Home Bình Luận “Mưa rào không mây” – Osho bàn về chứng ngộ của phụ nữ

“Mưa rào không mây” – Osho bàn về chứng ngộ của phụ nữ

Nhi nữ đa tình nguyên thị Phật

Anh hùng mạt lộ bán vi Tăng

Thời bé, khi đọc hai câu thơ này, tôi rất tâm đắc, tâm đắc một cách vô thức mà không hiểu vì lẽ gì mình lại thích thú đến thế. Tại sao nữ nhi say đắm vì tình thì đích thị là Phật, còn đấng anh hùng quy ẩn lại chỉ nửa là Tăng, trong khi giáo lý của Đức Phật luôn nhắc nhở các tỳ kheo đừng si mê, đừng bám chấp. Không chỉ tâm đắc với hai câu thơ này, tôi còn hứng thú với những câu chuyện tình giữa nữ nhân và bậc tu hành, mà trong đó vấn đề Tình và Đạo mâu thuẫn đến cực điểm. Trên con đường tu đạo ấy, nữ nhân thường bị coi là vật cản thử thách đường tu, nhưng rồi thì những nữ nhân ấy dường như lại thấu tình đạt lý hơn cả bậc tu hành. Thế nên, trong tình yêu của nữ nhân và bậc tu hành, nữ nhân dường như đã đắc được chính quả thông qua tình yêu, tròn một vòng duyên nghiệp của mình và vượt trên tất cả.

Chỉ đến khi tôi đọc cuốn sách Mưa rào không mây (Showering without clouds) của Osho, tôi mới hiểu tại sao mình lại tâm đắc với những người phụ nữ yêu say đắm một bậc tu hành đến vậy. Vâng, Osho nhắc đến một lý lẽ đơn giản nhưng không hề dễ hiểu, đàn ông đạt chứng ngộ qua Thiền còn phụ nữ đạt chứng ngộ qua Yêu. Và trong nhiều thế hệ, các bậc tu hành chỉ đề cập đến các nguyên lý tu của nam giới mà không đề cập đến nữ giới.

Video ghi lại màn hình buổi chia sẻ về cuốn sách “Mưa rào không mây” (Osho) trong series Reading with me: Reading with me #17: Mưa rào không mây – Osho bàn về cách người phụ nữ chứng ngộ – YouTube

Sự khác biệt của đàn ông và phụ nữ

Đây là chủ đề muôn thuở của các triết gia, nghệ sĩ, nhà khoa học, các bậc tu hành… bởi vì dường như họ dễ dàng hiểu được mọi thứ trên đời, nhưng họ không hiểu được phụ nữ, bởi họ là đàn ông. Họ có thể lao vào bao cuộc chinh phục vũ trụ, chiến thắng nhiều cuộc chiến, đạt tới mọi thành công… nhưng họ không hiểu được phụ nữ. Phụ nữ dường như chỉ hứng thú với những điều gần gũi, chỉ quan tâm đến ngôi nhà, đến người tình, đến đứa con nhỏ… Và trong khi họ nỗ lực liên tục trên con đường buông bỏ của mình, thì phụ nữ dường như rất dễ dàng để buông bỏ. Đàn ông có thể cai quản cả một đội quân nhưng không thể trông nom được một đứa trẻ, bởi trông trẻ cần rất nhiều kiên nhẫn – thứ mà đàn ông không có. Kiên nhẫn lại rất dễ dàng với phụ nữ.

Osho nói:

Trông trẻ chán làm sao! Đàn ông không có nhiều kiên nhẫn. Nuôi nấng một đứa trẻ là rất khó; phải mất hai mươi, hai mươi lăm năm đứa trẻ mới đứng được trên đôi chân của mình. Kiên nhẫn là dễ dàng với đàn bà; nó là kỉ luật đối với đàn ông. Đó là lí do tại sao Farid nói thực hành kiên nhẫn. Nhưng tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Có gì mà phải thực hành?”

Tôi sẽ làm sáng tỏ khác biệt này cho bạn. Tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Sao thực hành kiên nhẫn? Chúng ta đã kiên nhẫn rồi!” Farid nói thực hành nhu mì. Đàn bà cảm thấy rằng nếu không có nhu mì trong mình thế thì tất cả đều bị mất. Nhu mì là bản tính của đàn bà. Nếu đàn bà định thực hành điều gì đó, cô ấy sẽ phải thực hành trơ tráo. Nhu mì tự nhiên tới với cô ấy. Nhu mì thuộc về đàn bà như lá thuộc về cây vậy.

Thật khó để mà tìm ra một đàn ông nhu mì. Cũng khó để mà tìm ra một đàn bà trơ tráo. Và nếu như đàn bà làm mất đi cái nhu mì của mình thì họ  làm mất nó qua ảnh hưởng của đàn ông. Nếu đàn ông trở thành nhu mì thì điều đó xảy ra qua ảnh hưởng của đàn bà. Điều mà đàn ông đạt được qua khắc khổ thì đàn bà đã có sẵn từ khi sinh. Cũng có những phẩm chất mà  đàn ông có từ khi sinh mà đàn bà thì lại không có.

Nếu đàn bà muốn trở thành người lính, cô ấy phải trải qua huấn luyện gian khổ, nhưng để trở thành ni cô thì cô ấy chẳng cần nỗ lực gì. Nếu đàn bà  phải tham gia chiến tranh thế thì cô ấy phải chuẩn bị rất nhiều cho điều đó, cô ấy phải trải qua nhiều huấn luyện lắm, nhưng nếu cô ấy vào đền cầu nguyện, tôn thờ, cúng dường, cô ấy chẳng cần học từ ai khác. Đưa một bé gái vào đền và bạn sẽ thấy: cứ dường như là cô ấy biết ngay từ khi sinh cách cúi lạy. Nhưng nếu bạn đưa một cậu bé vào bạn sẽ thấy rằng nó không biết cúi lạy cho dù bạn bắt buộc nó. Cúi lạy không hấp dẫn nó. Nó thích làm cho người khác cúi lạy nó nhưng nó không muốn cúi lạy bất kì ai.

Với đàn ông, vật lộn là tự nhiên, tranh đấu là tự nhiên. Đàn ông chỉ biết mỗi một cách chiến thắng: qua tranh đấu. Đàn bà biết cách khác để thắng: qua buông xuôi. Đàn ông có thể bị bại ngay cả khi anh ta thắng, đàn bà thắng ngay cả qua thất bại của cô ta. Đấy là khác biệt giữa họ – và đó là cái đẹp. Họ đi vào các chiều hướng đối lập, vậy mà vẫn có  hài hoà lớn giữa cả hai. Bởi vì đàn ông thua bởi thắng và đàn bà thắng bởi thua, nên điều nàytạo ra hài hoà giữa cả hai. Các mặt đối lập gặp nhau, chúng khớp với nhau.

Và người phụ nữ đã bước vào con đường tu tập thông qua cầu nguyện, gắn bó và chăm sóc cho tôn giáo mà họ đeo đuổi, kính yêu người thầy chỉ dẫn họ, nguyện cầu trong xúc cảm sâu xa với đấng thiêng liêng… Tất cả những điều này đều rất tự nhiên, không cần phải cố gắng. Bởi vậy, các hệ thống tôn giáo đều thu hút phụ nữ hơn đàn ông, và trong đời sống tôn giáo của các phụ nữ có gì đó nhuốm màu mê tín.

Đàn ông không như vậy, họ không để tình yêu chen lẫn con đường tu luyện, họ đi tìm kiếm và thấy Thượng Đế là hư vô. Họ buông bỏ tất cả và rèn luyện ẩn nhẫn nại trong một tinh thần kỷ luật cao độ. Trong khi đàn bà muốn sống quần tụ vui vẻ thì đàn ông thích đơn độc:

Đàn ông có thể sống đơn độc. Trong thực tế, đàn ông muốn sống đơn độc. Bản ngã không muốn có quan hệ bởi vì trong quan hệ bạn phải uốn mình đi một chút, bạn phải bỏ cái ương ngạnh của mình đi một chút. Bạn phải tới bình diện của người kia. Đây là ý nghĩa của tình bằng hữu – rằng chúng ta coi người kia là bình đẳng với mình.

Nhưng ý nghĩa của yêu là ở chỗ chúng ta coi người kia là cao hơn bản thân mình. Cho nên tâm trí tranh đấu của đàn ông không sẵn sàng với tình bằng hữu. Với anh ta, yêu là rất khó – và lời cầu nguyện là không thể được. Lời cầu nguyện có nghĩa là bạn đặt đầu mình dưới chân người khác. Cho dù người đàn ông có cúi đầu xuống, anh ta không làm điều đó một cách toàn tâm, anh ta cúi xuống dưới ép buộc. Anh ta cúi xuống khi không còn cách nào khác, anh ta cúi xuống khi anh ta trở nên bất lực. Anh ta không  cúi đầu vì đang mạnh, anh ta cúi đầu vì yếu. Anh ta không cúi đầu khi anh ta thắng lợi mà chỉ cúi khi anh ta thất bại. Anh ta không cảm thấy ân huệ gì từ việc cúi đầu của mình; thay vì thế anh ta cảm thấy rất không thoải mái.

Và đơn độc không phải con đường phù hợp với phụ nữ. Còn con đường tu tập của phụ nữ là yêu giống như cơn mưa rào không gợn chút vướng bận tới thế gian. Và đó ý là ý nghĩa cái tên của cuốn sách “Mưa rào không mây”.

… Trong phúc lạc của thức tỉnh, người ta uống nước quả của tự tính riêng của người ta. Và rất dễ uống, rất dễ chìm ngập trong bầu không khí này, rất dễ nhấn chìm bản thân bạn vào trong nước này. Điều đó là tự nhiên, không phải làm gì cả. Trời mưa rào không có nguyên nhân nào, mưa rào không mây. Ngay cả mây không có đó, cho nên những cơn mưa rào này từ đâu tới? Trời trong vắt, không mây và trời đổ mưa – mưa rào không mây. Không cái gì phải được làm bên trong bạn, không nguyên nhân nào phải được tìm kiếm. Sahaj có  nghĩa là không nguyên nhân nào.

‘Sahaj’ là một từ có giá trị. Nó nghĩa là cái xảy ra mà không có việc làm nào. Chỉ đi vào trong… mưa rào không mây. Không có nguyên nhân chút nào: bạn đạt tới bên trong và cơn khát của bạn được dịu đi. Nước cam lồ bắt đầu chảy vào họng bạn… người ta uống nước quả của tự tính riêng của người ta.

>> Đọc thêm: Online Review #62: OSHO – Bậc thầy tình dục của thế kỷ 21 – YouTube

Bài thơ của người phụ nữ chứng ngộ

Toàn bộ cuốn sách “Mưa rào không mây” ghi lại bài thuyết giảng và trò chuyện của Osho luận bàn về bài thơ chứng ngộ của nữ tu Sahajo. Sahajo Bai (1725-1805) sinh ra trong một gia đình Hindu tại Delhi. Sau khi người chồng qua đời, bà đã đi tu và trở thành đệ tử của Thánh Charandas và dành trọn đời để phụng sự Đấng Krishna, từ bỏ mọi sự trên đời.

Osho đã ngâm ngợi bài thơ và luận giải điều sâu sắc bên trong bài thơ của Sahajo:

Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi.

Thượng đế không bằng thầy tôi.

Thượng đế đã cho tôi sinh thành vào thế giới này.

Thầy đã giải phóng tôi khỏi vòng sinh tử.

Thượng đế trao cho tôi năm tên trộm.

Thầy giải phóng tôi khỏi chúng khi tôi bất lực.

Thượng đế ném tôi vào lưới gia đình.

Thầy chặt đứt dây xích gắn bó.

Thượng đế bẫy tôi trong ham muốn và bệnh tật.

Thầy đã giải phóng tôi khỏi tất cả điều này qua khai tâm tôi.

Thượng đế làm tôi vẩn vơ trong ảo tưởng về làm.

Thầy chỉ cho tôi bản thể tôi.

Thượng đế ẩn trong tôi.

Thầy trao cho tôi ngọn đèn để chiếu sáng ngài.

Trên hết, Thượng đế tạo ra nhị nguyên này của tù túng và tự do.

Thầy phá huỷ tất cả những ảo tưởng này.

Tôi cúng dường bản thân tôi, thân thể, tâm trí và linh hồn

Dưới chân thầy, Charandas.

Tôi có thể bỏ Thượng đế nhưng tôi không bao giờ bỏ thầy tôi.

Toàn bộ bài thơ này đi ngược lại những gì chúng ta biết về tu tập, về sự phá chấp. Chúng ta được biết rằng người tu tập phải tách biệt khỏi người thầy của mình để hướng tới điều cao cả hơn: Thượng Đế. Nhưng với Sahajo, một người phụ nữ chứng ngộ, bà lại nói rằng bà có thể quên Thượng Đế, nhưng không thể quên thầy mình, tại sao?

Bởi vì, người thầy điều thiêng gần gũi nhất với Sahajo, điều thiêng liêng mà bà dành tình yêu một cách tự nhiên không khiên cưỡng. Tôi vẫn nói đùa với những người bạn tu tập của mình rằng rất dễ để yêu nhân loại nhưng không dễ để yêu những người bên cạnh mình, những điều nhỏ bé bên cạnh mình. Bởi vì yêu người bên cạnh mình mà không sở hữu, không phán xét, không bực bội… là vô cùng khó. Đàn ông có thể tu tập để đạt tới hòa nhập với toàn thể (hoặc họ tưởng là vậy), nhưng liệu họ có thể đồng điệu được với những điều giản dị nhỏ bé cạnh mình? Đó là vấn đề. Nên Mưa rào không mây không chỉ là bài giảng về chứng ngộ cho phụ nữ mà còn là bài giảng đánh thức đàn ông khỏi ngã mạn của bản thân.

Con đường của Yêu

Osho đã giảng rất nhiều về Thiền cùng với các pháp tu khác để đạt tới chứng ngộ, nhưng ông còn giảng về Yêu nhiều hơn. Lý giải về Thiền, Osho giải thích:

Thiền là trạng thái của con người khi bản tính bên trong và cuộc sống bên ngoài của bạn đạt tới hài hoà đến mức bên ngoài không là bên ngoài và bên trong dường như không là bên trong nữa – khi bên ngoài đã trở thành bên trong và bên trong đã trở thành bên ngoài. Khi có hài hoà đến mức bạn khó lòng vạch ra được đường biên đâu là bên trong và đâu là bên ngoài, ngay khoảnh khắc đó, ngay chính khoảnh khắc của hợp nhất đó, của giao cảm đó, hài hoà thiêng liêng sẽ giáng xuống bạn. Càng căng thẳng có đó, càng khó cho điều thiêng liêng giáng xuống. Hài hoà càng có đó, khả năng các cánh cửa mở ra càng nhiều hơn.

Nhưng Yêu dường như không thể định nghĩa. Yêu dễ dàng bị nhầm lẫn với ham muốn, với chiếm hữu, với gắn bó, với đam mê thể xác. Yêu đi qua tất cả các điều đó (chứ không loại bỏ chúng), và vượt trên chúng, để đi vào bản thể của cá nhân. Và trong Yêu, tham vọng không thể tồn tại cũng như nơi tham vọng tồn tại, Yêu không thể nảy mầm và nở hoa. Bởi tham vọng luôn thúc đẩy tại sao lại làm điều này, làm vì động cơ gì, đạt được điều gì. Thế thì không còn sự chân thực ở đó, bởi vì Yêu không đi cùng với những câu hỏi ấy, Yêu không bàn đến lý do, Yêu chỉ tuôn chảy như mưa rào không cần nguyên cớ. Và cũng như mưa rào, tình yêu đích thực không để lại vết tích mà mang đến sự tinh khiết của chứng ngộ.

Thế gian đầy rẫy những tình yêu giả dối, tình yêu che đậy cho tham vọng, cho những hận thù, cho tổn thương… Tình yêu ấy là thứ độc hại, mà theo Osho, nó đã hủy hoại thế giới. Yêu không đòi hỏi bất cứ điều gì từ bên ngoài, mà ngay trong nội tại của trạng thái yêu, họ đã nhận đủ rồi. Đây  là lời của Osho:

Nếu bạn yêu, thế thì bạn sẽ lập tức nhận; bạn nhận trong bản thân việc yêu rồi. Việc nhận là không phụ thuộc vào người kia, nó là tiếng vọng của tình yêu của bạn. Nó là sự ngân vang của tình yêu của bạn. Cùng điều đó bạn cho đi sẽ trở với bạn.

Và ông hướng tới dạng thức cao hơn của Yêu – Từ Bi:

Nó là chiều cao tối thượng của yêu mà trong đó bạn cho đi mọi thứ và không đòi hỏi điều gì cả. Thế thì bạn làm cho người kia thành mục đích và bản thân bạn trở thành phương tiện. Bạn nói, “Tôi may mắn là tôi có thể buông xuôi. Dù tôi sống vì bạn hay chết vì bạn, tôi cũng vẫn may mắn. Tôi sẽ hạnh phúc trong mọi tình huống, không trông đợi gì. Tôi sẽ biết ơn là bạn đã chấp nhận buông xuôi của tôi. Tôi đã cho và bạn không bác bỏ nó, thế là đủ cho lòng biết ơn rồi.

Và đây là một điều thú vị: trong dục bạn đòi hỏi và bạn  không nhận, trong từ bi bạn không đòi hỏi vậy mà bạn nhận. Đây là bí ẩn của cuộc sống. Đây là nghịch lí của cuộc sống. Một người hay mong đợi, chết đi không được thoả mãn còn một người từ bi, bao giờ cũng bằng lòng, trong từng thời điểm đều hài lòng. Bởi vì cuộc sống vọng lại – bạn thu được bất kì cái gì bạn cho đi. Trong thế giới này cái bạn nhận được không phụ thuộc vào người nào khác cả, bạn chỉ nhận được cái bạn đã cho đi.”

Đó là con đường của Yêu, con đường đi từ Dục – Đam mê đến Từ Bi, một con đường đòi hỏi rất nhiều dũng cảm, nhiều dũng cảm hơn cả từ bỏ. Trong mỗi quân trong bộ bài Tarot, tôi rất thích quân The Fool – Gã Khờ. Gã Khờ đi vào cuộc sống, bên cạnh là miệng vực, nhưng vẫn cứ thế đi, không vướng bận. Gã Khờ mới thực sự là Yêu, không phải “The Lovers”, gã yêu cuộc sống và sẵn sàng trải qua, để đi tiếp, để đạt tới “The World” – Toàn thể. Và Yêu chính là con đường đạt tới chứng ngộ ngay tại nơi cuộc sống diễn ra.

Hà Thủy Nguyên

Bài đăng trên web Bookhunterclub.com

Đọc thêm:

“ Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunterclub.com)

Để trở thành người phụ nữ đích thực – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunterclub.com)

Trói buộc trong tính nữ – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunterclub.com)

Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ & Trung Quốc

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa, Lòng nào là chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. Trong trường dạ tối tăm trời đất, Có khôn thiêng phảng phất u minh, Thương thay thập loại chúng sinh, Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. …

Sao Hỏa – Ẩn ức – Hành động

Những kẻ tà ma luôn tìm cách tận dụng sao Hỏa để kích thích ác tính trong con người. Mỗi khi chúng chiếm sao Hỏa, kéo theo đó là những cuộc khủng bố, những vụ giết người hàng loạt, những hành động biến thái, đám đông tàn độc muốn chôn sống mọi cá nhân dám dũng cảm tách mình để vươn lên. Sao Hỏa ẩn chứa trong nó một xung lực có thể kích động mọi sức mạnh tiềm tàng bên trong con người. Trong

“ Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới

“Zorba Phật” là khái niệm được Osho đưa ra trong các bài thuyết giảng của mình vào năm 1978. Năm 1979, tại thính đường Trang Tử, ông đã luận giải về khái niệm này.  Trong số các tác phẩm văn chương, Osho đặc biệt hứng thú với “Zorba – Tay chơi Hy Lạp” của Nikos Kazantzakis. Cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn sâu sắc giữa Zorba – đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc Dionysus và nhân vật “tôi” – đại diện cho chủ

“Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của Con Người cá nhân

Hamvas Béla (1897-1968) là nhà văn, nhà triết học tâm linh lớn nhất của Hungary thế kỷ 20. Hamvas Béla cùng Kerény Káoroly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần tiếp nối truyền thống Hy Lạp cổ và thu hút được nhiều tên tuổi lớn của Hungary lúc bấy giờ. Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936), nhóm Đảo tan rã. Trong thế chiến thứ II, ông hoàn thành tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình” (1943) khi còn đang ở ngoài

Xem “Arrival”, nghĩ vài điều về thời gian và ngôn ngữ

Mới đầu năm 2017, các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời hai bộ phim “siêu ảo” về dòng thời gian và những thông tin lưu chuyển tương ứng, đó là “Assassin’s creed” và “Arrival”. Tôi thích thú với “Assassin’s creed” hơn nhưng tôi sẽ không viết về nó bởi nó dường như vẫn đang dang dở. Tôi sẽ viết về “Arrival” không phải vì tôi thích nó mà vì những gì tôi thấy nực cười ở bộ phim này, và những lý giải