Home Bình Luận Đừng né tránh bệnh thành tích và bất bình đẳng trong trường học bằng những tranh luận vô nghĩa (và xóa trường chuyên không phải là giải pháp)

Đừng né tránh bệnh thành tích và bất bình đẳng trong trường học bằng những tranh luận vô nghĩa (và xóa trường chuyên không phải là giải pháp)

Viết nhân dịp ra mắt cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH do con gái của mình dịch (nhân vật vẫn được gọi bằng bí danh “mẹ trẻ” trên facebook), cùng lúc cộng đồng mạng đang bàn luận say sưa về mâu thuẫn giữa trường chuyên và trường thường.

1/ Đầu tiên… hiểu về trường thường đôi chút nhé!

Đầu tiên, ta quay trở lại một chút mô hình trường học. Chúng ta chủ yếu học theo mô hình trường học phổ thông, tức là bất cứ ai đến trường cũng đều phải học các kiến thức được cho là phổ thông, ai cũng phải biết. Không những học, còn phải “qua môn”, và với một số trường cần đảm bảo thành tích trường điểm, trường dạy giỏi, trường uy tín gì gì đó (bất kể trường công hay trường tư) thì mặc nhiên sẽ ép học sinh học giỏi tất cả các môn, không thì chí ít cũng là “khá” tất cả các môn.

Nói thẳng nhé, học sinh tiên tiến ở một số trường là đã bị kì thị đáng kể rồi. Hồi trước, năm lớp 6, ở Marie Curie, mình học Toán rất kém, vì năm đó học số học, mà mình thì không hứng thú với số học. Các bài số học thời đó rất khó. Năm đó mình mất học sinh giỏi chỉ vì môn Toán, và là học sinh duy nhất trong lớp nhận danh hiệu học sinh tiên tiến, còn lại toàn Giỏi và Xuất Sắc, dù rằng rất nhiều môn khác mình giỏi hơn và có điểm số cao hơn. Mình vẫn nhớ không quên ngày trao phần thưởng với bầu không khí kì thị trong lớp. Mà mình tin rằng không ít bạn đã từng trải qua, nhưng có lẽ không nhớ đến, và đến giờ, nhiều bạn nhỏ đang đi học đâu đó ở các ngồi “trường thường” cũng đang trải qua, nhất là cuộc chạy đua thành tích bây giờ còn trầm trọng hơn xưa.

Ngay cả việc đạt mức độ “qua môn” ở tất cả các môn học cũng là một điều khiên cưỡng và lãng phí thời gian. Vì nó lệ thuộc vào nhiều yếu tố: chất lượng và thái độ của giáo viên, tư chất tư duy, thói quen, phản ứng cá nhân học sinh trong lớp học… Đây là vấn đề được đề cập rất sâu trong cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH của John Holt. Cuốn sách bàn về thái độ bất bình đẳng dành cho những đứa trẻ bị coi là “học dốt”, những ngôi trường bị coi là trường toàn học sinh dốt.

Khi hướng dẫn con gái mình dịch cuốn sách này, mình vừa dịch vừa nghĩ về rất nhiều sự bất công. Nếu như một đứa trẻ có năng khiếu nấu ăn thiên bẩm, thì tại sao nó phải học hết cấp 3 với những môn học liên quan rất ít đến nghề nấu ăn? Bởi vì việc nó không đỗ cấp 3 và vào trường nghề là một việc đáng xấu hổ, bởi vì trường nghề bị định vị là dành cho những đứa “học dốt”. Ngay cả khi bạn có thiên bẩm về cắm hoa và có thể thành nghệ nhân cắm hoa nổi tiếng, thì việc tốt nghiệp cấp 3, hơn thế nữa, là tốt nghiệp đại học vẫn là thứ “danh giá” hơn. Một thần đồng công nghệ thông tin có nhất thiết phải được chứng minh là mình đã lẩy được đôi ba câu Kiều thì mới được tốt nghiệp, nếu không sẽ phải học trường nghề, và đó là nỗi xấu hổ cho cả gia đình. Ngớ ngẩn!

Trong một cuốn sách khác do Book Hunter xuất bản, cuốn ” Sinh Tồn Của Đô Thị” của Edward Glaeser & David Cutler, một dữ kiện được đặt ra đáng suy nghĩ: tại Đức, 50 phần trăm học sinh đã bỏ học cấp 3 để đi học trường nghề và tiết kiệm thời gian học đại học để tập trung vào chuyên môn mình muốn đeo đuổi (nên nhớ là chuyên môn, không phải môn chuyên 😌). Còn tại nước ta, trường nghề bị đẩy ra rìa của ngành giáo dục, không được đầu tư, không được đa dạng hóa, và bị kì thị. Đây mới là BẤT BÌNH ĐẲNG GIÁO DỤC LỚN NHẤT, không phải ưu thế của trường chuyên.

Trường thường có đầy đủ các ưu thế giáo dục rồi, chỉ nội tại của nó BẤT BÌNH ĐẲNG. Đầu tiên là về môn học, sự phân môn của Việt Nam vừa thừa vừa thiếu. Môn nào được coi là môn chính hoặc môn nằm trong cơ cấu thi thì được ưu ái nhiều hơn cả về số tiết, cách tính điểm, và quyền lợi giáo viên nữa. Đây mới là bất bình đẳng cần đề cập sâu.

Nhưng việc phân môn này, cơ bản là lỗi thời. Kiến thức thì có thể không lỗi thời, nhưng cách phân môn và tiếp cận thì hoàn toàn lỗi thời. Lỗi thời bởi vì từ các môn ấy, chuyển sang chuyên môn của đại học, không hề có kế thừa, bởi đó là các môn Lý thuyết cơ bản, và nó chỉ hữu ích khi lên sinh viên lựa chọn các môn cơ bản thôi, trong khi nghiệp vụ nghề nghiệp để ra trường có thể làm được việc lại đòi hỏi nhiều thứ khác.

Đương nhiên, góc nhìn này của mình vẫn coi giáo dục đảm nhiệm mục đích thực dụng, là tạo ra những công dân hữu ích trong tương lai, chứ chưa mơ mộng những lý tưởng tự do và tri thức khác. Ngay cả việc này, cả hệ thống giáo dục được phản ánh qua các trường học thường đã sai rồi.

2/ Trường chuyên… nhưng không có chuyên môn

Trường chuyên ở Việt Nam, về bản chất là lò đào tạo những học sinh có năng khiếu ở một môn học nào đó (môn học chứ không không phải lĩnh vực nhé!). Dần dần, nó biến tướng thành lò đào tạo các thí sinh giật giải thành phố, giải quốc gia, giải quốc tế. Vì mang lại thành tích khá… đẹp mặt cho Bộ giáo dục và cho “quốc gia”, nên nó nghiễm nhiên được ưu ái: Cộng điểm thi tốt nghiệp hoặc miễn thi tốt nghiệp, được ưu tiên khi xét vào đại học… Thậm chí nhé, sau này khi đi xin việc, ở nhiều môi trường làm việc, mình thấy có người đọc profile ứng tuyển, thấy cấp 3 học chuyên nọ kia nổi danh, tức thì cho rằng “chất”. Sợ hãi! Nói chung trường chuyên là một cái gì đó rất cao vời.

Mình không học chuyên, nhưng chơi nhiều với các bạn học chuyên, khối A,B,C,D gì cũng chơi tất. Điểm chung ở họ, theo như mình thấy, là RẤT TỰ TIN. Biết cũng tự tin, mà không biết cũng tự tin, 🤣 và rất nhiều trong số họ rất dễ tổn thương. Nếu bằng lập luận, mình thuyết phục được họ nghi vấn những gì họ đang đeo đuổi (đeo đuổi là phẩm chất mà họ được rèn luyện trong môi trường chuyên), thì họ lập tức bị rơi vào tuyệt vọng. Nghĩ lại thấy mình cũng hơi ác, mà thôi kệ.

Mình luôn thấy họ là những người giỏi bị điều hướng và huấn luyện sai cách. Thật đó! Nếu các trường chuyên ấy thay vì đào tạo luyện thi, mà đào tạo chuyên môn, thì nước ta đã có rất nhiều nhân tài với tuổi đời rất trẻ ở các lĩnh vực thượng tầng. Thế nhưng chúng ta có những người học chuyên Văn đi làm PR, những người học chuyên Toán đi làm thày giáo dạy kinh tế (nhưng chẳng đóng góp gì cho nền kinh tế nước nhà), những người học chuyên Sinh không trở thành bác sĩ giỏi hay chuyên gia nông nghiệp mà đi bán hàng thực phẩm biến đổi gen… Tệ hại!

Thế nên trường chuyên là một sự lãng phí tiền bạc, nhân lực, cơ hội, thời gian của cả một quốc gia. Nó nên được đưa về đúng với vai trò của nó, đó là chỗ cho người THÍCH HỌC LỆCH, và để được đi sâu vào lĩnh vực mình yêu thích. Nó cũng cần phải được mở rộng thêm nhiều lĩnh vực.

Và mình nghĩ không nên xóa bỏ trường chuyên để tụt lùi xuống mô hình trường học phổ thông. Đó là một sự lạc hậu.

Với những ai tìm hiểu về homeschooling và các chương trình thi IB, IGCSE, A level, sẽ thấy là, tính chuyên môn hóa trong chương trình học của họ rất sâu. Từ năm cấp 2, cấp 3 đã có các môn như Kinh tế học, Kinh doanh, Tâm lý học, Xã hội học, Thiết kế, Công nghệ thông tin, Dinh dưỡng, tiếng Trung, tiếng Pháp, thậm chí là Thần học, Văn hóa Trung Quốc, Chính Trị Học, Luật pháp… (đa dạng hơn cả đại học của mình nhé) và điều này mới quan trọng này: HỌ CHO HỌC SINH LỰA CHỌN, không có môn nào là bắt buộc, và có thể đăng ký thi cho đến khi đỗ.

Trường chuyên của mình có cải tiến được theo cách đó không? Trường phổ thông của mình có đi theo hướng ấy được không? Nếu không thì vẫn phọt phẹt thế này thôi, cải tiến cải lùi vẫn làm dậm chân tại chỗ, bởi kiến thức ấy không đủ để dùng ở ngoài đời.

3/ Về những TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH ở Việt Nam

Năm cấp 3 mình được học ở một trường dân lập kém thành tích. Lúc ấy, mình thi trượt chuyên văn Ams, và thực lòng không muốn quay lại học lớp chọn ở một trường dạy giỏi để phải gồng mình học giỏi tất cả các môn. Mình thi chuyên văn Ams là để không phải cố đạt điểm giỏi Toán – Lý – Hóa cơ mà. Thế nên, cuối cùng, mình đã chọn học ở trường Hồ Xuân Hương, một trường dân lập không tên tuổi, nơi có nhiều học sinh cá biệt và đa phần chỉ ở học lực trung bình hoặc khá. Đó là một điều khó hiểu đối với nhiều bạn học của mình, vì dù lớp 6 học dốt Số học đến đâu, thì những năm sau đó của cấp 2 mình vẫn liên tiếp đứng vào hàng ngũ học sinh giỏi, và cũng có thể nói là giỏi văn nhất trường cấp 2 Marie Curie lúc bấy giờ.

Đến giờ thực sự không hiểu lý do thi trượt Ams, nhưng mình hiểu động lực vô hình nào đã đưa mình đến với trường học kém thành tích ấy. Đó là tình người. Các thầy cô trong trường Hồ Xuân Hương lúc ấy có lẽ rất giống với John Holt, họ cố tìm hiểu lý do những bạn học kém không hiểu bài, và từ tốn giảng dạy. Nhưng hơn tất cả, các thầy cô ở Hồ Xuân Hương giao tiếp bình thường, không chút khinh thị, không đe dọa và luôn đồng cảm với mọi gia cảnh của các bạn học sinh. Sự giao tiếp đã giúp các bạn ấy học tốt lên, và 100% rốt cuộc cũng tố nghiệp, nhiều bạn trong số ấy đã rất thành đạt, có lẽ thành đạt hơn mình rất nhiều.

Tuy hơi lạc điệu, nhưng được cư xử như con người, với mình, điều đó rất quan trọng. Mình vẫn nói với những người bạn xuất sắc mà sau này mình được quen, rằng nếu không có những năm tháng cấp 3 ở một trường học kém thành tích nhưng giàu tình thương ấy, chắc mình đã trở thành kẻ xấu. Một kẻ xấu biết cày thành tích, biết nói giọng đạo đức giả, biết tỏ vẻ văn minh, nhưng thiếu đi sự thấu hiểu tình người. Đương nhiên, bây giờ Hồ Xuân Hương không còn như xưa nữa, và mình cũng không biết liệu trên đời có còn nhiều thầy cô giáo dạy ở các trường học kém thành tích có giống các thầy cô trường Hồ Xuân Hương ngày ấy hay không.

Thế nên quá trình làm cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH cùng với con gái mình, mình rất cảm động, vì hiểu hơn ý nghĩa của những việc các thầy cô Hồ Xuân Hương đã làm khi ấy. Những đứa trẻ bị xem là học dốt, thậm chí thiểu năng, nghịch phá, cá biệt… ở những ngôi trường kém thành tích chính là sản phẩm của một xã hội bất bình đẳng, một nền giáo dục bất bình đẳng. Nếu môi trường giáo dục được thiết kế đa dạng hơn và gần với cuộc sống hơn, với sự tôn trọng đa dạng ngành nghề hơn, thì có lẽ đã chẳng có ai dốt. Bạn nghĩ rằng hót rác và thợ xây cũng không cần nghiệp vụ ư? Hay hai nghề ấy không cao quý bằng một chính trị gia tham nhũng? Vâng, đó chính là thứ BẤT BÌNH ĐẲNG khác nghiêm trọng hơn mà nền giáo dục và xã hội này cần phải xử lý, chứ không phải cào bằng năng khiếu bằng sự xóa bỏ.

Viết thế này hơi dài cho một bài trên facebook, nhưng kệ! Lời cuối này xin dành để nói đôi điều về cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH của John Holt. Đây là cuốn sách trong bộ 6 cuốn sách Tư tưởng giáo dục của John Holt, thuộc Tủ sách Lyceum, do Book Hunter xuất bản. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên mà mẹ trẻ nhà mình, tức con gái mình, một học sinh luôn bị coi là “kém thành tích” ở trường công lập dịch. Mẹ trẻ quyết định ở nhà homeschooling, sau đó lại quay về với Bộ giáo dục bằng thời gian học ở Maya School, để rồi quyết định homeschooling hoàn toàn, không vướng bận, và dịch cuốn sách này: TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH. Cuốn sách có lẽ chia sẻ rất nhiều nỗi niềm của mẹ trẻ.

Hà Thủy Nguyên

Năm đầu tiên homeschool của mẹ trẻ

Mình cho mẹ trẻ nghỉ hè phải gần 1 tháng rồi, nhưng hôm nay mới bắt đầu thảnh thơi viết lại những gì mẹ trẻ đã học trong 1 năm đầu homeschool. Thỉnh thoảng mình có “nhá hàng” vài hoạt động kèm theo vài quan điểm của mình một cách vụn vặt, đây là bài tổng kết lại quãng thời gian vừa qua. Trước tiên, phải nói trước là, mình không hoàn toàn định hướng cho mẹ trẻ ra nước ngoài học, giống nhiều gia

Không đọc sách thì có sao

Mẹ trẻ nhà mình đến bây giờ vẫn KHÔNG THÍCH ĐỌC SÁCH, và mình thấy cũng chẳng sao cả! Mẹ trẻ là thách thức cho mọi lời tuyên truyền kiểu: - Cần có tủ sách gia đình đồ sộ để các pé quen dần với sách. - Người lớn trong gia đình ham thích đọc sách thì con cái sẽ học theo. 🤣 - Hay "đọc sách cùng con" thì con sẽ tạo lập thói quen đọc sách từ bé. 😕 Và cũng thách thức

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có

Homeschooling thì học cách tương tác như thế nào?

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi tôi nói về chuyện con gái của tôi homeschool đó là nàng ta sẽ học cách tương tác xã hội như thế nào. Họ luôn cho rằng tương tác xã  hội sẽ chỉ được học ở môi trường nhà trường, nơi đó một đứa trẻ có những người bạn đồng lứa, và được sự chỉ dẫn của những người được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Tôi không đồng tình với quan điểm

Tận hưởng niềm vui với con cái

Con cái có lẽ là tạo tác tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân tính của đứa con sẽ nói lên cách mà bạn đối xử với chúng, hay nói một cách khác sự trưởng thành của con cái phản ánh nhân cách của những người nuôi dưỡng chúng. Nhưng cũng giống như sáng tác tác phẩm nghệ thuật, thái đô và quan niệm của bạn trong sáng tác sẽ quyết định phong cách và tư tưởng của tác phẩm, quan niệm