THI CA LUẬN của Aristotle, một tác phẩm nền tảng trong lịch sử lý thuyết văn học và nghệ thuật, đã vượt qua thời gian để trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai nghiên cứu về nghệ thuật thi ca và kịch nghệ. Được viết vào khoảng năm 335 trước Công nguyên, ảnh hưởng của THI CA LUẬN lan rộng qua nhiều thế kỷ, đến với các nhà lý thuyết, phê bình văn học, và nhà soạn kịch, trở thành nền tảng không thể thiếu trong lý thuyết văn học và phân tích kịch nghệ. Khái niệm về mimesis – mô phỏng, cấu trúc cốt truyện, vai trò của nhân vật, việc sử dụng nhịp thơ… trong việc tạo ra sự đồng cảm là những yếu tố mà Aristotle đã đóng góp cho lý luận sáng tạo.
THI CA LUẬN là một tài liệu học thuật quan trọng cho những ai quan tâm đến văn học cổ điển, mà còn là một công cụ hữu ích cho bất kỳ ai muốn hiểu sâu hơn về cách thức mà nghệ thuật kể chuyện ảnh hưởng đến con người và xã hội. Aristotle đã đặt nền móng cho nhiều lý thuyết văn học và nghệ thuật sau này, khẳng định tầm quan trọng của việc phân tích và hiểu biết về bản chất của các hình thức nghệ thuật khác nhau. Không chỉ giữ vị trí nền tảng trong lĩnh vực lý thuyết văn học và nghệ thuật, THI CA LUẬN còn là một tư liệu quý báu về lịch sử và văn hóa, mang đến cái nhìn sâu sắc về đời sống nghệ thuật đa dạng và phong phú của Hy Lạp cổ đại. Qua lăng kính phân tích bi kịch, hài kịch, sử thi và các cấu trúc thơ, Aristotle mở ra một cánh cửa vào thế giới văn hóa và xã hội Hy Lạp, nơi nghệ thuật không chỉ được coi là hình thức giải trí mà còn là phương tiện giáo dục, phản ánh và phê phán xã hội. Bên cạnh đó, khái niệm “mô phỏng” chiếm vị trí trung tâm trong THI CA LUẬN, nêu bật tầm quan trọng của hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật và văn học không chỉ như là phương tiện mô phỏng thực tại, mà còn là cách thức qua đó nghệ thuật và văn học tái hiện và diễn giải kinh nghiệm sống. Điều này mở ra cái nhìn sâu sắc về vai trò của nghệ thuật trong quá trình giáo dục và phát triển nhân cách, khẳng định mimesis là bản năng tự nhiên trong quá trình học tập của con người, từ việc trẻ em bắt chước người lớn đến việc học hỏi các kỹ năng nghệ thuật và thủ công.
Hà Thủy Nguyên lựa chọn bản dịch của Giáo sư Samuel Henry Butcher (1850-1910), giảng viên tại Trinity College, Cambridge và University of Edinburgh. Bản dịch tiếng Anh của ông được dịch từ tiếng Hy Lạp với 5 lần hiệu chỉnh khác nhau khi tham chiếu bản Ả Rập và các bản chép tay. Bản dịch là một phần thuộc công trình nghiên cứu Lý thuyết về Thi ca và Nghệ thuật Thuần túy của Aristotle (Aristotle’s Theory of Poetry and Fine Art, Macmillan&Co., 1898) của ông.
Trích dẫn:
“Thi ca nhìn chung có thể bắt nguồn từ hai nguyên cứ, một trong số chúng ẩn sâu trong bản nhiên của chúng ta. Đầu tiên, bản năng mô phỏng được khắc sâu trong con người từ thuở thơ ấu, thứ nữa là điểm khác biệt giữa người và các sinh vật khác, đó là: con người là sinh vật có khả năng mô phỏng tốt nhất, và thông qua mô phỏng mà học hỏi từ rất sớm; và niềm vui cảm nhận trong những thứ được mô phỏng cũng không kém phần phổ quát. Chúng ta có bằng chứng cho điều này trong thực tế trải nghiệm. Các đối tượng mà ở đó chúng ta thấy nỗi đau, ta sẽ thích thú thưởng ngoạn khi được tái tạo với độ trung thực từng li từng tí: ví dụ như hình dạng của những sinh vật thấp hèn và tử thi. Căn nguyên của điều này lại là, việc học mang lại niềm hứng thú sống động nhất, không chỉ với các triết gia mà với con người nói chung; khả năng học hỏi của họ, tuy vậy, lại hạn chế hơn. Do đó lý do tại sao con người thích thú thấy sự tương đồng, thì trong lúc thưởng ngoạn họ thấy mình học hỏi hoặc suy luận, và có thể nói “À, đó chính là người ấy.” Vì nếu ta không tình cờ thấy nguyên bản, sự vui thú sẽ không đến từ bản thân mô phỏng, mà là đến từ sự diễn tấu, tô điểm, hay căn nguyên nào đó khác. Mô phỏng, do vậy, là bản năng trong bản nhiên của chúng ta. Tiếp đó, chúng ta có bản năng cho “hòa thanh” và nhịp điệu, nhịp thơ vốn hiển nhiên là các thành phần của nhịp điệu. Do đó, con người bắt đầu bằng tài năng tự nhiên được mài rũa bởi các cấp độ thiên bẩm đặc biệt, cho đến khi những ngẫu hứng thô lậu khởi sinh Thi ca.
Thi ca giờ đây rẽ thành hai hướng, tùy theo cá tính của người viết. Tinh thần nghiêm trang hơn mô phỏng những hành động cao quý, và những hành động của chính nhân. Loại tầm thường hơn mô phỏng hành động của hạng người tiện dân, đầu tiên phải kể đến các sáng tác tục ca (16), khuôn mẫu cho các nguyện ca dâng các vị thần và tưởng thưởng các danh nhân. Một thi phẩm thuộc thể loại tục ca trên thực tế không thể gán cho bất cứ tác giả nào trước Homer, dù hầu như có khá nhiều tác giả. Nhưng từ Homer trở đi, nhiều ví dụ có thể được viện dẫn – giả dụ như vở kịch “Margites” của chính ông, và các mẩu sáng tác tương tự.(17) Nhịp thơ phù hợp cũng được chỉ ra tại đây, do đó thể thơ vẫn được gọi là iambic hay thể thơ châm biếm, tức là ở đó người ta châm biếm nhau. Do vậy những thi sĩ gạo cội được nhận định là tác giả của anh hùng ca hoặc thi khúc châm biếm.
Xét về phong cách nghiêm cẩn, Homer là người ưu tú nhất trong số các thi sĩ, bởi vì ông là người duy nhất kết hợp hình thức kịch nghệ với sự tuyệt diệu của mô phỏng để rồi viết nên những dòng hài kịch đầu tiên, bằng cách kịch tính hóa những điều lố bịch thay vì viết tục ca đơn lẻ. “Margites” của ông biểu đạt ở dạng hài kịch trong khi “Iliad” và “Odyssey” được thực hiện ở dạng bi kịch. Nhưng Bi kịch và Hài kịch từ lúc ra đời, cả hai tầng lớp thi sĩ vẫn tuân theo khuynh hướng tự nhiên của mình: những người châm biếm trở thành tác giả Hài kịch, và các thi sĩ sử thi thành công với Bi kịch, nhờ thế mà kịch nghệ là một dạng thức nghệ thuật rộng lớn hơn và cao cả hơn.
Liệu Bi kịch đã hoàn hảo ở hình thức phù hợp hay chưa, và liệu rằng có nên đánh giá nó một cách tự thân, hay nên xem xét cả mối liên hệ tới khán giả – điều này dấy lên câu hỏi khác. Đó là có thể rằng, Bi kịch – cũng như Hài kịch – ban đầu chỉ là sự ứng tác thuần túy. Một phần có nguồn gốc từ những tác giả Xướng tụng, phần nữa là những điệu hát sinh thực khí (18) vẫn được sử dụng tại nhiều thành bang. Bi kịch cải tiến khá chậm, mỗi thành tố mới đều từng bước một phát triển. Trải qua nhiều đổi thay, mà hình thành nên dạng thức bản nhiên, và tại đó nó dừng lại. Aeschylus (ND: được coi là cha đẻ của bi kịch Hy Lạp cổ đại) ban sơ chỉ đưa vào một nhân vật phiên hai ; ông giản lược tầm quan trọng của Dàn hợp xướng, và trao vai trò dẫn dắt cho đoạn hội thoại. Sophocles gia tăng con số diễn viên tên tới ba và chèn thêm phông cảnh nền. Hơn nữa, mãi cho đến sau này, cốt truyện ngắn mới bị loại bỏ để nhường chỗ cho một cốt truyện tầm cỡ hơn, và cách diễn đạt kỳ quái của dạng thức tục ca ban đầu được thay bằng phong cách trang nghiêm của Bi kịch. Thể thơ iambic thay thế cho thể tứ bộ thi (19), vốn vay mượn khi thơ ca còn theo trật tự của tục ca, và chủ yếu kết hợp với nhảy múa. Một khi hội thoại được đưa vào, bản thân Tự Nhiên khám phá ra thể thơ phù hợp. Trong số tất cả các thể thơ, iambic là gần với đối thoại hàng ngày nhất: ta có thể nhận ra rằng giao tiếp đối thoại chuyển thành những dòng iambic thường xuyên hơn so với loại thi khúc khác; vốn hiếm gặp ở thể lục ngôn, và chỉ khi chúng ta vứt bỏ ngữ điệu thông tục. Sự bổ sung số hồi hay màn diễn, và các phụ kiện mà truyền thống yêu cầu, hẳn phải được thực hiện như đã miêu tả; để có thể thảo luận một cách chi tiết về chúng, không nghi ngờ gì nữa, đòi hỏi nhiều công sức.”