Những nấm mộ được xếp thẳng hàng như một khu chung cư cao cấp giữa cánh đồng hoang. Người ta vẫn thế chỗ những nấm mộ bằng khu chung cư để rồi cuối đời, khi hơi thở đã tận, người ta lại về với dãy mộ thẳng hàng.
Cỏ xanh xơ xác bụi. Ngày thanh minh nắng gắt.
Mâm cỗ cúng trơ trơ con gà luộc mắt trắng dã bên cạnh đĩa xôi có hình của một nấm mộ hoang tí hon. “Sẽ thế nào nếu người ta luộc người trước khi đen chôn?” Tôi tự hỏi và nhìn chăm chăm vào con gà luộc đang cố hếch cái đầu lên ngậm bông hoa hồng như thể mĩ miều lắm. “Tại sao lại là gà luộc?” – “Để người ta có thể nhìn đắm đuối cái mắt trắng dã của con gà chăng?”
Tôi khựng lại trước tiếng kèn ò í e thảm thiết vang vang từ chiếc loa rè. Nếu là một chiếc loa xịn có lẽ không tang thương đến thế. Chiếc loa rè giống như một ông già sắp chết, có thể vọng lại tiếng âm hồn từ thế giới bên kia, xa vắng, xa vắng… xa… và xa… người chết nay vắng bóng… nhưng lòng vẫn lưu luyến trần gian. Tôi tách khỏi đám ma trước mặt, để nó mờ dần như một bức họa đã phai nhạt. Đời mỗi người đều phải đi nhiều đám ma tới nỗi chúng in hằn vào trong não từng ấn tượng, từ con gà luộc tới nấm mộ, từ tiếng kèn cho đến tiếng khóc ỉ ôi không rõ là của người đưa tiễn hay của âm hồn đang níu kéo. Cứ thể như âm hồn càng níu kéo thì tiếng khóc càng ỉ ôi vậy? Níu kéo điều chi? Ai khóc cho con gà luộc? Người ta sẽ cười khi con gà được chặt ra từng miếng, mời nhau trên bàn cỗ với vẻ lịch sự kiểu quê, chỉ người dưới mộ là im lặng giữa bốn bề hư vô đối diện với một thế giới vô minh của bản thân.
Thân xác nằm sâu dưới tấc đất là cỗ bàn của loài sâu bọ. Chúng rúc rỉa từng tế bào cho đến khi người chết chỉ còn là một đống xương khô. Kìa nhìn xem, sâu bọ ăn cỗ, người đi đưa đám cũng ăn cỗ. Tưng bừng xoay quanh cái chết. Con gà luộc và người chết đều không cảm nhận được nỗi đau bị cắn xé, bị ngấu nghiến. Thứ người ta ăn chỉ là một xác chết đã khô héo của con gà, thứ loài sâu bọ ăn cũng chỉ là thân xác đã tàn tạ tới mức mọi đau đớn đều vô nghĩa.
Tôi thường đứng từ xa quan sát người ta ăn cỗ. Mỗi bàn có sáu người, ngồi quây lại cùng nhau, có thể quen biết hoặc không. Phải đủ sáu người, phục vụ mới bày cỗ. Bên bàn cỗ, từ không quen biết sẽ thành quen biết cả. Nhưng ngay sau đó, khi dùng tăm xỉa miếng thịt cuối cùng dắt trên răng có lẽ họ sẽ chẳng nhớ mình đang nói chuyện với ai. Kệ! Cứ nâng ly! Cứ gắp mời nhau! Cứ nói chuyện bả lả. Chỉ vài năm nữa thôi, có thể tất cả những người ngồi chung mâm cỗ này đều có thể thành cỗ cho loài sâu bọ. Sâu bọ không ý thức được rằng xác chết kia là xác chết, chúng chỉ biết đó là thức ăn. Loài người chúng ta cũng vậy, chúng ta đâu biết rằng mình cũng đang ăn xác chết của bao loài sinh vật khác trên bàn cỗ, trong bữa cơm hàng ngày, trong các nhà hàng…v…v…
Người 1 nói:
– Thịt gà ngon thật? Gà dai mà ngọt! Gà công nghiệp vừa nhạt vừa bã, ăn chán lắm!
Người 2 nói:
– Ông cụ sống có phúc lắm đấy, khu mộ đẹp quá! Bốc mộ xong thì nghe đâu sẽ xây lên hoành tráng lắm!
Người 3 nói:
– Nhà này đông con cái, lại làm ăn tốt, xây cho ông cụ cái nhà đẹp quá! Không biết sau này nhà nào hưởng nhỉ?
Người 4 nói:
– Chính ra nên hỏa thiêu ông cụ! Để sâu bọ ăn khổ lắm! Đau một lần còn hơn!
Người 5 nói:
– Gà ở quê bới sâu bới giun ngoài vườn ăn, nên thịt chắc lắm! Gà ăn cám thì ăn ra gì? Tối thiểu cũng phải ăn ngô thì thịt mới ngon.
Người 6 nói:
– Nào, mời các bác! Cụng ly vì đám ma suôn sẻ, trời đẹp, mộ đẹp! Uống cho người ra đi được thanh thản…
Bầy ruồi vo ve quanh cỗ bàn chỉ đợi bầy người mải buôn chuyện là lao vào rúc rỉa. Chúng bất chấp từ mâm trưởng tộc và các lũ trưởng thượng cho đến lũ trẻ ranh chẳng biết cái gì vẫn cười hềnh hệch suốt đám ma. Bầy ruồi không biết phân thứ bậc, chúng chỉ biết ăn. Bầy người biết phân thứ bậc, nhưng chung quy lại cũng chỉ để ăn cỗ. Nắng càng gắt, ruồi bay càng đông, người nói chuyện càng rôm rả. Vo ve, vo ve, cho quên cơn nắng gắt.
Tôi mường tượng về cái chết của mình. Sẽ như vậy ư? Tất cả màn kịch này? Tiếng vo ve này? Tiếng ò í e ngoài mộ? Những cơn khóc theo nhịp của nghi lễ? Tôi sẽ bị ăn như con gà kia trong một tương lai nào đó.
– Này, vào đây ăn đi chứ! – Tiếng ai đó gọi tôi. Họ lôi tôi xềnh xệch, dí tôi xuống mâm cỗ cho đủ sáu người – Không phải khách khí đâu!
Tôi cả nói được câu nào, chỉ biết cười ngớ ngẩn. Cái cảm giác mình như loài sâu bọ đang ăn xác chết trên bàn cỗ khiến tôi rùng rợn không cầm được đũa. Tôi mặc cho lũ ruồi bâu lấy miếng thịt gà trơ xương người ta gắp cho tôi. Tiếng của họ lạo xạo trong tai tôi lẫn lộn với tiếng ruồi vo ve, vo ve.
– Bao giờ có đứa nữa thế cháu? – Một bà già hỏi tôi!
Tôi giật mình đáp lấy lệ rằng tôi chưa muốn đẻ thêm con. Tôi giật mình kinh hãi. Bà già kia có cái đầu giống với những con ruồi, con bọ. Tôi đưa mắt nhìn quanh, tất cả đều có cái đầu như thế. Chúng nhung nhúc, nhung nhúc ăn ngấu nghiến. Tôi bất giác nhìn vào bàn tay của mình, may quá vẫn còn mỗi bàn năm ngón. Tôi đưa tay sờ lên mặt. Vẫn da thịt mềm mại căng mịn nhờn nhờn bã mồ hôi. May quá! Mình chưa phải sâu bọ.
Tôi bỏ đũa đứng dậy. Cười cười xin rời khỏi bàn tiệc. Những người cùng bàn lại lao xao.
Đầu ruồi 1 nói:
– Ở lại ăn thêm đã! Thịt gà ngon lắm! Gà quê không như gà thành phố đâu!
Đầu ruồi 2 nói:
– Làm thêm miếng xôi đã nào! Xôi dẻo lắm ấy! Ăn cho nó chắc bụng không lại bảo đi ăn cỗ chẳng có gì!
Đầu ruồi 3 nói:
– Ở đây nói cho xong câu chuyện đã! Định khi nào tậu nhà mới?
Đầu ruồi 4 nói:
– Nhà bây giờ ở rộng rãi không? Đi làm phải cố sắm lấy cái nhà!
Đầu ruồi 5 nói:
– Về quê là phải ăn uống nhiệt tình, phải vui vẻ đầm ấm với bà con! Không được giả dối như người thành phố đâu…
Tôi lại một lần nữa sờ lên mặt mình. Bàn nào cũng có đủ sáu cái đầu rồi. Cứ thế, tôi sợ đầu tôi thành đầu ruồi lúc nào không biết. Tôi nhấp nhổm chẳng biết nên ngồi lại hay đứng lên. Xương gà nhởn ra vun thành từng đống ở các mép bàn đều đặn như bày thế trận. Đây là trận gì? Chẳng đủ bảy đống để làm thành Thất tinh trận huyền thoại.
Một con ruồi đậu vào má tôi. Tôi xua tay đuổi đi. Nó bâu lại lên đầu. Tôi lắc đầu nguầy nguậy đuổi đi. Nó vẫn vo ve đợi cơ hội đậu vào. Tôi nhìn vào cái mặt ruồi đang hom hem cười nói với tôi. Ô kìa! Họ không phải đang ăn thịt gà! Họ đang nhai một miếng thịt da trắng phau mịn màng. Họ ăn ngấu nghiến. Một người kết luận:
– Con này chắc lai thành phố! Thịt bở quá, nhưng được cái vẫn ngọt!
Con ruồi vừa nãy tôi xua đi thấy tôi mất tập trung, liền sà xuống đậu trên má tôi. Tôi cảm thấy nó cũng đang rúc rỉa sự trắng trẻo của tôi. Những người dân đầu ruồi vẫn đang nói triết lý:
– Phải ăn bữa cỗ quê mới thành người nhà quê được! Thành phố thì có gì hay? Lạnh nhạt với nhau lắm!
Tôi rùng mình. Chẳng biết mình đã biến thành ruồi chưa? Ăn cỗ quê vui quá nhỉ! Người người ăn nhau cho đến khi tất cả biến thành ruồi. Rồi một lớp con cháu mới được vỗ béo, da thịt trắng mịn màng, cứ bước vào bữa cỗ là sẽ bị ăn cho đến khi lộ ra cái vẻ ruồi.
Tôi buồn nôn. Oẹ thốc ọe tháo. Tôi không muốn nghĩ mình đã ăn linh hồn trắng trẻo của ai đó để biến họ thành con ruồi mà không biết. Oẹ ra mà họ hồi lại được nhân phẩm của mình thì tốt quá. Nếu không, tôi cũng tự cho rằng mình đã thanh tẩy bản thân.
Tiếng người lao xao:
– Hay là nó nghén rồi?
– Có khi là say nắng?
Tôi ngước mắt lên nhìn. Ồ, không phải bầy ruồi, vẫn là bầy người. Họ đang nói cười rôm rả bên cỗ bàn. Tôi ngồi xuống bên bàn nước chè gần với ban thờ. Bức ảnh người chết đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhìn khắp căn nhà. Đó là một căn nhà xây theo kiểu mới với gạch và xi măng, trát vôi màu vàng nhạt. Trong phút chốc tiếng ồn ào lùi xa bên ngoài, tôi phóng con mắt lên đỉnh trần nhà, nhìn chằm chằm tới nỗi mắt tôi đã dí đến sát trần. Có khi nào mắt người chết bật mở và cũng nhìn lên nắp quan tài như tôi nhìn lên trần nhà không? Họ sẽ sợ hãi hay vô cảm. Tôi thì vô cảm! Tôi ước được chết trước khi biến thành ruồi. Thà rằng làm món thức ăn cho bầy sâu bọ xâu xé còn hơn biến thành một phần trong số chúng.
Hà Thủy Nguyên