Tôi đọc thơ Hàn Mặc Tử lần đầu năm 14 tuổi và không có nhiều ấn tượng thực sự với thơ ông. Bài đầu tiên ấy chính là “Đây thôn Vĩ Dạ”. Lúc đó, tôi còn đang say theo “Một chiếc linh hồn ngọc/Mang mang thiên cổ sầu” của Huy Cận. Vì quá yêu thơ Huy Cận, tôi đã kiếm cho bằng được tập “Lửa thiêng” (Hồi đó khó kiếm lắm nhé, nhất là với học sinh cấp 2). Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò, điều gì khiến Hàn Mặc Tử được yêu thích đến vậy? Sự ái mộ của mọi người với thơ ông có thể nói là cuồng nhiệt. Và tôi đã đọc toàn bộ thơ ông để cố tìm ra lời giải. Lời giải chưa tìm ra được, nhưng tôi đã tìm được những bài thơ tuyệt hay của Hàn Mặc Tử, dù nó không quá nổi tiếng. Và “Cuối thu” là một bài như vậy.
Lụa trời ai dệt với ai căng,
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn,
Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.
Mây vẽ hằng hà sa số lệ,
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn.
Sao không tô điểm nên sương khói,
Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn.
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ,
Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ.
Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,
Điềm báo thu vàng gầy xác xơ.
Thu héo nấc thành những tiếng khô.
Một vì sao lạ mọc phương mô?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?
Thoáng đọc bài thơ, tôi thấy một sự cô độc, trống vắng, hư vô dấy lên trong lòng. Sự hoang vắng này không làm ta sợ, mà khiến những linh ảnh bắt đầu thức dậy trong tôi – những hình ảnh thơ. Có những bài thơ mang nhiều tính tự sự và tuyên ngôn, có những bài thơ lại tạo nên những thực tại có thể ám ảnh tâm trí của ta. Những bài thơ ấy thường có màu sắc tượng trưng hoặc siêu thực. Là tượng trưng hay siêu thực không quan trọng với tôi cho lắm, chỉ là hình thức! Với tôi, điều quan trọng là tôi có thể nhìn thấy mình lạc hồn trong một “giấc mơ khi thức” của các hình ảnh thơ đến từ nhiều thực tại khác nhau được đồng hiện. Và tôi bắt đầu giải mã! Tôi luôn thích hành vi giải mã! Không rõ đưa một chút nghiệp vụ trinh thám vào văn chương có phải là điều nên hay không, nhưng với tôi đó là một công việc thích thú.
Hàn Mặc Tử mở đầu bài thơ một lời thốt lên thích thú: “Lụa trời ai dệt với ai căng/Ai thả chim bay đến Quảng Hàn”. Bầu trời (không cần quan tâm đến khoảng thời gian) được so sánh với một tấm lụa mà ai đó kỳ vĩ đã dệt nên. Từ “căng” gợi cho ta thấy một bầu trời cao rộng, không gợn mây. Hình ảnh “lụa” khiến ta cảm nhận được độ mịn và nhẹ của không gian trời. Giữa tầng không ấy, là những cánh chim bay đi, và tác giả nảy lên một suy nghĩ rằng: “Ai thả chim bay đến Quảng Hàn”. Quảng Hàn ám chí cung trăng. Trời một buổi cuối thu, nhưng Hàn Mặc Tử không nhìn thấy chim bay về phương Nam tránh rét, mà lại bay lên cung trăng – một nơi rộng và lạnh (Quảng: rộng, Hàn: lạnh). Đó là một yếu tố siêu thực. Siêu thực là khi nhà thơ định hình thực tại đang diễn ra theo cách của mình, bất chấp mọi logic và khoa học. Những con chim bay lên cung trăng, không rõ để nhắn gửi điều gì, cũng không rõ để làm điều gì, nhưng nó gợi cho tôi một cảm giác thoát khỏi mọi điều trần tục để đối diện với cõi bên trong của tâm tưởng – một cõi rộng và lạnh. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện ở “cõi bên trong” ấy chính là “Và ai gánh máu đi trên tuyết/ Mảnh áo da cừu ngắm nở nang”. Không rõ, “ai” trong câu này có tương đồng với “ai” trong “dệt” và “căng” “lụa trời”, với “ai thả chim bay” hay không? Có thể là một, có thể không. Khi con người có thể có rất nhiều cái tôi, thì phân biệt “ai” với “ai” cũng có quan trọng gì. Từ “ai” đơn giản chỉ là một phiếm chỉ. Hình ảnh một người khoác áo da cừu gánh máu đi trên tuyết là hình ảnh khó giải thích, bởi lẽ chính Hàn Mặc Tử cũng chưa bao giờ giải thích được. Theo ông kể, hình ảnh đó đến từ một giấc mơ của ông. Điều đó tức là, việc giải mã của tôi là một sự nỗ lực để hiểu một điều mà chính Hàn Mặc Tử cũng không hiểu rõ. Không sao, tôi sẽ cố gắng làm một người giải mộng. Đúng sai không quan trọng bởi lấy ai là người phán xét đây! Một trong các mã quan trọng của hình ảnh thơ này là “máu”. Nếu “tuyết” có thể đồng bộ với hình ảnh “lụa trời” và “chim bay đến Quảng Hàn” ở hai câu trên ở độ tinh sạch của không gian thì “máu” là một sự tương phản. “Máu” xuất hiện nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt là trong những bài thơ ông sáng tác ở trại phong Tuy Hòa. “Máu” như một tượng trưng của cơn đau, những cơn đau vừa thể xác, vừa tinh thần:
“Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh”
(Trích “Rướm máu” của Hàn Mặc Tử)
Hình ảnh người đi trên tuyết “gánh máu” như thể đang chịu đựng mọi nỗi đau, kìm mọi nỗi đau ấy lại để đi trong sự thanh sạch của không gian. Trong giấc mơ mà Hàn Mặc Tử kể lại thì xô máu ấy sánh ra những giọt máu trên tuyết. Nỗi đau ấy đã thấm vào không gian, dù chỉ một chút thôi, những cũng đủ để tác động đến thực tại. Về sau, Hàn Mặc Tử không còn tâm trạng của một kẻ “gánh máu” nữa mà đã trở thành “ngất ngư trong vũng huyết”. Nếu dựa vào văn bản thơ, ta thấy rằng ở các khổ sau của bài “Cuối thu”, nỗi đau đã tác động đến không gian. Không gian không còn vẻ mênh mông, lạnh và sạch như ở khổ đầu nữa, không gian đã bị lây nhiễm nỗi đau…
Bầu trời không còn “căng” nữa mà bắt đầu chùng xuống với “Mây vẽ hằng hà sa số lệ”. “Lệ” cũng là một biểu tượng của nỗi buồn. “Lệ” này có phải ám chỉ một cơn mưa nhẹ hay không? Không rõ! Nhưng sự xuất hiện của mây đã khiến không gian nhuốm một màu buồn của “ly biệt giữa cô đơn”. Nỗi buồn đã giăng khắp không gian. Một câu hỏi tu từ đặt đặt ra “Sao không tô điểm thêm sương khói/ Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn”. Nhưng ngay từ khi câu hỏi xuất hiện thì sương khói đã xâm chiếm không gian. Nếu ở hai câu đầu của bài thơ, không gian vẫn là không gian bên ngoài được định dạng theo cõi bên trong của tác giả, thì dần dần, cõi bên trong đã xâm chiếm toàn bộ. Và đến đây thì “cõi lòng tôi” ấy đã xâm chiếm toàn bộ thực tại. Trong “cõi lòng tôi” ấy, ông có thể tha hồ “tô điểm” những gam màu, những hình ảnh. “Sương khói” cũng là một hình ảnh ước lệ. Trong Đường thi, sương khói thường gợi cảm giác hiu quạnh và nhớ nhung. Thôi Hiệu trong “Hoàng Hạc lâu” đã từng viết: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng khiến cho người ta thấy buồn). Sương khói đã trở thành một biểu tượng của nỗi sầu từ lúc Thôi Hiệu say rượu trên lầu Hoàng Hạc từ buổi hoàng hôn ấy.
Cận cảnh hơn nữa là những đặc tả của “bãi cô liêu”, “cây gì mảnh khảnh”, “thu vàng gầy xác xơ”. Tất cả các từ “hững hờ”, “buồn phơn phớt”, “vắng trơ vơ”, “run cầm cập” là một sự đan cài giữa cảm giác của nhà thơ với khung cảnh. Như thể, sự run rẩy của một cái tôi giữa thinh vắng đã nhập vào cái cây khô, đồng điệu với cái run rẩy của cây trong thời khắc cuối thu, khi vạn vật đang dần lụi tàn. Một cảm thức của cái chết. “Thu héo nấc thành những tiếng khô” – đó phải chăng là sự hấp hối của thể xác? Hai từ “tiếng khô” khiến tôi liên tưởng đến những gì tác giả nghe thấy bên trong cơ thể đang dần chết của mình, giống như thứ tiếng của vạn vật đang héo úa va chạm vào nhau của buổi cuối thu.
Giữa nỗi đau khi cảm nhận cái chết của vạn vật ấy, “một vì sao lạ” đã xuất hiện. Để chỉ sự xuất hiện của vì sao này, nhà thơ dùng từ “mọc”. “Mọc” chỉ một sự di chuyển từ đường chân trời lên đến bầu trời. Trong quan niệm của dân gian, một vì sao mọc là điềm báo của một linh hồn vĩ đại đã lìa đời. Trong quan niệm chiêm tinh của Hy Lạp cổ đại và Á Đông, một vì sao xuất hiện là một “điềm báo” cho sự giáng thế của một vị thần, và vị thần này chính là “người thơ”. Có lẽ, nên nghiêng về cách hiểu “sao mọc” là điềm cho một sự giáng thế hơn, bởi ở câu sau, Hàn Mặc Tử thốt lên “người thơ chưa thấy ra đời nhỉ”. “Người thơ” ở đây không nên hiểu là nhà thơ. Trong quan niệm của nhiều học giả hiện đại, tính thơ là biểu hiện cho sự thiêng liêng, cao quý, thoát tục và bay bổng. “Người thơ” ở đây nên được hiểu theo nghĩa này. “Người thơ” mang trong mình sự thuần khiết và “trinh bạch” đến với thế giới. Thế mà “người thơ” ấy vẫn chưa chuyển thế, vẫn còn bị giữ trong thân xác đang bị hủy hoại dần dưới “đáy mồ”.
Nhìn sâu hơn, ta có thể thấy, Hàn Mặc Tử đã đi từ biểu tượng người “gánh máu đi trên tuyết” đến hình ảnh “người thơ”. Bài thơ thể hiện tất cả quãng chuyển biến ấy. Trong khoảnh khắc cuối thu, nỗi đau mà người phải gánh chịu bấy lâu nay đã văng khắp không gian, thấm đẫm cõi lòng. Đau đơn tận cùng, cảm nhận từng chuyển động vi tế của cơn đau! Để rồi chờ đợi để chứng kiến sự tái sinh nhẹ nhõm của phần trinh bạch nhất, phần con người đẹp nhất ở bên trong – “người thơ”.
Thơ ca là vậy, luôn luôn nhiều ẩn ngữ. Việc giải mã thơ ca vừa giống lại vừa không giống điều tra án. Đọc một bài thơ, ta phải phát hiện được các mã ẩn chữa trong các biểu tượng và thử giải nó. Nhưng giải mã thơ có thể không có đáp án chuẩn xác. Mỗi người chúng ta có thể nhìn bài thơ ở một khía cạnh khác nhau rồi đi đến những luận giải khác nhau. Và người giải mã hoàn toàn có thể phóng chiếu tâm trí của bản thân vào việc giải mã. Nhưng việc phóng chiếu này có thể khiến chúng ta bỏ qua những gì hay nhất của bài thơ mà chúng ta không hề hay biết. Vì thế, việc phóng chiếu này cũng cần được đối chứng bằng giải nghĩa các từ, các câu. Lần đầu đọc bài thơ này, tôi đã nghĩ Hàn Mặc Tử đơn giản là tả một cảnh chiều thu. Lần sau, khi viết bài luận ở trường đại học, tôi thấy bài thơ nói về tâm trạng cô độc của buổi chiều thu. Giờ đây, trải qua không ít lần “gánh máu đi trên tuyết”, tôi lại nhìn thấy ở bài thơ là một sự chuyển biến trong tâm thức từ một người cô độc cao ngạo thành một người thơ cao quý và thuần khiết. Không chắc rằng cách hiểu này là cách hiểu tiệm cận với trạng thái của nhà thơ, nhưng tôi có thể chắc rằng, một bài thơ hay là một bài thơ có thể cho ta nhiều sự cảm nhận với nhiều góc nhìn khác nhau, tùy theo sự tăng tiến của tinh thần.
Hà Thủy Nguyên