Bạn là những gì bạn ăn, cũng như bộ quần áo nói lên con người bạn. Bạn cũng là những gì bạn tạo tác.
Đối với ni sư Jeoung Kwang, người được New York Times vinh danh là “đầu bếp triết gia”, sáng tạo các món ăn thể hiện “cấp độ thiền định”. Và với thiền định, bà không tĩnh tọa hay chiêm nghiệm, mà là khám phá: khám phá con người và vạn vật xung quanh.
“Tôi không phải đầu bếp”, Jeong Kwan cho biết trong cuộc phỏng vấn của Thời báo Hàn Quốc tại am của bà ở Chùa Baekyangsa phía nam tỉnh Jeolla ngày 29 tháng 5 năm 2017, khi được hỏi về biệt danh mà những người nước ngoài đặt cho bà. “Tôi là một người tu hành. Tôi bất biến. Đây là nơi tôi thuộc về”
Bà cũng phủ nhận những tin đồn rằng bà mở nhà hàng ở nước ngoài.
“Tôi không có năng lực và cũng chẳng quan tâm đến làm kinh tế. Nơi chốn của tôi là tại đây,” bà nói một cách cương quyết.
Jeong Kwan nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước như một đạo sư về ẩm thực. Bạn đạt được sự công nhận của quốc tế sau khi được mời tới New York để nấu ăn cho một nhóm nhà báo tại nhà hàng Le Bernardin của đầu bếp ba sao Michelin, Eric Ripert. Sau khi các nhà phê bình ẩm thực tán dương những món của bà, tên bà đã được lan truyền. Vào tháng Hai năm nay (tức năm 2017), bà lần đầu được mời với tư cách là một ni sư tới Liên hoan phim quốc tế Berlin, nơi tập phim về bà trong TV series “Chef’s Table” được trình chiếu.
“Nếu đầu bếp nấu ăn cho cơ thể, tôi nấu ăn cho tâm trí”, Jeong Kwan nói.
“Thức ăn nhà chùa kết nối cơ thể và tâm trí, năng lượng vật lý và năng lượng tinh thần. Bởi vì điều này rất quan trọng trong thiền định, nó không nên trở thành cản trở. Ăn đồ ăn tốt rất quan trọng. Nó cần được nấu từ nguyên liệu đúng mùa, với sự giản đơn, và giảm thiểu tối đa gia vị”
Theo Jeong Kwan, thiền định bao gồm toàn bộ hành trình từ thu hoạch, nấu nướng và thưởng thức chúng.
“Con người tạo ra hương vị. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần biết phẩm tính của các nguyên liệu. Chúng ta cần biết khi nào một quả dưa chuột hay một quả cà tím vào độ ngon nhất. Chúng ta cần biết khi nào thu hoạch, làm sao để bảo quản, thái nó ra như thế nào, cho bao nhiêu muối thì đủ. Hương vị khác nhau ra sao khi ta cắt chúng với các kích cỡ khác nhau? Chúng ta cần liên tục quan sát cây cối và khám phá đặc tính tự nhiên của chúng”, Jeong Kwan giảng giải.
“Dưa chuột xuất xứ từ đâu, nó lớn lên như thế nào, nó đã qua miệng ta thế nào? Khi nó bị tiêu đi trong dạ dày của ta, chúng ta cần trồng lại những lô dưa chuột mới. Chúng ta sẽ làm thế bằng cách nào? Chúng ta sẽ ăn, tiêu hóa và tái tạo ra sao? Sự quan sát những nguyên liệu và trạng thái thiền định luôn song hành. Bạn càng thiền định nhiều, bạn càng khám phá nhiều.”
Cấp độ khám phá phụ thuộc vào độ sâu của thiền định.
“Giống như các đầu bếp tạo ra những vũ trụ trên đĩa của mình, sự thay đổi trong thức ăn chúng ta nấu phụ thuộc vào cấp độ thiền định”. Bà nói.
“Nếu một đầu bếp nấu nướng để kiếm sống, thật khó để sáng tạo. Nhưng khi chúng ta nấu nướng để thiền định, sự sáng tạo là vô hạn. Năng lượng hôm nay và năng lượng ngày mai khác nhau. Tri giác về thức ăn và nguyên liệu phụ thuộc vào sự trong sạch trong trái tim và tâm trí bạn.”
Thức ăn nhà chùa có thể mang đặc trưng cơ bản thuần chay, nhìn từ bên ngoài. Các thầy tu Phật giáo không ăn thịt hay sản phẩm bơ sữa. Họ hiếm khi ăn trứng, nhưng đó dường như là tất cả những gì có trong ẩm thực chay. Và như nhiều người đã biết, họ không ăn tỏi hay các loại gia vị bởi vì chúng mang đến năng lượng dư thừa gây kích thích cơ thể.
“Chúng tôi không ăn thịt bởi vì đức tin về tái sinh. Bò, lợn hay gà mà chúng ta giết có thể là bố mẹ, con cái hay bạn bè của ta. Cũng có thể là chúng ta khi chúng ta chết đi. Chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào vì những hậu quả từ việc giết hại chúng? Chúng ta sẽ làm gì với năng lượng tiêu cực được tạo ra trong quá trình đó?”
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thịt bị cấm hoàn toàn đối với những người theo đạo Phật.
“Có ba nguyên tắc cần tuân thủ khi tiêu thụ thịt: 1/ Bạn không tự giết thịt; 2/ Bạn không chọn từ khu chăn nuôi; 3/ Bạn không yêu cầu người khác giết động vật được nuôi cho bạn. Điều này có nghĩa là bạn có thể ăn thịt động vật đã bị giết và bán ở chợ.” Jeong Kwan nhắc nhở.
“Dù vậy, có nhiều cách để nạp protein và chất béo mà không cần ăn thịt. Nó có nguồn gốc thực vật, như đậu, dầu được chiết xuất từ cây cối hoặc rau lên men. Khi rau tiếp xúc với nhiệt và không khí, chúng được chuyển hóa hoàn toàn về tính chất.”
Trở thành một người ăn chay, dù sao đi nữa, không nên là một xu hướng hay một nguyên tắc, mà phải là một thứ gì đó thật tự nhiên để nó thành một phần trong bạn.
“Chế độ chay giúp một người quay lại với tự nhiên. Nó giúp con người tìm thấy tự tính của mình mà không hề bị biến dạng. Những người ăn chay thường có tính cách ôn hòa hơn”, bà cho hay.
“Đó là một chế độ ăn được khuyến khích nhưng mọi người nên quên đi thực tế rằng mình là người ăn chay. Họ không nên bị ám ảnh với các nguyên tắc. Nó phải đến một cách tự nhiên, và họ sẽ thích ứng với tự nhiên.”
Bà than thở rằng con người hiện đại đang đi ngược lại tự nhiên.
“Con người bị bệnh bởi vì Trái Đất đang bệnh. Họ cần tìm cách cứu Trái Đất và tự cứu chính mình. Họ cần khám phá logic của tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên, đó là khỏe mạnh và hạnh phúc,” vị ni sư nói.
Bà khuyên thị dân hãy ra ngoài với tự nhiên để khám phá trật tự của nó.
“Họ cần phải ra ngoài dù chỉ một lần trong tuần hoặc tháng để trải nghiệm. Họ cần biết họ đang ăn gì. Thực phẩm chính là thuốc. Nếu bạn ăn đồ ăn đóng gói, nó không có tính năng chữa lành. Trước khi ai đó chọn lựa liệu rằng mình có nên ăn chay hay không, họ cần nhận thức rằng tại sao điều đó lại cần thiết.”
Hà Thủy Nguyên dịch