Home Bình Luận BI KỊCH CỦA CÁI ĐẸP TRONG PHIM “BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ”

BI KỊCH CỦA CÁI ĐẸP TRONG PHIM “BÁ VƯƠNG BIỆT CƠ”

Tôi xem “Bá Vương Biệt Cơ” của Trần Khải Ca không ít lần. Lần đầu xem bộ phim, khi ấy tôi mới học năm thứ nhất đại học, tôi đã khóc vì thương cảm cho số phận của anh chàng diễn viên Trình Đắc Di. Thế rồi tôi tìm hiểu thêm về Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, tôi đọc thêm về một thời đại đen tối kéo dài trong các nước nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản, lúc đó tôi mới biết rằng Trình Đắc Di chỉ là một trong số những nạn nhân của thời đại ấy. Tội lỗi của Trình Đắc Di và những người anh ta đại diện là gì? Tại sao các lực lượng Cộng Sản bấy giờ lại muốn tận diệt họ đến vậy? Và nhiều lần xem phim sau đó, tôi đã khóc thương cho một lớp người.

“Bá Vương Biệt Cơ” vốn dĩ là tên một vở tuồng cổ trong Kinh Kịch, tái hiện lại cảnh ly biệt giữa Sở Bá Vương và Ngu Cơ. Trình Đắc Di và Đoàn Tiểu Lâu là hai diễn viên nổi danh diễn vở tuồng này. Trình Đắc Di chuyên diễn Ngu Cơ, và đã hóa thân toàn bộ tinh thần của mình vào vai diễn. Anh yêu Sở Bá Vương và cũng yêu Đoàn Tiểu Lâu. Mỗi khi Đoàn Tiểu Lâu ở bên cạnh Đắc Di, Tiểu Lâu lại trở thành một võ  tướng hiệp nghĩa, nhưng khi quay trở về với đời sống bình thường anh ta lại bạc nhược và tầm thường. Tiểu Lâu lấy Diệu Linh, một cô gái điếm làm vợ. Đắc Di cảm thấy rất đau lòng và hận, dù cho Diệu Linh không ít lần giúp đỡ Đắc Di. Ngay cả trong cuộc sống với người vợ gái điếm của mình, Tiểu Lâu cũng thể hiện sự tầm thường bởi anh ta không thể đưa ra được quyết định. Con người anh ta được định nghĩa và dẫn dắt, hoặc bởi Đắc Di hoặc bởi Diệu Linh. Vậy mà hai “tri âm tri kỷ” của Tiểu Lâu vẫn cứ  đồng nhất Đoàn Tiểu Lâu với nguyên mẫu anh hùng.

Những mâu thuẫn tay ba trong mối tình của Đắc Di – Tiểu Lâu và Tiểu Lâu – Diệu Linh sẽ cứ thế tiếp diễn trên nền những sự kiện phức tạp nhất của lịch sử Trung Quốc những năm giữa thế kỷ 20. “Bá Vương Biệt Cơ” và  những vở kinh kịch khác vẫn được diễn từ những ngày tàn của nhà Thanh, cho đến quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, qua thời Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch cầm quyền và cuối cùng là đến thời Hồng quân của Đảng Cộng Sản chiếm đóng Bắc Kinh. Quan lại và quý tộc nhà Thanh  yêu thích và hậu đãi kinh kịch, quân Nhật cũng tỏ một thái độ kính ngưỡng với Kinh Kịch và không giấu được sự thán phục trước vẻ đẹp của vở “Bá Vương Biệt Cơ”. Quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tuy lỗ mãng như bầy khỉ nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận sự tồn tại của Kinh Kịch và để Trình Đắc Di, Đoàn Tiểu Lâu tiếp tục giữ vị trí thống soái. Tới đó, người ta có cảm giác rằng Kinh Kịch là bất diệt, cái đẹp có thể chinh phục mọi thế lực tàn bạo nhất. Và “Cộng Sản cũng phải xem hát tuồng”. Nhưng không! Khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp quản chính quyền, vị thế của mọi chuẩn mực về cái đẹp đã không còn như xưa.

Vở “Bá Vương Biệt Cơ” một lần nữa được diễn trên sân khấu để phục vụ những “đồng chí” Cộng Sản. Những “đồng chí” này ngồi nghiêm như quân đội Nhật nhưng thậm chí còn không phân biệt được khi nào vở diễn kết thúc và không hiểu gì. Sau đó, Trình Đắc Di và Đoàn Tiểu Lâu, cùng với các chuyên gia Kinh Kịch được mời làm cố vấn cho các vở tuồng hiện đại của Cộng Sản. Ngay trong buổi góp ý, Đắc Di đã nhận xét rằng những vở hiện đại quá xấu xí, quá nhàm chán từ trong thiết kế sân khấu đến nhân vật. Anh cho rằng, người ta xem tuồng là để xem cái đẹp tuyệt đối, để xem sự hoàn hảo, chứ không phải để xem những thứ xấu xí và tầm thường. Nhân vật chính của các vở diễn phải là những anh hùng, mỹ nhân, tài tử… thể hiện những nét đẹp của nhân cách. Mọi chi tiết phải tuyệt mỹ, mà như Trình Đắc Di nói: “Mỗi âm thanh đều là bài hát, mỗi cử chỉ đều là điệu múa”. Và muốn vậy, người nghệ sĩ phải khổ luyện. Muốn đạt đến chuẩn mực dù là nhân cách hay tài năng, người ta buộc phải khổ luyện. Những vở tuồng hiện đại quá dễ dãi và người ta không cần phải khổ luyện để đạt tới chuẩn mực ấy. Đứa trẻ mà Đắc Di đã từng nhận nuôi, Tiểu Sĩ, giờ đây theo Cộng Sản. Hắn thoát khỏi những ngày khổ luyện để trở thành một nghệ sĩ nhân dân, một nghệ sĩ Cộng Sản. Hắn đại diện cho tiếng nói của trào lưu nghệ thuật bài trừ cái đẹp, gạt bỏ mọi sự khổ luyện, phản bội lại thầy của mình. Hắn tước đoạt vai diễn Ái Cơ của Trình Đắc Di; đem Đắc Di, Tiểu Lâu và các diễn viên Kinh Kịch ra đấu tố giữa đường, đốt bỏ những bộ trang phục Kinh Kịch.

Đó là vào lúc đỉnh cao của đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, khi mọi giá trị bị coi là “phong kiến”, từ cái áo đẹp cho đến chiếc ly ngọc đều bị hủy bỏ. Cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc này đã tiêu hủy các giá trị như sách vở, nghệ thuật, tri thức, văn hóa cổ truyền Trung Hoa và những ảnh hưởng của phương Tây lên đất nước này. Các trí thức, tiểu tư sản, nghệ sĩ phải đi lao động cải tạo, phải chịu tù đày, thậm chí là mất mạng. Mọi sản phẩm văn hóa đều phải phục vụ tầng lớp công nông binh, những sản phẩm văn hóa mà như Đắc Di đã từng nhận xét là xấu xí và tầm thường. Cơn càn quét này ảnh hưởng tới Việt Nam suốt một thời gian dài từ sau Cải cách ruộng đất đến trước Đổi mới. Có thể nói, đây là một cuộc biến loạn kinh thiên động địa nhất, quét sạch mọi cái đẹp từ nghệ thuật tới nhân cách. Trong cơn càn quét này, Tiểu Lâu – người đã một thời đóng Sở Bá Vương đã mất đi toàn bộ khí khái của mình, sẵn sàng đấu tố Đắc Di và người vợ của mình là Diệu Linh. Anh ta đã suy thoái, trở thành một phần của đám đông Cộng Sản. Diệu Linh quá đau khổ, không phải vì hành vi phản bội của Tiểu Lâu mà vì nhận ra rằng nguyên mẫu anh hùng trong lòng mình đã sụp đổ, nên cô tự tử để không chứng kiến thêm bất cứ sự sụp đổ nào nữa. Đắc Di vẫn tiếp tục sống trong tuyệt vọng, trong những hồi ức đẹp đẽ của Kinh Kịch. Anh không đầu hàng Cộng Sản, không chấp nhận cái xấu. Xã hội không ai tôn sùng cái đẹp nữa thì anh sống trong ký ức về nó.

Cuối phim, Trình Đắc Di chọn  lấy cho mình cái chết trên sân khấu. Cơ hội được diễn lại “Bá Vương Biệt Cơ” lần nữa lại trở thành màn diễn cuối cùng. Cái chết ấy không phải cái chết tuyệt vọng mà là cái chết của sự hoàn hảo. Đắc Di không muốn chết trong sự tầm thường. Trước đó, anh nhiều lần nghĩ về cái chết của mình, cũng không ít lần muốn chết. Ái Cơ Trình Đắc Di nhiều năm chứng kiến Sở Bá Vương chết về mặt nhân cách trong đời sống để rồi khi họ gặp lại nhau trên sân khấu, Đắc Di đã hoàn toàn đồng nhất mình với Ngu Cơ và hát những lời cuối:

“Hán binh dĩ lược địa,

Tứ diện Sở ca thanh.

Trượng phu ý khí tận,

Tiện thiếp hà liêu sinh”

(Dịch: Quân Hán lấy hết đất/Khúc Sở vang bốn bề/ Trượng phu chí khí cạn/Tiện thiếp sống làm chi)

Bi kịch lồng bi kịch, sự bi hùng của vở diễn “Bá Vương Biệt Cơ” lồng giữa nỗi đau thân phận của Trình Đắc Di và xen lẫn với nỗi đau của những cái đẹp khi đứng trước ngày tàn. Tất cả tạo nên âm hưởng vừa bi tráng, vừa lãng mạn, vừa đau thương khiến người xem không thể tiết chế được các thang bậc cảm xúc vừa thán phục, vừa say đắm, vừa phẫn nộ, vừa buồn thương, vừa tiếc nuối.

Nhiều cây viết phê bình điện ảnh thường chú ý đến khía cạnh đồng tính của Trình Đắc Di và áp vào anh những mặc cảm tâm lý. Lối phê bình này thật thô thiển và làm mất đi tất cả những gì tuyệt mĩ nhất ở Trình Đắc Di. Đắc Di yêu Đoàn Tiểu Lâu nhưng thực ra là yêu hình bóng anh hùng trong vai diễn Bá Vương. Anh ta đồng nhất bản thân với Ái Cơ và đạt đến sự tuyệt mĩ cả vẻ bề ngoài, tài năng và tinh thần. Tấm chân tình của anh là dành cho cái đẹp. Những ức chế về giới tính không phải chủ đề chính của bộ phim này. Bởi vậy, chúng ta không nên trói buộc vẻ đẹp của Trình Đắc Di trong những ngôn từ như “nữ tính” hay “đồng tính”. Anh ta chỉ  biến cuộc đời mình thành một vở kịch mà trong đó anh ta vẫn giữ nguyên tắc của mình: “Mỗi âm thanh đều là bài hát, mỗi cử chỉ đều là điệu múa”.

Xu hướng duy mỹ là một xu hướng cổ điển. Bi kịch cổ điển phương Tây từ sau Shakespeare đều hướng đến sự tuyệt mỹ. Các vở Opera cổ điển cũng luôn hướng tới sự tuyệt mỹ. Văn chương, thơ ca cổ điển đều lấy sự hoàn hảo của ngôn từ làm tiêu chí. Xu hướng này, từ sau thời Khai Sáng đã phải đối mặt với những cơn sóng hiện đại hóa với các lý thuyết về công bằng, về tính đại chúng, những thứ “vị nhân sinh”. Cơn sóng hiện đại hóa ấy đã hóa thân thành những thứ cách mạng đám đông, giáo dục đại chúng, nghệ thuật hiện đại (sau này là hậu hiện đại) và hóa thân thành con ác quỷ có tên Chủ nghĩa Cộng Sản. Con ác quỷ này khi mạn xu hướng duy mỹ, chà đạp và tận diệt cái đẹp. Sự tầm thường sợ cái đẹp, ghét cái đẹp, oán hận cái đẹp bởi cái đẹp một khi thống trị sẽ không cho phép con người  được quyền thoải mái với sự tầm thường của mình, bởi thế, sự thống trị ấy phải bị lật đổ. Khi nó càn quét đến Trung Quốc, những gì đẹp đẽ trên thế giới cũng đang tan vỡ với sự lên ngôi của văn hóa đại chúng. Bi kịch của Trình Đắc Di, bởi thế không chỉ đại diện cho các trí thức, nghệ sĩ dưới thời Cộng Sản mà còn đại diện cho con người duy mĩ cổ điển trước làn sóng tầm thường hóa của chủ nghĩa hiện đại.

Nỗi đau của Trình Đắc Di tưởng như đã là dĩ vãng khi con ác quỷ Cộng Sản đã suy yếu. Nhưng không, con quái vật ấy chỉ là kết tinh của sự tầm thường hóa mà thôi. Sự tầm thường hóa vẫn đang tiếp diễn, và sẽ đến một ngày kết tinh lại thành một cái gì đó khác không có tên Cộng Sản. Cái đẹp còn chưa kịp phục hồi sẽ vẫn phải tiếp tục cuộc chiến của mình. Điều đau đớn là, những người đại diện cho cái đẹp lại quá thờ ơ, quá ngạo mạn và không thể biết trước cũng không thể chống lại được sự tấn công từ sự tầm thường. Trình Đắc Di cảm thấy bất lực trước đám đông dữ dội ấy. Phải thôi, nếu cái đẹp cũng vác gươm vác giáo để tiêu diệt sự tầm thường thì chẳng phải cũng đã trở nên tầm thường hay sao? Thôi thì, cái đẹp đành đơn độc. Và gìn giữ cái đẹp trong sự đơn độc cũng là một cuộc chiến thầm lặng và bi tráng.

Hà Thủy Nguyên

Các bạn có thể nghe ca khúc “Khi tình yêu trở thành dĩ vãng” của Trương Quốc Vinh với các hình ảnh trong phim “Bá Vương Biệt Cơ”

“HUYỀN THOẠI 1900” – KHI CÁI ĐẸP KHÔNG MUỐN HẠ PHÀM

Bạn có nhớ bộ phim được giải Oscar nổi tiếng “The pianist” (2002) với hình ảnh anh chàng nhạc công piano phải lưu lạc trong chiến tranh và chơi những phím đàn tưởng tượng? Cảnh ấy có làm bạn cả thấy cảm động và thốt lên vì sự sáng tạo tuyệt vời của đạo diễn? Bạn có biết, từ trước đó, chi tiết giống như vậy đã xuất hiện trong bộ phim “Huyền thoại 1900” (1998). 1900 là tên của một anh chàng chơi piano