Home Bình Luận Hạnh phúc trong các quan niệm tôn giáo và tâm linh

Hạnh phúc trong các quan niệm tôn giáo và tâm linh

“Khi tôi năm tuổi, mẹ tôi luôn nói với tôi rằng hạnh phúc chính là chìa khóa của cuộc sống. Lúc tôi tới trường, người ta hỏi tôi rằng tôi muốn mình sẽ trở thành như thế nào khi lớn lên. Tôi đã viết, ‘hạnh phúc’. Người ta nói với tôi rằng tôi không hiểu bài tập ấy, và tôi đáp lại rằng họ không hiểu cuộc đời.”
Đó là tâm sự của John Lennon, ca sĩ chính trong ban nhạc The Beatles. Đã có một thời, tôi và những người bạn đồng trang lứa của mình tâm đắc với câu nói này. Nó như một sự đạp đổ cho mọi vọng tưởng quyền cao chức trọng, giàu có nổi tiếng…v…v… và mở đường cho một triết lý sống mới của thanh niên Việt sau Đổi Mới: hãy chọn hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc là gì? Có vẻ rất mơ hồ. Sự mơ hồ này, tôi e rằng chính John Lennon cũng không biết chắc và càng không thể lý giải rõ ràng. Vậy là, thay vì đi tìm kiếm ý nghĩa đích thực của “hạnh phúc” để rồi rơi vào những câu hỏi mông lung không lời đáp, thì tôi đã làm một thao tác cụ thể hơn, tìm từ nguyên của “Hạnh Phúc”. Trong tiếng Hán, “Hạnh” 幸 có nghĩa là được yêu mến, được nhận sự may mắn; còn “Phúc” 福 có nghĩa là vận may, may mắn. Nếu ghép hai từ “hạnh phúc” này với nhau thì có thể hiểu rằng đó là trạng thái được nhận những điều may mắn. Không rõ từ khi nào “hạnh phúc” đã trở thành một cái đích để người ta hướng tới và được lý giải như một trạng thái tinh thần tích cực. Điều này tương tự với từ “happy” – có nghĩa là hạnh phúc trong tiếng Anh. Nghĩa gốc của từ “happy” cũng không bao hàm một trạng thái tinh thần tích cực mà gần gũi với vận may, may mắn. Dấu vết của ý nghĩa gốc này được tìm thấy trong tiếng Anh Trung Cổ, tiếng Norse cổ (heppinn) và tiếng Scotts (happin), đều có ý nghĩa là vận may, may mắn.

Đương nhiên, khi John Lennon phát ngôn câu nói đó, anh ta không  quan tâm đến ý nghĩa “vận may” của “hạnh phúc”, mà chỉ nhận thức hạnh phúc như một trạng thái tinh thần tích cực. Như vậy, có một sự khác biệt trong nhận thức thời cổ và nhận thức thời hiện đại về hạnh phúc.

John Lennon khi phát ngôn nhận định này, đang sống trong giai đoạn đỉnh cao của Phong trào New Age. Phong trào New Age bắt đầu từ những năm 1960s gắn liền với lời tiên tri về Kỷ nguyên Bảo Bình, kỷ nguyên của sáng tạo, thức tỉnh tâm linh và hạnh phúc. Cùng với sự lên ngôi của thuật huyền bí, các nhà thuyết giảng lớn như Krishnamurti, Osho… đã có một loạt các bài nói chuyện về con đường tâm linh đích thực. Trong số ấy, đi tìm hạnh phúc đích thực là một nan đề được đặt ra trong bối cảnh thế giới trở nên hỗn loạn với chiến tranh, khủng hoảng và sự suy sụp đức tin sau Thế chiến II. Cả Krishnamurti và Osho đều có những sự phân biệt rõ ràng giữa hạnh phúc đích thực và sự hạnh phúc giả dối.

Trong một cuộc đối thoại, khi được hỏi về sự ban phát hạnh phúc, Krishnamurti đã khẳng định rằng: “Bạn có thể giúp một người nào đó tự hiểu lấy họ để sống hoàn hảo hơn, hay bạn có thể giúp một người để biến nó thành nô lệ. Bạn có thể ban rải hạnh phúc bằng cách khuyến khích ảo tưởng khi bạn an ủi và cho một sự an toàn bề ngoài có vẻ lâu dài, nhưng bạn cũng có thể giúp người nào đó nhận rõ được nhiều ảo tưởng trói buộc họ” (1). Krishnamurti dường như cho rằng những hạnh phúc được ban phát gần với các ảo tưởng trói buộc con người. Cách suy nghĩ về hạnh phúc được ban phát này gần với định nghĩa “hạnh phúc” là “vận may được ban phát” đã được nhắc đến ở trên. Trong thần thoại La Mã, vấn đề hạnh phúc được ban phát hay vận may được ban phát gắn liền với nữ thần Fortuna. Fortuna ban phát vận may hay hạnh phúc không dựa trên bất cứ tiêu chí nào và sử dụng điều ấy đề đòi hỏi sự thờ cúng từ con người. Ở khía cạnh người dân, người ta cũng thờ cúng Fortuna như một sự chờ đợi vận may, sống trong ảo tưởng về vận may và trói buộc bản thân trong ảo tưởng ấy.

Machiavelli, tác giả chính trị học hàng đầu của kỷ nguyên Phục Hưng, trong tác phẩm “Quân vương” của mình cho rằng con người, và đặc biệt là các vị vua cần phải vượt ra sự chi phối của Fortuna bởi Fortuna bất chấp trí tuệ, ý chí cá nhân, Fortuna gây ra các cơn sóng bất ngờ gây chao đảo đến thực tại đời sống, và hoàn toàn đối lập với lý trí (2). Khoảng 400 năm sau, Krishnamurti có một khẳng định chắc chắn hơn rằng ban phát hạnh phúc chính là ban phát những ảo tưởng, trong khi con đường tâm linh thật sự lại là sự thức tỉnh mà lý trí là một cấp độ thấp hơn.

Osho có một định nghĩa rạch ròi hơn về hạnh phúc. Ông phân chia hạnh phúc thành hai loại: Một là thứ hạnh phúc giả tạo mang lại sự thư giãn và thoải mái sau những căng thẳng và mệt nhọc mà ông gọi là những “khoái cảm”. Hai là trạng thái thức tỉnh tâm linh tuyệt đối, gần với sự mãn nguyện: “Ta ở trong một trạng thái mãn nguyện hài hòa. Ta an trú trong hiện tại, không băn khoăn về quá khứ hay tương lai. Ta có mặt ở đây, ngay lúc này. Hiện tại là tất cả. Lúc này là thời gian duy nhất và ở đây là không gian duy nhất. Toàn thể vũ trụ an trú trong ta. Đó là niềm an lạc. Đó là hạnh phúc đích thực của con người” (3). Osho cho rằng hạnh phúc ở cấp độ “khoái cảm” là hạnh phúc mang tính tâm sinh lý, như một yếu tố kích thích của của sống, một dạng ảo giác mà con người bị lệ thuộc và bám víu. Cách nhận định này cũng rất gần với cách nhận định về việc ban phát hạnh phúc của Krishnamurti, và gần với nhận định của Machiavelli về sự chi phối của Fortuna trong xã hội. Nữ thần Fortuna, vị thần ban phát hạnh phúc – vận may ấy, trên thực tế chỉ ban phát những khoái cảm đời thường chứ không thể mang lại trạng thái hạnh phúc đích thực vốn gần với sự mãn nguyện và niềm an lạc.

Đến đây, thật khó để có thể biết chắc John Lennon đã nhắc đến khái niệm “hạnh phúc” nào chỉ biết rằng phong trào New Age là một thời kỳ của những rao bán hạnh phúc. Các phong trào Thiền, các phong trào nghệ thuật, các khóa học nghệ thuật sống được nảy sinh trong lòng phong trào New Age đều hướng tới sự hạnh phúc với một nhập nhằng giữa khoái lạc  và hạnh phúc đích thực. Những thuyết giảng của Krishnamurti và Osho dường như không thực sự tác động đến nhận thức về hạnh phúc của đám đông và có lẽ chỉ ảnh hưởng tới một số ít nên phong trào New Age vẫn để lại các tai tiếng về tình dục và ma túy.

Krishnamurti và Osho có cái nhìn rất gần với Phật giáo về trạng thái hạnh phúc đích thực chính là khoảnh khắc thức tỉnh tâm linh. Phật giáo không đưa ra định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc mà đúc rút lại trong lời dạy của Thích Ca: “Này các Tỳ kheo, trong tất cả pháp, dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp giải thoát ly tham (viràga,) là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát khỏi kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát, chấm dứt, Niết-bàn”(4). Như vậy, hạnh phúc đích thực chính là trạng thái Niết-bàn mà trong trạng thái ấy mọi sự ràng buộc được xây dựng bởi các ảo tưởng đều tan biến.  Ở đây, hạnh phúc đích thực không còn là vận may được ban phát bởi vị thần Fortuna mà là trạng thái tự do khỏi mọi ảo tưởng mà trong ấy Fortuna – hay định mệnh chỉ là những chuỗi ảo giác mờ nhạt dần cho tới khi tan biến. Hạnh phúc ở cấp độ khoái lạc mà Osho đề cập đến gần với sự kích thích Tham – Sân – Si, những thứ mà người tu hành phải bỏ lại trên đường đạo. Như vậy, để đạt tới trạng thái Niết-bàn hay hạnh phúc đích thực, người ta cần phải buông bỏ chứ không phải là chờ đợi sự ban phát.

Kito giáo lại có một cái nhìn khác hẳn về hạnh phúc. Trạng thái hạnh phúc đó là giây phút Adam và Eva ở vườn địa đàng dưới sự bảo bọc của Thượng Đế. Hạnh phúc mà Adam và Eva được hưởng là do Thượng Đế ban phát. Ngay khi Adam và Eva phạm tội vì nghe lời xúi giục của Lucifer, ăn trái cấm và có ý thức về dục thì vườn địa đàng sụp đổ. Hai người bị Thượng Đế trừng phạt và đuổi xuống trần gian, từ đó con người phải sống trong đau khổ. Vườn địa đàng trở thành biểu tượng của hạnh phúc, ở tại đó, con người được sống trong sự đầy đủ về vật chất và tinh thần, không biết đến đói nghèo và bệnh tật. Như vậy, trạng thái hạnh phúc được mô tả trong Sáng Thế ký của Kito giáo gần với cấp độ hạnh phúc tâm sinh lý mà Osho gọi là “khoái lạc”. Như vậy hạnh phúc trong Kito giáo tương đương với định nghĩa hạnh phúc thời cổ, tức là vận may mà con người được ban phát bởi thế lực thần thánh, hoặc cao hơn, Thượng Đế. Quan niệm hạnh phúc này là một biểu hiện của thuyết định mệnh mà trong đó mọi lẽ thịnh suy, may rủi của con người đều được sắp đặt bởi định mệnh. Sự tuân phục sự sắp đặt này sẽ đưa con người quay trở về với “vườn địa đàng” hay đạt được hạnh phúc. Fortuna dường như rất gần gũi với Kito giáo nhưng Kito giáo đi xa hơn trong lời khẳng định về sự tuân phục ý Chúa và đề cao đức hạnh, thứ mà Fortuna còn chẳng thèm bận tâm đến.

Đây là quan niệm mang tính nguyên thủy khá phổ biến trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, từ Tây sang Đông. Khắp nơi trên thế giới, ta có thể thấy người ta dựng các đền, chùa, miếu… để cầu phúc tránh họa. Cầu phúc tránh họa là khao khát của nhân loại và con người đặt kỳ vọng vào các thế lực siêu nhiên có thể hỗ trợ được mình trước sự biến chuyển khôn lường của cuộc đời. Lévy Bruhl đã phân tích trong tác phẩm  “Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng nguyên thủy” về thái độ may rủi của người nguyên thủy, mà ta có thể nhận thấy sự phổ biến của thái độ này ở đại đa số người hiện đại. Người nguyên thủy thường cho rằng những sự kiện không theo quy luật mà họ cho là thông thường thì chắc hẳn có bàn tay của thần thánh (ví dụ như một con hổ mà người thợ săn không thể săn thì thợ săn liền nghĩ rằng con hổ là hóa thân của một phù thủy hoặc của một vị thần). Trong cuộc sống, sự trợ giúp của thần thánh đóng vai trò then chốt khi ban phát vận may và giáng phạt vận rủi vào một người nào đó. Ví dụ như trong cuộc thi thể thao, khi các vận động viên đều luyện tập chăm chỉ và đều tài năng thì vận may đóng một vai trò quyết định và vận may chỉ có thể được nếu có sự ban phát từ thần thánh. Điều này tương tự với các cuộc viễn chinh, buôn bán, vượt biển, thậm chí là trong chiến tranh… mà ở đó các thao tác nghi lễ để biểu thị sự ban phát may mắn từ thần thánh đóng vai trò chủ đạo. (5)
Xét ở trường hợp Kito giáo và các tôn giáo có mô hình tương tự (như Do Thái giáo hay Islam…), việc bày tỏ kính ngưỡng với Thượng Đế hay các đấng tiên tri, Chúa, tông đồ, thậm chí là thiên thần đóng vai trò quan trọng hơn đức hạnh hay trí tuệ, và đặc biệt còn quan trọng hơn tự do. Kito giáo, Do Thái giáo, Islam… là một mô hình tôn giáo có tính tổ chức cao hơn của các tôn giáo đa thần đã xuất hiện trên thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của cách tư duy nguyên thủy. Và các mô hình tôn giáo này đều cho rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được khi con người làm vừa lòng thế lực siêu nhiên tới mức thế lực siêu nhiên ban phát cho họ.

Quay trở lại với trường hợp Phật giáo. Mặc dù kinh điển Phật giáo cho rằng hạnh phúc đích thực chỉ đạt được khi buông bỏ nhưng khi Phật giáo được truyền vào các cộng đồng vẫn chịu ảnh hưởng của tư duy nguyên thủy thì các vị Phật và bồ tát dần dần được biến thành các vị thần ban phát hạnh phúc. Một trường hợp tương tự cũng xảy ra với Đạo giáo khi các tư tưởng Đạo giao vốn đề cao lẽ vô vi, đời sống tiêu diêu thoát tục, lại được tích hợp với thói quen tín ngưỡng thờ cúng các vị thần những mong các vị thần có thể giáng phúc và cứu rỗi con người khỏi tai họa. Suy cho cùng, con người vẫn không tin tưởng vào trải nghiệm hạnh phúc đích thực mà chỉ đuổi theo hạnh phúc mang tính khoái lạc bởi khoái lạc có thể nhìn thấy được, dễ dàng đoạt lấy, dễ dàng nhận biết và cũng dễ khiến người khác ghen tị còn hạnh phúc đích thực lại khiến người ta mất đi quá nhiều. Do đó, họ vẫn chọn các ảo giác về hạnh phúc thay vì hạnh phúc đích thực.

Đi từ một vận may đến trạng thái thức tỉnh tâm linh hay tự do khỏi mọi ràng buộc, thái độ của các tôn giáo với hạnh phúc đã trải qua một bước tiến hóa về tâm thức. Dù rằng lực hút của cõi đời trần tục vẫn níu chân nhân loại, nhưng vẫn có những bậc đạt đạo đã vượt thoát khỏi lực hút ấy và để lại ý tưởng hướng tới tự do đích thực – hạnh phúc đích thực.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An 

Chú thích:
(1)  Trích lời bàn của J.Krishnamurti bàn về bản ngã, bài nói chuyện tại New York, ngày 4/6/1936
(2)  Được đề cập trong chương 25, sách “Quân Vương”, Nicolo Machiavelli.
(3)  Trích chương 1, sách “Vui vẻ, hạnh phúc tới từ bên trong”, Osho, Nxb Thời Đại
(4)  Trích Aṅguttara- Nikāya, II.p.34
(5)  Được đề cập trong chương 1, sách “Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy”, Levy Bruhl, NXB Thế giới & Tạp chí văn hóa nghệ thuật.

Đối thoại của Krishnamurti và David Bohm về nguồn gốc của sự xung đột tâm lý

Lời người dịch: Đây là một đối thoại kỳ thú của bậc thầy tâm linh Krishnamurti và nhà vật lý lượng tử David Bohm. Cuộc đối thoại hé lộ cách tâm linh và khoa học đã tiến gần đến nhau để nhận diện sự thật. Những câu hỏi được đặt ra khi hai ông cùng trao đổi về lý do thế giới của loài người vận hành bằng cướp bóc và nô dịch, rồi sau đó dẫn đến nỗi ám ảnh về “sự trở thành”

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có

“Mưa rào không mây” – Osho bàn về chứng ngộ của phụ nữ

Nhi nữ đa tình nguyên thị PhậtAnh hùng mạt lộ bán vi Tăng Thời bé, khi đọc hai câu thơ này, tôi rất tâm đắc, tâm đắc một cách vô thức mà không hiểu vì lẽ gì mình lại thích thú đến thế. Tại sao nữ nhi say đắm vì tình thì đích thị là Phật, còn đấng anh hùng quy ẩn lại chỉ nửa là Tăng, trong khi giáo lý của Đức Phật luôn nhắc nhở các tỳ kheo đừng si mê, đừng bám

Dự án Dịch thuật ĐẠO TU YOGA của Osho – Tác phẩm diễn giải các nguyên lý tu tập trong Yoga Sutra

Đạo tu Yoga của Osho là một cách tiếp cận toàn diện và đa chiều để phát triển tâm linh và tự nhận thức. Cuốn sách kết hợp các nguyên tắc yoga truyền thống với những hiểu biết đương đại, mang đến một góc nhìn độc đáo về hành trình khám phá bản thân. Trong cuốn sách, Osho giới thiệu với chúng ta về Patanjali, người sáng lập bộ môn Yoga cổ đại ở Ấn Độ, đưa chúng ta từng bước tiến nhập sự hiểu biết

“ Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới

“Zorba Phật” là khái niệm được Osho đưa ra trong các bài thuyết giảng của mình vào năm 1978. Năm 1979, tại thính đường Trang Tử, ông đã luận giải về khái niệm này.  Trong số các tác phẩm văn chương, Osho đặc biệt hứng thú với “Zorba – Tay chơi Hy Lạp” của Nikos Kazantzakis. Cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn sâu sắc giữa Zorba – đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc Dionysus và nhân vật “tôi” – đại diện cho chủ