển tra luôn, chỉ ngồi im. Nói chung, mẹ trẻ hoàn toàn cô độc khi ở trường, mà thậm tệ hơn thế, các bạn cùng lớp luôn gây áp lực bắt mẹ trẻ phải thế nọ thế kia. Một số cô giáo hiểu và thật sự quý trọng mẹ trẻ thì cứ đột nhiên nghỉ dạy, mà có dạy được hết năm học thì cũng không thể theo lên tiếp năm sau.

Đến khi mẹ trẻ lên lớp 6, tình hình còn tệ hơn, vì cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của mẹ trẻ là một người không chịu chấp nhận rằng nền giáo dục Việt Nam là một sai lầm lớn, mà chỉ khăng khăng chạy đua theo thành tích. Cô giáo bắt mẹ trẻ phải đi học phụ đạo buổi chiều trong khi điều này được hợp lý hóa bằng việc bắt bố mẹ viết đơn xin cho con mình được học phụ đạo. Mẹ trẻ nhà mình đương nhiên không chấp nhận, nên mẹ trẻ quyết định không đi học phụ đạo, mà ở nhà học cùng vợ chồng mình dưới hình thức bán homeschool, tức là buổi sáng mẹ trẻ học chương trình của nhà trường và buổi chiều học chương trình mà mình và “bạn chồng” mới của mình dậy. Một điều không thể tránh khỏi đó là mâu thuẫn giữa hai chương trình học. Và điều này càng làm gia tăng mức độ bất tuân cùng với áp lực tâm lý của mẹ trẻ. Dậy thử 1 tháng, mình thấy mẹ trẻ quá khổ, nên quyết định: “Thôi nghỉ đi! Khi nào Hà Nguyên từ bỏ chương trình ở trường hoàn toàn thì mẹ và chú Nam sẽ dậy tiếp!”

Suốt cả năm lớp 6, mẹ trẻ bị lớp học phá hủy một cách kinh khủng hơn nhiều lần so với 5 năm cấp 1. Mẹ trẻ đang từ một đứa rất khá môn toán thì bây giờ không thèm làm bài tập toán nữa vì thấy…chán. Mẹ trẻ đang rất yêu môn mỹ thuật và thích vẽ thì bây giờ không muốn cầm cây bút vẽ nữa vì cứ nhìn thấy bút vẽ là nhớ đến mặt ông thầy dậy vẽ hắc ám suốt ngày chửi rủa và phạt mẹ trẻ vì không chịu làm theo quy định của ông ta, vân vân và vân vân các ám ảnh như thế. Chỉ một năm học, từ một cô bé xinh xắn và dễ thương, mẹ trẻ trở nên phì nộn với nét mặt lúc nào cũng cau có, mụn đầy mặt, dáng người trở nên thô lỗ hơn, và đã chuyển từ sự yêu thích những điều dễ thương sang hứng thú với những thứ đen tối. Thật tệ hại nếu tình trạng này duy trì lâu dài.

Kiểm tra cuối kỳ năm lớp 6, tất cả các môn, mẹ trẻ nộp giấy trắng, trừ môn Giáo dục công dân, vì bài kiểm tra này làm về quyền trẻ em. Cô giáo chủ nhiệm hoàn toàn vô cảm với điều này và nghĩ rằng mẹ trẻ bị thiểu năng, yêu cầu nhà mình đi xin giấy trẻ thiểu năng cho mẹ trẻ. Hôm thi lại, mẹ trẻ không chịu đi thi. Và dù mẹ trẻ lưu luyến trường đến đâu thì mình cũng biết rằng trong thâm sâu mẹ trẻ muốn ở nhà để học cùng vợ chồng mình.

Thế thì năm đầu tiên không nên nhanh chóng bắt mẹ trẻ vào một chương trình đầy áp lực. Mình cũng không đồng tình với cách ép các bạn nhỏ phải lao động chân tay cực khổ để các bạn nhỏ hiểu được cái vất vả của người lao động như một nhóm homeschool khác đang làm. Kinh nghiệm của mình khi vận động nặng đó là người ta chả nghĩ được gì cao xa hay mở mang tâm trí, mà chỉ để rèn luyện tính kỷ luật theo lối quân phiệt. Mình chẳng có nhu cầu trói mẹ trẻ vào một thứ kỷ luật ngớ ngẩn mà người lớn đặt ra rồi cho rằng đó là điều đúng đắn bắt buộc phải làm để đi tới thành công.

Mẹ trẻ được tha hồ nằm lầy trên giường, ngủ và thức theo khung giờ của mình, được xem tất cả những chương trình mẹ trẻ thích (dù nhiều chương trình mình thấy thiếu văn hóa). Được cái, mẹ trẻ có nhận định riêng, và ý thức được khả năng tự xóa não mình khi gặp phải những thứ quá kinh khủng.

Mẹ trẻ thích chơi slime và làm slime. Thực ra nhiều trường tiểu học ở Mỹ đưa làm slime vào chương trình học để kích thích sáng tạo. Okay, nhà mình đầu tư mỗi tháng 500.000 để mua nguyên liệu làm slime cho mẹ trẻ. Mẹ trẻ tự xem công thức trên mạng, tự thử nghiệm, ra thành phẩm. Học xong một công thức này thì mẹ trẻ lại học tiếp công thức khác. Và có lẽ chỉ chán slime sau khi học hết các công thức slime. Làm slime giúp mẹ trẻ tự học được cách cân đo các liều lượng vùa phải, biết được mình thực sự cần gì để hoàn thành một nhiệm vụ, và quan trọng hơn là… giải tỏa những căng thẳng. Mẹ trẻ con huấn luyện mấy cô cháu của mình cách làm slime chuyên nghiệp như mẹ trẻ. Vợ chồng mình dụ mẹ trẻ bán slime đi để thu hồi vốn đầu tư của vợ chồng mình, mẹ trẻ cương quyết lắc đầu nói là sẽ bán nhưng không phải bây giờ vì mẹ trẻ thấy sản phẩm chưa đủ tốt để tung ra thị trường.

 

  1. Học lịch sử

Mẹ trẻ không thích học lịch sử nhưng đây là môn tạo ra những xung đột lớn giữa chương trình học ở trường của mẹ trẻ và kiến thức mình cung cấp cho mẹ trẻ. Mình đoán đây là lý do mẹ trẻ quyết định chọn học lịch sử, dù mẹ trẻ không hề ý thức được điều này, mà chỉ thấy mơ hồ rằng cần phải học lịch sử. 2 buổi/tuần, mình hướng dẫn mẹ trẻ học lịch sử Việt Nam.

Đầu tiên là cho mẹ trẻ xem các phim dã sử mà Việt Nam đã làm (dù rất ít ỏi), để mẹ trẻ có cảm nhận về không khí lịch sử Việt Nam. Các phim mình chọn bao gồm: “Đêm hội Long Trì” (kèm với phần 2 của phim là “Kiếp phù du”), “Vũ Như Tô” (kịch truyền hình), “Long thành cầm giả ca”. Ban đầu, mình dự định để mẹ trẻ xem xong phim rồi đọc tất cả thông tin về nhà Lê có trên Wikipedia. Nhưng việc này hơi quá tải với mẹ trẻ. Dù mẹ trẻ thích xem “Đêm hội  Long Trì” và “Long thành cầm giả ca” hơn, nhưng với phim “Vũ Như Tô”, mẹ trẻ lại thể hiện nhiều thái độ. Mình xin được copy lại note mình viết ngày 21/9/2018 ngay sau khi mẹ trẻ xem “Vũ Như Tô”:

Kéo lê mãi và bị gián đoạn bởi kế hoạch công tác dài ngày của mình, nên đến giờ mới hướng dẫn cho mẹ trẻ xong về các mặt từ hành chính, pháp luật, kinh tế, văn hóa, thủ công nghiệp, văn học nghệ thuật, quân đội, ngoại giao… thời Lê Sơ. Túm lại, mẹ trẻ nhà mình không quan tâm lắm mấy cái thủ công nghiệp hay văn học nghệ thuật, mà chỉ đặc biệt quan tâm đến hành chính, pháp luật và quân sự. Ví dụ các mối quan tâm sẽ xoay quanh các câu hỏi hoặc các nhận xét của mẹ trẻ như sau:

– So sánh lục bộ thời Lê với các bộ bây giờ. Nói chung mẹ trẻ so sánh khá chính xác.

– Thán phục bộ luật Hồng Đức bảo vệ quyền phụ nữ, lại có vẻ rất tâm đắc ở điểm này.

– Thấy Đại Việt đánh Chiêm Thành và nước Lan Xang (biên giới Lào và Tây Bắc Việt Nam) thì kết luận là: Nước mình cũng ác khác quái gì Trung Quốc đâu mà cứ chê nó.

 

Sau đó, mình cho mẹ trẻ xem vở kịch “Vũ Như Tô”. Mẹ trẻ xem kịch này không hào hứng như mấy bộ phim kia, phần vì bản trên Youtube chất lượng thấp quá, phần vì kịch dàn dựng hơi thiếu hấp dẫn thật 🙁 .Nhưng mà mẹ trẻ vẫn xem. Lúc đang xem dở, mẹ trẻ có vẻ rất hứng thú với Cửu Trùng Đài (cứ nghĩ là bây giờ vẫn còn). Đến lúc cuối vở kịch, Cửu Trùng Đài bị đốt phá và Vũ Như Tô bị chết thì mẹ trẻ có vẻ hơi… thộn. Khi nghe câu kết của vở kịch: “Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải?” thì mẹ trẻ nói luôn: “Chịu!”. Túm lại mẹ trẻ kết luận: “Đúng là ở Việt Nam thì chỉ xây cái gì nhỏ nhỏ thôi không là dân phá ngay, tiền là phải để nuôi dân! Nhưng mà vẫn thích Cửu Trùng Đài!” Rồi lẩm bẩm: “Sai sách!Sai sách!”.

À quên, bổ sung: Mẹ trẻ tuyệt đối không thích Lê Khanh trong vai Đan Thiềm, bảo là cứ giả giả sao đó. Vụ này mình không phản đối nha.

Đến trưa nghe tin “bác Quang thôi đã thôi rồi” thì mẹ trẻ chỉ kết luận “Để xem đám ma có to bằng ông Võ Nguyên Giáp” rồi cắp đít lên phòng điều hòa.

Sau đó là những lần dã ngoại đi Bắc Ninh thăm làng Đình Bảng, đi Đường Lâm, đi Sài Gòn…

Đầu năm 2019, mình thay đổi cách học sử của mẹ trẻ, chọn một cách dễ dàng hơn, đó là đọc lướt tổng quan, và sang năm sẽ đi sâu vào từng chi tiết sau. Mình chọn các link Wikipedia có tính tổng quan về các triều đại và thời kỳ lịch sử cho mẹ trẻ đọc. Mình không coi trọng việc mẹ trẻ phải thuộc làu những điều này, mà quan trọng và những nhận định và phán xét của mẹ trẻ khi đọc các thông tin đa chiều. Ví dụ đây là nhận định của mẹ trẻ khi tìm hiểu về Nhà nước Văn Lang và ngày 18/2/2019:

Sau 3 tháng mẹ trẻ “thích thì nghỉ thôi”, bây giờ mới quay lại học tiếp. Bài học đầu tiên là về Nhà nước Văn Lang. Thú thật là mình rất ái ngại khi dậy về mảng lịch sử này, vì mình không chắc chắn lắm về cái được gọi là “cội nguồn dân tộc”, nhưng mà thôi, cứ cho mẹ trẻ đọc thôi.


Sau khi mẹ trẻ đọc về nhà nước Văn Lang xong thì đưa ra mấy kết luận sau:
1. Nhà nước này có vẻ coi trọng CHIM (Xong rồi cười với sự không được trong sáng cho lắm)
2. Âu Cơ có vẻ nguy hiểm 
😂 Túm lại con phải theo mẹ thì mới được làm vua. Âu Cơ là giống Chim mà nước Văn Lang thờ Chim đó. Nói chung là ở nước này, con phải theo mẹ mới được làm vua (tương tự như thế là trường hợp Lạc Long Quân thì cũng theo nòi Long quân của họ ngoại).
3. SGK lịch sử dậy về nhà nước Văn Lang ngắn, dễ hiểu hơn, nhưng mà sai sự thật. 
😂
4. Sẽ không bao giờ đi Đền Hùng.

Đọc lại những nhận định của mẹ trẻ về nhà nước Văn Lang thì mình có thể hiểu được tại sao những “chuyên gia giáo dục” ở Việt Nam lại e sợ homeschool đến thế. Đến mẹ trẻ, khi đọc kha khá lịch sử cũng phải thốt lên là môn lịch sử mà mình dậy đã làm giảm “sự trong sáng” trong đầu óc của mẹ trẻ. 😊 Một điểm hay ho khi cho mẹ trẻ đọc lịch sử đó là mẹ trẻ dễ chán những chương trình vớ vẩn trên Youtube hơn, rồi đi đến quyết định không xem chúng nữa, hiệu quả hơn nhiều so với việc mình cấm đoán.

 

  1. Học tiếng Anh

Bạn chồng mình là người dậy tiếng Anh cho mẹ trẻ. Cũng loay hoay ra phết, dù đã quyết định ứng dụng công nghệ cho việc học tiếng Anh. Mẹ trẻ ban đầu học bằng Memrise, có kết quả khá tốt, nhưng sau khi thử 2 tháng, mẹ trẻ không học nữa vì lý do… khó chịu với mấy người dậy phát âm trên Memrise ☹  Thật là bó tay! Sau đó chuyển sang học bằng Busuu. Học được 1 tháng, lại chán, vì các bài tập trong Busuu quá… chán. Cuối cùng, bạn chồng mình chọn cách: cho mẹ trẻ xem shitcom, à quên sitcom mà ngày xưa bạn ấy dùng để học tiếng Anh, có tên là “Extra”. Mẹ trẻ học được lâu dài hơn, vừa đọc sub tiếng Anh vừa đọc sub tiếng Việt, vừa luyện thói quen nghe, vừa được cười sằng sặc. Tóm lại là mẹ trẻ đã theo được từ đầu 2019 đến thời gian nghỉ hè.

Kết quả đó là thỉnh thoảng mẹ trẻ vô thức bật ra mấy câu tiếng Anh mà chẳng hiểu sao mình lại phát ngôn như thế, và ngay cả trong giấc mơ cũng… nói tiếng Anh. Tóm lại, trong thời gian đầu này, bạn chồng mình đã “cài não” thành công môn tiếng Anh cho mẹ trẻ. Đương nhiên, đây chỉ là bước đầu. Những gì cần đối mặt trên chặng đường học tiếng Anh còn dài dài.

 

  1. Giải quyết các nỗi sợ

Nỗi sợ đầu tiên phải giải quyết giúp mẹ trẻ, đó là mặc cảm rằng mình là một kẻ thất bại, thất bại trong quá trình học ở trường, thất bại vì mẹ trẻ thấy mình thua kém những đứa bạn học mà mẹ trẻ nhìn thấy rõ là dốt nát và kém đạo đức hơn so với mẹ trẻ. Đây là điều không dễ. Mình phải liên tục nhắc cho mẹ trẻ nhớ rằng chính vợ chồng mình là những người từ bỏ cơ hội có tấm bằng đại học để tự đi lên bằng con đường học thuật mà vẫn được người khác kính trọng và yêu quý. Mình phải cho mẹ trẻ thấy những cơ hội có thể có được cho dù rời khỏi trường. Bữa ăn cơm trưa nào cũng là một buổi trị liệu tâm lý và phân tích về xã hội với các tranh cãi cam go giữa ba thế hệ nhà mình.

Nỗi sợ này đương nhiên vẫn còn tồn tại ở mẹ trẻ, nhưng mà đã giảm đi đáng kể khi mẹ trẻ nhận ra rằng sau 1 năm xõa, mẹ trẻ trở nên xinh đẹp hơn với một dáng hình đúng như mẹ trẻ mong muốn. Có lẽ giờ chỉ phải làm giảm mụn thôi. Và hơn thế nữa, mẹ trẻ có thêm vài người bạn  mới thật sự có sở thích và thật sự biết chăm lo cho mẹ trẻ chứ không phải những bạn học đầy đố kị ở trường.

Mình đang cố gắng tháo gỡ dần những ám ánh của mẹ trẻ, đặc biệt là với môn mỹ thuật. Mình đã cố giới thiệu với mẹ trẻ các tác phẩm hội họa kinh điển trên thế giới để khiến mẹ trẻ yêu lại môn vẽ, nhưng mẹ trẻ vẫn không chịu cầm bút vẽ trở lại. Có lẽ đây sẽ là những lớp tâm lý cần tháo gỡ dần dần.

Xem ra, nỗi sợ tương lai không đáng sợ bằng nỗi sợ quá khứ, ít ra là với trường hợp mẹ trẻ. Những ám ảnh quá khứ để lại các vết hằn tâm lý quá lớn, mà có lẽ ít bố mẹ để ý đến. Đáng sợ hơn, những ám ảnh quá khứ này dễ bị đè nén, bị khoác vỏ, và phải thật tinh ý, phải theo dõi, điều tra, đấu trí… mới có thể tìm ra được.

 

KẾT LUẬN:

Cách dậy mẹ trẻ của mình có phải là một cách đi quá liều lĩnh? Mình không cho là vậy. Chọn tin vào lý thuyết của người khác mà chính bản thân mình chưa kiểm chứng còn là một sự liều lĩnh nguy hiểm hơn. Mình có thể tham khảo các lý thuyết giáo dục, nhưng không đồng nghĩa với việc mình sẽ chạy theo áp dụng chúng vào trường hợp mẹ trẻ. Trái lại, mình nghĩ rằng, đây là một phương thức an toàn, vì mẹ trẻ tự hình thành được cách biểu hiện cá tính của mình và tự tiết chế được cá tính ấy tùy vào những gì mẹ trẻ cho là đúng đắn; và thiên hướng mẹ trẻ chọn các môn học và cách học cho mình sẽ dần dẫn mẹ trẻ đến với việc đưa ra quyết định trở thành con người như thế nào trong tương lai.

Bí quyết dậy mẹ trẻ của nhà mình đơn giản thôi: Sự chấp nhận cá tính, cho phép tự do lựa chọn, và không khí vui vẻ cũng như công bằng trong đối thoại.

Những gì nhà mình phải đánh đổi khi cho mẹ trẻ homeschool: Nghĩ lại thì không có gì mất cả, chỉ có được thôi.

 

Hà Thủy  Nguyên

Không đọc sách thì có sao

Mẹ trẻ nhà mình đến bây giờ vẫn KHÔNG THÍCH ĐỌC SÁCH, và mình thấy cũng chẳng sao cả! Mẹ trẻ là thách thức cho mọi lời tuyên truyền kiểu: - Cần có tủ sách gia đình đồ sộ để các pé quen dần với sách. - Người lớn trong gia đình ham thích đọc sách thì con cái sẽ học theo. 🤣 - Hay "đọc sách cùng con" thì con sẽ tạo lập thói quen đọc sách từ bé. 😕 Và cũng thách thức

Homeschooling thì học cách tương tác như thế nào?

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi tôi nói về chuyện con gái của tôi homeschool đó là nàng ta sẽ học cách tương tác xã hội như thế nào. Họ luôn cho rằng tương tác xã  hội sẽ chỉ được học ở môi trường nhà trường, nơi đó một đứa trẻ có những người bạn đồng lứa, và được sự chỉ dẫn của những người được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Tôi không đồng tình với quan điểm

Đừng né tránh bệnh thành tích và bất bình đẳng trong trường học bằng những tranh luận vô nghĩa (và xóa trường chuyên không phải là giải pháp)

Viết nhân dịp ra mắt cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH do con gái của mình dịch (nhân vật vẫn được gọi bằng bí danh "mẹ trẻ" trên facebook), cùng lúc cộng đồng mạng đang bàn luận say sưa về mâu thuẫn giữa trường chuyên và trường thường. 1/ Đầu tiên... hiểu về trường thường đôi chút nhé! Đầu tiên, ta quay trở lại một chút mô hình trường học. Chúng ta chủ yếu học theo mô hình trường học phổ thông, tức là

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có

Tận hưởng niềm vui với con cái

Con cái có lẽ là tạo tác tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân tính của đứa con sẽ nói lên cách mà bạn đối xử với chúng, hay nói một cách khác sự trưởng thành của con cái phản ánh nhân cách của những người nuôi dưỡng chúng. Nhưng cũng giống như sáng tác tác phẩm nghệ thuật, thái đô và quan niệm của bạn trong sáng tác sẽ quyết định phong cách và tư tưởng của tác phẩm, quan niệm