Nếu các ký ức của chúng ta được lưu giữ từ kiếp này đến kiếp khác, chúng ta sẽ sống ra sao? Đó là vấn đề được đặt ra trong TV series khoa học viễn tưởng “Altered Carbon”. Nếu chúng ta bỏ qua những màn hành động bạo lực cần thiết để thu hút người xem thường thấy trên Netflix, những gì sẽ đọng lại trong bạn? Mơ hồ về sự hư vô của con người? Bế tắc trước tương lai? Những suy niệm về bản chất của ký ức và linh hồn?… Còn với tôi, đó là sự đau đớn.
“Altered Carbon” đặt ra một giả định: Ở xã hội tương lai, khoa học đã đạt đến trình độ mã hóa ký ức của mỗi người và truyền tải ký ức ấy từ xác thân này sang xác thân khác. Con người không thực sự chết khi bộ mã hóa ký ức vẫn tồn tại và cái chết chỉ thực sự đến khi ký ức hoàn toàn bị hủy. Nhưng đó không phải là toàn bộ thông điệp của “Altered Carbon”, mà chỉ là vấn đề được đặt ra để từ ấy, nhiều câu hỏi lớn về ký ức và sự tồn tại của cá nhân được nêu lên.
Một xã hội kiểm soát ký ức
Một xã hội kiểm soát ký ức còn đáng sợ hơn sự kiểm soát thông tin. Chính quyền với những kẻ bất tử mãi mãi không buông bỏ quyền lực của mình nắm giữ hệ thống ký ức và xác thân là một ý tưởng kiểm soát kinh khủng. Chính quyền ấy dễ khiến cho chúng ta mơ hồ cảm nhận về lẽ sinh tồn của chúng ta trong đời sống này? Tại sao chúng ta lại sở hữu xác thân này? Tại sao chúng ta không nhớ những ký ức sơ sinh? Tại sao chúng ta có các thói quen bẩm sinh hay năng lực thiên bẩm mà không thể lý giải? Liệu sự đầu thai của chúng ta có được sắp đặt một cách hợp lý hay bị sắp đặt theo một trật tự ngớ ngẩn để phục vụ mưu đồ xấu xa của một thế lực bất tử nào đó?
Ngay cả với những người không tin vào thuyết đầu thai, vẫn sẽ rùng mình trước một xã hội mà lẽ sinh tồn của con người hoàn toàn bị kiếm soát bởi thế lực cầm quyền không thể bị thay thế. Chính quyền ấy có thể thoải mái truy cập vào bộ ký ức của mỗi cá nhân để trích xuất các bí mật. Chính quyền ấy có thể cho phép ký ức nào được hiện diện trên thế giới bằng cách truyền tải vào cơ thể sống và được quyền hủy toàn bộ ký ức của một cá nhân. Nếu trong “1984” của George Orwell, người ta dùng những lời kiểm duyệt dối trá để kiểm soát quá khứ, hiện tại và tương lai thì quá khứ, hiện tại và tương lai trong “Altered Carbon” được kiểm soát bằng điều hướng luồng ký ức. Tức là, những kẻ nắm giữ những ký ức không có lợi cho chính quyền sẽ không có quyền được sống.
Một kiểm soát đáng sợ hơn cả thế đó là chính quyền có thể thay thế sự tồn tại của một cá nhân bằng một phiên bản cá nhân khác. Takeshi Kovacs – nhân vật chính của bộ phim, đã bị quân đội tạo ra phiên bản quá khứ của chính mình. Một đằng là Takeshi chống đối lại chính quyền vì chứng kiến sự kiểm soát độc tài và độc ác của các thế lực, một đằng là Takeshi của quá khứ còn ngây thơ trung thành với chính quyền và lý tưởng hóa bản thân đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ quốc gia. Takeshi hiện tại đánh nhau với Takeshi quá khứ và cả hai đều cho rằng mình mới là Takeshi chân chính. Sự tồn tại của hai Takeshi là âm mưu khiến một cá nhân tự chống lại chính mình cho đến khi Takeshi quá khứ dễ bị kiểm soát thay thế sự tồn tại của Takeshi hiện thực đang bị coi là nguy cơ đe dọa chính quyền. Như vậy, ký ức con người có thể bị sao lưu và các bản sao lưu ấy được sử dụng để tiêu diệt lẫn nhau. Tương lai của một cá nhân bị thay đổi bởi sự thay thế hiện thực của cá nhân ấy. Âm mưu thay thế Takeshi bằng một Takeshi trong quá khứ là sự diễn giải ở góc độ cá nhân của câu văn bất hủ mà George Orwell đã viết về hệ thống toàn trị: “Kẻ kiểm soát quá khứ thì kiểm soát tương lai, kẻ kiểm soát hiện tại thì kiểm soát quá khứ” (Trích “1984”)
Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề!
Ở trong một xã hội con người có thể bất tử mãi mãi nhờ ký ức có thể sao lưu và truyền tải, thì câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” mà William Shakespeare đã đặt ra lại trở nên dằn vặt hơn bao giờ hết. Con người liệu sẽ bất tử bằng việc cố gắng tranh đoạt những thể xác tốt và chiếm nhiều quyền lực hơn để giành cơ hội được truyền tải ký ức vào cơ thể, hay sẽ đấu tranh và mạo hiểm đối diện với cái chết mãi mãi khi ký ức hoàn toàn bị tiêu hủy? Trong “Altered Carbon”, hai xu hướng ấy đều tồn tại. Một bên coi trọng sự bất tử bất chấp mọi giá, một bên đấu tranh chống lại sự bất tử. Sự đấu tranh ấy thậm chí đi đến cực đoan khi nhóm khởi nghĩa đưa ra chủ trương đấu tranh cho quyền và nghĩa vụ của cái chết, tức chấm dứt truyền tải ký ức và bãi bỏ tình trạng thay thế thân xác. Nhưng nghịch lý đó là, để cuộc đấu tranh không kết thúc, người đấu tranh lại chọn cách tiếp tục duy trì sự bất tử của mình. Để rồi, cuộc đấu tranh đi vào bế tắc.
Takeshi không nằm trong cả hai thái cực ấy. Khi còn trẻ, anh tham gia quân đội và theo đuổi lý tưởng bảo vệ quốc gia, bất chấp những nguy hiểm tính mạng. Đến khi, anh nhận ra chính quyền và quân đội mà mình trung thành chỉ toàn là những kẻ giả dối, anh chọn đứng về phe khởi nghĩa, nhưng cũng chẳng quá thiết tha với thông điệp đấu tranh của họ. Thứ gắn kết anh với quân khởi nghĩa chính là tình yêu, và anh cũng chẳng màng sống chết để tìm kiếm và bảo vệ người mình yêu. Nhiều lần anh chọn cái chết, nhưng rồi các thế lực khác nhau vẫn không cho phép anh được chết. Anh phải tiếp tục sự sống của mình cùng với toàn bộ nỗi đau, chấp niệm và những ám ảnh. Cuộc đấu tranh của Takeshi rốt cuộc không phải là chọn lựa giữa bất tử hay cái chết, mà là cuộc đấu tranh của anh chống lại những kẻ muốn kiểm soát số phận. Qua hành trạng của Takeshi, ta có thể tự đặt cho mình câu hỏi: Chấp nhận sự sắp đặt của số phận để tồn tại vĩnh viễn hay đấu tranh để chống lại mọi sự sắp đặt để tự do lựa chọn cách sống và cách chết cho mình, điều nào đáng để làm hơn?
Câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?” còn được đặt ra trong số phận của bộ AI có tên Poe. Trong thế giới của “Altered Carbon”, AI đã phát triển tới mức có nhân dạng và có thể tương tác với con người như thể một con người. AI với các chức năng riêng biệt phục vụ cá nhân hoặc tổ chức hoặc chính quyền như một người hầu trung thành. Sự khác biệt giữa AI với con người đó là AI không có thân xác và người ta tin rằng AI không có đời sống cảm xúc. Nhưng Poe là một ngoại lệ. Hệ thống AI Poe không chọn cho mình sự định danh bằng các con số như nhiều AI khác, mà tự chọn cho mình định danh POE với nhân dạng và phong thái giống với nhà văn trinh thám Edgar Allan Poe. AI Poe mê đắm những vần thơ của Edgar Allan Poe và cũng biết vui sướng, đau buồn. Toàn bộ các trạng thái cảm xúc ấy không phải sự mô phỏng mà là sự tự nảy sinh thông qua trải nghiệm về đời sống. Khi Poe đứng trước nguy cơ bị tái khởi động, tức là Poe sẽ bị xóa sạch các ký ức mà chỉ giữ lại những kỹ năng và thông tin, Poe đã rất đau khổ và dằn vặt. Poe tiếc nuối những ký ức rất con người mà mình đã trải qua, và hơn cả thế, Poe hoang mang không rõ về bản chất tồn tại của mình: liệu Poe có còn là Poe khi ký ức không còn?
Nhưng đeo đẳng nỗi đau và chấp niệm mãi mãi thực sự là lời nguyền của quyền năng bất tử. Với những kẻ yên ổn chọn cho mình đơn giản là sinh tồn thì bất tử là diễm phúc, nhưng với một người phải hứng chịu mọi tra tấn của số phận và những tổn thương phải chịu đựng thì bất tử là địa ngục. Nỗi đau bào mòn tinh thần sống, chỉ còn một chuỗi chán nản và vô định nhưng lại không thể chọn cái chết vì những chấp niệm được khoác cái vỏ trách nhiệm và thù hận vẫn níu giữ. Cố gắng buông bỏ không phải là lựa chọn đúng đắn, chỉ có thể tiếp tục chịu đựng đau khổ để đi đến tận cùng chấp niệm, để có thể tự giải phóng mình khỏi thứ ràng buộc tâm trí này. Đây là tầng đấu tranh sâu hơn: cuộc đấu tranh của bản thân với những chấp niệm, và ở tầng đấu tranh này, “Tồn tại hay không tồn tại?” đã trở nên vô nghĩa. Một điều đáng tiếc, tầng đấu tranh này không thực sự được khai thác xứng đáng trong TV series “Altered Carbon”. Khía cạnh này bị “sến hóa” bằng chấp niệm tình yêu của Takeshi và những dằn vặt buông bỏ hay không buông bỏ chỉ được hình tượng hóa bằng nỗi ám ảnh về người mình yêu của anh ta, dù rằng tình yêu cũng đáng để là một chấp niệm.
Với tất cả những vấn đề được đặt ra ấy, “Altered Carbon” là bộ phim có thể khiến tôi im lặng sau những ồn ào của giết chóc. Bộ phim đã chạm thẳng vào một vấn đề quan trọng của tôn giáo: thuyết luân hồi. Theo thuyết luân hồi, chúng ta không thực sự chết, dòng tâm thức của chúng ta tức ký ức theo ta đầu thai vào một xác thân mới. Thế nhưng, vì một lý do nào đó, chúng ta không nhớ được các ký ức kiếp trước của mình, trừ một số bậc tu luyện. “Altered Carbon” hẳn được truyền cảm hứng từ luân hồi, và đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta luân hồi mà không quên toàn bộ các kiếp sống của mình. Trong toàn bộ chuỗi luân hồi ấy, con người vẫn còn nguyên vẹn Tham Sân Si, chẳng thể trưởng thành. Sự trưởng thành tinh thần chỉ thực sự đến khi từ bỏ quyền năng bất tử của chính mình.
Hà Thủy Nguyên