Thế giới trong nhiều thế kỷ luôn bị phân cực, hoặc Thiện hoặc Ác, hoặc cực Tả hoặc cực Hữu, hoặc Độc tài hoặc Dân chủ… Sự phân cực này tạo ra những trạng thái tâm lý phân cực, hoặc rất cuồng tín hoặc rất bài trừ, và thường tạo ra một vòng lặp trong hành vi: Vì rất cuồng tín nên bài trừ những gì khác biệt với niềm tin của mình. Hiện trạng này xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới và trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là chính trị và tôn giáo. Những người nằm ở giữa 2 phân cực này được mô tả bằng một trạng thái vô cùng khó khăn: “Đi thăng bằng trên dây”. Trước đây, những diễn viên xiếc “đu dây” này luôn chịu sự chèn ép của 2 cực, nhưng đến nay, khi thông tin trở nên đa chiều hơn, trật tự này đã dần thay đổi.
Một thế giới đa chiều đang hình thành
Ở những thời đại trước, việc luân chuyển thông tin rất khó khăn, con người hoàn toàn phụ thuộc vào cộng đồng mà họ gắn bó như quốc gia, tôn giáo, Đảng phái… Bởi thế, việc cá nhân gắn kết với một cực nào đó trong xã hội không chỉ tạo cho con người sự ổn định về tâm lý mà còn cho họ sự an toàn trong việc sinh tồn. Con người luôn cảm thấy an toàn hơn khi ở trong một cộng đồng với những người giống nhau – một trạng thái mà chúng ta vẫn gọi là “sự đoàn kết”. Nhà kinh tế học được giải Nobel người Ấn Độ Amartya Sen đã có một cuốn sách rất thú vị đề cập đến vấn đề này có tên “Căn tính và bạo lực” (Identity and Violence). Trong đó, ông cho rằng, chính sự bảo vệ căn tính của mình đã gây ra những hỗn loạn và bạo lực trong xã hội. Trong khi ấy, con người có thật sự được sinh ra trong trạng thái phân cực ấy hay không?
Từ sau thế kỷ 17, nhu cầu chinh phạt những vùng đất mới của người phương Tây đã dần xóa nhòa những phân tách về địa lý, tuy nhiên, với tâm lý của người chinh phạt, họ luôn có mong muốn áp đặt văn hóa của mình lên các vùng đất thuộc địa. Tâm lý này lập tức gặp phải sự chống đối của văn hóa địa phương các nước thuộc địa. Đó thực sự là cuộc chiến của các căn tính. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến hết thế kỷ 20 và vẫn còn rơi rớt lại đến ngày nay. Đứng trước một thế giới phân cực như vậy, các học giả, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ… thực sự đều là những lớp người “đi trên dây” , bởi họ hiểu rằng sự phân biệt chính là gốc rễ của mọi bạo lực đang diễn ra. Nhưng cũng chính nhờ nhu cầu cần mở rộng sự chinh phạt và thâu tóm thế giới của các cường quốc như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga… mà các phương tiện giao thông và truyền thông trở nên hiện đại hơn. Một thế giới kết nối nhanh hơn, mạnh hơn, đa chiều hơn đã được mở ra nhờ các tuyến giao thông toàn cầu và Internet.
Ở một thế giới như vậy, các cá nhân, đúng như Amartya Sen đã nhận định, đột nhiên tham gia vào cùng một lúc nhiều hệ thống hơn trong xã hội, có nhiều căn tính hơn và vì thế, chúng ta trở nên đa nguyên hơn. Như vậy, ta có thể thấy, con người hoàn toàn có thể đa nguyên một cách nội tại chứ không nhất thiết phải ở trong một cực nào đó. Nếu đã ở trong một cực và yêu cầu họ chấp nhận những cực khác là một điều gần như không thể bởi bị ràng buộc bởi ý thức hệ, quy định, trật tự của hệ thống đó. Ví dụ như, nếu ai đó là một Đảng viên Đảng Cộng Sản sẽ không dễ dàng gì chấp nhận và đối thoại với một người hoạt động Dân chủ, và ngược lại. Cuộc giằng co này hoàn toàn có thể gây ra tình trạng xung đột kéo dài thậm chí là chiến tranh. Mặc dù con người hoàn toàn có thể đa nguyên nhưng hầu hết các nhóm người, các tổ chức đều không thể chấp nhận điều này ở các thành viên của mình và luôn tìm cách lôi kéo thành viên tiếp tục bám víu vào tổ chức, các nhóm người mà họ lựa chọn làm căn tính chính thống. Và giờ đây, cuộc chiến không phải là của các cực với nhau mà trở thành cuộc chiến của các hệ thống đơn cực để tiêu trừ đi tính đa nguyên nội tại của cá nhân.
Phe trung lập đang trở nên mạnh hơn
Trạng thái trung lập có thực sự là một trạng thái đu dây hay không, đúng về mức độ nguy hiểm nhưng không hoàn toàn đúng về bản chất. Những người giữ thái độ trung lập đều là những người có mong muốn giữ được sự đa nguyên nội tại của mình. Một chính phủ trung lập thật sự chỉ có thể được hình thành bằng các tiềm lực nội tại của chính mình, và nhờ thế tránh được tình thế phải lệ thuộc chủ yếu vào một cực nào đó trong bản đồ chính trị thế giới. Một tổ chức trung lập được xây dựng nên bởi năng lực đa dạng của các cá nhân và tư tưởng đa chiều của nhóm lãnh đạo.
Với sự kết nối đa chiều của kỷ nguyên thông tin, phe trung lập đang thoát khỏi vị trí thiểu số và bị thôn tính của mình mà chủ động khẳng định vị trí quyết định của mình trong cuộc chiến của các phe được phân cực rõ ràng. Ở tầm cỡ quốc gia, một ví dụ điển hình cho sức mạnh của trung lập là Ấn Độ. Quốc gia này đang đứng giữa 2 trục tranh chấp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Liên minh Nga – Trung chống lại các Đồng minh của Hoa Kỳ bao gồm Singapore – Nhật Bản – Hàn Quốc. Trong cuộc chiến này, Ấn Độ hiện đang giữ thái độ trung lập và vị thế trung lập cùng với các tiềm lực của mình có thể cho phép đất nước này “đu dây” an toàn. Nhưng sẽ thế nào nếu số lượng các nước trung lập có thể liên kết với nhau một cách công bằng hơn thay vì để rơi vào tình trạng bị các nước lớn tranh nhau thao túng. Trước đây, Liên minh EU, Asean ra đời nhằm mục đích tạo ra các liên minh Trung lập, nhưng sau một thời gian, hầu hết các tổ chức này đều dần bị mua chuộc và chèo kéo từ các phe đang xảy ra xung đột và tranh chấp. Có thể rằng, để các quốc gia trung lập có khả năng giữ vững sự trung lập của mình thì trước hết mô hình nhà nước của họ phải được thiết kế dựa trên nguyên tắc đa nguyên và hợp tác chứ không phải sự phân cực.
Các quốc gia trung lập hiện nay đều có 2 hình thức chính thể: Hoặc dân chủ đa đảng, hoặc chuyên chế toàn trị. Cả 2 hình thức này đều đưa người dân vào tình trạng bị phân cực theo các cách khác nhau. Với hình thức dân chủ đa đảng, việc các cường quốc lôi kéo bằng việc hỗ trợ cho các Đảng đối lập nhau sẽ trở thành một cuộc chiến (có thể đổ máu hoặc không). Với hình thức chuyên chế toàn trị thì việc thâu tóm thậm chí còn trở nên dễ dàng hơn, và sự phân cực sẽ trở thành cuộc chiến của chính quyền và người dân, hoặc may mắn hơn, với các phe nhóm chống đối.
Trong khi ấy, số lượng các công dân, đặc biệt là các công dân trẻ, ôn hòa hơn và có sự đa nguyên nội tại sẽ không muốn lựa chọn một cực nào đó cố định, giống như Ấn Độ hiện nay, đang ngày càng gia tăng. Không còn gói gọn trong giới học giả, nghiên cứu khoa học, văn nghệ sĩ, lớp người này thậm chí có thể xuất thân từ rất nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội như học sinh – sinh viên, công nhân – nông dân, doanh nghiệp… Những tầng lớp này đều là những người tạo ra nền tảng cho xã hội và đặc tính công việc của họ, thậm chí còn không nhất thiết phải phân cực. Trước giờ, những người trung lập này, hoặc bị coi là đám người không có chính kiến, hoặc bị coi là đám cừu để các chính trị gia chăn dắt, thì thời điểm hiện giờ chính là thời điểm của họ.
Nếu ý thức được sức mạnh của kẻ đứng ngoài các cuộc chiến của mình, những người trung lập sẽ nhận thấy rằng chính họ là người quyết định xu hướng của xã hội chứ không phải nhà nước hay các tổ chức lãnh đạo. Sự trung lập cả trong tư tưởng và vị thế sẽ khiến họ biết cách lựa chọn thật sự những quyết sách đúng đắn và thiết thực thay vì bị dẫn hướng theo các quyết sách mang tính chất lợi ích nhóm. Sự lớn mạnh của phe trung lập sẽ làm giảm thiểu dần nền chính trị bị dẫn dắt bởi các chính khách mà thay vào đó là một nền chính trị ít tính chính trị.
Hà Thủy Nguyên