Home 2017 / page 4

Trong gương

Sâu trong đáy gương
Chạng vạng sáng
Hai con mắt chồng lên nhau thành một

Những gì vứt bỏ là những gì nhận được
Một kẻ khác đã khai sinh
Chạm vào và lẫn lộn
Đâu mới là thực trong trùng trùng lớp lớp các giấc mơ?

Thế giới lập thể
Cắt mặt người
Nhiều mảnh ghép không thể thành hình
Ta chỉ là một đống tử thi lai ghép trong bộ đồ chơi của đấng sáng thế

Ta, không bao giờ vừa lòng với tương lai
Ta, quay lại quá khứ cổ xưa
Hủy diệt tất cả, tạo dựng tất cả
Và lặp lại tương lai không vừa lòng theo cách khác

Cái mà người ta gọi là luân hồi
Con đường thức tỉnh: con đường quá khứ, con đường tương lai
Không có thực tại
Hạnh phúc trở nên rất giản đơn
Chỉ cần quên tất cả những điều này…

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 4

Hồ sơ của FBI về “Tồn tại và Hư vô”

Tôi đã được xem qua nhiều hồ sơ của FBI về các triết gia Pháp khi  gặp một ứng cử viên của Hội đồng nhân dân là Grassy Knoll ở Dallas. Cùng với những mối quan tâm hàng đầu của CIA như Mafia, KGB, Castro, Hoover và LBJ, giờ đây, chúng ta có thể thêm cái tên Jean Paul Sartre. Trong các báo cáo của FBI và Chính quyền Liên bang trong những năm 1960 đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến việc Sartre là thành viên của Ủy ban Công Lý cho Cuba, mà Lee Harvey Oswald (người ám sát Kennedy) cũng là thành viên. Và liệu đây có phải là một sự tiên tri, khi Sartre nói “cần biến Hoa Kỳ thành một quốc gia không có người cầm đầu”. Tất nhiên, tôi phải vội vàng tìm xem Sartre đã ở đâu vào ngày 22 tháng 11 năm 1963. Liệu rằng ông ta có phải một điệp viên không chuyên? Đột nhiên mọi đầu mối đều dẫn đến luận điểm này.

Nhưng những tài liệu tiếp sau trong hồ sơ chính thống về Oswald đã chỉ ra rằng: FBI rất lo lắng về xu hướng tả khuynh của Sartre, và mối liên hệ của ông ta với những người Cộng Sản, Castro và Bertrand Russell- những người bấy giờ đã đấu tranh chống lại can thiệp của Mỹ vào Việt Nam; có khả năng rằng ông ta “tích cực tham gia Uỷ ban Những người Pháp ám sát Kennedy” (theo bài báo đăng trên Washington Post vào 14/6/1964). Nhận định của FBI được củng cố bằng giả thuyết “tay súng đơn độc” (giả thuyết về việc Oswald ám sát Kennedy). Họ đặc biệt quan tâm đến Sartre, không phải bởi vì ông ta tham gia vào những âm mưu này, mà vì ông ta là người tin vào học thuyết âm mưu và ủng hộ quan điểm rằng Oswald không phải là người thật sự ám sát Tổng thống Kennedy.

FBI liên tục theo dõi Sartre từ đầu năm 1945. Sau đó, họ bắt đầu điều tra đồng nghiệp của ông là Albert Camus. Vào ngày 7/2/1946, John Edgar Hoover, giám đốc của FBI đã viết một bức thư gửi tới “Đội đặc nhiệm” ở New York, bày tỏ sự chú ý của ông ta tới “Albert Canus” – “một phóng viên chiến tranh tại New York, người đã tung những tin tức bất lợi cho công luận của trong nước”. Hoover ra lệnh “thực hiện điều tra sơ bộ để xác minh lý lịch, các hoạt động và các mối liên hệ của ông ta tại đây”. Một trong những cấp dưới của Hoover đã cung cấp cho Hoover biết rằng “Đối tượng có tên thật là Albert Camus, chứ không phải là Albert Canus” (với giả định khôn khéo rằng “Canus”có thể là một bí danh)

Trớ trêu là sự xuất hiện của các hồ sơ về Camus và Sartre, bị giữ kín trong nhiều thập kỷ (đến nay vẫn đang được soạn lại, tôi phải thật sự cảm ơn Điều luật về Tự do thông tin, thật như câu thần chú “Vừng ơi mở ra”), đã chỉ ra rằng lực lượng G – đi đầu trong việc chống lại triết học, đã nhận ra rằng họ miễn cưỡng phải tìm hiểu các triết lý. Họ trở thành lực lượng An ninh Triết học” ( cụm từ được dùng trong GK Chesterton)

Hoover cần phải biết liệu Chủ nghĩa hiện sinh và Chủ nghĩ phi lý có phải là bức bình phong cho Chủ nghĩa Cộng sản hay không. Đối với ông ta, mọi thứ đều có tiềm năng là một bản tuyên ngôn Cộng sản được viết lại. Vấn đề ở chỗ không phải nằm ở bản Tuyên ngôn, mà đúng như Freud nói, vấn đề là “tài năng”. Vì thế, các đặc vụ FBI buộc phải trở thành những nhà phân tâm học và văn bản học – được mô tả gần giống với những gì sử gia Carlo Ginzburg gọi là “mô hình thợ săn” ( liên quan đến các biện pháp trinh thám kết hợp giữa Freud và Sherlock Holmes). Do đó chúng ta có thể thấy rằng những gián điệp tài giỏi nghiên cứu các tác phẩm của các nhà thông thái và quan tâm tới các bài thuyết giảng.

Nhưng FBI chỉ thực hiện “An ninh triết học” sau quá trình theo dõi Camus và Sartre (giám sát, rình mò, nghe trộm điện thoại, lấy trộm đồ vật), họ quan tâm tới điều tra triết học một cách toàn diện. Đặc biệt, các hồ sơ triết học của FBI đã tiết lộ những cách thức các điệp viên chống lại âm mưu một cách cực đoan như thế nào.

Sartre đã được mời tới Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy  kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, thực hiện nhiệm vụ trong một chiến dịch tuyên truyền được giám sát bởi Cơ quan Thông tin Chiến tranh (OWI). Dù cho FBI nghi ngờ rằng: liệu tác giả của “Buồn nôn” và “Tồn tại và Hư vô” có thể tuyên truyền một cách hợp lý về nửa kia của con người hay không; Sartre đã có được sự ủng hộ lớn của Archibald Macleish, một Thư ký của Nội các, và trợ lý của giám đốc OWI. Macleish hiện nay được biết đến như một nhà mỹ học hiện đại với câu nói: “Nhà thơ đừng có nghĩa là/ Mà hãy là”. Ông đã từng là nhà thơ ở Paris vào năm 1920 và trở thành Thủ thư của Quốc hội, rồi Giáo sư hùng biện tại Havard. Nhưng trong suốt thời chiến, ông là nhân vật chủ chốt trong “Ban Nghiên cứu và Phân tích” tại Cơ quan Tư vấn chiến lược – tiền thân của CIA, một cơ quan tình báo mang tầm cỡ quốc tế (và cạnh tranh với FBI) đã khiến Hoover phải tìm mọi cách để làm suy yếu và tiêu diệt.

Trong một bài phỏng vấn được công bố trên tờ “France – Amérique” vào tháng 3 năm 1945, Macleish đã trả lời phóng viên: “không thể không nhắc tới Sartre với tài năng tuyệt vời của ông và niềm hân hoan khi được gặp ông”. Trong khi đó, với quan điểm của FBI, bất cứ ai có tư tưởng chống đối (không rõ Camus hay Sartre ai nguy hiểm hơn) thì lập tức trở thành đối tượng đáng nghi ngờ. Đặc biệt là các ký giả và các triết gia. Và nhất là khi một nhà văn người Pháp khác là Geneviève Tabouis, dựa trên quan điểm của Hoa Kỳ, đã tố cáo họ là Đảng viên Đảng Cộng sản. (Sartre đã viết một bài báo tố cáo bà ta là gián điệp của Chính quyền Liên bang,  bà đã phủ nhận kịch liệt một vài luận điểm, kể cả khi những báo cáo đó vẫn được gửi về Chính quyền Liên bang)

Sartre cứ nghĩ rằng sẽ bị thám thính. Nhưng  ông ta không bao giờ chịu ở trong vòng bí mật. Ông ta hoàn toàn minh bạch. Từ đó trở đi, sự khinh bỉ của ông đối với những tín đồ của Freud thể hiện rõ ràng và những dự đoán và đánh giá của ông đóng vai trò quan trọng trong cách nhìn nhận của giới trí thức bấy giờ. Sartre chứng minh  cho FBI thấy rằng: không thể khai thác thông tin từ ông bởi vì ông nguy hiểm đến mức phát tán đi rất xa. Vì thế, sau một phần tư thế kỷ giải mã tác phẩm của ông, ghi chép sự liên hệ của ông với Che, Russell, hội “Những con báo đen”, và phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam, họ phải rút ra kết luận trong bản tóm lược năm 1970 về các tác phẩm của ông rằng, một mặt, ông “được mô tả như một người Cộng sản đích thực” (và “cổ vũ thanh niên tin vào tinh thần hư vô”), và cũng bổ sung rằng “điều này được viết bởi những người chống đối Chủ nghĩa Cộng sản”.

Camus, theo bước chân của Sartre vào năm 1946, bị theo dõi bởi cơ quan nhập cư dưới quyền của Hoover. Khác với Sartre, Camus bày tỏ quan điểm một cách thận trọng và kín đáo. Trong khi Sartre có xu hướng tung ra thông tin với mật độ lớn thể hiện sự ghê tởm của mình, thì Camus tin rằng có thể chỉ cần một điều chứa đựng nhiều thông tin.

Camus, giống như Sartre, có sự ủng hộ của một nhân viên CIA:  Justin O’Brien, giáo sư tiếng Pháp ở Columbia, và là dịch giả của nhà văn André Gide. O’Brien đồng thời cũng là trưởng ban Các vấn đề nước Pháp tại Uỷ ban Chiến lược trong suốt thời chiến, với nhiệm vụ “thiết lập mạng lưới tình báo do thám đường dây của Đức tại Pháp”. Khi còn ở cương vị này, ông đặc biệt thích thú với các tác phẩm của Eluard, Michaux, Vercors, “các nhà thơ thời phục hưng” và Louis Aragon, người rõ ràng là Đảng viên Đảng Cộng Sản.

Khi chiến tranh chấm dứt, hai cơ quan tình báo FBI và CIA trở thành “một cặp tương phản” (như Sartre đã từng nói). Nói một cách khác, FBI, đặc biệt là Hoover, cực ghét OSS, và sau năm 1947 thì chuyển thành CIA. Nhưng còn hơn cả một trận chiến giữa hai cơ quan tình báo, đó là có một sự trái ngược nhau về triết lý (điều này cần được bổ sung ở góc độ Mỹ học)

FBI của Hoover nghi ngờ các triết gia, đặc biệt là những người nước ngoài, nhưng điều này không ngăn được họ tổ chức và phát triển dựa trên khía cạnh này trong tư duy triết học của Sartre và Camus : Những hồ sơ của FBI về tồn tại và hư vô.

FBI không đọc Sartre và Camus bằng tiếng Pháp nguyên bản. Một đặc vụ đã ăn trộm những cuốn sổ ghi chép và nhật ký (“có được từ mối quan hệ  cá nhân”) vào đầu năm 1945, cho rằng “vấn đề đều nằm ở Pháp” và những người dịch đã phác thảo nên điều này. Sau đó cuộc điều tra mới bắt đầu.

Vấn đề FBI quan tâm trong những hồ sơ này là những nhà hiện sinh mới đã ra đời. Họ, giống như Archibald Macleish từ đầu đã nói với tất cả mọi người rằng, không phải chỉ có thơ ca, “đừng có nghĩa là, mà hãy là”. Họ không thích sự định nghĩa, họ tìm kiếm ý nghĩa, đặc biệt là những ý nghĩa bị ẩn dấu, nhưng họ không thích nó. Họ chắc chắn ủng hộ quan điểm “địa ngục chính là người khác”. Và Hoover hẳn phải chịu áp lực khi những người Hoa Kỳ đều buồn rầu, hoang mang, cô độc tận cùng. Nói ngắn gọn là những “người xa lạ”. Những gì họ sợ hãi và chống đối là ý nghĩa, và cuối cùng, là âm mưu – hoặc suy luận. Họ chống lại suy luận.

FBI đã bắt chước tác phẩm phê phán suy luận kinh điển của Sartre – tác phẩm “Buồn nôn”. FBI của Hoover là những người hiện sinh thuần túy trong những biện luận liên tưởng xa xôi của họ về những điều không thể nói trước được. FBI xác định Camus  với học thuyết về Phi lý và “người xa lạ” của ông, sẽ không thật sự tác động hay ảnh hưởng đến thế giới một cách lâu dài.

Chúng ta hoàn toàn có quyền nghĩ về FBI như những người theo học thuyết âm mưu vĩ đại. Nhưng thực tế lại là điều khác: Tôi có thể đảm bảo nói rằng các triết gia không nhiều mưu kế đến vậy. Họ không thật sự muốn tin vào âm mưu. Do đó, thái độ ban đầu của họ, triết học siêu hình của họ, khi đến với câu hỏi “Ai đã giết Kennedy” là có phải việc ám sát Kennedy là một âm mưu? FBI không như vậy. Họ, theo đúng cách của Chủ nghĩa hiện sinh mới, coi Oswald như một con sói đơn đọc trong một câu chuyện không có cốt truyện. Tóm lại, Oswald chỉ là loại người bất đồng, hoang mang, một kẻ đơn độc hoàn toàn. Một “người xa lạ” hơn là một kẻ âm mưu.

Suy luận, triết lý và gián điệp đã chia sẻ một điểm chung: họ đưa ra luận điểm thiếu thông tin. Dự đoán của Sartre về một thế giới mà toàn bộ thông tin có thể ném đá con người đến chết. Không cần thiết phải là FBI, tiểu thuyết gia hay các triết gia Pháp. Chủ nghĩa hiện sinh và Chủ nghĩa phi lý nhấn mạnh một sự bất đối xứng giữa tồn tại và thông tin. Đặc vụ James M.Underhill, người đã hết mình theo dấu vết khó nắm bắt của “Albert Canus”  đã phải đưa ra kết luận chung chung: “Hồ sơ không phải kết luận cuối cùng”

Nhưng Sartre đã ở đâu vào ngày 22 tháng 11 năm 1963? Hồ sơ của FBI không có ghi chép về việc nhập cư của ông vào Hoa Kỳ trong năm này. Ông có thể ở Paris, nơi ông đã đưa ra từng phần trong tập tiểu sử “Thời hiện đại” của ông. Bằng chứng vắng mặt của Camus còn được bảo đảm hơn, vì ông đã qua đời trong một tai nạn xe hơi vào tháng 1 năm 1960. Nhưng liệu đó có phải là một tai nạn hay là một âm mưu?

Andy Martin

Dịch bởi Hà Thủy Nguyên

Bài luận này dựa trên những tài liệu được công bố ở Maison française, Columbia University, New York, trong lễ kỷ niệm 100 năm.

Nguồn: prospectmagazine.co.uk

Andy Martin là giảng viên tiếng Pháp tại Đại học Cambridge và tác giả cuốn “Võ sĩ và Thủ môn: Sartre và Camus”

Home 2017 / page 4

Zootopia – Ẩn ức bình đẳng trong thế giới lý tưởng

Bộ phim “Zootopia” đã trình chiếu hơn 1 tháng nay và nhận rất nhiều lời khen về nội dung dễ thương, hài hước, hình ảnh thiết kế đẹp. Qủa nhiên, “Zootopia” là một tác phẩm kỹ lưỡng trong từng thước phim và chắc hẳn số tiền đầu tư cũng không nhỏ. Nhưng tôi tin, các nhà làm phim của Mỹ không đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức chỉ để làm mộ tác phẩm “dễ thương” hay “đẹp”, bộ phim luôn có thông điệp đằng sau. Một cách rất rõ ràng, “Zootopia” có ẩn chứa rất nhiều thông điệp chính trị.

Trước hết, tôi rất phản đối khi người ta dịch tên phim thành “Phi vụ động trời”. Đó là một sự hạ thấp ý tưởng lớn lao mà các nhà làm phim đặt ra. “Zootopia” là tên thành phố lý tưởng của các loài thú, nhại lại Utopia – hình mẫu xã hội lý tưởng của loài người. “Utopia” là tác phẩm về một xã hội lý tưởng nơi con người sống bình đẳng với nhau, hòa hợp với nhau, được viết vào thế kỷ 15 bởi Thomas Moore. “Utopia” đã tạo ra cảm hứng lớn cho các triết gia, các nghệ sĩ, các nhà khoa học về việc kiến tạo một thế giới đại đồng, trong đó có Chủ nghĩa Cộng sản của Karl Marx. Zootopia không phải là thành phố đại đồng trong mơ, mà là thành phố của sự bình đẳng, nơi thú săn mồi và thú nhỏ (vốn đóng vai trò là con mồi trong tự nhiên) lại bắt tay với nhau cùng chung sống.

Vấn đề bình đẳng ấy chính là điểm mấu chốt dẫn đến rất nhiều xung đột trong bộ phim. Thành phố Zootopia được thống trị bởi những con thú săn mồi (cho dù họ nói rất nhiều về bình đẳng): Thị trưởng Lionheart là một con sư tử, đội cảnh vệ là những con sói, cảnh sát lẫn lộn các giống loài nhưng về cơ bản là những con thú lớn… Những động vật nhỏ đa phần đều là các thành phần dân chúng hoăc viên chức. Đặc biệt chỉ có loài chuột là xây dựng một đế chế riêng, được quản lý bởi một tên trùm Mafia. Ai đó chắc chắn sẽ phải phì cười khi thấy xã hội mà trong đó dân công sở là những con chuột lang béo núc ních, xếp hàng đi nối đuôi nhau, làm gì cũng vội vã; hay các viên chức hành chính dưới hình dạng con lười làm cái gì cũng chậm rãi… Tất cả là ẩn dụ cho các đặc tính tính cách của từng nghề nghiệp, từng giai cấp… trong xã hội loài người. Vấn đề bình đẳng được đặt ra, cũng chính là vấn đề mà ngày nay nền chính trị phương Tây vẫn đang cố gắng thiết lập.

Judy là một cô thỏ xuất thân nông dân và có mơ ước trở thành cảnh sát – nghề vốn chỉ dành cho những con thú lớn và cơ bắt. Nhưng nhờ trí thông minh, cô đã nhanh chóng vượt qua các bài thi khắc nghiệt chỉ dành cho những con thú lớn. Judy có một ẩn ức, đó là cô luôn mặc cảm mình là loài thú nhỏ, yếu đuối, và qua cái bài học, cô biết rằng giống loài của cô chỉ là con mồi. Tuổi thơ của cô bị bao vây bởi những định kiến kỳ thị thú săn mồi bởi gia đình và cộng đồng thú nhỏ tạo ra. Mà định kiến ấy chủ yếu dành cho loài cáo. Chính định kiến ấy lại trở thành động lực để Judy vươn lên và trở thành con thú nhỏ duy nhất làm cảnh sát.

Nhưng ngay buổi làm việc đầu tiên, Judy đã phải giáp mặt với chàng cáo Nick – một kẻ lừa đảo trên phố, và chính Judy cũng bị lừa. Nhưng với ý thức của một cảnh sát, phải bảo vệ bất cứ ai, bất cứ giống loài nào, nên Judy đành phải miễn cưỡng chấp nhận Nick. Vụ mất tích hàng loạt diễn ra trên toàn thành phố Zootopia đã đưa đẩy khiến Judy phải hợp tác với Nick để điều tra. Cũng từ đây, vấn đề bất bình đẳng giữa thú săn mồi và con mồi được đẩy cao hơn.

Bình đẳng ở đây không phải chỉ là chuyện những con thú nhỏ bị coi thường mà còn là những con thú săn mồi bị buộc phải ngang hàng với những con thú nhỏ, thậm chí bị kỳ thị, bị ganh tị, bị đề phòng. Các con thú nhỏ vẫn lo ngại, dù rằng chúng đông hơn và được cung cấp mọi phúc lợi xã hội, chúng e sợ nanh vuốt của thú săn mồi. Cáo Nick là một trường hợp điển hình cho việc thú săn mồi bị hắt hủi và bị chính đám đông thú nhỏ bắt nạt từ thuở còn bé. Rất trùng hợp, tôi đI xem bộ phim này cùng lúc đang viết bài về cuốn sách “Chính trị luận” của Aristotle. Aristotle không ca ngợi suông các lý tưởng về bình đẳng, ông đặt ra vấn đề khó khăn trong việc bình đẳng giữa những người có phẩm chất để cai trị và những người sinh ra là để bị trị. Aristotle rất thích thú với ý tưởng rằng một con sư tử và một con thỏ không thể bình đẳng với nhau, bởi con thỏ không có móng vuốt như sư tử. Và ông cũng phân tích rằng trong xã hội bình đẳng, trên thực tế, giống loài sư tử sẽ bị đẩy ra hoặc bị kỳ thị. Nhóm nhỏ mạnh mẽ ấy lại trở nên yếu thế trước đám đông.

Trợ lý của thị trưởng Lionheart là một con cừu. Giống cừu đã cùng nhau tổ chức một âm mưu lật đổ. Chúng dùng độc hoa “Tiếng tru đêm” để kích động cơn điên hoang dại trong các con thú săn mồi. Thị trưởng Lionheart lo ngại về điều này nên đã bắt nhốt những con thú điên và giấu diếm sự thật. Khi sự việc bại lộ, Lionheart bị truất ghế thị trưởng và đem truy tố. Judy và Nick đã điều tra sự việc đến đó. Khi trả lời báo chí, Judy đã vội vã đưa ra kết luận rằng đó là do khác biệt về DNA giữa thú săn mồi và con mồi. Kết luận này khiến Nick cảm thấy tủi thân và đặc biệt gây chấn động toàn thành phố, khiến các con thú săn mồi bị hắt hủi.

Nhưng tất cả đó là tham vọng của đám cừu, chúng muốn cướp ghế thị trưởng, cướp vai trò lãnh đạo thành phố và đẩy con thú săn mồi xuống đáy xã hội. Việc này có giống thế giới của chúng ta? Những người mạnh mẽ nhất, khác biệt nhất, sinh ra để cai trị… bị coi như những nguy cơ của thế giới, bị bêu xấu, bị gạt bỏ. Nền chính trị thế giới chỉ chấp nhận những chính trị gia “nói lời hay, làm việc tốt”. Những kẻ dám ngang nhiên sống đúng với bản chất của chính trị, nói thẳng toẹt ra mọi ý định của mình sẽ bị truyền thông bôi nhọ. Tham vọng của một con thú săn mồi là đáng sợ và độc tài, nhưng chúng phóng khoáng và chân thật, chúng chấp nhận để các con vật khác cùng tồn tại dưới trướng mình. Tham vọng của những con cừu hủ bại hơn. Chúng làm thấp kém mọi phẩm giá của các cá nhân bằng thuyết đại đồng và bình đẳng, và gạt ra ngoài lề hoặc tận diệt bất cứ ai mạnh mẽ hơn.

Aristotle đề xướng một nền tinh hoa trị, nơi con thú săn mồi xuất sắc nhất làm người cai trị, và quả thực là thế giới hiếm khi có được những nhà lãnh đạo đích thực là một người cai trị, tức là đủ tài năng và trung thực để không che giấu bản chất của mình nhưng cũng không để bản chất của mình xâm hại đến giống loài khác. Còn lại vẫn là nền chính trị của những con cừu hèn yếu, lừa dối và hủ bại.

Cáo Nick và thỏ Judy là hai nhân vật tượng trưng cho lớp người trung lưu. Những người trung lưu có đủ trí tuệ để nhìn thấu rõ bản chất của tất cả, bị đá đi đá lại giữa hai thái cực và nhờ thế mà có thể thông cảm cho tất cả. Tầng lớp trung lưu, như Aristotle phân tích, là nhóm người có đầy đủ cơ hội và điều kiện để cân bằng thực sự cán cân giữa người cai trị và kẻ bị trị. Sự trung lập không phải là lờ vờ, trung lập chính là độc lập. Và chỉ những con người độc lập mới có thể bình đẳng với nhau.

Cái thứ mà chúng ta gọi là thế giới lý tưởng thường gây ra những vấn đề xung đột trầm trọng. Lý tưởng là tốt, nhưng một lý tưởng khi áp vào thực tế thì sẽ thành toàn trị. Lý tưởng có thể dẫn con người đi sai hướng khỏi chính bản chất thực sự của mình và hình thành các định kiến mới. Thứ duy nhất khiến thế giới lý tưởng phơi bày bản chất của mình, đó là sự thật. Sự thật chỉ ra rằng không có thế giới lý tưởng, nhưng một thế giới có thể chấp nhận được các sự thật để thay đổi thì thế giới ấy đang tốt đẹp hơn bất kể chúng có lý tưởng hay không.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 4

“Chúng ta quá lý trí để quên đi những điều kỳ diệu”

Đây là bài phỏng vấn của tác giả Dương Tử Thành cho tạp chí Evan (tạp chí văn nghệ của VnExpress, hiện đã đóng cửa) khi Nhà văn Hà Thủy Nguyên mới xuất bản tác phẩm “Thiên Mã” vào năm 2010.


Đi tìm tự do tuyệt đối

Trước đây bạn đọc từng ngạc nhiên với tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian” của một tác giả còn rất trẻ, từ đó đến nay chị đã bước tiếp con đường văn chương mà mình “trót” đặt chân lên thế nào?

– Ngay từ khi bắt đầu viết văn, tôi đã biết rằng mình không thể bước đi trên bất kỳ con đường nào khác. Những con chữ có một sức mạnh vô cùng lớn lao nhưng lại vô hình mà tôi tin rằng tôi bị ràng buộc vào đó hơn bất cứ một mối quan hệ nào trên đời thực. Sau “Điệu nhạc trần gian”, tôi còn viết “Cầm thư quán” – nhưng có lẽ cuốn sách đó ra đời không đúng thời điểm nên nó gặp phải vô vàn khó khăn ngay từ lúc dự định phát hành, để rồi kết quả là nó bị thu hồi ngay sau khi ra mắt chưa đầy một tháng. Từ khi hoàn thành cuốn đầu tiên đến giờ đã là 10 năm, tôi đã thấy yên tâm hơn với con đường của mình.

Khi còn là trẻ con thì chị đã “dám” viết văn người lớn, nhưng khi đã thực sự thành người lớn rồi thì chị lại… viết cho trẻ con, vậy đâu mới là hướng đi chủ đạo trong văn chương của Hà Thủy Nguyên?

– Tôi cho rằng không nên phân biệt người lớn và trẻ nhỏ. Bạn có thể chắc rằng một người già sẽ luôn luôn thông suốt các vấn đề của cuộc đời hay một đứa trẻ bằng sự trong sáng lại giải quyết các khó khăn, tháo gỡ phức tạp một cách ổn thỏa và hợp lý? Sẽ rất khó đoán biết được ai sáng suốt hơn. Còn về bản thân tôi, tôi luôn là một đứa trẻ tò mò muốn khám phá thế giới. Khi còn ít tuổi, tôi luôn muốn được phiêu lưu nên tôi đã vẽ ra một thế giới phiêu lưu trong “Điệu nhạc trần gian”. Rồi theo thời gian, như bao nhiêu người khác, tôi bị cuốn vào cuộc sống lo toan hàng ngày với cơm áo gạo tiền tới mức mệt mỏi, bế tắc. Và tôi bắt đầu lại nhớ về những giấc mơ bay bổng thuở thiếu thời. Nhưng cho dù là lúc còn thơ ấu hay hiện tại đã trở thành một người mẹ, tôi vẫn là một Hà Thủy Nguyên, khát khao đi tìm tự do tuyệt đối.

Có ý kiến cho rằng viết cho trẻ con sẽ… dễ hơn viết cho người lớn, chị thấy thế nào?

– Viết cho trẻ con đúng là dễ viết hơn cho người lớn nếu chúng ta vẫn còn giữ một tâm hồn trong sáng như trẻ thơ. Trẻ con là những sinh linh hoàn hảo và vị tha nhất. Còn người lớn đầy định kiến, thù hằn nên họ rất khó tiếp nhận bất cứ điều gì khác biệt. Chuyện khó – dễ vô cùng tương đối. Một đứa trẻ có thể dễ dàng đọc một tác phẩm dành cho người lớn, nó có thể không thấy hấp dẫn nhưng tôi tin nó hiểu. Còn người lớn chúng ta thì sao? Không nhiều người có thể hiểu được cho đúng một câu chuyện thần tiên hay một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Họ sẽ cho đó là ngớ ngẩn. Tôi biết, vì tôi cũng từng có thời như thế. Nhưng khi chán nản với cuộc sống đầy định kiến và quy tắc này, tôi mới phát hiện ra một điều: mình thật nhỏ bé trước những đứa trẻ.

Theo chị, khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học cho thiếu nhi của Việt Nam với các tác phẩm văn học cho thiếu nhi của nước ngoài là gì?

– Đa phần tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam đều hướng tới thế giới thực với các bài học quá khiên cưỡng. Chúng ta không cho phép trẻ em được lựa chọn giữa việc làm đúng và sai mà luôn cưỡng ép chúng phải thế này, phải thế kia. Hơn nữa, chúng ta đã quá lý trí để quên mất những điều kỳ diệu, những phép màu, những cuộc phiêu lưu… Lâu rồi tôi không thấy nó trong các tác phẩm văn học thiếu nhi.

Thiên Mã sẽ là… điểm nổ

Chị thấy người trẻ viết cho thiếu nhi sẽ có lợi thế gì so với các tác giả có thâm niên nhưng đồng thời cũng lớn tuổi?

– Tôi không cho rằng người trẻ viết cho thiếu nhi có lợi thế hơn những bậc tiền bối ở vấn đề tuổi tác. Các bạn có thể thấy khi “Hoàng tử bé”, “Biên niên sử Narnia”, “Harry Potter” ra đời thì Saint Exuperi, C.S.Lewis hay Rowling đều là những người đã trưởng thành thậm chí còn nhiều tuổi. Vậy vấn đề không phải là tuổi tác, vấn đề là ở tâm hồn.

Chị có thấy rằng luôn cần những thay đổi trong cách viết cho thiếu nhi bởi chúng ta luôn có những thế hệ bạn đọc “nhí” mới với những nhu cầu cảm thụ mới, nhưng nhìn chung những sáng tác dành cho thiếu nhi ở Việt Nam còn khá mô phạm và cũ kỹ?

– Tôi nghĩ ban đầu phải xóa bỏ những định kiến, rồi thì cách viết sẽ tự đến. Chúng ta trước hết phải tự hỏi rằng chúng ta có hiểu hết những sở thích, những phản ứng, những biểu hiện của lũ trẻ hay không? Trẻ con có cách tư duy khác chúng ta, chúng làm mọi việc đều có lý của chúng. Và cái lý mà chúng ta muốn áp đặt cho chúng sẽ gây ra hai hậu quả: hoặc là chúng sẽ phản đối mãnh liệt tới mức bất cần, hoặc là chúng sẽ ngoan ngoãn nghe lời và khoác trên mình thật nhiều lớp mặt nạ tới mức mất bản sắc. Hãy cho chúng quyền được lựa chọn và khéo léo giúp chúng tìm thấy điều tốt đẹp trong những điều tồi tệ nhất chứ không phải là sự ép buộc, áp đặt chúng làm những điều mà ta cho là tốt. Khi bạn không muốn con bạn chơi game, bạn mà nói game là xấu, chắc chẳng đứa trẻ nào tin đâu. Bạn tìm cách cấm chúng lại gần game sẽ càng thôi thúc sự thèm muốn và bướng bỉnh ở trẻ. Thực ra chơi game không xấu, chỉ con người chúng ta làm nó xấu thôi. Nếu chúng ta quan tâm và có hiểu biết về game để hướng dẫn con trẻ đến với những game hay và tốt thì những thứ game bạo lực tồi tệ sẽ không thể tiếp cận được. Còn khi chúng ta không quan tâm, con trẻ sẽ tiếp nhận bất cứ cái gì đến với chúng.

Như vậy, với việc nhận ra những thứ mà bạn đọc nhỏ tuổi đang cần, độc giả có thể đặt nhiều kỳ vọng vào “Thiên Mã”, cuốn truyện thiếu nhi mới xuất bản của Hà Thủy Nguyên?

– Tôi hy vọng như vậy. Có thể nó chưa xuất sắc, nhưng tôi tin nó sẽ là một điểm nổ đầu tiên. Đã đến lúc chúng ta phải vượt qua những đường biên, những ranh giới, những quy tắc cũ mòn để thả tâm hồn bay bổng tới bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì. Kinh Thánh có câu: “Hãy gõ cửa rồi cửa sẽ mở! Hãy tìm rồi sẽ thấy!” Chẳng ai ràng buộc, giam hãm chúng ta cả, chỉ có chúng ta tự giới hạn mình thôi.

Tìm điều mới mẻ trong thế giới cũ

Chị viết “Thiên Mã” trong tâm thế nào?

– Khi bắt đầu viết “Thiên Mã” tôi đang trong một tâm thế chán nản và thấy tiếc nhớ một điều gì đó khó hiểu. Có lẽ là “Nhớ rừng” vì tôi đã “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt” quá lâu. “Thiên Mã” có thể coi là sự xổ lồng của tôi.

Với chất giả tưởng, kỳ ảo, “Thiên Mã” đã vẽ ra một thế giới mới mẻ. Khi đọc sách, trí tưởng tượng của bạn đọc sẽ được phát huy ở mức cao nhất, đó có phải là một dụng ý của chị trong quá trình viết?

– Thực ra tôi không vẽ ra một thế giới mới, tôi chỉ đi tìm những điều mới mẻ trong một thế giới mà ai cũng thấy rằng nó đã cũ thôi. Nói một cách khác, thế giới này không thực đến vậy, còn vô vàn điều huyền bí mà chúng ta không hiểu. Tại sao chúng ta không đi tìm phép lạ ở ngay thế giới này?

Khi viết “Thiên Mã”, điều chị quan tâm nhất là gì?

– Điều tôi quan tâm nhất khi viết “Thiên Mã” đó là tôi hy vọng sẽ đánh thức con thiên mã trong giấc mơ của mỗi người, dù người đó còn là đứa trẻ hay bạn đã bạc đầu. “Thiên Mã” chỉ là cuốn đầu trong cả series của tôi. Sẽ còn có những cuộc hành trình khác cho các nhân vật chính trong tương lai.

“Thiên Mã” được chị viết theo gợi ý “đặt hàng” của biên tập viên NXB Kim Đồng và nó đã được đánh giá cao, như vậy có thể hiểu, viết theo đơn hàng cũng có thể cho ra một sản phẩm văn chương chất lượng?

– Tôi cho rằng chuyện “đặt hàng” ấy có thể là một cái duyên để đưa tôi bay bổng và thoát khỏi đời sống thực. Tôi chẳng quan trọng chuyện “đặt hàng” hay không, tôi chỉ viết những điều hợp với tôi. Nếu sự “đặt hàng” đó không thích hợp, tôi sẽ không bao giờ dám nhận.

Theo chị, sáng tác theo đặt hàng có là một yếu tố phản ánh sự chuyên nghiệp của người viết?

– Tôi không cho là vậy! Sự chuyên nghiệp thể hiện ở tay nghề chứ không phải là có theo đặt hàng hay không. Đôi khi sự “đặt hàng” lại là một sự gợi ý, và chúng ta có quyền lựa chọn sự gợi ý đó hay không.

Nhiều người có nhận xét, với cách viết khá… Tây cùng với cách trình bày, minh họa bìa của “Thiên Mã” cũng khá… Tây khiến nhiều người liên tưởng đến những cuốn sách thiếu nhi của nước ngoài, chị vui hay buồn trước nhận xét này?

– Giữa một “thế giới phẳng”, tại sao lại còn có những ý niệm Đông – Tây. Tôi không lựa chọn cách viết cho mình, mà nó tự đến một cách tự nhiên. Khi viết cuốn sách nào đó, tôi sống hoàn toàn trong bầu không khí của cuốn sách ấy.

Ai cũng có sứ mệnh của riêng mình

Khi còn là trẻ con chị có mong ước nhiều điều “viển vông” không?

– Chắc hẳn rằng bạn đã nhận ra sự viển vông của tôi. Không phải chỉ lúc trẻ con tôi mới mơ mộng viển vông. Tới giờ, tôi vẫn vậy. Nhiều người cho rằng tôi dại dột, nhưng tôi lại thấy yên lòng với những sự dại dột đó.

Chị có nghĩ rằng sẽ xuất hiện một thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi cập nhật đời sống hiện đại tốt hơn, gần gũi với trẻ em Việt Nam hôm nay hơn khi những tác giả mới này vốn bước ra từ “thế hệ độc giả @”?

– Tôi tin vào điều ấy. Bất cứ người bình thường nào ta gặp hàng ngày sau này cũng có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng, thậm chí là vĩ đại. Trước khi trở thành một tác giả, tôi cũng là một độc giả và đến giờ tôi vẫn là một độc giả.

Đã thử bút ở tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, kịch bản phim, chị có ý định sẽ đầu tư chiều sâu vào một thể loại nhất định?

– Tiểu thuyết luôn là niềm đam mê của tôi. Truyện ngắn, thơ, hay tản văn chỉ là đôi phút xúc cảm tới mức không chịu được mà phải viết ra. Còn kịch bản phim là một phương tiện thuận lợi cho cuộc sống của tôi, thuận lợi hơn là nó dễ dàng đến với đông đảo khán giả để nói hộ tôi những điều mà tôi muốn nói. Hãy coi những thể loại khác như những người bạn, còn tiểu thuyết là người tình của tôi.

Đoạn kết của “Thiên Mã” có câu “Định mệnh đã gắn tôi với những điều kỳ diệu. Chắc chắn tôi được sinh ra để thực hiện một sứ mệnh nào đó”, ứng câu này vào tư cách của một người viết văn, chị có tin như thế?

– Tôi xin mượn hai câu thơ của Lý Bạch để nói về điều này: “Sinh ta trời có chỗ dùng/ Nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về”. Ai cũng có sứ mệnh riêng của mình, phải không nào!

Dương Tử Thành phỏng vấn

Nguồn: Evan

Home 2017 / page 4

Tiếng nhạc trong rừng trúc

Khu rừng trúc sau cơn mưa sót lại cuối thu len lên khí lạnh mơ hồ. Màn sương ngưng đọng quẩn quanh giữa khoảng không. Thân trúc tuy rỗng mà sương vẫn chẳng thể lọt vào.

Giữa bốn bề tịch mịch bỗng vang lên một khúc nhạc u ẩn. Từng cung bậc đập vào thân trúc, lay động lá trúc và đẩy cho sương di chuyển. Một hơi thở nhẹ của đất, không còn sự cô đặc của sương. Đã hóa thành khói tự lúc nào, một làn hơi trắng bay nhẹ dần lên cao và giăng mắc giữa những chiếc lá sắc nhọn tựa dao.

Nhạc bất chợt dừng bởi một âm thanh rất nhỏ! Tiếng đạp chân trên lá chết. Và hơi sương lại rơi xuống nặng trịch quanh quẩn dưới đám gốc xanh mướt, mảnh mai. Sột soạt! Nhè nhẹ! Rồi lại ngập ngừng! Không còn tiếng bước chân. Chỉ còn tiếng thở dài…

– Nhạc thật hay, chỉ hiềm vẫn quá nặng lòng trần… – Chàng trai trẻ lặng lẽ ngồi xuống phiến đá như chờ đợi.

Khoảng không thinh lặng kéo dài liên miên tựa như bất tuyệt… Không gió! Không âm thanh! Không dịch chuyển! Bỗng, chiếc lá úa vàng đã quá mệt mỏi vì níu kéo sự sống rơi độp xuống mặt đất một cách thung dung. Chàng trai khẽ mỉm cười.

Giọng nói của bậc giai nhân nhẹ như gió thoảng lẩn khuất giữa màn sương:

– Tại sao chàng không lại gần đây để tìm ta?

Chàng trai hướng về phía giọng nói:

– Ta không nhìn thấy đường, chỉ men theo tiếng nhạc. Nay tiếng nhạc đã dứt, ta biết lấy gì để tìm nàng đây?

Tiếng bước chân rất nhẹ khẽ lướt giữa xác lá phủ đầy mặt đất. Chàng trai lắng nghe từng tiếng lá khô chạm nhau tạo thành một thứ tiếng trầm đục tới lạnh người. Nghe giọng nói của nàng phảng phất, chàng đang mường tượng một hương thơm, nhưng không thể tìm được hương thơm nào giữa cõi trần. Chàng chỉ thấy rất nồng mùi sức sống của những thân trúc xanh.

Một bàn tay mềm mại như mây nước khẽ chạm vào gò má, lướt đi trên dải lụa thẫm máu buộc trên mắt của chàng. Đôi bàn tay nàng run run. Chàng trai đưa tay, nắm chặt lấy cổ tay nàng:

– Không sao! Ta đã làm kinh động đến nàng rồi…

– Thiên hạ này không ai có thể nghe thấy tiếng đàn của ta, làm sao chàng có thể nghe thấy được?

Chàng trai đứng dậy, ghé sát vào nàng thở ra những hơi êm dịu:

– Điều đó có quan trọng không? Một nhân duyên nào đó đã để ta nghe thấy tiếng nhạc của nàng chứ không phải những kẻ phàm phu?

Nàng đặt nhẹ bàn tay của chàng lên khuôn mặt nàng. Đôi môi… sống mũi… nét mi dài… Gan bàn tay chàng mát dịu khi đặt trên làn da mịn như phấn của nàng. Chàng không dám rời tay khỏi làn da ấy. Sợ một khắc rời tay cũng đủ khiến nàng biến mất giữa làn sương.

Có một điệu nhạc nào đang điều khiển đôi bàn tay của chàng, buông thả chúng như một dòng suối len lỏi qua khe núi. Dòng nước luồn vào đám tóc mây bồng bềnh, róc rách tuôn xuống vách dựng đứng khiến vách đá rùng mình lay động. Nước lại mạnh mẽ vượt qua những mô gò, tạo thành vòng xoáy vò nhẹ gỡ bỏ những lớp bụi trần còn vướng víu. Một khi bụi trần đã bị cuốn trôi, đá lạnh lộ ra tinh khôi và bí ẩn. Cả núi đá êm ái đổ xuống trước sự dịu dàng của nước.

Lần này nước xuyên thẳng vào lòng đá. Sự chạm nhau của hư không. Hơi thở của hai người … tiếng đứt tiếng nối hòa vào tiếng thì thào của rừng trúc. Chàng đặt lưng xuống nền đất được phủ bởi đống lá tàn ẩm mục, để mặc cho mười ngón tay mỏng mảnh tựa lá mơn man, đu đưa trên ngực. Trái tim của chàng phập phồng lên xuống bỗng ngừng thở khi đám mây tóc bồng bềnh khẽ lướt qua. Nàng bỗng lặng thinh phủ phục trên ngực chàng, một giọt nước buốt giá rơi xuống.

– Ta nhìn thấy quá khứ của chàng…

Chàng có một đôi mắt đẹp và sâu thẳm như màn đêm. Trong đêm với muôn người chìm trong giấc ngủ, những linh ảnh hiện về trong giấc mơ sẽ báo trước tương lai. Và những linh ảnh ấy cũng hiện lên trong đôi mắt của chàng mỗi khi chàng gặp mặt ai đó. Nhưng chẳng bao giờ chàng nhìn thấy những linh ảnh đẹp đẽ, chỉ thấy sự thống khổ, hủy diệt và một cõi miên viễn khôn cùng. Mỗi lần như vậy, sự vò xé tâm can lại khiến chàng chìm vào địa ngục vô hình.

Người đời đổ tội cho chàng vì những bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Họ ném đá, họ xua đuổi, họ nguyền rủa. Chàng trở thành một thứ yêu tinh tà ma. Chàng bỏ đi, tránh xa con người… nhưng nào có được yên. Họ truy bức chàng.

Một lần, chàng đến một hồ nước tĩnh lặng và trong vắt. Chàng lại gần nghỉ ngơi, vục mặt xuống nước để xua đi mệt mỏi. Làn nước dao động nhưng rồi cũng bất động dần, phẳng lặng như tấm gương mênh mông. Giữa nền trời xanh, khuôn mặt chàng hiện lên buồn bã. Và chàng nhìn kĩ, nhìn kĩ vào hai khóe mắt, dòng máu đỏ tươi tuôn trào. Chàng khẽ nhắm mắt lại định thần rồi ngẩng mặt nhìn lên bầu trời cao vời vợi. Chỉ có nhìn lên bầu trời chàng mới lấy lại cảm giác bình yên, vì chỉ nơi ấy mới không hiển hiện cái chết và khổ đau.

Bầu trời xanh chuyển dần sang màu sữa. Mặt trời chỉ còn là một vết hồng loang, cứ nhạt dần, chìm dần trong buổi chiều tà. Bóng tối bao phủ không gian! Sau lưng chàng lốm đốm nhiều đuốc lửa xô đẩy giữa tiếng chiêng khua trống đánh. Một đám người ập tới. Những cây gậy phang vào người chàng tới tấp khiến tấm áo vốn tồi tàn của chàng phải mục nát. Chàng bị đẩy ngã xuống nền cỏ, lá cỏ cứa vào da chàng đau nhói. Đột ngột, chàng rú lên một tiếng. Hai dòng máu đỏ lăn từ khóe mắt. Một kẻ nào đó đã đâm thẳng dùi nhọn vào đôi mắt bí ẩn của chàng.

Một cơn mưa rào ập tới bất ngờ. Đám người giật mình bỏ chạy, để mặc chàng lăn lộn trên đám cỏ. Dòng máu bị mưa quét xuống hồ và rồi tan loãng giữa đáy sâu không còn chút dấu vết. Nhưng đôi mắt của chàng vẫn chảy máu không dứt…

Lúc này, ngực chàng đầm đìa nước mắt của giai nhân. Nỗi đau của chàng dường như đã được xoa dịu như cơn mưa hôm nào xóa sạch vết máu. Vẫn những giọt nước tí tách rơi trên khắp cơ thể của chàng. Chàng giật mình ngồi dậy, quờ quạng giữa không trung. Chẳng phải nước mắt, chỉ là những giọt mưa.

Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Tiếng nước rơi lộp độp trên vòm lá trúc. Nếu chỉ là giấc mơ, sao cảm xúc dễ chịu này lại cứ miên man như vậy? Nếu đã là thực thì giai nhân lẽ nào lại tan biến giữa hư vô? Điệu nhạc trong mơ vẫn còn vảng vất đâu đó không đầy đủ giữa cõi tối mênh mang mà chàng đang chìm đắm. Chàng chống tay xuống đất để đứng dậy, tay chàng quờ phải một thân trúc rỗng. Ngạc nhiên, chàng cầm nó lên, một tay rờ thân trúc tìm kiếm. Chỉ có mấy cái lỗ đục dọc thân. Đó là một cây sáo. Chàng đưa lên môi, vẫn cái cảm giác như lúc chàng chạm vào khóe miệng nhỏ xinh của giai nhân.

Từ ấy, chàng quay trở lại nhân gian. Cây sáo trúc làm bạn với chàng. Những trầm luân của cõi trần được cất lên thành tiếng nhạc. Âm thanh của cây sáo kỳ diệu không sao kể hết. Nó không réo rắt như những cây sáo khác. Nó trầm như sương mà thanh nhẹ như gió. Nó len lỏi vào cõi lòng sâu kín nhất của con người và khơi cho ai đó một nỗi sầu từ thiên cổ.

Người ta đã quên mất kẻ có đôi mắt tà ma ngày trước. Họ chỉ còn mong mỏi tiếng sáo trúc cất lên từ chàng trai mù lang thang viễn du. Nhưng cũng đã lâu lắm rồi, chàng chẳng nhìn thấy linh ảnh nào.

Chàng đã chơi xong khúc nhạc, đám đông giãn dần rồi biến mất. Chàng tựa lưng vào bức vách nhà một ai đó, ôm cây sáo trong lòng. Những thang bậc cảm xúc còn rơi rớt lại cũng mờ mờ và tan vào tịch mịch. Những chấm mưa từ đâu lất phất đọng trên gò má của chàng. Chàng giật mình, một linh ảnh hiện lên. Rừng trúc đâu đó lẩn khuất giữa màn sương. Ký ức về giấc mộng thực ấy đã quay lại. Chàng thèm muốn một lần được nhìn thấy khuôn mặt của giai nhân, nhưng chàng nào có biết. Chàng đứng dậy quyết quay lại rừng trúc để tìm nàng, song chàng đâu có nhìn thấy đường tới đó. Phải làm sao đây? Đúng rồi, mỹ nữ nào cũng có hương thơm đặc trưng. Chàng sẽ đi tìm hương thơm ấy trên người của tất cả các cô gái trên thế gian. Chàng cố nhớ, cố hồi tưởng lại hương thơm. Chẳng có gì cả. Da thịt của nàng chỉ có mùi vị của một thứ nước tham đạm, một thứ khí tinh khiết…

Hơi gió luồn qua ống trúc… Bất chợt… chàng nở một nụ cười…

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 4

Long Điểu truyện – Chương 8: Đổ nát

Hoàng cung chỉ còn là một đống đổ nát. Điểu Kinh náo loạn kinh hãi, dân chúng lật đật rủ nhau thu vén tài sản trong đêm.

Thiên Hoàng đứng trên đống đổ nát nhìn xuống phía dưới kinh thành. Tấm áo choàng của chàng ám bụi bay lất phất trong gió. Trong cơn phẫn nộ, chàng đã thiêu rụi tất cả. Thân xác của Điểu vương, vương hậu chỉ còn là một đám tro tàn. Điểu Kinh lúc này không còn ai ngoài chàng có thể lo liệu và sắp xếp, nhưng tung tích của Thiên Phụng vẫn không dấu vết. Nếu chàng bỏ Điểu Kinh đi tìm con gái lúc này thì Điểu tộc biết phải sao đây.

Trước cái chết của Điểu vương và Điểu Minh Hoàng, Thiên Hoàng không một chút xúc động, không một chút đau thương. Chàng thấy việc phải thế thì phải thế thôi. Cuộc tranh chấp của họ từ đầu chàng đã không muốn nhúng tay vào. Mọi cuộc chiến, dù khoác danh chính nghĩa, vẫn cứ là phi nghĩa.

Thiên Hoàng thở dài, quay lưng bước trên đá vụn. Chàng muốn thả bước đi không phải e dè để nghĩ về những bước đi sắp tới. Nếu những chuyện này bại lộ, Điểu tộc sẽ ra sao? Những tướng lĩnh cát cứ sẽ vì thế mà nổi dậy.

– Ông có gì để giải thích với ta không?

Thiên Hoàng giật mình bởi một giọng trẻ con nhưng nghiêm nghị. Chàng nhận ra trước mặt chàng chính là thế tử Điểu Lãnh Phong . Thế tử lúc này đã lên tám tuổi, phong thái lộ vẻ đĩnh đạc của bậc quân vương, da trắng mày dài, thanh tú như băng tuyết. Nhìn thấy cậu bé, Thiên Hoàng mỉm cười:

– Cha con giết mẹ con, còn ta đã giết cha con và phá hủy hoàng cung.
Thế tử mắt rưng rưng nhưng cố nắm chặt nắm tay để nén giận và nén cơn đau. Thiên Hoàng ngửa mặt lên trời, không biết nên cười hay nên khóc:

– Con có thể căm ghét ta, nhưng hãy nghe ta nói điều này… Trong thành dân tình hỗn loạn, ngoài thành các phiên tướng sẽ dẫn binh ngấp nghé ngôi báu. Chính danh lên ngôi Điểu vương giờ đây chỉ có ta và con. Nhưng ta sẽ không lên ngôi, từ giờ con sẽ phải cai trị cả Điểu tộc. Ta sẽ phò trợ con đến lúc con đủ lông đủ cánh, sau đó con muốn giết ta hay muốn tra tấn ta để trả thù thì cũng tùy ý con quyết định…

Thế tử nuốt nước mắt vào bên trong, lừ mắt nhìn thẳng vào Thiên Hoàng:

– Tại sao ông không giết ta và lên ngôi Điểu vương?

Thiên Hoàng xòe đôi cánh phượng hoàng, lắc người bay lên cao. Phượng hoàng sáng rực trong đêm tối tựa như mặt trời xuất hiện.

– Hãy biến thành thể phượng hoàng! Chúng ta cần thị uy để yên lòng dân chúng và bá quan.

Thế tử đứng lặng ngắm nhìn đôi cánh phượng hoàng của Thiên Hoàng. Đôi cánh ấy thật rực rỡ, thật huy hoàng, thật uy phong. Cậu chưa từng được thấy cánh phượng hoàng của cha cậu. Những ngày tập bay đầu tiên cũng là tự cậu liều mình. Một mình cậu vượt qua những cơn gió lớn ào ào trên đỉnh núi.

Thế tử bước từng bước lại gần phía Điểu Thiên Hoàng. Toàn thân cậu ánh lên màu bạc như ánh trăng giữa đêm đông trên đỉnh núi tuyết. Ánh bạc ấy hòa với làn sương khiến không gian xung quanh trở nên kỳ ảo. Đôi cánh bạc dang rộng, nhẹ nhàng nâng cậu khỏi mặt đất. Cậu hiển lộ dần dần hình thể của một con phượng hoàng bạc. Phượng hoàng bạc chưa lớn bằng phượng hoàng lửa nhưng ánh sáng đẹp đẽ thì không hề thua kém.

Người dân thấy ánh sáng của chim phượng hoàng, đổ xô ra đường phố reo hò. Dấu hiệu chim phượng hoàng bay trên bầu trời là dấu hiệu ngai vị Điểu vương vẫn vững vàng. Lần này, họ không chỉ được chứng kiến một chim phượng hoàng mà còn được chiêm ngưỡng hai chim phượng hoàng uốn lượn giữa bầu trời Điểu kinh. Họ nhanh chóng quên đi cơn chấn động trong đêm, quên luôn kế hoạch rời bỏ Điểu kinh chạy loạn. Họ cảm thấy yên tâm hơn khi thế lực bảo trợ họ vẫn còn rất mạnh mẽ.

Thiên Hoàng dẫn Lãnh Phong rời khỏi tầm mắt của đám đông dân chúng, lẩn vào sương mờ, bay về phía Hoàng Hoa cung. Hai người đáp xuống trước sân. Hoàng Hoa cung trong đêm chỉ có những đuốc lửa soi sáng nên khung cảnh trở nên mờ ảo, bí hiểm, không có vẻ hoàng nhoáng của hoàng cung. Nhưng Lãnh Phong từ trước đến giờ vẫn rất thân thiết với Thiên Phụng nên không cảm thấy xa lạ gì với Hoàng Hoa cung nữa.
Thiên Hoàng thúc giục thế tử Lãnh Phong:

– Mau đi ngủ! Ta còn có việc quan trọng cần giải quyết! Ở đây, thế tử sẽ được an toàn cho đến khi có thể lên ngôi trong vài ngày tới!

Thiên Hoàng bước nhanh vào bên trong nhưng Lãnh Phong lại có vẻ ngập ngừng. Cậu bé cứng giọng:

– Ta đã làm theo lời ông… Ta muốn biết sự thật!

Thiên Hoàng thở dài:

– Sự thật có cần thiết không… sự thật là ta vừa giết cha của con… thế thôi!

Cậu bé ngang nhiên bước lướt qua Thiên Hoàng, thản nhiên đi vào. Trước giờ cậu vẫn rất thích đến Hoàng Hoa cung. Khi Thiên Phụng bị giam lỏng tại đây, Thiên Hoàng không có ở Điểu Kinh, cậu thương mang đồ ăn ngon tới cho cô bé. Cậu luôn cảm thấy cô bé rất thân thuộc, rất gần gũi, không lạnh nhạt như cha cậu. Trước giờ cậu chỉ đứng từ xa quan sát Điểu Thiên Hoàng, chỉ hôm nay mới đứng gần như thế và thực sự nói chuyện. Chứng kiến ánh sáng từ thể năng lượng phượng hoàng của Điểu Thiên Hoàng, cậu mơ hồ cảm thấy có một mối liên hệ nào đó rất mật thiết với con người này. Cậu cảm thấy rằng chuyện vừa diễn ra còn nhiều uẩn khúc và muốn được biết. Nhưng Thiên Hoàng có vẻ không muốn nói cho cậu, thế thì một lúc nào đó cậu sẽ tìm ra sự thật.

Lãnh Phong theo Thiên Hoàng vào phòng ngủ. Nhìn ánh lửa bập bùng, cậu bất chợt nhớ tới Thiên Phụng, liền hỏi:

– Thiên Phụng hay thức khuya lắm… Nó đã ngủ chưa?

Thiên Hoàng cười buồn:

– Con quả nhiên rất quan tâm đến Thiên Phụng?

– Thiên Phụng đâu rồi? – Lãnh Phong hỏi tiếp.

– Một kẻ nào đó đã bắt cóc mất Thiên Phụng trong lúc hỗn loạn. – Thiên Hoàng cố giấu xúc động vào trong.

Lãnh Phong nhíu mày:

– Tại sao ông còn chưa đi tìm Thiên Phụng? Ông không sợ em ấy gặp nguy hiểm à?

Thiên Hoàng đến gần, nắm lấy vai Lãnh Phong nhìn vào mắt cậu bé:

– Hết đêm nay, con sẽ không còn là một thế tử nữa. Con sẽ là Điểu Vương. Con đã rất trưởng thành, nhưng cần phải trưởng thành hơn nữa. Một quyết định của con sẽ khiến hoặc trời long đất lở, hoặc bốn bề yên ắng. Con sẽ phải học cách ra quyết định chọn lựa một điều giữa rất nhiều điều. Có những việc với bản thân ta rất quan trọng, nhưng nếu nó chưa thật bức thiết thì chưa nhất định phải làm ngay. Nếu hôm nay ta không có mặt ở hoàng cung, mọi chuyện sẽ trở nên rất tồi tệ. Còn kẻ bắt cóc Thiên Phụng lại chưa rõ tung tích, ta chỉ có thể xử lý việc cần kíp trước mà thôi.
Thiên Hoàng buông vai cậu bé và quay đi. Bước đi của chàng gấp gáp nhưng nhẹ nhàng tựa hồ không phát ra tiếng động.

Thiên Hoàng quay trở lại Vân Trung Tửu bên hồ Vọng Tiên. Về đêm, quán vắng khách. Chỉ còn những người giúp việc dọn dẹp và tính toán sổ sách. Vừa nhìn thấy Thiên Hoàng, tất cả những người giúp việc tại đó đều cúi đầu chào. Thiên Hoàng hỏi:

– Chủ quán đâu?

Một người giúp việc đáp:

– Dạ thưa, đang ở trên lầu đợi chủ nhân!

– Người đưa đến rồi chứ? – Thiên Hoàng hỏi tiếp.

– Dạ vâng! Chủ quán đang chăm sóc cho cậu bé!

Thiên Hoàng bước nhanh lên tầng lầu. Toàn bộ người giúp việc trong quán đều là người của Ô thị, được đào tạo kỹ lưỡng. Người phục vụ bàn có khả năng nghe và ghi nhớ hết toàn bộ các câu chuyện của khách. Đầu bếp và người đi chợ có mối liên hệ với thương lái khắp nơi, nhờ thế những chuyện trên trời dưới bể trong Điểu Kinh và các vùng quanh đó đều được biết. Tất cả đều được ghi lại và phân loại bởi những người làm việc sổ sách tại quầy. Khi nào cần hành sự, những người canh gác tại Vân Trung Tửu sẽ giúp Thiên Hoàng thực hiện.

Trong lúc Thiên Hoàng giải quyết tên Điểu vương giả mạo Điểu Linh Hoàng thì người của Vân Trung Tửu nhận nhiệm vụ giải cứu cậu bé Điểu Tử Bằng đang bị quân ngự lâm đem phi tang. Cậu bé được đưa về tửu lầu, bảo vệ nghiêm ngặt.

Tử Bằng đã bị bẻ gãy đôi cánh lại mất máu và tổn thương tinh thần, nên vẫn mê man ngất lịm. Chủ quán từ lúc đưa Tử Bằng về, vẫn luôn ở bên chăm sóc cậu bé. Sau khi thuật lại tình trạng của Tử Bằng cho Thiên Hoàng, chủ quán còn nói thêm:

– Theo như tiểu nhân được biết thì Thần Y Hoàng Tế Thiên hôm nay có mặt ở Điểu Kinh. Nếu chúng ta đón hắn đến đây thì công tử Tử Bằng sẽ mau chóng hồi phục mà không cần đến chủ nhân phải cho cậu ta uống máu phượng hoàng.

Thiên Hoàng kinh ngạc:

– Hoàng Tế Thiên ở Điểu Kinh? Ngươi chắc chứ?

Chủ quán gật đầu:

– Dạ vâng! Hắn còn đến Vân Trung Tửu uống rượu vào chiều nay. Tiểu nhân sao có thể nhầm được!

Thiên Hoàng gật đầu ngẫm nghĩ:

– Lúc đầu ta tưởng là Minh Hoàng, sau đó lại nghĩ là Linh Hoàng bắt giữ Thiên Phụng… Hóa ra lại là hắn! Ngươi mau đi bắt hắn về đây!

– Không cần đâu! – Một giọng nói vang lên ngoài cửa sổ.

Thiên Hoàng và chủ quán nhìn về phía cửa sổ. Ngồi vắt vẻo trên khung cửa sổ là Hoàng Tế Thiên. Tế Thiên mặc y phục đen, không cần che mặt, đang nhởn nhơ mỉm cười nhìn hai người. Chủ quán toan rút dao ném vào người Tế Thiên nhưng Thiên Hoàng ngăn lại:

– Hắn đã dám xuất hiện, tức là có điều muốn nói!

Tế Thiên nhảy khỏi ô cửa sổ ngang nhiên đi đến gần giường của Tử Bằng, thản nhiên giơ tay trái lướt khắp thân thể của cậu bé. Đó là cách Tế Thiên cảm nhận dòng năng lượng vận hành trong người của Tử Bằng:

– Đứa bé mất máu nhiều, nhưng không đáng ngại! Cũng không nhất thiết cần đến máu phượng hoàng. Tuy mất đi đôi cánh nhưng phẩm chất của đại bàng vẫn còn trong nó. Nó sẽ tự chữa cho bản thân thôi!

– Con gái của ta ở đâu? – Thiên Hoàng không quá quan tâm đến câu trả lời của Tế Thiên.

Tế Thiên đáp:

– Ngươi yên tâm, con bé an toàn. Nó đang được đưa đến thành Trấn Tây.

Thiên Hoàng ra hiệu lệnh cho chủ quán rời đi, rồi tiếp tục hỏi Tế Thiên:

– Ngươi muốn trao đổi gì?

– Tính mạng của con trai Chúc Thịnh Lai chỉ còn đếm từng tháng. Ta muốn ngươi dùng năng lượng phượng hoàng của ngươi để chữa trị cho nó!

Thiên Hoàng ngửa mặt cười:

– Thần y như ngươi có thể làm những chuyện như thế này sao? Thật đáng xấu hổ?

Tế Thiên cười nhẹ:

– Ta biết khi dùng thể năng lượng phượng hoàng của ngươi để trị bệnh nặng có thể khiến ngươi bị kiệt quệ năng lượng trong một thời gian dài. Nhưng ta đảm bảo với ngươi, không những ngươi được đoàn tụ với con gái, mà còn có được sự quy phục của nghĩa quân rừng Bạch Tùng và sự ủng hộ của Trấn Tây tướng quân Điểu Tùng. Với tình trạng của Điểu Kinh như hôm nay ta chứng kiến, có lẽ đó là những thứ ngươi thực sự cần…

– Với sức mạnh của ta, không gì không thể làm được! Ta đâu cần đánh đổi nhiều như vậy?

– Phủ Trấn Tây là nơi bất khả xâm phạm, ta không tin ngươi dễ dàng xâm nhập. Con gái ngươi sẽ được nuôi dưỡng trong phủ để lấy máu duy trì sự sống cho thằng bé. Nếu ngươi muốn cứu nó mà không thỏa hiệp, chỉ có thể phát động chiến tranh với phủ Trấn Tây. Ta tin ngươi sẽ không lựa chọn cách đó trong tình trạng này.

Thiên Hoàng bực tức gầm lên, đưa tay xiết cổ Tế Thiên:

– Ngươi dám…

Lâu lắm rồi Thiên Hoàng mới tức giận. Chàng không quen với cơn giận dữ này của mình. Đứng trước tội ác của Điểu Linh Hoàng, chàng không tức giận, chàng chỉ đơn giản là trừng phạt. Nhưng bây giờ thì chàng thực sự giận dữ. Tế Thiên tiếp lời:

– Ngươi tức giận bởi vì con gái ngươi rất quan trọng với ngươi. Thằng bé này cũng rất quan trọng với bọn ta, ta không còn con đường nào khác nữa rồi…

Thiên Hoàng buông Tế Thiên, hít một hơi sâu nén giận. Chàng hỏi lại:

– Ngươi nói nó là con trai của Chúc Thịnh Lai?

– Đúng vậy! Nếu ngươi cứu nó, ta sẽ quy thuận dưới trướng ngươi, vì ngươi mà giúp sức cho Điểu tộc chiến thắng Long tộc và Dã quốc, vì ngươi mà bảo vệ con gái ngươi.

Thiên Hoàng thở dài, ngồi phịch xuống ghế:

– Được, ta nhận lời… Nhưng không phải những gì ngươi vừa thuyết phục ta… mà vì những gì Điểu tộc nợ quận chúa Tử Quỳnh vì những quy tắc ngớ ngẩn…

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

Home 2017 / page 4

Cảm xúc

“Cảm xúc có thật chăng?”

“Cảm xúc này có thực là của ta hay của ai đó đưa tới cho ta?”

Một chút lá rụng có thể khiến ta buồn. Một cánh én chao liệng giữa bầu trời xanh ngắn có thể khiến ta hưng phấn. Một ánh mắt có thể khiến ta rạo rực. Một lời nói có thể khiến ta đổ vỡ… v… v… Cảm xúc đến từ những cái cớ nho nhỏ, lúc rất gần, lúc lại xa xôi. Càng chậm lại và trầm hơn, dấu vết cảm xúc in trong tâm hồn ta càng rõ nét. Ta trải qua cảm xúc như thế, nhẹ nhàng, chợt đến chợt đi. Bất kể vui, buồn, đau khổ, giận hờn, đam mê… lướt qua đời ta, ta vẫn ở đó chứng kiến không suy chuyển.

Cảm xúc không đến với những kẻ cuồng loạn. Say một cách cuồng loạn. Hiếu chiến một cách cuồng loạn. Căm hận một cách cuồng loạn. Yêu một cách cuồng loạn. Đau khổ một cách cuồng loạn. Thực dụng một cách cuồng loạn… Tất cả sự cuồng loạn ấy chỉ như chiếc lồng thực tại nhốt tâm hồn chúng ta. Trong chiếc lồng ấy chúng ta tự biến mình thành một diễn viên, đẩy thái quá mọi bi kịch của cuộc đời và đắm đuối trong ấy. Khi vở diễn này qua đi, ta lại cần một vở diễn khác để nuôi dưỡng cho cái lồng bắt nhốt. Những vở diễn ấy, người ta gán cho nó nhiều cái tên: sứ mệnh, định mệnh, mục đích cuộc đời, hệ tư tưởng, ý chí tối thượng, niềm tin… Gọi nó bằng gì cũng được, nó vẫn cứ là một cái lồng.

Cảm xúc sẽ không thể xuất hiện trong cái lồng thực tại của bạn, bởi cảm xúc vốn tự do, chợt đến chợt đi và biến hóa nhiều hình thái. Cảm xúc không phải thứ thuộc về ta, ta chỉ trải qua nó. Một tác động nào đó từ ngoại cảnh đến với tâm trí ta, tâm trí ta phản ứng lại, cảm xúc nảy sinh. Dù cảm xúc là yếu tố bên ngoài, như thể một thứ chất kích thích được bơm vào tâm trí ta, nhưng việc ta trải nghiệm nó, tận hưởng những biến động bên trong tâm trí, lắng nghe sự đối thoại của những suy nghĩ, thực sự là một điều tuyệt diệu. Khoảng thời gian ấy chính là khoảng thời gian đẹp nhất, là giây phút thăng hoa của nghệ thuật và cái đẹp. Đó là khoảng thời gian mà mọi rác rưởi của đời sống đột nhiên tiêu biến, chỉ còn đọng lại những gì quý giá.

Những kẻ trong lồng nói: “Ngươi thì hiểu gì về tình cảnh của ta. Ta đau khổ lắm! Ta trải qua biết bao chuyện chẳng lành. Đời đối xử với ta tàn nhẫn biết bao. Nên ta phải cuồng loạn theo một cách nào đó. Sự cuồng loạn ấy chính là cảm xúc”.

Ta nói: “Sự cuồng loạn không phải cảm xúc. Cảm xúc không kéo dài, cảm xúc đến rồi đi, và cảm xúc không thể được nuôi dưỡng. Sự cuồng loạn là việc chất chồng những lớp vỏ cảm xúc giả dối lên cảm xúc thật. Những suy nghĩ bệnh hoạn của ngươi tạo nên lớp vỏ ấy. Ngươi đau khổ vậy ư? Đau khổ muốn chết ư? Dao đây! Dây thừng đây! Thuốc độc đây! Chết đi! Chết đi và ngươi sẽ chấm dứt khỏi cơn cuồng loạn, khỏi tình cảnh khốn khiếp của ngươi. Phải rồi… ngươi đâu dám. Ngươi phải bám vào cơn cuồng loạn, bởi vì không có cơn cuồng loạn ấy ngươi chỉ là một kẻ não rỗng, không có gì để đeo đuổi, không có gì để định danh giữa cuộc đời. Ngươi hãy thử một lần im lặng, tách biệt và không làm gì cả! Ta đoán chắc ngươi sẽ không chịu nổi và coi đó là trò tra tấn dã man nhất mà ngươi phải chịu đựng. Trong sự cô lập ấy, sự cuồng loạn không có chỗ để nuôi dưỡng, ngươi sẽ chẳng còn gì? Ngươi có dám sống như một kẻ chẳng còn gì và cũng chẳng có gì chăng?”.

Những kẻ trong lồng nói: “Ngươi là quỷ dữ! Ngươi là kẻ lừa đảo! Cảm xúc chỉ như một thứ ma túy và ngươi muốn bán thứ ma túy ấy!”

Ta nói: “Ma túy khiến ngươi lệ thuộc, khiến ngươi không thể thoát nổi nó. Ngươi không dám bỏ sự cuồng loạn của ngươi. Ngươi không dám thay đổi tình cảnh sống của ngươi. Ngươi mới là kẻ bị đắm chìm trong ma túy. Cảm xúc đích thực đâu cần ngươi níu giữ, và nó cũng không hứng thú với việc mãi mãi ở bên ngươi. Có kẻ buôn ma túy như vậy ư?”

Những tiếng ồn ào của những kẻ trong lồng không dứt. Đương nhiên họ sẽ chối bỏ lời của ta, chối bỏ cảm xúc thật để say mê trong cảm xúc giả mà bản chất chỉ là những cơn cuồng loạn. Ta nhận ra ta đã lây nhiễm cơn cuồng loạn của họ. Cố giảng giải cho những kẻ cuồng loạn về cơn cuồng loạn của họ sẽ biến ta dần thành một kẻ cuồng loạn.

Thôi thì thây kệ! Tiếng ồn lịm dần. Ta về với ta.

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 4

Anh hùng luận (5): Mộng trời Nam

Những dòng cuối cùng đã cạn, Nguyên Trừng đề lên tựa sách mấy chữ “Nam Ông mộng lục”. Trong giấc mộng, Nguyên Trừng còn là chàng trai trẻ trung đầy nhiệt huyết nuôi chí làm rường cột của nước nhà. Tỉnh mộng, chỉ còn Nam Ông một thân tội đồ nơi đất Bắc. Ngoài song cửa, mưa đất Bắc lạnh thấu xương lẫn với ảo ảnh cơn mưa Thăng Long nung nấu dựng xây Đại Việt. Cuốn sách nhỏ này, sao có thể phô bày hết trùng trùng tâm sự nung nấu của Nguyên Trừng. Từng câu chữ đều phải nén lại, từng cảm xúc đều phải giấu kín.

“Ta sinh ra vào thời biến loạn, những gì đẹp đẽ và huy hoàng nhất dường như đã vào vận điêu tàn. Những câu thơ cổ nay không người hiểu, kẻ đương thời chỉ biết sính sự hào nhoáng của câu từ. Những cung điện huy hoàng trở thành nơi ra vào của hàng hàng hồn ma không sức sống. Quân đội trễ nải lấy đá gà, tửu sắc làm vui. Tiếng chuông chùa vọng lòng tham của thời mạt thế. Nhân tài như việc ngọc quý vứt lăn lóc giữa đồng hoang. Kẻ xu thời đi rao giảng lời quái đản.

Cha ta nuôi chí cướp ngôi, mượn sức vị vua ôm ấp lý tưởng Nghệ Hoàng để leo cao nơi triều chính. Ô kìa mộng canh tân! Ô kìa viễn cảnh thái bình thịnh trị! Ô kìa lẽ công bằng! Những gì ta nói với cha ta ngày thơ trẻ, chính cha ta đã dùng để thuyết phục Nghệ Hoàng. Ta đứng bên cạnh cha, nhìn sự hùng hồn của cha, chiêm ngưỡng ánh hào quang ngời hi vọng của Nghệ Hoàng, lòng bất chợt nghi hoặc chính mình. Đó là ước vọng của ta, đó là kế hoạch của ta, nhưng cũng là một viễn ảnh chưa hoàn hảo, một cơn say nửa tỉnh nửa mê. Nhưng thời mạt thế, họ cần một cái gì đó để bám vào, kể cả là một ảo cảnh xa xôi do trẻ thơ mơ mộng. Đó là Minh đạo ư? Có lẽ đúng! Trong bóng tối người ta đi về phía ánh sáng mà không ý thức được rằng cạm bẫy nào đang đợi chờ ở đó.

Thuở bé, ta thường trốn học rong chơi. Thời chiến loạn, cha ta không quản. Ta lang thang những góc phố, ta nghe lỏm những câu chuyện của phường buôn. Ta nghe họ kể về một vùng đất xa xôi nào đó ở phía Tây, người ta ghi lại số vàng bạc lên tờ giấy để trao đổi. Ta nghe họ kể về những khẩu pháo có sức hủy diệt cả ngàn quân địch. Ta nghe họ than phiền về những vương tôn quý tộc đang cản trở con đường buôn bán của họ bằng thứ quyền uy của lòng tham. Nghe họ và tưởng tượng… Đó là trò chơi những lúc cô đơn, khi mẹ ta mất sớm, khi cha ta mải mê thăng tiến quyền lực.
Tại sao Nghệ Hoàng có thể tin vào trò chơi lúc cô đơn của ta như thế? Có lẽ ngài cô đơn và bất lực. Cha ta hiểu được sự cô đơn và bất lực của ngài, nên đã dùng nó để mê hoặc ngài. Nhưng dùng một viễn ảnh để thuyết phục người khác, dần dần cha ta cũng bị nó thuyết phục. Giả vờ đắm chìm trong một giấc mơ quá lâu dần dần sẽ khiến một người không phân biệt được đâu là mơ đâu là thực. Nhìn sự đắm đuối của họ, ta càng lúc càng thấy những viễn ảnh ấy chỉ là ngớ ngẩn.

Ta lao vào những cơn say, ta lao vào điệu nhạc, ta thả hồn theo những cơn mưa đất Kinh kỳ. Nữ sắc không khiến ta xao động. Vinh hoa không khiến ta phấn khích. Những cơn quay cuồng ấy đâu dập tắt được giấc mơ muốn thay đổi Đại Việt trong ta. Nhưng không, nước Việt ta muốn xây dựng không chỉ là lẽ công bằng, không chỉ là sự phồn vinh. Ta mơ mộng về những bậc thánh quân như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông thời Trần. Ta mơ mộng về hào khí ngùn ngụt của quân và dân Đại Việt. Ta mơ mộng về những người dân chăm chỉ tỉ mẩn từng chút trong công việc của mình. Ta mơ mộng về những tiếng hoan ca nơi xóm làng xa xôi. Ta mơ mộng về cảnh thanh nhàn không vướng bận, được gảy một khúc đàn thoát tục.

Rồi cũng đến ngày cha ta lên ngôi thượng hoàng, em ta lên ngôi hoàng thượng. Nhìn họ dương dương tự đắc, ta thấy mỉa mai và thương hại. Trong mắt họ vẫn không dấu nổi sự âu lo. Tôn thất nhà Trần vẫn dấy binh nổi loạn. Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh đang nhăm nhe bờ cõi. Họ lại không có được cái dáng vẻ toàn thân chính nghĩa như Nghệ Hoàng để có thể triệu tập toàn dân. Họ chỉ có thể dựa vào ta, một kẻ không thiết tha lắm với tham vọng của họ, không thiết tha lắm với một mớ hỗn loạn đang đi đến ngày tàn ở đất Việt, một kẻ thậm chí còn không thiết tha lắm với cuộc đời mình.
Ta đã làm gì đời ta thế này? Luôn luôn mơ mộng để rồi những kẻ tham quyền bám vào giấc mơ ấy mà tranh đoạt quyền lực. Luôn luôn mơ mộng để rồi chán nản với những gì diễn ra trước mắt. Ngay cả giấc mơ giản đơn nhất, gảy một điệu đàn trong cơn mưa thanh nhàn cũng trở nên xa xăm.

Giấc mộng nào rồi cũng có lúc tỉnh. Cha ta và em ta tỉnh mộng vào cái ngày quân đội của Vĩnh Lạc bao vây Tây Đô. Cha ta và em ta tham sống sợ chết đầu hàng. Còn ta đây thì sao, nên sống hay nên chết? Sống có gì vui? Chết có gì sợ? Tự vẫn như một anh hùng thà chịu chết chứ không chịu nhục ư? Ta không nuôi mộng anh hùng, ta chỉ là một kẻ mộng mơ. Sống luồn cúi như cha ta ư? Để mà làm gì? Thừa tướng nước Nam ta đã chẳng màng, màng gì chức phận của hàng thần nơi đất Bắc.

Ta để mặc đời ta trôi. Ta theo xe tù về đất Bắc. Ta chứng kiến sự tráng lệ đầy khoa trương của triều đình phương Bắc. Ta chứng kiến sự hèn nhược của cha ta và em ta. Ta chứng kiến những cuộc nổi dậy trong mông muội của những kẻ bất tài ở phương Nam. Ta chợt nhận ra ta chẳng còn nơi đâu là nhà. Và có lẽ chưa bao giờ có nơi nào là nhà ta. Ta chỉ đơn giản là đã lưu lạc từ lúc mới ra đời. Vậy thì ta còn sống trên cõi đời này làm gì nữa, chẳng phải vô nghĩa lắm ư? Còn những giấc mộng xa vời, tại sao chúng ám ảnh ta như định mệnh mà ta lại không thể thực hiện được chúng?

Ở đâu đó có kẻ mơ mộng thì cũng ở một đâu đó xa xôi sẽ có người thực hiện, dù ta và họ chưa từng có duyên gặp mặt. Những gì ta nghe được ngoài chợ và những gì ta tưởng tượng, có ai ngờ lại là một sự thật ở phía trời Tây. Chỉ đến khi lưu lạc nơi đất Bắc, ta mới được nghe kể về những chuyến du hành của Trịnh đại nhân tên Hòa và biết nó không phải là câu chuyện truyền kỳ. Nghệ Hoàng sẽ vui biết mấy. Cha ta sẽ ngạc nhiên biết mấy. Những câu chuyện của Trịnh đại nhân, có ai ngờ, lại là động lực để ta sống tiếp trong cái lạnh buốt giá của phương Bắc và triều đình Vĩnh Lạc.

Hôm nay, khi gấp lại “Nam Ông mộng lục”, ta mới thấy rõ rằng những giấc mơ mà Nghệ Hoàng bị cha ta đưa vào, chỉ là một giấc mộng tầm thường. Đến một lúc nào đó, có thể chục năm nữa, trăm năm nữa, thậm chí nghìn năm nữa, nước Nam có thể với tới giấc mơ ấy. Nhưng giấc mộng của ta thì dường như bất thành. Bởi những khoảnh khắc trong giấc mộng ấy đẹp quá. Những gì đẹp thường ngắn ngủi. Một tia nắng đẹp thoáng trong giây lát đã biến mất. Một điệu đàn đẹp không thể diễn tấu đến lần thứ hai. Một thời đại đẹp có thể chỉ là quá vãng hoặc chưa từng đạt đến.

Chỉ có cơn mưa triền miên… cái lạnh triền miên… sự chán nản triền miên…”

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 / page 4

Tập thơ Mùa dã cổ

Tập thơ “Mùa dã cổ”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2010 – 2015

Số trang:  140 trang

Xuất bản năm 2016, NXB Hội nhà văn.

Link mua sách: https://thebookhunter.org/portfolio-item/mua-da-co/

Tổng quan nội dung:

“Mùa dã cổ” là tập thơ biểu hiện những cảm hứng cổ xưa với các biểu tượng như quỷ dữ, thiên thần, hồ ly, quân vương, phượng hoàng…v…v… của nhà thơ Hà Thủy Nguyên. Những bài thơ trong “Mùa dã cổ” đã được đăng tải trên Book Hunter và được nhiều độc giả đón đọc. Mùa dã cổ cthể hiện tâm trạng và những chiêm nghiệm về một miền quá khứ hoàng kim đầy tính ước lệ, đối nghịch với thực tại chất chồng các khuôn mẫu lộn xộn. Sống ở thế giới hiện đại nhưng tác giả lại viết về các hồi ức mơ hồ của thuở xa xưa đan cài trong một cái nhìn tách biệt từ một thực tại khác để lý giải thực tại này.

 

Trích dẫn lời phi lộ:

Người ta nói, thế giới hiện đại đánh dấu sự suy tàn của thơ ca. Tôi nói, thế giới hiện đại là bãi rác của lịch sử nhân loại. Tất cả những gì thanh cao nhất đã ngủ lại trong quá khứ cổ xưa, những gì phô bày ngày nay, kể cả sự thanh cao cũng chỉ là ngành công nghiệp tái chế rác. Rác được tái chế hay không thì vẫn cứ là rác.

Thơ ca không mất đi. Thơ ca chỉ ngủ ở nơi mà nó thuộc về. Giống như nhiều kẻ tự mạo nhận mình là đấng cứu thế, là cứu tinh của nhân loại trong thời suy tàn và điên đảo, cũng có không ít kẻ tự coi mình như những kẻ đột phá, đập vỡ tất cả sự cao quý của tính thơ. Liệu có thể gọi đó là thơ, có thể gọi đó là sự cứu thế, hay là sự tự mãn của rác rưởi lên ngôi?

 

Trích dẫn thơ:

– Thuyền âm nhạc lững lờ – hững hờ

Không cập bến trần gian

Mùa dã cổ tàn

Ai nuối tiếc

Ai vun bụi ngọc kết hoa

Ai ủ men sầu vạn cổ

Ai gom mưa kết đọng

Ai nối hồn cung linh

Ai thắp vầng huyết nguyệt

Khơi sóng buồn len len…

(Trích “Mưa mùa dã cổ”)

– Nếu ta là Satan

Ta lạc loài giữa một bầy thiên sứ

Nếu ta là thiên sứ

Ta lạc loài giữa một lũ điên

Nếu ta là người điên

Ta lạc loài giữa cõi đời quá tỉnh

(Trích “Lạc loài”)

 

Buổi ra mắt tập thơ “Mùa dã cổ” với sự có mặt của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Đặng Thân, nhà nghiên cứu Tạ Đức, Tiến sĩ Nguyễn Quang A:

Home 2017 / page 4

Pinocchio nguyên bản thật sự nói gì về dối trá

Bài viết này được trích từ “Tình yêu và Dối trá: Một tiểu luận về Sự Trung thực, Lừa gạt và Sự khởi phát và Nuôi dưỡng của Ái tính” ở FSG vào 3/2.

Clancy Martin

Trong series truyện “Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio” (1881-1883) của Carlo Collodi, nguyên bản của bộ phim “Pinocchio” do Walt Disney sản xuất, cậu bé Pinocchio không giống chút nào đứa trẻ lý tưởng của Rousseau, mà được tạo ra một cách ngỗ nghịch. Trên thực tế, cậu bé đã hành xử rất tệ ngay trước khi được tạo ra: khi còn là một khúc gỗ, nó đã khơi mào cuộc ẩu đả giữa Geppetto và chủ của nó, và khi trở thành con rối, cậu ta ngay lập tức thích thú với đủ trò phá phách: sỉ nhục Geppetto ngay sau khi có miệng, cười nhạo ông, chạy trốn khỏi ông… Nói ngắn gọn, cậu bé cư xử như một đứa trẻ hai tuổi điển hình khi hai tuổi có thể coi là không biết cư xử. Collodi dường như có ẩn ý gì đó đến Rousseau. Khi con dế già trăm tuổi thông thái hỏi Pinocchio tại sao cậu bé muốn bỏ nhà, Pinocchio nói rằng: “Tôi sẽ phải đi học và sẽ phải học bài chỉ bởi cả tình yêu và sự ép buộc. Tự tin mà nói, tôi chả thích đi học; hái hoa bắt bướm thú vị hơn nhiều, hoặc trèo cây để bắt chim con”. Trái với Rousseau, Collodi nghĩ rằng một đứa trẻ nhỏ không phải chịu đựng nền giáo dục truyền thống sẽ chỉ ngỗ nghịch hơn và sẽ “trưởng thành như một con lừa hoàn hảo” (như con dế đã cảnh báo, và tiên tri đã thành sự thật – Pinocchio sau này biến thành một con lừa).

Lời nói dối  thật sự trong truyện không phải xuất phát từ Pinocchio, mà xuất phát từ Geppeto, người đã bán chiếc áo của mình để mua sách học cho Pinocchio. Ông đã nói dối cậu, nói rằng ông bán nó “Bởi vì cha thấy nó quá nóng”. (Đây là một ví dụ kinh điển về một lời nói dối gia trưởng với dụng ý tốt, mà cả Phật giáo và Plato đều cho phép). Điều thú vị là Pinocchio hiểu rằng người tạo ra cậu đã thật sự làm gì, “và không thể kìm được sự xúc động của trái tim đang rung động, vòng tay quanh cổ Geppetto rồi hôn lấy hôn để“. Vì vậy Pinnochio  có một trái tim lương thiện và đủ khôn khéo để hiểu rằng Geppetto đã nói dối mình vì lòng tốt; đơn giản rằng Pinocchio thích cư xử sai trái, và chưa học được cách thức của thế giới. Khi con cáo và con mèo xuất hiện, cậu dễ dàng bị dụ dỗ.

Bởi vì lời nói dối của Geppetto là một kiểu điển hình, trước khi chúng ta tiếp tục quay lại câu truyện về Pinocchio, cũng đáng để quan tâm tới khái niệm về sự thật của Dietrich Bonhoerffer. Bonhoeffer lập luận rằng nó là sự chất phác và sự dối lừa, thậm chí có thể là nguy hiểm khi giả thiết rằng sự thật thông thường luôn truyền tải một cách điển hình những gì chúng ta ám chỉ khi bàn về việc nói thật. Đương nhiên, chúng ta thường nói dối một cách chân thật, và vì những nguyên nhân luân lý đáng trách. Chúng ta cũng thường đưa ra các tuyên bố rằng không có sự thật thông thường, mà trên thực tế là những lời nói dối thuông thường – trong khi truyền tải một sự thực sâu hơn mà trong đó một tuyên bố chân thành không thể được bộc lộ. Cho nên, ví dụ như nếu Geppetto nói với Pinnochio rằng: “Cha bán cái áo để mua sách cho con”, ông ấy đã nói một sự thật thông thường, nhưng Pinocchio có thể hiểu thành “Nhìn những gì cha đã hi sinh cho con này!”. Bằng cách nói với Pinocchio rằng ông bán chiếc áo vì nó quá nóng – một lời nói dối – ông đã truyền tải với Pinocchio rằng “Chiếc áo ấy không thực sự quan trọng với cha, và cuốn sách của con nữa, cha không muốn con cảm thấy tệ về việc cha đã bán cái áo của mình”. Đây là một ví dụ rất hay về những gì Bonhoeffer muốn nói về sống chân thật với những ý nghĩa quan trọng hơn trong giao tiếp dường như không thể được truyền tải trong các bản tường trình nghiêm túc. Qúa nhiều những câu chuyện chúng ta kể với trẻ em thuộc dạng này như Santa Claus chẳng hạn. Liệu có bao nhiêu câu chuyện mà những đứa trẻ đã được nghe kể, không phải để lừa gạt mà để truyền tải những điều nếu nói thẳng thừng sẽ gây ra hiểu lầm hoặc tổn thương?

Đầu tiên Pinocchio không hoàn toàn nói dối, lời nói dối đầu tiên đã bị Collodi xác định như một lời nói dối, và cơ hội cho Pinocchio trưởng thành chính là chiếc mũi khổng lồ – cho đến khi cậu bị con cáo và con mèo lừa, cậu học được rằng nói thật (trong trường hợp này là vì đồng tiền vàng cậu có) có thể khiến cậu gặp rắc rối. Cậu kể với cô tiên về câu chuyện con mèo và con cáo đã ăn trộm tiền vàng của cậu và cậu rơi vào tay của những tên giết người khi cô tiên hỏi câu: “Thế còn bốn xu con đã để nó ở đâu?”, “Con đã làm mất chúng rồi”. Pinocchio lại nói dối, vì chúng đang ở trong túi cậu.

Mỗi khi cậu nói dối, chiếc mũi lại dài ra – lần này, dài thêm bằng 2 ngón tay nữa, sau khi nói dối hai lần liên tiếp nữa, trong khi ấy cô tiên cười nhạo  cậu, và tội nghiệp Pinocchio,“khá lúng túng” khi nhận ra chiếc mũi cậu dài đến mức cậu không thể chạy trốn khỏi nhà để che giấu sự xấu hổ được; chiếc mũi cứ dài ra với kích cỡ khổng lồ khiến cho không thể lọt vừa cửa ra vào.

Một loạt các lời nói dối của Pinocchio đều do được dạy. Lần đầu tiên là vì cậu lo lắng về việc làm mất ba đồng tiền vàng. Lời thứ hai là để chống đỡ cho lần đầu: cô tiên hỏi cậu về nơi cậu đánh mất đồng tiền vàng va cậu phải đưa ra lời giải thích (như Walter Scott đã nói “Ôi một mạng lưới rối bù được thêu dêt/khi lần đầu chúng ta lừa lọc!”) Nhưng  cô tiên đã thử cách “lọ bánh ngọt bị vỡ” một kiểu tra hỏi để phơi bày lời nói dối của Pinocchio ( cách tra hỏi này bản thân nó sẽ làm cho đối phương bị lộ tẩy) . Vì vậy, dù biết rằng cậu đã nói dối và cậu chắc chắn sẽ tiếp tục dối trá, cô vẫn thuyết phục: “Nếu con làm mất chúng trong rừng gần đây, chúng ta sẽ cùng tìm chúng: bởi vì mọi thứ bị mất trong rừng luôn có thể tìm ra được”. Đương nhiên Pinocchio mất bình tĩnh và nói dối vụng về hơn: “Con không mất bốn đồng vàng, con chẳng may nuốt chúng khi đang uống thuốc cô cho”. Sử dụng một kỹ thuật tranh luận khá thông thường và không mấy khi hiệu quả nhằm thoát khỏi những lời nói dối mà cậu đã nói trước đó, Pinocchio cố gắng đùn đẩy trách nhiệm lại về phía cô tiên. Do vậy cô tiên “để chú rối khóc lóc và kêu la suốt nửa giờ vì chiếc mũi của mình… Đây là cách cô dậy cho cậu một bài học đích đáng , và để chấn chỉnh thói quen dối trá đáng xấu hổ – lỗi lầm tồi tệ nhất mà một cậu bé có thể có”

Liệu ở đây Collodi có đang giễu cợt hay không, thật khó nói, khi cô tiên nhanh chóng tha thứ cho Pinocchio, và mặc kệ tiền sự dối trá của Pinocchio, suốt phần còn lại của cuốn sách, cô cũng ít quan tâm tới lỗi này hơn các trò ngỗ ngược khác của cậu. Collodi cũng đồng tình với Rousseau khi cho rằng rất nhiều câu chuyện đã mô tả cách những người lớn lừa phỉnh trẻ con dẫn đến phẩm hạnh không tốt. Ngoài ra, câu chuyện do một nhà văn giả tưởng kể thường ẩn chứa những góc nhìn chua cay về chính trị Ý cuối thế kỷ 19; có lẽ Collodi là một người bênh vực cho sự thật, nhưng ở một mặt khác, ông rõ ràng là người thấm thía sự quỷ quyệt của giao tiếp và sự cần thiết của điệu bộ, trớ trêu và giả dối.

Một ví dụ thú vị khác trong ngón gian lận mà Collodi sử dụng là: Pinocchio hỏi cô tiên làm sao cô biết cậu nói dối. Cô tiên trả lời: “Con trai của ta, dối trá có thể bị nhận ra ngay lập tức, bởi vì chúng có hai loại. Có những lời nói dối có chân ngắn, có lời nói dối với cái mũi dài. Lời nói dối của con là một trong số những câu có cái mũi dài”.

Thật là một sự phân biệt thú vị đáng ghi nhớ! Lời nói dối có đôi chân ngắn là những lời ám chỉ gần xa mà không quá xa sự thật. Sự thật luôn dễ dàng nắm bắt khi ai đó sử dụng lời nói dối với đôi chân ngắn. Lời nói dối có chiếc mũi dài là sự dối trá rõ ràng để lừa gạt mọi người , những lời nói dối khiến người nói dối nhìn trông rất kỳ cục. Trong trường hợp khác, theo như cô tiên, dối trá là xấu bởi vì chúng gây ra các kết quả xấu với người nói chúng. Và kết luận này của cô tiên rất đáng chú ý, bởi vì đa số các lập luận chống lại sự dối trá đều từ việc dối trá là không công bằng và làm hại người tin vào chúng. Nhưng cũng có thể giống như một người Ý khác là Machiavelli, khuyên rằng, nếu tránh được dối trá thì nên tránh bởi vì chúng gây ra các kết quả tiêu cực với bản thân người nói dối. Đây cũng là quan điểm của Aesop và Aristotle.

Vào lúc cuối cùng, khi Pinocchio đã được cô tiên biến thành một cậu bé thật sự không phải bởi vì cậu học được giá trị của sự trung thực, mà như cô tiên nói trong giấc mơ của cậu: “Đây là phần thưởng cho trái tim lượng thiện của con… Cậu bé nào tử tế với ca mẹ, và lao vào giúp họ trong gian khổ, đều xứng đáng được khen ngợi và cảm kích, kể cả khi chúng không vâng lời và cư xử đúng đắn. Hãy cố gắng tử tế trong tương lai nhé và con sẽ hạnh phúc”. Pinocchio không học được bài học gì. Hãy nghĩ về cuộc đời của cậu bé khi còn là con rối “cậu tự mãn nói: “Thật kì cục khi mình lại là một con rối. Thật tuyệt khi trở thành một đứa trẻ biết cư xử”. Ở đây, rõ ràng Collodi đang chế giễu tính cách này của cậu: Pinocchio không học để trở thành một cậu bé tử tế – cô tiên đã khuyên cậu như vậy – và cậu rất vui sướng với việc không cần cố gắng mà mà vẫn trở thành cậu bé tốt. Bài học, nếu có, thì là về việc nỗ lực hết mình để trở thành cậu bé tốt – câu chuyện được đăng hàng kỳ trên các tạp chí trẻ em chủ yếu để làm hài lòng bố mẹ.

Trước khi đọc Collodi, khi tôi chỉ biết đến bản của Walt Disney, tôi đã tưởng rằng bài học đạo đức trong chuyện Pinocchio là “Sự thật sẽ giải phóng bạn”, nếu bạn nói dối, bạn sẽ bị giật dây bởi người khác, nhưng bọn khi bạn đủ dũng cảm để nói thật, hơn là lo lắng về những gì người khác muốn bạn nói và làm, bạn có thể được xác thực, có thể trở thành một cậu bé thật sự. Tôi vẫn nghĩ rằng có các nghĩ này cũng đáng tán thưởng, và tôi cho rằng hẳn là phần nào Disney cũng có ẩn ý này. Nhưng nguyên nhân khiến tôi thích nguyên bản của  Collodi hơn là ở chỗ vai trò của cậu là để răn dạy nhưng thực tế đã khiến cậu cư xử như một người hùng mà chúng ta trông đợi ở một cậu bé ngoan ngoãn. Pinocchio ngỗ ngược, dối trá, thất hứa, dính vào đủ loại rắc rối vì chủ quan, thiếu kinh nghiệm và xét đoán sai lầm (Nghe có vẻ quen nhỉ?) Nhưng cậu vẫn là một người hùng với trái tim lương thiện, cậu yêu ông Geppetto, và cô tiên quý phái đã ban thưởng cho cậu sau tất cả, đã trở thành một cậu bé như bao cậu bé khác.

Nguồn bài: The New Yorker

Người dịch: Hà Thủy Nguyên