Home Bình Luận Hàn Mặc Tử – Người thơ đi giữa nguồn trong trẻo

Hàn Mặc Tử – Người thơ đi giữa nguồn trong trẻo

Viết về Hàn Mặc Tử là một thách thức với bất cứ nhà nghiên cứu hay phê bình văn học nào, bởi thơ ông biểu hiện vô vàn sắc thái cảm xúc, đan xen đa chiều các không thời gian. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong cuốn “Mắt thơ” đã xếp ông vào số rất ít các nhà thơ Việt Nam đi theo con đường siêu thực, sở dĩ bởi sự sáng tạo của Hàn Mặc Tử là dòng tuôn chảy từ tiềm thức. Hàn Mặc Tử ở lời nói đầu của tập thơ “Đau thương” đã tự quán dòng tuôn chảy tiềm thức này của mình, ông viết:

“Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói đến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng: xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến làm bằng êm dịu, làm bằng thành bại….Gió phương mô đẩy đưa Người đến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thinh sắc. Người dừng lại để hái những lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang vang như tiếng châu báo vỡ lỡ. À ra Người cũng dại dột, hốt vàng rơi bọc trong vạt áo.

Trí Người đã dâng cao và thơ Người dâng cao hơn nữa. Thì ra Người đang say sưa đi trong Mơ Ước, trong Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt hẳn ngoài Hư Linh….”

Thế nên, bước vào cõi thơ Hàn Mặc Tử là bước vào cõi mơ, của những phi lý, như thể ở trong trùng trùng vũ trụ kính vạn hoa – một mảnh thực tại này lại phóng chiếu một mảnh thực tại khác, trong bóng tâm trí này lại thấp thoáng bóng của tâm trí khác, và thời gian thì đứt quãng khó phân định. Đời thơ của Hàn Mặc Tử đã bước từ ước lệ trong “Lệ Thanh thi tập” viết theo lối Đường thi, sang lãng mạn và tượng trưng trong “Gái quê” để rơi vào thăm thẳm siêu hình trong “Đau thương” và sau đó là “Xuân như ý”, “Thượng thanh khí”. Chặng đường thơ cũng là một chặng đường đời, chằng đường biến chuyển tâm thức của Hàn Mặc Tử. Với Đường thi, là thời chí làm trai nhuốm sầu bi, thơ bật ra những câu 

“Khóc dùm thân thế hoa rơi lệ

Buồn giúp công danh dế dạo đàn” 

(Trích “Thức khuya”)

Những bài trong tập thơ “Gái quê” chẳng còn chút dấu vết của công danh hay thân thế, mà là:

“Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ…

Đời anh lưu lạc tự bao giờ?

Đi, đi,… đi mãi nơi vô định,

Tìm cái phi thường cái ước mơ…”

(Trích “Đời phiêu lãng”)

Và rồi đến “Đau thương”, sắc thái mơ đã khó để gọi tên, các hình ảnh thơ chẳng còn theo trình tự. Vì đớn đau quá mà mơ chăng? Hay cơn đau và cơn mơ đã lẫn lộn?

“Lụa trời ai dệt với ai căng,

Ai thả chim bay đến Quảng Hàn,

Và ai gánh máu đi trên tuyết,

Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.”

(Trích “Cuối thu”)

Có lẽ, sự rung động của Người Thơ trong Hàn Mặc Tử đã tự thoát khỏi trói buộc, thế nên cái chạm của Người Thơ cũng không giới hạn. So với các nhà thơ 30-45, Hàn Mặc Tử là cây bút hiếm hoi đưa vào thơ rất nhiều cảnh sắc, hình ảnh, cảm xúc, cá tính… Nói một cách khác, thơ Hàn Mặc Tử chứa đựng nhiều thực tại, trong khi các nhà thơ khác chỉ ám ảnh với đôi ba thực tại quen thuộc, ví dụ như Đinh Hùng thì ám ảnh với hồn ma bóng quế và những cổ quốc xa xôi, hay Vũ Hoàng Chương thì đưa vào thơ sương khói bàn đèn và cõi lòng lạc lõng của một nam nhi, hay Nguyễn Bính là chốn thôn quê bình dị và những đô thành phồn hoa, Bích Khê là cảnh dục tình trong mộng tưởng và cái chết, Chế Lan Viên là thành cổ Chăm-pa và cảnh sắc điêu tàn… Hàn Mặc Tử, chỉ riêng trăng thôi đã có muôn sắc thái trăng, chỉ riêng xuân thôi đã có muôn vẻ tình xuân, và yêu thôi cũng là bao khoảnh khắc… Thế nên, chạm vào Hàn Mặc Tử, không phải với tư cách một nhà thơ, mà với tư cách một cây viết bình luận, cũng chỉ có thể cố ráp nối những mảnh thực tại từ các ám ảnh, khó tránh khỏi khiên cưỡng.

Hàn Mặc Tử với Khởi nguyên Xuân

Xuân là khoảnh khắc trong trẻo nhất của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử dù trong những ngày trai trẻ hay trong cảnh đau thương đều dành cho Xuân một cái nhìn trong trẻo, với tâm thế trong trẻo nhất, chẳng bợn chút đau thương, mà lãng đãng mênh mang. Có lẽ, trong suốt đời mình, ông hướng về mùa xuân như hướng về phần ngây dại nhất của cuộc đời, của cảnh thôn dã bình yên với tình quê, với những cảm thức thiêng liêng thanh khiết. 

Thuở trai trẻ, lúc ấy Hàn Mặc Tử còn mang danh Lệ Thanh, có cái không khí náo nức của trang tài tử du xuân rộn ràng khấp khởi bao hi vọng:

“Non sông ngàn dặm ngắm càng xinh

Ừ, tết năm nay thật hữu tình

Pháo nổ, nổ tan luồng thất nghiệp

Xuân về, về ghẹo khách ba sinh”

(Trích “Xuân hứng”)

Nhưng qua thời náo nức, bước vào cuộc phiên bạt, khi cảm nhận sâu sắc mùa thu và mùa đông của đời người, Hàn Mặc Tử lại nhung nhớ xuân về. Cả tập thơ “Gái quê” vừa là ký ức, vừa là hiện thực, và là mơ tưởng của Xuân – cảnh xuân, tình xuân, tuổi xuân, trời xuân. Ông không còn tìm thấy xuân trong mình, mà phải tìm đến xuân ở ngoại cảnh, ở “làn môi mong mỏng tươi như máu” của cô gái quê, thậm chí có lần còn mơ mình thành cô gái nhà quê để hồn được “cổi xiêm, cổi yếm” trong đêm trăng bên miệng hồ và cất lên tiếng thơ “trắng nõn… như da thịt” (“Tôi thích làm con gái”). Một lần Hàn Mặc Tử ít mơ tưởng hơn, mà chứng kiến cảnh thu đến khi lòng xuân đang phơi ấy, ấy chính là “Tình quê”:

“Trước sân anh thơ thẩn.

Đăm đăm trông nhạn về;

Mây chiều còn phiêu bạt

Lang thang trên đồi quê;

Gió chiều quên ngừng lại;

Giòng nước luôn trôi đi…

Ngàn lau không tiếng nói;

Lòng anh dường đê mê.

Cách nhau ngàn vạn dặm

Nhớ chi đến trăng thề;

Dầu ai không mong đợi.

Dầu ai không lắng nghe

Tiếng buồn trong sương đục.

Tiếng hờn trong luỹ tre.

Dưới trời thu man mác.

Bàng bạc khắp sơn khê.

Dầu ai trên bờ liễu.

Dầu ai dưới cành lê…

Với ngày xanh hờ hững,

Cố quên tình phu thê,

Trong khi nhìn mây nước,

Lòng xuân cũng não nề…”

Cảnh là cảnh thu, nhưng tình là tình xuân. Cảnh thu thì chia biệt, mà tình xuân thì vẫn vấn vương, sơn khê đã “bàng bạc” nhưng dấu vết “ngày xanh” vẫn vảng vất, dẫu là buồn là hờn là não nề trong cô quạnh, nhưng “lòng xuân” vẫn hiện diện. Lòng thu không hình thành, mà vẫn mãi là lòng xuân chứng kiến phai tàn, dẫu có đau thương nhưng trong trẻo lạ thường. Bài thơ đượm ý vị dòng thơ “Chinh phụ” nhưng không phải cái tâm thức nhớ nhung da diết, không phải chia biệt tuyệt vọng như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. Dùng con mắt của mùa thu để nhìn tàn phai của mùa thu là điều không lạ, nhưng nhìn con mắt của mùa xuân để nhìn thu thẫm không gian và thời gian như Hàn Mặc Tử thì hiếm hoi. Có lẽ bởi thế, bài thơ không viết bằng lối thơ 7 chữ mềm mại, mà bằng lối thơ 5 chữ với nhịp điệu nhanh thôi thúc. Câu chữ tựa như buồn, nhưng ngâm ngợi lên lại không có cảm giác u uẩn sầu thương. 

Trong tập thơ “Đau thương”, xuân hiện diện như một giấc mộng Đào Nguyên. Bài thơ xuân nổi tiếng nhất trong tập này, ai cũng có thể gọi tên khi nhắc đến Hàn Mặc Tử: “Mùa xuân chín”. Đã rất nhiều luận giải về sắc thái “chín” của “mùa xuân” trong bài thơ này. Có người còn luận rằng đây hẳn là “cuối mùa xuân”, có người lại nói “chín” ở đây là độ đẹp nhất của cảnh sắc và của lòng người. Nhưng xin nhớ cho, thơ Hàn Mặc Tử ở đây đã đến phần phi lý, tức là không thể dùng lý thông thường để luận giải cho biểu tượng hay ngôn từ hay cảm xúc. “Mùa xuân chín” với tôi là một giấc mơ:

“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây,

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

– Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

 

Bài thơ không tả cảnh mùa xuân của hiện thực, mà là mùa xuân của siêu thực, bởi quá nhiều ngôn từ đa nghĩa mà độc giả hiểu theo cách nào cũng được. “Khói mơ” ở đây nhiều người lý giải là làn khói có màu mơ xen lẫn của nắng xuân và khói, nhưng “khói mơ” cũng có thể đơn giản là lớp sương mờ ảo dẫn vào một cơn mơ. “Khói mơ tan”, người thơ không còn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh nữa, mà đã hoàn toàn đi vào thực tại của một giấc mơ xuân. Nếu là cảnh thực, không thời gian ắt hẳn phải đi theo một trình tự từ xa đến gần hoặc từ gần ra xa… Nhưng trong suốt bài thơ là những xa gần lẫn lộn, không thể xác định được điểm nhìn của nhà thơ. Mới thoáng đó ở toàn cảnh ngắm “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”, mà đã nghe tiếng “sột soạt” thật gần của gió trêu đùa “tà áo biếc” nhưng cũng chẳng biết là áo của người hay áo của cây lá hay áo của chính tác giả. Và thoáng chốc cái nhìn dừng ở dàn thiên lý chẳng rõ ở góc nào, ngưng đọng với dấu chấm đột ngột giữa câu thất ngôn, để vỡ òa như một tiếng reo “Bóng xuân sang”. Điểm nhìn trong câu thơ này càng khó xác định, không rõ tác giả đang ở dưới bóng thiên lý, hay bên cạnh, hay đứng từ xa để quan sát biến dịch của mùa xuân. Chỉ có người mơ, tức người không tả thực cảnh sắc, mới có sự dịch chuyển tức thời các điểm nhìn như thế. Tình vừa đang lãng đãng với cảnh bình yên của “bóng xuân sang”, bất chợt lại nghĩ đến tàn phai của những cô thôn nữ rồi sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Đây là ám ảnh còn sót lại trong tập thơ “Gái quê” vắt một dải tình sang tập thơ “Đau thương”. Những cô gái non tơ, biểu tượng của “xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự” trong tâm tưởng của Hàn Mặc Tử, rồi cũng có ngày chẳng còn xuân nữa. “Bao cô thôn nữ hát trên đồi” ấy là bóng dáng của mùa xuân và tiếng hát của các cô cũng là tiếng hát của vạn vật thiên nhiên. Hàn Mặc Tử trong thoáng chốc đã chuyển từ tiếng hát của thôn nữ sang “lời nước mây” “hổn hển”. Hai chữ “hổn hển” thật gợi, nó chỉ âm thanh tuy khẽ như gió nhưng lại rõ ràng, có phần mệt mỏi nhưng sung sướng đê mê, tựa như sức sống mùa xuân vận động đến tận cùng hồn xác. Không phải tiếng hát đang “thầm thĩ” với Người Thơ, mà toàn bộ thực tại mùa xuân đang rỉ tai những lời vô định chẳng mưu cầu mà duyên dáng và trong trẻo. Đến đây, “mùa xuân” đã vào độ “chín” của mạch thơ. Vẫn không thể nói rõ ràng “mùa xuân chín” là khoảng thời gian nào hiện hữu, chỉ biết trong cơn mơ đẹp vừa hay đã ở thật sâu. Nhưng có ngờ đâu, đó là lúc cái thực tràn về, nói chính xác hơn là ký ức phóng chiếu từ cái thực xâm lấn. Đó là cảnh làng xóm quê hương của người khách phương xa, không phải như chốn Đào Nguyên, mà là người phụ nữ tuổi đã không còn xuân trẻ – “chị ấy” – đang “gánh thóc – dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Ký ức ấy không phải là ký ức của mùa xuân, cũng không thể khẳng định được đó là một ngày hè gay gắt, nhưng nó gợi lên cảnh tượng lao động vất vả của đời thường. Hình ảnh rất đẹp, rất tình, nhưng cũng rất nhọc như người “gánh máu đi trên tuyết” trong bài “Cuối thu” vậy. Giấc mơ xuân mở ra trong trẻo là thế nhưng khép lại bằng chút đau thương nhè nhẹ của nhân sinh, giữa Đào Nguyên nhưng chẳng thể nào quên nổi gánh nặng đời người. Và bởi thế, giấc mơ này tên là “Mùa xuân chín”, tức xuân vừa đến độ đẹp nhất đã nhen nhóm những “phai tàn sắp sửa” (mượn chữ của Xuân Diệu trong “Vội vàng”). 

Hàn Mặc Tử dành hẳn một tập thơ để triệu hồi xuân: “Xuân Như Ý”. Vòng nhân sinh luân hồi, tránh sao được tàn phai, rồi lòng xuân cũng có ngày phai nhạt. Giữa tuyệt vọng đớn đau của bệnh phong, cái chết đang đợi chờ, Hàn Mặc Tử khao khát xuân hơn bất cứ ai hết. Ông không có bất cứ điều gì để xoa dịu, chỉ có đức tin vào cái cao cả thiêng liêng làm điểm tựa, và ông gọi đó là “Xuân Như Ý”. Mở đầu “Xuân Như Ý”, ông viết:

“Đưa ra nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…

Đưa ra nào là gió chia biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiêng, mây giang hồ, và nào là trời thanh sắc, lòng nhũ hương, niềm mộc dược.

Vẫn chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!…

Phải mời cho được xuân thiêng ra đời…

Bình an cả và thiên hạ…

Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vị, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là Ngọc Như Ý, tên xuân là Dạ lan hương.

Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…

Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã chán và cao rao danh Cha cả sáng.

Và loài người hãy cám ơn Thi nhân đã đổ ra hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió,

Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…

Thi nhân sẽ vừa say sưa, vừa điên cuồng, ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi như một mùa Xuân Như Ý.”

Với “Xuân Như Ý”, Hàn Mặc Tử đã bước ra khỏi cơn khủng hoảng tiền tâm linh mà Roberto Assagiolie nhắc tới trong “Sự phát triển siêu tâm thức”, để ra đời một con người khác. Ông tuyên bố:

“Chàng ơi! Chàng ơi, sự lạ đêm qua!

Mùa xuân tới, mà không ai biết cả…”

(Trích “Ra đời”)

hay:

“Và đầu hôm một vì sao liền mọc

Ở phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô!

Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho

Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo.”

(Trích “Đêm xuân cầu nguyện”)

Toàn bộ mùa xuân trong “Xuân Như Ý” dù ở sắc thái nào cũng đều là xuân trong tâm tưởng, xuân mang ý nghĩa sự bừng sáng của đức tin nơi ông, khi ông tìm thấy một nguồn trong trẻo mới, và lúc này, ngay cả nỗi đau cũng là duyên cớ để thi nhân biểu đạt “Bóng xuân sang”:

“Đương cầu xin ọc thơ ra đường sữa,

Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau…

Trên chín tầng, diêu động cả trân châu

Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết,

Nhịp song đôi: này đây, cung cầm nguyệt

Ướp lời thơ thành phước lộc đường tu

Tôi van lơn, thầm nguyện chúa Giê-su

Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối,

Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi

Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng:

Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng.”

(Trích “Đêm xuân cầu nguyện”)

Người đời gán cho Hàn Mặc Tử là thi sĩ của trăng, nhưng tôi nghĩ rằng mùa xuân ám ảnh thơ của ông hơn cả, là tầng ẩn sâu nhất trong tâm thức ông, là phần hồn vẫn ngây thơ trong trẻo chưa từng vẩn đục, tựa như chân ngã. Mỗi lần ông lạc lối trong đâu thương, chính hồn xuân này – chân ngã này đã gọi ông trở lại, và rồi đưa ông về với tầng tâm thức của những điều thiêng trong các bài thơ gần lúc lìa đời. 

Đi qua thung lũng bóng tối

Khi nhắc đến Hàn Mặc Tử, các độc giả, dẫu là nhà phê bình hay một người yêu thơ thuần túy, đều nghĩ tới những đêm trăng quyến rũ có phần ma mị, dị kỳ. Có lẽ bởi Hàn Mặc Tử đã “kẻ lên trăng” rất nhiều nỗi niềm, cũng có lẽ bởi trong tâm thức của người Á Đông vốn đã quen với bầu không khí Đường thi, trăng quá ư tuyệt mỹ. Đêm trăng luôn mà mỹ cảnh mê hoặc lòng người: sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa khoảng trống mênh mông và một nét phác thanh nhã. Vì thế mà nhà thơ Á Đông nào cũng để lại không ít thì nhiều những trước tác về trăng. Hàn Mặc Tử viết rất nhiều về trăng, nhưng nếu nói ông là thi sĩ của trăng thì e rằng không đủ. Vẻ đẹp của trăng tới từ nền cảnh mênh mông của bóng tối, và thực ra trăng như điểm sáng để bật lên vẻ đẹp của cảnh đêm. Hơn nữa, bóng tối trong thơ Hàn Mặc Tử không chỉ được thắp sáng bởi trăng, mà đôi khi còn có những vì sao, có những đêm “ánh trăng không sáng mấy” (“Thao thức”), có khi còn chìm trong miên viễn khói sương…

Trăng chớm hiển lộ trong thơ Hàn Mặc Tử từ những bài thơ Đường thi đầu tiên ở “Lệ Thanh thi tập”. Trăng khi ấy còn vụng về và khuôn thước, chỉ hơi cựa quậy động tình trong “Thức khuya”:

“Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.”

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú với cảnh và tình hoàn toàn cổ điển: có người thức khuya, bốn bề là đêm thanh vắng, có tiếng dễ rỉ rả tựa như buồn cho nỗi ngán ngẩm công danh, có hoa đêm đẫm sương tựa như đang khóc cho thân phận con người, có những nỗi niềm day dứt khôn nguôi. Giữa bóng tối cổ điển của những ước lệ ấy, cặp đôi trăng gió tinh nghịch và gợi cảm, hoàn toàn sống động với những ngôn từ rất dục: “sờ sẫm”, “cọ mài”, tựa hồ như thứ tình vụng trộm đang len lỏi vào và phá tung mọi khuôn thước. 

Sự khởi đầu ấy đã triệu hồi vầng trăng yêu mị và dục tình không ít lần độc giả gặp đi gặp lại trong tập “Gái quê” và tập “Đau thương” của ông. Lúc thì lả lơi:

“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi…

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!”

(Trích “Bẽn lẽn”)

Lúc thì ngây ngất:

“Mới lớn lên trăng đã thẹn thò,

Thơm như tình ái của ni cô.

Gió say lướt mướt trong màu sáng,

Hoa với tôi đều cảm động sơ.”

(Trích “Huyền diệu”)

Lúc thì hứng tình:

“Vui thay cảnh sáng trăng

Ái tình bắt đầu căng

Hoa thơm thì nín lặng

Hương thơm thì bay lay

Em tôi thì hổn hển

Áo xiêm lấm tấm vàng”

(Trích “Trăng sáng”)

Có khi chìm đắm ái ân:

“Cỏ đùa trăng đến bên ao

Trăng lại đẫm mình xuống nước

Trăng nước đều lặng nhìn nhau…

Đôi ta bắt chước thì sao ?”

(Trích “Bắt chước”)

Trăng lúc này mang dáng hình thiếu nữ, một cô gái độ xuân thì đang đến mùa động dục, mọi hành động đều khuấy đảo tâm trí của người thơ. Sự liên hệ này của Hàn Mặc Tử không phải vô cớ, giữa trăng và kỳ kinh nguyệt của nữ giới có mối liên hệ mật thiết. Trong các kỳ trăng, nữ giới thường cũng tới kỳ rụng trứng và đây là thời điểm kích thích sự thèm khát nhất ở đàn ông. Sự thèm khát mà không được thỏa mãn này đi vào tiềm thức tạo ra rất nhiều ảo giác và ảo giác ấy khiến thơ được bật ra trong những đêm trăng. Ảo giác khiến gió trăng không chỉ là gió trăng, mà là dục là tình, và cái hay trong những bài thơ này chính là vẻ duyên dáng “bẽn lẽn”, “thẹn thò” của thứ dục tình bị giấu đi nhưng lại không thể nào giấu được. Sự phức tạp về tâm lý dục ấy khiến những bài thơ trăng này của Hàn Mặc Tử vừa lãng mạn vừa siêu thực, một hiện tượng thơ kỳ thú và chưa từng có trong văn chương Việt trước đó.

Trong rất nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, ánh trăng chỉ là nền cảnh tối đánh sáng để bật lên những nét phác dị kỳ, hư ảo của đêm. Nổi tiếng nhất phải kể đến cảnh đêm trăng trong “Đây thôn Vĩ Dạ”:

“Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Bốn câu thơ này có lẽ phác nên cảnh trời ngả dần về tối. Chỉ bốn câu thơ mà bước chuyển thời gian hiện ra thật rõ. Đầu tiên là sự dịch chuyển của gió và mây, tựa hồ theo từng ngả. Lẽ thường, gió thổi mây trôi, nhưng gió vẫn thổi mà mây tựa hồ đã chuyển dịch theo chiều hướng khác, có lẽ không phải là chuyển dịch về mặt không gian mà về mặt thời gian. Trên con sông Hương “buồn thiu” mà dân gian vẫn gọi là “nước chảy lờ đờ” ấy, gió hiu hiu thổi để lại dấu vết với nét phác “hoa bắp lay”. Những nét phác đã đi từ toàn cảnh mờ ảo, đến rõ nét dần, và điểm nhấn trọng tâm chính là “thuyền ai đậu bến sông trăng” – một nét cảnh rất Đường thi, tựa hồ như đêm trăng ở Cô Tô của Trương Kế vậy. Nhưng nếu vậy thì không làm nên tuyệt tác “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, câu thơ “chở hồn” của Hàn Mặc Tử chính là câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Câu hỏi gợi lên nhiều suy tưởng: chở trăng về đâu? có hứng trọn được trăng trong chiếc thuyền chật hẹp? người thơ trong con thuyền ấy đang chờ đợi điều chi trên dòng sông trăng? con sông này có phải sông Hương không hay là một dòng sông trăng của chốn hư huyễn?… Vẻ đẹp tuyệt đích của đêm trăng ấy là thứ mang tính khoảnh khắc, không thể nắm bắt, bởi thế mà câu thơ vừa có phần vội vã, vừa có phần hốt hoảng, vừa tiếc nuối, giống như mọi vẻ đẹp của đời người trong thoáng chốc đã trôi qua chẳng thể nào giữ lại.

Một lần khác, Hàn Mặc Tử điên cuồng “rượt trăng” như một gã tình si muốn cưỡng đoạt vẻ đẹp tuyệt đích, mà kỳ thực vẻ đẹp ấy là một bóng hồn khác của gã:

 

“Ha ha! Ta đuổi theo trăng

Ta đuổi theo trăng

Trăng bay lả tả trên cành vàng

Tới đây là nơi tôi được gặp nàng

Rủ rê, rủ rê hai đứa tôi vào rừng hoang

Tôi lượm lá trắng làm chiếu trải

Chúng tôi kê đầu trên khối sao băng

Chúng tôi soi chuyện bằng hơi thở

Dần dần hao cỏ biến ra thơ

Chúng tôi lại là người của ước mơ

Không xác thịt chỉ là linh hồn đang mộng

Chao ôi! Chúng tôi rú lên vì kinh động

Vì trăng ghen, trăng ngã, trăng rụng xuống mình hai tôi.

 

Hoảng lên nhưng lại cả cười

Tôi toan níu áo nàng thời theo trăng

Hô hô! Ta đuổi theo trăng! Ta đuổi theo trăng!

Trăng! Trăng! Trăng! Trăng!

Thả nàng ra, thôi thả nàng ra

Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng

 

Đố trăng trăng chạy đàng trời

Tôi rú một tiếng trăng rơi tức thì….”

 

(“Rượt trăng”)

 

Vì quá nuối tiếc sự qua đi của ánh trăng, có những lúc Hàn Mặc Tử sẽ “nín thinh” để chìm đắm hoàn toàn trong cảnh và tình:

 

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,

Để nghe dưới đáy nước hồ reo;

Để nghe tơ liễu run trong gió,

Và để xem trời giải nghĩa yêu…

 

Hàng thông lấp loáng đứng trong im,

Cành lá in như đã lặng chìm.

Hư thực làm sao phân biệt được!

Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

 

Cả trời say nhuộm một màu trăng,

Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.

Không một tiếng gì nghe động chạm,

Dẫu là tiếng vỡ của sao băng…”

 

(Trích “Đà Lạt sương mờ”)

 

Và có lần, chàng Hàn Mặc Tử trong cơn say trăng điên loạn đã bị đánh thức trong niềm tuyệt vọng lúc sáng trời. Trăng đêm để được điên, nhưng ban sớm là kết thúc của cái điên, đồng thời cũng kết thúc của cái đẹp yêu mị:

 

“Cả miệng ta trăng là trăng!

Cả lòng ta vô số gái hồng nhan;

Ta nhả ra đây một nàng,

Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây,

Cho vì sao rụng xuống mái rừng say.

Gió thổi rào rào như lá đổ,

Suối gì trong trắng vẫn đồng trinh.

Bóng ai theo dõi bóng mình,

Bóng nàng yêu tinh.

Dịp cười như tiếng vỡ pha lê…

Thưa, tôi không dám say mê,

Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền.

Bây giờ tôi dại tôi điên,

Chấp tay tôi lạy cả miền không gian.

 

Hẹn tôi tảng sáng đi tìm mộng,

Mộng còn lưởng vưởng bến xa mơ…

Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ,

Tôi hoảng hồn lên, giận sững sờ!”

 

(“Một miệng trăng”)

 

Và quá điên cuồng níu giữ, nên cũng quá đỗi đau thương. Cùng với đêm trăng là máu ộc ra, cơn khạc máu của một người đang đến rất gần cái chết, dùng thơ để thiêu đốt tận cùng sinh mạng. 

 

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da.

 

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh,

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết

Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.

 

Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng

Cho ngây người mê dại đến tâm can

Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng

Mà muôn năm rướm máu trong không gian.”

 

(“Rướm máu”)

 

Trăng có thể vừa là thật vừa là ảo, máu cũng thế, vừa là những đau đớn quằn quại của bệnh phong vừa là đại diện cho những đau thương mà một nhà thơ phải trải qua để có được vẻ đẹp của thơ ca, một con người phải rơi vào để một ngày thấy được cánh cửa thiên đường. Mỗi lần lặn sâu trong những vần thơ đau đớn của Hàn Mặc Tử, đặc biệt trong phần “Máu cuồng và hồn điên” thuộc tập “Đau thương’, trong đầu tôi lại vang lên câu kinh trong Thi Thiên: 

“Dẫu cho con có đi qua thung lũng bóng tối của cái chết, con sẽ không sợ hãi, vì Người ở bên con, gậy và trượng của Người, chúng che chở cho con.” (“Thi thiên” 23:4, tự dịch)

Những đau thương Hàn Mặc Tử trải qua trong đời, những nỗi đau ứa máu ấy nào khác gì đi qua thung lũng bóng tối. Thay vì sợ hãi và rợn ngợp, ông đắm mình trong bóng tối bởi nơi ấy ông vẫn tìm thấy ánh sáng của trăng, của những vì tinh tú. Trước khi đến với Chúa, Hàn Mặc Tử thường hướng về nguồn sáng của trăng và những vì sao, ông chưa ý thức được rằng đó là tạo vật thiêng liêng của Thượng Đế, là biểu tượng của ánh sáng thiêng liêng trong ông. Thuở ấy, Người Thơ Hàn Mặc Tử đi theo luồng sáng đó để đeo đuổi và biểu đạt vẻ đẹp tuyệt đích. Nhưng không đủ, ông thường thốt lên rằng “chưa bưa”, tức chưa đã, chưa thể lấp đầy trọn vẹn khao khát tuyệt đích nơi ông. Ông tìm thấy Thượng Đế trong tận cùng của đớn đau và vũng máu, và rồi nhận ra Thượng Đế nơi vầng trăng ông mê đắm xa xưa:

“Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm

Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên

Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm

Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.”

(Trích “Vầng trăng”)

Và vầng trăng lúc bấy giờ không còn vẻ lả lơi mà đã hiện thân cho cõi lòng trinh bạch, một lần nữa lại trong trẻo:

 

“Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,

Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập

Cả Hàn giang, cả mầu sắc thiên không

Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng

Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước…

 

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu;

Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu

Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ

Sẽ ngất ngây bởi chưng thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng MẸ SẦU BI.”

 

(Trích “Thánh nữ đồng trinh Maria”)

 

Hàn Mặc Tử đã tự trao cho Người Thơ nơi mình một sứ mệnh mới, nói đúng hơn thì, là một chặng đường khác tuôn ra từ “nguồn trong trẻo” – với Đức tin để chuyển nỗi đau thành thi phẩm: “Phải mời cho được xuân thiêng ra đời…”, để không phải tiếc nuối khi đêm trăng đẹp đẽ chỉ còn trong mộng tưởng. Và đi ra khỏi thung lũng bóng tối, ấy là lúc mùa xuân mới với ánh thiều quang rạng rỡ chiếu rọi, một mùa xuân mà Hàn Mặc Tử vẫn kiếm tìm trong suốt cả đời mình:

 

“Thuở ấy càn khôn mới dựng nên,

Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên,

Người thơ phong vận như thơ ấy

Nào đã ra đời ngọc biết tên.

 

Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời

Mùi thơm ngây dại sóng con ngươi

Hãy hoan hô, lời cao như sấm

– Vạn tuế, bay ơi! Nắng rợp trời!”

 

(Trích “Xuân đầu tiên”)

 

Xuân – thiên đường, ấy cũng là một cõi mộng khác, một cõi mộng giúp con người băng qua đêm tối. Và Hàn Mặc Tử đã khép lại đời thơ của mình như thế, trong ánh thiều quang, dẫu là ánh thiều quang trong mộng, nhưng cũng đủ để trút bỏ mọi đớn đau. 

 

Hà Thủy Nguyên

Viết trong một đêm trăng mùa đông đợi mãi chưa thấy rét tới ở đất bắc.

*Tranh minh họa: Bức tranh vẽ trăng của Levitan

Thử giải mã bài thơ “Cuối Thu” của Hàn Mặc Tử

Tôi đọc thơ Hàn Mặc Tử lần đầu năm 14 tuổi và không có nhiều ấn tượng thực sự với thơ ông. Bài đầu tiên ấy chính là “Đây thôn Vĩ Dạ”. Lúc đó, tôi còn đang say theo “Một chiếc linh hồn ngọc/Mang mang thiên cổ sầu” của Huy Cận. Vì quá yêu thơ Huy Cận, tôi đã kiếm cho bằng được tập “Lửa thiêng” (Hồi đó khó kiếm lắm nhé, nhất là với học sinh cấp 2). Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò, điều gì