Đã lâu tôi không đọc văn học Việt Nam vì thấy rằng chẳng có gì mới. Cho dù có cố vùng vẫy thế nào thì các tác giả nước ta cứ loanh quanh giống một ai đó của phương Tây hiện đại (modernism). Sau đó bắt đầu dội lên cơn sốt Hậu hiện đại (postmodernism) của một nhóm văn nghệ sĩ tân tiến, cái sự giống ấy lại càng được nhân lên nhan nhản. Có lẽ khả năng bắt nhịp với những tư tưởng thời thượng của người Việt luôn nhanh hơn khả năng tư duy và hành động, nên cho dù nền tảng xã hội vẫn chưa đạt được đẳng cấp “hiện đại” thì văn học nghệ thuật đã nghiễm nhiên bước vào hậu hiện đại để “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Một đất nước với những con người chưa được hiện đại hóa nhưng nói ngôn ngữ hậu hiện đại, thật khó tránh khỏi sự bắt chước lố bịch kiểu “Monkey see, monkey do” khiến người đọc cảm giác như mình bị lôi ra làm thí nghiệm cho mấy món ăn hỗn hợp không theo quy tắc nào cả. Và thế đấy, nhiều người xếp Đặng Thân vào đám hỗn hợp ấy. Anh chưa bao giờ nhận mình là một nhà văn hậu hiện đại, anh chỉ cười một cái và im lặng.
Nếu trong “Dị nghị luận – Đồng chân dung”, Đặng Thân phác họa chân dung của rất nhiều “kẻ sĩ” thì bây giờ, với bài viết này, tôi cũng thử cố phác vài nét về anh. Có thể bức chân dung ấy không giống anh mà giống hình ảnh phản chiếu của anh trong trí óc tôi. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định luôn rằng: với tôi, Đặng Thân chẳng dính dáng gì mấy đến cái thứ người ta vẫn gọi là hậu hiện đại, mà ngược lại, cái đó dính dáng đến anh nhiều hơn.
Có lẽ nãy giờ đã xong phần căng toan, phông nền. Trước khi bắt đầu, tôi phải khoe chút kiến thức đã. Vì khi đọc chương 2 về “Kẻ sỹ cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xử”, đọc đến đoạn anh viết về cái chết, tôi chợt nhớ ra một nhân vật kỳ thú mà ít người biết đến: một nhà thơ triết gia La Mã cổ đại thuộc trường phái nguyên tử luận có tên Lucretius. Ông làm thơ giữa những cơn điên loạn và cuối cùng tự sát ở tuổi trung niên. Trong trường ca duy nhất còn lại của ông “Tìm về bản chất tự nhiên”, ông cho rằng các ký tự cũng tựa như những hạt cơ bản. Nếu sự vật này khác với sự vật kia là do sự sắp xếp và liên kết các nguyên tử không giống nhau thì sự sắp xếp các ký tự cũng là dựa trên những nguyên lý như vậy.Tuyệt tác hay tầm thường là cũng là do cách sắp xếp các “nguyên tử ký tự” của tác giả tạo ra mà thôi. Tác phẩm quả thật là sự phản ánh tư tưởng, tư duy và thậm chí mọi vận động của các hạt nguyên tử trong con người của “kẻ sĩ”, bởi vậy mới có câu “văn là người”. Diễn giải lòng vòng cũng chỉ để tôi nói một điều rằng tôi sẽ vẽ ra Đặng Thân bằng việc sử dụng những mảng màu anh dùng để vẽ người khác.
Mở đầu là câu chuyện về tắm rửa. Nào là bàn về trong, về sạch, lôi cả chuyện Sào Phủ – Hứa Do khoe nhau xem ai mới là người trọng thị cái sự “sạch” hơn để rồi tóm lại một câu nói của Sào Phủ “Anh đã làm gì để đến nỗi vua Nghiêu biết anh là người hiền trong thiên hạ mà đón anh ra làm vua?”. Hình như với Đặng Thân, trong đục đằng nào cũng để dòng nước cuốn phăng đi mất. Trong với chả đục.Trong – Đục là chuyện của thế giới hữu hình, mà phàm là vật hữu hình thì kiểu gì chẳng đến ngày tàn lụi, vậy thì bận tâm đến đục trong cũng có để làm gì đâu.Chẳng có gì hay hơn ở chỗ này bằng một cái cười khẩy đầy gợi cảm. Vì dù cho có tắm nước trong nước đục thì cái hành động tắm vẫn luôn luôn gợi hứng.
Đến khi sang đoạn về “Sự bí hiểm”, “Nỗi đau”, “Cái chết” thì các mảng màu có vẻ đa dạng hơn. Anh dường như thấu hiểu cái bi kịch của một đám người “lạc loài” luôn “đầu thai nhầm thế kỷ”, cái lũ người “nhàn rỗi” tới mức cứ bị đẩy sâu vào dòng siêu tưởng bằng những ám ảnh giữa hai miền mơ thực. Từ Trang Tử đến James Joyce, Bùi Giáng – “Búi Jàng”, Đặng Đình Hưng đều cứ lẩn thẩn ngơ ngác chả rõ mình đang mơ hay đang tỉnh và tự hỏi rằng có khi nào lúc ta tỉnh dậy thì biết đâu lại chả rơi vào một giấc mơ khác. Hậu quả của việc chả rõ mình đang mơ hay đang tỉnh đấy là việc chả biết nên xuất xử thế nào cho phải lẽ. Và thế là anh lại ung dung bàn chuyện xuất thế – nhập thế của kẻ sĩ. Nếu A Lịch Sơn Đại Đế và Đặng Mậu Lân, mà cũng có thể Phạm Công Thiện là đại diện cho những kẻ nhập thế hết mình thì Lưu Linh, Henry Miller, Bùi Giáng, Bảo Sinh xuất thế. Nhưng buồn cười ở chỗ, ai ai cũng nhớ cả người xuất thế và nhập thế, và cho dù xuất xử thế nào thì rồi đến đúng thời điểm, các bác cũng xuất cả thôi (Toàn mấy bác giống đực mà). Đã xong phần đôi mắt của Đặng Thân, nhưng quả thực là chẳng biết để đôi mắt ấy ở đâu. À phải rồi, hay lấy vài nét của vị thần đầy dục tính Indra, vị thần nghìn mắt. Giống cái hơn giống đực ở chỗ có 3 con mắt. Có khi phải vẽ cho Đặng Thân nghìn mắt mới đủ, vì anh nói rằng anh không chỉ nam tính mà anh cũng nữ tính đấy sao. Đã vượt qua chuyện giống nọ giống kia thì xứng đáng được gắn vào nghìn con mắt.
Bây giờ thì đến bộ não. Một số nghiên cứu khoa học thực nghiệm cho rằng bộ não không dùng để lưu trữ thông tin mà thông tin được lưu trữ ở một chỗ nào đó ngoài vũ trụ. Hố đen chăng? Đặng Thân viết về hố đen cũng khá thú vị vì nó quả là một sự bí ẩn không thể có lời giải. Và thông tin cũng không hề bị hủy hoại khi đi vào lỗ đen như những dạng vật chất khác. Nếu kho kết nối thông tin quả thực ở ngoài vũ trụ thì thực sự bộ não của Đặng Thân nên được vẽ như một hố đen. Đặng Thân hẳn là một kẻ hỗn độn kinh khủng thì mới chấp nhận được sự hỗn độn của vũ trụ: “bản chất của vũ trụ là hỗn độn. Xưa kia Lão Trang cũng từng phán vậy rồi: Thế giới là hỗn độn. Trong hỗn độn mọi người cùng vạn vật và Einstein/ Khổng Minh được sinh ra. Trong hỗn độn những ý tưởng trác tuyệt đã được Thượng Đế gieo vào đầu những cái đầu xuất chúng. Những ý tưởng của Thượng Đế cũng rất hỗn độn nên làm sao mà có thể minh chứng rạch ròi được nhỉ. Bố khỉ!” Là hỗn độn chứ không phải hỗn hợp. Hỗn hợp là một thứ hổ lốn và đứng im, còn hỗn độn thì luôn loạn động.
Chính vì “bộ não hố đen” này mà tôi mới dám nói rằng hậu hiện đại dính dáng đến anh. Nguyên tắc chính của chủ nghĩa hậu hiện đại dựa trên lý thuyết hỗn độn và tư duy phân mảnh. Đặng Thân vốn là một kẻ đa chiều (đấy là lịch sự không muốn nói rằng anh bị rối loạn đa nhân cách). Chắc vì anh “connect” với quá nhiều luồng thông tin từ vũ trụ chăng? Hoặc rằng anh là một linh hồn già cỗi trên thế giới này, trải qua quá nhiều kiếp luân hồi trong một sự say sưa và sâu sắc đến mức những ký ức kiếp trước vẫn còn hằn in nhiều lớp đậm đặc. Đến khi anh ngồi vào viết, ta thấy lúc thì anh viết như đương thời với Lưu Hiệp (tác giả “Văn tâm điêu long”), lúc thì như đương thời với James Joyce và Oscar Wilde, có lúc lại viết như một nhà thần học hiện đại, và mỗi khi anh văng bậy thì tôi bật cười chợt nghĩ chắc kiếp nào đó anh đã từng là một tên du đãng nên mới có kỹ năng văng nhuần nhuyễn đến thế. Nhưng cho dù có nhiễm bụi Tây đến đâu thì anh vẫn đậm đặc chất phương Đông. Cái cách lý giải từ Đạo đến Nhân sinh rồi đến Tâm là cách tư duy của một học giả thời kỳ Bách gia chư tử. Không thể không kể đến bút pháp “vẽ rồng trong mây” đặc trưng của tranh thư họa nữa chứ. Ta có thể tìm thấy cách anh đặc tả bằng vài đường nét, cốt tả thần chứ không cần phải y chang, trong bất cứ một bức “đồng chân dung” hay “dị chân dung” nào. Nhưng xin thưa, không phải mây đâu, khói thuốc lá đấy. Thêm mịt mờ khói thuốc vào bức chân dung về Đặng Thân nữa là hoàn hảo.
Có lẽ cần một lời bình cho giống tranh thủy mặc (dù tạo hình chẳng giống chút nào). Tôi giở hú họa một trang bất kỳ trong cuốn “Dị – Đồng” này, mắt lướt đến đúng câu sau: “Những ai chưa chịu điên và đã chịu điên đều không nên đọc”.
Hà Thủy Nguyên