“V for Vendetta” là một bộ truyện tranh nổi tiếng vào thập niên 80-90 của thế kỷ 20 (Alan Moore & David Loyld) kể về một giả tưởng đen tối dự báo về sự cầm quyền độc tài ở nước Anh trong tương lai và cách thức con người phản kháng chống lại hệ thống. Nhân vật chính là V và Evey, những nạn nhân của hệ thống, đã tổ chức một cuộc đánh bom tòa nhà quốc hội vào ngày 5-11, kỷ niệm 400 năm ngày Guy Fawkes âm mưu làm nổ điện Westminster (1605). Biểu tượng V với chiếc mặt nạ Guy Fawkes đã gây một sức ám ảnh lớn với giới trẻ Âu Mỹ. Năm 2005, “V for Vandetta” được chuyển thể thành phim bởi anh em nhà Wachowski, tác giả của phim “The matrix” – 2000 và “Cloud Atlas” – 2012.
Mở đầu bộ phim là lời kể lại của Evey như một sự khẳng định về sức mạnh của lý tưởng: “Chúng ta được bảo rằng hãy ghi nhớ lý tưởng chứ không phải con người. Bởi vì con người có thể gục ngã, ông ta có thể bị bắt, bị giết và bị lãng quên. 400 năm sau một lý tưởng vẫn có thể thay đổi thế giới. Tôi đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của lý tưởng, người ta giết chóc và chết để bảo vệ chúng. Nhưng bạn không thể hôn một lý tưởng, ôm lấy hay chạm vào nó. Lý tưởng không thể chảy máu, chúng không biết đau, chúng không biết yêu…” Bỏ qua tất cả những gì bạo lực, cực đoan, những hạn chế của đặc trưng văn hóa, chúng ta sẽ hiểu được rằng tác giả của “V for Vandetta” và ẩn ý của đạo diễn trong việc kích động một nghệ thuật nổi dậy mới – điều mà các cuộc bạo loạn trước đây chưa từng có trong lịch sử. Bởi thế mà V với chiếc mặt nạ Guy Fawkes trở thành biểu tượng chung cho Tổ chức hacker thế giới Anonymous.
Các cuộc nổi dậy trong lịch sử không dựa trên sự thật, chúng đều được tổ chức bằng những lời hứa hẹn của các lãnh tụ chính trị về một tương lai tốt đẹp hơn. Thế nhưng, tương lai của các cuộc nổi dậy hay cách mạng đều là chuẩn bị một cái lồng mới tinh vi hơn để thay thế cái lồng cũ, những “lời nói dối trắng” đã bị bôi bẩn theo năm tháng và trở thành tội ác được giấu diếm để duy trì quyền lực. Chỉ khi hệ thống phải che đậy quá nhiều sự dối trá, bảo mật thông tin của hệ thống mới được đề cao. Thế giới được mô tả trong “V for Vandetta” là một thế giới không có lời nói thật, các tác phẩm nghệ thuật và kiến thức, âm nhạc, nghệ thuật đều bị cấm, một nơi mà hoa hồng cũng bị tuyệt chủng. Những người dân trong đó vừa lòng với cuộc sống tiện nghi, bị đe dọa bởi nhà cầm quyền và an toàn trong nỗi sợ hãi. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những người vi phạm điều luật về lòng trung thành để tàng trữ kiến thức, để giúp đỡ những kẻ nội dậy, những người mà ý chí tự do mạnh mẽ hơn nỗi sợ, những người tìm kiếm sự thật. Và “V for Vandetta” mô tả về một cuộc nổi dậy mới, không dựa trên những mô tả không tưởng về một xã hội tốt đẹp hơn, chỉ đơn giản là Sự Thật. Bất cứ con người nào sinh ra trên Trái Đất này cũng được quyền biết về Sự Thật, biết về những gì đang kiểm soát và chi phối đời sống của họ, biết về những gì ẩn đằng sau lời nói dối đang lan tràn như bệnh dịch trong bầu không khí.
Âm mưu dối trá của tên độc tài Adam Sutler là về dự án virus của chính phủ nhằm tạo ra một loại vũ khí sinh học để ngăn ngừa chiến tranh với tính hủy diệt Trái Đất ít hơn so với bom hạt nhân. Đó là lý lẽ để thuyết phục những khoa học gia ngây thơ về chính trị tham gia vào dự án. Thế nhưng, đằng sau lời hứa hẹn về chấm dứt chiến tranh, là âm mưu kiểm soát chặt chẽ hơn của những kẻ tham vọng quyền lực. Hãy tưởng tượng về một bệnh dịch tràn lan và giết chết hơn 80.000 người, và chỉ một nhóm quyền lực nắm được phương thuốc chữa trị. V là nạn nhân trong dự án ấy, anh bị đem ra làm vật thí nghiệm và là cá thể duy nhất còn sống sót. Biết được sự thực anh đã thiêu hủy khu trại thí nghiệm, khoác lên mình bộ áo choàng đen thời trung cổ và che dấu bộ mặt bằng xương bằng thịt của mình bằng mặt nạ Guy Fawkes. Ẩn dưới chiếc mặt nạ không phải một bộ mặt khác mà là một lý tưởng: Nếu hệ thống được dựng lên bằng lời dối trá thì nó sẽ bị hạ bệ bởi Sự Thật.
Evey là biểu tượng cho người dân thường. Anh trai cô bị chết vì bệnh dịch, bố mẹ cô nổi dậy chống lại chính quyền và bị ám sát… thế nhưng cô lại chôn vùi mình trong cuộc sống của sự dối trá thông thường… cho đến khi V xuất hiện. Với V, cô được sống lại những nguồn cảm hứng lý tưởng trong mình, được tiếp xúc với nghệ thuật, được nhớ về Shakespeare, Goethe, Tchaikovsky… Nhưng nỗi sợ hãi vân còn đó trong cô, có lẽ điều cô sợ không phải là cái chết, cô sợ đối mặt với sự thật. Cô đóng giả là cô gái mua vui đến gặp linh mục Lilithman và niềm tin sụp đổ khi thấy linh mục này hàng ngày khoác trên mình bộ trang phục kẻ tôi đòi của Chúa nhưng lại không thoát khỏi những ham muốn dâm loàn. Linh mục Lilithman là đại diện cho tầng lớp tăng lữ phục vụ các loại hệ thống, những kẻ tôi đòi của Chúa nhưng lại bán linh hồn cho Qủy Dữ. Thật đúng là “Với bộ mặt ngoan đạo và những hành động đạo đức giả, ta bọc đường cả quỷ dữ” Nhưng điều thật sự truyền cảm hứng đến Evey là tự truyện của Velery – một trong những tù nhân của thí nghiệm virus, từ đó cô hiểu rằng có nhiều điều còn quan trọng hơn cả cái chết, đó là sống với sự thật.
Mọi thứ được hệ thống tạo ra đều phục vụ hệ thống: chính phủ, nhà thờ, tập đoàn, trường học, an ninh, truyền thông… đều sẵn sàng nói dối để bảo vệ sự trật tự. Trong “V for Vandetta”, sau sự xuất hiện của V, những người trong chính phủ không thể không biện minh “Bịa đặt là công việc của chính phủ trên khía cạnh tích cực”. Hệ thống có thể nói dối nhưng con người thì không. Vì sợ hãi, con người thường tự ru ngủ mình bằng lời nói dối. Vì lý tưởng, con người được đánh thức bởi Sự thật. Và đó là cách lý tưởng tồn tại vĩnh viễn. Nhờ lý tưởng mà con người luôn hoài nghi hệ thống, chỉ cần ai đó cho họ biết rằng có nhiều người cũng đang hoài nghi điều giống họ, sự hỗn loạn hệ thống bắt đầu. Không có gì phá vỡ hệ thống mạnh mẽ hơn những con người đầy hoài nghi và tìm kiếm Sự Thật. Chúng ta đều là con người, dù bạn là chính trị gia, linh mục, thương gia, sinh viên, điều tra viên, phóng viên truyền hình… hay đơn giản là những công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng… bạn đều được quyền quyết định về hệ thống như V đã nói: “Người dân không cần phải sợ chính phủ của họ, chính phủ cần phải sợ người dân của mình”.
V chỉ là người gieo rắc lý tưởng, anh không phải người hoàn thành nó.Người hoàn thành cuộc tấn công tòa nhà quốc hội là Evey, thám trưởng Finch và hàng vạn người đeo chiếc mặt nạ Guy Fawkes dũng cảm phá hủy hệ thống cũ. Cái gì đến sau khi sự thật được tiết lộ khi mọi hệ thống chính trị trong lịch sử đều dựa trên dối trá, đúng như Evey nghi ngờ: “Mỗi khi thế giới thay đổi nó lại trở nên tồi tệ hơn”. Thế nhưng lý tưởng tìm kiếm Sự Thật sẽ tiếp tục được nhắc đi nhắc lại hết thế hệ này đến thế hệ khác cho đến khi một hệ thống lý tưởng ra đời.
Lý tưởng ấy đến nay ngày càng được nhiều người hướng đến vì thế kỷ 21 là bắt đầu của kỷ nguyên thông tin và mọi sự bảo mật dối trá đều vô vọng. Người ta không thể giấu diếm sự dối trá hàng thế kỷ giống như những thời đại trước. Nếu một hệ thống không được hình thành bằng sự trung thực thì sẽ không bao giờ có được lòng trung thành. Giống như phản ứng Domino, Sự Thật lây lan như virus và chẳng bao lâu sẽ hủy hoại hệ thống cũ đang mục ruỗng từng ngày từng giờ. Điều này không chỉ xảy ra trên một quốc gia, nó xảy ra trên mọi quốc gia trên toàn thế giới.
Vậy bạn còn chần chừ gì nữa? Tại sao bạn không cho mình lựa chọn, hoặc là phần tử của niềm tin cũ, lối tư duy cũ, nhận thức cũ, tuân thủ hệ thống cũ; hoặc đạp bỏ hệ thống đó, hướng tới điều vĩnh cửu và chờ đợi một hệ thống mới mẻ tự nảy sinh. Lý tưởng không giúp tạo nên hệ thống vì lý tưởng luôn ở bên ngoài hệ thống, nhưng lý tưởng là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy sự hình thành hệ thống mới. Sự Thật có thể không mang đến cho bạn sự kỳ vọng vào tương lai, nhưng cho bạn quyền tự do chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Và một lời hào hùng của thiên tài Goethe sẽ kết thúc bài viết này để gieo rắc trong bạn những câu hỏi về Sự Thật: “Bằng sức mạnh của Sự Thật, tôi chế ngự cả vũ trụ” (“Faust”)
Anonymous
Nguồn: Internet