Bài đã đăng tại Book Hunter, và đăng lại tại website cá nhân sau sự kiện bạo lực bóng đá khủng khiếp tại Indonesia và 1/10/2022. Xin đăng lại bài này để chúng ta nhớ rằng bạo lực bóng đá và nguyên nhân thực sự của nó đến từ chính sự kích thích tính bạo lực ngoài kiểm soát của chính bộ môn thể thao này (và cả các bộ môn thể thao thi đấu khác).
*Nguồn ảnh minh họa: Malaysia eats humble pie after soccer hooligans attack Vietnam fans | Sports | Thanh Nien Daily (thanhniennews.com)
Tính chiến lược, kỹ năng điêu luyện, sự dũng cảm vượt qua khó khăn… đó là những lập luận thường thấy mỗi khi tôi hỏi ai đó lý do tại sao họ lại yêu thích xem (thậm chí là tham gia) các cuộc thi đấu bóng đá. Những câu trả lời này không thực sự khiến tôi cảm thấy vừa lòng, bởi nếu đó là lý do thực sự, họ không nhất thiết phải xem thi đấu thể thao.
Thử diễn cảnh những trận thi đấu bóng đá của người Việt
Mỗi câu lạc bộ hoặc mỗi đội thi đấu đều mang trong mình một mô thức tinh thần với các thành phần cấu thành bao gồm: linh vật như một thứ totem, màu áo thương hiệu, chiến thuật chủ đạo được vạch ra từ sự thống nhất của huấn luyện viên và ban lãnh đạo, các siêu sao, đội ngũ cổ động viên cuồng nhiệt, đội ngũ báo chí bình luận, các đơn vị quảng cáo đông đảo…
Trước mỗi trận đấu theo các giải đấu lớn, đội ngũ cổ động viên cuồng nhiệt kết hợp với đội ngũ báo chí bình luận và các đơn vị quảng cáo tạo thành chuỗi dư luận xôn xao. Tin tức giăng đầy các mặt báo với lối chụp ảnh poster phổ biến trong các phim siêu anh hùng. Hình ảnh của đội nhà luôn được nhấn mạnh bằng cách tăng sáng, đặt tương phản với ảnh của đối thủ với đường nét mờ nhạt. Nghiễm nhiên, từ bình luận viên đến cổ động viên sẽ nhắc lại “lịch sử giao đấu” giữa hai đội, với tinh thần “ôn cố tri tân”.
Tất cả những động thái ấy có phần giống với chính sách tuyên truyền trong thời chiến, khi đối phương luôn bị đặt ở vai “phản diện”, và những người tham chiến luôn được coi là người hùng của cộng đồng. Chúng ta dễ dàng thấy một bầu không khí na ná nhau giữa những giải đấu và những cuộc chiến chống lại quân xâm lược. Đó là lúc người ta nói nhiều đến “màu cờ sắc áo”, đến tinh thần yêu nước, đến vận nước, đến niềm tự hào dân tộc.
Và rồi, những người hùng bước ra giữa sân vận động như lòng chảo, gợi nhớ đến đấu trường La Mã cổ đại, như bước vào một trận chiến. Tiếng còi của trọng tài tuýt lên bắt đầu trận đấu chính là tiếng kèn xung trận. Các cầu thủ tràn lên, tranh cướp nhau quả bóng bằng mọi giá: kỹ thuật, mưu trí, sức mạnh, tốc độ, thủ đoạn… Họ cũng không ngại chơi xấu đối phương (điều mà họ tin rằng đó là mưu trí), và nếu không may có thể bị đối phương chơi xấu (với họ đó là sự hi sinh).
Hãy để ý đến cách người ham mê bóng đá đặt tên cho lưới nhà: khung thành. Nếu bóng lọt lưới nhà tức xâm phạm vào khung thành thì đội nhà nhận một bàn thua. Mọi kỹ thuật điêu luyện tranh cướp bóng chỉ nhằm mục đích tấn công khung thành. Tương tự ở chiến trường, sự tranh đoạt tang thương giữa hai phe nơi sa trường không quan trọng bằng chiếm được khu thành chủ chốt của đối phương. Và rồi tiếng hò reo thắng trận vang lên sau mỗi cú sút thành công, lao nhao – ồn ã – phấn chấn – khích lệ nhau tiến công.
Đội ngũ bình luận viên, đội ngũ cổ động viên chỉ là quân cờ của thế cục mà các người anh hùng (hoặc bàn tay ngầm nào đó, Chúa hoặc các ông trùm cá độ) đã sắp đặt. Họ lảm nhảm về những cú sút thành công nhiều tới mức bỏ qua lỗi chơi xấu vô đạo đức. Và nếu chẳng may thua trận, đặc biệt là thua nhục nhã, họ sẽ tìm một cái cớ để đổ lỗi, mà có lẽ trọng tài bao giờ cũng là nạn nhân. Ô kìa, lại giống lịch sử về các cuộc chiến tranh, chính sử nằm trong tay bên thắng cuộc.
Và tôi nhận ra rằng thi đấu bóng đá là một hình thức hiện đại của đánh trận giả
Tìm về các tiền thân của môn bóng đá cũng như các thành tố tạo nên một trận bóng đá, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được sự tương đồng giữa bộ môn thể thao này với chiến tranh.
Tiền thân được nhiều người biết đến nhất của bóng đá chính là môn cuju (phiên âm Hán Việt là “thúc cúc”) của Trung Quốc. Cuju được đề cập đến trong nhiều sử liệu cổ đại của Trung Quốc, trong đó có cả Sử ký của Tư Mã Thiên. Dấu viết sớm nhất của cuju là từ thời Chiến Quốc, với miêu tả khá tương đồng với môn bóng đá hiện đại với cột ghi bàn ở mỗi “khung thành” của hai đội.
Cuju ban đầu là bài luyện tập thể lực và kỹ thuật chiến đấu cho các kỵ binh trong quận đội, đến thời Hán Vũ Đế, cuju được đưa vào hoàng cung như một thú vui giải trí của quý tộc vì ông vua nhiều chiến công này rất yêu thích thi đấu cuju. Dần dần, cuju lan rộng như một thú vui của quý tộc và quan lại vào thời Đường, sau đó là khắp toàn Trung Quốc vào thời Tống. Lịch sử thời Tống còn ghi nhận Cao Cầu – một viên quan có được tước vị cao nhờ tài năng đá cầu – mà thực ra chính là chơi cuju.
Như vậy, cuju – môn bóng đá cổ xưa của người Trung Quốc đã đi từ phương thức luyện tập của lính trong quân ngũ thành một bộ môn giải trí hoàng gia, nhờ thế mà có ngày càng nhiều người tập chơi để mong mỏi lọt vào “mắt xanh” của vua hoặc các vương gia
Không có tài liệu ghi chép lịch sử nào nhắc tới hoàng gia Đại Việt có chơi cuju như người Tống hay không. Tuy nhiên, với sự giao thương và hòa huyết của người Tống và người Việt ở giai đoạn Lý – Trần (Thế kỷ 9 đến thế kỷ 12), rất có khả năng bộ môn cuju đã xuất hiện trong cộng đồng người Việt và đã thất truyền sau khi bị nhà Minh đô hộ, vì nhà Minh không khuyến khích bộ môn này.
Tương tự như cuju, người Hy Lạp cổ đại cũng có một môn bóng đá có tên là Episkyros, có nghĩa là “quả bóng chung”. Trong một trận Episkyros, quả bóng chung này là đối tượng tranh cướp của hai đội chơi, mỗi đội có khoảng 12 đến 14 người chơi. Qủa bóng có hình cầu giống như quả bóng hiện đại, tuy nhiên người chơi được phép sử dụng tay giống như bóng bầu dục.
Đây là một trò chơi đặc biệt mang tính bạo lực, nhất là khi được chơi ở Sparta- đô thành của các chiến binh. Ở xã hội cổ xưa, khi chiến tranh là điều thường trực, và con người thường xuyên phải chuẩn bị đủ các kỹ năng tham chiến, thì những cuộc thi đấu Episkyros vừa mang tính giải trí, vừa nuôi dưỡng tinh thần chiến binh là điều tất yếu trong cộng đồng.
Lịch sử bóng đá có một khoảng trống lớn trong quá trình chuyển tiếp từ môn cuju và Episkyros sang môn bóng đá hiện đại. Những dấu vết rõ nét nhất của bộ môn bóng đá hiện đại được hình thành tại Anh quốc vào thế kỷ 19 với các quy tắc Cambridge – nền tảng của các luật bóng đá hiện hành. Lúc này, bóng đá được sử dụng như một hình thức thi đấu giữa các trường phổ thông và các địa phương. Chỉ đến khi FIFA được thành lập tại Paris vào đầu thế kỷ 20 thì bộ môn này mới lan rộng khắp thế giới.
Với cấu trúc chiến trận rõ rệt, bóng đá đã tách khỏi nhiệm vụ luyện tập thể lực mà nhanh chóng trở thành đấu trường của tinh thần dân tộc. Thế kỷ 20, các thiết chế hòa bình được đặt ra nhằm hạn chế chiến tranh – sân khấu mà tại đó tinh thần dân tộc cực đoan được giải phóng hết cỡ bằng hành vi giết chóc và làm nhục đối phương.
Dù cho chiến tranh bị hạn chế nhưng khối tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan tàn dư của tâm thức man dã thời bộ lạc nguyên thủy, khi con người còn sợ hãi và căm ghét những gì khác mình, vẫn còn tồn tại. Và các trận bóng đá luôn là nguyên cớ để bùng phát. Những lời miệt thị, mạt sát, hạ nhục của cổ động viên Việt Nam trên facebook của các cầu thủ đối phương hay các trọng tài phạt đội nhà không chỉ là biểu hiện cho dân trí thấp mà còn là biểu hiện cho thứ tinh thần dân tộc man dã.
Lịch sử thế kỷ 20 cũng ghi nhận bóng đá như một thứ “đổ thêm dầu vào lửa”, thậm chí là nguyên cớ gây ra những xung đột của các quốc gia bởi những cơn thịnh nộ bị bùng phát khi theo dõi trận đấu. Đáng kể là trận chiến vào tháng 6 năm 1969 giữa El Salvador và Honduras đã nổ ra bởi bóng đá. Bóng đá cũng làm gia tăng xung đột trong cuộc Chiến tranh giành độc lập Croatia và năm 1990, khi bạo loạn nổ ra do trận đấu giữa Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade. Và ngày đầu tháng 10 năm 2022, bạo lực đã nổ ra ở đảo Java (Indonesia) giữa những người ủng hộ câu lạc bộ Java Arema với Persebaya Surabaya sau khi Arema bị đánh bại 3-2 trong trận đấu ở Malang Regency, Đông Java, dẫn đến hơn 100 người tử vong. Mặc dù cảnh sát bị cáo buộc do đàn áp sai quy định, nhưng không chối bỏ được xung đột có tính bạo lực giữa fan của hai đội bóng và tình trạng sai quy định của ban tổ chức trận đấu.
Bạo lực cổ động viên là một vấn đề nhức nhối ở Indonesia, với sự cạnh tranh gay gắt giữa các câu lạc bộ đôi khi dẫn đến bạo lực giữa những người ủng hộ. Arema FC và Persebaya Surabaya là đối thủ lâu năm và những người hâm mộ vốn không được phép mua vé cho trận đấu hôm thứ Bảy do lo ngại bạo lực.
Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Indonesia, Mahfud MD, cho biết các nhà tổ chức đã phớt lờ khuyến nghị của nhà chức trách để tổ chức trận đấu vào buổi chiều thay vì buổi tối. Ông cũng cho biết chính phủ đã khuyến nghị chỉ in 38.000 vé, nhưng thay vào đó là một đám đông với số vé được bán hết là 42.000.
Trích dẫn từ bài báo Dozens killed in stampede at Indonesia football match, police say | News | Al Jazeera
Sự thắng – thua, được – mất trong trận bóng đá tạo ra một cơ chế đột biến cảm xúc dẫn đến sự tiết các hormone ảnh hưởng đến tâm trạng, đặc biệt trong trường hợp người xem coi mình như một phần của đội bóng – điều chắc chắn sẽ xảy ra khi đội bóng ấy đại diện cho cộng đồng mà người xem thuộc về, ví dụ như câu lạc bộ đại diện trường học, đội tuyển bóng đá của địa phương, đội tuyển quốc gia…
Không phải chỉ ở trường hợp người Việt xem bóng đá, mà bất cứ người dân thuộc quốc gia nào xem loại hình thi đấu thể thao gì cũng sẽ đều ở trong tình trạng đột biến tiết hormone ảnh hưởng đến tâm trạng.
Tiến sĩ Richard Shuster, nhà tâm lý học lâm sàng và người dẫn chương trình podcast The Daily Help cho biết, khi đội nhà thắng cuộc hoặc đang chơi tốt, não bộ của người xem sẽ giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine, có liên quan trực tiếp đến sự khoái cảm, tương tự với khi ăn đồ ăn ngon và làm tình. Sự khoái cảm này tạo nên cảm xúc vui vẻ và thoải mái, tạo ra năng suất lao động tốt hơn.
Trong trường hợp đội nhà thua, não người xem bị ức chế, dẫn đến sản xuất ít serotonin hơn, gây ra tình trạng tức giận, trầm cảm và căng thẳng. Điều này lý giải tại sao người ta dễ dàng giận dữ mất kiểm soát sau khi đội nhà bị thua cuộc.
Không chỉ chuyện thắng thua, sự đảo cực liên tục từ lo lắng sang phấn khích hoặc tức giận diễn ra trong suốt quá trình giải đấu diễn ra.
Michael Grabowski, Tiến sĩ, giáo sư truyền thông tại Đại học Manhattan, chuyên gia nghiên cứu về nhận thức, não bộ và phương tiện truyền thông cho biết:
“Khi bạn trải qua cảm giác lo lắng trước hoặc trong khi chơi trò chơi, đó không phải là trí tưởng tượng của bạn… Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng người hâm mộ thể thao có thể có cảm giác lo lắng tột độ trước một trận đấu lớn, giống như bản thân các cầu thủ.”.
Tiến sĩ Jason D. Hanks, giám đốc gây mê tại Hiệp hội phẫu thuật NYC đề cập đến tình trạng sau trận đấu, nếu đội nhà chiến thắng, một trạng thái phấn khích sẽ xuất hiện – tình trạng cảm xúc mà nhiều người xem nghĩ là tích cực. Thực tế, đây là trạng thái do tiết hormone adrenaline từ tuyến thượng thận. Hormone này khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng và máu được bơm đến các bộ phận quan trọng của cơ thể giống như trong chiến đấu hay vận động mạnh.
Toàn bộ chuỗi biến động cảm xúc và tiết hormone liên hoàn này tạo ra những thang bậc cảm xúc mà một người bình thường trong đời sống thường nhật nhàm chán ít khi có được. Bởi vậy, con người đời thường dễ bị hấp dẫn bởi những thứ nhiều kịch tính như thi đấu thể thao (mà cụ thể ở trường hợp Việt Nam là thi đấu bóng đá), phim giải trí, hay thậm chí là đầu tư mạo hiểm hoặc cờ bạc.
Sự biến động cảm xúc và các hormone này không chỉ gây các tác động xấu tới sức khỏe, mà tệ hại hơn, có thể gây ra tình trạng mất lý trí và đẩy mạnh vô thức tập thể. Nhà chuyên gia David Ezell – giám đốc lâm sàng kiêm Giám đốc điều hành của nhà cung cấp liệu pháp Darien Wellness cho biết, người trưởng thành có các tế bào thần kinh chuyên biệt trong não bộ, gọi là tế bào thần kinh gương, cho phép chúng ta cảm nhận được các trạng thái bên ngoài mình, và giúp chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác, đồng thời hình dung được những gì họ trải qua. Khi xem bóng đá, tế bào thần kinh này hoạt động và khiến chúng ta cảm thấy như đang tham gia trận đấu cùng các cầu thủ, tương tự như khi chúng ta đọc truyện,xem phim hay các hình thức diễn xướng khác.
Khi bị gắn bó mật thiết với các trận đấu, đặc biệt khi trận đấu ấy được gắn với một căn cước cộng đồng mà ta thuộc về, thì năng lực tự nhận thức của cá nhân sẽ bị suy giảm. Cái tôi dần bị thay thế bởi cái ta của cộng đồng, và con người mất đi sự phân định đâu là năng lực tự quyết định của bản thân và đâu là những hình bóng do sự thôi miên của truyền thông đại chúng nhào nặn nên. Từ đó, chúng ta sớm trở thành con mồi vô thức mà các con quái vật quảng cáo và chính trị thèm thuồng.
Khi một chính quyền thúc đẩy thứ giải trí đầy kịch tính như thi đấu bóng đá, tức là chính quyền ấy đang nuôi một mầm mống nguy hiểm: sự điên loạn của đám đông vô thức. Xã hội không thể trở nên có dân trí cao và bình ổn, văn minh khi những tế bào hình thành nên nó – người dân – thường xuyên bị đưa vào chuỗi cảm xúc đột biến thất thường mà người ta vẫn gọi đó là “giải trí”.
Hà Thủy Nguyên