Home Bình Luận Thơ như biểu hiện của tâm tưởng

Thơ như biểu hiện của tâm tưởng

Mọi định nghĩa về Thơ và những tiêu chuẩn đặt ra cho Thơ đều vô nghĩa. Định nghĩa cái gì là Thơ giống như định nghĩa tình yêu, định nghĩa sự chứng ngộ, định nghĩa về đạo, càng định nghĩa càng sai. Thơ không phải một thể loại, nó là một trạng thái. Khi chúng ta định nghĩa thơ như một thể loại văn bản chúng ta dễ dàng bị lẫn lộn Thơ với các loại văn bản được cấu trúc bằng niêm luật của vần điệu, khuôn mẫu ngôn từ. Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng sự không niêm luật chính là thơ, đó có thể chỉ là một loại văn bản phá cấu trúc với các trò chơi ngôn từ.

Thơ nằm ở trong nội hàm của diễn ngôn, không nằm ở hình thức. Diễn ngôn không phải văn bản, diễn ngôn mang tính giao tiếp còn văn bản mang tính trình bày. Thơ, từ cội nguồn lịch sử của mình đã ở ngoài văn bản. Người xưa sáng tác thơ trong trạng thái phi lý trí, thơ tuôn chảy thông qua diễn xướng của họ lúc nhập thần, vào những đêm say sưa bên đốm lửa, khi say đắm tỏ tình với người yêu, hay trong đơn độc tự đối thoại với chính mình… Sự giao tiếp mà từ đó thơ hình thành, khác với giao tiếp hàng ngày, bởi giao tiếp hàng ngày thì mang tính chất trao đổi thông tin và thực hiện các nghi thức trong mối quan hệ; còn thơ tuôn trào khi sự giao tiếp ấy mang tính chất nội tâm.

Nội tâm khi được biểu hiện luôn bột phát và có cấu trúc bất thường. Sức mạnh của nội tâm trong thơ một cách vô hình đã chạm được đến tâm tư của người thưởng thức, sự đồng điệu nảy sinh và khiến cho người đọc như thể cùng ở trong cõi tâm thức của nhà thơ. Nhưng bài thơ chạm được đến nội tâm của nhiều người không có nghĩa là bài thơ ấy hay hơn những bài thơ chỉ chạm đến một số ít người. Cái hay của thơ không thể đo lường theo cách ấy, bởi vì sự hay của bài thơ nằm ở cảm nhận của người đọc chứ không nằm ở người sáng tác. Người sáng tác thơ cố gắng cầu kỳ câu chữ, niêm luật hóa ngôn từ thậm chí là cách tân ngôn từ thì lời thơ sẽ vì thế mà kém đi phần nội tâm.

Nội tâm là một khối hỗn hợp phức tạp của tâm trí, những điều dồn nén vào bên trong ít khi được biểu hiện ra, mà ở trong thơ thì sự biểu hiện lại vượt ra khỏi sự kiểm soát của người viết. Nội tâm không chỉ là cảm xúc, còn là rất nhiều những chiêm nghiệm, những ám ảnh, những ước ao, những nỗi niềm… Thơ phản ánh nội tâm của nhà thơ, và nội tâm thì không thể bị trói buộc trong hình thức.

Việc một tác giả lựa chọn một hình thức thơ để gửi gắm nội tâm của mình, sự lựa chọn ấy không hẳn là chủ động, mà đôi khi đến từ việc nội tâm của họ được huấn luyện nhuần nhuyễn tới mức mọi tâm tư theo khuôn mẫu của hình thức mà tuôn trào. Nhưng những nhà thơ có nội tâm mạnh mẽ và phóng túng luôn có những sáng tác vượt ra khỏi khuôn mẫu, và người đọc một khi được lay động tâm can thì cũng chẳng quan tâm đến niêm luật, sẽ chẳng ai hỏi tại sao lại thanh bằng mà không phải thanh trắc, tại sao đang câu lục bát lại chuyển sang câu ngũ ngôn…

Chúng ta cũng không nên nhầm lẫn giữa hình thức và niêm luật, bởi hình thức thơ có thể bao hàm cả niêm luật và phi niêm luật. Nhà thơ tạo ra sự cách tân hình thức về bản chất là sự phá bỏ các niêm luật cũ, nhưng khi sự cách tân mang tính chất chủ động thì trớ trêu thay, lại tạo ra thứ thơ sống sượng mà trong đó nội tâm không tồn tại, còn ngôn từ thì sáo rỗng.

Nội tâm con người chia ra làm hai thái cực : Nhã và Tục, thơ cũng theo đó mà hình thành nên hai chiều hướng đối lập. Nhưng hai thái cực này cũng thường xuyên bị hiểu sai. Chúng ta thường nhầm lẫn Nhã thường đi kèm với những niêm luật thơ và những hình ảnh thơ đẹp, quý phái. Còn Tục cũng thường bị hiểu là những gì thô lậu. Sự phân chia này do sự mặc định của giai cấp, trong đó Nhã thì gắn bó với giới quý tộc còn Tục thì gần với tầng lớp thường dân, từ đó mà nảy sinh mâu thuẫn giữa hai thái cực. Chữ Nhã trong tiếng Hán có nghĩa là tốt đẹp, cao quý; còn chữ Tục có nghĩa là thông thường, đời thường. Nhã gần với sự đẽo gọt còn Tục thì gần với sự thô lậu. Hai xu hướng này ở thơ ca phương Tây cũng được chia ra hai chiều hướng đó là Hàn Lâm và Đại Chúng, trong đó Hàn Lâm thì cầu kì về hình thức còn Đại Chúng thì có ngôn ngữ giản đơn. Nhưng sự phân chia hai thái cực ấy không có nghĩa rằng thái cực Nhã – Hàn Lâm là hay, còn Tục – Đại Chúng là dở; hoặc ngược lại, không phải cứ Tục – Đại Chúng là nội tâm được biểu hiện chân thực, còn Nhã – Hàn Lâm thì giả dối. Tất cả phụ thuộc vào việc nội tâm của nhà thơ và người đọc thuộc thái cực nào.

Vậy nên, chúng ta đọc thơ, thưởng thơ, cũng không thể cưỡng cầu. Nếu chúng ta đọc một bài thơ mà không cảm thấy hay, điều ấy có nghĩa là giữa nội tâm của nhà thơ trong khoảnh khắc sáng tác và nội tâm của ta khi đọc bài thơ không tồn tại sự giao cảm. Không phải chúng ta tìm hiểu hết tất cả những gì được coi là sự sâu sắc, tính triết lý, cấu trúc nghệ thuật phức tạp của một bài thơ thì có nghĩa rằng chúng ta có sự giao cảm với nhà thơ và thực sự được thưởng thức thơ.

Nhưng chúng ta có thể biết cái gì không phải là thơ. Thứ không phải thơ chính là sự mượn hình thức thơ ca mà không tồn tại nội tâm trong đó. Tuyên truyền, giao đãi, nịnh bợ, quảng cáo, tô vẽ cho danh xưng của bản thân… tất cả đều không phải thơ. Vậy thì để đọc thơ, thưởng thơ, chúng ta hãy bắt đầu bằng hé mở nội tâm của mình, để hấp thụ, để lắng nghe và để tái hiện tâm tưởng của nhà thơ vào khoảnh khắc những vần thơ tuôn chảy trong họ.

Hà Thủy Nguyên

>>Đọc thêm: Say rượu một cõi mù mờ nơi thơ – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Say rượu một cõi mù mờ nơi thơ

Nhà thơ tìm đến say để gỡ bỏ lớp lý trí. Ái tình mang đến say đau đớn, thuốc phiện mang đến say mộng ảo, nhưng rượu mang đến say cuộc đời. Trong muôn loại say, say rượu có đủ muôn hình vạn trạng, bởi say rượu là một cách để tách khỏi đời sống mà không bước ra khỏi đời sống, trải nghiệm mọi thang bậc của đời sống mà không tầm thường theo nó. Nhà thơ say rượu như một trạng thái tự

Khi đời sống ngôn ngữ thiếu tính cảm xúc và ngôn từ gợi tả

“Tôi yêu tiếng nước tôi…từ khi mới ra đời…à ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời…”(Trích “Tình ca” của Phạm Duy) Mơ màng trong tiếng ru với giai điệu êm ái, một đứa trẻ lớn lên trong không gian ấy luôn có điểm chạm ngôn ngữ sâu sắc trong tâm trí. Dễ chịu trong vòng tay yêu thương của mẹ, lim dim để mặc những cảm xúc ấm áp dưới biểu hiện của ca từ ngấm vào tâm hồn non nớt, từ đó, lớp