Home Sáng tác mới Tự ngôn của Đông Phương giáo chủ về lẽ tự nhiên

Tự ngôn của Đông Phương giáo chủ về lẽ tự nhiên

Đông Phương Sóc nằm lăn lóc trên một phiến đá ven con suối dưới ánh trăng. Lão Tử như cơn gió bay ngang qua, thấy Sóc bê tha quá thể, vội đậu xuống cạnh Sóc. Sóc cũng chẳng thèm bận tâm, vẫn tiếp tục nghêu ngao một điệu hát thô tục chốn nhân gian.

Lão Tử hít vào thở ra thiền định, những mong dòng năng lược Thái Cực của Lão có thể khiến Sóc thôi không hát mấy lời thô tục nữa. Nhưng vô hiệu. Lão Tử lại càng hít vào thở ra một cách tĩnh lặng hơn.

Đông Phương Sóc đột nhiên phá lên cười như thằng điên, Lão Tử ti hí mắt nhìn, nhưng về căn bản vẫn thở ra hít vào.

Sóc nói:
– Ngày trước ta cảm thấy không phải ông viết Đạo Đức Kinh đến nay mới thực biết là ông ăn cắp bản quyền.

Lão Tử vẫn trầm ngâm:
– “Trời đất trường cửu. Trời đất sở dĩ trường cửu được là vì không sống riêng cho mình. Bậc thánh nhân đặt mình ở sau mà thành ra trước, đặt thân mình ra ngoài nên thân mới còn. Chẳng phải không vì việc riêng mà thành được việc riêng?” Sách của ta viết hay không phải của ta viết thì có khác gì nhau!

Sóc phì cười:
– Thật là một lối nói khôn ngoan để né tránh câu hỏi của ta. Những bậc “đắc đạo” như ông thường tỏ ra nguy hiểm để lòe bịp con người vốn hoang mang. Vừa nói là có, vừa nói là không có, điều ấy khẳng định cho việc không có. Người biết thì không nói, ngươi đã nói ra, quả thực ngươi chả biết gì.

Lão Tử mấp máy môi:
– “Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cữu bất biến”.

Sóc đập tay lên trán facepalm:
– Thật nực cười, nhận danh xưng của thiên hạ cho mình là đắc đạo, là thánh nhân, thế mà còn duy thuyết về một thứ không thật là đạo. Đạo là gì, ta chắc rằng đến ngươi cũng không thể biết.
– Đạo là Lẽ tự nhiên!

Sóc tức giận gầm lên dưới ánh trăng như một con mãnh thú hoang dã.
– Thế nào là lẽ tự nhiên? Có một cái gì đó vô hình không thể gọi tên ra chi phối mọi sự vật, sự việc trên đời ư? Đã gọi là chi phối thì không còn tự nhiên nữa. Đã là tự nhiên thì không gì có thể chi phối. Lẽ tự nhiên, thuận mồm ai cũng nói, nhưng đó chỉ là lời của những kẻ chấp nhận mình thành con gián thấp hèn chui rúc nơi xó xỉnh. Con gián hàng triệu năm không tiến hóa, lúc nào cũng đông đảo, trong điều kiện độc hại đến mấy, con gián vẫn sống được. Ấy gọi là “thuận theo lẽ tự nhiên” sao?
Các ngươi nói nhập làm một với tự nhiên là lối sống đỉnh cao của khoái lạc. Nhưng nhập làm một tức là không còn “mình” nữa, không còn mình nữa thì đâu còn sự khoái lạc. Không có sự khoái lạc, không còn “mình” nữa thì nhập làm một với lẽ tự nhiên cũng để làm gì đâu.

Các ngươi nói lẽ tự nhiên không thể mô tả, nhưng ta nói lẽ tự nhiên đích thực là không có cái “lẽ” nào được dán mác “tự nhiên” cả. Những quy ước âm dương, phải trái, đúng sai, “vi” và “vô vi” của các ngươi chỉ là một cái bẫy tâm trí. Với người thường, tâm trí phân biệt nhị nguyên dẫn họ vào phán xét và tiêu diệt nhau, ấy là một cái bẫy thô thiển. Với những kẻ tự cho mình đứng trên nhị nguyên lại rơi vào cái bẫy khác lớn hơn, cái bẫy của ảo tưởng thức tỉnh và đắc đạo. Với cái bẫy này, chúng không thể mở tròn hai con mắt để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống mà suốt ngày chỉ nhìn đời qua đôi mắt gián nhấm với sự thiểu năng về thị giác.

Hoặc ngươi nhắm hẳn mắt lại, chết hoàn toàn, tan biến vào lẽ tự nhiên mà ngươi rao giảng. Hoặc ngươi hãy mở to mắt ra mà chứng kiến mọi hỉ nộ ái ố của nhân gian rồi nhận ra rằng mọi khoảnh khắc của cuộc sống đẹp đẽ biết bao nhiêu.
Ta không cần sống dai như loài gián, ta không cần chặt đầu đi mà vẫn sống sót được vài ngày vô nghĩa. Ta chẳng quan tâm tới vi hay là vô vi, không quan tâm đến đạo hay là vô đạo, không quan tâm đến nhị nguyên hay vượt trên nhị nguyên, cũng chả cần biết mình có mắc bẫy hay không.

Lẽ tự nhiên của ta dành cho chính ta và do ta đặt ra. Ta không bắt bất cứ loài nào phải chịu sự chi phối của ta và cũng đừng có kẻ nào bắt ta phải làm gì. Kẻ nào bắt ta phải tuân phục theo hắn, bắt ta không còn là chính ta, kẻ đó sẽ tự hủy hoại bản thân mình cho đến khi chỉ còn là hư vô.
——-
Lão Tử mờ dần, mờ dần rồi tan biến vào hư vô. Chúc mừng Lão Tử, sau mấy ngàn năm lải nhải theo một quyển sách trộm được trong kho sách của nhà Chu, hắn đã thực sự đạt đến cảnh giới “vô”.

Lão Tử biến mất, Sóc cũng thôi không hát mấy điệu thô tục. Đông Phương Sóc là giáo chủ của một giáo phái mà Sóc là tín đồ còn Đông Phương là giáo chủ.

Hà Thủy Nguyên