Bão về, Hà Nội mưa dầm dề… Trước đó mấy hôm, đằng sau nhà tôi, cóc nhái lải nhải liên tục. Hà Nội thời buổi này mà được nghe tiếng cóc nhái gọi mưa, thật quá xa xỉ rồi, đáng nhẽ phải bật lên những câu thơ nuối tiếc sự thanh bình hoang dã như Tú Xương thuở trước:
“Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”
Nhưng nghe tiếng cóc nhái, tôi lại nhớ đến bức tranh dân gian Đông Hồ “Thầy đồ cóc”. Bức tranh gây nhiều tranh luận mà mỗi khi đọc lời quan tiếng lại, tôi lại thấy bao điều ấy chẳng liên hệ gì tới bức tranh. Nếu có gì đó tương đồng, thì chỉ là cảm giác những người thốt ra lời đàm luận ấy có lẽ là một phần của bức tranh.
Bức tranh “Thầy đồ cóc” có tên cổ là “Lão Oa giảng độc”. Ông Viên Như đã luận rất dài về những chữ này để tìm ra điều bí ẩn trong đó, cùng với những chữ Nôm chú thích “Ếch”, “Nhái”, “Chàng”… Đâu đó về mặt nghiên cứu văn bản, có lẽ hữu ích, nhưng có lẽ ông đã quên tính chất dân gian của bức tranh. Tranh dân gian, đặc biệt là tranh dân gian Đông Hồ, vốn dĩ không phải là những bức tranh thờ hay những bức tranh biểu đạt tâm cảnh của nghệ sĩ. Tranh dân gian Đông Hồ gồm 2 nhóm chủ đề chính. Nhóm chủ đề phổ biến mang tính chất trang trí với hàm ý chúc tụng như “Lý ngư vọng nguyệt” hay “Đàn lợn âm dương”, “Dạ xướng ngũ canh hòa”… Một chủ đề khác trong tranh Đông Hồ, miêu tả đời sống với những ẩn dụ cho cảnh đời, ví dụ như tranh “Đám cưới chuột” là ẩn dụ cho những người dân thường phải “đút lót” cho quan mèo quyền lực, hay bức “Đánh ghen” thể hiện sắc thái bi hài cảnh chung chạ… Các bức theo chủ đề này thường có tích, có cấu trúc nhân vật đa dạng, có yếu tố kịch tính.
Khi xem xét kỹ bức tranh “Thầy đồ cóc”, ta sẽ thấy bức tranh này có cấu trúc như sau: Trung tâm của bức tranh, lệch về góc trái, là thầy đồ cóc, xung quanh là cảnh sinh hoạt học tập của ếch, nhái, chẫu chàng… Mỗi con một sắc thái, mỗi nhóm là một cảnh ngộ. Thầy đồ cóc ngồi ở ghế giảng bài được trọng vọng. Gần với thầy đồ cóc nhất là hai tiểu đồng cóc đun nước pha trà phục vụ. Dưới chân bàn, cóc con đuổi nhau lộn xộn. Xa hơn, trên cùng bên phải, chẫu chàng đang mua bán bút nghiên với một con cóc khác. Góc dưới bên phải, cóc đáng quát, còn ếch đang đè đầu cưỡi cổ và một con cóc khác đánh đập nhái. Những cảnh tượng hỗn loạn xoay quanh ông đồ cóc đang vênh vang rao giảng. Bức tranh mang sắc thái châm biếm sâu sắc.
Người sáng tạo nên bức tranh này đã mượn biểu tượng cóc để châm biếm tầng tớp nho sĩ lụn bài, chỉ biết nhại theo lời thánh nhân. Trong “Thánh Tông di thảo”, tác giả (không chắc là vua Lê Thánh Tông) đã viết “Bài ký về dòng dõi con thiềm thừ”, mượn hình ảnh cóc để gợi hình ảnh về tầng lớp nho sĩ: “Từ khi xuống trần, cóc vẫn giữ được bản tính trời sinh: mặc áo vải thô, ở nơi kín đáo. Ghét đàn kiến đốt người ta thì lè lưỡi đớp liền, thấy giống giun uống nước mạch thì há miệng nuốt ngay. Khi không làm những việc ấy, cóc ngậm miệng ngồi yên, không thích chi cả. Cóc phun nọc xanh để chống lại lũ gà vịt đến trêu ghẹo. Nọc ấy nhiễm vào chỗ nào thì da chỗ ấy phồng lên, rồi nứt vỡ ra. Vì vậy, các loài vật đều không dám đến gần cóc. Người ta bị mụn nhọt độc, lấy thịt cóc đắp lên thì khỏi, trẻ em mắc chứng ngũ cam gầy yếu, cắt đùi cóc mà ăn sẽ béo tốt. Vì thế không ai nỡ giết cóc. Tính cóc hay quyến luyến chỗ ở, nếu ai lấy vôi bôi vào mình nó rồi đem tống đi xa, thì chỉ vài ba ngày sau, nó lại trở về nơi cũ.” Bài ký này muốn mượn thói sống của cóc để luận về nếp sống của các bậc sĩ thanh liêm. Có lẽ, trong tâm thức dân gian, nho sĩ và cóc đã có mối liên hệ.
Bức tranh “Thầy đồ cóc” biểu đạt một nhận định trái ngược với “Thánh tông di thảo”. Thầy đồ cóc có vẻ thanh sạch ấy lại trơ mắt trước những cảnh trái ngang. Chữ thánh hiền chỉ là cái cớ đề giao dịch, để đè nén. Chữ thánh hiền trở thành uy quyền duy trì thế lực dòng họ nhà cóc, thể thỏa sức làm những việc ngang trái. “Thầy đồ cóc” đích thực là một thứ “Cậu giời”, mượn thế để vơ vét và đàn áp.
Cóc có thể dùng nọc để tấn công những kẻ gây hại cho mình, nhưng cóc bỏ mặc những kẻ yếu thế hơn mình. Cóc vẫn ngồi đó, ung dung thủ cựu. Nó không bao giờ buông bỏ vị thế mà nó đã chiếm được. Cóc tạo nên một định chế lải nhải, những kẻ lải nhải có quyền hơn sẽ áp chế những kẻ lải nhải ít quyền hơn, và thực sự chẳng kẻ nào thực sự “tải đạo”.
Trong mưa ngẫm về bức tranh này, có lẽ bởi trong lòng vẫn còn vướng bận về những “thầy đồ cóc”, những sĩ tử “ếch nhái”… lúc nào cũng ra vẻ trịnh trọng gánh vác trên vai chữ thánh hiền, nhưng rỗng tuếch và tàn độc. Vốn định viết thêm, viết dài nữa, nhưng rồi tự thấy tù túng, tự muốn thoát khỏi bầu không khí tổ cóc oi ả này. Ai thủ cựu cứ thủ cựu, ai muốn bám vào đầm lầy chật hẹp thì cứ bám. Suy cho cùng, vạn vật không nhất thiết phải trở thành cóc, và vạn vật cũng đôi khi cần có cóc (để làm thuốc chứ không phải để gọi trời mưa).
Hà Thủy Nguyên
*Nguồn ảnh: tranhdongho.info