Đối thoại và Phỏng vấn rất khác nhau, trước tiên, chúng ta cần làm rõ điều này. Một người phỏng vấn người khác để lấy thêm thông tin, còn một người Đối Thoại với người khác khi cả hai cùng nhau truyền tải một ý tưởng. Hỏi – Đáp thì dễ, nhưng Đối Thoại thì không. Và đây là một cuốn sách Đối Thoại rất Phan Đăng.
Tôi thực sự quen Phan Đăng cách đây không lâu. Trước đây, tôi hay tổ chức nói chuyện về sách kinh điển tại NXB Tri Thức, và có đôi ba lần anh đến dự, lúc đó tôi chẳng biết anh là ai, vì trong mắt tôi chỉ có nội dung sách, không có người khác. Sau đó, anh lại đến đôi ba cuộc nói chuyện nhỏ khác của tôi về Thiền tông tại một quán trà nhỏ xinh, tôi vẫn không biết gì về anh, chỉ ấn tượng là trong số những người tham dự, anh ấy luôn đặt ra các gợi mở rất thú vị và khiến tôi hào hứng thảo luận hơn. Đến sau này mới biết, hoá ra là Nhà báo Phan Đăng, người nổi tiếng với vị trí của MC “Ai là triệu phú” 😱 (không xem bao giờ), nhưng phải nói thật là, tôi thấy vị trí ấy không phù hợp với anh, vì với cách tư duy ấy, cách đặt vấn đề ấy…anh nên ở một vị trí “nóng” hơn. Đến khi biết anh là một nhà báo, lại còn làm trong một tờ báo khá “nóng”, thì mọi thứ lại trở nên hợp lý.
Những cuộc đối thoại này cũng rất nóng , nâng lên đặt xuống rất nhiều vấn đề: từ vai trò và hình mẫu trí thức, cho đến ý nghĩa của chiến thắng trong mỗi cuộc đua, mục đích của giáo dục, ý niệm về quốc gia trong thời đại 4.0… Kiên nhẫn đọc các đối thoại này, có lẽ các bạn trẻ sẽ nghĩ lại đôi chút về những định kiến xã hội đang tác động lên tâm trí chúng ta, đôi khi sẽ khiến nhiều người không hài lòng, nhưng chắc chắn chúng sẽ khiến ta phải nghĩ, vì hoá ra ở đời vẫn có nhiều người với các góc nhìn khác nhau và khác mình như vậy.
Thế nên cuốn sách này thể hiện một phần rất đời, rất nghề của Phan Đăng, và ta có thể nhìn thấy Phan Đăng thông qua chính những nhân vật mà anh trò chuyện.
Hà Thủy Nguyên
Nguồn ảnh sách: Vietnamplus.vn