Viết nhân một buổi ngồi trò chuyện cùng bạn học viên tham gia khóa Viết của mình
Một chiều tháng 3 năm 2021, tôi hẹn gặp một bạn học viên lớp Coaching Viết Nghiêm Túc 1-1 tại quán một nhỏ. Quán thưa khách, chúng tôi ngồi với nhau ở gác xép của quán, dưới ánh đèn vàng chiếu trên nền xám. Bạn ấy còn rất trẻ, phong thái khá giống với cô con gái yểu điệu và cũng rắc rối của tôi. Cuộc gặp gỡ này thực sự gây cho tôi nhiều xúc động, bởi nó diễn ra trong quãng thời gian diễn ra những tranh luận về định hướng học của con gái tôi tại trường, và những vấn đề xoay quanh cuộc gặp gỡ cũng khiến tôi trăn trở về những điều mình thực sự có thể làm nhưng vẫn đang ngần ngại làm.
Bạn học viên của tôi mới quay về Việt Nam sau một thời gian du học ở Mỹ. Cô bé kể rằng cô bé đang ở trong một sự hoang mang lớn về định hướng khi về nước. Khi còn học ở trong nước, cô bé đã từ bỏ những yêu thích của mình với môn văn để đeo đuổi học tiếng Anh và các môn cần thiết để thi vào một trường học có thứ hạng cao tại Mỹ. Nhưng rồi, khi về nước, cô bé cảm thấy gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp tiếng Việt, đặc biệt biết khá ít từ Hán Việt, và gần như không biết gì về văn hóa Việt Nam. Tôi có thể hình dung cảm giác của cô bé khi ra đường, đưa mắt lướt qua những con phố ồn ã mà chẳng cảm thấy rằng chúng đang sống, và có lẽ sẽ rất khó cho cô bé khi kết nối với đời sống Việt hoàn toàn xa lạ. Những gì tôi cảm nhận được là sự hoang mang, có lẽ hơi buồn nữa, mà cô bé đang phải trải qua khi cố gắng cân đối giữa các đòi hỏi của bố mẹ với điều cô bé mong mỏi được làm.
Cô bé tham gia học Viết với tôi không phải để trở thành một tác giả hay một nhân viên truyền thông, mà chỉ muốn tìm lại những gì rất Việt mà cô bé đã đánh mất trong suốt thời tuổi thơ chỉ quay cuồng với tiếng Anh, học hành, thi cử… của mình. Cô bé không dám trách bố mẹ, vì hiểu rằng bố mẹ phải vất vả để nuôi mình ăn học, nên cũng kỳ vọng mình có một công ăn việc làm có thu nhập cao. Đây có lẽ là nguyện vọng chung của không ít phụ huynh khi thúc ép con học, học nữa, học thật nhiều để trở thành ông nọ bà kia, làm một công việc lương cao, lại được chỉ tay năm ngón ra lệnh. Những ước ao của các bậc phụ huynh phải trả qua thời bao cấp và thời kỳ đầu đầy khó khăn của kinh tế thị trường đã áp đặt lên tương lai của con trẻ, đưa con trẻ vào một cuộc chạy đua không điểm kết khiến con trẻ buộc phải từ bỏ đời sống hiện hữu của thời đại mới mà thay bằng viễn cảnh cũ kỹ mà các phụ huynh vẫn gọi là “thực tế”. Cô bé tìm đến tôi với mong muốn tôi có thể giúp cô bé nâng cao vốn từ tiếng Việt và có thể sử dụng tốt tiếng Việt trong viết cũng như giao tiếp, thật nghịch lý khi một người Việt lại phải học tiếng Việt như học ngoại ngữ như vậy. Tôi đã thiết kế cho cô bé một lộ trình luyện tiếng Việt trong vòng 5 tháng tới kết hợp với các hoạt động trải nghiệm văn hóa Việt mà cụ thể hơn là ngay trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi gặp cô bé xong, tôi cứ nghĩ mãi về ý nghĩa sự tồn tại của mình. Tại sao tôi lại cứ bị gắn bó với nghề văn đến vậy dù không ít lần tôi đã muốn cắt đứt nghiệt duyên này để trở thành một doanh nhân hay một chuyên gia truyền thông? Tại sao tôi cứ phải đứng ra tổ chức Book Hunter và các hoạt động xã hội, dù thực ra tôi chỉ cần ngồi yên thân sáng tác và thỉnh thoảng kiếm tiền bằng các dự án đánh thuê? Tại sao tôi lại sinh ra một đứa con gái không bao giờ chịu thỏa hiệp? … Có lẽ, sự đưa đẩy của số phận cứ thế trói buộc tôi vào nhiệm vụ hãm phanh cho thời đại mà người ta lao đầu vào các cuộc đua bằng cấp và địa vị xã hội. Và chừng nào tôi còn chưa thực sự dấn thân vào sứ mệnh là một cái hãm phanh, chừng ấy mọi thứ quanh tôi vẫn chưa thể diễn ra đúng với lộ trình mà tôi mong đợi.
Nơi tôi có hai con người: Một con người mong muốn thỏa hiệp để leo lên địa vị và danh vọng cao hơn. Một con người khác luôn hoài nghi và muốn đạp đổ tất cả những gì xã hội đang tôn sùng. Hai con người ấy lúc thì mâu thuẫn, lúc lại hợp tác với nhau nhuần nhuyễn. Dần dần, tôi học được cách điều tiết cho hai con người ấy ngày càng hợp tác với nhau, tùy từng vai mà biểu hiện ra phù hợp. Tôi nghĩ nơi mỗi người, đặc biệt là những ai còn sự trẻ trung như cô bé học viên của tôi, hay con gái tôi, sự đấu tranh của hai con người này rất mạnh mẽ. Ở một số người, con người bất tuân không thỏa hiệp mạnh hơn, và họ bị xã họi gọi bằng hai chữ “cực đoan”. Còn đa số, họ chọn cách thỏa hiệp, thỏa hiệp, thỏa hiệp nhiều hơn nữa tới mức bào mòn cá tính, và họ tự phong rằng họ là những người thành đạt, thực tế, đại diện cho xã hội. Tôi nhận ra rằng, sự trưởng thành từng ngày của mình đó là làm sao để hai con người này hòa hợp với nhau thay vì triệt tiêu nhau, và những gì tôi có thể hướng dẫn cho con cái tôi, hay những người tìm đến lời khuyên của tôi cũng chỉ có thế. Học cách tìm điểm cân bằng để đi trên dây, để không ngã nhào sang bất cứ thái cực nào… luôn đòi hỏi nhiều vất vả hơn so với ngã hẳn về một phía. Điều quá hiển nhiên đúng không!
Quay lại với vấn đề học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt, tại sao lại cần đến thế… Bỏ qua những lời kêu gọi giáo điều về tinh thần dân tộc hay lòng yêu nước, tôi nhận ra rằng giỏi tiếng Việt từ thuở nhỏ sẽ giúp chúng ta biểu hiện cảm xúc và thấu hiểu cảm xúc người khác tốt hơn. Đây không phải là bởi tiếng Việt có nhiều ưu thế về biểu hiện cảm xúc hơn tiếng Anh mà bởi vì mỗi người Việt sống trên đất Viêt thì đều tương tác một cách tự nhiên với nhau bằng tiếng Việt. Tước đi khoảng thời gian học tiếng Việt của trẻ nhỏ, thay thế bằng môi trường thuần tiếng Anh hay bất cứ thứ tiếng nào đó khác, thậm chí ưu tiên các môn Toán – Lý – Hóa thì đều khiến những đứa trẻ bị lỡ cỡ trong tiếp nhận ngôn ngữ, chúng không nắm được hồn cốt và các trạng thái cảm xúc ở mỗi từ vựng mà chúng sử dụng. Vậy là nền giáo dục của chúng ta sản sinh ra những đứa trẻ thừa lý trí nhưng thiếu cảm xúc, thừa nghị lực nhưng thiếu đồng cảm, thừa bằng cấp nhưng thiếu trải nghiệm, thừa tự tin nhưng thiếu thấu hiểu…
Hiện nay, cơn cuồng STEM và ngoại ngữ trong chính sách giáo dục của chính phủ đang nhen mầm cho những mô hình giáo dục siêu sao. Một dân tộc nông dân liên tục bị nỗi ám ảnh lạc hậu đeo bám, bị mặc cảm về số phân ấy của mình, đến mức mong mỏi “đuổi kịp” các nước Âu Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn… về khoa học kỹ thuật. Chính phủ Việt Nam mong mỏi “sánh vai với các cường quốc năm châu” chẳng khác nào các phụ huynh đang từng ngày mong mỏi con cái mình thành đạt, được làm ông nọ bà kia. Sự mong mỏi ấy tràn ngập những mặc cảm yếu kém, sự tụt hậu về nhân thức, sự hạn chế về quan sát thực trạng trong xã hội. Chương trình STEM và ngoại ngữ không có lỗi, lỗi là ở chính phủ quá chú trọng vào chúng và ảo vọng rằng đó là con đường duy nhất thế hệ tương lai nên đi. Hoặc nghĩ một cách tiêu cực hơn, khi tạo ra những đứa trẻ giỏi biểu hiện suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình bằng tiếng Việt thì không có lợi gì cho sự ổn định chính trị mà chính phủ mong chờ.
Đây không phải chỉ là vấn đề của chính phủ Việt Nam. Trong cuốn “Nước Mỹ chuyện chưa kể” – một cuốn sách nhóm Book Hunter vừa dịch và xuất bản trong tháng 12 năm 2020, một thực tế phũ phàng đã được phơi bày: học sinh Mỹ đều rất kém hiểu biết về lịch sử Mỹ và chỉ 12% số ấy thành thạo về bộ môn này (hai tác giả của cuốn sách hoài nghi về tiêu chí “thành thạo” này). Hai tác giả cho rằng sự che giấu lịch sử, thúc đẩy nền học thuật dựa trên Khoa học công nghệ chứ không phải văn hóa xã hội là một cách để khiến người dân thiếu đi óc phán đoán đối với các chính sách của chính quyền. Đương nhiên cũng giống như chính phủ Việt Nam nói riêng và cả thế giới hiện nay nói chung, chẳng mấy phụ huynh thích con cái mình lại chất vấn các hệ giá trị mà phụ huynh đã theo đuổi chỉ bởi vì chúng đủ hiểu biết về văn hóa xã hội để đánh giá các hệ giá trị ấy.
Vậy là tiếng Việt, văn hóa Việt, và có lẽ là cả sự tìm tòi về văn hóa khắp nơi trên thế giới đã trở thành một thứ không thiết thực, mà có lẽ nếu được phép thì không ít người sẵn sàng vứt bỏ ra khỏi chương trình học. Bởi với họ, nếu logarit, sin-cos… không có giá trị về mặt “thực tiễn” thì tại sao một bài thơ tứ tuyệt của Trần Nhân Tông lại có giá trị về mặt “thực tiễn” được nhỉ!
Hà Thủy Nguyên