Home Bình Luận Tận hưởng niềm vui với con cái

Tận hưởng niềm vui với con cái

Con cái có lẽ là tạo tác tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân tính của đứa con sẽ nói lên cách mà bạn đối xử với chúng, hay nói một cách khác sự trưởng thành của con cái phản ánh nhân cách của những người nuôi dưỡng chúng. Nhưng cũng giống như sáng tác tác phẩm nghệ thuật, thái đô và quan niệm của bạn trong sáng tác sẽ quyết định phong cách và tư tưởng của tác phẩm, quan niệm của bạn về nuôi dậy con sẽ quyết định đặc tính mối quan hệ giữa bạn và con cái. Có người nhận thấy việc nuôi con cái là một trách nhiệm nặng nề với những lo toan chuẩn bị cho tương lai sinh tồn của đứa bé trong đời sống xã hội, có người dồn toàn bộ những ẩn ức của cuộc đời mình vào con cái để thúc ép đứa bé trở thành một thứ gì đó vượt trội, có người coi con cái như cục nợ và chỉ cần vứt tiền nuôi chúng là đủ… Trong bài viết này, tôi sẽ viết về một thái độ khác, quan niệm khác trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: tận hưởng niềm vui với chúng và để chúng tự quyết định trong cuộc đời mình.

Tận hưởng niềm vui với con cái và để con cái tự quyết, nói thì dễ nhưng làm được thì rất khó. Chúng ta có thể nhìn lại thời thơ ấu của chúng ta. Chúng ta phải đối mặt với áp lực từ trường học với lời trách mắng của thày cô, sự tẩy chay của bạn bè, nếu chúng ta cứ mải chơi và không tập trung học những điều trên lớp, hoặc thể hiện ý kiến phản đối chương trình trong sách giáo khoa hay lời dạy của thày cô, hoặc có một thói quen gì đó khác lạ. Chúng ta phải nghe đủ loại người lớn từ người thân cho đến người ngoài phàn nàn về lối sống của chúng ta. Và gần như chúng ta không có đồng minh, không một lời chia sẻ trong những lần đối mặt ấy. Vậy thì con cái chúng ta giờ đây cũng thế. Đừng so sánh về điều kiện sống, hãy so sánh về những vấn đề tâm lý cần đối mặt, chẳng phải ta và con cái chúng ta rất giống nhau sao? Thế thì tại sao không thể coi chúng như những người bạn ít tuổi hơn mà phải coi chúng như một sinh vật cần được dạy dỗ, cần được nhào nặn từ bàn tay của chúng ta? Cha mẹ khi để con cái được tự do và giữ mối quan hệ ngang bằng với con cái cũng sẽ gặp phải những áp lực không kém từ môi trường xung quanh: Thày cô gọi điện phàn nàn về con cái, những người lớn khác lời ra tiếng vào, và đương nhiên cũng phải từ bỏ không ít những niềm vui khác. Đương nhiên, không ít cha mẹ sẽ chọn phương án an toàn, giống như họ đã từng từ bỏ niềm vui của mình để tuân thủ mọi quy tắc xã hội đặt ra trong cuộc đời của họ.

Con của bạn liệu có thực sự cần rất nhiều đồ chơi hay không? Không, chúng cần nhiều đồ chơi để bù lấp những khoảng thời gian trống khi bạn không ở bên cạnh. Con của bạn có cần tới những trung tâm giải trí ồn ào hay không? Không, chúng cần tới đó bởi đó là cơ hội để được ở bên cạnh bạn. Bạn mới là điều quan trọng nhất, tối cần thiết nhất để mang tới niềm vui đích thực cho con cái, tất cả những thứ khác chỉ là phụ trợ mà thôi. Tôi đã thấy nhiều cha mẹ mua đồ chơi cho con để chúng cho bạn thời gian rảnh hay đưa chúng đi những trung tâm giải trí rồi lại hí hoáy với cái di động. Vậy chẳng phải chúng ta đã để niềm vui ấy vuột mất ư? Thay vì chúng ta quay trở lại với con người trẻ thơ để được vui cười như chúng, chúng ta đã áp đặt một thế giới trẻ thơ khác lên chúng với mục đích lảng tránh những tương tác tinh thần của hai thế hệ. Chơi với con trẻ như một đứa trẻ cũng không tệ đâu. Bạn chỉ cần vứt hết mọi thứ lo toan đời thường sang một bên, để nói một chuyện gì đó nhảm nhảm cùng con cái không vì mục đích gì cả, để đùa nghịch, để khám phá những chiều sâu tinh thần của nhau… Dần dần, bạn cũng như con bạn sẽ thấy những thú vui ngoài kia, ừ thì cũng hay đấy, nhưng không thú vị bằng khoảnh khắc ở bên nhau, bởi khi ở bên nhau bạn và con bạn được bộc lộ những gì phải giấu kín với thế giới ngoài kia.

Con bạn có thật sự cần được dạy dỗ để thích nghi với đời sống xã hội ngoài kia hay không? Không, chúng không cần được dạy dỗ. Điều chúng cần không phải là chặt đi mọi cá tính của bản thân để thích nghi với xã hội. Chúng sẽ vui hơn khi được là chính chúng và biến đổi môi trường xung quanh chúng cho phù hợp với chúng. Điều này quá viễn tưởng, phải không? Hãy nhớ về tuổi thơ của bạn, có phải bạn luôn có một cái nhìn mang tính phán xét với thế giới người lớn, về những thứ kỳ quặc trong thế giới ấy? Nhưng rồi, xã hội, nhà trường, gia đình đã điều chỉnh cái nhìn phán xét ấy của bạn, thứ mà họ gọi là “đạo đức” hay “giáo dục công dân”. Dần dần, bạn thấy những thứ kỳ quặc ấy cũng … bình thường, và bạn được gọi là “khôn ngoan” hay “trưởng thành”. Rồi những ý định, những ước mơ của bạn cũng dần mờ nhạt đi, thay vào đó là chọn con đường an toàn mà xã hội hay gia đình đã định sẵn cho bạn thông qua truyền thông, các lời giáo huấn hay dạy dỗ hay định hướng. Thế là hết! Bạn phải tìm đến những niềm vui giả vờ thông qua đủ loại giải trí hay các cộng đồng hay các lớp dạy kỹ năng sống. Làm sao bạn có thể vui thật sự khi mà con người thật sự của bạn đã bị giam đâu đó trong cái thế giới được ghi đè lên tâm trí của bạn. Những cha mẹ chưa từng được tự do hay chưa từng được tận hưởng niềm vui sẽ không thể cho con cái của họ tự do hay niềm vui. Bạn có nằm trong số họ hay không? Hãy thử tự suy nghĩ xem sao?

Sau cùng, những vấn đề lo lắng thường thấy ở các bậc cha mẹ để quyết định cho con cái tự do và niềm vui, đó là “Liệu con mình có trở nên hư hỏng hay không, đời bây giờ nhiều cạm bẫy xấu xa lắm?”, hay “Xã hội bây giờ nó vận hành như thế, con cái mình không chấp nhận, liệu nó có cuộc sống yên ổn hay không?”… Những lo lắng này là thừa. Những đứa con chỉ nhìn vào cuộc đời của cha mẹ chúng hoặc ai đó nuôi dạy chúng. Nếu bạn tự do là chính mình, luôn vui vẻ, luôn gần gũi về mặt tinh thần với chúng, làm sao chúng có thể hư hỏng? Nếu bạn là chính mình và gặp đủ loại khó khăn nhưng bạn vẫn luôn bình tĩnh vượt qua, luôn vui vẻ đối mặt, thì con cái sẽ học được ở bạn phẩm chất ấy. Hành động trong cuộc đời của bạn sẽ có tác dụng hơn gấp bội so với những lời giáo huấn và dạy dỗ.

Bây giờ thì, nếu bạn đã có con, hãy tắt máy tính đi, và dành thời gian cũng như tinh thần cho con cái.

Hà Thủy Nguyên

Năm đầu tiên homeschool của mẹ trẻ

Mình cho mẹ trẻ nghỉ hè phải gần 1 tháng rồi, nhưng hôm nay mới bắt đầu thảnh thơi viết lại những gì mẹ trẻ đã học trong 1 năm đầu homeschool. Thỉnh thoảng mình có “nhá hàng” vài hoạt động kèm theo vài quan điểm của mình một cách vụn vặt, đây là bài tổng kết lại quãng thời gian vừa qua. Trước tiên, phải nói trước là, mình không hoàn toàn định hướng cho mẹ trẻ ra nước ngoài học, giống nhiều gia

Homeschooling thì học cách tương tác như thế nào?

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi tôi nói về chuyện con gái của tôi homeschool đó là nàng ta sẽ học cách tương tác xã hội như thế nào. Họ luôn cho rằng tương tác xã  hội sẽ chỉ được học ở môi trường nhà trường, nơi đó một đứa trẻ có những người bạn đồng lứa, và được sự chỉ dẫn của những người được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm. Tôi không đồng tình với quan điểm

Không đọc sách thì có sao

Mẹ trẻ nhà mình đến bây giờ vẫn KHÔNG THÍCH ĐỌC SÁCH, và mình thấy cũng chẳng sao cả! Mẹ trẻ là thách thức cho mọi lời tuyên truyền kiểu: - Cần có tủ sách gia đình đồ sộ để các pé quen dần với sách. - Người lớn trong gia đình ham thích đọc sách thì con cái sẽ học theo. 🤣 - Hay "đọc sách cùng con" thì con sẽ tạo lập thói quen đọc sách từ bé. 😕 Và cũng thách thức

Krishnamurti bàn về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống

Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, dù còn trên ghế nhà trường hay đã rời khỏi chốn ấy, chúng ta đều không khỏi băn khoăn về ý nghĩa của giáo dục. Tại sao chúng ta phải cần phải được “giáo dục”, tại sao chúng ta phải tuân thủ một loạt các định chế do nhà trường tạo ra. Tất cả những cải cách giáo dục dường như không thay đổi được gì nhiều tình thế của chúng ta, chúng có thể có

Đừng né tránh bệnh thành tích và bất bình đẳng trong trường học bằng những tranh luận vô nghĩa (và xóa trường chuyên không phải là giải pháp)

Viết nhân dịp ra mắt cuốn sách TRƯỜNG HỌC KÉM THÀNH TÍCH do con gái của mình dịch (nhân vật vẫn được gọi bằng bí danh "mẹ trẻ" trên facebook), cùng lúc cộng đồng mạng đang bàn luận say sưa về mâu thuẫn giữa trường chuyên và trường thường. 1/ Đầu tiên... hiểu về trường thường đôi chút nhé! Đầu tiên, ta quay trở lại một chút mô hình trường học. Chúng ta chủ yếu học theo mô hình trường học phổ thông, tức là