Mượn bối cảnh là giai đoạn lịch sử dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông, “Cầm thư quán” là một câu chuyện vừa huyền ảo mộng mị vừa đầy khoái lạc tiêu dao. Đọc cuốn sách nhỏ này tôi cứ hình dung đến cảnh tiêu dao tự chủ, coi nhẹ vinh hoa phú quý phù phiếm ở đời; thêm tinh thần phóng khoáng, yêu tự do và những theo đuổi, tìm kiếm những điều đẹp đẽ trong đời của bậc tao nhân mặc khách.
Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 2008, nxb Phụ Nữ. Tới 2018 được tái xuất giang hồ bởi Book Hunter.
Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh thời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông, xoay quanh các mối quan hệ của hai nhân vật chính là chủ quán của Cầm Thư quán, là Thư Cầm và Ngọc Cầm, hai chị em tài sắc vẹn toàn, khi nói rằng toàn thân họ là thơ là nhạc cũng ko có gì quá lời.
Cầm Thư quán là một thủy đình giữa hồ Tây, chen giữa ngát sen và mênh mông sóng nước. Ở Cầm Thư quán có sách, trà, rượu, thơ và tiếng tỳ bà có một không hai của nàng Ngọc Cầm. Tiếng đàn đó là thứ âm thanh kỳ diệu, lạ lùng, vừa thanh thoát mà xen chút ma mị hồ ly, là âm thanh của chuỗi ngọc trai đứt rơi từng hạt xuống nền đá hoa cương.
Trong một đêm thanh vắng giữa hoàng cung bốn phía tường thành, chính lúc đang say sưa thưởng thức nàng thơ tưởng như tuyệt thế giữa bát nháo hậu cung, tiếng đàn kỳ lạ ấy bỗng đâu vẳng vào hoàng cung, như rơi từ ko trung xuống… Tiếng đàn đã mê hoặc vua Hồng Đức, khiến ngài chợt thấy mọi thứ đang hiển hiện trước mắt thật tầm thường, chỉ có tiếng đàn kia mới thực vừa thần tiên lại vừa ma mị như chốn cõi mơ. Ngài quyết đi tìm, nhưng khắp hoàng cung ko ai là chủ nhân của tiếng đàn ấy. Hay ngài mộng du mà tự mình rơi vào mộng mị? Quả nhiên, nhà vua ko khỏi nghĩ mình đã mộng gặp hồ ly.
Tình cờ thay trong một lần vi hành cùng cặp đôi giai nhân tài tử là vợ chồng Ngô Chi Lan và Phù Thúc Hoành, vua Hồng Đức lần đầu được ghé thăm Cầm Thư quán.
Người đầu tiên nhà vua gặp mặt là Thư Cầm, trông đã sắc nước hương trời nhưng khiến nhà vua sững sờ chính là tiếng tỳ bà từ bên trong thủy đình cho đến khi Ngọc Cầm xuất hiện.
Quái lạ thay, nàng ngồi đàn giữa thủy đình bốn phía mênh mông nước mà thanh âm ấy bay tận vào chốn hoàng cung cao cổng kín tường. Là mối duyên kỳ lạ hay là ý trời cho ngài được biết thế nào là “mỹ” ở đời?
Chỉ bằng 1 bài thơ sau lần gặp mặt đầu tiên, 2 chị em Thư Cầm và Ngọc Cầm đã biết người ghé thăm hôm nọ ko phải là kẻ tầm thường và rằng, với khí chất của bài thơ ấy thì tác giả chắc chắn là bậc đế vương.
Nhưng đế vương thì sao? Ở Cầm Thư quán có trà, rượu, thơ, nhạc và sen. Tuyệt ko cần biết ai là vua ai là dân. Đúng ra thì đối với Ngọc Cầm, người đó là vua hay ko là vua, đối với nàng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Dù biết tiêu dao hưởng thụ cuộc sống này giữa thủy đình đầy tự chủ chốn mênh mông hồ Tây, nàng vẫn luôn mơ một giấc mơ về biển lớn. Đó là giấc mơ được sảng khoái, vẫy vùng như loài cá Côn ở vùng biển Bắc: “Bể Bắc có loài cá Côn. Bề lớn của Côn, không biết nó mấy nghìn dặm! Hóa mà làm loài chim, tên nó là Bằng. Lưng của Bằng, không biết nó mấy nghìn dặm! Vùng dậy bay, cánh nó như đám mây rủ ngang trời. Loài chim ấy, bể động thì sắp rời sang bể Nam. Bể Nam là ao trời.”… “Khi Bằng rời sang bể Nam, nước sóng sánh ba nghìn dặm! Nó liệng theo gió lốc mà lên chín muôn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ…” (trích Nam Hoa Kinh, Trang tử).
Bằng sự kiên trì theo đuổi với tất cả mối tình si, cuối cùng thì nhà vua cũng được mỹ nhân đón nhận. Nàng đón nhận ngài chỉ vì sự say đắm của ngài với tiếng đàn của nàng mà khiến nàng cảm động. Nam nhân muôn đời vẫn nhầm lẫn, đối với nữ nhi như Ngọc Cầm, tiền tài danh vọng hay quyền uy chẳng là gì cả, mà chỉ cần một mối chân thành, thì nữ nhi như Ngọc Cầm nguyện tự mình đáp lại chân tình.
Mọi thứ tưởng chừng tới đây sẽ theo hướng hoặc Ngọc Cầm được sắc phong làm phi tần. Hoặc chuyện tình của nàng với nhà vua mãi là 1 thiên dã sử truyền tụng theo giai thoại… thì không. Bởi đã có thứ khiến Ngọc Cầm xao động. Dù bên cạnh nhà vua, bỏ qua sự oai nghiêm của kẻ đứng đầu thiên hạ, Hồng Đức dù là kẻ ưu tú đứng đầu trong những kẻ Nho học ưu tú thì Ngọc Cầm vẫn chưa dứt giấc mộng về biển lớn, chốn vẫy vùng và tụ hội của cái đẹp.
Bức tranh thủy mặc dưới màn mưa những cánh đào hoa nơi chùa chiền ngày du xuân đã khiến tâm trí Ngọc Cầm dậy sóng.
Sự xuất hiện của một nhà sư bí ẩn, một thư sinh ôm mộng hải hồ đã cuốn hai chị em Thư Cầm và Ngọc Cầm vào một vòng xoáy mới của cuộc đuổi bắt chữ “mỹ” trong đời. Không phải nhà vua. Không phải hoàng cung. Dù nhà vua đã sắc phong Ngọc Cầm làm Huyền Phi. Dù nhà vua thừa sức để Huyền Phi làm những điều mình muốn. Nhưng Ngọc Cầm không phải là mỹ nhân dành cho chốn cung đình. Hai chị em nàng không dành riêng cho ai cả.
Cầm Thư quán có thể tự sinh tự diệt. Cũng như Thư Cầm và Ngọc Cầm. Điều quan trọng là ai sẽ cùng ta thưởng thức hết mọi đẹp đẽ trong đời với tâm thế tiêu dao tự tại cùng nhau. Tuế nguyệt chẳng là gì, huống chi danh lợi ở đời.
Đầy tính nhã nhạc, đầy chất thơ và phiêu diêu, tôi hình dung Cầm Thư quán như một làn hương thoảng trong không gian Tây hồ mênh mông trước mặt, nhẹ bẫng mà thơm tho đẹp đẽ thanh khiết đến lạ lùng.
Lý Uyên
Bài gốc: (1) Hội văn học kinh điển | Facebook
*Nguồn ảnh: Fanpage NXB Phụ Nữ Việt Nam