Bản tính hay cá tính của một người là một cái gì đó rất mơ hồ trong định nghĩa. Tất cả loài người đều khó có thể nhận diện được đúng bản thể của mình, kể cả họ có là những nhà hiền triết hay các bậc chứng ngộ. Bản thân mình là ai? Điều gì đã định hình nên tâm trí của chúng ta? Cách chúng ta nghĩ về mình có thực sự trung thực hay đã bị tô vẽ theo một cơ chế nhận thức nào đó?… Những câu hỏi như vậy sẽ luôn khiến chúng ta cảm thấy bối rối về tính cá nhân của mình? Đã cả ngàn lần, tôi luôn băn khoăn về mình có đang thực sự sống cuộc đời của mình hay không, hay đang sống cuộc đời của kẻ khác áp đặt lên mình – cái thứ mà chúng ta vẫn gọi là định mệnh. Nhưng thôi, bàn về số mệnh thì chúng ta sẽ đi vào một ngõ cụt khác. Bây giờ, tôi sẽ chỉ viết về vấn đề nhận thức bản thân.
Bởi vì “bản thân” là một thứ mơ hồ, nên “nhận thức bản thân” cũng là một hành trình đi tìm kho báu ở một vùng đất xa xôi nhưng không ai biết kho báu ấy thực sự là cái gì. Các trường phái tôn giáo tâm linh chân chính đều đưa ra rất nhiều những chỉ dẫn để hướng dẫn con người đi tìm bản thể hay bản tính của mình. Nếu có thể vượt qua khỏi các ảo giác về bản thân mình, càng đi, ta sẽ càng thấy hư vô. Và một cách kỳ diệu, các bậc chứng ngộ nhận thấy rằng con đường vào hư vô ấy lại là con đường đúng đắn. Họ đã thấy kho báu, nhưng họ không thể nói cho chúng ta biết kho báu ấy là gì, lại không thể cầm tay dắt chúng ta đi tới kho báu. Họ chỉ để lại bí quyết duy nhất của những nhà phiêu lưu chuyên nghiệp: Vứt dần những gì không cần thiết.
Vậy đấy, để bước trên con đường nhận thức bản thân, bạn phải vứt bỏ những cái tôi giả dối mà cộng đồng và chính chúng ta đã tạo nên. Hết lần này đến lần khác như thế, bạn thấy một phần của con người mình chết đi. Đó là những cá tính không còn cần thiết cho cuộc hành trình. Nhưng vứt bỏ cái tôi nào đó không cần thiết nữa không đồng nghĩa với phủ nhận quá khứ đã trải qua của bạn. Qúa khứ đã qua, dù tồi tệ hay hạnh phúc, chúng đều là những dữ liệu cho bản đồ dẫn đến kho báu của bạn. Một sai lầm lớn của những người bước trên con đường tâm linh đó là phủ nhận quá khứ của mình, coi quá khứ ấy là một thời mông muội, vô minh. Nhưng chúng ta xuống thế giới này không phải để thức tỉnh. Chúng ta xuống đây trong sự thiếu nhận thức để tận hưởng và dấn thân, nhưng rồi sẽ đến lúc, chúng ta học cách quay trở lại trạng thái sáng suốt để đánh giá, để ghi nhớ, và để chuẩn bị cho những cuộc dấn thân lớn hơn, những tận hưởng lớn hơn. Một người không nhớ quá khứ thì không thể nhận thức được bản thân mình, họ chỉ sống như con rối được giật dây bởi ai đó vô hình. Họ đã bị “tẩy não”, và được nhồi sọ về một con người mới – con người mà kẻ khác cố thuyết phục họ rằng đó mới là con người thật.
Tôi đã gặp nhiều người tu tập tâm linh lâu năm. Qúa khứ của họ là một chuỗi mờ ảo. Hoặc họ lẫn lộn về ký ức của mình, hoặc họ kể đi kể lại một câu chuyện đầy kịch tính đến nằm lòng với một giọng vô cảm. Những người ấy đã bị tẩy não. Họ không còn thật sự nhận thức được bản thân mình. Họ đang diễn vai là một người thức tỉnh và họ tin rằng họ thức tỉnh. Thế là, bất cứ chi tiết quá khứ nào chứng minh rằng họ cũng bình thường như những con người khác, hoặc tệ hơn thế, tầm thường đến mức khốn nạn, họ liền bỏ qua chúng hoặc cố tình phóng đại.
Tôi có quen một người Pháp tu tập tâm linh 20 năm và nổi tiếng ở Việt Nam với một khóa học về Lãnh đạo bản thân. Khóa học này là nguồn thu nhập chính của anh ta đồng thời cũng là cách anh ta tuyên truyền về các lý thuyết tâm linh của mình. Một phần rất quan trọng của khóa học đó là bài học về nhận thức bản thân. Sau khi làm một loạt trắc nghiệm để phân tích các thói quen và định kiến cá nhân, bạn sẽ được dẫn dắt rằng bạn là một người rất tốt đẹp, bạn là các giá trị hoàn hảo như yêu thương, dũng cảm, bình an…v…v… Đây là cách mà giáo phái Brahma Kumaris dạy đệ tử của họ và khóa học này được những người đệ tử xuất sắc nhất của giáo phái phát triển. Cách đi này của họ đã truyền cảm hứng cho không ít các khóa học kỹ năng sống mà các doanh nghiệp tổ chức, dù rằng không bài bản bằng. (Đọc thêm về Brahma Kumaris tại đây: https://nghiencuutongiao.info/2017/05/31/brahma-kumaris-tu-con-duong-tam-linh-den-day-ky-nang-song/ ) Phải thừa nhận, cách nhận thức bản thân kiểu này rất thuyết phục. Nó thuyết phục bởi vì sau khi con người phải đối mặt với sự hư vô, với quá khứ bẩn thỉu của mình, họ cần một cái mặt nạ mới, một cái tôi mới được mạ vàng. Sự bẩn thỉu trong họ không mất đi mà được tô son điểm phấn bằng các đức hạnh thần thánh. Sự sợ hãi với hư vô đã đẩy họ trở thành những nô lệ vô nhân tính của mớ giáo lý sai lầm. Đây là sai lầm mà nhiều lớp dậy Thiền, nhiều giáo phái mới, hay thậm chí những tôn giáo lớn cổ xưa như Kito giáo, Tịnh độ tông… mắc phải. Đương nhiên, có thể đây chưa chắc đã sai lầm, mà có thể tôi đã sai lầm. Bởi vì, có khả năng lớn rằng họ những giáo phái ấy không muốn con người thức tỉnh, không muốn con người tự do mà có một động cơ khác mang tính chính trị hoặc doanh thu hơn. Nhưng thôi, đó là việc của họ.
Khi đối mặt với hư vô, ta không còn biết chắc chắn rằng đâu là con người thật của ta nữa. Lúc này, ta sẽ đứng giữa hai lựa chọn: Hoặc tiếp tục đi vào hư vô ấy. Hoặc vẽ ra một con người tốt đẹp giả dối rồi đồng nhất con người ấy với bản thân. Đa số chọn ở lại với sự giả dối. Đi vào hư vô đòi hỏi nhiều dũng khí hơn bất cứ sự mạo hiểm nào. Bởi vì lúc ấy, ta tự trở nên xa lạ không phải chỉ với cộng đồng mà còn với cả chính mình. Nhưng đó là con đường đúng đắn của nhận thức bản thân.
Ừm… còn một vấn đề nữa rất trừu tượng mà những người rất thông minh thường mắc phải. Họ nhận thức được rằng không nên vẽ ra những cái tôi đức hạnh để nuôi dưỡng vị thế của mình trong cộng đồng. Họ nuôi một cái tôi khác tinh vi hơn. Cái tôi này khoác vỏ “Hư vô”. Họ coi họ là “Hư vô”, họ chọn cho mình lối sống vô vi, bất chấp tất cả. Họ thường đóng vai tiêu dao hoặc vai “trí tuệ điên”, như thể họ đã vượt xa khỏi thế giới tầm thường này. Đó cũng chỉ là một cái mặt nạ khác. Sai lầm của họ ở đâu? Đó là họ đã tự định nghĩa mình bằng chữ “Vô”. Chính điều ấy giới hạn hành động của họ trong những chuỗi phá chấp. Chấp vào phá chấp thì vẫn là chấp mà thôi. Ở đây, họ cũng đã hèn nhát bỏ hành trình đối mặt với hư vô mà tạo ra một thứ hư vô giả để vờ rằng mình đã đến đích, đã hoàn thành cuộc hành trình.
Nhận thức bản thân mình không biến chúng ta trở nên quyền năng hơn hay vĩ đại hơn. Nhận thức bản thân chỉ khiến bạn nhận ra những cái xích đang trói buộc bạn, những mặt nạ cuộc đời mà bạn tự đồng nhất. Vậy nên, nếu thấy chưa đủ dũng khí để đối mặt với hư vô, tốt nhất bạn cứ dấn thân và tận hưởng, thay vì mê muội chạy theo các ảo tưởng vĩ đại xa vời.
Hà Thủy Nguyên