Dịp nghỉ lễ 30/4, chúng tôi (những thành viên của Book Hunter) không đi du lịch phương xa mà lang thang trên những con phố Hà Nội – nơi tưởng chừng như rất quen thuộc nhưng vẫn đầy bất ngờ với những ai muốn tìm hiểu về quá khứ của nó.
Chúng tôi xuất phát từ Joma Cafe trên phố Lý Quốc Sư rồi đi một loạt các ngôi đền và nhà cổ ở phía Đông Bắc của phố cổ Hà Nội, kéo dài từ Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm. Rồi đến buổi chiều lại qua khu Tây Bắc của phố cổ, quanh các phố Hòe Nhai, Hàng Than, Quán Thánh, Phan Huy Ích rồi nghỉ chân và buôn chuyện ở hồ Tây.
Những ngôi đền cổ ẩn mình sau các khu hàng quán ngồn ngộn, cố chống chọi với cơn bão thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ. Có những ngôi đền và nhà cổ vẫn còn giữ được vẻ đẹp vốn có (dù đã trải qua các cuộc phục dựng), nhưng có những ngôi đền đã bị biến đổi mà có lẽ những người dân thường đến lễ tại đó cũng chẳng hề hay biết.
Phố cổ Hà Nội là một khu buôn bán, dân tứ xứ từ xưa đã thường xuyên qua lại, định cư và sinh sống. Mỗi lớp dân ấy lại mang theo một vị thần bảo trợ cho họ tới khu phố cổ này.
Chủ yếu, khu phố cổ là nơi sinh sống của những người Hoa kiều có gốc từ Phúc Kiến, Quảng Đông; và những phường nghề của người Việt di dân từ nhiều tỉnh quanh đồng bằng Bắc bộ. Bởi vậy, các đền thờ là dấu vết còn lưu lại của lớp dân cư đã sống tại khu vực này trước đây, hoặc có khi họ vẫn còn vài người rớt lại nhưng phải chịu một cảnh sống khó khăn và bực bội vì họ đã mất đi vị thế làm chủ ở khu này.
Thế nhưng, nhiều ngôi đền đã bị thay đổi cơ cấu thần và xóa đi các dấu vết lịch sử của nó để thay vào là các ban thờ mẫu lòe loẹt.
Ở phố Nguyễn Văn Siêu có đền Cổ Lương. Tấm bia trong đền ghi rõ: “Thôn Cổ Lương tiếp giáp mé sông Nhị Hà, dân cư là người làng Khúc Thủy, đền thờ hai vị chính thần là Phổ Tế và Nam Hải. Công lao sự nghiệp của thần trong tự điển có ghi chép rõ ràng. Nhưng ngôi đền lúc mới xây dựng thì lợp cỏ gianh đơn sơ. Hơn trăm năm dân cư ca mừng tụ họp ở đây mà đền thần vẫn còn như cũ… Khi đó vị lý trưởng họ Đào tên là Đằng mới tiếp nối ý cha để đứng ra hưng công xây lại đình mới, lợp ngói.”
Nhưng nếu ai vào đền Cổ Lương ngày nay sẽ chỉ thấy một màu u ám với ban thờ Mẫu Liễu Hạnh chễm chệ trong ngôi đền bê tông. Hai vị chính thần Phổ Tế và Nam Hải thì chẳng ai nhớ tới công lao nữa bởi vì công lao của họ, tôi cũng không tìm được thông tin về họ. Nhưng tấm bia ghi chép về hai vị thần này là do tiến sĩ Vũ Nhị (hiệu Đông Hầu, đốc học Hà Nội) soạn thảo, chữ Hán do Nguyễn Mặc Khanh viết dưới thời Tự Đức, vì vậy, có thể thấy hai vị này hẳn phải có công đức lớn thì mới có được sự trân trọng như vậy.
Khi sắp xếp lịch trình cuộc đi, tôi có đọc thông tin về đền Yên Thành ở phố Phan Huy Ích, ngay đoạn giao với Quán Thánh. Đây là ngôi đền thờ Lý Chiêu Hoàng, vị nữ vương cuối cùng của triều Lý. Khi đã nhường ngôi cho Trần Cảnh, bà lui về ở ẩn, có công giúp dân làng Yên Thành và một số vùng khác ở Gia Lâm an cư lạc nghiệp, bởi vậy nên được tôn thờ. Đến thời Lê, bà vẫn được truy phong.
Tại đền thờ, người dân có đặt pho tượng Lý Chiêu Hoàng ngồi trên long ngai với chế tác tinh xảo cùng với 8 bức tượng các vị vua thời Lý. Điều này được ghi chép lại trong tạp chí Thế giới Di Sản.
Thế nhưng thực tế, khi chúng tôi đến ngôi đền này thì không còn thấy dấu vết gì của Lý Chiêu Hoàng và 8 vị vua nhà Lý mà thay vào đó là ban thờ mẫu hoành tráng sơn son thiếp vàng lòe loẹt và đám đồng cốt đang nhảy đồng tưng tưng. Chen chân vào đám đồng cốt đó để tìm pho tượng Lý Chiêu Hoàng hay tượng các vua Lý đều không có, mà chỉ có tượng các ông hoàng bà chúa trong hệ thống thờ tứ phủ.
Trước đó không lâu, khi đến thăm đền Cẩu Nhi đã được sửa sang lại ở hòn đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, tôi cũng chỉ thấy có ban thờ mẫu Thoải và Tứ phủ, không còn ghi chép lại sự tích.
Trong khi đó, ghi chép của Dương Bá Cung trong “Tây Hồ chí” còn kể rõ: “Thần Cẩu Nhi là con Cẩu Mẫu, triều Lý miếu thờ ở bãi Châu Chữ (bến Châu) phía Tây Bắc hồ, thời Hậu Lê gọi là chùa Trúc Bạch. Trên có Miếu Chó thần Cổ Nhi dựng từ triều Lý. Nay hãy còn” và Núi Khán: “Hai ngọn liền nhau, ở phía Nam hồ, góc Tây nội thành. Trên có miếu Cẩu Mẫu (mẹ chó thần) của triều Lý.
Trước khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, ở chùa Thiện Tâm trên núi Ba Tiêu – châu Bắc Giang có một con chó trắng mang thai vượt sông trên núi Khán sinh một con. Người người lấy làm lạ.
Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi đều hoá. Vua nghe chuyện, bảo đó là Phúc Thần, bèn cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi ở dưới hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên”.
Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của Nguyễn Văn Uẩn viết: “Lên đến gần đường đê Yên Phụ, ta thấy còn mấy di tích lịch sử nữa: Ở bên phải, trên một gò nhỏ giữa hồ Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, đền này có từ thời Lý Thái Tổ (thế kỷ XI), khởi thủy ở cạnh núi Nùng trong Hoàng Thành, khi xây lại thành sau này mới chuyển bài vị thờ thần ra đây. Về sau, những người đến lễ bái chỉ biết là đền thờ “Thủy Trung Tiên” (bà tiên dưới nước).”
Nực cười là, từ cái tên “Thủy trung tiên”, các tín đồ đạo Mẫu đã đặt vào ban thờ vị Mẫu Thoải, mẫu cai quản nước, để lấp liếm một cách hợp lý cho tình trạng tàn phá di tích này dưới danh nghĩa phục dựng và cải tạo.
Đó là còn chưa kể một cuộc xâm chiếm trong hầu hết các đền, chùa, đình của đạo Mẫu. Chỗ nào cũng thấy đặt một ban thờ đạo Mẫu. Rồi chỗ nào cũng có thể thành chỗ nhảy đồng ầm ĩ hô thần gọi quỷ (mà thần thì ít, quỷ là chính).
Và còn rất nhiều địa điểm khác, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp cả nước.
Tình trạng xâm lấn này của đạo Mẫu trên thực tế chẳng khác nào các tập đoàn tham lam muốn phá hoại các di tích cũ để chiếm đất, chiếm khả năng thu hút đám đông.
Có phải thông qua con đường cải tạo và phục dựng, người ta lợi dụng hệ thống đạo Mẫu để ngang nhiên chiếm đất ở nhiều địa điểm tâm linh?.
Cứ đà này, nếu không có sự kiểm soát, Việt Nam sẽ hoàn toàn ở dưới sự chỉ huy độc tôn của “Mẫu giáo”. Thứ “Mẫu giáo” này sẵn sàng gạt bỏ hết lịch sử và các lớp văn hóa trước đó để tiếp tục tận thu tiền của dân chúng mê muội vào tay đồng cốt.
Thực trạng tàn phá di tích này đến nay vẫn chưa được quan tâm bởi vì nó đi ngầm rất lâu. Hơn nữa, đụng chạm đến mấy thế lực tâm linh ở vùng đất vẫn còn nhiều mê tín dị đoan này, đa phần đều e ngại.
Tôi mong rằng, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; các nhà báo; hoặc các độc giả quan tâm đến vấn đề bảo vệ di sản sẽ đưa ra ý kiến về việc này. Bởi vì, tự do tôn giáo và tín ngưỡng không đồng nghĩa với việc cho phép tôn giáo và tín ngưỡng ấy tàn phá văn hóa.
Hà Thủy Nguyên