Home Tác phẩm & Dự án Dự án Dịch Dự án dịch thuật “Bên kia sợ hãi” của Don Miguel Ruiz

Dự án dịch thuật “Bên kia sợ hãi” của Don Miguel Ruiz

Từ trong làn sương mờ ảo của nền văn minh trước khi Columbus tìm ra Châu Mỹ, văn hóa Toltec hiện ra như một biểu tượng của sự bí ẩn. Phát triển rực rỡ từ năm 950 đến 1150 sau Công nguyên, xã hội bí ẩn này đã trị vì từ trung tâm ở Tula, Hidalgo, Mexico, trong thời kỳ Epiclassic và đầu Hậu Cổ Điển của lịch sử Mesoamerica. Được tôn kính bởi nền văn minh Aztec sau này, người Toltec được coi là những tổ tiên trí tuệ và đạt đến cấp độ văn hóa cao, với thành phố Tōllān (tiếng Nahuatl là Tula) biểu trưng cho đỉnh cao của thành tựu văn hóa và nghệ thuật​​.

Don Miguel Ruiz, một bậc thầy huyền môn, là hậu duệ chính thống của truyền thống Toltec. Ông được đào tạo từ gia đình và qua các thị kiến để trở thành một nagual – một bậc thầy về ý niệm. Miguel Ruiz từng là bác sĩ đa khoa và bác sĩ phẫu thuật, nhưng sau một trải nghiệm cận tử, ông đã chọn con đường tâm linh và bắt đầu truyền giảng tri thức của người Toltec. Qua các hành trình thị kiến và thực hành pháp tu nagual, ông đã giúp nhiều người vượt qua nỗi sợ hãi và tìm thấy sự tự do cá nhân​​.

BÊN KIA SỢ HÃI – Truyền thống tâm linh của người Toltec về giấc mơ, quán niệm và tự do là một tác phẩm ghi lại các chỉ dẫn và tri kiến của Don Miguel Ruiz do Mary Carroll Nelson chấp bút. Cuốn sách mở ra hành trình tâm thức giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi, những bám chấp tiêu cực và đạt được hạnh phúc thực sự. Với những nguyên tắc đơn giản nhưng sâu sắc, như không phán xét, không giả định và luôn giữ lời nói, tác phẩm này hướng dẫn độc giả tìm thấy sự thật bên trong mình và sống một cuộc sống chân thật, tự do hơn.

Cuốn sách không chỉ là một tài liệu về pháp tu nagual mà còn là một hành trình khám phá tinh thần sâu sắc, giúp người đọc vượt qua những giới hạn của bản thân để đạt tới sự tự do và hạnh phúc thực sự. Thông qua BÊN KIA SỢ HÃI, độc giả có thể tiếp cận với minh triết cổ xưa của người Toltec và áp dụng vào cuộc sống hiện đại để tìm thấy sự bình an và tình yêu thương đích thực.

Trích dẫn:

“Theo truyền thống Toltec, vạn vật tồn tại đều là một sinh thể, điều này thể hiện bằng cách tự bản thân nó tạo ra những thứ mà chúng ta có thể nhận thức được và những thứ chúng ta không thể cảm nhận được. Sinh thể này là thực thể duy nhất tồn tại. Tất cả những thứ khác, bao gồm cả bản thân chúng ta, là sự biểu lộ của thực thể tuyệt vời và vĩ đại này.

Thực thể này điều khiển hành tinh của chúng ta bằng dõi theo năng lượng của mặt trời, và mặt trời cũng là biểu lộ của thực thể, trong khi đó tất cả các hành tinh quay quanh mặt trời là biểu lộ của mặt trời. Tất cả sự sống trên Trái Đất là sự biểu lộ của mặt trời trong sự tương tác với Mẹ Đất.

Để thấu triệt sự biểu lộ của sinh thể ấy, người Toltec đã phân chia vạn vật thành nagual và tonal.

Nagual là những điều tồn tại bên ngoài cảm nhận của chúng ta. Chúng ta có thể gọi điều đó là bất khả tri và huyền bí. Tonal là những điều chúng ta có thể cảm nhận bằng cảm quan thông thường.

Tonal và nagual chỉ có thể tồn tại do ham muốn. Ham muốn chính là sự liên kết hoặc nguồn lực tạo ra sự chuyển giao năng lượng giữa nagual và tonal. Không có ham muốn, cả nagual và tonal đều không tồn tại. Sẽ chẳng có gì thực sự tồn tại cả. Ham muốn là sự sống. Đó là sự chuyển hóa bất diệt và tương tác bất diệt. Ham muốn của những gì chúng ta gọi là Thượng Đế. Ham muốn là tự thân sự sống, đó là Thượng Đế và đó là Tâm Linh.”

“Chúng ta khám phá lại những khái niệm như hòa bình, tình yêu và công lý. Chúng ta tạo ra pháp luật. Chúng ta nỗ lực để cải thiện chất lượng sống của loài người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chịu đựng sự thiếu hòa hợp nội tại và chúng ta cần một luồng năng lượng mới để tiếp tục sự tiến hóa tâm linh. Từ tháng Một năm 1992, ánh mặt trời một lần nữa thay đổi. Những rung động của nó khác đi và có thêm nhiều tia cực tím. Chúng ta giờ đây thấy rằng mình đang ở khởi điểm của mặt trời Thứ Sáu. Chúng ta đang chứng kiến sự khai sinh ra loài người Thứ Sáu. Những tiền thân của chủng tộc mới này đang tồn tại giữa chúng ta. Một lần nữa, họ biết giấc mơ gốc về thiên đường trên mặt đất. Trên toàn thế giới, tri thức được lưu giữ từ thời mặt trời Thứ Ba trỗi dậy. Nhiều truyền thống bản địa còn lại của họ được giải phóng, trong khi, song song với đó, các nhà tư tưởng tiến bộ trong giới khoa học và triết học đang khám phá những khái niệm vay mượn từ họ để gây dựng một phong trào toàn diện. Ngày nay, có một sự phát triển toàn cầu của các cá nhân tiến bộ đã có được sự thành thạo về giao tiếp bên trong. Các hóa thân trước đó như đấng Christ, Đức Phật và thánh Krishna, từng là những mẫu hình. Luôn luôn có những bậc thánh sống, nhưng chúng ta quá sợ hãi để chấp nhật sự thật đơn sơ và giản dị rằng: Chúng ta đến từ ánh sáng. Chúng ta thuộc về Thượng Đế. Một khi sự thật này được chấp nhận, chúng ta có thể từ bỏ sợ hãi, ghét bỏ bản thân, tội lỗi, ghen tị và khốn khổ.”

“Gương Khói đã tìm ra cách để ngưng những đau đớn và ông đã dạy người khác trở nên yêu thương sự tồn tại mà họ thực sự là. Ông biết về sự giao tiếp bên trong đã bị hỏng trong thời mặt trời Thứ Ba, khi nhân loại chạm đến đỉnh cao. Ông nhận thức rằng một Quan Tòa và một Nạn Nhân đã bị nhồi nhét vào ý thức của chúng ta bởi các vì thần. Thế rồi sự hoài nghi tự thân đã hủy hoại giao tiếp bên trong. Gương Khói thấy rằng các vị thần đã xâm chiếm tâm trí con người. Họ muốn chúng ta tiếp tục ở trong địa ngục. Các vị thần gây tổn thương tâm trí con người thông qua quá trình thuần hóa mà mỗi đứa trẻ phải trải qua. Một trong số những niềm tin tệ hại nhất được các vị thần cấy vào đó là “Tôi chỉ là một con người”. Dù vậy, con người không hề có giới hạn. Linh hồn con người lớn hơn linh hồn của các vị thần và tâm trí con người cũng bất tử như các vị thần vậy.

Các vị thần cố tiêm nhiễm một cảm giác về sự bất công, điều này giống như một con dao làm tổn thương tâm trí của chúng ta. Bất công tạo ra độc tố cảm xúc gây ra buồn đau, ghen tị và sợ hãi. Sự nhức nhối trong tâm trí bị tổn thương có thể gây đau đớn. Một khi tâm trí bị thương, nó tạo ra độc tố. Khi người khác “chạm vào thương tổn” của chúng ta, chúng ta cảm thấy đớn đau. Chúng ta cố để che đậy và không cho phép bất cứ ai chạm vào những tổn thương, nhưng sự che đậy này là dối trá. Nó giống như áo giáp của chúng ta, một cơ chế chối bỏ và phòng vệ. Chúng ta biết rằng sự bất công đó không hề công bằng và chúng ta cố gắng chạm vào nỗi đau của người khác chỉ để trả đũa mà thôi.”