Bạn có nhớ bộ phim được giải Oscar nổi tiếng “The pianist” (2002) với hình ảnh anh chàng nhạc công piano phải lưu lạc trong chiến tranh và chơi những phím đàn tưởng tượng? Cảnh ấy có làm bạn cả thấy cảm động và thốt lên vì sự sáng tạo tuyệt vời của đạo diễn? Bạn có biết, từ trước đó, chi tiết giống như vậy đã xuất hiện trong bộ phim “Huyền thoại 1900” (1998). 1900 là tên của một anh chàng chơi piano trên con tàu lênh đênh giữa đại dương. Anh nổi tiếng như một huyền thoại, nhưng chưa bao giờ anh đặt chân xuống đất liền. Anh không cần chơi trong nhà hát như chàng nhạc công của “The pianist”, cũng không màng đến danh vọng, anh chỉ muốn được chơi thứ âm nhạc sâu thẳm bên trong vạn vật và cũng không cần ai thấu hiểu. Bộ phim đã được giải thưởng Qủa Cầu Vàng cho phim nước ngoài hay nhất, thế nhưng, cũng giống như số phận 1900, chỉ những ai có duyên bước lên chuyến tàu ấy mới được nghe tiếng đàn của anh ta.
1900 là đứa trẻ bị bỏ rơi trên khoang hạng A của một chuyến tàu thủy, ngay trên chiếc đàn piano vào thời điểm giao thời giữa hai thế kỷ. Anh được một người thợ nhận về nuôi. Người thợ này đã nuôi anh bằng tình yêu và bằng tất cả những gì ông ta biết. Thế rồi, một tai nạn xảy đến và ông ta qua đời. Chỉ còn một mình giữa những người xa lạ và con tàu to lớn, cậu bé 1900 đã đến với cây đàn piano. Không rõ cậu bé tập piano từ bao giờ, hay tiền định đã sắp xếp cho cậu phải ngồi bên phím đàn. Không biết nhạc lý, chưa từng được chạm vào bất cứ cây đàn nào trước đó, nhưng tiếng đàn của cậu đã khiến tất cả những người có mặt ở đó. Khi bị thuyên trưởng nhắc nhở về quy định của tàu, 1900 đã nói một câu tỉnh bơ: “Kệ mẹ quy định”. Và từ đó, cậu trở thành một pianist của tàu, cũng từ đó số phận của cậu gắn liền với cây đàn piano.
Huyền thoại sẽ không thể trở thành huyền thoại nếu không có người kể lại. Tất cả những giây phút đẹp nhất, ngẫu hứng nhất, cho đến khi cô độc nhất, tất cả cũng chỉ được kể lại bởi người bạn thân của cậu là Max. Max lên tàu để tìm một cơ hội để sống, để được vinh danh, và cậu mau chóng trở thành bạn thân của 1900. Đoạn vui vẻ nhất mà có lẽ chỉ những người say sưa âm nhạc mới thấy thú vị là cảnh Max ngồi bên cạnh 1900, hào hứng với tiếng đàn của 1900, để tiếng đàn dẫn dắt mọi vật thể trong phòng trôi dạt theo cơn tròng trành sóng đánh. Khi xem đến đoạn này, tôi đã bật cười thích thú, bởi người làm phim quả thực là một kẻ hiểu về sức mạnh của âm nhạc. Âm nhạc dẫn dắt ta khỏi những cơn hoảng loạn không phải bằng lời lẽ tuyên ngôn hay ru ngủ, mà bằng cách bắt nhịp những nhịp đập của tâm trạng, cảm xúc (thứ mà chúng ta bây giờ thường gọi là năng lượng tâm linh), rồi cấu trúc và sắp xếp lại trong sự hoàn hảo.
Bi kịch khó hiểu nhất của bộ phim đó là 1900 không bao giờ muốn bước chân xuống khỏi tàu, nói chính xác hơn là không bao giờ muốn đặt chân xuống đất liền. Anh ta chứng kiến bao nhiêu con người từ đất liền bước lên tàu rồi ra đi. Mỗi người như vậy, anh lại nhìn thấy số phận của họ thông qua âm thanh ẩn dấu bên trong con người họ. Mỗi chúng ta, ai cũng có một trạng thái tâm trí của mình, và trạng thái ấy tương ứng với dòng giai điệu bên trong. Một nhạc sĩ đại tài là người có thể nghe thấy giai điệu trong vạn vật. Anh ta có thể nghe thấy giai điệu của biển và đắm đuối trong linh hồn của biển cả. Anh ta có thể nhận ra một cô gái có sự đồng điệu với mình bằng cảm nhận giai điệu bên trong.
Thực ra, 1900 đã từng nói lý do anh không xuống tàu: “Ôi Chúa tôi, cậu thấy đấy… cậu có nhìn trên phố, chỉ trên phố thôi nhé? Có hàng ngàn người! Làm thế nào mà họ có thể đi xuống phố, làm thế nào mà họ có thể chọn một… một người đàn bà, một ngôi nhà, một vùng đất, một cách để chết…?” 1900 dùng cách nhìn của người ở bên ngoài vòng quay điên rồ đang xoáy chúng ta theo để chứng kiến sự điên rồ trong lựa chọn của con người. Chúng ta có thể nhìn thấy cái nhìn này qua đạo Phật, qua “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, qua “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzches, qua “Walden – Một mình sống trong rừng” của Henry David Thoreau… Thoreau đã nói như thế này:
“Phần lớn người ta, ngay cả trong đất nước tương đối tự do này, quá bận tâm với những nỗi lo giả tạo và những nhọc nhằn thô lậu không cần thiết của đời sống đến nỗi những hoa trái ngọt ngào nhất của nó họ không thể nào hái được. Những ngón tay của ho, do cực nhọc quá mức, quá long ngóng và run rẩy để làm việc đó. Trong thực tế, người lao khổ không có thời gian nhàn rỗi để ngày qua ngày chăm sóc cho tính toàn vẹn của tâm hồn mình, anh ta không tể cố giữ được những mối quan hệ người nhất với những con người, công lao của anh ta bị coi rẻ ở thị trường. Anh ta không có thời giờ là cái gì khác không phải cái máy. Làm thế nào anh ta có thể nhớ được sự ngu dốt của anh ta – mà sự trưởng thành của anh ta đòi hỏi – ai sẽ phải sử dụng tri thức của anh ta thường xuyên đến vậy.”
Đó chính là điều mà 1900 nhìn thấy ở những số phận bước lên tàu cùng với những gánh nặng, những kỳ vọng, để rồi tất cả chỉ là số 0.
Hành động xuống tàu, giống như một cuộc hạ phàm với người nghệ sĩ đại diện cho cái đẹp hoàn hảo ấy. Nhưng 1900 vẫn quyết không “hạ phàm”, không để vòng xoáy ô trọc của cõi đời làm mảy may vướng bận. Có một lần, người được coi là phát minh ra nhạc Jazz kiêu ngạo bước lên tàu và thách thức 1900. 1900 và ông ta đã có một cuộc đấu nhạc jazz gay cấn, nhưng anh ta vẫn có thể khóc khi nghe một bản nhạc đẹp mà đối thủ chơi. Không phải kẻ nào bước vào một cuộc đấu có thể có được sự tách rời công bằng với tình thế như vậy. Chiến thắng của 1900 không phải chỉ là chiến thắng của kỹ thuật, đó là chiến thắng của tinh thần âm nhạc. Đỉnh cao của âm nhạc không phải là hình thức âm nhạc mà là khả năng bắt nhịp được âm nhạc từ vạn vật. Bởi thế, kết thúc trận đấu, 1900 kết luận một câu: “Fuck the Jazz”. Hơn cả thế, ta có thể thấy, đây là chiến thắng của thoát tục trước mọi thách thức trần tục.
Một lần nữa tiếng gọi của phàm tục lại vọng lên tàu: Danh vọng. Chiến thắng của 1900 đã khiến nhiều nhà làm đĩa đến tìm anh. Họ muốn ghi lại tiếng đàn của anh. 1900 đã chơi bản nhạc hay nhất, bản nhạc Tình Yêu từ nhịp đập thổn thức bên trong mình khi anh nhìn thấy một cô gái đi lướt qua ô cửa sổ. Thế nhưng, khi không thể đem bản nhạc tặng cho cô gái, anh đã bẻ vỡ nó và ném vào thùng rác. Anh không thể chấp nhận giai điệu tình yêu của mình lại trở thành một sản phẩm thương mại và bất kỳ ai cũng có thể nghe. Thậm chí, ngay cả với người con gái đó, anh cũng không muốn xuống tàu để tìm cô.
Ngay cả khi con tàu đến thời tàn, bị bỏ hoang, đổ nát, 1900 vẫn không rời tàu. Anh như linh hồn của con tàu còn sót lại sau những lần bãi bể nương dâu. Tất cả mọi người rồi cũng ra đi, chỉ 1900 còn ở lại với âm nhạc của anh. Không còn đám đông, không còn tiếng vỗ tay, không còn piano, chỉ còn tiếng thời gian đi qua và 1900 chơi trên những phím đàn vô hình. Khung cảnh ấy không giống như trong “The pianist” vốn chỉ thể hiện cho tình cảnh khắc nghiệt và sự đam mê của người nghệ sĩ. Cảnh 1900 cô độc chơi đàn vô hình trên tàu nhuốm một màu cô đơn sang trọng. Suy cho cùng, sự sáng tạo của nghệ sĩ chỉ một mình và cũng dành cho một mình mình mà thôi.
Max quay về tìm 1900 trên con tàu khi tàu sắp bị nổ bom để tiêu hủy. Nhưng 1900 cũng không rời khỏi tàu, anh chấp nhận chết theo con tàu mà anh đã gắn bó. “Hãy nhìn cây đàn piano: có phím bắt đầu, có phím kết thúc. Cậu thấy đấy nó có 88 phím. Không ai nói với cậu sự khác biệt này. Chúng không hề vô hạn. Còn loài người thì vô hạn… Và với những phím đó, âm nhạc không thể cất lên… nó vô hạn. Tôi thích điều đó. Đó là điều tôi có thể sống vì…”. Chiếc đĩa lưu bản nhạc của 1900 đã bị bẻ vỡ năm nào được Max dán lại, mượn được từ một hàng đĩa cũ, một lần nữa đem đến cho 1900 nghe lần cuối. Âm nhạc của anh lại trở về với anh và không dành cho đám đông trần tục ngoài kia. Thân xác, con tàu, hay thậm chí là âm nhạc rồi cũng chỉ là hư vô trong vòng quay của nhân loại mà thôi…
Hà Thủy Nguyên