Lưu ý: Bài có nhiều yếu tố bạo lực và tình dục.
Thế kỷ 18, tại nước Pháp, một quý ông lịch lãm được đào tạo bài bản trong trường học Công giáo thuộc Dòng Tên, nhà văn – triết gia hầu tước Donatien Alphonse François de Sade, đã bị cáo buộc vì những hành vi bạo lực trong đời sống dâm dục của mình. Hầu tước Sade không hề phủ nhận những cáo buộc này. Sade nổi tiếng với những tác phẩm kết hợp triết học và khiêu dâm, miêu tả những tưởng tượng tình dục đi kèm với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, và quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Không chỉ dừng lại ở tác phẩm, ông cũng sống một cuộc đời trụy lạc, thường xuyên lạm dụng tình dục bạo lực với cả hai giới nam và nữ. Sade bị giam giữ tại nhiều nhà tù khác nhau và trong nhà thương điên suốt khoảng 32 năm cuộc đời mình. Tuyên ngôn tự do tuyệt đói, dứt bỏ mọi ràng buộc đạo đức, tôn giáo và pháp luật, Sade đã được chính quyền Cách mạng Pháp năm 1789 bầu làm đại biểu của Hội nghị Quốc gia. Thậm chí, nhà thơ Pháp nổi tiếng Guillaume Apollinaire (1880 – 1918) tôn vinh Sade đầy cảm hứng khi gọi ông là “linh hồn tự do nhất từng tồn tại”. Và từ đó, từ “Sadism” được sử dụng như một thuật ngữ để chỉ chứng bạo dâm.
Khi một nhân vật như Sade trở thành tâm điểm của sự tranh cãi triết học: tôn vinh hay không tôn vinh Sade thì ta có thể rùng mình cảm thấy mơ hồ những khao khát bạo dâm dường như ẩn sâu trong mỗi chúng ta và chỉ đợi những hoàn cảnh thích hợp để bùng phát. Trong cơn vô thức, khi tiếp cận với hành vi bạo lực, khoái cảm được kích thích. Nếu ta say mê nhìn ngắm những hành vi bạo lực, hay tưởng tượng về chúng mà cảm thấy khoái lạc, tức là tâm thức bạo dâm có sẵn bên trong tâm trí của chúng ta. Và cho dù chúng ta sợ hãi trước những hành vi bạo dâm và cố gắng chối bỏ, ấy là bởi mơ hồ cảm thấy những hình ảnh bạo lực có thể khêu gợi những cơn cuồng ác cực khoái tự bên trong, mơ hồ cảm thấy mình bất lực nhìn những thành trì lý trí và đạo đức trong tâm trí sụp đổ.
Những dấu vết của đời sống bạo dâm lâu đời nhất trên thế giới gắn với nghi lễ thờ phụng nữ thần Inanna (hay còn gọi là nữ thần Ishtar ở Akkadian). Inanna xuất hiện với vai trò thống trị và những người tham gia mặc y phục “thấm đẫm nỗi đau trong ngây ngất… rên xiết, than vãn và hát ca, rồi kiệt sức trong khóc lóc, khổ sở”(1). Vào thế kỷ thứ 9 TCN, nghi lễ mang tính bạo dâm cũng được được thực hiện ở Artemis Orthia, thánh địa của giáo phái Orthia, một trong những khu vực tôn giáo quan trọng nhất của Sparta cổ đại. Nữ tư tế dùng roi quất một người đàn ông ở tuổi trưởng thành đến mức máu thấm đẫm bàn thờ tế lễ (2). Tuy nhiên, hai dấu vết mang tính nghi lễ này vẫn mờ nhạt và chưa thể hiện rõ yếu tố bạo dâm. Bằng chứng rõ nét nhất cho bạo dâm trong xã hội cổ sơ là bức tranh vẽ trong ngôi mộ cổ thuộc văn hóa Etruscan tại nghĩa địa xứ Monterozzi, nước Ý, có niên đại khoảng năm 490 TCN. Ngôi mộ có một căn phòng, trên tường có hình vẽ những người khỏa thân đang say xỉn bao gồm võ sĩ, nhạc công, ca vũ… Trong số đó có cảnh một người phụ nữ đang quan hệ bằng miệng với một người đàn ông, và một người khác đứng đằng sau dùng roi quất và có thể đang thực hiện giao hợp.
Bức tranh trên tường vẽ cảnh bạo dâm trong hầm mộ thuộc văn hóa Etruscans
Đáng ngạc nhiên, dấu vết của hành vi bạo dâm gần như không tìm thấy trong đời sống của Athens cổ đại – một mô hình xã hội mà trong đó sự phóng túng tình dục rất phổ biến. Tình dục của người Athens cổ đại được chia làm 3 loại chính: Thứ nhất là trong gia đình, đàn ông và phụ nữ giao hợp nhằm mục đích sinh đẻ. Thứ hai là tình dục với nô lệ hoặc gái điếm. Những gái điếm và nô lệ tình dục đều được đào tạo ca vũ để làm vui lòng chủ nhân và thỏa mãn các ham muốn tình dục của chủ nhân. Thứ ba là tình dục đồng giới – hình thức tình dục được các triết gia Athens rất tôn sùng. Với một đời sống tình dục phóng túng nhưng không có dấu vết của bạo dâm thì nguyên nhân có thể đến từ hai khả năng: hoặc là tình dục không ức chế nhưng lại được quy chế hóa về mặt tiêu chuẩn đã giảm thiểu tính chất hung bạo của con người, hoặc đơn giản là sự thiếu hụt về tư liệu. Tôi thì cho rằng cả hai khả năng ấy đều tồn tại. Khi con người sớm được thỏa mãn những kích thích mà không bị ức chế, những rối loạn về tâm lý cũng được giảm thiểu. Và khi xã hội không có nhiều những rối loạn tâm lý (nếu có thì chỉ là cá biệt, sẽ nhanh chóng bị thải loại hoặc lãng quên), thì những dấu vết bệnh hoạn sẽ không có cơ hội được lưu giữ lại như một điển hình hóa.
Ngược lại với Athens, liên minh Roma (mà Etruscan là một trong số đó, nền văn hóa này cũng ảnh hưởng tới văn minh Roma) lại nổi tiếng với những hành vi bạo dâm. Với Roma, chúng ta có một bạo chúa Nero chém đầu người vợ cả, đá người vợ thứ hai đang mang thai đến chết, bắt một chàng trai trẻ tự thiến rồi ép anh ta ăn mặc như người vợ vừa bị hành hạ đến chết của mình. Nhưng toàn bộ những hành vi đáng kinh tởm của Nero chỉ là sự biểu hiện cho một bệnh lý của tâm thức xã hội Roma cổ đại. Xã hội quân sự với nhu cầu thỏa mãn người lính trong các cuộc đánh chiếm đã nuôi dưỡng sự cho phép các “quý ông” thoải mái lạm dụng tình dục với các nô lệ mà họ bắt được. Thói quen chinh phạt và cưỡng hiếp các nô lệ nữ đã có từ trong truyền thuyết lập quốc của Roma khi quân đội của Romulus đánh chiếm và cưỡng hiếp phụ nữ Sabines nhằm mục đích thỏa mãn và sinh sản, đến khi Roma hình thành đế chế lại càng được khuyến khích. Xâm lược và đánh chiếm đất đai của những chủng tộc khác trong một khu vực đa sắc tộc như Địa Trung Hải dễ khiến hình thành sự khinh ghét dị chủng và coi nô lệ dị chủng dùng để mua vui và tra tấn đến chết. Nếu các nô lệ nam khỏe mạnh bị vứt vào các đấu trường thì các nô lệ tình dục được sử dụng để đánh đập và giao cấu mà không cần phải thương tiếc hay quan tâm tới những lề luật trong cư xử như với các phụ nữ quý tộc. Quân đội Roma sử dụng hành vi hiếp dâm như một biểu hiện cho sự chiến thắng quân sự, và nếu một quốc gia đạt được hòa hảo qua ngoại giao thì người dân của quốc gia ấy sẽ không bị những người lính Roma hãm hiếp. Ngoài ra, các quy định khắt khe trong xã hội cấm đàn ông quý tộc ngoại tình và quan hệ đồng giới với nhau (để đảm bảo tính chính trực của mình), nhưng lại cho phép sử dụng nô lệ để thỏa mãn đã càng làm gia tăng tình trạng lạm dụng tình dục nô lệ trong quân đội Roma (3).
Mặt sau của đồng dyna do Claudius Caesar ban bố, thể hiện người phụ nữ Gaul là chiến lợi phẩm của chiến dịch tiêu diệt Gaul của Roma
Tương tự như ở Roma, bất cứ nơi đâu nhà nước đề cao quyền lực của quân đội và xâm lược thì ở đó sẽ tồn tại tình dục bạo lực đối với tù binh và nô lệ. Ví dụ điển hình là cuộc Thập Tự Chinh dai dẳng tiêu diệt Islam. Cả quân đội Islam và quân Thập Tự Chinh đều thường xuyên sử dụng bạo dâm như sự thể hiện cho chiến thắng, mà trong đó phụ nữ trong thành của đối phương là chiến lợi phẩm. Nô lệ có nguồn gốc là tù binh bị ngược đãi. Nếu quân đội Islam tra tấn và giao cấu với phụ nữ bắt được từ quân đội Thập Tự Chinh thì quân đội Thập Tự Chinh thuần túy tra tấn phụ nữ Islam vì luật của Nhà Thờ quy định hình phạt tử hình với hành vi giao cấu cùng người ngoại giáo (4).
Tương tự như vậy, Nhật – với chế độ samurai, cũng là quốc gia nổi tiếng với những biểu tượng bạo dâm. Mặc dù là đất nước nghiêm ngặt trong lễ giáo, nhưng nghệ thuật tranh tình dục lại phổ biến ở Nhật, và được gọi bằng cái tên Shunga – xuân họa. Xuân họa ảnh hưởng từ Trung Quốc và có mặt tại Nhật từ thế kỷ thứ 8, nhằm phản ánh những hoạt động tình dục của triều thần và nhà sư. Thế nhưng, trước thời kỳ Edo, xuân họa chưa hề lưu lại những hoạt động tình dục bạo lực. Chỉ đến cuối thời kỳ Edo, dấu vết cổ xưa nhất thể hiện ám ảnh ham muốn bạo dâm và khổ dâm được tìm thấy trong bức tranh “Giấc mộng của vợ chàng đánh cá” (họa sĩ Hokusai). Bức tranh vẽ một người phụ nữ khỏa thân bị những vòi bạch tuộc trói chặt như dây thừng, một vòi thò vào miệng, một vòi thò vào âm hộ. Người phụ nữ đê mê sung sướng. Bức tranh có ảnh hưởng lớn đến tâm thức hiện đại khi không ít các hentai (truyện tranh khiêu dâm Nhật Bản) thể hiện cảnh làm tình với các xúc tu của bạch tuộc. Thậm chí, họa sĩ “vĩ đại” của thế giới phương Tây – Paolo Picasso cũng thử nghiệm vẽ bức tranh phụ nữ phương Tây khỏa thân và xúc tu của bạch tuộc.
Bức tranh của Paolo Picasso vẽ người phụ nữ phương Tây khỏa thân đang đê mê với xúc tu của bạch tuộc.
Con bạch tuộc với những xúc tu mạnh mẽ, thọc sâu vào mọi điểm kích thích trên cơ thể phụ nữ đại diện cho ham muốn chiếm hữu mãnh liệt ở người đàn ông, và phần nào phản ánh khoái lạc bị chiếm hữu của người phụ nữ. Bức tranh là sự kết hợp tuyệt hảo hiếm hoi của bạo dâm và khổ dâm. Cũng từ những vòi bạch tuộc này, thế kỷ 19 tại Nhật chứng kiến sự “thăng hoa” của “nghệ thuật” dùng dây trói trong bạo dâm phụ nữ với tên gọi Kinbaku. Kinbaku có nghĩa là “sự trói buộc”, trong “nghệ thuật” Kinbaku, sợi dây chủ yếu là vải lanh hoặc sợi đay (bất chợt rùng mình khi nghĩ tới phát xít Nhật phá lúa trồng đay tại Việt Nam trong thế chiến II). Bạo dâm vùa Kinbaku có lẽ đã là nỗi ám ảnh với xã hội Nhật ở thời kỳ cuối Edo, khi chúng được họa một cách ghê rợn và đẫm máu trong các bức tranh bản in khắc gỗ của họa sĩ Tsukioka Yoshitoshi (1839 – 1892).
Ngôi nhà cô đơn trên Adachi Moor của Yoshitoshi
Bức tranh bạo dâm kinh điển nhất của Yoshitoshi là “Ngôi nhà cô đơn trên Adachi Moor”, vẽ cảnh người phụ nữ mang thai bị trói ngược, đã truyền cảm hứng cho ông tổ của “nghệ thuật Kinbaku” – Seiu Ito (1882-1961). Ito đã kết hợp những nghiên cứu về dây trói trong quân đội với những ám ảnh từ tranh của Yoshitoshi để hình thành nên Kinbaku. Ito yêu cầu chính người vợ mang thai của mình mô phỏng bức tranh của Yoshitoshi để ông có thể vẽ.
Bức ảnh Seiu Ito chụp cảnh trói người vợ của mình.
Một bức ảnh Kinbaku của Seiu Ito đang ký họa lại cảnh vợ mình bị trói
Trong và sau Thế Chiến II, Kinbaku càng thịnh hành cả ở Nhật và ở Mỹ. Kinbaku len lỏi vào thế giới tội phạm tại Mỹ với những “bậc thầy Kinbaku” rao giảng về khả năng phi thường của thuật trói không gây đau đớn mà mang tính giải tỏa giải phóng endorphin và dopamine trong não.
Tại một đất nước có truyền thống nuôi dưỡng các mầm mống kì thị dị chủng và chủ nghĩa nô lệ như Mỹ, Kinbaku kết hợp với các hình thức trừng phạt trong thói quen bạo dâm ở Châu Âu và, tạo thành xu hướng BDSM. BDSM là viết tắt của Bondage (dây trói) + Discipline (trừng phạt) + Sadism (bạo dâm) + Masochism (khổ dâm). Tuy BDSM hiện đại đã cố gắng cân bằng giữa sự thỏa mãn và tính an toàn, không còn giữ các yếu tố bạo lực hủy hoại cơ thể, nhưng những mối nguy hại của BDSM cũng khó lường. Năm 1996, Rzucek (khi đó là một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Barnard), làm quen với Jovanovic (khi đó đang là sinh viên tốt nghiệp ngành vi sinh tại Đại học Columbia) trong một phòng chat trên internet. Rzucek đã đến căn hộ của Jovanovic và sau đó bị bắt nhốt, trói chặt, tra tấn theo nhiều cách. Mặc dù kiện Jovanovic, nhưng Rzucek thừa nhân rằng đó là những ngày “hạnh phúc” và “ngon lành” chưa từng có trong cuộc đời của cô. Do tính chất phức tạp của BDSM, Mỹ và thế giới phương Tây vẫn dè chừng với BDSM. Tại một số nơi, BDSM được thừa nhận trong trường hợp đối phương đồng tình, và tại một sống nơi khác thì hoàn toàn bị cấm.
Từ năm 2015 đến 2017, 3 tập của bộ phim “50 sắc thái” đã tạo nên cơn sốt BDSM khi BDSM có diện mạo mới nhờ khuôn hình đẹp và lồng ghép với những đam mê yêu đương. Nhưng những gì người xem có thể thấy trong các cảnh BDSM cố tạo mỹ cảm của “50 sắc thái” là một sự khiên cưỡng, khi bản chất hung bạo khó tránh của bạo dâm được làm mờ và thay bằng màn đóng thế Người áp đặt – Người phục tùng vờ vịt. Màn đóng thế này vốn dĩ có gốc gác từ thói quen tình dục không ngang bằng giữa chủ nhân – nô lệ trong quá khứ, và những biến thể của nó là ông chủ – nhân viên (ở xã hội hiện đại), cao bồi – ngựa/bò…, kẻ bắt cóc – con tin… Nhu cầu tìm khoái cảm trong làm đau người khác hoặc bị hành hạ vẫn tồn tại cho dù đã được tiết chế.
Hiện nay, trào lưu BDSM đã được du nhập vào Việt Nam. Nếu chúng ta search từ khóa này trên Google thì sẽ thấy rất nhiều kết quả tiếng Việt được trả về và chủ yếu dẫn tới các trang bán sextoy hoặc khách sạn tình dục. Mới đây, một doanh nghiệp Việt cũng đưa hình ảnh BDSM vào bộ ảnh viral quảng bá cho sản phẩm của mình. Sự mềm hóa đặc tính bạo dâm của BDSM và phim “50 sắc thái” quả nhiên đã khiến cộng đồng cởi mở hơn với phong cách tình dục này.
Sự tiết chế trong các hành vi bạo dâm không chỉ đặt ra ở xã hội hiện đại, mà từ cổ xưa người Ấn Độ đã có những quy định này. “Kama Sutra” miêu tả các kiểu đánh đập gây kích thích nhưng không nguy hiểm trong lúc giao cấu và các kiểu “rên la” thể hiện sự đau đớn. Tuy “Kama Sutra” với niên đại khó xác định từ thế kỷ thứ 4 TCN đến 4 SCN, nhưng đã sớm thể hiện sự tôn trọng phụ nữ khi yêu cầu người đàn ông phải có sự chấp thuận của phụ nữ mới tiến hành giao cấu bạo dâm. Trái ngược với Kama Sutra, những hình ảnh điêu khắc tình dục tập thể của người Ấn Độ lại cho thấy một đời sống bạo dâm phóng túng không giới hạn.
Tại Trung Quốc, tương tự với Ấn Độ, một mặt các sách kinh điển về tình dục như “Hoàng Đế nội kinh tố vấn” hay “Phòng trung thuật”… hướng dẫn cách làm tình để dưỡng sinh trong sự kiểm soát và điều độ. Nói một cách khác, tư tưởng Đạo gia hướng dẫn đàn ông sử dụng sức sống của đàn bà làm phương tiện để duy trì tuổi thọ cho mình thông qua giao cấu. Các yếu tố giao cấu xuất hiện trong nhiều truyện truyền kỳ, tiểu thuyết chương hồi, nhưng những yếu tố bạo dâm cũng không được thể hiện rõ rệt. Lịch sử Trung Quốc xuất hiện nhiều ông vua hoang dâm và tàn bạo, nhưng cũng không có ghi chép nào liên quan đến bạo dâm. Đây là một trường hợp tương tự ở Hy Lạp, liệu rằng không thực sự tồn tại bạo dâm ở Trung Quốc hay tại một quốc gia không trọng phụ nữ thì bạo dâm đã trở nên hiển nhiên tới mức không cần phải ghi chép vào sách. Và liệu trong quá trình xâm lược các vùng đất khác với chiến lược “sát phu hiếp phụ”, các vị vua cai trị Trung Nguyên có cho phép binh lính của mình đối xử với nữ tù binh như cách đế chế Roma đã làm trong giai đoạn cường thịnh nhất của mình hay không?
Chúng ta sẽ làm gì với tâm thức bạo dâm của chúng ta đây? Đến nay tâm thức bạo dâm vẫn là một chủ đề thách thức đối với các nhà nghiên cứu tâm lý. Những tổn thương tâm lý trong quá khứ đến nay vẫn đang là cách lý giải phổ biến cho các trường hợp bạo dâm nhưng những lý giải này chỉ mang tính phỏng đoán và vẫn chưa có giải thích khoa học và rõ rệt. Sự tương quan giữa một số cá nhân có hành vi bạo dâm và quá khứ bị tổn thương trầm trọng do bạo hành là có, nhưng không phải là toàn bộ của quá trình lý giải. Hơn nữa, trên thực tế, các hành vi bạo dâm cấp độ nhẹ như cấu véo, cắn, vỗ bạn tình vẫn phổ biến trong đại đa số các cặp đôi, không thể được giải thích bằng các tổn thương tâm lý. Như vậy, sự nghiên cứu về tâm thức bạo dâm trong xã hội cần có cái nhìn rộng mở và khách quan hơn, thậm chị vượt ra khỏi cái nhìn bệnh lý để hiểu rõ bản chất, từ đó có thể đưa ra giải pháp rốt ráo hạn chế bạo dâm mang tính chất hủy hoại và gây tổn thương cơ thể.
Hà Thủy Nguyên
Chú thích:
- https://etcsl.orinst.ox.ac.uk/section4/tr4073.htm
- “The Ancient Dominatrix Goddess and her Priestess Initiates” trong “The History & Arts of the Dominatrix”, Anne O. Nomis (2013) – trang 61,62
- Roman Military Service: Ideologies of Discipline in the Late Republic and Early Principate. Cambridge University Press, Phang (2008)
- https://apholt.com/2015/01/06/medieval-warfare-and-rape-lessons-for-the-present/