Năm này đến năm khác đều kết thúc trong những sự mâu thuẫn, xung đột… những ý định còn dang dở… những cơn khủng hoảng không lớn không nhỏ… mọi thứ dường như đều đang treo ngược. Vẫn tiếp tục trào lưu phản biện xã hội từ đầu thế kỷ 21 đến giờ, tràn ngập trên Internet là những tiếng kêu than, chửi rủa, oán trách… Đôi khi sự phản biện và phản ứng của trước nó trở thành trò cười cho người dân lúc trà dư tửu hậu. Nhưng sau khi cười xong, sự thật là, mọi chuyện vẫn thế. Chúng ta vẫn sống trong một xã hội trì trệ, lười biếng, nô lệ và kém hiểu biết. Đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi: tình trạng này có nên kết thúc hay chưa?
Trong số chúng ta, ai ai cũng bức xúc với thực trạng xã hội, cho dù bạn sống trong môi trường sung túc hay đang phải chịu số phận bất công. Thiên nhiên bị tàn phá, xã hội đang suy thoái, giá trị đạo đức băng hoại, con người có giá trị không còn giống như con vật nữa mà giống như những cỗ máy, sự thông thái được thay thế bằng những hiểu biết nhảm nhí… Đó là thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ đổ lỗi cho ai? Ai là người thực sự gây ra những điều này? Những chính trị gia ư? Những tập đoàn kinh tế ư? Những kẻ âm mưu thiết lập quyền kiểm soát trên thế giới này ư? Người dân đổ lỗi cho chính phủ của họ, những cá nhân chửi bới hệ thống, những con người oán trách cộng đồng mình bị buộc phải phụ thuộc… Chửi bới, đổ lỗi, kêu than là một liệu pháp tâm lý mang tính xã hội, nhưng nó không giải quyết được các vấn đề của thế giới này.
Hãy nhìn vào Việt Nam hiện nay, bạn sẽ thấy rất rõ. Trên mạng xã hội, nhiều người dân kêu gào chửi bới chính phủ và các cơ quan công quyền, nhưng chửi bới không có tác động gì đến hệ thống chính trị để hệ thống này phải thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Chúng ta chê bai người Việt, rằng người Việt xấu xí, người Việt nghèo nàn, người Việt dốt nát, người Việt hèn hạ… Chê bai dân tộc của mình liệu có thể làm phẩm giá của các bạn cao hơn? Chúng ta nhao nhao bê đủ loại mô hình của Tàu, của Mỹ, của Liên Xô, của Nhật, của Trung Đông, của Bắc Âu… về nước và một cách chủ quan, chúng ta nghĩ rằng mớ kiến thức đó sẽ khai hóa cho dân Việt. Chúng ta đang cố biến đất nước chúng ta giống một đất nước khác, biến dân tộc chúng ta thành một dân tộc khác. Điều đó khiến chúng ta trở thành nô lệ. Nô lệ của sự hèn nhát, nô lệ của sự sùng bái vật chất và quyền lực, nô lệ của sự kém hiểu biết. Có phải hệ thống trói buộc chúng ta? Hay chính chúng ta tự trói buộc mình? Chúng ta hèn nhát thỏa hiệp, hèn nhát chịu đựng thay vì nỗ lực để thay đổi . Một xã hội trông chờ toàn bộ vào sự vận động của chính phủ, một dân tộc trông chờ vào cá nhân kiệt xuất… và chúng ta đòi tự do? Điều đó thật nực cười.
Đây là thế giới chúng ta đang sống, nếu chúng ta không nỗ lực để kiến tạo, không nỗ lực để thay đổi thì thế giới sẽ không bao giờ vận hành theo chiều hướng nhân bản hơn và văn minh hơn. Tham vọng quyền lực đang bao trùm khắp nơi, và để giữ vững quyền lực, những kẻ nắm quyền cần đám đông nô lệ hơn cá nhân tự do. Nhưng nếu bạn chỉ thẳng mặt và muốn hủy diệt quyền lực thì bạn đang cố gắng tạo dựng một dạng quyền lực khác. Thật chẳng khác nào như F.Nieztches đã từng viết: “Đừng bao giờ chống lại quỷ dữ, bởi nếu không bạn sẽ thành quỷ dữ”. Nếu một quyền lực khiến thế giới rơi vào cảnh nô lệ, thì quyền lực khác thay thế nó cũng chỉ khiến chúng ta trở thành nô lệ theo cách khác.
Vậy làm thế nào để cải tạo thế giới này? Đơn giản hơn chúng ta tưởng mà cũng khó khăn hơn chúng ta tưởng. Trong lịch sử, nhiều người đã hết mình sáng tạo và đấu tranh cho một xã hội công bằng hơn, văn minh hơn. Lịch sử nước ta cũng có không ít những anh hùng, những chí sĩ dành cả đời để bảo vệ người nghèo, để khôi phục tinh thần dân tộc Việt. Nhưng nếu bạn nhìn ở một khía cạnh khác, bạn sẽ thấy rằng những danh nhân lịch sử ấy chỉ là sự kết tinh, những người thật sự làm thay đổi thế giới là những người rất dỗi bình thường, những người vô danh. Họ tìm ra cách canh tác, trồng trọt, họ thiết lập nên hệ thống giao thương, họ gìn giữ sự lương thiện của bản thân giữa đám đông điên loạn và suy đồi… Họ tạo nền tảng cho những điều vĩ đại. Không có họ, những điều vĩ đại chỉ là trò đùa của các thiên tài. Nói dài dòng như vậy để chúng tôi muốn khẳng định một điều rằng : Không thể dùng quyền lực để làm suy yếu và thay thế quyền lực, chính những việc tốt nho nhỏ hàng ngày khiến một hệ thống đang suy đồi phải chuyển đổi. Bạn hãy làm một người chân chính trước khi trở thành vĩ nhân, hãy thực hiện những cử chỉ đẹp đẽ trong từng ngày từng giờ, hãy yêu cuộc sống này hết mình trong từng giây từng phút… Chỉ đơn giản vậy thôi, cuộc sống của bạn sẽ truyền cảm hứng cho người khác. Và chỉ có thế bạn mới làm chủ được cuộc sống của mình, bạn mới thoát khỏi số phận nô lệ cúi đầu, và nhờ thế chúng ta mới đi đến một thế giới lý tưởng. Thế giới lý tưởng chỉ có thể được xây dựng bởi những con người lý tưởng, không thể đặt nền móng trên lòng tham, giận dữ , yếu hèn và sự kiêu ngạo.
Chúng tôi không phải những người lý tưởng, nhưng chúng tôi hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, và chúng tôi kêu gọi điều đó ở các bạn. Hãy bắt đầu và chúng ta đều chờ đợi những ngọn gió thay đổi. Đừng chờ đợi! Gió không tự nhiên sinh ra. Chúng ta có thể tạo nên luồng gió lớn bằng chính những điều tốt đẹp nho nhỏ trong cuộc sống. Hi vọng rằng đã đến lúc kết thúc trong cực điểm của tất cả hận thù, phán xét, khủng hoảng, mê muội, hi vọng rằng bạn nhìn lại và thấy sự vô nghĩa của tất cả những điều đó, để rồi chúng ta sẽ cùng nhau kiến tạo vùng đất chúng ta đang sống ngày một thịnh vượng hơn và tự do hơn.
Cuối cùng, chúng tôi chúc các bạn đủ dũng cảm để nhìn thế giới như nó đang là, đủ trí tuệ để hiểu rõ định mệnh của mình, đủ yêu thương để thấy cả thế giới này như một thể thống nhất, và đủ con người để thấy rằng mình cần trở nên lý tưởng.
Hà Thủy Nguyên
(11h08 – 31/12/2013)
bài viết rất hay, như là một giải pháp rõ ràng chứ không là lời than thở, cảm ơn bạn !