Hà Thủy Nguyên viết
Tôi bắt đầu đọc Hamvas Béla vào năm 2013 với bản dịch cuốn “Câu chuyện vô hình & Đảo” (Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung), ban đầu được đăng tải trên website Ăn mày văn chương, và sau đó được NXB Tri Thức ấn hành. Ấn tượng đầu tiên về Béla đó là một nội lực cuồn cuộn nhưng bị nén lại trong lý trí triết học. Nội lực ấy được khơi nguồn bởi các minh triết cổ xưa trong tinh túy tâm linh của cả phương Tây và phương Đông. Bằng những diễn ngôn triết học, Hamvas Béla đã lý giải các tinh túy tâm linh ấy và qua nhãn quan của tinh túy tâm linh để lý giải các vấn đề tâm thức thời đại nói riêng và nhân loại nói chung. Bởi vậy Hamvas Béla gọi hành vi viết của mình như một thực hành yoga tâm trí.
Thời đại Hamvas Béla sống
Hamvas Béla (1897 – 1968) sống trong một thời đại đầy xung đột tại Hungary, và hơn ai hết, ông nhận thức được rằng mình vừa là một nạn nhân của thời đại, vừa gánh vác trên vai sứ mệnh duy trì điều thiêng giữa thời đám đông, vừa phải vượt qua những lực kéo xuống ô trọc từ thời đại của mình. Ở trong ông là một cuộc “thánh chiến” nội tâm, mà tại đó ông buộc phải vượt thoát lên.
Ông đã đúc rút thế này về tình trạng của mình:
“Tôi đang ở trong đám dân chúng này, trên trái đất này, mọi ý đồ của tôi vô hiệu quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, mọi kế hoạch của tôi đổ vỡ, tôi đã thất bại, một cách không phát hiện ra, thừa thãi và chẳng ai biết đến.
Tôi không nhìn thấy biển, nơi tôi muốn được chết trên bờ, tôi không cảm thấy vị hương của cây vả và hàng thông bên bờ biển mà gió bắc đã mang tới từ thung lũng, và tôi cũng không nghe thấy tiếng những ngọn sóng đập vào triền đá. Đấy cũng là sự thất bại nơi đây. Thần hộ mệnh của tôi không hiện. Không gì là nỗi an ủi của tôi.
Tôi biết sẽ không có thế hệ sau nối tiếp để tôn trọng. Cái tôi đã làm, phi con người tới mức chẳng loại thế hệ nào cảm thấy thoải mái với nó. Tôi không lấy lòng ai, kể cả họ. Không ai có thể đòi hỏi tôi phải chứng minh. Chưa bao giờ có một kẻ như thế ở đây, kẻ không đáng được ưa đến thế. Ngoài ra, cũng thế mà thôi, thế hệ sau! Họ sẽ không có hứng thú để nhọc mệt với giấy bút.
Sẽ tiếp theo là khoảng thời gian mà người ta quên hết quá khứ. Hiện tại sẽ bắt phải quên quá khứ đi bằng những con người- không phải vì con người sẽ vô cùng hạnh phúc, mà chính bởi vì họ vô cùng bất hạnh, đến mức, sẽ không ai làm dịu nổi mọi nỗi đau khổ của họ.
Tại sao họ cần phải tìm ra tôi, kẻ không hề có chút đồng cảm nào với họ? Ngoài ra thời đại của chữ cũng đã trôi qua. Viết là một nỗi đam mê bất hợp lý, và sẽ là như thế. Người ta quên tất cả những ai đã viết, kể cả tôi.
Tôi có đủ tỉnh táo để nói ra, cho dù sự kết án có trầm trọng đến mấy, đặc biệt đối với chính bản thân tôi, kẻ sống giữa những mức độ phi lý khủng khiếp trong đời sống, giữa những gì tôi đã hoàn thành và những gì người ta nhận ra từ tôi. Và thế là, cái tôi đã làm, vĩnh viễn mất.” (1)
Đó là những câu viết tràn ngập tuyệt vọng nhưng vẫn có một màu bi tráng, cùng một tinh thần với S.L.Frank: “…bóng tối vốn bất lực trong nội tại trước ánh sáng, nhưng lại có thể tiếp tục ngoan cố trước ánh sáng. Bóng tối tồn tại vì rằng ý chí độc ác lẩn trốn ánh sáng, né tránh nó. Ánh sáng thần thánh có sức mạnh toàn năng hóa ra lại vẫn không có sức mạnh toàn năng hiện hữu thường nghiệm của chốn trần gian, vì nó bị ý chí độc ác của con người khác cự lại” (2). Tôi đã đề cập đến sự tương đồng này trong bài viết về cuốn “Ánh sáng trong bóng tối” . Dường như, ở những năm tháng thế kỷ 20, có một cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiêng và cái phàm tục, giữa tinh thần cá nhân và đám đông, mà trong đó ánh sáng – cái thiêng – cá nhân đều đơn độc chống cự. Lịch sử nhân loại luôn có những cuộc chiến như vậy, nhưng thế kỷ 20 chứng kiến cuộc chiến ấy gay cấn hơn bao giờ hết, nhiều bi thương hơn bao giờ hết, tới mức những tư tưởng lớn, những tiếng nói cuộn trào nội lực trong văn chương được bùng trào từ chính thất bại trước thời đại, để rồi ánh sáng ấy không hề lịm tắt.
Chính sự thất bại chứ không phải thành công đẩy những nhà triết học vào một cái nhìn thấu suốt bản chất của sự kiện và sự tồn tại của chính mình, như thể họ được thiết kế để trưởng thành từ chính thất bại của bản thân mình. Và nếu họ không phải được thiết kế để thất bại, thì họ sẽ vẫn chỉ là những người nghiên cứu triết học, nhà báo, những trí thức bình thường; với thất bại, họ trở thành triết gia, nhà văn, những bộ não lớn của thế kỷ 20. Hamvas Béla là một trong số ấy.
Hamvas Béla đến với triết học cũng từ một thất bại trên chiến trường. Mặc dù nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình với quốc gia, nhưng ông bị thương và phải trở về nhà. Đây là thời điểm ông bắt đầu biết đến Nietzsche, rồi Kant, Rimbaud, Dostoyevsky, Schopenhauer… Khi đọc tác phẩm “Phê phán thời gian” của Kierkegaard, ông đã nhận ra rằng có một điểm tối đằng sau những hỗn loạn không phải chỉ của thời đại này, mà còn của cả dòng lịch sử nhân loại: “Không xã hội, không nhà nước, không thi ca, không tư tưởng, không tôn giáo, những gì hư hỏng và đầy rẫy dối trá. Đúng vậy, tôi nghĩ. Nhưng điều này cần phải bắt đầu từ một khi nào đấy. Tôi bắt đầu đi tìm chấm đen này. Hạt nguyên tử, hay sự dối trá đầu tiên… Tôi quay trở lại từ giữa thế kỷ đã qua đến cách mạng Pháp, đến thời kỳ ánh sáng, đến chủ nghĩa duy lý, từ thời trung cổ đến những người Hy lạp, đến những người Heber, Ai cập, đến người mông muội. Sự khủng hoảng đâu đâu tôi cũng bắt gặp, nhưng sự khủng hoảng còn nói lên một cái gì đó sâu sắc hơn. Chấm đen này còn ở phía trước, phía trước nữa. Tôi đã vấp phải lỗi lầm đặc thù của người châu Âu, đi tìm chấm đen bên ngoài con người mình, thực ra nó nằm trong bản thân tôi…” (3)
Con đường tư tưởng lúc bấy giờ đã dần hé mở với ông, và khiến ông đi sâu hơn vào các truyền thống cổ tinh thần cổ xưa của nhân loại như các hiền triết Hy Lạp cổ đại, Trung Quốc cổ đại… Ông từng thành lập nhóm Đảo cùng Kerényi Karoly, với cảm hứng chủ đạo là tinh thần Hy Lạp cổ đại, tụ tập rất nhiều các nhà văn và triết gia Hungary đương thời. Thế nhưng, nhóm Đảo không tồn tại lâu. Ông còn đứng ra tổ chức một dự án dài hơi có tên “Đại sảnh các vị tiền bối cổ” dịch thuât các tác phẩm cổ xưa ra tiếng Hungary. Cho tới khi ông hoàn thành cuốn đầu của bộ tác phẩm “Scientia Sacra” vào năm 1943 (Bản dịch tiếng Việt: “Minh triết thiêng liêng” – Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2017), thì ông đã thực sự trở thành một phần của xu hướng khôi phục các giá trị tinh thần cổ xưa của châu Âu, như một xu hướng trái chiều cần thiết với thời đại của văn minh công nghiệp.
Đây là một xu hướng học thuật quan trọng diễn ra ở toàn thể châu Âu trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp diện rộng đã làm thay đổi bộ mặt của châu Âu. Nếu những cuộc cách mạng của đám đông mà khởi điểm là sự kinh hoàng của sự kiện Cách mạng Pháp 1789 trao quyền lực vào tay đám đông, thì cuộc cách mạng công nghiệp lại tạo một nền tảng vững chắc để đám đông thực sự ngự trị trên mọi phương diện tinh thần. Không còn những ông hoàng bà chúa yếu ớt, mà là những thế lực ưa chuộng vật chất tới mức lấy vật chất làm thước đo cho các giá trị tinh thần. Văn chương và nghệ thuật không còn hướng tới điều cao cả của tinh thần mà được sáng tác để phù hợp với tầng lớp thị dân mới ít học với những đau khổ và quằn quại của thiếu đói vật chất. Đây thực sự là một đày đọa với các cây viết vốn đã gắn chặt bản thân với những điều cao cả và luôn mong muốn dành những trang viết của mình cho những mục đích cao vời. Ta có thể thấy tâm trạng đó ở nhiều cây bút lớn của nền văn học và triết học Châu Âu như Schopenhauer, Nieztches, William Wordsworth, Lord Alfred Tennyson, Oscar Wilde, Henry David Thoreau…
Họ tìm cách hồi sinh những truyền thống tinh thần đẹp đẽ trong suốt lịch sử châu Âu, vừa như để phòng thủ trước các tạp nhiễm của thời đại, vừa để gìn giữ truyền thống tinh thần ấy khỏi sự vùi dập của thời đại. Hamvas Béla cũng như các cây viết theo xu hướng này ý thức được rằng, điều quan trọng trước hết đó là tiến hành cuộc chiến chống lại đám đông ngay trong chính mình và bằng mọi hành vi của mình. Bằng thức nhận này, Hamvas Béla đã bắt đầu sự nghiệp triết học của mình như một triết gia huyền bí, và coi hành vi viết là một thực hành tâm linh mãnh liệt, cũng giống như các bậc tu sĩ đã dứt bỏ thế tục để quay vào cuộc chiến bên trong mình, như một con đường tất yếu để đương đầu với cuộc chiến dữ dội đang xảy ra ở bên ngoài.
Thời điểm Hamvas Béla thực hiện cuộc “thánh chiến” bên trong mình cũng là những năm tháng gay gắt nhất của chiến tranh thế giới ảnh hưởng tới Hungary. Hungary liên tiếp trải qua chiến tranh với Nam Tư (mà trước đó, gia đình Hamvas Béla sống ở Slovakia và đã tuyên bố không trung thành với nhà nước này, nên phải chuyển đến Hungary), rồi chính thức tham gia chiến tranh thế giới thứ II. Hamvas Béla cũng như nhiều người đàn ông khác, buộc phải tham gia quân đội và chắc hẳn chứng kiến không ít những đau thương của chiến trận. Trước chiến tranh, ông làm thủ thư ở Thư viện trung ương tại Budapest, nhưng cuộc chiến tranh đã chấm dứt đời sống lý tưởng này của ông. Tệ hại hơn, chiến tranh đã tàn phá toàn bộ tủ sách cá nhân và các bản thảo của ông trong một cuộc đánh bom khiến căn hộ của ông phát nổ. Những mất mát này có lẽ dần dần đã nuôi dưỡng ý thức giữ gìn truyền thống tinh thần trong suốt cuộc đời của ông.
Khi Liên Xô chiến thắng Phát xít và thiết lập sự ảnh hưởng của mình ở Đông Âu mà Hungary là một trong số ấy, Hamvas Béla bị liệt kê vào danh sách các tác giả bị cấm lưu hành và xuất bản. Ông không được quay trở về làm một thủ thư mà trở thành một người làm vườn lặng lẽ và cô độc. Thế nhưng, con đường triết học của ông không hề bị ngưng nghỉ, và đây cũng là quãng thời gian ông thực hành những trải nghiệm tinh thần của mình một cách toàn bộ cho tới cuối đời.
Năm 1956, tại Hungary, một cuộc chính biến đẫm máu đã diễn ra để chống lại chính phủ thân Liên Xô, mở đầu bằng cuộc biểu tình của sinh viên và sau đó lan rộng, hình thành nên các lực lượng dân quân, dẫn tới tình trạng bất tuân và bùng phát bạo lực. Trước sự kiện này, Hamvas Béla không thấy hưng phấn vì chứng kiến những kẻ đã giam cầm ông trong sự thất bại buộc phải thất bại, mà ngược lại, ông càng thấy ghê sợ hơn sức mạnh của đám đông, thấy rõ lực văng trở lại của những bạo ngược mà đám đông mang lại với những tác phẩm đương thời sặc mùi tuyên truyền. Ông viết: “Tôi đánh cuộc rằng, như những cảm tử quân khắc tên mình vào lịch sử, những kẻ mất dạy bẩn thỉu này sẽ tâng bốc, ca ngợi lẫn nhau, và dẫn dắt nhau vào lịch sử…” (4). Thái độ này cho thấy, ông không phải là một triết gia chống lại Chủ nghĩa Cộng Sản hay sẵn sàng trở thành một con tốt của thời đại để đứng về phe phái này lật đổi phe phái kia, ông luôn giữ một vị thế tách biệt với các dạng đám đông của thời đại.
Những nền tảng tư tưởng của Hamvas Béla
Hamvas Béla đã đi một chặng đường dài từ triết học đến tư tưởng tâm linh, từ những nỗi đau thời đại đến những thực hành tinh thần. Ngay từ những tác phẩm ban đầu của mình cho đến những tác phẩm cuối cùng, chặng đường của ông là một tuyến thống nhất đi lên, không có những ngã rẽ.
Năm 1936, những bài tiểu luận đầu tiên của ông được xuất bản trong tập “Magyar Hüperion” (“Hungary Hyperion”). Trong tập tiểu luận này, những cá tính và những ám ảnh của Hamvas Béla được biểu hiện rõ. Ta thấy ở ông một con người dữ dội và duy ngã độc tôn – một yếu tố cần thiết để trở thành cây viết đơn độc. Ông chia sẻ:
“Tôi cho rằng nếu tôi đạt tới quyền lực, tôi sẽ tuyên bố sự thống trị hàng nghìn năm trời của mình bằng hàng răng đánh vào nhau run cầm cập. Sẽ chưa từng có một bạo chúa phương Đông, một hoàng đế La mã, một thủ lĩnh Inka nào dám đối xử với dân chúng một cách phi nhân tính đến thế. Và cái khủng khiếp nhất trong sự thống trị này là trong tôi không có một tý gì của sự tàn bạo.
Tôi không ước sự ngây ngất trước đau khổ của những kẻ khác. Tôi chỉ không quan tâm tới họ. Giống như tôi không hề quan tâm đến chính bản thân mình. Các đo lường của tôi không mang tính chất người. Tôi điên chăng? Nếu bạn làm mất đi cái gì đó bệnh hoạn từ khái niệm này, tôi sẽ bảo: đúng. Theia mania.” (5)
“Hungary Hyperion” là một chuỗi suy nghĩ lộn vào bên trong để cố giải mã tình trạng của mình. Tập tiểu luận này mang đậm các dấu ấn riêng tư của Hamvas Béla, khi ông còn ở thời kỳ đầu của các chiêm nghiệm. Từ sự soi chiếu bên trong này, ông xem xét thế giới bên ngoài. Tại sao là “Hyperion”? Hyperion là tên một titan cổ xưa, gắn liền với ý niệm từ trên cao quan sát hoặc hướng thượng. Đặt tên tập tiểu luận cho thấy điểm nhìn mà Hamvas Béla lựa chọn đó là hướng về sự cao cả vượt lên trên những thói quen đám đông đang diễn ra ở thời đại của mình.
Cảm hứng của titan Hyperion này đã tiếp tục ám ảnh Hamvas Béla khi ông viết tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình”( “A láthatatlan történet”, 1943) . “Câu chuyện vô hình” là một tập tiểu luận về tinh thần titan, của những sức mạnh nguyên sơ bị kìm nén bởi lý trí và bùng phát bởi vô thức trong suốt lịch sử nhân loại. Lựa chọn titan chứ không phải các vị thần Hy Lạp để làm biểu tượng cho tinh thần bản thân mình, Hamvas Béla không chọn lựa các ý tưởng thiết lập trí tuệ gắn liền với cộng đồng người mà quan tâm đến các ý niệm siêu hình gắn liền với tự nhiên. Nếu chúng ta so sánh tên của các titan với tên của các vị thần, ta sẽ thấy rằng tên của các titan gắn liền với các sức mạnh tự nhiên hoặc các ý niệm siêu hình ví dụ như Uranus (bầu trời), Chronos (thời gian), Selene (mặt trăng)… trong khi chức năng của các vị thần lại gắn với mô hình cộng đồng người ví dụ như Dionysus (tiệc tùng và rượu nho), Hermes (giao thương và truyền đạt thông tin), Hades (phân xử ở âm phủ)…
Sự khác biệt hai mô hình này được biểu hiện qua chương Hamvas Béla viết về Poseidon trong tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình”. Trong chương này, Poseidon được đặt trong sự đối sánh với titan Nereus – vị titan của biển cả, và theo Hamvas Béla thì hình tượng Poseidon là một sự biến dịch từ Nereus khi con người đã chuyển từ hồng hoang sang thời kỳ lý trí, chuyển từ văn hóa rừng sang văn hóa biển. Ông cho rằng thuở ban sơ, vị thần biển này là vị thần rừng với biểu tượng tín ngưỡng điển hình nhất: chiếc linga (thông qua biểu tượng đinh ba). Linga – bộ phận sinh dục, đại diện cho sức mạnh gốc, sức mạnh phồn sinh, thứ bản năng dữ tợn của vô thức trào dâng. Hamvas Béla tuyên bố, Poseidon – bị đồng nhất với vô thức, cần phải bị chế ngự bởi kỷ luật. Cũng trong chương này, Hamvas Béla thể hiện một thái độ khinh thị với các hình tượng thần Olympus và quyền lực ở Olympus. Olympus ở đây có thể xem như một đại diện của một dạng quyền hành nhà nước, thứ mà các triết gia như Hamvas Béla căm ghét. Hamvas Béla đứng về phía các titan – quyền lực của tự nhiên. (6)
Ông hướng về bản thể đầu tiên của con người – “LINH HỒN ĐẦU TIÊN”, và khẳng định rằng với dạng thể nguyên bản này, “thiên nhiên là thế giới cao nhất, mà nó còn hiểu được. Nhưng nó tự hiểu, và hình dung giống như là nó. Như thể thiên nhiên không có nhiều, chỉ có MỘT. Như thể thiên nhiên không phải cái bên ngoài, mà là bên trong. Như thể thiên nhiên không phải cảnh vật, mà là một THỰC THỂ. THỰC THỂ LỚN. THỰC THỂ LỚN không đàn bà, cũng chẳng đàn ông.” (7) Và ông cho rằng, chỉ những con người sáng tạo và tách biệt khỏi nền văn minh vật chất mới nhận thức được LINH HỒN ĐẦU TIÊN này. Và chặng đường con người phải đi sau khi đến với LINH HỒN ĐẦU TIÊN chính là tiến đến LINH HỒN TẠO HÓA, tới toàn thể.
Từ niềm cảm hứng và suy luận ấy, ông đã đi tiếp chặng đường tâm linh của mình và luôn đối sánh chặng đường ấy với toàn bộ truyền thống tâm linh của nhân loại. Một mặt, ông lý giải các trải nghiệm tâm linh của mình bằng các kiến thức huyền học và tôn giáo, một mặt lại đồng nhất những trải nghiệm của mình với các trải nghiệm của tiền nhân. Bởi thế, đọc Hamvas Béla, nếu chỉ xem xét ông ở khía cạnh triết học mà quy tất cả các hình tượng ông sử dụng như một dạng ẩn dụ thì đó là sự thiếu sót lớn. Ông cần được xem xét như một chỉnh thể liên đới giữa triết gia – ẩn tu – nhà thơ. Triết học qua suy luận, tâm linh qua các nền tảng tôn giáo và huyền môn, nhà thơ qua sự bùng nổ của niềm cảm hứng. Tôi cho rằng đây là ba cột trụ thực hành tâm linh của Hamvas Béla và được ông truyền tải qua các trang viết của mình.
Khía cạnh triết gia: Đây là khía cạnh dễ dàng nhận thấy ở Hamvas Béla, bởi tất cả người đọc ai cũng biết rằng ông là một nhà triết học và danh phận của ông với thế gian cũng là một nhà triết học. Ông bắt đầu với Nieztches, nhưng triết gia thực sự gây kích thích với ông là Karl Jaspers với tiểu luận “Szellem és egzisztencia” (“Linh hồn và Tồn tại”, 1941), được xem là cảm hứng chính cho những suy tư của Béla.
Khía cạnh tâm linh: Mặc dù Hamvas Béla không được đề cấp đến như một trong số các nhà tâm linh của thế kỷ 20, nhưng các trang viết của ông chứa đựng nhiều kiến giải về tâm linh, và cho dù đề cập đến triết học hay thơ ca, thì rốt cuộc ông vẫn lái hướng sang các trải nghiệm tâm linh của mình. Sẽ không quá khi gọi ông rằng ông là một nhà triết học tâm linh hay thẳng thừng hơn, một nhà tâm linh. Ông đề cập đến rất nhiều truyền thống tâm linh và tôn giáo cổ xưa, từ chiêm tinh học, tarot, yoga, thiền định, Hermetica, numerology, Kinh Dịch, giả kim thuật, Thiên Chúa giáo, Phật giáo… Ông vừa tìm sự tương đồng và liên hệ giữa các truyền thống này, lại vừa gắn chúng với các chiêm nghiệm và thực hành của bản thân. Từ “Câu chuyện vô hình”, ta đã thấy một quy trình viết lặp đi lặp lại ở ông: Lý giải một hiện tượng bằng cách đối sánh hiện tượng ấy với các truyền thống tâm linh cổ xưa và liên kết bằng sự duy lý triết học hoặc tư duy tượng trưng và gợi tả của thơ ca.
Phương pháp này tiếp tục được hoàn thiện trong một loạt các trang viết khác trong “Scientia Sacra” (Dịch sát nghĩa là “Khoa học thiêng”, dịch giả Nguyễn Hồng Nhung dịch là “Minh triết thiêng liêng”). Hamvas Béla đã mở rộng trường nghĩa của “scientia” – khoa học, và đưa nghĩa của khái niệm này trở về với nghĩa nguyên gốc từ tiếng Latin cổ – “tri thức”, chứ không phải như một phương pháp duy nghiệm. Tức là, Hamvas Béla chọn con đường tiên nghiệm qua các ý tưởng như Plato và các triết gia Hy Lạp cổ đại trước Aristotle lựa chọn thay vì sự chứng thực, và đây là con đường duy nhất để dẫn triết học với tư cách như một bộ môn khoa học đến gần với tôn giáo và tâm linh. “Minh triết thiêng liêng” gồm 3 quyển: Quyển 1 bàn về truyền thống cổ và khẳng định sự vĩ đại của truyền thống cổ (tôi sẽ đề cập lại vấn đề này ở phần bàn về chủ nghĩa truyền thống), quyển 2 bàn về các phương thức huyền bí của truyền thống cổ, quyển 3 bàn về truyền thống Kito giáo và lý giải hiện tượng chống Kito dưới cái nhìn của một nhà tâm linh.
Khía cạnh thơ ca: Hamvas Béla luôn dành một vị trí cao quý cho thơ ca. Ông cho rằng thơ ca là hình thức gần gũi với triết học nhất, và hơn cả thế, gánh vác trách nhiệm gìn giữ điều thiêng trong khi tất cả đã từ bỏ nghĩa vụ này: “Từ giây phút trong cái vòng tròn thiêng ấy chỉ còn duy nhất THI SĨ sót lại, bắt buộc đảm nhận quyền lực của vua chúa, đảm nhận phẩm chất của giới quý tộc, thói quen nghi lễ của linh mục, bản năng chiến đấu của người quân nhân, tri thức về sự thật của quan tòa, nỗi say mê ngây ngất của nghệ sĩ, của nhà bác học – từ giây phút ấy nhà thơ đã vượt hẳn tầm vóc của nhà thơ.” (8) Không chỉ bàn về những nhà thơ lớn và phẩm chất tinh thần mãnh liệt của họ, gắn tinh thần thơ của họ với các trải nghiệm tâm linh của chính ông, Hamvas Béla còn biến những trang viết của ông thành thơ ca bằng cách sử dụng chuỗi diễn đạt phi tuyến tính, tràn ngập hình ảnh tượng trưng, sử dụng những cụm từ mạnh và bạo liệt để diễn tả những trạng thái tinh thần của mình. Văn chương của Hamvas Béla, có thể nói, như những vần thơ trong một cuộc hiến tế đẫm máu trong khu rừng rậm nguyên sơ.
Từ cái nhìn của một titan quan sát từ trên cao và ba lăng kính soi chiếu thế gian, Hamvas Béla cố gắng lý giải mã các hiện tượng vừa mang tính thời đại lại vừa mang tính vĩnh cửu: sự tàn phá của đám đông, phục hưng truyền thống cổ, lý giải yếu tố tâm linh đằng sau sự sáng tạo, hướng về điều thiêng như một con đường tất yếu.
“Sự tàn phá của đám đông là nỗi ám ảnh với tất cả các trí thức. Đám đông tàn phá tất cả, như những gì Gustav LeBon đã nhận định, và trong thế kỷ 20, đám đông càng trở nên hung tàn với những vũ khí hủy diệt trong tay và những phương tiện tuyên truyền như thể công lý và chính nghĩa đều thuộc về đám đông. Đây là thời kỳ, cách đây năm mươi năm Le Bon đã từng nói, những hoạt động vô thức của đám đông thay thế cho những hoạt động có ý thức của cá nhân.
Sự thay thế này lúc đó không chỉ có vẻ vô hại mà còn được mong đợi. Một số người đã kích động đám đông bạo động. Marx và các tông đồ của chủ nghĩa xã hội, thay vì chỉ từ xa chiêm ngưỡng ý nghĩa những hành động của mình, họ đã chuẩn bị cho một cuộc nổi loạn.
Giá họ biết, cái đám đông đang leo lên sự thống trị, sẽ tuyệt đối không thực hiện lý tưởng của nhân loại như họ nghĩ, thậm chí, vì cần phải tha bản thân, tha sự hiện hữu và tính cách theo mình, đơn giản họ sẽ xóa hy vọng về khả năng thực hiện toàn bộ các lý tưởng, họ sẽ không ký các văn bản cách mạng của các tông đồ một cách dễ dàng như thế.” (9)
Ông gắn ý niệm đám đông với các xu hướng tôn thờ vật chất, chủ nghĩa duy vật, và thậm chí cả sự chống Chúa – đại diện cho tính thiêng. Hamvas Béla thừa nhận rằng đã từng có thời kỳ Kito giáo đi ngược lại những gì được nhắc đến trong Phúc Âm và khiến cho Kito giáo đi theo một chiều hướng ngược lại với Jesus. Ông nhận ra rằng, chống Chúa (Anti Christ) như cách Nieztches làm, là một biểu hiện tâm lý cưỡng lại sự áp đặt của sự suy đồi trong Kito giáo, thế nhưng, khi trở thành một xu hướng thì đó là nền tảng cho đám đông lên ngôi: “Như giờ đây chỉ còn lại sự kiện Chống Kito. Điều này làm nên lịch sử, và điều này tạo cảm hứng cho các sự kiện. Đám đông càng ồn ào và nhiệt huyết bao nhiêu, người ta càng rời xa và quên mất cội rễ bấy nhiêu.”(10) Ông gọi thứ khoa học duy nghiệm của thế giới hiện đại là “chủ nghĩa ma quỷ” khi khoa học cố phân tích và lý giải điều thiêng liêng huyền bí của sự sống – một loại khoa học hoàn toàn khác biệt với khoa học thiêng theo ông quan niệm (11). Đây là thái độ quen thuộc của những nhà tâm linh hoặc các triết gia Kito giáo. Họ luôn nhìn nhận cái thiêng như một điều gì đó cao vời vượt trên đời sống. Đối với điều thiêng, họ có cái nhìn hướng lên trên, và con đường mình phải đi là hướng lên trên (ngay cả hướng vào trong bản thân mình cũng là hướng lên trên). Hamvas Béla đã tạo ra hai chiều hướng mang đẫm sự nhị nguyên biện biệt: một là hướng lên trên với điều thiêng (theo quan niệm của ông chính là LINH HỒN TẠO HÓA), hoặc là rơi xuống đám đông. Con người như thể không thể độc lập khỏi hai chiều này, mà chỉ có thể lựa chọn một trong hai.
Phục hồi truyền thống cổ như thể là bản mệnh của Hamvas Béla, ông đi tìm nó ở trong những trước tác tôn giáo và tâm linh cổ đại, sẵn sàng dịch các văn bản này sang tiếng Hungary, chìm đắm trong các tri kiến. Ông còn liệt kê 100 tác phẩm vĩ đại mà theo ông là ẩn chứa những điều cốt lõi nhất của truyền thống cổ, kèm với lời bình điểm ngắn của mình. 100 tác phẩm ấy được đăng trong tập tiểu luận “Unicornis” ( Bản dịch tiếng Việt “Độc giác”, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2019).
Hamvas Béla lựa chọn trường phái truyền thống (Traditionalist School), và đã viết bộ “Minh triết thiêng liêng” như một bản tuyên ngôn vừa mang tính hệ thống, vừa mang tính xác lập định nghĩa, vừa mang tính truyền cảm hứng, chính thức đứng vào hàng ngũ các triết gia của trường phái này. Cũng giống như các triết gia của trường phái truyền thống, Hamvas Béla cho rằng có một sự thật tối thượng ẩn sau các truyền thống tôn giáo và tâm linh trên thế giới, và ông tìm cách hưng phục lại tinh thần truyền thống cái thiêng: “Chỉ còn những cá nhân cá biệt, các chủ thể thần thánh hiểu được ý nghĩa của siêu hình học mà thôi. Trong thời gian lịch sử, biểu hiện cổ trực tiếp chỉ còn lại trong các khả năng của con người, trong trực giác tâm linh”… “Tất cả các thể thống nhất cổ là một khái niệm siêu hình học mà các thành tố của nó cũng chứa đựng trong các thể thống nhất cổ khác.”(12) Ông khẳng định, con người cổ là con người gắn với ý niệm về linh hồn, bởi linh hồn “là hiện thực duy nhất”, “là bản thể”, và “con người cổ là lời tuyên ngôn (sự biểu hiện) về linh hồn và phép thuật của linh hồn.” Và truyền thống cổ này hoàn toàn khác biệt với tính chất man dã của người nguyên thủy (primitive). Hamvas Béla từ chối khả năng tiến hóa từ giống người nguyên thủy thành người hiện đại ngày nay, ông đồng tình với quan điểm rằng người nguyên thủy là một dạng thức của sự tha hóa ở con người cổ đại. (13) Ông rất rạch ròi trong phân biệt giữa mục đích của hai nền văn hóa:
“Con người thời cổ là người cha của thiên nhiên; là cha của thiên nhiên bởi con người đã canh tác đời sống với tinh thần tích cực của tình yêu thương của người cha.
Bởi vì:” Tất cả, cái gì sống và có trên thế gian- kinh Zohár đã nói – chỉ để cho, và vì con người. Bầu trời có để cho, và vì mọi thực thể, bởi bản thân các thực thể và các sự vật không ý nghĩa và cũng chẳng có giá trị gì.”
Sự canh tác không là gì khác ngoài việc hiện thực hóa tinh thần của tình yêu thương; theo một quan điểm nhất định nhiệm vụ của con người trong thiên nhiên vật chất không là gì khác ngoài việc hiện thực hóa tinh thần của người cha, trên tất cả mọi lĩnh vực vật chất và thiên nhiên: đất, quan hệ con người, cộng đồng, với khả năng riêng của mỗi con người.
Đây là mục đích đời sống và nhiệm vụ đời sống duy nhất, con người hãy trở thành chủ, thành người chăm lo, người thày, thành vua của thiên nhiên. Đây là trật tự sống thiêng liêng. Đây là đời sống người trong mọi lĩnh vực, mọi khoảnh khắc mang tính chất tinh thần, bởi vậy nó là sự sùng bái trong cái toàn bộ.
Con người lịch sử không phải là người cha mà là kẻ cướp của thiên nhiên. Họ coi thường vật chất: nhưng sự coi thường này chỉ là một minh chứng sau cùng: họ cho phép mình chống đỡ như vậy, vì trước hết họ chà đạp và cướp bóc vật chất. Hành vi căm thù thiên nhiên vật chất trong những thế kỷ gần đây là một quan niệm muộn mằn và lạc lõng, để đánh lạc hướng việc chú ý đến bản chất.” (14)
Đây là xu hướng phổ biến của các nhà văn, nhà thơ của thế kỷ 19 và 20, như đã nói ở trên, khi họ phải đương đầu với sự tàn phá của Cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa đám đông. Sự cưỡng lại này nuôi dưỡng một tâm lý thù hằn với khoa học kỹ thuật ở họ, tới mức họ chối bỏ mọi thành quả của chúng để tự giam mình trong lối sống gần gũi với thiên nhiên (không, phải nói là cơn cuồng tín thiên nhiên) và chìm đắm trong các trải nghiệm tinh thần của riêng mình, như cách Henry David Thoreau đã làm, và sau đó là cách của các hippi đã chọn lựa để trở thành một trào lưu sống tới nay vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trẻ. Họ tin một cách xác quyết rằng đi vào thiên nhiên là con đường tất yếu để tìm được linh hồn của mình và hòa nhập với Thượng Đế.
Hamvas Béla có một sự hứng thú đặc biệt với pháp thuật, ông viết rất nhiều về pháp thuật, và coi pháp thuật nhập định như một con đường hiển nhiên để bước khỏi đời sống vật chất tầm thường để tiến đến cao hơn:
“Các bậc thang nhập định là các bậc thang phép thuật, dẫn tới một thế giới siêu nhiên bên trên thế gian vật chất. Và tất cả những ai, đòi hỏi từ đời sống của mình nhiều hơn những người khác, đều phải bước lên các bậc thang này. Nếu họ không bước lên, họ vẫn cứ tham gia vào một trong những hoạt động của mức độ cao hơn của sự sống: họ trở thành linh mục, thày giáo, nhà thơ, kẻ cầm quyền, người quân nhân- họ không đạt được bất kỳ kết quả nào, hoạt động của họ tạo thêm nhiễu nhương, công việc của họ không bản chất, vô ích, vô nghĩa, vô giá trị.
Việc bước lên những bậc thang phép thuật của sự nhập định có nghĩa là kẻ đã nhập định bước vào vòng siêu việt hơn của sự sống. Truyền thống cổ gọi bước chuyển này là sự tái sinh.” (15)
Trong “Forradalom a művészetben: absztrakció és szürrealizmus Magyarországon” (Cách mạng trong nghệ thuật: Trừu tượng và siêu thực ở Hungary”, 1947, viết cùng với vợ ông), Hamvas Béla nhận ra trong chủ nghĩa siêu thực và nghệ thuật di sản có tồn tại những dấu vết di sản của pháp thuật, sự hiện diện của LINH HỒN TẠO HÓA, của tính thiêng, đối lập với nghệ thuật hiện thực. Khái niệm nghệ thuật này đã bị phản đối bởi nhà tư tưởng Marxist là Gyorgy Lukács, và Hamvas Béla bị cấm tại Hungary cho đến hết cuộc đời của mình.
Kết luận
Điểm hạn chế lớn nhất của tôi khi tiếp cận Hamvas Béla đó là rào cản ngôn ngữ. Tiếng Hungary là một trong số các ngôn ngữ học nhất trên thế giới, và không có các tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh. Tôi hoàn toàn chỉ biết đến ông dựa trên bản dịch duy nhất được dịch từ tiếng Hungary của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung. May thay, chị Nguyễn Hồng Nhung đã hoàn thành nhiệm vụ không chỉ là một người dịch mà còn là một tư tế của Hamvas Béla với toàn bộ niềm đam mê và tình yêu dành cho ông. Tuy vậy, chị Nguyễn Hồng Nhung vẫn chưa dịch xong toàn bộ các tác phẩm của ông được viết sau 1947, và tôi cũng không dám chắc tình yêu giữa chị và Hamvas Béla có được lâu bền tới mức chị sẽ dành thêm rất nhiều năm trong cuộc đời ngắn ngủi của kiếp người để tiếp tục dịch các tác phẩm của ông hay không.
Tôi tiếp cận Hamvas Béla, ngoài dựa trên con chữ nằm trong bản dịch của chị Nguyễn Hồng Nhung, còn dựa trên những mối quan tâm chung của tôi và Hamvas Béla. Cũng như ông, tôi hứng thú đặc biệt với Friedrich Nietzsche, với Vedanta, tarot, yoga, giả kim thuật, Kito giáo, thần thoại cổ… và cũng như ông, tôi cũng là một con người đang cố gắng giải mã chính mình, tự giải thoát mình khỏi những cơn cuồng nộ đám đông và phàm tục của thời đại. Điều duy nhất khác biệt giữa cuộc đời của tôi tính đến thời điểm này và Hamvas Béla đó là tôi không phải trải qua những đau thương, mất mát và chứng kiến sự thất bại của chính mình.
Trong năm 2013, khi tôi bắt đầu đọc Hamvas Béla, tôi đã bị chấn động, chấn động tới mức bị chuỗi cảm hứng của ông lôi cuốn, tới mức tôi buộc phải nghi vấn những hiểu biết của mình về tôn giáo và tâm linh. Sáu năm đã trôi qua, (vâng, Hamvas Béla rất hứng thú với con số 6) tôi đã tìm mọi cách để hiểu ông mà tách biệt với sự yêu thích của bản thân mình dành cho ông, để cố giải mã điều gì ở ông khiến tôi bị lôi cuốn đến vậy, để tôi tự giải thoát mình khỏi ông, cũng như giải phóng tôi khỏi một khía cạnh của chính mình. Tôi luôn không giống với Hamvas Béla, tôi không muốn cứ thế leo lên cao để nhỏ bé tới mức tan biến, tôi muốn rộng mở tới mức mọi thứ đều tan biến. Có lẽ một lúc nào đó, tôi sẽ lại chọn cách như Hamvas Béla, nhưng sẽ không phải là bây giờ.
*Chú thích:
(1) Bức thư thứ nhất – Hyperio Hungary (Nguyễn Hồng Nhung dịch) Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/HyperioHungary-HBela-NHN.htm
(2) “Ánh sáng trong bóng tối” – S.L.Frank, tr 39, NXB Tri Thức, 2018
(3) Tiểu sử nhà triết học, nhà văn hiện đại lớn nhất của Hungary: Hamvas Béla (1897-1968) – Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/TieuSuHamvasBela.htm
(4) Phần viết về Cách mạng Hungary 1956, trích từ tiểu luận “Patmosz”, Nguyễn Hồng Nhung dịch. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/VietVeCachMang1956-HBela-NHN.htm
(5) “Bức thư thứ sáu”, trích tập tiểu luận “Hungary Hyperio”, Nguyễn Hồng Nhung dịch. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/HyperioHungary-HBela-NHN.htm
(6) Chương “Poseidon”, trích “Câu chuyện vô hình”, bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/Poseidon-HBela-NHNhung.htm
(7) Chương “Wordsworth, triết học xanh”, trích “Câu chuyện vô hình”, Bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/WordSworthHayTrietHocXanh-HBela-NHNhung.htm
(8) Chương “Thi sĩ thiêng liêng”, trích “Câu chuyện vô hình”, Bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/ThiSiThiengLiengPoetaSacer-HBela-NHNhung.htm
(9) Chương “Thời kỳ Bảo Bình”, trích “Câu chuyện vô hình”, Bản dịch Nguyễn Hồng Nhung. Link: https://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/ThoiKyBaoBinh-HBela-NHNhung.htm
(10) Chương “Chống Kito”, trích tiểu luận “Minh triết thiêng liêng” – tập 3, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr189.
(11) Chương “Chống Kito”, trích tiểu luận “Minh triết thiêng liêng” – tập 3, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr191.
(12) Chương “Các truyền thống”, trích “Minh triết thiêng liêng” – tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr169 &172
(13) Chương “Con người theo Vedanta”, trích “Minh triết thiêng liêng” – tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr187 đến 206.
(14) Chương “Văn hóa cổ và văn hóa hiện đại” , trích “Minh triết thiêng liêng” – tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri Thức, 2016, tr336&337.
(15) Trích “Các bậc thang phép thuật”, Nguyễn Hồng Nhung dịch. Link: https://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/NguyenHongNhung/HamvasBela/CacBacThangPhepThuat-HBela-NHN.htm