Home Bình Luận Khi đời sống ngôn ngữ thiếu tính cảm xúc và ngôn từ gợi tả

Khi đời sống ngôn ngữ thiếu tính cảm xúc và ngôn từ gợi tả

“Tôi yêu tiếng nước tôi…từ khi mới ra đời…à ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời…”

(Trích “Tình ca” của Phạm Duy)

Mơ màng trong tiếng ru với giai điệu êm ái, một đứa trẻ lớn lên trong không gian ấy luôn có điểm chạm ngôn ngữ sâu sắc trong tâm trí. Dễ chịu trong vòng tay yêu thương của mẹ, lim dim để mặc những cảm xúc ấm áp dưới biểu hiện của ca từ ngấm vào tâm hồn non nớt, từ đó, lớp ngôn ngữ đầu tiên được hình thành.

Nhưng đời sống hiện đại đã bứt những đứa trẻ khỏi đời sống ngôn ngữ tự nhiên tràn ngập cảm xúc và biểu trưng này, gò chúng vào những quy chuẩn của nguyên tắc, để rồi chúng ta vẫn liên tục chất vấn xã hội một cách bế tắc vì sự khô khan trong ngôn ngữ ở giới trẻ, nếu không muốn nói là ngày càng đi vào ngôn ngữ tiện dụng hoặc mang tính giải trí.

Ngôn ngữ về bản chất luôn sống động và biến đổi. Không có thứ ngôn ngữ nhất quán và bất biến. Chiều hướng vận động của ngôn ngữ phụ thuộc nhiều vào phương thức và mục đích giao tiếp, tức là khi cấu trúc xã hội thay đổi thì chắc chắn ngôn ngữ sẽ thay đổi. Việt Nam đã chứng kiến một cuộc đổi thay từ cấu trúc xã hội dẫn đến biến chuyển ngôn ngữ vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20: cuộc hợp nhất giữa ngôn ngữ giàu tính thơ ca của Á Đông với tính lý trí của ngôn ngữ hệ Latin đã dẫn đến sự xuất hiện của những từ ngữ mới, lối nói mới, văn chương mới…trong một bầu không khí cảm hứng và biểu đạt cảm xúc hoàn toàn khác.

Để biểu hiện rõ nét cho sự chuyển đổi này, tôi xin nhắc lại đôi lời phát ngôn hang hái của nhà phê bình văn học Hoài Thanh về sự chuyển đổi trong văn phong: “Họ bắt đầu viết quốc ngữ, một thứ chữ mượn của người phương Tây. Câu văn của họ cũng bắt đầu có cái rõ ràng, cái sáng sủa của văn tây”; và cả trong tư tưởng cũng như tư duy: “Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất nhất như ngày trước.”

Thế kỷ 21, Việt Nam cũng nằm trong một cuộc chuyển đổi lớn: xã hội biến chuyển thành thị trường, giao tiếp thông qua phương tiện số chen giữa đời sống tương tác giữa người với người, áp lực về sự thành đạt được đặt cao hơn những giao cảm tâm hồn và nguyên tắc đạo đức… Sự chuyển đổi này đòi hỏi ngôn ngữ phải trở nên đại chúng hơn, dễ sử dụng hơn, thậm chí là giản tiện hơn. Ví dụ, cùng sự diễn tả cho cảm xúc buồn bã, người trung đại ưa thích từ “sầu muộn”, tác giả thế kỷ 20 sử dụng linh hoạt cả từ “buồn” và “sầu muộn”, “rầu rĩ”… còn lối nói của người đương đại chỉ đơn giản là “buồn”. Bởi vì từ “buồn” ngắn gọn hơn, giản tiện hơn.

Những lối chơi chữ vẫn tồn tại trong giao tiếp đương đại, ví dụ như người ta có thể nói vui là “buồn như con chuồn chuồn” hay “chán như con gián”. Cách chơi chữ này không nhằm diễn tả đa chiều hơn trạng thái đề cập đến, mà chủ yếu nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng ấy, hoặc nhằm mục đích giải trí thông qua giễu nhại. Thủ pháp gieo vần hoặc nói lái mặc dù dễ khiến người nói cảm thấy thú vị nhưng ngoài tác dụng giải trí, chúng không làm gia tăng vốn từ hay năng lực vân dụng ngôn ngữ đa dạng để biểu hiện suy nghĩ cũng như cảm xúc cá nhân.

Trang Sciencemag, năm 2014 cho biết, các nhà nghiên cứu trong nhóm của nhà động vật học Tatsuya Amano thông qua phương pháp thống kê dữ liệu đã chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế hay chính xác hơn là mong muốn tăng trưởng nóng là nguyên nhân dẫn đến sự chết mòn của ngôn ngữ. Khi áp lực tăng trưởng nóng là động lực chính, người dân sẽ có nhu cầu học các ngôn ngữ mới có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, mà ở trường hợp của xã hội Việt Nam đương đại thì là tiếng Trung Quan Thoại và tiếng Anh.

 Với nhu cầu tăng trưởng nóng, người dân mà giờ đây đóng vai trò như những nhân công lao động khao khát có bậc lương cao hơn đã chọn cách sử dụng tiếng Việt ở mức độ giản tiện; thay vì đó đầu tư phần lớn công sức cho học các ngoại ngữ mà trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành “cần câu cơm” hữu ích.

Toàn bộ quá trình này khiến thứ ngôn ngữ chúng ta thường xuyên sử dụng để giao tiếp, tiếp xúc, trải nghiệm trở nên giản tiện tối đa. Những từ vựng phức tạp, trước hết là bị loại bỏ khỏi sự giao tiếp, sau đó là loại bỏ dần khỏi văn bản báo chí, rồi biến mất dần trong văn chương.

Đây là sự đứt gãy văn hóa lần thứ hai. Lần thứ nhất đã diễn ra dần dần trong suốt thế kỷ 20 khi chữ Quốc ngữ trở nên phổ cập và chữ Nho lui về dĩ vãng chỉ còn in bóng trong hình ảnh “những người muôn năm cũ/hồn ở đâu bây giờ”. Số lượng những người vừa thông thạo chữ Nho, vừa thông thạo tiếng Pháp và giỏi chữ Quốc ngữ ngày càng thưa dần trong suốt thế kỷ 20, thay thế dần bằng các cây bút chỉ thông thạo quốc văn và biết đôi chút Pháp ngữ, sau đó là chỉ tiếng Việt phổ thông. Sự đứt gãy này đã tạo ra khó khăn không hề nhỏ khi nghiên cứu, tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm ngôn từ của văn học trung đại.

Khi bước sang thế kỷ 21, với sự giản tiện trong ngôn ngữ, tiếng Việt phổ thông vẫn từng bước tự loại trừ các ngôn từ hoặc lối nói phức tạp hơn so với nhu cầu giao tiếp, mà cụ thể ở đây là sự đa dạng trong ngôn ngữ sẽ bị thay thế bằng nhu cầu “dễ hiểu” trong mọi diễn ngôn. Một khi chúng ta đã quá quen với sự “dễ hiểu” thì chúng ta sẽ không có động lực để tiếp cân với những văn bản hoặc tình huống giao tiếp “khó hiểu”. Điều này tạo ra sự phân cực mạnh mẽ giữa hàn lâm và đại chúng, nơi thế giới đại chúng không có nhu cầu hiểu các ngôn từ “bị” cho là “hàn lâm”, và nhóm thiểu số những người có đủ tri thức để hiểu các văn bản xa lạ với đại chúng thì lại chẳng hề quan tâm đến đại chúng. Nếu sự đứt gãy văn hóa ở đầu thế kỷ 20 là sự đứt gãy về thời gian, thì sự đứt gãy văn hóa trong đầu thế kỷ 21 là sự rạn nứt trong tâm thức xã hội: một phía thuộc thiên hướng cộng đồng, một phía ngả hẳn về thị trường.

Nhân định của tôi có thể là võ đoán, bởi tôi không có đủ các công cụ thống kê để xác định số liệu cụ thể về sự phân cực này, tôi chỉ có thể đưa ra những trải nghiệm của bản thân. Chúng ta hãy cùng nghĩ về đứa trẻ và những lời ru của mẹ.

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường ru tôi những câu như thế này: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/Bõ công bác mẹ sinh thành ra em/Tay cầm bầu rượu nắm nem/Mảng vui quên hết lời em dặn dò/Gánh vàng đi đổ sông Ngô/Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương”. Một loạt những từ ngữ và điển cố đã không còn thông dụng và dễ hiểu, bao gồm: “bác mẹ”, “mảng vui”, “sông Ngô – sông Thương”. Trong quá trình tôi học nói, mẹ tôi sẽ dần dần giải thích ngữ nghĩa khi tôi thắc mắc, và toàn bộ các từ vựng ấy trở thành một phần của hệ thống ngôn ngữ đi sâu vào tiềm thức của tôi. Khi lớn lên, nhìn vào các cuốn sách, tôi cảm thấy khá ngạc nhiên khi ai đó cần phải có chú thích cho mỗi từ vựng này, và khi nói chuyện với bạn bè mình, tôi nhận ra đa phần trong số họ không hề hiểu nghĩa của chúng.

Khi tôi đóng vai trò như người mẹ, tôi đã mua những đĩa nhạc hát ru cho con gái tôi nghe, nhưng những ngôn từ trong lời ru phát qua đĩa CD lặp đi lặp lại ấy không tạo nên bất cứ cảm giác gì cho đứa trẻ. Và tôi có theo dõi những đứa trẻ khác chỉ học nói qua ngôn ngữ giao tiếp, không tiếp xúc bất cứ chút nào với lời ru, thì vốn từ vựng của của em bé ấy lại càng ít hơn. Con gái tôi khi tiếp xúc với khúc ru mà tôi đã được nghe mẹ tôi ru hồi nhỏ, không hề có nhu cầu hiểu và không có bất cứ sự gắn kết nào. Thay vì đó, con gái tôi sẽ dễ thấy thích thú với các bài vè với hình ảnh đơn giản và quen thuộc với đời sống, ví dụ như: “Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”.

Những trường hợp tương tự tôi cũng đã gặp không ít ở lứa các bạn trẻ 9X tiếp xúc với cộng đồng Book Hunter mà tôi thành lập. Cũng tương tự như con gái tôi, tôi đoán rằng rất ít trong sống các bạn ấy được nuôi dưỡng bằng lời ru của mẹ mà tiếp xúc qua lời ru trên cassete hoặc đĩa CD. Họ trưởng thành cùng áp lực học tập để tương lai trở thành một người thành đạt trong xã hội với bậc lương cao và đương nhiên tiếng Anh cùng với các môn khoa học tự nhiên luôn được ưu tiên hơn. Đời sống tương tác của họ là các forum và mạng xã hội, nơi ngôn ngữ giản đơn, dễ hiểu, tiện lợi được ưa chuộng.

Nếu như trước đây các văn bản luôn đòi hỏi sự sáng tạo trong dùng từ, hạn chế sự lặp đi lặp lại các từ khóa bằng cách biến tấu nhiều lối diễn đạt khác nhau, thì trong các văn bản trên Internet hiện nay, sự lặp đi lặp lại từ khóa lại trở nên tối quan trọng để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật SEO (*), và tất yếu các độc giả trẻ này không còn trải nghiệm lối diễn đạt phức tạp mà thay dần bằng đọc nhanh để lấy thông tin.

Khi nhu cầu đọc nhanh – mà bản chất là lấy thông tin nhanh trở thành thói quen phù hợp hoàn toàn với lối sống nhanh phục vụ mục đích trở thành người thành đạt, thì ngôn ngữ phức tạp trở thành lực cản. Dần dần, họ bỏ qua thơ, bỏ qua các hình thức văn chương duy mỹ, bỏ qua những văn bản đòi hỏi phải tìm tòi thêm kiến thức để hiểu. Không lạ khi một bạn trẻ hoang mang trước những từ Hán Việt kỳ dị trong thơ Đinh Hùng, hay cười nhạo câu Kiều nổi tiếng “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” chỉ bởi vì họ không hề được trang bị những lớp ngôn ngữ phức tạp cả nội hàm và biểu hiện đủ để hiểu các biểu tượng.

Sẽ thật bế tắc khi chúng ta nỗ lực nâng cao văn hóa đọc mà lại không mở lối cho độc giả trẻ bằng cách tạo ra môi trường ngôn ngữ đầy cảm hứng, để khôi phục dần dần những khuyết thiếu trong đời sống ngôn ngữ giản tiện ngày nay.

Chúng ta có nhiều tiệm sách, có nhiều buổi thảo luận học thuật, có nhiều ý tưởng để nâng cao vốn tiếng Việt của học sinh… nhưng chúng ta quên mất rằng ngôn ngữ là một phần của đời sống, và nếu xã hội có quá ít khoảng không cho sự phát triển của tinh thần thì ngôn ngữ theo đó cũng sẽ bị bào mòn.

Con người trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, không chỉ chạy theo ước ao thành đạt để sinh tồn ở bậc cao trong tháp phát triển của xã hội, con người còn cần nuôi dưỡng tâm hồn và nếu ngôn ngữ không phải là công cụ để gắt kết tâm hồn với tâm hồn thì ngôn ngữ sẽ trở thành vật cản gây chia rẽ. Khi ấy, con người sẽ trở nên dễ bị kích động hơn, dễ sa đà vào những lời dẫn dụ thiếu căn cứ và đó là mầm mống cho các mâu thuẫn xã hội.

Hà Thủy Nguyên

Đây là bản đầy đủ của bài viết “Tăng trưởng kinh tế khiến ngôn ngữ bị bào mòn” đăng trên Báo An ninh thế giới giữa và cuối tháng sống tháng 4 năm 2021.

*SEO: Viết tắt của “Search engine optimization”, tạm dịch là “tối ưu hóa công cụ tìm kiếm”. Đây là một thủ thuật của người làm nội dung website nhằm chiếm vị trí cao trong thứ tự tìm kiếm của Google bằng cách đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, trong đó có sự lặp đi lặp lại bộ từ khóa.

Say rượu một cõi mù mờ nơi thơ

Nhà thơ tìm đến say để gỡ bỏ lớp lý trí. Ái tình mang đến say đau đớn, thuốc phiện mang đến say mộng ảo, nhưng rượu mang đến say cuộc đời. Trong muôn loại say, say rượu có đủ muôn hình vạn trạng, bởi say rượu là một cách để tách khỏi đời sống mà không bước ra khỏi đời sống, trải nghiệm mọi thang bậc của đời sống mà không tầm thường theo nó. Nhà thơ say rượu như một trạng thái tự

Kéo hàn lâm gần văn hóa đại chúng hay nâng đại chúng gần tri thức hàn lâm?

Trong quá trình vận động của văn hóa, dường như luôn luôn có sự phân cực giữa hàn lâm và đại chúng: Ở thái cực hàn lâm, các kiến thức và vấn đề được đề cập một cách phức tạp với những cấu trúc ngôn từ phức tạp và sự đa chiều. Ở thái cực đại chúng, cấu trúc của kiến thức bị giản lược hóa thành các chỉ dẫn bằng ngôn từ thông thường và dễ hiểu. Khi giới hàn lâm của thế giới

Cái bi và cảm hứng sử thi trong phim ảnh đại chúng đương đại

Thế kỷ 19 và 20, nhân loại liên tiếp ở trong những cuộc chuyển dịch về tâm thức. Bước ra khỏi thời kỳ Trung cổ, được truyền cảm hứng nhân bản từ các nhà Khai Sáng, con người hướng tới các giá trị bình đẳng. Từ đó, thân phận của những người cùng khổ, những tầng lớp thấp, các bi kịch cá nhân trong đời sống bình thường bắt đầu trở thành đề tài của các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh

Tại sao người Việt cuồng xem bóng đá (và người dân thế giới cũng chẳng hề kém)

Bài đã đăng tại Book Hunter, và đăng lại tại website cá nhân sau sự kiện bạo lực bóng đá khủng khiếp tại Indonesia và 1/10/2022. Xin đăng lại bài này để chúng ta nhớ rằng bạo lực bóng đá và nguyên nhân thực sự của nó đến từ chính sự kích thích tính bạo lực ngoài kiểm soát của chính bộ môn thể thao này (và cả các bộ môn thể thao thi đấu khác). *Nguồn ảnh minh họa: Malaysia eats humble pie after