Tôi sinh ra trong những năm đầu Đổi Mới và được vây quanh bởi một không khí những người Cộng sản tử tế và hiền lành. Lúc tôi lớn lên một chút, có nhận thức riêng, khoảng 12 tuổi, cuốn sách đầu tiên khiến tôi đặt vấn đề nghi ngờ về đời sống tuyệt đẹp mà tôi đang có, đó là tập nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng bị vứt lăn lóc trong góc Thư viện Hà Nội. Tôi chọn đọc nhật ký của ông, bởi vì tôi thích những cuốn tiểu thuyết như “Sống mãi với thủ đô”, “Đêm hội Long Trì” của ông. Trong nhật ký, ông đã viết về một thời đại mà các nhà văn bạn bè không dám nhìn mặt nhau, không dám trò chuyện… Tôi đã tự hỏi, tại sao những người tử tế có thể khiến nhau trở nên như vậy? Và tôi đã về hỏi bố tôi, bố tôi kể cho tôi nghe về vụ án Cải cách ruộng đất, Nhân Văn- Giai phẩm…v…v… Lúc ấy, tôi mới biết rằng đời không như mình tưởng. Những người tử tế tôi gặp chỉ là một số rất, rất ít ỏi trong xã hội, và họ hoàn toàn có thể bị suy thoái bởi thứ tư tưởng cực đoan đã bị bóp méo không còn giống thứ lý tưởng mà Carl Marx đã dành cả đời để đắm đuối.
Khi tôi còn trong đại học, tôi có nghe về Tập hợp thanh niên dân chủ, tôi đọc các bài viết của họ, tìm hiểu họ. Cùng lúc ấy, tôi đã được nghe về bạo loạn ở Tây Nguyên, tàu Việt Nam bị Trung Quốc bắn, những tranh luận xung quanh sự việc Bauxite Tây Nguyên…v…v… Những người bạn cùng trường Nhân Văn với tôi, họ không đọc cũng không quan tâm gì cả! Họ vẫn chỉ cày ngày cày đêm để đạt điểm cao, để sau này “vinh thân phì da”, và nhìn những người hoạt động dân chủ với ánh nhìn khinh thị, như thể lũ thiên thần ăn bám Chúa cười khẩy trước sự nổi loạn của Lucifer.
Và rồi, tôi đã bước chân vào giới hoạt động dân chủ. Tôi cũng từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhưng không hợp. Tôi đã từng cùng các anh chị NoU đi hoạt động thiện nguyện giúp người dân miền Trung trong đợt lũ, cũng không hợp. Tôi cũng từng tham gia các hoạt động khai dân trí, tức là nói đi nói lại rằng dân chủ là con đường tốt nhất để hướng tới (có thể nói theo các cách khác nhau), tôi cũng không thích. Cảm thấy không hợp, không thích là do bởi tôi có nhu cầu truy tìm sự thật và mong muốn thay đổi bề sâu của một vấn đề hơn là làm những công việc cụ thể. Sau khi tôi rút khỏi những hoạt động ấy một thời gian, rất nhiều vụ scandal của giới dân chủ bắt đầu tràn lan trên giới truyền thông, nội bộ những người dân chủ có nhiều xung đột. Một nhóm người bắt đầu miệt thị những người khác, và tôi đã từng ở trong số ấy. Thay vì phải đấu tranh với chính quyền, họ chuyển sang xúc xiểm và đấu đá lẫn nhau.
Và rồi, như các bạn thấy trên facebooker của các nhà dân chủ, có hai đối tượng họ thường xuyên công kích: Một là những người Cộng sản (bất kể xấu tốt), hai là chính những người hoạt động dân chủ. Các công kích này là công kích cái vỏ ngoài. Bởi vì, chúng ta đang công kích cái căn cước mà họ khoác lên (cái căn cước ấy không có tội), chứ không phải chính bản thân họ. Nếu một người dân chủ nhưng không biết tôn trọng các giá trị con người thì người ấy không hiểu về các giá trị dân chủ nhưng lại khoác trên mình cái áo dán nhãn dân chủ. Điều này cũng giống như rất nhiều người Cộng Sản tồi tệ khác. Những người Cộng Sản theo đúng lý thuyết của Marx phải không có lòng tham, không tư hữu, nhưng những kẻ tham lam lại tận dụng nó cho chiến lược độc chiếm của công. Và nếu số đông là những người hoạt động dân chủ không biết trân trọng các giá trị con người, không hiểu các vấn đề nền tảng của dân chủ, thì cho dù họ là trí thức hay cần lao, một tương lai xa cho những vụ án như Cải cách ruộng đất, Nhân Văn – Giai Phẩm, Xét lại chống Đảng… là điều có thể nhìn thấy trước.
Vậy thì, vấn đề không phải chuyện ai đó là Cộng sản hay Dân chủ, cũng giống như việc họ là tín đồ tôn giáo hay kẻ vô thần, là người thích giao đãi hay là người khép kín…v…v… Phân biệt như vậy dễ khiến chúng ta bị rơi vào thứ tâm lý bầy đàn bị định hình bởi cái nhãn mác mà ta khoác lên. Các mô hình đều có lý ở một khía cạnh nào đó, và đương nhiên sẽ bộc lộ ra tất cả các yếu kém khi được đưa vào thực tế. Và các mô hình sẽ sụp đổ trong một thời điểm nào đó, rồi sẽ lại trỗi dậy. Thế nên, vấn đề không nằm ở mô hình, mà nằm ở con người. Chính việc con người của chúng ta có để chúng ta trở thành con người hay không, hay là suy thoái như loài zombie, hay là những cỗ máy huyễn hoặc mình là thần thánh, mới mang tính quyết định xem một xã hội có thật sự tốt hay không? Trong bất cứ mô hình xã hội nào, bất cứ cộng đồng được định danh nào, nếu không phải con người đang cầm quyền mà là những con zombie hay những cỗ máy huyễn hoặc kia nắm ưu thế thì sẽ vẫn là hết tệ hại này chất chồng tệ hại khác mà thôi.
Trong các mối quan hệ xã hội của mình, tôi không nhìn vào việc họ là người Cộng sản hay người Dân chủ, họ theo tôn giáo hay vô thần, họ là trí thức hay người lao động ít học…v…v… để đánh giá họ có đáng để mình mất thời gian cho một mối quan hệ bằng hữu hay không. Tôi dựa vào cách họ tôn trọng con người, cách họ tư duy về vấn đề có độc lập hay không, cách họ chịu trách nhiệm về công việc của mình, cách họ tận hưởng cuộc sống…v…v… Có những người luôn đưa ra những tuyên ngôn rất hùng hồn, rất thần thánh, chạy theo những lý tưởng rất cao đẹp, sẵn sàng dấn thân đấu tranh vì một cộng đồng…v…v…, thế nhưng họ không thể suy nghĩ độc lập, họ có thể xót thương cho cả dân tộc nhưng lại không thể thông cảm được với nỗi đau của những người thân thiết, họ có thể nói chuyện về quyền con người nhưng không biết cách đối xử với người khác theo cách của con người, họ có thể đeo đuổi các lý tưởng cao vời nhưng không thể mó tay vào để làm những việc nhỏ nhặt có thể giúp thế giới tốt đẹp hơn…v…v… Những người như thế, tôi không đủ kiên nhẫn để tiếp xúc. Dè bỉu không khiến họ tỉnh ngộ, chỉ khiến họ bám sâu hơn vào những ảo tưởng ấy mà thôi. Vậy thì coi như họ chưa từng tồn tại trước mắt mình là điều tốt nhất, cho tôi và cho họ.
Như tôi đã nói ở trên, một xã hội sẽ tệ hại khi có những con zombie hoặc những cỗ máy ảo tưởng rằng mình là thần thánh nắm quyền. Vậy thì việc đầu tiên để có một xã hội tốt đẹp hơn đó là chúng ta đừng biến mình thành những con zombie hay những cỗ máy (việc chửi bới sẽ khiến chúng ta nhanh chóng trở thành zombie, việc cắm mặt đi theo lý tưởng sẽ biến ta thành cỗ máy). Việc thứ hai, chúng ta là con người, mà con người thì luôn khôn ngoan, phải nắm quyền cai trị bằng việc thiết lập lại các tiêu chuẩn của một xã hội mà con người có thể ở được. Việc thứ ba, với tư cách con người, chúng ta hãy hiện thực hóa tiêu chuẩn ấy bằng mồ hôi và nhiệt huyết chứ không phải bằng những lời hô hào. Và con người phải đấu tranh để mình là con người, được sống trong thế giới con người… Đó là một cuộc hành trình dài không biết đến bao giờ mới là hồi kết.
Hà Thủy Nguyên