Home Bình Luận Không đọc sách thì có sao

Không đọc sách thì có sao

Mẹ trẻ nhà mình đến bây giờ vẫn KHÔNG THÍCH ĐỌC SÁCH, và mình thấy cũng chẳng sao cả! Mẹ trẻ là thách thức cho mọi lời tuyên truyền kiểu:

– Cần có tủ sách gia đình đồ sộ để các pé quen dần với sách.

– Người lớn trong gia đình ham thích đọc sách thì con cái sẽ học theo. 🤣

– Hay “đọc sách cùng con” thì con sẽ tạo lập thói quen đọc sách từ bé. 😕

Và cũng thách thức luôn các lời khuyên kiểu:

– Thấu hiểu con cái thì con cái sẽ thành công hơn, tự tin hơn. Lắng nghe mẹ trẻ nhiều thì người làm mẹ như mình sẽ thấy có ti tỉ thứ cần phải cải cách xã hội. Sợ thế chứ! Nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Nếu không phải vì làm mẹ của một pé hay phàn nàn như mẹ trẻ, có lẽ mình chỉ ngày ngày chill trong thế giới hưởng thụ và trở thành dân chơi thứ thiệt 🤣 Mà vì nghe mẹ trẻ phàn nàn, phân tích đủ thứ nhiều quá, thành ra cảm thấy áy náy với xã hội. Thấu hiểu mẹ trẻ xong bị biến thành công cụ chính trị của mẹ trẻ luôn. Nên các mẹ cẩn thận đấy nhá! Mình cũng quen vài mẹ bị con dắt mũi thế rồi, lời khuyên là đặc biệt cảnh giác với những lời ngọt ngào kiểu “con yêu mẹ”. 🤣

– Không nên cho con lên mạng vì con sẽ lười đọc sách. Thực ra đã không thích đọc sách, không ưa chương trình của Bộ Giáo Dục rồi mà còn lười online nữa, thì chỉ còn nước làm thiền sư thôi. Mẹ trẻ lại không thích làm thiền sư vì thấy nhạt quá, nên là phải online đi tìm kiếm tri thức thôi. Mà thú dzị là lên mạng nhiều thấy bà con giảng đạo lý với văn hóa lịch sử nhảm quá, lại buộc phải cầm quyển sách lên để đọc đối chiếu.

Nói chung là thách thức nhiều thông điệp tuyên truyền lắm. Mình thấy sách chẳng qua cũng là một trong số rất nhiều phương tiện lưu trữ và truyền tải kiến thức. Trường học cũng chỉ là một trong số rất nhiều nơi cung cấp trải nghiệm học hỏi cho các pé. Chúng cũng hiệu quả đấy, nhưng không phải và không nên là thứ BẮT BUỘC.

Không có mô tả ảnh.

Với mình, mẹ trẻ thích làm gì thì làm, học gì thì học, chơi gì thì chơi, nhảm nhí thế nào cũng được, nhưng có một số vùng CẤM không bao giờ được phạm phải, bao gồm:

– Không hành động vô thức theo kiểu: tiện tay xả rác ra đường, tiện tay ăn cắp vặt, đánh đập người khác, bài xích bạn bè, dùng định kiến của mình áp đặt lên người khác… Đương nhiên, đến người lớn đôi khi còn vô thức nữa là trẻ con, nhưng chính vì thế lại càng phải rèn từ nhỏ.

– Không lừa đảo dưới mọi hình thức: đạo văn, gian lận thi cử, nói dối…

– Không ngậm miệng trước mọi bất công xảy ra với bản thân và với người khác. Người không biết đấu tranh vì quyền lợi của mình thì cũng không bao giờ sẵn sàng hỗ trợ người khác.

– Không tham lam chiếm hữu thứ của người khác thành của mình.

Khi nào học xong từng ấy thứ thì nhồi nhét kiến thức cũng không muộn. Đọc nhiều, học nhiều… thành các thiên tài, mà thiếu đi những tự vấn lương tâm của mình thì chỉ là những kẻ vĩ cuồng phá hoại thôi. Học càng nhiều, đọc càng nhiều, càng thành công thì độ tàn phá càng khủng khiếp. Đừng ai nói với mình rằng người yêu sách và ham học thì chắc chắn là người lương thiện nhé! Giờ mà còn nói câu đó người ta cười cho vào mặt, vì rõ là người chả đọc sách bao giờ mới tin vào điều ấy 🤣

Mà đừng nghĩ rằng chỉ có kiến thức mới cần học, còn làm người tử tế thì dễ thôi. Làm người tử tế là khó nhất và là con đường thành công bền vững nhất. Dạy con cách sống tử tế cũng không dễ, không phải cứ đem đạo lý ra giảng mà các pé gật gù tâm đắc đâu! Đó thực sự là một cuộc đấu trí đó! Nhờ kèm cặp mẹ trẻ tử tế hơn mỗi ngày, mà mình cũng tự phải tử tế lên 🤣 mỗi ngày, không thì thành ra loại người “tiêu chuẩn kép” như bao phụ huynh khác.

Thứ ngớ ngẩn nhất của Bộ giáo dục là giới hạn độ tuổi tham gia các cấp học của học sinh (nếu không muốn nói thẳng ra rằng sự giới hạn này là vi phạm quyền trẻ em). Việc gò ép khung tuổi với chương trình học theo những học thuyết giáo dục thiếu cơ sở khoa học từ thời kỳ sơ khai của giáo dục phổ thông, đã tước bỏ đi tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Thay vì đến trường để học thì chúng đến trường để cày điểm số và thi cử. Không thể trách các phụ huynh hay các thầy cô giáo, bởi vì chính họ cũng là sản phẩm của mô hình giáo dục kiểu này. Trường học trọng thi cử và điểm số dần dần không phải trở thành nơi nuôi dưỡng nhân cách mà thành nơi hủy hoại nhân cách của trẻ. Tại sao lại nói là hủy hoại nhân cách, đơn giản bởi vì đứa trẻ đâu có được đối xử như con người trong môi trường ấy, mà đối xử theo lối huấn luyện thú, tệ hơn, bây giờ là huấn luyện máy. Thú đọc sách với máy đọc sách, hoặc thú nhiều kiến thức hay máy nhiều kiến thức, thì cũng không phải là người, và thiếu năng lực hành xử của người.

Mẹ trẻ KHÔNG THÍCH ĐỌC SÁCH, chẳng sao cả! Có thể mẹ trẻ sẽ tìm vui trong tìm tòi các công thức nấu ăn, hay vẽ một bức tranh đẹp. Sau này mẹ trẻ không trở thành giáo sư tiến sĩ, thì cũng có thể là một người sống một cuộc đời dễ chịu, đối xử tử tế với mọi người, và hữu ích theo cách của riêng mình. Giáo sư – tiến sĩ, chính trị gia, thương nhân… đâu có nghĩa sẽ cao quý hơn đầu bếp, barista… Chuyên môn giỏi đâu nằm ở cái bằng cấp phổ thông (đại học bây giờ cũng phổ cập rồi nhé, và đa phần sinh viên tốt nghiệp xong cũng chẳng có chuyên môn làm gì nên hồn), mà phụ thuộc vào tình yêu và sự đau đáu với một lĩnh vực mình yêu thích. Nhưng làm gì có thời gian để yêu thích khi ngày ngày bị định kiến xã hội coi trọng bằng cấp và bậc lương lái hướng?

Hà Thủy Nguyên

Tận hưởng niềm vui với con cái

Con cái có lẽ là tạo tác tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân tính của đứa con sẽ nói lên cách mà bạn đối xử với chúng, hay nói một cách khác sự trưởng thành của con cái phản ánh nhân cách của những người nuôi dưỡng chúng. Nhưng cũng giống như sáng tác tác phẩm nghệ thuật, thái đô và quan niệm của bạn trong sáng tác sẽ quyết định phong cách và tư tưởng của tác phẩm, quan niệm

Đừng né tránh bệnh thành tích và bất bình đẳng trong trường học bằng những tranh luận vô nghĩa (và xóa trường chuyên không phải là giải pháp)

Viết nhân dịp ra mắt cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH do con gái của mình dịch (nhân vật vẫn được gọi bằng bí danh "mẹ trẻ" trên facebook), cùng lúc cộng đồng mạng đang bàn luận say sưa về mâu thuẫn giữa trường chuyên và trường thường. 1/ Đầu tiên... hiểu về trường thường đôi chút nhé! Đầu tiên, ta quay trở lại một chút mô hình trường học. Chúng ta chủ yếu học theo mô hình trường học phổ thông, tức là

Năm đầu tiên homeschool của mẹ trẻ

Mình cho mẹ trẻ nghỉ hè phải gần 1 tháng rồi, nhưng hôm nay mới bắt đầu thảnh thơi viết lại những gì mẹ trẻ đã học trong 1 năm đầu homeschool. Thỉnh thoảng mình có “nhá hàng” vài hoạt động kèm theo vài quan điểm của mình một cách vụn vặt, đây là bài tổng kết lại quãng thời gian vừa qua. Trước tiên, phải nói trước là, mình không hoàn toàn định hướng cho mẹ trẻ ra nước ngoài học, giống nhiều gia

Homeschooling thì học cách tương tác như thế nào?

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi tôi nói về chuyện con gái của tôi homeschool đó là nàng ta sẽ học cách tương tác xã hội như thế nào. Họ luôn cho rằng tương tác xã  hội sẽ chỉ được học ở môi trường nhà trường, nơi đó một đứa trẻ có những người bạn đồng lứa, và được sự chỉ dẫn của những người được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Tôi không đồng tình với quan điểm