Tin đồn nữ thần Thanh Nguyệt bị Dã Quốc sát hại bay đến Điểu Kinh theo những cánh quạ của Ô Thị. Ngay khi Ô Thị nhận được tin báo rằng Dã Quốc bắt được nữ thần Thanh Nguyệt thì tin tức đã gửi tới cho Điểu vương. Điểu vương là kẻ đa nghi, nên trước tin ấy vẫn giữ vẻ bình lặng. Thậm chí, còn lập tức cho triệu hồi Điểu Thiên Hoàng về cung để mưu tính. Điểu Thiên Hoàng đành để lại thành Vũ Cầm cho các tướng soái cấp dưới, lập tức về Điểu Kinh. Đang trên đường về Điểu Kinh thì chàng lại nghe tin nữ thần đã bị giết chết.
Điểu Kinh nằm ở một vùng núi cao ngất phía Bắc Điểu gia, tách biệt hẳn khu đồng bằng ở phía nam. Nơi đây không có bình dân, chỉ có hoàng gia của Điểu tộc và những ông chủ bậc nhất chuyên phục vụ vua quan. Ngay cả quân đội cũng chỉ đóng ở ngoài xa, phía ngoại ô của Điểu Kinh. Phàm đã là người của Điểu tộc, không ai không biết cách tự bảo vệ mình, giữ quân đội trong kinh đô chỉ khiến cho nhiều nguy cơ hỗn loạn hơn.
Hoàng cung và phủ đệ của Điểu tộc đều nằm trên núi cao hiểm trở, kiến trúc đơn giản, trang nhã nhưng đều được làm từ đá cẩm thạch, vàng ròng và kim cương. Trước khi trở thành Chinh Nam tướng quân, còn là vương tử, Điểu Thiên Hoàng được phong núi Hồ Điệp, khuất xa chỗ ở của các quý tộc, ít người lai vãng, quanh năm sương mù bao phủ. Nơi đây quanh năm hoa vàng bao phủ, nên chàng đặt tên phủ đệ của mình là Hoàng Hoa Cung. Con gái chàng ra đời đúng lúc nữ thần Thanh Nguyệt, nên bị biệt giam trong Hoàng Hoa Cung từ nhỏ, chỉ thỉnh thoảng chàng mới được gặp. Nay nữ thần Thanh Nguyệt đã chết, chàng đã có thể gặp lại người con gái của mình. Chỉ cần vào bái kiến Điểu vương xong xuôi, bàn tính vài câu về thế sự, chàng đã có thể được ôm con gái vào lòng.
Hoàng tộc họ Điểu cai trị vùng đất phía Bắc từ thuở khai thiên lập địa. Ngôi báu không được truyền cho con trưởng mà truyền cho người có thể năng lượng phượng hoàng. Trong thế hệ của Điểu Thiên Hoàng, hoàng tộc có ba người có thể phượng hoàng là Điểu vương đương thời, phu nhân Điểu Tử Quỳnh và chàng. Tử Quỳnh từ bỏ thể phượng hoàng để đi theo quân phiến loạn của Chúc Thịnh Lai. Ngôi báu trở thành thứ tranh chấp giữa chàng và người anh trai của mình, có tên là Điểu Linh Hoàng. Nhưng chàng không nuôi chí lên ngôi báu, chỉ muốn được ung dung ở trong Hoàng Hoa Cung. Chàng từ chối tranh chấp ngôi báu. Điểu Linh Hoàng lên ngôi Điểu vương, liền tìm cách đẩy chàng ra trấn giữ thành Vũ Cầm ở phía Nam, ngăn cản quan đội của Long tộc.
Điểu vương biết cách dàn xếp các thế lực trong triều, ân uy đều đủ cả, thế nhưng luôn đa nghi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ có người mưu phản, nên dần dần lòng người chán nản. Chàng bấy lâu nay đã chán triều chính, nhưng hiềm nỗi con gái chàng bị nhốt trong Hoàng Hoa cung, còn những bí mật chàng chưa giải mã được, nên đành phải nỗ lực vì những việc bất đắc ý.
Hoàng cung nằm ở ngọn núi cao nhất Điểu Kinh, mây mù che khuất từ lưng chừng núi. Đường lên núi lát đá cẩm thạch trắng đến lạnh người. Những bức tường chạy dài ốp vào thành núi cũng được làm từ cẩm thạch. Những hoạ tiết nửa kỳ bí, nửa phô trương dát vàng chạy dài dọc tường. Họa tiết mây ánh vàng tựa như lẩn cùng mây trắng, lấp lánh dưới cái nắng nhạt của mùa thu. Lẩn giữa mây là những họa tiết của chim phượng hoàng, chim đại bàng. Phượng hoàng và đại bàng là hai thể năng lượng của hoàng tộc họ Điểu. Trên bức tường còn rất nhiều họa tiết lạ kỳ khác mà chàng không hiểu, ví dụ như những vòng xoáy theo các khuôn hình khác nhau, những cột lửa uốn mình thành cánh chim đang vươn lên, những mảnh trăng khuyết xếp với nhau theo một trật tự bí ẩn.
Chính điện được dát bằng vàng với những dãy kim cương men dọc theo trần và tường. Những dãy kim cương ấy không phải để cho đẹp. Mỗi viên kim cương đều được mài nhọn và có khả năng sát thương lớn. Không một loại giáp nào có thể chống chọi được những mũi tên kim cương ấy. Chỉ Điểu vương có quyền điều khiển những mũi tên để tự bảo vệ mình khỏi những cuộc tấn công từ thích khách hoặc các thế lực làm phản. Thiên Hoàng nắm rất rõ chính hệ thống này, bởi chính chàng là người đã thiết kế chúng.
Điểu vương ngồi trên ngai vàng, hai ban văn võ đứng chầu hai bên. Thiên Hoàng đi giữa hàng quan lại, lòng lạnh như băng. Chàng không quỳ, chỉ cúi mình trước Điểu vương. Chàng là người duy nhất được đặc cách không cần phải quỳ gối khi hành lễ.
– Chinh Nam tướng quân Điểu Thiên Hoàng xin được diện kiến Điểu vương!
Điểu vương khoát tay, cười:
– Vương đệ không cần phải đa lễ. Tối nay ta sẽ mở yến tiệc để mừng vương đệ về kinh…
– Đệ có sự việc muốn bẩm báo… – Thiên Hoàng nghiêm giọng.
Điểu vương tắt nụ cười, lạnh nhạt:
– Các khanh lui ra!
Các quan quỳ mọp xuống vái chào rồi lui ra ngoài. Điểu Thiên Hoàng đứng im, không thèm ghé mắt đến hai hàng quan lại. Chàng đương nhiên không thể nhìn thấy những ánh mắt ghen ghét đang nhìn chàng với vẻ vừa bực tức, vừa lo sợ. Thiên Hoàng dù là mối lo ngại của Điểu vương nhưng lại là cánh tay đắc lực. Nơi đâu có những âm mưu len lỏi trong bóng tối, nơi đó sẽ bị Thiên Hoàng vạch mặt. Những sơ hở người khác không thấy, chàng chỉ cần lướt mắt là có thể thấu rõ chân tơ kẽ tóc. Nên khi chàng nói rằng “có sự việc muốn bẩm báo”, tức là một sự việc vô cùng hệ trọng.
Khi những viên quan đã lui hết, hầu cận của Điểu vương cũng đứng cách xa khỏi khu vực có thể nghe được, Thiên Hoàng mới bắt đầu nói:
– Tâu Điểu vương, thần có ba việc xin được bẩm báo!
– Ngươi nói đi! Việc nào trước cũng được!
Thiên Hoàng nói:
– Dạ thưa, sau khi Thịnh Lai bị giết chết, Tử Quỳnh phu nhân và nghĩa quân đã chạy lên phía Bắc, tạm thời sẽ không có gì đáng lo ngại. Hai đứa con của họ đang được nuôi dạy trong phủ Trấn Tây của Điểu Tùng. Dã vương hiện đang truy lùng hai đứa trẻ này, cùng với Thần Y Hoàng Tế Thiên –quân sư của nghĩa quân.
– Ý ngươi là nếu ta giao hai đứa trẻ cho Dã Quốc thì biên giới phía Tây sẽ tạm yên?
– Thưa Điểu vương, tuyệt đối không thể! Dã Quốc tuy là mối họa, nhưng cái họa từ bên ngoài không đáng sợ bằng cái họa từ bên trong. Nếu người giao hai đứa trẻ cho Dã vương thì Điểu Tùng sẽ ôm hận trong lòng. Với tài năng của hắn, quả thực muốn làm phản thì không phải việc khó. Nhưng nếu người giết hắn, không ai có thể trấn giữ được phía Tây yên ổn như thế!
Điểu vương nhăn mặt ngẫm nghĩ. Ngài ghét nhất là những kẻ luôn bất tuân nhưng lại không thể thiếu chúng trong triều đình. Chúng nghênh ngang, ngược ngạo, không chịu khom lưng uốn gối trước quyền lực của ngài, thậm chí sỉ mắng ngài bằng đủ cách, thế nhưng ngài vẫn phải cười nói với chúng. Thiên Hoàng là một kẻ như vậy, Điểu Tùng cũng là kẻ như vậy. Còn ai nữa nhỉ, phải rồi, ngài còn có một người anh trai nữa, một người không có thể năng lượng phượng hoàng.
– Thành Trấn Tây có thể giao cho Điểu Minh Hoàng, anh trai của chúng ta! Chẳng phải là an toàn hơn sao! Tài năng của anh ta mà không được sử dụng để trấn giữ một nơi trọng yếu thì phí hoài lắm!
Thiên Hoàng ngần ngại không đáp. Điểu Minh Hoàng là anh cả trong số ba anh em nhưng lại không có thể năng lượng phượng hoàng nên không có tư cách tranh ngôi báu. Điểu Minh Hoàng từ sớm đã xin ra cai quản ở phía Đông của Điểu tộc, không màng thế sự. Nhưng tin tình báo chàng nhận được lại cho thấy một Điểu Minh Hoàng khác. Minh Hoàng ẩn thân vùng phía Đông, vốn không phải là chỗ có trọng binh, thế nhưng lại có thể đào tạo dân thường quy củ như trọng binh triều đình. Qủa không đơn giản! Phía Đông là một dải biển dài, một nơi tập trung nhiều làng chài lưới. Từ ngày Minh Hoàng tiếp quản vùng phía Đông, dân chài ai cũng biết đánh võ, biết sửa sang thuyền đánh cá thành một chiến thuyền có súng bắn và có tốc độ lướt vượt bậc. Không màng thế sự mà có thể như vậy ư? Nếu đưa Minh Hoàng và trấn giữ một nơi trọng yếu như thành Trấn Tây thì chàng không dám lường trước việc gì sẽ xảy ra.
– Việc thứ hai thần muốn bẩm báo là… – Thiên Hoàng lảng sang chuyện khác, mắt nhìn thẳng vào Điểu Vương như muốn thôi miên ngài quên đi cái ý định của ngài đi – triều đình Long tộc đang có tranh đoạt ngôi báu. Long vương ra lệnh trong số hai người con Long Phi Vũ và Long Phi Thiên, ai có thể đè bẹp thành Vũ Cầm, lấy được mạng thần, thì ngôi vị sẽ được giao cho người ấy. Thần còn được biết, Long Phi Thiên có mối quan hệ thầm kín với vợ của Long Phi Vũ, nên lần này hẳn sẽ cố sức chiếm ngôi. Việc truy giết thần và hạ bệ thành Vũ Cầm khó khăn hơn nhiều so với việc hạ sát nhau, nên chúng ta cứ chờ xem kịch hay nhà Long tộc.
Điểu vương quả nhiên hào hứng với tin này. Thấy địch thủ của mình tranh đấu nhau là sở thích của Điểu vương. Bởi trong tình thế ấy, những bên đấu nhau đều “lưỡng bại câu thương”, chỉ kẻ ngồi xem là được lợi.
– Long vương sợ vương đệ của ta đến ám ảnh rồi! Hắn làm thế thật chẳng khác nào cho chia rẽ con cái của mình. Thật chẳng được gắn bó như anh em chúng ta!
Thiên Hoàng cười một nụ cười cho có. Trong khi cười, chàng thấy giọng mình đắng nghét. Phải rồi, tình anh em gắn bó đến mức giam lỏng con gái chàng bao năm nay. Đứa con gái ấy từ khi ra đời đã mất mẹ, lại phải sống xa lìa cha. Nghĩ đến đó, chàng thở dài rồi quỳ xuống hành đại lễ:
– Còn một việc cuối, thưa Điểu vương! Nữ thần Thanh Nguyệt đã bị giết, Thiên Phụng không phải là nữ thần Thanh Nguyệt, nó còn nhỏ tuổi đã phải mất mẹ lìa cha, cảnh ngộ thực sự đáng thương. Mong Điểu vương cho thần được đón con gái đến thành Vũ Cầm cùng với thần. Thần một mình nơi biên ải, quả thật cũng rất cô đơn.
Điểu vương tắt ngay sự hào hứng trên nét mặt. Lòng trỗi lên sự nghi ngờ đối với Thiên Hoàng. Nhưng cân nhắc một lúc, ngài thấy rằng không nên khiến Thiên Hoàng bất đắc ý. Suy cho cùng, từ đầu Thiên Hoàng đã không tranh ngôi báu thì không có lý gì bây giờ lại muốn lật đổ ngài. Hơn nữa, chỉ cần vài gián điệp cài vào làm thị nữ theo dõi là có thể nắm được biến động ở thành Vũ Cầm.
– Được! – Điểu vương khoát tay đồng ý – Nhưng ta có một điều kiện… Hai đứa con của Thịnh Lai và Tử Quỳnh, không được để cho chúng sống. Chúng phải chết! Nghiệt chủng pha tạp giữa Điểu tộc và loài khác vốn dĩ không thể lường trước nguy cơ. Cứ giết đi là hơn!
Thiên Hoàng trừng trừng mắt nhìn Điểu vương, cảm thấy ghê rợn. Nhưng Thiên Phụng, con gái chàng, quan trọng hơn hết thảy. Nếu để Thiên Phụng ở trong tay một kẻ như Điểu vương, Thiên Hoàng bội phần lo lắng.
– Dạ vâng, thưa Điểu vương! Thần xin phép được lui về Hoàng Hoa cung.
Cuộc gặp gỡ với Điểu vương chấm dứt, Thiên Hoàng thở phào nhẹ nhõm. Mỗi lần gặp Điểu vương, đầu chàng đau như búa bổ bởi những suy nghĩ chen lấn nhau. Chàng không thể ngừng phán xét mọi hành vi, lời nói và cách suy nghĩ của Điểu vương. Nhưng phận làm em, làm bề tôi, lại không cho phép chàng như thế. Những ham muốn làm phản trỗi dậy, nhưng điều chàng thực sự đeo đuổi không cho phép chàng được liều mình. Sự hối hận với hành vi ngông cuồng và lười biếng tuổi trẻ dâng lên khiến chàng tức ngực. Chỉ vì ham mê đuổi theo những hiểu biết mà người thường không hiểu được, chàng đã giao lại ngôi báu cho một kẻ hèn hạ, đa nghi. Những điều Điểu vương làm không vì Điểu tộc, không vì muôn dân, cũng không vì lý đúng sai, mà chỉ vì quyền lực của bản thân. Thậm chí, ngay cả trong giấc mơ quyền lực, Điểu vương cũng không dám tham vọng lớn hơn, chỉ mong ở mãi trong xó núi này ôm lấy ngai vàng.
Chàng bất chấp lệnh cấm không được sử dụng thể phượng hoàng ở Điểu Kinh, dang rộng đôi cánh bay về phía Hoàng Hoa cung. Chỉ có cảm giác được bay, chàng mới quên đi những suy nghĩ và cảm giác ấy. Chàng lẩn vào lớp mây mù, không phải để trốn, mà để không phải nhìn thấy bất cứ hình ảnh nào phía dưới kia. Chàng cần một màu trắng tinh khiết, trắng như màu của mây, để quên đi tảng đá đeo nặng trong lòng chàng mỗi khi chàng về Điểu Kinh.
Mặc dù bay trong mây và sương nhưng Thiên Hoàng chưa bao giờ quên đường về Hoàng Hoa Cung. Đến gần núi Hồ Điệp, chàng hạ cánh xuống, Chàng muốn được tản bộ trên con đường núi với cảnh sắc thoát tục nơi đây. Đi qua lớp sương mù, núi Hồ Điệp hiện ra rợp hoa vàng, men theo vách đá và chạy dài bên bờ suối. Một túp lều nhỏ bằng gỗ được dựng bên bờ suối, bài trí đơn giản, rèm lưa thưa ám hơi nước mờ, chuông gió lách tách thư thái. Đây là nơi chàng dựng lên để gặp gỡ bạn bè. Chàng không muốn cho người ngoài được phép bước vào sâu trong núi. Những tham vọng bẩn thỉu của người đời sẽ làm ô uế nơi đây mất.
Đằng sau thủy đình có một cầu thang cheo leo dẫn lên núi. Cầu thang ấy là giả. Những cái bẫy chết người đã được cài sẵn. Đường lên núi là tự chèo thuyền, ngược dòng suối lên đến thượng nguồn. Nhưng con đường đó là dành cho người ngoài. Người ngoài không thể bay vào Hoàng Hoa cung được, kể cả Điểu vương, mà buộc phải đi thuyền. Một kết giới đã được thiết lập để không ai có thể tự ý ra vào Hoàng Hoa cung. Bất cứ ai muốn bay vào Hoàng Hoa cung, nếu không phải Thiên Hoàng và Thiên Phụng đều sẽ bị hàng vạn con bướm tấn công bằng một sóng âm đặc biệt được tạo ra bởi nhịp đập đồng loạt của cánh bướm.
Tuy vậy, Thiên Hoàng vẫn muốn vượt suối. Cảm giác được cưỡi trên con thuyền gỗ, đi ngược lại dòng chảy của nước luôn khiến chàng mơ hồ mường tượng rằng mình đang vượt qua số mệnh. Chỉ có những kẻ dám vượt qua số mệnh của mình mới xứng đáng đặt chân vào Hoàng Hoa cung. Ẩn ý của lối vào này là thế.
Hoàng Hoa cung nằm ở lưng chừng núi Hồ Điệp. Toàn bộ được xây bằng gỗ, nhìn đơn giản nhưng vẫn thanh nhã và bề thế. Không có những họa tiết phức tạp, không có những vũ khí ngầm, chỉ có những cánh bướm dập dềnh trôi theo gió. Ít ai biết được rằng, chính những cánh bướm tưởng như vô hại ấy lại là thứ vũ khí lợi hại nhất bảo vệ Hoàng Hoa cung.
Thiên Hoàng bỏ giày ở ngoài, dẫm chân trần lên sàn gỗ của Hoàng Hoa cung. Chỉ nơi đây chàng có thể được đi trên đôi chân trần của mình. Chỉ nơi đây đủ thanh sạch để khiến chàng không cảm thấy ghê tởm những thứ bẩn thỉu vô hình bám trên người chàng. Chàng bước thật nhẹ để cảm nhận, và cũng để gây bất ngờ cho Thiên Phụng.
Mỗi năm, chàng được gặp Thiên Phụng đôi ba lần. Lần nào con bé cũng nằm trong suối nước nóng sát vách núi ngủ quên bên quyển sách. Lần này cũng thế. Cô bé Thiên Phụng mới ba tuổi, nhúng nửa người trong nước nóng, nửa người trên khoác tấm lụa vàng dựa vào vách đá. Một tay cô bé buông thõng theo làn nước, một tay gác lên phiến đá bên cạnh vẫn cầm không buông cuốn sách.
Thiên Hoàng mỉm cười đến gần, gõ cuốn sách ra khỏi tay cô bé. Cô bé vẫn ngủ say không biết gì. Thiên Hoàng lắc đầu cười. Chàng nhấc bổng cô bé lên, lấy một tấm lụa khô lau sạch người của cô bé. Lúc này, cô bé mới choàng tỉnh. Cô bé reo lên, ôm chặt lấy cổ Thiên Hoàng:
– Cha…
Thiên Hoàng nói giọng vừa trách mắng vừa dỗ dành:
– Sao lại ngủ quên trong suối nước nóng như thế… Thị nữ đâu cả rồi?
Thiên Phụng phụng phịu:
– Con đuổi hết đám thị nữ đi rồi! Chúng khiến con không vừa mắt! Đến nấu ăn cũng không biết làm con vừa miệng.
Thiên Hoàng ấn vào trán Thiên Phụng khiến cô bé đưa tay xoa xoa trán:
– Thật là đỏng đảnh! Không ăn cơm thì ăn gì?
– Con hút mật hoa là được rồi! Với cả hàng ngày, thế tử đều cho người mang thức ngon đến cho con… Con không lo chết đói!
Thiên Hoàng nhíu mày:
– Thế là nhờ thế tử mang thức ngon đến cho con chứ đâu phải con hút mật hoa qua ngày được. Mà không ăn được thì cũng thôi đi, đằng này ngủ quên trong suối nước nóng, có ngày làm ma sặc nước đó!
Thiên Phụng bĩu môi:
– Cha đi lâu như vậy còn trách con… Con thành ma sặc nước cũng được, thành ma rồi con sẽ đến thành Vũ Cầm ở với cha, như thế sẽ không phải xa cha!
Thiên Hoàng quát:
– Nói bậy! Đi! Thay y phục, cha đưa con ra phố chơi, kiếm một quán ăn ngon, ngắm cảnh đẹp!
Thiên Phụng reo lên sung sướng, nhảy khỏi tay Thiên Hoàng, vứt tấm lụa vàng quấn người xuống đất rồi lon ton không quần không áo chạy đi tìm y phục mới. Thiên Hoàng nhìn hành vi của cô bé, vừa thấy thích thú lại vừa lo sợ. Một sự hoang dại tinh khôi ẩn trong con người của Thiên Phụng. Sự hoang dại ấy hồn nhiên như bông hoa, như cánh bướm, như vầng trăng. Nhưng đời người liệu có chấp nhận được sự hoang dại ấy. Sự hoang dại đó lại không được phép mất đi, bởi sự hoang dại có sứ mệnh riêng của mình.
Hà Thủy Nguyên
Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/