Home Bình Luận Đô thị học tập – Nền tảng cho mọi định hướng phát triển

Đô thị học tập – Nền tảng cho mọi định hướng phát triển

Bước chân tới một đô thị với những tiện nghi hiện đại và những tòa nhà bề thế, chúng ta dễ dàng bị choáng ngợp bởi sự phồn hoa và văn minh cùng dòng người và dòng tiền lưu thông liên tục, nhưng chúng ta ít khi để ý tới những yếu tố làm nên sự thịnh vượng đó. Đến nay, các nhà nghiên cứu đô thị học chắc chắn không còn ai ảo tưởng rằng những tòa nhà và hệ thống giao thông tạo nên đô thị, tất cả đều đồng thuận rằng cư dân mới là yếu tố quan trọng nhất tạo nên đô thị. Ban sơ, từ nhiều khu vực khác nhau, con người tụ tập tại nơi thuận tiện cho giao thương, và để quá trình giao thương được an toàn và dễ dàng, các chính quyền quản lý ra đời để tạo nền móng hạ tầng cơ sở cùng các thiết chế và chích sách thu hút thêm cư dân cũng như hàng hóa, vâng, đó là cách các đô thị hình thành. Lối sống của cư dân, trình độ nhận thức, học vấn, chuyên môn…tất cả đều mang tính quyết định đến mô hình kinh tế, văn hóa và chính trị của đô thị.

Trong “Chiến thắng của đô thị”, nhà đô thị học hàng đầu thế giới Edward Glaeser khẳng định:

“…mọi đô thị thành công đều có một điểm chung. Để phát triển thịnh vượng, các đô thị này cần thu hút những người thông minh và cho phép họ hợp tác với nhau để làm việc. Chẳng bao giờ có một đô thị thành công mà thiếu đi nguồn vốn nhân lực.” (1)

Nhận định này của ông không phải là sự võ đoán thuần lý thuyết của các trí thức hàn lâm mà là quá trình khảo sát 40 năm tại rất nhiều các đô thị trên thế giới. Tất yếu, những cư dân thông minh sẽ chỉ sống tại những nơi có nhiều người thông minh, cùng với môi trường làm việc vận dụng được tài năng của họ, sử dụng hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi những người thông minh. Nói một cách khác, người thông minh không tự nhiên chọn sống ở các đô thị, vì họ là người thông minh và so với nhóm dân lao động trình độ thấp, họ sẽ có đòi hỏi cao hơn. Vậy chính quyền đô thị có nên xây dựng một đô thị đặt nền tảng dựa trên những người lao động có trình độ thấp hay không? Có, nhưng sẽ không bền. Cũng trong “Sinh tồn của đô thị”, một tác phẩm khác của Glaeser hợp tác với chuyên gia chính sách y tế cộng đồng David Cutler, ta có thể thấy đô thị đặt nền móng dựa trên người lao động trình độ thấp sẽ luôn tạo nhiều nguy cơ như lây lan dịch bệnh, tội phạm bạo lực, thất thoát tài sản, bạo loạn… Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta gạt người lao động trình độ thấp ra ngoài rìa của đô thị và để đô thị lại cho những người thông minh, mà chính quyền đô thị nói riêng và cộng đồng dân cư tại đô thị cần thúc đẩy sự nâng cao trình độ cư dân thông qua sự khuyến khích tinh thần học tập.

Chính quyền đô thị – nhân tố mang tính quyết định để tạo ra các cư dân thông minh

Nhà địa lý học người Pháp Augustin Berque đã đưa ra một phân định thú vị giữa nông thôn và đô thị, không phải chỉ ở số lượng dân cư, mà ở hai thái cực hoang dã và văn minh. Trong bài báo “Nông thôn, hoang dã, đô thị” (The Rural, the Wild, the Urban), Berque cho rằng nông thôn là phần chuyển tiếp giữa hai thái cực hoang dã (thuộc về rừng tự nhiên) và văn minh (thuộc về đô thị), dấu vết của con người thực hiện quá trình khai hoang mở mang diện tích sống của mình, bởi vậy, nông thôn vẫn còn dấu vết hoang dã, và trong lịch sử loài người, những bậc trí giả thường coi việc rời bỏ thành thị để ẩn cư với nông thôn như một biểu tượng của xa lánh con người để về với trạng thái hoang sơ, thoát khỏi trách nhiệm của các mối quan hệ. (2) Tại nông thôn, cá nhân có một năng lực tự trị và toàn quyền kiểm soát không gian sống của mình hơn so với đô thị. Trong khi ấy, các cư dân đô thị luôn cần có sự ủy quyền cho một nhóm xứng đáng để thay mặt mỗi cá nhân quản trị đời sống của họ. Tùy mỗi thể chế khác nhau mà quy trình ủy quyền lại có các đặc tính khác nhau, nhưng đó lại là một chủ đề khác mà có lẽ ta sẽ quay lại sau. Có thể nói rằng, đời sống cư dân đô thị bị lệ thuộc vào các quyết sách của chính quyền đô thị. Với lượng dân cư đông đúc nhiều thành phần và khối tài sản lưu thông liên tục, cư dân đô thị luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nhưng chính nhờ sự hiệu quả của chính quyền đô thị mà người dân dễ dàng an cư lạc nghiệp.

Ta hãy thử cùng xem xét cuộc cải cách thành bang Athens của Solon để thấy vai trò của chính quyền đô thị quan trọng tới đâu. Trước khi Solon cải cách Athens, Athens “khốn cùng với món nợ đẫm máu”, “các quan chấp chính bị dân nguyền rủa và căm ghét”, “thành phố bị xâu xé bởi hai bè phái”. Với tên tuổi danh giá của mình, Solon đã đứng ra hòa giải các bè phái, song song với đó, ông mời Epimenides xứ Phaestus tới Athens và bắt đầu quá trình soạn sửa luật, bãi bỏ các tập tục bạo lực và chuẩn hóa đời sống tín ngưỡng tại thành bang đa thần nhiều xung đột này. Ngay sau đó, Athens lại phải tiếp tục đối mặt với cuộc xung đột giàu nghèo và mâu thuẫn quyền bầu cử, đứng trước nguy cơ một cuộc bạo loạn lật đổ. Solon trở thành người được ủy quyền của những người can đảm nhất, điềm đạm nhất, người có thể cùng họ trả tự do cho các con nợ bị bắt trở thành nô lệ, phân chia lại đất đai và cải tổ hiến pháp. Để xoa dịu các xung đột, ông cải cách luật pháp dựa trên nguyên tắc “Làm cho quyền lực và công lý hòa hợp” và “Luật tốt nhất là luật mà họ sẵn sàng.” (3) Cải cách tư pháp và hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng  không phải thành tựu cai trị duy nhất của Solon, ổn định là chưa đủ, cần thịnh vượng nữa. Ông đã khuyến khích cư dân cải thiện tay nghề thủ công và chấp nhận những gia đình nhập cư có nghề nghiệp cụ thể bị rơi vào cảnh lưu vong do những bất ổn chính trị từ các thành bang khác (4). Mặc dù sinh thời Solon không giữ được quyền lực chấp chính của mình, nhưng trong thời tại vị của ông Athens đã có một giai đoạn phồn vinh ngắn ngủi, và các nguyên tắc quản trị đô thị của ông trở thành một trong các nền tảng của Chính trị học cổ đại.

Từ Solon, tới Aristotle và các nhà tư tưởng chính trị đề cao tính hiệu quả của chính quyền đều cho rằng tìm người tài làm việc trong các chính quyền đô thị là tối quan trọng. Đúc rút lại chức năng của chính quyền thành phố, E.Herriot, thị trưởng thành phố Lyon (1905-1957) đã bàn: “Mục đích của quản trị thành phố là để dự đoán trước sự mở rộng của quá trình tụ cư nhân văn một cách hợp lý, cung cấp cho cư dân không gian mở và đầy đủ sắc thái, mang tới cho họ sự đảm bảo, bảo vệ họ khỏi tất cả các trận đại dịch, cung cấp những hệ thống giao thông vận tải, nước sạch, loại bỏ chất thải, cải thiện nhà ở, lựa chọn phương thức chiếu sáng tốt nhất, kiểm định chất lượng thực phẩm và sữa…bảo vệ trẻ sơ sinh, hiện đại hóa nhà trường…cung ứng dịch vụ vệ sinh, các dịch vụ xã hội, chiến đấu chống lại các bệnh truyền nhiễm, cải thiện các bệnh viện, trạm dừng chân trú náu, và nhà trẻ của chúng ta” (5). Sự xuất hiện của những người tài có chuyên môn tốt trong chính quyền đô thị đã làm thay đổi từ quản lý đô thị như những “ông chủ kẻ cả” sang “quản trị đô thị” bằng một loạt các chính sách mang lại đời sống phồn vinh hơn, an toàn hơn, công bằng hơn cho người dân.

>> Tìm hiểu thêm về sách Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens – Plutarch – Book Hunter Lyceum

Để chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả, tất yếu các nhà lãnh đạo phải đưa ra các chính sách thu hút người tài làm việc trong bộ máy. Như đã đề cập ở trên, người tài sẽ thu hút được người tài. Từ người tài trong bộ máy chính quyền đô thị sẽ tiếp tục thu hút người tài trong các lĩnh vực học thuật và kinh doanh. Một chính quyền đô thị không khuyến khích nhân tài, mà chỉ đảm bảo số ghế của nhóm lợi ích, thì công việc vận hành sẽ luôn trục trặc, gây ra những bất tiện cho cư dân trong sinh hoạt và làm ăn. Tất yếu gây ra tình trạng đầu tư sai hướng, tầng lớp doanh nhân vốn mang lại nguồn thuế cho ngân sách gặp khó khăn, tội phạm gia tăng bởi đống đảo người thất nghiệp thiếu trình độ. Hiện trạng này đã được Edward Glaeser phân tích kỹ lưỡng từ trường hợp của Detroit sau sự sụp đổ của Vành đai gỉ sắt. Số liệu cho thấy từ năm 1950 đến 2008, Detroit mất đi hơn 1 triệu người, tức 58% tổng số dân cư, với tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 là 25% (cao nhất nước Mỹ), tỷ lệ tội phạm năm 2008 cũng cao nhất. Nguyên nhân đến từ thành phố này vào đầu thế kỷ 20 đeo đuổi mô hình đô thị công nghiệp  đơn điệu chỉ phục vụ ngành sản xuất ô tô. Các nhà máy ô tô lúc bấy giờ đã cung cấp mưu sinh cho cả thành phố với những thị dân có trình độ thấp. Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh ô tô của thành phố Detroit đã sai hướng khi hạn chế sự sáng tạo của các doanh nghiệp ô tô nhỏ bằng cách khuyến khích mô hình ô tô đại trà của Ford. Ford đã biến Detroit thành công xưởng sản xuất ô tô hàng loạt để mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, nhưng việc thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ đầy tính sáng tạo để hạn chế cạnh tranh cũng khiến những nhân tài sáng tạo rời bỏ nơi đây hoặc thui chột năng lực. Ford đã thành công nhưng Detroit thì thất bại, chỉ 11% dân số ở Detroit có trình độ chuyên môn ở bậc đại học trong khi đó tập đoàn ô tô như Ford luôn tìm cách di dời nhà máy tới các khu vực có đòi hỏi mức lương thấp hơn, dần dần dẫn tới tình trạng Detroit bị “chảy máu nhân công” . Khi sản xuất công nghiệp thoái trào ở Detroit, thành phố với trình độ dân trí thấp và lệ thuộc vào ngành sản xuất ô tô đã không thể bắt kịp được các đô thị tinh gọn đa dạng ngành nghề và có trình độ nhân công lao động cao. Một cách tất yếu, cải cách Detroit là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chính quyền Detroit đã liên tiếp sai lầm trong việc khoét sâu mâu thuẫn sắc tộc giàu nghèo bằng việc đối xử bất bình đẳng trong môi trường giáo dục và thay vì thu hút doanh nghiệp sáng tạo thì lại trưng thu đất của dân nghèo để xây các tổ hợp dinh thự nhằm kích cầu thị trường bất động sản tại đây. Nhận xét tình trạng này, Glaeser đánh giá: “Nhưng giống như ở nhiều vùng suy thoái khác, hàng tỷ đô la đã được chi cho cơ sở hạ tầng mà thành phố không hề cần. Chẳng ngạc nhiên chút nào khi tạo ra nhiều bất động sản hơn ở những vị trí vốn đã đầy bất động sản không được sử dụng thực sự chẳng mang lại lợi ích gì. Những sự thất bại của việc làm mới đô thị phản ánh một thất bại ở mọi cấp của chính quyền trong việc nhận thức được rằng con người, chứ không phải kiến trúc, mới thực sự định đoạt thành công của một thành phố.” (6) Cho đến nay, dù Detroit đã có nhiều cải thiện ở khía cạnh đời sống dân sinh nhờ các nguồn quỹ hỗ trợ, nhưng những cải thiện này vẫn chỉ đang ở mức nâng cao sinh hoạt của người dân chứ chưa thực sự tạo được một sự thay đổi sâu sắc hoặc tạo ra sức hút trở lại cho thành phố này. (7)

Thực trạng bất động sản đắp chiếu ở Detroit. Nguồn ảnh: Forbes

>> Đọc thêm:

So với Athens, Kỷ nguyên vàng Islam tại Baghdad trong khoảng từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 là minh chứng huy hoàng hơn cho một đô thị khuyến khích nhân tài và không ngừng thu hút cũng như tạo ra các cư dân có trình độ chuyên môn cao . Harul al-Rashid , vị vua giàu có và sắt đá trong “Nghìn lẻ một đêm” huyền thoại đã thực hiện một loạt các cải cách để thu hút nhân tài tới Baghdad. Một “Ngôi nhà Tri Thức” (Bayt al-Ḥikmah) đã được tạo dựng nhằm thu thập các trước tác lớn từ các nền văn minh lân cận như Hy Lạp, Byzantine, La Mã, Trung Quốc, Ba Tư, Do Thái… trong mọi lĩnh vực (kể cả tôn giáo) và dịch sang tiếng Ả Rập. Công việc dịch thuật với quy mô khổng lồ đã thu hút học giả từ nhiều vùng lân cận tập hợp tại Baghdad, và thông qua dịch thuật, họ học hỏi, tranh luận, không hề bị giới hạn bởi giáo lý hồi giáo. Một loạt các hoạt động kích thích học thuật khác cũng được tổ chức tại Baghdad lúc bấy giờ với mô hình thư viện công cho mượn sách, các trường đại học, kích thích nghiên cứu khoa học và ứng dụng, khuyến khích các quỹ đầu tư cho học thuật và sáng tạo… Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế nằm trong tuyến giao thương Con Đường Tơ Lụa huyết mạch nối liền từ Châu Âu sang Trung Hoa, chính quyền Ả Rập không chỉ đứng ra bảo đảm an ninh cho tuyến giao thương này mà còn sáng tạo ra các sản phẩm đặc trưng của nền văn minh Islam bằng cách thu hút và đào tạo những thợ thủ công có chuyên môn tốt tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và những nông dân giỏi có năng lực mở rộng trồng trọt trong điều kiện khí hậu và đất đai khó khăn. (8) Tinh thần ham mê học hỏi và hướng tới điều tốt nhất tại Baghdad đã theo dòng lan tỏa của tôn giáo Islam trong suốt chiều rộng không gian và chiều dài thời gian, mà di sản là thời kỳ hưng thịnh của Đế chế Ottoman,  thời kỳ Ấn Độ Islam, và … “nhỏ giọt tới Châu Âu” (chữ dùng của Glaeser khi bàn về trung tâm tri thức Baghdad) ở thời Phục Hưng. Qua sự hưng thịnh của Baghdad, ta có thể thấu rõ vai trò của chính quyền đô thị, mà ở đây đồng thời cũng là chính quyền Trung ương, trong quyết sách thu hút nhân tài. Đô thị Baghdad chỉ dần suy yếu vào cuối Kỷ nguyên vàng khi những chính sách khuyến khích học thuật bị bóp nghẹt do cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Islam và Công giáo dẫn đến sự chuyên chế tư tưởng để củng cố ý thức hệ tại đây.

Lựa chọn định hướng phát triển của chính quyền đô thị là yếu tố tiên quyết để hình thành nên một đô thị học tập hoặc không. Nếu một đô thị lựa chọn cách phát triển theo hướng nương nhờ hoàn toàn vào dòng tiền của các tập đoàn nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân trình độ thấp và nhân sự trong chính quyền dễ dàng kiếm chác từ các dự án đầu tư, thì đô thị ấy sẽ thiếu nội lực và không bền vững. Nội lực của một đô thị, cùng với địa thế thuận lợi, thì con người luôn là quan trọng nhất, và để có nội lực mạnh tất yếu phải cần đến các cư dân tài giỏi.

Tranh vẽ sinh hoạt của các học giả tại Baghdad của Yahya ibn Mahmud al-Wasiti (thế kỷ 13)

Trình độ chuyên môn – bài toán nan giải của hệ thống giáo dục trên mọi quốc gia

Nền tảng của hệ thống giáo dục chính thống thế giới hiện nay dựa vào mô hình phổ thông phổ cập với các kiến thức thiên về hàn lâm trong khi đó kiến thức hàn lâm lại nhanh chóng lỗi thời trong thời đại biến chuyển liên tục và không ngừng tạo ra các ngành nghề mới. Không chỉ tại Việt Nam, ngay tại Mỹ, đây cũng là vấn đề nan giải. Cuộc chạy đua “lên đỉnh” là vấn nạn của giáo dục Mỹ, cũng giống như chạy đua thành tích tại Việt Nam. Tình trạng này đã được chỉ ra trong “Sinh tồn của đô thị” (Edward Glaeser & David Cutler): “Việc dạy học ở trường là thất bại tiêu biểu nhất của các thành phố tại Mỹ, và có lẽ cũng là thất bại lớn nhất của xã hội Mỹ. Trường học bảo vệ cho nhân viên của họ, bao gồm cả những giáo viên dạy kém vẫn còn trong nhiệm kỳ, và cả những người ngoài cuộc thất bại, như trẻ em nghèo. Cũng như việc thi hành pháp luật, cải cách trường học cũng là điều hợp pháp, như các đề xuất “Không bé nào bị bỏ lại” và “Thi đua lên đỉnh”, và xây dựng thế chế, những điều vốn là thành tựu của các hiệu trưởng và lãnh đạo các trường cấp quận.” Cuốn sách còn đưa ra quan điểm rằng chương trình giảng dạy dường như không tương thích với nhu cầu của thế kỷ 21, bởi cuộc đua “đạt chuẩn” đang tiêu tốn nguồn lực hơn so với việc cung cấp kiến thức có thể ứng dụng trong thực tiễn.” (9) Trong sự bất lực của cải tạo hệ thống trường công, chính phủ Mỹ đã tạo ra nhiều cơ hội mới hơn với hệ thống đào tạo nghề. Sự “tỉnh ngộ” này đến từ việc chính phủ Mỹ nhận ra rằng hệ thống dạy nghề ưu việt ở Đức đã cung cấp kỹ năng làm việc cụ thể mà không ép buộc những đứa trẻ đeo đuổi hệ thống học thuật phức tạp và cồng kềnh. Thực tế thì không phải đứa trẻ nào cũng là thiên tài học thuật, trong khi đó chúng lại lãng phí nhiều năm tuổi trẻ để đeo đuổi thành tích vốn không phải thế mạnh của mình. Hơn nửa số học sinh trung học cơ sở tại Đức đăng ký học nghề từ năm 14 tuổi và tạo ra lượng nhân công có chuyên môn cho thị trường lao động. Nhưng giáo dục Mỹ đã không quyết liệt được như Đức, mà chỉ giữ đào tạo nghề trong khung giờ sau thời gian ở trường và nghỉ hè, bởi vì việc cho phép hệ thống đào tạo nghề phát triển mạnh như ở Đức có thể gây ra tình trạng thất nghiệp của đại đa số các giáo viên và chuyên gia giáo dục không đủ năng lực. (10)

Câu chuyện cải cách giáo dục ở Mỹ và mô hình dạy nghề sớm của Đức dù ở phương trời Tây nhưng lại rất gần gũi với các vấn đề xoay quanh giải pháp nhân sự cho Việt Nam. Có lẽ không cần mất thời gian để chứng minh sự bế tắc của hệ thống giáo dục sau trung học khi liên tục tụt hậu so với nhu cầu nghiệp vụ của thời đại. Và dĩ nhiên, chất lượng sinh viên tốt nghiệp không cao dù điểm số và bằng cấp không hề thấp. Sẽ mất rất nhiều thời gian để sinh viên tốt nghiệp bắt nhịp được với nghiệp vụ mới, những nghiệp vụ đa phần không được trau rèn trong nhà trường, đặc biệt ở các khối ngành thuộc kinh tế, kinh doanh, công nghệ… Sinh viên cần học thêm nhiều chứng chỉ nghề nghiệp khác để có thể hành nghề, đó là chưa kể đến nguy cơ làm việc trái ngành do hoàn cảnh đưa đẩy hoặc tình cờ nhận ra thiên hướng nghề nghiệp thực sự. Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề khiếm khuyết đang vô tình tạo ra một lượng lớn người lao động kém trình độ nhưng lại làm thui chột thiên bẩm cũng của một lượng lớn người lao động, và để lại nền kinh tế dựa trên trình độ kém. Trớ trêu ấy lại chất chồng trớ trêu khi người dân thay vì kiếm sống được bằng nghề mình giỏi lại dồn nguồn lực, thậm chí là vay vốn, để tham gia các cuộc đầu tư tài chính và bất động sản theo cách thức rất cờ bạc, trong khi lại không hề có chuyên môn tài chính. Tình trạng “toàn dân đánh bạc” trong những đợt nóng của thị trường đầu tư kéo theo đó là lừa đảo, vỡ nợ, và để lại cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp tục gây thêm đói nghèo trong xã hội.

Càng ngày, “tốc độ học tập (đổi mới) không chỉ là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng sống ngày càng tăng cao” mà còn là “yếu tố nội sinh”. Và chính sách chuyển đổi nền kinh tế và xã hội của các nước đang phát triển thành các “xã hội học tập” được thực tiễn chứng minh rằng giúp họ “thu hẹp khoảng cách về kiến thức cùng với sự gia tăng đáng kể trong thu nhập”. Và quả thực, để xã hội phát triển “con người phải học được cách để học”. (11) Trong khi ấy, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khối Xã hội chủ nghĩa lại đề cao  công nghiệp hóa và các hình thức giáo dục truyền thống và thất bại trong việc học hỏi những yếu tố mới, trong khi ấy, năng lực học hỏi nhanh chóng luôn giúp ứng biến trước các tình huống biến động mà không cần phải mượn các ngoại lực như công nghệ (12). Từ quan điểm đó, xây dựng xã hội học tập đưa ra quan điểm rằng các xã hội cần “tập trung vào các kiến thức đến từ cá nhân, công ty và trong xã hội nói chung – cũng như cái cách mà những kiện thức đó thay đổi, được truyền bá và đưa vào sử dụng.” Khó có thể chối cãi, hệ thống giáo dục đào tạo chính thống dù ưu việt tới đâu cũng không đủ để cung cấp kiến thức toàn diện để đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ đa dạng và liên tục thay đổi, trong khi ấy thì bất cứ cá nhân nào cũng sẽ sở hữu các kiến thức và thông tin mà người khác không có đồng thời với những thứ ai cũng biết, vì thế, một môi trường để học tập lẫn nhau thông qua quá trình làm việc trong các tổ chức và giữa các cá nhân với nhau là chất xúc tác để giúp cho các kiến thức mới thúc đẩy tư duy mới và nảy sinh sáng tạo không ngừng. (13) Đây chính là trọng điểm trong sự thành công của các đô thị, nơi quá trình giao thương và giao lưu diễn ra tự nhiên và liên tục tới mức chỉ cần một chính sách gây sự gián đoạn là bắt đầu cho chuỗi domino dẫn đến thất bại.

>> Bằng cấp – chúng ta đang làm gì với đời mình – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Học tập từ các cá nhân thông qua quá trình làm việc của các tổ chức lớn nhỏ quan trọng cho nâng cao nghiệp vụ, từ đó cho thấy môi trường dân sự đóng vai trò lớn không kém các cơ quan thuộc chính quyền đô thị. Nếu chính quyền đô thị khuyến khích học tập thì chính môi trường dân sự tại các đô thị tạo hệ sinh thái nuôi dưỡng sự học tập. Khi môi trường dân sự không sẵn sàng chia sẻ kiến thức và liên tục học hỏi thì chính quyền đô thị cũng không có đủ nền tảng để khuyến khích. Từ phía chia sẻ kiến thức, môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh và thiếu sáng tạo sản sinh ra thế hệ những cá nhân luôn muốn giữ bí quyết cho riêng mình. Điều này đến từ việc chính bản thân họ cũng thiếu năng lực học hỏi điều mới và luôn sáng tạo, mà chỉ khư khư giữ bí quyết làm giàu. Hiện tượng này phổ biến trong môi trường kinh doanh và học tập ở Á Đông, khi người ta đề cao tính truyền thừa bí quyết trong gia tộc, sư môn hoặc nhóm lợi ích hơn là trao bí quyết cho cộng đồng để học hỏi thêm từ chính cộng đồng nhằm cải thiện bí quyết của mình. Từ phía người tiếp nhận kiến thức, cuộc chìm nổi trong mưu sinh khó khăn và sự đeo đuổi đời sống giàu có nhàn hạ luôn khiến nhiều cá nhân ngại học hỏi với niềm tin rằng “ngu si hưởng thái bình”. Những người này luôn là một lực cản cho xã hội cũng như cho chính họ, và thực tế là guồng quay liên tục lăn bánh dịch chuyển của thế giới đương đại sẽ bỏ lại những người lỗi thời cả về năng lực và nhận thức. Chỉ khi những người có chuyên môn tài giỏi tham gia thị trường lao động và chia sẻ kiến thức của mình, thì đô thị nói riêng và toàn xã hội nói chung mới phát triển bền vững mà không cần thực hiện các cuộc cải cách cồng kềnh vĩ mô.

Chắc hẳn đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc rằng còn những kiến thức khác như kỹ năng chính trị, vệ sinh thực phẩm, ẩm thực môi trường, tài chính, tu tập… thì có nằm trong các vấn đề cần được quan tâm trong một xã hội học tập hay không? Thực tế thì, những chủ đề kiến thức ấy  cũng là chuyên môn, và cho đến nay chúng đang bị đại trà hóa một cách thiếu chuyên môn tới mức người ta quên rằng chúng cần có sự dẫn hướng chuyên môn. Tính chuyên sâu và liên tục sáng tạo của các chuyên môn dạng này rất khó để mô phạm hóa bởi vì chúng nhanh chóng lỗi thời so với thực tế, và ở thái cực khác, chúng bị bó hẹp trong một nhóm nhỏ hàn lâm hoặc chuyên biệt và ít hào hứng với việc chia sẻ chuyên môn với cộng đồng.

Tại Việt Nam, khi chính quyền các đô thị không thực sự khuyến học và môi trường dân sự vốn có mặt bằng chung kém cỏi thì xây dựng đô thị học tập trở nên khó khăn hơn. Có lẽ, sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cùng các đòi hỏi khắt khe của thị trường quốc tế đã, đang và sẽ tiếp tục là lực thúc mạnh nhất đối với tinh thần học tập. Tuy nhiên, lực thúc này sẽ lung lay nếu như đại đa số các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam lại chỉ muốn thuê nhân công trình độ trung bình hoặc thấp với mức lương rẻ. Ngoại lực này rõ ràng không nên là nhân tố mang tính chất quyết định. Cũng không thể trông chờ kỳ công cải cách giáo dục bởi hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn nặng nề và cồng kềnh hơn, sẽ luôn vướng mắc cùng vấn đề với nền giáo dục của Mỹ mà cuốn sách “Sinh tồn của đô thị” đã đề cập đến. Những nỗ lực khuyến học, khuyến đọc từ chính khối dân sự, với sự trợ giúp không đáng kể từ chính quyền, chỉ là một điểm sáng he hé giữa thời buổi nhá nhem, nhưng không đủ để thúc đẩy xã hội thực sự tiến bộ, trong khi các doanh nghiệp liên tục vắt kiệt sức lao động và chiếm dụng thời gian cá nhân của công nhân và nhân viên cho các mục tiêu làm giàu nhất thời. Xây dựng đô thị học tập, rộng hơn nữa là xã hội học tập rõ ràng là con đường tất yếu phải đi cho Việt Nam, nhưng làm thể nào để thúc đẩy, thì đến nay vẫn là một nan đề khó giải, mà rõ ràng không dễ để thực hiện đồng bộ trong khi thí điểm thì lại quá manh mún và hiệu quả không đáng kể.

Hà Thủy Nguyên

*Ảnh chủ đề bài viết: Sự kiện trao đổi ĐÔ THỊ HỌC TẬP – NHỮNG VẤN ĐỀ NAN GIẢI TRONG QUÁ TRÌNH THÚC ĐẨY được tổ chức tại Trung tâm Book Hunter, ngày 20/8/2022.

*Chú thích:

  1. Trang 300, “Chiến thắng của đô thị”, Edward Glaeser, Book Hunter dịch, Book Hunter & NXB Hội Nhà Văn xuất bản 2022
  2. Bài báo “Nông thôn, hoang dã, đô thị” (The Rural, the Wild, the Urban), Augustin Berque, Sophia Ngo dịch. Bài đăng tại Chuyên đề điện tử Book Hunter số tháng 12/2021, chủ đề KIẾN TẠO.
  3. Trang 72 – 76, “Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens”, Plutarch, Bùi Thanh Châu dịch, NXB Thế giới & Omega+ xuất bản, 2019
  4. Trang 92, “Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens”, Plutarch, Bùi Thanh Châu dịch, NXB Thế giới & Omega+ xuất bản, 2019
  5. Trang 113, “Lịch sử của đô thị hiện đại”, Shane Ewen, Đào Quốc Minh dịch, Viện IPER & NXB Dân Trí xuất bản, 2022.
  6. Trang 73-79,94-95, “Chiến thắng của đô thị”, Edward Glaeser, Book Hunter dịch, Book Hunter & NXB Hội Nhà Văn xuất bản 2022
  7. Detroit Showed What ‘Build Back Better’ Can Look Like – Bloomberg – Bản dịch tiếng Việt đăng tại Chuyên đề điện tử Book Hunter số tháng 1/2022, chủ đề BÌNH AN.
  8. Islamic Golden Age | Islamic History
  9. Trang 317-327, “Sinh tồn của đô thị” , Edward Glaeser & David Cutler, Book Hunter dịch, Book Hunter & NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2022
  10. Trang 330-331, “Sinh tồn của đô thị” , Edward Glaeser & David Cutler, Book Hunter dịch, Book Hunter & NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2022
  11. Trang 40-41, “Xây dựng xã hội học tập”, Joseph E.Stigliz & Bruce C.Greenwwald, Đỗ Đức Thọ – Nguyễn Thị Lan Anh – Dương Bá Đoan – Phan Thu Hoài, NXB Chính trị Quốc gia & Omega+
  12. Trang 64, 72 -74, “Xây dựng xã hội học tập”, Joseph E.Stigliz & Bruce C.Greenwwald, Đỗ Đức Thọ – Nguyễn Thị Lan Anh – Dương Bá Đoan – Phan Thu Hoài, NXB Chính trị Quốc gia & Omega+
  13. Trang 85-86, “Xây dựng xã hội học tập”, Joseph E.Stigliz & Bruce C.Greenwwald, Đỗ Đức Thọ – Nguyễn Thị Lan Anh – Dương Bá Đoan – Phan Thu Hoài, NXB Chính trị Quốc gia & Omega+

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An. Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà

Chiến thắng của đô thị hay sự thất bại của thị dân?

Mỗi khi đọc lại “Chiến thắng của đô thị” của nhà kinh tế học Edward Glaeser, tôi luôn nghĩ rằng có lẽ tác giả nên đổi tên cuốn sách thành “Sự thất bại của thị dân”. Vâng, những thị dân quần tụ trong các đô thị đông đúc và phồn thịnh đã thất bại trong cuộc tìm kiếm một cuộc sống thịnh vượng hơn, xanh hơn, lành mạnh hơn. Các đô thị trên thế giới, mà Việt Nam cũng nằm trong số đó luôn được

Tìm lại giao cảm tại các đô thị sau thời kỳ biệt lập vì dịch bệnh

“…cuộc sống đô thị luôn tồn tại lâu hơn dịch bệnh, nhưng không phải thành phố nào cũng được như vậy…” (Trích “Sinh tồn của đô thị”/Tác giả: Edward Glaeser & David Cutler/ Bản dịch của Book Hunter, NXB Đà Nẵng,2022) Thế rồi, dịch bệnh Covid-19 cũng dần dần bị đẩy lùi, và nhân loại bắt đầu rời khỏi bốn bức tường an toàn. Nếu như những ngày đầu của dịch bệnh từng khiến chúng ta xáo trộn, vừa hoảng loạn vì bị tách khỏi

Đi tìm “tính Việt” trong những tách trà

Nằm trong khu vực có khí hậu và thổ nhưỡng tốt cho sinh trưởng của cây trà, nhưng đến nay trà Việt vẫn loay hoay trong định vị văn hóa của mình trên bản đồ thế giới. Trong “Trà Kinh”, Lục Vũ viết về nguồn gốc của trà  như sau: “Trà là giống cây quý phương Nam”( Trần Quang Đức dịch), phương Nam ở đây ám chỉ một dải đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử, kéo dài xuống Ấn Độ và bán

Tiếng ồn trong các đô thị – suy giảm sức khỏe, thiệt hại kinh tế & văn hóa tụt hậu

Tập hợp một lượng lớn dân cư trong một không gian nhỏ hẹp như các đô thị, một mặt vừa tạo ra cơ hội, nhưng mặt khác lại gây ra rất nhiều nguy cơ lớn như dịch bệnh, chất thải, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Trong nhiều thế kỷ sinh tồn, không chỉ học giả mà ngay cả những cư dân có trình độ thấp mưu sinh tại các đô thị đều nhận thức được các nguy cơ này, nhưng gần như,